Mỹ : Marco Rubio, có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, được Trump chọn làm ngoại trưởng Thượng nghị sĩ Marco Rubio, một nhân vật nổi tiếng với đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc, hôm qua 13/11/2024 được tổng thống tân cử Donald Trump chọn làm tân ngoại trưởng Mỹ. Ông Marco Rubio, vốn bảo vệ quyền tự chủ của Đài Loan, đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế giao thương với Trung Quốc và đã vận động trừng phạt nhà nước Trung Quốc do các hành động ở Hồng Kông và hành vi chống người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
<!>
Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio (phải) trong cuộc vận động tranh cử tại bang Bắc Carolina với ứng cử viên Donald Trump. Ảnh chụp ngày 04/11/2024. AP - Evan Vucci
Thùy Dương
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm về những tác động sắp tới của Marco Rubio trong cương vị ngoại trưởng của chính quyền Donald Trump :
Việc chọn Marco Rubio làm ngoại trưởng có thể đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Rubio là nhân vật chỉ trích gay gắt các phương thức kinh doanh của Trung Quốc, đặc biệt là đánh cắp sở hữu trí tuệ và thao túng thị trường.
Để bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ, Marco Rubio đã đề xuất những dự luật ngăn chặn các nhà sản xuất Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ thông qua các nước thứ ba như Việt Nam hoặc Mêhicô.
Rubio cũng là một nhân vật nhiệt thành ủng hộ Đài Loan và như vậy là Washington sẽ tăng cường các quan hệ quân sự và ngoại giao với Đài Bắc và điều này có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận. Tại Thượng Viện Mỹ, đặc biệt ông đã kêu gọi vũ trang cho đảo Đài Loan, thông qua việc cung cấp trực tiếp các thiết bị quân sự của Mỹ cho Đài Bắc, thay vì thông qua việc bán vũ khí.
Quan điểm của ông Rubio thể hiện một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt bằng cách củng cố, tăng cường các liên minh trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và chống dự án Những Con Đường Tơ Lụa Mới, dự án mà theo ông đang được Bắc Kinh sử dụng để mở rộng thế lực của Trung Quốc.
Và cuối cùng, Rubio chống lại các liên minh ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên, bởi vì theo ông các liên minh này có mục tiêu duy nhất là làm suy yếu Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington.
Mỹ, Đức nỗ lực vận động hỗ trợ Ukraina trước khi Trump nhậm chức tổng thống
Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm nỗ lực đến phút chót để hỗ trợ Ukraina chống quân Nga. Ngày 13/11/2024, khi tiếp tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng, ông Joe Biden kêu gọi người kế nhiệm « tiếp tục hỗ trợ » Kiev. Cùng ngày, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bruxelles khẳng định lại cam kết của Mỹ và huy động các nước châu Âu thúc đẩy hỗ trợ Ukraina.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) và tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp tại Berlin, Đức, ngày 18/10/2024. REUTERS - Elizabeth Frantz
Thu Hằng
Tại buổi họp báo, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết tổng thống mãn nhiệm « nhấn mạnh rằng, theo ông, sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Ukraina nằm trong lợi ích an ninh quốc gia ».
Còn tại Bruxelles, theo AP, ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh « tổng thống Biden cam kết làm mọi cách để mỗi đô la mà chúng tôi có sẽ được chi từ nay đến ngày 20/01 », ngày mà ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông cũng hối thúc các nước NATO tập trung nỗ lực để « bảo đảm cho Ukraina có đủ tiền, đạn dược và lực lượng để chiến đấu một cách hiệu quả trong năm 2025, hoặc để có thể đàm phán hòa bình trên thế mạnh ». Mỹ « sẽ thích ứng và điều chỉnh » những trang thiết bị cuối cùng sẽ được gửi trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông Biden.
Đức, nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraina, cũng đang gặp khủng hoảng chính trị và sẽ bầu lại Quốc Hội tháng 02/2025. Ngày 13/11, khi báo cáo kết quả của chính phủ trước Hạ Viện, thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng Ukraina có thể « trông cậy vào đất nước và tình tương ái của chúng ta… Chúng ta có trách nhiệm để Ukraina không bị bỏ rơi ». Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI tại Berlin, chính sự ủng hộ Ukraina đã gián tiếp làm liên minh cầm quyền tan rã nhanh hơn.
Việc lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ cuộc chiến của Nga đã gián tiếp kéo Hàn Quốc nhập cuộc. Theo Yonhap, trả lời phỏng vấn cơ quan thông tấn Tây Ban Nha EFE ngày 14/11, tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc có lẽ sẽ hỗ trợ thêm cho Kiev tùy theo mức độ can thiệp của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến của Nga.
Cuộc chiến tại Ukraina đã kéo dài gần 3 năm và không có dấu hiệu suy giảm. Sáng 14/11, quân đội Ukraina cho biết đã bắn hạ 21 drone của Nga trong đêm. Lần đầu tiên từ 73 ngày qua, thủ đô Kiev bị tấn công cả bằng drone và tên lửa. Trong khi đó lực lượng Ukraina vẫn cố chống cự quân Nga ở mặt trận miền đông Donetsk.
Trung Quốc lại điều hải cảnh tuần tra ở bãi cạn Scarborough
Trong hai ngày liên tiếp, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động nhằm xác quyết chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough chiếm của Philippines vào năm 2012. Ngày 14/11/2024, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết đã tổ chức tuần tra quanh bãi cạn Scarborough, ngay sau khi hải quân và không quân Trung Quốc tiến hành tuần tra chung trong khu vực.
Ảnh tư liệu: Tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough, nơi có tranh chấp chủ quyền với Philippinees, ngày 05/04/2017. REUTERS - Erik De Castro
Thu Hằng
Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết « đã tiến hành các cuộc tuần tra thực thi pháp luật trong các vùng lãnh hải của đảo Hoàng Nham của Trung Quốc và khu vực lân cận ». Hoàng Nham (Huangyan) là tên Trung Quốc đặt cho bãi cạn Scarborough, còn Philippines gọi là Panatag hoặc Bajo de Masinlóc.
Về mặt ngoại giao, đại sứ Trung Quốc ở Manila đã cảnh báo Philippines ngừng mọi « hành động đơn phương » có thể làm gia tăng căng thẳng trong vùng. Ông khẳng định việc Trung Quốc công bố các đường cơ sở mới cho bãi cạn Scarborough là « biện pháp đáp trả cần thiết » cho việc Philippines công bố hai luật mới để tái khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trước đó, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Philippines lên để phản đối.
Ngoài Mỹ và Úc, Ấn Độ cũng ngầm ủng hộ hai luật mới của Philippines. Theo trang Deccan Hearald, phát biểu trong một sự kiện kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar nhấn mạnh « Cả hai đất nước chúng ta đều cam kết sâu sắc trong việc duy trì luật pháp, chuẩn mực và quy tắc quốc tế ».
Tổng thống Indonesia khẳng định bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
Indonesia cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng tân tổng thống Prabowo Subianto đã chọn Trung Quốc cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 08-10/11 và đã ký một thỏa thuận hàng hải với Bắc Kinh. Theo Reuters, trước những lo ngại về việc chính quyền mới công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong « đường lưỡi bò », ngoại trưởng Indonesia đã trấn an.
Ngày 13/11, trong chuyến công du Washington, tổng thống Prabowo Subianto cũng tuyên bố ông « sẽ luôn bảo vệ chủ quyền » của Indonesia, nhưng lưu ý rằng hợp tác luôn tốt hơn là xung đột và « chúng tôi tôn trọng mọi cường quốc ».
COP 29 : Nước chủ nhà Azerbaijan công kích Pháp và châu Âu, gây khủng hoảng ngoại giao
Khủng hoảng ngoại giao tại COP 29: Hôm qua, 13/11/2024, trong một bài phát biểu, tổng thống nước chủ nhà Azerbaijan, Ilham Aliev, đã lên án "lịch sử thuộc địa" của Pháp và điều mà ông gọi là "các tội ác dưới chế độ Macron". Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Pháp ngay lập tức đã hủy chuyến đi Baku, không một thành viên nào của chính phủ Pháp có mặt tại hội nghị khí hậu của Liên Hiệp Quốc.
Tổng thống Azerbaijan Aliev trong cương vị chủ nhà hội nghị khí hậu COP29, Baku, ngày 13/11/2024. AP - Rafiq Maqbool
Chi Phương
Quan hệ giữa Baku và Paris đã trở nên căng thẳng từ mùa hè vừa qua, khi Pháp cáo buộc Azerbaijan kích động bạo loạn ở vùng hải ngoại Nouvelle-Calédonie.
Theo AFP, trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev không những lên án Pháp mà còn chỉ trích lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, do vào năm 2022 ông đã so sánh châu Âu là một khu vườn và phần còn lại của thế giới là rừng rậm. Ông Aliev cho rằng « nếu chúng tôi là rừng rậm thì hãy tránh xa chúng tôi, đừng can thiệp vào công việc của chúng tôi ».
Sáng nay, trên mạng xã hội X, ông Joseph Borrell cho rằng các bình luận của tổng thống Aliev là « không thể chấp nhận được », và có thể làm giảm đi các mục tiêu cần thiết của COP 29.
Trong cuộc họp báo sáng nay, trưởng ban đàm phán đại diện cho Azerbaijan tại COP 29, Ialtchine Rafiev, đã cố xoa dịu tình hình, khẳng định « Baku vẫn luôn mở rộng cánh cửa để cả thế giới có thể tham gia thảo luận một cách xây xựng » và nhắc lại rằng 80 lãnh đạo các nước đã đến Azerbaijan.
Vụ việc diễn ra trong bầu không khí đàm phán căng thẳng, hội nghị được tổ chức tại một quốc gia bị tố cáo là độc tài, vắng bóng nhiều lãnh đạo của khối G20 và trong bối cảnh Donald Trump, một nhân vật hoài nghi về biến đổi khí hậu, tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Hôm qua, Achentina, với tổng thống Javier Milei có cùng lập trường với Donald Trump về khí hậu, đã rút phái đoàn của nước này khỏi hội nghị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét