Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017

Tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 118 - Chủ Đề: Lòng Mẹ


Inline image

Nội dung tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 118 kỳ này là số chủ đề: “Lòng Mẹ” với những bài viết: 
- Mẹ tôi (bài Trạch Gầm) 
- Mẹ (tùy bút Thanh Lan) 
- Giai thoại một số bài hát ngoại quốc nổi tiếng về Tình Mẹ (bài Hoài Nam) 
- Mình mẹ hai vai gánh vác tất cả (bài Vũ Đức Sao Biển) 
- Ca Dao Mẹ - Tiếng Ru Con Của Mẹ Việt Nam Trong Cơn Binh Lửa (bài Chu Văn Lễ) <!>
- Tình Mẹ vô bờ (tùy bút Phượng Linh) 
- Mẹ yêu (tạp ghi Phương Hồng Quế) 
- Nhạc sĩ “Lòng mẹ” Y Vân: 60 năm cuộc đời không lãng quên (bài Nguyên Minh) 
- Ca sĩ Trang Mỹ Dung: ‘Từ khi mẹ mất, tôi ít đi hát’ (nguồn: Châu Mỹ) 
- Mẹ Ta Trả Nhớ Về Không (Thơ Đỗ Trung Quân) 
- Mẹ (Thơ Đỗ Trung Quân) 
- Bông Hồng Cài Áo (bài Nhất Hạnh) 
- Mẹ (Thơ Bạch Tuyết)

Ngoài ra, trong số báo này, còn có những tin tức và hình ảnh phong phú như:

- Nhà thơ Nhất Tuấn vẫn khỏe, không như tin đồn 
- Ý Lan lo lắng danh ca Thái Thanh sức khỏe yếu 
- Thi sĩ Nguyên Sa (bài Đinh Tiến Luyện)
- 1001 Khuôn Mặt Thương Yêu: Ca sĩ Bạch Tuyết - giọng hát tân nhạc của những đêm Saigon sôi động một thời (bài Trần Quốc Bảo) 
- Phút Nói Thật với ca sĩ Bạch Tuyết (Trầm Từ Đông ghi nhận)

Bạch Tuyết (tân nhạc)

- Ca sĩ Thu Hương (Paris) và những món quà gửi Thế Giới Nghệ Sĩ 
- Nhạc Ngoại Quốc Trong Tuần: Demis Roussos - From Souvenirs To Souvenirs - Nghe Tiếng Thời Gian Trở Về 
- MC Kỳ Duyên tiết lộ ca sĩ Kỳ Phương Uyên bị tạm giữ bảy tiếng ở Anh 
- Cuộc hội ngộ của nghệ sĩ, MC Trần Quốc Bảo, nhạc sĩ Tom Sĩ Lê trong chuyến lưu diễn Brisbane, Úc Châu tháng 4, 2017 với gia đình ca nhạc sĩ Bích Ngọc & Thái Nguyên tại thành phố biển Gold Coast, Queensland (kỳ 1 và 2) 
- Sinh Nhật, Tử Nhật trong làng nghệ sĩ 
- Trần Quốc Bảo và Nhật ký 18 ngày chuyến lưu diễn kinh hoàng tại Úc Châu (kỳ 8) 
- Hồi ký Minh Ngôn (kỳ 33) + Hồi ký Huyền Vũ (kỳ 76) 
- Chuyện mới nhất: “Người chết” đột nhiên sống lại khi sắp được khâm liệm (nguồn: Xuân Sinh/Dân Trí) 
- Mỗi tuần một dấu tích Saigon xưa 
- Người Nổi Tiếng Và Những Phát Biểu, Suy Nghĩ: Ca nhạc sĩ Phan Đình Tùng, danh hài Thúy Nga 
- Ranh ngôn: Đặng Minh Mẫn sưu tập 
- Cười Tủm Tỉm: Tuấn Chhum chọn lọc 
- Phút Suy Ngẫm: Dương Thành Thông góp nhặt  
- Lời Hay Ý Đẹp: Chị Connie Perfume sưu tầm

Nhà thơ Nhất Tuấn vẫn khỏe, không như tin đồn

Ảnh mới nhất chụp Trung Tá Phạm Hậu (tức nhà thơ Nhất Tuấn) tại nhà Hải Quân Trung Tá / Nhà văn Phan Lạc Tiếp ở San Diego ngày 8 tháng 5 năm 2017

          Sáng Thứ Hai 8/5, trên một số diễn đàn mạng điện toán xôn xao tin tác giả Con Quỳ Lậy Chúa Trên Trời, Hoa Học Trò... đã rũ bỏ nợ trần, làm nhiều người bàng hoàng, thương tiếc. Riêng tòa soạn Thế Giới Nghệ Sĩ cũng nhận được điện thoại báo tin dữ từ một thân hữu ở tiểu bang Washington, cũng là nơi nhà thơ Nhất Tuấn (nguyên Trung Tá Phạm Hậu) đang sinh sống. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau, chị gọi lại đính chính tin đồn thất thiệt và cho biết nhà thơ Nhất Tuấn đang du lịch ở San Diego cùng gia đình, vẫn khỏe mạnh. Cả tòa soạn thở phào nhẹ nhõm. Cùng lúc, trên mạng cũng lan truyền tấm hình mới nhất vào cùng ngày cho thấy nhà thơ Nhất Tuấn đang ghé thăm nhà văn Phan Lạc Tiếp ở San Diego. 
     Thi sĩ Nhất Tuấn tên thật là Phạm Hậu, sinh năm 1935, cùng năm với MC Ngọc Phu, nhà văn Duyên Anh, nhà thơ Hà Huyền Chi, nhạc sĩ Khánh Băng, nhạc sĩ Nhị Hà... Trước 1975, ông từng là Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Đông Hà và Phần Phát Thanh Quân Đội Huế năm 1962, Quản Đốc Đài Phát Thanh Nha Trang năm 1966 và Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội Saigon năm 1968... Đến năm 1970, ông theo học lớp Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp / Đại Học Quân Sự Dalat, năm 1971 làm Giám Đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh Saigon, năm 1974 là Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã... Trong thập niên 1960, ông từng giữ vai trò chỉ huy Đại Đội Văn Nghệ Trung Ương (tiền thân của Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương).

Trung Tá Phạm Hậu (tức nhà thơ Nhất Tuấn)

      Nhớ lại khoảng đầu tháng 10 năm 2015, tòa soạn Thế Giới Nghệ Sĩ nhận được một cú điện thoại từ Seattle, Washington, trên đầu dây là một giọng nói trẻ trung tự giới thiệu là nhà thơ Nhất Tuấn. Ông cho Trần Quốc Bảo biết là độc giả thường xuyên của tờ Thế Giới Nghệ Sĩ mà ông mua được tại thành phố Seattle hàng tuần. Được giới thiệu CD Tiếng Hát Phượng Linh “Mùa Xuân Không Còn Nữa” qua tuần báo, ông gọi đến để nhờ mua giúp cuốn CD vì thấy danh sách bài hát toàn những khúc tình ca nổi tiếng một thời trước 75. Ca sĩ Phượng Linh vốn sinh hoạt trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, khi hay tin này, đã gửi biếu ông dĩa nhạc của chị với lòng quý mến một bậc đàn anh từng lãnh đạo đơn vị tiền thân của Biệt Đoàn. 
     Ca sĩ Hồng Tước (em của danh ca Kim Tước), trong một bức thư gửi nhà văn Việt Hải khi được tin đính chính nhà thơ Nhất Tuấn còn khỏe, đã viết: “Tôi gặp ông bà Phạm Hậu cách đây vài năm tại Virginia. Lúc ấy ông ta bắt dầu bị Azl..., không nhớ lối vào phòng nữa. Nhưng khi ngồi nghe ông ta nói chuyện thì rất hấp dẫn, xuất khẩu thành thơ, mà toàn là thơ tình thôi. Khi tôi hát bài Tóc Mây cho các anh chị bên ấy nghe... ông ta giới thiệu một tràng về bài này, nghe thật thích thú... Ông anh họ tôi Tạ Quang Khôi (gần 90 tuổi), than sao mãi ông không về chầu trời mà bạn bè ông lại ra đi hết... Thế này thì chắc ông Phạm Hậu sẽ sống đến trăm tuổi!” Mong rằng lời tiên đoán của chị Hồng Tước sẽ là sự thật.

Phuong Linh Sau đó chị có dịp được tiếp chuyện với Ô. Phạm Hậu vài lần trên điện thoại. Thương mến chúc Ông Bà Phạm Hậu . " Nhà thơ Nhất Tuấn " sống lâu trăm tuổi , bình an ,thật nhiều sức khỏe.....
Tran Quoc Bao
Tran Quoc Bao Cuốn CD đầu tay của chị rất hay và giá trị. Đúng là có đầu tư tâm huyết và tiền bạc.. cho nên người mua hoặc người nghe cảm nhận được sự trân trọng của người thực hiện.
Phuong Linh
AC may mắn có được một gia đình nhỏ supported plus.... hihihi vẫn có order.
Phuong Linh
Phuong Linh Trên điện thoại giọng Ông rất trầm ấm dịu dàng trẻ trung không thể đoán được . Ông nói chừng nào quá Seatle thì liên lạc ghé chơi thăm . Ông tâm sự Ông rất thích Seatle vì khí hậu và cảnh giống Đà Lạt hơn những tiểu bang khác. Sau khi tiếp chuyện với Ông vài lần. Rất kính phục. Một trưởng thượng, một cấp chỉ huy, một nhà thơ nhiều người hâm mộ và rất yêu thơ nhạc của Ông. Cuối cùng thì Ông đặt mua thêm CD để thân tặng các bạn thương mến của Ông.

Ý Lan lo lắng danh ca Thái Thanh sức khỏe yếu

Ý Lan khóc khi nhắc tới mẹ. Ảnh: Minh Thư.

      Trong đêm nhạc chủ đề “Ngày Xưa Hoàng Thị” tại phòng trà Nguyễn Ánh 9 ở Saigon hôm 5/5/2107, ca sĩ Ý Lan bỗng bật khóc khi tâm tình với khán giả về danh ca Thái Thanh: “Hiện nay sức khỏe của mẹ Thái Thanh rất yếu. Đây là giai đoạn khó khăn nhất với các anh chị em trong nhà”. Ý Lan cùng phu quân Anh Tuấn chỉ lưu lại Việt Nam vài ngày rồi bay về Mỹ ngay để lo cho mẹ, năm nay sắp bước qua tuổi 83. 
     Tình cảm của hai mẹ con Thái Thanh - Ý Lan thật nồng nàn, chan chứa, vì ngoài tình mẫu tử thiêng liêng còn có tình yêu văn nghệ dạt dào. Trong một cuộc phỏng vấn nhân ngày Hiền Mẫu trước đây, Ý Lan tâm sự: “Ðiều hạnh phúc nhất của tôi là vẫn còn Mẹ để có thể chúc mừng mẹ trong ngày lễ thiêng liêng này, bên cạnh đó tôi cũng được là mẹ của 6 người con, và cô con gái lớn hiện nay cũng là mẹ của 2 cháu ngoại của tôi, một gái và một trai, vì thế chữ ‘Mẹ’ trong gia đình tôi rất lớn, nó bao trùm cả 3 thế hệ, cho đến giờ này vẫn còn sống quây quần bên nhau, và thật sự đôi lúc tôi bỗng sợ nếu như một ngày nào đó niềm hạnh phúc hôm nay không còn nguyên vẹn nữa… Vì mẹ già như chuối chín cây mà… Khi chuối đã già thì phải héo, rụng… Chỉ nghĩ đến đó thôi tôi cũng đủ rùng mình”. 
     Ba năm trước, một buổi tiệc mừng thượng thọ 80 tuổi của danh ca Thái Thanh được tổ chức tại Little Saigon, California giữa con cháu, bạn bè. Đêm đó, Thái Thanh hát tặng quan khách 3 ca khúc Nửa Hồn Thương Đau, Nụ Tầm Xuân và Tình Ca khiến mọi người rất xúc động. 
    Danh ca Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Hà Nội, con út trong một gia đình âm nhạc. Cha là nhạc sĩ Phạm Đình Phụng, hai anh cùng cha khác mẹ là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm (Hoài Trung), chị là ca sĩ Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), anh là nhạc sĩ Phạm Đình Chương (Hoài Bắc). Từ thuở nhỏ, bà khởi sự đi hát trong ban hợp ca Thăng Long của gia đình ở Hà Nội, sau di cư vào Nam. Năm 1956, Thái Thanh lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh tại Saigon, có với nhau 3 gái 2 trai, rồi ly dị năm 1965. Sau biến cố lịch sử đau thương năm 1975, bà nhất quyết không hát, không sinh hoạt văn nghệ cho tới ngày vượt biên qua Hoa Kỳ năm 1985. Khi ấy bà mới cất tiếng hát trở lại, trình diễn trên sân khấu Thúy Nga Paris by Night và thu âm khá nhiều, đặc biệt với trung tâm Diễm Xưa của ca sĩ Thái Xuân trong thập niên 1990. Năm 2000, Thái Thanh bị tai biến mạch máu não, tuy hồi phục nhưng bà chính thức tuyên bố giải nghệ vào năm 2002 sau một đêm diễn cùng các con, cháu. Khoảng 10 năm trở lại đây, sức khỏe và trí nhớ của bà có phần sa sút. 
     Nhà văn Mai Thảo từng xưng tụng giọng ca Thái Thanh là “tiếng hát vượt thời gian” vang danh từ đầu thập niên 1950, đến khi qua tỵ nạn tại Hoa Kỳ thì tiếng hát đó đã thực sự “vượt cả thời gian lẫn không gian và chuyên chở cái tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn bi thương nhất” như lời nhận xét của nữ ca sĩ Quỳnh Giao. Và cũng theo Quỳnh Giao, “Chỉ ở những bài về tình mẹ, Thái Thanh mới thực sự hát cho chính mình và cho đời sau”. Cầu mong bà sẽ còn những ngày tháng vui vầy cùng con cháu, đặc biệt trong dịp sum họp nhân ngày Lễ Mẹ năm nay 2017.


Tùy Bút Thanh Lan
MẸ

Thanh Lan trong lòng Mẹ ngày về Hà Nội (quê của bà ngoại) năm 1951

      Tuổi thơ của Mẹ là một chuỗi ngày thần tiên. Ông ngoại là Quan Bộ Học ở Huế (sau này là Bộ Giáo Dục), rồi Đốc Học trường Pháp tại Thanh Hóa nên những người quen thân hay sơ đều gọi ông ngoại là ông Đốc. Tức là hiệu trưởng, nói theo những năm 50 tại miền Nam Việt Nam. 
     Mỗi mùa hè, người tài xế mặc bộ Âu phục đầu đội nón cát-két lái chiếc xe limousine dài thượt đưa ông bà ngoại và các cậu các dì đi nghỉ mát ở bãi biển Sầm Sơn. Cuộc đời cứ êm đềm trôi. Mỗi tối, chị vú tắm cho Mẹ rồi bồng lên giường. Mẹ đi vào giấc ngủ với những hình ảnh công chúa hoàng tử trong truyện cổ tích. 
     Gia đình chợt rơi vào nỗi hoảng loạn khi ông ngoại bị bạo bịnh qua đời khi mới hơn 40. Bà ngoại ngày trước là tiểu thơ phố Hàng Đào Hà Nội bỗng dưng trơ trọi trên đời với bầy con còn nhỏ dại, Mẹ là con gái đầu lòng cũng chỉ độ 15. Trong nhà có gì cũng bán dần để tồn tại. 
     Rồi tình hình đất nước chinh chiến bùng nổ khắp nơi. Nhà cũng phải bỏ mà đi, bà ngoại chẳng bao lâu cũng qua đời tại mái tranh nghèo của một chị người làm đã trung thành với chủ cho đến giờ phút cuối. Chẳng qua là trong năm 45, bà ngoại đã từng đem gạo ra trước cửa nhà mình phát cho những ai nghèo đói chạy nạn ngang qua. Do làm phước thì được phước, nên cũng còn có được nơi chốn mà trút hơi thở cuối cùng. 
     Mẹ, chưa đến tuổi trưởng thành, dắt đàn em tìm chỗ nương thân, có đêm ngủ nhờ nhà họ hàng, nửa đêm nghe vợ chồng họ xì xầm sáng mai phải tìm cách tống lũ trẻ này đi. Mẹ ngồi khóc hết nước mắt chờ đến sáng để rồi lại dắt các em đi tiếp trên con đường vô định, tương lai mịt mờ. 
     Trời không bỏ ai nên Mẹ và Ba đã gặp nhau, thương nhau và sống với nhau trọn đời, như lời hứa với nhau một đêm trăng sáng tại thành phố Vinh. Tuy nhiên trong giai đoạn vườn không nhà trống, căn nhà gia đình của Bố cũng bị đập tan hoang. Mẹ và Bố cùng các em và đứa con gái đầu lòng chạy lên miền núi tránh bom đạn. Mẹ gánh bún măng vịt đi bán hằng ngày, đôi khi trời mưa bán ế Mẹ đành gánh về, cả nhà phải vừa ăn bún măng mà khóc cho công khó nhọc của Mẹ. Đôi khi Mẹ được một gia đình nhờ dạy cho con họ biết đọc biết viết, hoặc đan cho con họ những chiếc áo len xinh xắn, đổi lại họ cho tí gạo tí khoai. 
     Rồi tất cả cũng ra được đến Hà Nội. Mẹ có ngay việc làm khá tốt vì đã từng là học sinh trường Bưởi, ngoại ngữ lại giỏi. Năm 53, Mẹ xin được việc ở hãng hàng không Air Việt Nam nên bay vào Saigon nhận việc, sau đó cả nhà cũng bay vào theo. Sau này Mẹ tuần tự làm nhân viên cho các hãng máy bay Air France và Pan American tại Saigon. 
     Mẹ được đoàn trượt tuyết Holiday on Ice của nước Đức mời làm MC, giới thiệu chương trình bằng 3 thứ tiếng Việt Anh Pháp trong những ngày đoàn trình diễn tại Saigon vào đầu những năm 60. Sau đó Mẹ lại được đoàn mời đi trình diễn với họ một năm vòng quanh thế giới. Vậy mà Mẹ từ chối. 
“Mẹ không muốn xa gia đình”. 
    Nét mặt Mẹ bình thản khi nói câu này. Thản nhiên, không tiếc nuối. 
     Những năm 60, đầu 70, gia đình yên ấm vui vẻ. Mẹ càng ngày càng xinh đẹp, làm việc gì cũng thành công. Mẹ lái xe Austin mui trần màu xanh nhạt đi làm hằng ngày. Mặc sơ mi nhạt với váy xòe rộng và thắt lưng to bản, eo nhỏ xíu. Mẹ đẹp không thua gì Vivien Leigh trong phim Cuốn Theo Chiều Gió. Cá tính Mẹ cũng mạnh mẽ như cô nàng Scarlet. 
    Vậy mà Mẹ mất khi mới 65, khi nhìn Mẹ vẫn chưa thấy già và Mẹ còn rất ham sống. Bịnh tim không tha một ai, nhất là những ai đã trải qua cả một đời thăng trầm như Mẹ. Làm việc cả đời rồi tay trắng vẫn hoàn tay trắng. 
    Mẹ mất năm 92, đến năm nay đã là 25 năm rồi. Nếu tin vào sự đi đầu thai thì Mẹ bây giờ đã là một người nào khác tại một nơi nào rồi. Mẹ, Mẹ còn nhớ con không? 
    Riêng con thì cảm thấy như luôn có Mẹ bên cạnh, để Mẹ cho con thêm sức mạnh khi con đau buồn. “Can đảm lên con”. 
    Con chỉ cần nghe Mẹ nói vậy là con lại ngẩng đầu lên để sống nốt kiếp người. Con nhớ Mẹ, Mẹ hiền yêu dấu của con. 
Cali, tháng 5, 2017

MẸ TÔI

(trích bài của nhà văn Trạch Gầm đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 118 phát hành ngày 12 tháng 5 năm 2017)

Bà Tùng Long

     Bây giờ đang ở cái tuổi của đất trời, trên 7 bó rồi còn gì, mà… bất thình lình có người bạn nào hỏi bạn “hồi bạn một, hai, ba tuổi bạn có biết bạn làm cái gì, kể nghe”. Chắc là bạn chỉ có nước cười trừ, làm sao mà biết. Ngược lại nếu bạn hỏi tôi câu nầy, ít ra tôi… cũng có vài ba câu chuyện kể cho bạn vui… 
     Sở dĩ tôi biết chuyện để kể vì… tôi có một Bà Mẹ tuyệt vời… 
     Cái thằng nầy ngộ lắm. Đúng một tuổi là nó lẫm đẫm biết đi, chẳng phải mất công tập gì cho nó cả. Nó bò tới vách tường, lần tay chống vào vách, đứng dậy. Ạch đụi một vài lần rồi lần theo vách cứ thế mà xê dịch. Biết đi rồi nó bắt đầu phá. Nhìn lối phá của nó, không hiểu nổi mà vẫn thấy vui. Một lần bú no một bụng, nó tuột xuống, lững thững ra ngoài sân, hai tay bụm cho một nắm đất cát, lạch bạch vào nhà, thẳng xuống nhà bếp, bỏ hết nắm đất cát vào lu nước. Phủi tay thật sạch, đứng nhìn vào lu một hồi, lại ra sân, lại bụm nắm cát đi vào… Nó làm như thế mười mấy lần không biết chán, đến lúc mệt nhoài thì lăn đùng xuống sàn nhà nằm ngủ. 
     Nhà có một con mèo con, nó thường chơi với con mèo nầy. Một hôm tối cả nhà sắp ngủ, cứ nghe có tiếng mèo kêu và rục rịch sau hè, ra, mới biết là nó lấy cái rổ, úp, nhốt con mèo con trong đó, hay cái là nó còn biết lượm mấy cục gạch, mấy cục đá dần trên cho con mèo không thoát ra được. 
     Chuyện tôi một tuổi, hốt cát bỏ vào lu nước, úp rổ nhốt con mèo con trong đó, không phải đợi khi tôi lớn mẹ tôi mới kể lại cho tôi nghe. Chuyện lúc một hai tuổi của anh em tụi tôi, lúc chúng tôi còn quanh quẩn bên Bà. (Tụi tôi đông anh em lắm, Mẹ tôi ngoài việc nuôi dưỡng ba người con riêng của Thầy tôi, còn sanh cho Thầy tôi một dọc mười đứa con). Mẹ tôi thường mang ra kể lại cho anh em chúng tôi, nhiều lần lắm lắm… hồi nhỏ Chị mầy thế nọ, Anh mầy thế kia, trong mỗi sự việc, dù tốt hay hư, mỗi lần kể, Mẹ tôi lúc nào cũng đặt cái Tâm của mẹ tôi vào câu chuyện. 
     Ngồi quan sát tôi bỏ cát vào cái lu, hằng giờ, hằng giờ, đúng ra với các bà Mẹ khác thì cũng phát đít con mình vài cái, Mẹ tôi thì không, Bà thích thú với cái tính bền bỉ khi tôi thực hiện trò chơi nghịch ngợm nầy. Còn việc tôi nhốt con mèo, Bà có một kết luận là tôi mới chừng đó mà đã có cái đầu biết quan sát, bởi vì trước đó có một ngày, tôi đã nhìn thấy Thầy tôi nhốt con gà dưới cái rổ, trên đó có dần mấy cục gạch. 
    Kể lại vài “hành xử” của tuổi thơ để nhắc nhở, khuyến khích cho ngày tháng trước mắt của từng đứa con, đó cũng là một trong những cách dạy con của Mẹ tôi: “Con đừng quên ngày thôi nôi con bốc cờ, bốc kiếm. Con đừng quên, ngày thôi nôi con bốc quyển sách, cây viết. Còn thằng nầy, mai nầy Mẹ không lo nó nghèo, nó bốc cục đất, nắm xôi”*…

* * *
Gia đình đi đón tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày thắng cử đại biểu Quốc Hội khóa III đơn vị tỉnh Quảng Ngãi trở về (tháng 8 năm 1963). Từ trái qua: Nguyễn Đức Trạch (nhà thơ Trạch Gầm), Nguyễn Đức Thông, Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (thân phụ), Bà Hồng Long (thân mẫu), Bà Bút Trà, Cô Tư Vàng (vợ hai ông Bút Trà), Nguyễn Đức Lập

      Con thì con bầy, thời gian làm việc nuôi con của Mẹ tôi đã chiếm mất 2/3 giờ giấc mỗi ngày của Bà. Bà chỉ có thời gian gần gũi cùng anh em chúng tôi trong thời chúng tôi còn thơ ấu. Ngoài bầu sữa, Mẹ chúng tôi còn cho chúng tôi uống tình non tình nước qua những lời ru… từ cánh ca dao, từ những lời thơ mang tình tự Quê Hương. 
     ...Bạn thích không… hôm nào ra quán cà phê cùng tôi vài buổi, tôi sẽ đọc cho các bạn nghe vài chục bài thơ của nhiều tác giả khác nhau, tôi còn nhớ, trên vành nôi, trên tiếng võng. Từng lời ru của Mẹ tôi, cho chính tôi và cho các em tôi. Và chính tôi đã mang “tấm lòng” nầy vào vạn nẻo Quê Hương. Tôi tin là có nhiều bài mà các bạn không hề được biết.

Nín đi con, nằm yên Mẹ bế 
Lặng mà nghe Mẹ kể con hay 
Nước non vốn nước non nầy 
Bốn nghìn năm lẻ đến nay vẫn còn 
Chính dòng dõi cháu con Hồng Lạc 
Vâng mệnh trời khai thác Phương Nam 
Nhị Nùng một dãy giang san 
Tổ Tiên gây dựng gian nan muôn phần 
Đời Thượng Cổ giặc Ân khuấy nhiễu 
Đổng Thiên Vương phò triệu an dân 
Can qua trải mấy mươi lần 
Kình nghê sóng lặng gió xuân dịu dàng 
Truyền nhà Thục vững vàng thế nước 
Xây Loa Thành nhờ thước Kim Quy 
Nỏ Rùa cậy có thần uy 
Bởi tin con gái nên chi lỡ làng 
Truyền xã tắc đổi sang họ Triệu 
Đô Phiên Ngung lấy hiệu Vũ Vương 
Bốn đời dòng dõi kỷ cương 
Sau vì Cù Hậu chủ trương trong triều 
Lòng bất chánh, làm điều nhơ nhuốc 
Nên dân ta lệ thuộc về Tàu…

     Có những câu thơ ăn sâu vào tâm trí tôi, tôi rất thích, sẵn đọc cho bạn nghe nhưng thật lòng, tôi lại không biết tác giả là ai:

Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ 
Bởi ham sự nghiệp khách anh hùng 
Em cũng mơ người trai đất Việt 
Sẽ là một bậc Nguyễn Quang Trung 
Đẹp gì chăn gối trong khi cả 
Dân tộc sôi lên chí quật cường 
Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn 
Để đong máu giặc dội biên cương…

* * *

     Ngoài 6 người con gái, mẹ tôi còn sanh cho Thầy tôi một dọc 4 thằng con trai, cách nhau đều đặn, cứ 3 năm lại lọt ra một thằng. 
    Mẹ vui thường kể, lúc Mẹ sanh 3 đứa đầu toàn là gái, bà con bên Nội các con đã có lời nhỏ to. Cho rằng tướng mẹ vai xuôi, làm gì có được con trai. Tiếp theo mẹ có một dọc 4 thằng, ngộ cái là 4 đứa lại nằm trong bốn tuổi Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Theo Bà, tứ hành xung cái gì, Đông, Tây, Nam, Bắc cái gì, Mẹ chẳng hề quan tâm vì… các con là con của Mẹ. (Theo quan niệm khoa tử vi, trên thiên bàn, 4 tuổi Mẹo, Dậu, Tý, Ngọ nằm ở vị trí của bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Về mặt ngũ hành lại tương khắc Mộc, Kim, Thủy, Hỏa). 
    Con thì con bầy… Mẹ tôi thương giải thích về tình thương của Bà dành cho những đứa con. Đứa nào cũng là con Mẹ, làm sao Mẹ chẳng quan tâm. Có điều thường tình là đứa nào làm Mẹ lo âu nhiều (hay đau ốm), làm mẹ khổ nhiều (phật lòng Mẹ) đương nhiên là Mẹ phải chăm sóc cho đứa đó nhiều hơn. Trong đời, Mẹ tôi không bao giờ cầm roi dạy con. 
     Bằng tia nhìn Bà soi rọi cuộc đời cho từng đứa, con sai rồi, con khá lắm… 
     Với 4 anh em trai chúng tôi, Mẹ tôi chỉ có một yêu cầu, muốn gì thì muốn, tối thiểu phải lấy về cho Mẹ cái bằng Tú Tài. Đạt được một chút tối thiểu về kiến thức, nhận được điều đúng sai, vẫn là phần hơn. Mẹ vẫn biết sự nghiệp của người con trai đôi khi không cần thiết phải dựa vào bằng cấp. Đã là con trai phải xứng đáng là con trai. Với đám con gái thì mẹ tôi kỹ lưỡng hơn, muốn đứa nào cũng phải học giỏi. Học giỏi để có công việc nhẹ nhàng, đủ sức, về sau nuôi nuôi dạy đám cháu của Bà. 
    Có thể… Mẹ tôi cũng được hài lòng về đám con Bà. Anh em chúng tôi cũng đã mang về tặng Bà năm, sáu mảnh bằng cử nhân, cao học.

* * *

    Con trai mộng ở tứ phương 
    Tôi, tuổi Ngọ, là lính, thằng em tuổi Tý của tôi cũng là lính. Nhiều bạn bè của tôi và bạn bè của em tôi vẫn thường nêu thắc mắc: “Sao bà cụ quen biết nhiều đến vậy mà… không chạy cho anh em tụi mầy về Sài Gòn cho khỏe tấm thân. Không lẽ bà cụ không thương tụi mầy”. 
    Tôi chỉ biết cười trừ: “Nếu Mẹ tao mà xin cho anh em tao về Sài Gòn hay về chỗ bình yên thì Bà không phải là Mẹ của tụi tao, ngược lại nếu anh em tao mở miệng xin Bà chạy chọt cho thì tụi tao, tụi tao lại không phải là con của Bà”. 
      Tôi kể cho các bạn tôi nghe ngày tôi ở An Lộc. Chiến trường như chảo dầu sôi, mạng người như bông cỏ, thằng Hà Nhơn người Nùng, tài xế của tôi, tôi bỏ lại hậu cứ, vài ba ngày chạy về nhà Mẹ tôi, báo cho Bà là tôi vẫn bình yên. Quen miệng cách nói của dân tộc Nùng, một lần nó lỡ lời: “Cụ đừng lo, tụi tao thương nó lắm, khi nào tụi tao chết hết, nó mới chết”.
    Tôi nhận được từ Mẹ tôi một lá thư. 
    Làm lính là chấp nhận hy sinh. Con sống với lính mà được lính thương là Mẹ vui rồi. Mẹ biết trong đám lính con có mấy đứa người Nùng, nhưng ai lại nói chuyện với Mẹ lại đi xưng mầy tao. Con cần hướng dẫn cho nó việc nầy… Mẹ biết không có một người lính nào không chấp nhận hy sinh nhưng nếu con giữ được mạng sống mang về với Mẹ, Mẹ vẫn vui hơn…

    … Ngày mất Ban Mê Thuột, thằng em tôi thuộc Chiến Đoàn 3 Xung Kích, Mẹ tôi nhận được giấy báo mất tích của đơn vị. 
     Mẹ tôi nhắn tôi về, đưa Mẹ tôi vào Nha Kỹ Thuật để hiểu rõ tình trạng của em tôi. Khi nghe một viên Đại Úy có phần hành liên hệ trình bày: “Thực tế tình trạng vẫn không rõ ràng, tình hình tại mặt trận chỉ rơi vào một trong hai trường hợp, hoặc hy sinh hoặc hàng địch”. Chính tôi, tôi cũng không ngờ Mẹ tôi lại có một phản ứng giận dữ đến như vậy. Mẹ tôi nói thẳng với vị sĩ quan tiếp khách: “Con tôi không bao giờ hàng địch vì tôi không có dạy cho con tôi điều nầy”. 
      Ngồi trên xe jeep tôi lái về nhà, lâu lắm, Mẹ tôi mới bật hỏi tôi: “Con à, nếu phải hàng địch sao em con nó lại không biết chọn cho nó sự tự sát hả con…” 
     Những gì mẹ tôi suy nghĩ có phải là tuyệt vời lắm không. 
     Trên nửa tháng sau, em tôi dẫn trên 30 người lính của nó băng rừng về tới Long Khánh.

* * *

     Mẹ, đất nước tang thương, nhà tan từng mảnh, những đứa con của mẹ dù trai hay dù gái cũng chết điếng cùng nỗi trắng tay. Trên cao nhìn xuống, ắt Mẹ cũng không buồn… vì cho vật đổi sao dời, hầu hết chúng con điều mang tấm lòng của Thầy Mẹ. 
     Duy chỉ mỗi thằng em con, thằng em có mảnh bằng cao nhất nhì trong gia đình, đành rằng vì cuộc sống, vì sinh tồn nó phải bươn chải, nó cứ tưởng nó hấp thụ được một phần nghiệp dĩ chữ nghĩa của Thầy Mẹ dương danh trong làng văn giới báo của bọn người cộng sản là làm cho Mẹ vui. Con biết Mẹ Buồn, suy cho cùng chúng con cũng góp tay trong nỗi buồn của Mẹ, cầm súng bảo vệ quê hương mà đánh mất quê hương, gây ra hệ lụy nầy. Xin phép Mẹ, con ghi lại những gì mà Mẹ nhận xét về em con khi con ở tù về bên Mẹ, hy vọng em con đọc được những giòng chữ nầy để nhận thức rằng sự vinh quang của nó là sự hổ thẹn của gia đình mình. 
     “Không hiểu có phải lúc gia đình mình sống ở liên khu 5, có thằng VC nào chết, đầu thai trong bụng Mẹ, Mẹ mới sanh ra nó”. 
    Mẹ ạ… bây giờ thì em con nó tỉnh nhiều rồi, có đứa nào có kiến thức mà… không phân biệt được đúng sai… Mẹ vẫn thường nói vậy mà… Con cũng xin Mẹ cho con được nhắc với em con một điều: Ngày xưa… Thầy (gia đình chúng tôi gọi Cha bằng Thầy) không bao giờ giữ cho mình quá ba bộ áo quần, chuyện Thầy cởi áo veston tặng cho người đạp cyclo là chuyện thường. Thầy cũng đã từng nuôi bao đứa trẻ hiếu học. Việc làm của Thầy, thứ nhứt là Thầy chẳng cần một ai biết, thứ hai là Thầy cũng chẳng đi xin tiền ai. Thằng em con nó đang huênh hoang tự hào xin tiền khắp thiên hạ nuôi những học trò nghèo… Nó bảo nó giống Thầy. Con lại buồn…

Lời gởi Mẹ 
25/4/2006 
Bây giờ trong cõi hư vô ấy 
Mẹ thảnh thơi rồi… có phải không? 
Giã từ đất nước bao hệ lụy 
Bỏ nỗi lo toan ngập cả lòng 
Rảnh rồi, Mẹ đến thăm đâu nhỉ 
Theo gót trăng vàng về phố xưa 
Con phố Hội An ngày thơ trẻ 
Yên bình, Mẹ nhặt lại ước mơ 
Tam Quan dâng mẹ bao niềm nhớ 
Rợp bóng dừa xanh ngát cuộc đời 
Đường quê tặng mẹ từng hơi thở 
Trang sách vỡ lòng… gói niềm vui 
Một lũ con thơ… đeo đẳng mẹ 
Chợ Gò Mỹ Thịnh giữa đồng chua 
Trường Sơn gồng gánh bao cơn bão 
Mẹ có sá gì giữa nắng mưa 
Phú Nhuận đèn vàng soi trang sách 
Nuôi con mẹ bày bán văn chương 
Ngày ngày nhìn lũ con khôn lớn 
Mẹ đổi nhọc nhằn… lấy tình thương 
Vài nơi… ắt mẹ rồi sẽ đến 
Cảnh chiến trường xưa quá chạnh lòng 
Nơi con cày giữa trời khói lửa 
Dấu buồn mẹ khép kín rưng rưng 
Một thằng Lôi Hổ, thằng Thám Kích 
Mẹ nhẩm thuộc từng mỗi địa danh 
Bạn con bao đứa mẹ biết mặt 
Gục xuống – tuổi đời xanh quá xanh 
Bây giờ trong cõi hư vô ấy 
Mẹ thảnh thơi rồi có phải không 
Giọt sầu mất nước giờ hóa đá 
Mây nước Quê Hương cũng lạc dòng

Trạch Gầm

Ca Dao Mẹ - Tiếng Ru Con Của Mẹ Việt Nam Trong Cơn Binh Lửa
Chu Văn Lễ

Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù (TCS)

      Trịnh Công Sơn đã được công chúng biết đến như một nhạc sĩ có nhiều sáng tác nói về thân phận của con người trong cuộc chiến. Sự tàn phá vì chiến tranh; sự chết chóc vì bom đạn; và số phận của những người dân vô tội giữa lằn tên mũi đạn luôn là những hình ảnh được nhắc tới nhiều trong các ca khúc của ông. Ông cũng có nhiều ca khúc viết về Mẹ như Bà Mẹ Ô Lý, Gia Tài Của Mẹ, Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, hay Huyền thoại Mẹ. Bài hát nào của ông cũng ít nhiều mang cho người nghe một sự u uất hay ít ra cũng buồn cho cảnh quê hương giữa mùa chinh chiến. 
    Ca Dao Mẹ cũng là một sáng tác của Trịnh Công Sơn. Bài hát ra đời từ năm 1965. “Ca Dao Mẹ” đã được chính tác giả và ca sĩ Khánh Ly song ca tại khuôn viên trường đại học Văn Khoa năm 1967. Từ đó đến nay, “Ca Dao Mẹ” luôn là một trong những ca khúc của nhạc Trịnh Công Sơn được giới thưởng ngoạn yêu mến. 
     Người ta thích ca khúc trước tiên vì giai điệu. Bài hát được viết theo nhịp 4/4, có tiết tấu đều đều như một lời ru. Toàn bài hát có 4 đoạn. Trịnh Công Sơn bắt đầu hai phiên khúc, rồi cho chuyển sang điệp khúc. Sau đó thì trở lại phiên khúc trước khi kết thúc bài nhạc. 
     Lồng trong một bố cục như vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã vẽ ra một hình ảnh của người mẹ Việt Nam bên chiếc võng, ru con ngủ rồi nghĩ về tương lai mà ái ngại. Chiến tranh đã quá lâu! Chiến tranh đã tàn phá quá nhiều! Chiến tranh đã cướp đi tương lai của tuổi trẻ! Có còn lại gì cho thế hệ của con mẹ được vươn lên, mang chút mầm hy vọng cho đời?

Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn 
Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn 
Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên 
Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình
Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn 
Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn 
Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân 
Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người…

    Phần điệp khúc, lẽ ra phải là cao trào để nâng chủ đề của ca khúc hay mang cho bài hát một sự chuyển đổi thì “Ca Dao Mẹ” vẫn đều đều tiếng ru.
Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh 
Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn 
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương 
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng

     Tiếng ru của mẹ mang nhiều khoắc khoải, đôi khi bất lực trước số phận. Mẹ luôn mong muốn sự tốt đẹp nhất cho con nhưng không phải lúc nào cũng làm được như vậy.
Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong 
Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù

     Chiến tranh, và hận thù là nguyên nhân gây ra sự đau khổ. Cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ Quốc-Cộng ngày càng leo thang đã làm cho người dân quá mệt mỏi. Nhưng họ cảm thấy hoàn toàn bất lực và không biết làm cách nào để có thể thay đổi được. 
     Cũng giống như nhiều sáng tác khác của Trịnh Công Sơn, người ta cũng thấy bóng dáng của triết lý Phật Giáo trong “Ca Dao Mẹ”. Tác giả sử dụng nhiều khái niệm như “về trần tủi nhục chung thân”, “đong đưa phận mình”, “trọn nợ lưu vong”, “Mẹ ngồi trăm năm” hay “Bấp bênh phận người”... để khắc họa hình ảnh của cõi tạm là “bể trầm luân” của con người. 
     Sinh ra một đứa con đã là một kỳ công của người mẹ. Nuôi con khôn lớn, trưởng thành để trở nên hữu dụng cho đời là điều mà người mẹ nào cũng mong muốn. Hình ảnh của bà mẹ “ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương” khiến người nghe phải chạnh lòng. Mẹ không có gì cho con, cũng không làm gì được để con vơi nhọc nhằn của kiếp người lầm than. Nhưng tấm lòng bao la của bà mẹ không cho phép mẹ bỏ cuộc. Mẹ không bao giờ bỏ cuộc. Trong cùng cực của vô vọng, mẹ vẫn ngồi đó mang tiếng ru của mình chở che cho con trong một “thế giới hằn thù, chiến tranh, ngục tù”.


Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình 
Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong (TCS)

Vancouver ngày 8 tháng 5 năm 2017

Tạp Ghi Phương Hồng Quế
MẸ YÊU

Ảnh mới nhất Phương Hồng Quế chụp với thân mẫu sáng thứ tư ngày 6 tháng 5 năm 2015)

      Thấm thoát đã 2 mùa Mother's Day con mất Mẹ. Mỗi khi nghe những bài hát về Mẹ , con cảm thấy bơ vơ, trống vắng. Còn đâu những buổi cà phê sáng với Mẹ. Còn đâu những nụ hôn, những lời dặn dò mỗi khi con đi xa. Bao nhiêu biến cố thăng trầm của cuộc đời Mẹ đã cùng chia sẻ, khuyên bảo con. Mẹ đã cho con cả cuộc đời của mẹ. Hơn 60 năm con được sống hạnh phúc bên Mẹ. Mẹ là bóng mát che chở đời con, là mái ấm cho con nương tựa. Mẹ luôn mở rộng vòng tay ôm ấp, che chở cho con trước những giông bão của đời.Mẹ ơi! làm sao còn quên được những kỷ niệm.. 
    Vẫn ngôi nhà này, đây là nơi Mẹ nằm, kia là những vật dụng Mẹ còn lưu lại. Bên ngoài vườn những cây kiểng Mẹ chăm sóc. Nhìn chúng mỗi ngày một cao lớn. Nỗi buồn nhớ Mẹ của con càng ngày càng cao lớn theo. Các bạn thân thương! Những ai còn Mẹ hay chăm sóc, thương yêu Mẹ nhiều hơn, để khỏi hối tiếc, ân hận khi Mẹ không còn nữa nhé! Kính gửi về Mẹ những nhung nhớ ngập tràn. 
    Nguyện cầu Mẹ luôn an nghỉ trong cảnh giới tốt đẹp. 
    Mother's day 2017

Phương Thảo Bài viết của cô Quế thật hay và cảm động. Cảm ơn cô ❤️
Hoa Phap Hoa
Hoa Phap Hoa ME la tat ca

Tùy Bút Phượng Linh
TÌNH MẸ VÔ BỜ

Hình ca sĩ Phượng Linh chụp cùng thân mẫu lể Phục Sinh năm 2017

      Thấm thoát đã 5 tháng trôi qua sau khi Mẹ bình phục. Ngày ngày được nhìn thấy nụ cười thoáng trên môi và âu yếm nói với con rằng: "Mẹ đang ngồi mong con thì con vào". Đúng như vậy cũng như con mong được vào thăm Mẹ. Mỗi buổi sáng thức dậy sau khi mặt trời mọc con còn được bình an thêm một ngày mới để chăm sóc Mẹ, con muốn thay chỗ của Mẹ như ngày nào Mẹ nuôi nấng con..... 
    Nghĩ lại mà thêm đau xót... một nách ba đứa con, một mình vào Nam lúc hai mươi bẩy tuổi, mới biết tin Chồng và Cha của các con mất tích. Mẹ đã tiếp tục buôn tảo bán tần ngược xuôi để nuôi mấy chị em con. Nỗi đau đè nặng trên đôi vai nhưng Mẹ vẫn phải tiếp tục cho đến khi các con khôn lớn. 
Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn... 
Mẹ tôi mỉm cười nhìn các con ngoan
    Những câu hát này con được nghe Mẹ hát khi ru con ngủ... Mẹ ơi lúc còn bé con chưa đủ trí khôn để suy gẫm những nỗi đau chồng chất u buồn của Mẹ... Giờ đây những khi nghe Mẹ hát "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình” hay “Anh hỡi đôi mình mộng nay đã tan tình đã dở dang"... con đã thấu hiểu phần nào vì con cũng được làm Mẹ, hai bài hát rất quen thuộc đối với Mẹ mà con cùng các bạn thân thương của con đã từng được nghe nhiều lần khi đến thăm Mẹ. Mẹ hát cho chính Mẹ... Mẹ vẫn tiếp tục giải sầu cho nguôi ngoai những ngày tháng mong chờ của thất vọng và đau buồn đó... 
    Mẹ thường hỏi con "sao còn sống lâu quá vậy?". Con đoán Mẹ nghĩ gì nhưng sợ không dám hỏi. Để tránh khỏi cái cảm giác lạ kỳ đó... con đùa và trả lời Mẹ vì cái tai của Mẹ dầy Trời cho là thọ lắm. Mẹ cười chấp nhận. Những khi con nhắn nhủ Mẹ ngày ngày ráng ăn nhiều, uống thuốc giỏi hoặc ăn dùm cho cô Linh, con hay mặc cả ăn dùm cho con ba miếng thêm mỗi bữa, để khi gặp lại Thầy thì Thầy sẽ nhận ra Mẹ... Mẹ con đùa với nhau... Mẹ cười và nói "cũng có thể không vì khi đó Thầy còn trẻ lắm...". Ôi sung sướng con được nghe Mẹ cười rúc rích khi con nhắc đến Thầy. Mẹ cũng đùa lại: "Bà Mến bây giờ già lắm...". Mẹ nhắc lại: “Hồi cô còn bé cũng lười không chịu ăn, Mẹ phải khoán tiền mỗi bữa mới chịu ăn, cũng có khi khoán tới năm đồng vẫn chưa ăn, Mẹ lấy lại và vẫn phải vừa ăn vừa khóc...” rồi Mẹ tủm tỉm cười. 
     Chắc hẳn tuy khó nhọc nuôi nấng dậy dỗ các con từ thuở ấu thơ cũng chính là niềm hãnh diện của Mẹ dành cho các con, trong giây phút bừng sống lại trong tiềm thức, Mẹ nhoẻn miệng cười mãn nguyện. Bỗng Mẹ đăm chiêu nhìn vào không khí và bảo: "Con ơi Cha Mẹ sinh con, Trời sinh tính. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn"… Rồi thở dài. Mẹ ơi, lòng Mẹ yêu thương vô bờ bến với các con mà các con có hiểu thấu được đâu?? Mẹ vẫn tiếp tục mong chờ... những người con vô tình của Mẹ! Ôi cao cả thay! Mẹ vẫn trông chờ! Tình yêu vô bờ bến của Mẹ Hiền dành trọn vẹn cho các con. Tạ ơn Thượng Đế đã cho con là con của Mẹ! Mẹ Yêu! 
    Mẹ yêu dấu ơi , viết tới đây con không cầm được nước mắt ...tủi thân chưa một lần gặp sau 1954 khi con khôn lớn.... Tủi thân cho phận Mẹ nuôi đàn con dại, bơ vơ một mình trên đất lạ trong Nam. Tuổi xuân của Mẹ chẳng được bao nhiêu.... Trải qua bao khổ cực năm dài mà vẫn vui không một lời than trách. Mẹ là giòng suối mát êm diụ của đời con . Giờ đây Mẹ đã an bài, xếp bỏ những khó khăn chật vật của cuộc sống ...chấp nhận bình yên trên chiếc xe lăn . Ngày ngày con vẫn còn được chung nhịp thở với Mẹ và vẫn còn được rúc nách Mẹ như hồi thuở nào..... hạnh phúc thay con vẫn còn có Mẹ! Mẹ yêu! Happy Mother's Day!


Ca sĩ Thu Hương (Paris) và những món quà gửi Thế Giới Nghệ Sĩ

       Sau một tháng chu du bên trời Âu, nữ tài tử Cát Phương (Loan Mắt Nhung, Hoa Mới Nở) kiêm vũ công xinh đẹp của vũ đoàn Maxim trước 75 cùng phu quân vừa về lại Cali nắng ấm tuần qua. Trong dịp ghé lại Paris đầu tháng 4, anh chị thăm ca sĩ Thu Hương (Paris), nhân tiện chị Thu Hương gửi cho Thế Giới Nghệ Sĩ một lô hình quý, dặn dò cẩn thận chị Cát Phương là phải trao tận tay Trần Quốc Bảo. Đây là những hình ảnh sinh hoạt văn nghệ sau khi chị Thu Hương định cư ở Paris.

Từ trái: Tuyết Hồng (Ban Liên Minh Phượng), Cát Phương, Thu Hương, Anh Thành chụp tại nhà hàng DNJ (Paris) ngày 25 tháng 4 năm 2017

      Cuối tuần, hai chủ nhiệm Việt Tide và Thế Giới Nghệ Sĩ tạt ngang “lâu đài tình ái” mới tân trang của anh chị Thành - Cát Phương trong khu mobile home trên đường Bolsa. Gian nhà sáng sủa ngay trung tâm Little Saigon, được anh chị sửa lại rất sang trọng, với nội thất phẩm chất cao, cửa sổ to, sàn gạch mới, bếp, phòng khách rộng, vườn cây ăn trái gọn gàng, hàng hiên thoáng đãng để uống cà phê, nướng barbeque thật lý tưởng cho cặp vợ chồng về hưu hưởng nhàn. Anh chị mời Trần Quốc Bảo và Ông Thụy Như Ngọc nhâm nhi rượu vang Chile với foie gras béo ngậy từ Pháp cùng món tuna salad do chính tay chị Cát Phương làm. 
     Vừa lai rai vừa tán gẫu đủ chuyện, vừa cập nhật tin tức Thế Giới Nghệ Sĩ cho người mới đi xa về. Chợt chị Cát Phương bàng hoàng khi hay tin Oanh Oanh Osaka, một vũ công trong đoàn Maxim, vừa từ giã cõi trần sau cơn bạo bệnh ở Saigon. Trước đây, chị cũng từng kêu gọi giúp đỡ cho đồng nghiệp Oanh Oanh trong hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật. Cát Phương cũng tiếc hùi hụi là đi vắng trong lúc vợ chồng nghệ sĩ Minh Thư và Minh Phương (Maxim) từ Úc qua Nam California gặp bạn bè cũ. Lỡ một dịp họp mặt Maxim. 
     Trần Quốc Bảo kể chuyện đi Úc dự chương trình tưởng niệm Tháng Tư Đen do ca nhạc sĩ Diamond Bích Ngọc và Thái Nguyên tổ chức cho cộng đồng Brisbane, Cát Phương liền nhắc những kỷ niệm từ những lần đầu gặp Diamond Bích Ngọc với bao niềm thương nhớ. Trần Quốc Bảo gọi qua Úc cho Bích Ngọc, thế là hội ngộ trên đường dây viễn liên, Cát Phương tíu tít thăm hỏi và hẹn tháng 12 có chương trình nhạc Việt Dzũng ở Brisbane thì sẽ tháp tùng phái đoàn Bebe Hoàng Anh, Bảo, Ngọc qua Úc chơi một chuyến. 
     Giờ thì cuộc sống anh chị Thành - Cát Phương rất thong dong, sau khi thu gọn mọi thứ về căn mobile home xinh xắn, hai người dành nhiều thời gian du lịch đó đây; vài tuần tới sẽ đi Alaska trên du thuyền dài ngày. Chuyến đi Âu Châu vừa qua, anh chị Thành - Cát Phương ghé được nhiều nước như Đức, Ý, Hòa Lan... nhằm đúng mùa hoa tulip tuyệt đẹp, và vui nhất là được gặp lại bạn bè văn nghệ sĩ ở Paris, trong đó có nữ ca sĩ Thu Hương. Ca sĩ Thu Hương cùng thời với Bích Chiêu, Bạch Yến, Lệ Thanh, Thái Xuân, Thùy Hương, Thùy Nhiên, Thanh Lan (bà Cao Xuân Vỹ)... từng đóng phim Tiếng Hát Học Trò của đạo diễn Thái Thúc Nha. Cô đoạt giải nhì của đài phát thanh Saigon năm 1956 và từ đó sinh hoạt ca hát, góp mặt trong ban Đỗ Thiều trên làn sóng điện. Sau biến cố 1975, Thu Hương định cư tại Pháp. Đầu thập niên 1980, cô xuất hiện trong cuốn Paris by Night số 1 của trung tâm Thúy Nga với nhạc phẩm Thuyền Trăng (Nhật Bằng) và Gái Xuân (Từ Vũ) cũng như thu âm một số ca khúc khác. Trong năm nay, Thế Giới Nghệ Sĩ dự trù thực hiện một số báo về ca sĩ Thu Hương, một gương mặt thương yêu của Saigon một thời vào đúng ngày thứ sáu 4 tháng 8 tới đây – cũng chính là ngày sinh nhật của chị tròn 75 năm về trước.

Từ trái: Ông Thụy Như Ngọc và Trần Quốc Bảo ghé thăm tổ ấm nghệ sĩ Cát Phương ngày 6 tháng 5/2017 dồng thời nhận những món quà phương xa của ca sĩ Thu Hương

Những tấm ảnh của một thời kỷ niệm với những tình thân của ca sĩ Thu Hương
Chí Linh Chú Bảo oi! Rất cảm động! Mỗi khi co dịp trò chuyện với Cô Thu Hương là Cô nhắc: " khong biết khi nào Chú Bảo qua Pháp để Cô tặng những hình ảnh sinh hoạt văn nghệ. Dù hom nay Chú chưa có dịp trở lại Pháp, thì Cô cũng tìm cách gửi qua Chú bằng được! Tấm lòng Cô Thu Hương thật quý biết bao Chú oi! Con thương Cô rất nhiều! Cầu chúc Cô sẽ luon khỏe và niềm vui! Mặc dù bệnh đau nhức chân khơp vẫn đeo Cô suốt ngày!
Tran Quoc Bao
Tran Quoc Bao Chú Bảo rất cảm động tinh cam cua co Thu Huong Le lam. Co Thu Huong la nguoi duoc ba ruột của chú Bảo cưng chiều vô cùng khi 2 người gap nhau ở Hà Nội (lúc đó cô Thu Hương còn bé lắm). Ba chú Bảo là bạn của ba má cô Thu Hương.. Lúc đó chú chưa sanh ra, chỉ nghe cô Thu Huong kể lại..
Chí Linh
Chí Linh Dạ! Hihi Vậy là sẽ có nhiều kỷ niệm lắm Chú he! Cảm ơn Chú đã chia sẻ với con!


Chuyến Lưu Diễn Úc Châu Tháng 4/2017 của MC Trần Quốc Bảo, NS Tom Sĩ Lê và cuộc hội ngộ với ca nhạc sĩ Bích Ngọc - Thái Nguyên

(trích bài viết của Bích Ngọc đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 117 và 118 phát hành ngày 5 và ngày 12 tháng 5 năm 2017)

Ảnh chụp nhạc sĩ Thái Nguyên (bìa phải), Tom Sĩ Lê (giữa) ra đón Trần Quốc Bảo tại phi trường Brisbane (Úc Châu) sáng thứ sáu ngày 28 tháng 4 năm 2017 (photo: Bích Ngọc)

NGÀY THỨ NHẤT: 
    Thứ Sáu 28 tháng Tư, 2017 vừa qua, tôi cùng phu-quân và nhạc-sĩ Tom-Sĩ-Lê đã phải dậy từ 4giờ30’ sáng rất sớm để chuẩn bị kịp đi đón nghệ-sĩ, M.C Trần-Quốc-Bảo sẽ đáp chuyến bay từ Los Angeles, California đến phi-trường Brisbane, Queensland. Úc lúc 6:10AM. 
    Sau chặng đường bay dài hơn 13 tiếng, anh Bảo xuất-hiện với khuôn mặt tươi tỉnh không hề mang chút mỏi mệt nào. Chúng tôi thật sự xúc động vì biết rằng anh vô cùng bận rộn trong việc làm báo Thế Giới Nghệ-Sĩ và Việt Tide cùng Tiến-Sĩ Ông-Thụy-Như-Ngọc ở Nam California; nhưng vì quá thân tình với gia-đình “Chân Quê” nên anh đã nhận lời qua Úc làm M.C cho chương-trình “Nhạc Bi Hùng Ca Cầu Nguyện Cho Các Oan Hồn Uổng Tử Nhân Mùa Tháng Tư Đen” tối 29 Tháng Tư, 2017 do ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và Thái-Nguyên tổ chức. (Cũng xin nói thêm là sau khi về Úc nghỉ hưu chúng tôi quyết-định lấy tên ban nhạc là ‘Chân Không’ tức ‘Vô Thường, Vô Ngã’ theo nghĩa Phật-Giáo và trên thực-tế thì nhiều người Úc thích đi chân không, không mang giầy dép nhan nhản ngoài đường phố). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ tên ‘Chân Quê’ ở Hoa-Kỳ (Chân-Chất, Chân-Thật, thắm đượm tình Quê-Hương). 
     Đưa anh đến thẳng Inala - tên của một thành-phố thương-mại lớn nhất của người Việt, ghé quán Tùng uống café và ăn phở bò. (Phải nói rằng bánh phở ở Úc ngon một cách đặc-biệt so với bên Mỹ và thịt bò xứ Kangaroo thì đã nổi tiếng từ lâu là tuyệt nhất thế-giới rồi!).

Từ phải sang trái: Anh chị Nhiều & Hạnh, ca nhạc sĩ Bích Ngọc, NS Thái Nguyên, Trần Quốc Bảo, nhạc sĩ Tuấn Hải, NS Tom Sĩ Lê ngồi ăn ở Phở Tùng

      Qua sự giới-thiệu của anh chị Hạnh & Nhiều (chủ trang-trại ‘Farm’ dưa leo); lần đầu tiên anh Bảo được gặp nhạc-sĩ Tuấn-Hải (tác-giả bài hát “100 Phần Trăm) để hỏi han và phỏng-vấn làm tư-liệu cho báo Thế-Giới Nghệ-Sĩ. 
     Rất đông các khán-giả đồng-hương nhận ra nghệ-sĩ, M.C nổi tiếng Trần-Quốc-Bảo, họ đã tay bắt mặt mừng với anh ngay trong quán ăn và ngoài đường phố.

Nhạc sĩ Tuấn Hải (tác giả bài hát 100%) và TQB trước Phở Tùng Brisbane (Úc)

Anh Tú, một người nhạc sĩ trong giới cổ nhạc rất vui với món quà là tờ báo Việt Tide và Thế Giới Nghệ Sĩ trên tay

      Brisbane, Queensland mùa này toàn những cây lành trái ngọt. Anh và chúng tôi được ăn không biết chán: mẵng cầu, măng cụt, chôm chôm, bưởi, nhãn hột tiêu… tươi ngon tuyệt-vời!

Khu phố Inala bán nhiều loại trái cây: chôm chôm, nhãn, măng cụt, chuối, nho, thanh long, mãng cầu.. không thiếu thứ nào

Bích Ngọc mua nhiều loại trái cây mang lên tận phòng cho các thân hữu thưởng thức

      Rời khu phố Việt, chúng tôi phải đến Trung Tâm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam cũng ở vùng Inala để gặp linh-mục Vũ-Minh-Nguyên nhằm xin ý chỉ “Cầu-Nguyện Cho Các Oan Hồn Uổng Tử Trong Mùa Tháng Tư Đen”. Thánh Lễ sẽ cử hành lúc 6giờ tối 30 Tháng Tư, 2017. Được các nhân-viên và cha Minh-Nguyên đón tiếp rất niềm nở và thân tình khiến anh Trần-Quốc-Bảo và gia-đình chúng tôi vô cùng cảm-kích.

Từ trái sang phải (hàng đứng): NS Thái Nguyên, Bích Ngọc, Trần Quốc Bảo ghé thăm linh mục Vũ Minh Nguyên tại Trung Tâm Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thành phố Brisbane

     Cũng xin nói thêm là Chủ-Nhật trước đó nhằm ngày 23 Tháng Tư, 2017; được sự chấp-thuận của Tì Kheo Ni Thích Nữ Trí Lưu (vị chủ-trì Chùa Linh-Sơn). Gia-đình ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và Thái-Nguyên đã có được buổi Lễ đọc kinh Cầu Vong Cho Các Oan Hồn Uổng Tử Nhân Mùa Tháng Tư Đen tại: 89 Rowe Terrace, Darra, QLD 4076.

Trái qua phải : Thái-Nguyên, Sư Cô Trí-Lưu, Bích-Ngọc (đang chậm nước mắt vì cảm-động), Ông Vũ-Hải-Vân (Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Ban-Chấp-Hành Cộng-Đồng VN Tự-Do Úc-Queensland).

      Trong số báo Thế-Giới Nghệ-Sĩ lần trước, anh Trần Quốc Bảo đã viết rằng: “Theo như lời tâm sự của ca sĩ Bích Ngọc, lý do vợ chồng cô tổ chức chương trình này vì sau khi 2 người đến thăm tượng đài thuyền nhân hồi đầu tháng hai, 2017 họ cảm thấy quá xúc động. Trước khung cảnh yên tĩnh nghe sóng nước vỗ vào mạn bờ; Nhớ lại những ngày vượt biển và biết rằng rất nhiều người đã bỏ mình ngoài biển khơi trên đường đi tìm tự do; cả hai may mắn đến được bến bờ và hôm nay về hưu trên vùng đất mới này nhận thấy bổn phận mình từ nay trở đi mỗi năm đều cần phải làm chương trình tưởng niệm các oan hồn Uổng tử trong mùa tháng tư đen”.Đây là lý-do chúng tôi cần phải đưa anh Bảo đến địa-điểm Kangaroo Point để viếng thăm Tượng Đài Thuyền-Nhân tại tiểu-bang này sau khi được diện-kiến cùng linh-mục Vũ-Minh-Nguyên ở Trung-Tâm Cộng-Đồng Công-Giáo Việt-Nam Queensland.

Trần Quốc Bảo ghé thăm Tượng Đại Thuyền Nhân tại thành phố Brisbane

      Xế chiều cùng ngày; chúng tôi mời anh đến ghé thăm mái ấm của gia-đình “Chân Quê” và sau đó đưa anh về một khách-sạn sát bờ biển Gold Coats nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chương-trình hôm sau Tối thứ Bảy: 29 Tháng Tư, 2017.

Một góc cảnh sông nước thành-phố du-lịch nổi tiếng Surfers Paradise, Queensland. Australia nhìn từ mái ấm của gia-đình “Chân Quê”.

Từ căn nhà của Thái Nguyên - Bích Ngọc nhìn xuống

Khách-Sạn nơi nghệ-sĩ, M.C Trần-Quốc-Bảo cư-ngụ trong chuyến lưu-diễn Úc Châu Tháng Tư, 2017.

NGÀY THỨ NHÌ: 
     Thứ Bảy 29 Tháng Tư, 2017: từ sáng tinh mơ, anh Trần Quốc Bảo đã thức giấc thật sớm để đi dạo biển ngay trước mặt tiền khách-sạn, ai cũng phải công nhận là bãi cát thật mịn màng, quá sạch, quá êm chân. Dường như có người nào đó đã âm thầm “hút bụi” suốt 24 giờ đồng-hồ một ngày vì ở đây không có lấy một cọng cây hay cọng rác; đúng với tên gọi của nó là Bờ Biển Vàng “Gold Coast”.

Bãi biển Gold Coast ban mai trong lành, thơ mộng tuyệt vời sáng 29 Tháng 4, 2017.

     Chúng tôi cùng dùng điểm tâm tại một nhà hàng tên Montmartre ngay sát bờ biển Surfers Paradise, Gold Coast. Thưởng thức những ly cà-phê cappuccino phải nói không ngoa, đó là: Tuyệt ngon nhất thế-giới! 
     Ngồi ăn sáng nhìn ra khung cảnh đại-dương Úc Châu trước mặt, mấy anh em cùng ôn lại những kỷ-niệm vui buồn suốt bao năm tháng qua trong sinh-hoạt âm-nhạc và xã-hội từ-thiện ở California. USA. Chúng tôi thầm cảm-ơn Trời cao, Biển rộng đã cho mình đến được bến bờ tự-do, có cơ may đáp trả Ơn Đời, Ơn Người ở Hoa-Kỳ và thực-hiện được chương trình Nhạc Bi Hùng Ca tối nay 29 Tháng 4, 2017.

Buổi sáng café tại nhà hàng Montmartre sát bờ biển Gold Coast

     Đây là buổi văn-nghệ đầu tiên để gia-đình “Chân-Quê” ra mắt đồng-hương tại thành-phố Brisbane, tiểu-bang Queensland sau hơn 4 tháng về Úc nghỉ hưu. Ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và Thái-Nguyên đã dốc hết tim, óc, tài-lực, thời-gian cũng như tài-chánh nhằm thực-hiện đêm nhạc thật ý-nghĩa trong mùa tháng Tư đen. Chúng tôi phải mời bằng được tay guitar xuất-sắc Tom-Sĩ-Lê cùng nghệ-sĩ kiêm M.C tài-năng Trần-Quốc-Bảo bay từ California sang xứ sở của những con Đại-Thử (Kangaroo) để phụ-giúp. Nhờ vậy, đêm nhạc đã thành-công hết sức mỹ-mãn, ngoài sức tưởng-tượng.

Ảnh chụp lúc mua trái cây trong một ngôi chợ của Úc. Từ trái: NS Thái Nguyên, NS Tom Sĩ Lê

      Cũng xin nói thêm là Chủ-Nhật trước đó nhằm ngày 23 Tháng 4, 2017, được sự chấp-thuận của Tì Kheo Ni Thích Nữ Trí Lưu (vị chủ-trì Chùa Linh-Sơn), gia-đình ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và Thái-Nguyên đã có được buổi Lễ đọc kinh Cầu Vong Cho Các Oan Hồn Uổng Tử nhân mùa Tháng Tư Đen tại: 89 Rowe Terrace, Darra, QLD 4076 và chúng tôi cũng xin Lễ để Dâng Ý-Chỉ cầu cho linh-hồn các thuyền-nhân đã chết trên đường đi tìm tự-do. Thánh Lễ do linh-mục Vũ-Minh-Nguyên được cử hành lúc 6 giờ Tối Chúa-Nhật 30 Tháng 4, 2017 tại: Trung-Tâm Cộng-Đồng Công-Giáo Việt-Nam. Số 42 Lilac St., Inala. QLD 4077. 
      Xin ghi lại đây chương-trình chi-tiết đêm “NHẠC BI-HÙNG-CA NGUYỆN-CẦU CHO CÁC OAN-HỒN-UỔNG-TỬ NHÂN MÙA THÁNG TƯ ĐEN” mà chúng tôi đã dày công sưu-tầm & biên soạn để thay cho phần tường-trình đến quý đọc giả: 
    Từ 6giờ 30’ đến 7giờ tối: phục-vụ thức-ăn nhẹ hoàn-toàn miễn-phí - Bánh mì sandwich kẹp giò lụa với rau cải. Chả giò chay. Bánh Ngọt. Trái Cây và nước uống, trà, café… Trong hội-trường, trên mỗi ghế ngồi đều sắp sẵn 1 chai nước lạnh để khán-giả có thể dùng trong lúc thưởng thức chương-trình. Phần ẩm-thực này do ca-sĩ tài giỏi Quế-Thanh, chị Nga, chị Đào và nghệ-sĩ Thu-Hường đảm-trách; họ phải thức từ 4giờ sáng để lo toan mọi việc không ngoài mục-đích phục-vụ cộng-đồng. 
     Đúng 7giờ tối (không trễ 1 giây): những ghế ngồi trong hội-trường tràn ngập khán-giả là bắt đầu phần nghi-thức Chào cờ Úc, Việt-Nam-Cộng-Hòa và Phút Mặc-Niệm rất trang-trọng do ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc hát ‘Live’, không ‘lip sync’.

Khán-giả đến tham-dự ngồi chật kín hội-trường của “State Darra School” trong đêm nhạc 29 Tháng Tư, 2017.

     7giờ 05’: sau khi mời mọi người an-tọa, ca nhạc-sĩ Bích-Ngọc cất liền tiếng ca tha-thiết bài “Người Tình Không Chân Dung” của tác-giả Hoàng-Trọng: “Hỡi người chiến-sĩ, đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này, bây giờ anh ở đâu?… Còn trên đời này, đang xông-pha đèo cao dốc thẳm? Hay đã về bên kia phương Trời miên viễn chiêm bao?...” Khi kết thúc bài hát bằng cách lập lại ba lần câu kết: “Anh là ai? Anh là ai? Anh là ai???” thì liền ngay tức khắc trong hậu trường giọng nói trầm ấm của M.C Trần-Quốc-Bảo bất ngờ vang lên: 
“Anh là ai? Thưa quý vị! Anh chính là những quân-nhân Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa và các chiến-sĩ đồng-minh không tên, không tuổi, là những người anh-dũng xông pha trận mạc. Họ đã bỏ lại một phần thân-thể nơi chiến trường hoặc đã chết cho chúng ta (những người dân miền Nam, Việt-Nam) được sống trong an-bình trước ngày 30 tháng Tư, 1975. Hỡi anh! Người CHIẾN-SĨ VÔ-DANH” – Cùng lúc, ba ca-sĩ Ngọc-Sương, Thanh-Hùng và Quế-Thanh trang-trọng bước ra sân-khấu đồng trình bày nhạc-phẩm: “Chiến-Sĩ Vô Danh” của Phạm-Duy.

Bức điêu-khắc nổi, tên “Đồng-Đội” và tranh vẽ “Thuyền Tỵ-Nạn” của họa-sĩ kiêm điêu-khắc-gia Huỳnh-Bửu-Trung được dùng làm phông và nền sân-khấu cho đêm Nhạc Bi-Hùng-Ca 29 tháng Tư, 2017. Trong ảnh: Từ trái sang: Ngọc Sương, Thanh Hùng, Yến Thanh và các nhạc-sĩ: Bích-Ngọc (Trống), Thái-Nguyên (Keyboard) & Tom-Sĩ-Lê (guitar).

    7giờ10’: ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và Thái-Nguyên ngỏ lời cảm-tạ tất cả đồng-hương đã đến tham dự rất đông đủ cùng nói về lý-do gia-đình “Chân-Quê” đứng ra tổ-chức đêm “NHẠC BI-HÙNG-CA NGUYỆN-CẦU CHO CÁC OAN-HỒN-UỔNG-TỬ NHÂN MÙA THÁNG TƯ ĐEN” - Không bán vé, không gây quỹ dưới mọi hình-thức và cũng không nhận tài-trợ từ bất cứ tổ-chức, đảng phái nào mà chỉ trong tinh-thần thiện-nguyện; nhằm tạo cơ-hội gặp gỡ quý đồng-hương Brisbane, Úc-châu, ôn lại hành trình vượt biển, vượt biên đi tìm tự-do của người Việt-Nam và chung nhau lời cầu-nguyện cho các Oan Hồn Uổng Tử (những người đã bỏ mình dưới lòng biển khơi hay trong rừng sâu núi thẳm), nhất là tưởng-niệm đến các chiến-sĩ Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã bị tra tấn, đánh đập đọa đày đến chết trong các trại lao tù Cộng-Sản sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975. 
     Một trong những chia xẻ của nhạc-sĩ Thái-Nguyên đã làm cho mọi người phải suy ngẫm đó là: 
    “Tôi tin rằng những thuyền nhân Việt-Nam tỵ-nạn được thoát chết qua những lần gian-khổ vượt biển, vượt biên kinh-hoàng sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975 là vì chúng ta chưa hoàn-tất một sứ mệnh nào đó mà ông Trời đã giao phó; có thể là chưa chăm sóc, lo lắng cho Cha Mẹ già đầy đủ, quá bận rộn không có thời-gian dạy dỗ con cái, chưa sống tốt với bạn bè, hàng xóm, láng giềng, hoặc không có cơ-hội đóng góp công sức vào những công-tác xã-hội, từ-thiện ngay trong xứ sở tự-do đã cưu mang mình… 
    Vì thế, xin quý-vị hãy nhìn lại để ngẫm nghĩ ra rằng mình còn thiếu sót những gì? Cần phải làm những gì cho tròn trách-nhiệm, bổn-phận của ông Trời đã giao cho mỗi người chúng ta; cho thế-hệ con cháu tương lai được noi theo gương sáng của bậc làm Cha, làm Mẹ…” 
     Sau phần tâm-sự của anh Thái-Nguyên, chúng tôi giới-thiệu nghệ-sĩ, M.C kỳ-cựu Trần-Quốc-Bảo (chủ-nhiệm tuần báo Thế-Giới-Nghệ-Sĩ) đến từ California, Hoa-Kỳ sẽ điều-hợp chương-trình âm-nhạc đêm nay giữa những tràng pháo tay đón chào thật nồng nàn của tất-cả khán-giả.

MC Trần Quốc Bảo đến từ Hoa Kỳ

      Và rồi, đêm “Nhạc Bi Hùng Ca Cầu Nguyện Cho Các Oan Hồn Uổng Tử Nhân Mùa Tháng Tư Đen” chính thức được liên tục diễn ra từ 7giờ20’ đến 9giờ30’ tối; chương-trình được biên soạn như một cuốn phim sống động kể về nhiều giai-đoạn Bi-Hùng của người Việt-Nam tỵ-nạn Cộng-Sản sau ngày miền Nam thất-thủ và ước vọng hướng đến một tương-lai tươi sáng cho quê-hương Việt-Nam. Tất-cả trang-phục của các ca-nhạc-sĩ đều chỉ hai màu trắng & đen. Riêng ca-sĩ Sơn-Ca không hiểu sao giờ cuối lại mặc áo có bông hoa. Theo như lời nhà báo Hoàng Lan Chi ghi nhận trong đêm đó: “Ca sĩ Sơn Ca tự chọn bài hát và cả y phục. Các ca sĩ khác thì Ban Tổ Chức chọn để phù hợp với chủ đề của chương trình”.

     Mở đầu chương-trình M.C Trần-Quốc-Bảo dẫn chuyện như sau: 
“Thưa quý vị! 30 Tháng Tư, 1975 Saigon thất-thủ; là thời khắc bắt đầu cho những trang bi-hùng-sử của người dân miền Nam Việt-Nam. Thành mất thì tướng phải tuẫn-tiết theo thành; nhiều vị tướng Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa đã anh dũng kê súng vào màng tang hoặc uống thuốc độc tự sát vì không chấp-nhận đầu hàng Cộng-Sản. Họ đã hy-sinh trong trách-nhiệm và bổn phận đúng ngày 30 Tháng Tư, 1975 như: thiếu-tướng Nguyễn-Khoa-Nam (tư-lệnh quân-đoàn 4), chuẩn tướng Lê-Văn-Hưng; người được mệnh danh “Anh-Hùng An-Lộc” (tư-lệnh phó quân-đoàn 4), chuẩn tướng Lê-Nguyên-Vỹ (tư-lệnh sư-đoàn 5 bộ binh), chuẩn tướng Trần-Văn-Hai (tư-lệnh sư-đoàn 7 bộ binh), thiếu-tướng Phạm-Văn-Phú (tư-lệnh quân-đoàn 2), đại-tá Hồ-Ngọc-Cẩn, đại-tá Đặng-Sĩ-Vinh, trung-tá cảnh-sát Nguyễn-Văn-Long. Riêng thân-phận của người lính thương binh thì tất-cả đã bị đẩy ra khỏi Quân Y-Viện-Cộng-Hòa, họ nằm la liệt trên các đường phố với những vết thương đau đớn, máu me còn lở lói. 
     Trước đó 1 ngày, tức 29 tháng tư 1975, Tổng-Thống Hoa-Kỳ Gerald Ford chính-thức ra lịnh khỏi động chiến-dịch “Frequent Wind” để di-tản quân-nhân, nhân-viên dân-sự Mỹ và một số người Việt đã từng cộng-tác hay liên-hệ với chính phủ Mỹ và chính-phủ Việt-Nam Cộng-Hòa vì sợ bị trả thù. 
     Cùng thời điểm này, rất nhiều người Việt-Nam cũng đã quyết-đinh di-tản. Họ là những người mà ít nhất một lần rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ mồ mả ông bà, tổ-tiên di-cư vào Nam năm 1954, họ là những người đã có ít nhiều hiểu biết, kinh-nghiệm về sự tàn ác của Việt-Cộng, họ là những người nhất định không đội Trời chung với chế-độ Cộng-Sản. Họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình chỉ vì hai chữ: Tự-Do”.

      Khi M.C Trần-Quốc-Bảo vừa nói xong thì ca-sĩ Thanh Hùng bất ngờ từ dưới hàng ghế khán-giả bước lên sân-khấu cất cao tiếng hát thật điêu-luyện bài “Xin Đời Một Nụ Cười” của tác-giả Nam-Lộc: “Tự-Do ôi Tự-Do, Tôi Trả Bằng Nước Mắt, Vì Hai Chữ Tự-Do, Ta Mang Đời Lưu-Vong. Tôi bước đi khi Saigon trong cơn hấp hối, tôi bước đi khi Saigon thở hơi cuối cùng…” 
     Dứt bài hát trên, Thanh-Hùng cúi đầu trầm mặc trên sân khấu trong khi giọng nói trầm ấm của anh Bảo từ trong hậu-trường tiếp-tục giới-thiệu: Tạm biệt nước non, rời bỏ quê-hương, xa lìa người thân yêu. Anh phải bí-mật đêm đêm chôn dầu để chuẩn bị cho chuyến hải-hành vượt trùng-dương đi tìm ánh sáng Tự-Do. 
     Và rồi, một lần nữa Thanh-Hùng đặt hết tâm hồn trên từng nốt, từng lời nhạc để diễn tả bài ĐÊM CHÔN DẦU VƯỢT BIỂN của Châu-Đình-An: “Đêm nay, anh gánh dầu ra biển anh chôn… Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương. Ra đi trên chiếc thuyền hy-vọng vượt trùng-dương. Em đâu, đâu có ngờ đêm buồn! Bỏ lại em cay đắng thật thương. Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non...” Những tràng pháo tay không dứt của khán-giả đã dành tặng cho ca-sĩ Thanh-Hùng trong phần mở đầu chương-trình bằng hai bài hát trên.

Ca-sĩ Thanh-Hùng

      M.C Trần-Quốc-Bảo bước ra sân-khấu để giới-thiệu tiết-mục kế tiếp: “Thưa quý vị! Một tháng sau 30 tháng 4, 1975; chính-sách trình-diện ‘Hoc-Tập Cải-Tạo’ được ban hành trên khắp miền Nam, Việt-Nam. Đây là một kế-hoạch nhằm giết người có chủ-đích dưới nhiều hình-thức tra tấn, đánh đập giã-man, bỏ đói, bắt đi lao-động nhục hình nhằm trả thù hằng trăm ngàn quân cán chính Việt-Nam-Cộng-Hòa và những người Quốc-Gia trong 150 trại giam trên toàn lãnh-thổ nước ta. Hà-Thúc-Sinh (Tác-giả cuốn Đại-Học Máu) là một cựu sĩ-quan Hải-Quân Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa; ông bị Việt-Cộng bắt đi tù cải-tạo gần 5 năm ở Trảng Lớn, An Dưỡng, Suối Máu, Hàm Tân. Hà-Thúc-Sinh đã dấn thân vào những biến động kinh- hoàng xảy ra cho dân tộc Việt-Nam. Là chứng-nhân của một thời-đại mà đất nước nhuộm màu ảm-đạm, tang-tóc thê-lương; thi-sĩ đã dệt nên bài thơ, chắc hẳn ai trong chúng ta nghe qua cũng phải thấy đau lòng và nhức buốt con tim: 
Đêm Việt Nam khốn cùng 
Tự do đầu họng súng 
Xác nằm ven bìa rừng 
Đêm Việt Nam nghẹn ngào 
Ngục tù thay công lý 
Xác bêu trên hàng rào 
Lời ca hòa tiếng nấc 
Nốt nhạc hòa máu tim 
Bỗng dưng mưa đổ hạt 
Mây che khuất ánh đèn 
Còn đây ta với bạn 
Ngậm ngùi Đêm Việt Nam” 
      Trong chương-trình nhạc đêm nay, nữ ca-sĩ khả-ái Quế-Thanh sẽ trình bày bài hát ĐÊM VIỆT-NAM của tác-giả Hà-Thúc-Sinh”.

Ca sĩ Quế Thanh

       Sau khi ca-sĩ Quế-Thanh với chất giọng trầm buồn hát xong, cô đã cúi đầu cảm-tạ sự ưu-ái của khán-giả dành tặng; M.C Trần-Quốc-Bảo lại nối tiếp qua phần giới-thiệu như sau: 
“Cứ mỗi độ 30 tháng Tư đen trở về; vết thương lòng của thuyền nhân Việt-Nam dường như lại âm-thầm rỉ máu đau thương; nhất là những ai có người thân mất tăm, mất tích giữa trùng trùng biển khơi hay vùi thân nơi chốn rừng sâu núi thẳm. Bao nhiêu cái chết thảm khốc, oan khiên của Mẹ, của anh, của chị, của em được kể lại từ một nhân chứng được lôi ra dưới gầm tàu trôi dạt, khi mà những giòng máu trên người anh đã cạn khô trên con thuyền tan nát thê-lương. 
    Tiếng guitar thùng réo rắt của Tom-Sĩ-Lê hòa với tiếng đàn piano của nhạc-sĩ Thái-Nguyên mở đầu cho bài NHÂN CHỨNG (Thơ: Trần-Mộng-Tú. Nhạc: Vũ-Tiến-Dũng) và tiếng hát thật xuất thần, thật ray rứt, thật nức-nở nghẹn ngào của ca-sĩ NGỌC-SƯƠNG cất lên trong không-gian tĩnh-lặng như tờ của hàng trăm khán thính giả đang dõi theo từng câu, từng lời bài nhạc: 
… Tôi đã làm nhân-chứng 
cho cái chết oan-khiên; 
búa rìu chém tới tấp 
trên đầu người thanh-niên. 
Chàng chết chưa kịp thấy 
vùng đất hứa tự-do, 
mắt hãy còn mở lớn, 
đại-dương đã làm mồ. 
Tôi đã làm nhân chứng 
cho xót xa tủi nhục, 
bầy quỷ dữ gào thét. 
Ôi! Thân phận đàn bà, 
nàng nghiến răng nhắm mắt 
máu ứa trên khóe môi, 
gọi tên chồng lần cuối. 
Ôi! Ngọc nát vàng phai”.

Ca-sĩ Ngọc-Sương

      Đến lúc này thì chúng tôi nhận thấy rất đông khán-giả không cầm được nước mắt, những giòng lệ chan hòa trên khóe mi, họ đã khóc cho nhiều phận đời Việt-Nam tỵ-nạn vắn số, bạc phần. 
     Vì là một liên-khúc, nên đang lúc Ngọc-Sương bước vào hậu-trường thì ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc trong chiếc áo dài đen tuyền từ từ bước ra sân-khấu hát giọng thật trầm-uất cung La Thứ nối tiếp với bài LỜI KINH ĐÊM của cố nhạc-sĩ Việt-Dzũng: 
“Lời kinh đêm! Ôi lời kinh đêm, lời kinh buồn như tiếng Mẹ thở dài. Ai có nghe thấu lời kinh khổ? Sao cúi mặt gục đầu ngủ quên… Thuyền mong manh ôi đời lênh-đênh, người vẫn ôm manh ván rũ mục, lời kinh cầu từng ngày quen thuộc, lời Mẹ buồn như tiếng Nam-Mô…Lời Kinh Đêm, Ôi! Lời Kinh Đêm…

Ca nhạc sĩ Bích Ngọc

     Nhạc bỗng chuyển sang một tiết-tấu nhanh hơn; các ca-sĩ Quế-Thanh, Ngọc-Sương tay cầm đèn cầy bước ra đứng hai bên Bích-Ngọc để cùng hòa tiếng hát trong bài Kinh-Khổ và ca-sĩ Thanh-Hùng cũng xuất-hiện trong trang-phục nâu sòng nhịp theo bằng tiếng gõ mõ cầu kinh.

Trái qua phải: ca-sĩ Ngọc-Sương, Bích-Ngọc, Quế-Thanh, Thanh-Hùng & Nhạc-sĩ: Thái-Nguyên & Tom-Sĩ-Lê trình bày “Kinh Khổ” của Trầm-Tử-Thiêng.

      Chúng tôi đã mượn những lời nhạc của cố nhạc-sĩ Trầm-Tử-Thiêng để nói lên ý chính của chương-trình “Nhạc Bi Hùng Ca Cầu Nguyện Cho Các Oan Hồn Uổng Tử Nhân Mùa Tháng Tư Đen” đêm thứ Bảy 29 tháng 4, 2017 tại Brisbane, Úc châu. 
“… Lời nguyện cầu này dành cho nhau. Từ khi loạn ly vào đêm đầu. Tình người tiêu-hao. Niềm tin bội bạc…Một thời điêu-linh. Một phen hoạn-nạn. Còn lại đêm nay những lời kinh tình-yêu đầy nhiệm màu…” 
    Nối tiếp những bài nhạc sau đó là MỘT NGÀY TRÊN BIDONG (Hà-Thúc-Sinh), rồi đến nhạc-sĩ Thái-Nguyên hát bài HAI MƯƠI CHÍN NGỌN SÓNG BIỂN do chính anh sáng-tác để nói lên thân-phận nổi trôi của 29 thuyền nhân trên chuyến tàu vượt biển của anh năm 1978.

Trần Quốc Bảo đại diện 2 tuần báo Việt Tide và Thế Giới Nghệ Sĩ trao tặng món quà lưu niệm đến vợ chồng ca nhạc sĩ Diamond Bích Ngọc và Thái Nguyên

Ca-sĩ Sơn-Ca xuất-hiện với liên-khúc của Lam-Phương: CHUYỆN BUỒN NGÀY XUÂN & CHIỀU TÂY ĐÔ.

MC Trần Quốc Bảo giới thiệu tiếng hát Sơn Ca

      Xen kẽ chương-trình là phần phát biểu cảm-tưởng của Bác-Sĩ Bùi-Trọng-Cường (Chủ-Tịch Cộng-Đồng Người Việt Tự-Do Úc – Queensland) nói về đêm nhạc do gia-đình “Chân Quê” lần đầu tiên đứng ra tổ chức. Ông cũng đã kể lại những câu chuyện thương tâm “mắt thấy tai nghe” trong suốt nhiều năm đi thăm đồng-hương tại một số trại tỵ-nạn vùng Đông-Nam-Á sau 1975.

Bác-Sĩ Bùi-Trọng-Cường (Chủ Tịch Cộng Đồng VNTDUC tại Queensland) và MC. Trần-Quốc-Bảo

    Nghệ-sĩ Thu-Hường đã chạm đến trái tim khán-giả khi cô ngâm bài thơ “CHẠM CỬA THIÊN-ĐƯỜNG” của thi-sĩ Đoàn-Xuân-Thu: “… Hòm cao ủy phủ thân người yêu dấu, thay vòng tay anh ấm... tấm nilong, mộ chí đề tên, ngày em mất, mả lạn... tàn phai sương gió thời gian; mộ chí khắc bằng dao để lòng đau... anh nhớ... Anh hú, anh kêu: tiếng hú chiều tuyệt vọng ... ôi! em yêu! ôi! đất hỡi! trời ơi !sao nỡ đóng cửa thiên đường khi bàn tay em chạm tới…

Nghệ-sĩ Thu-Hường ngâm bài thơ: Chạm Cửa Thiên-Đường.

      M.C Trần-Quốc-Bảo cũng đã góp giọng hát trầm-ấm như một tiếng thở dài của kẻ ly-hương qua nhạc bản SAIGON NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN của Nguyễn-Đình-Toàn. 
     Tiếp đó ca-sĩ Quế-Thanh trình bày bài QUÊ-HƯƠNG BỎ LẠI (Tô-Huyền-Vân), rồi cùng song ca ngọt ngào với ca-sĩ Ngọc-Sương nhạc phẩm ĐƯỜNG VỀ QUÊ-HƯƠNG (của Lam-Phương) nói lên niềm mong ước trở về Việt-Nam khi không còn bóng Cộng thù. 
     M.C Trần-Quốc-Bảo cũng đã nhắc nhở nhiều kỷ-niệm thân tình giữa gia-đình “Chân Quê” với cố nhạc-sĩ Việt-Dzũng trước khi giới-thiệu ca-sĩ Ngọc-Sương hát bài CHÚT QUÀ CHO QUÊ-HƯƠNG. 
     Đến khi Bích-Ngọc trở lại sân khấu để hát HẸN NHÉ trong phần cuối chương-trình thì M.C Trần-Quốc-Bảo đã thưa với khán-giả rằng: 
    “Những ai đã từng tạm dung ở Pulau Bidong, Mã-Lai-Á vào những tháng cuối năm 1981; chắc hẳn không quên rằng mỗi khi có dịp người tiễn chân người rời đảo đi định-cư tại một đệ tam quốc-gia thì nhạc phẩm HẸN NHÉ của Hà Thúc Sinh lại được phát thanh trên đảo; vang vang mãi tận đến chân cầu Zetty. Thưa quý vị! Người hát bài này lúc ấy chính là ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và… 36 năm sau; đêm nay Bích-Ngọc sẽ hát như một lời hứa hẹn: BẠN ƠI! ĐỪNG QUÊN HẸN NƠI VIỆT-NAM; ĐỜI LƯU VONG HÃY NHỚ NHAU TRONG LỜI NGUYỆN-CẦU: VỀ VỚI VIỆT-NAM, HẸN GIỮA VIỆT-NAM MỘT NGÀY MAI ĐẤT NƯỚC HUY-HOÀNG”. 
     Hai bài nhạc để kết thúc chương-trình là VẪN CÒN ĐÂY CÁC CON CỦA MẸ (sáng-tác: Nguyệt-Ánh) và VIỆT-NAM, VIỆT-NAM (Phạm-Duy) được toàn thể mọi người cùng vỗ tay hát theo với tất-cả các ca-nhạc-sĩ. 
     Chúng tôi thật sự cảm-động vì khán-giả không ai ra về sớm, tất-cả đã ở lại đến giây phút cuối cùng bịn rịn không muốn chia tay. Có nhiều người than rằng chương-trình sao quá ngắn! Họ nói: “Chúng tôi muốn nghe thêm nữa vì chưa bao giờ cộng-đồng người Việt tại đây lại có một đêm nhạc tuyệt-vời như vầy!” 
     Ca-nhạc-sĩ Bích-Ngọc và Thái-Nguyên đã hứa rằng sẽ hẹn gặp lại khán-giả thật đáng yêu của thành-phố Brisbane, tiểu-bang Queensland, Úc Châu trong nhiều chương-trình âm-nhạc thật ý-nghĩa trong tương-lai để không phụ lòng mong đợi của tất-cả mọi người.

(Chụp hình lưu-niệm cùng thân-hữu sau chương-trình nhạc 29 Tháng 4, 2017) Trái qua phải: chị Ngọc-Liên, ca-sĩ Ngọc-Sương và phu-quân Hải-Vân, Thái-Nguyên và phu-nhân, Bác-Sĩ Bùi-Trọng-Cường, M.C Trần-Quốc-Bảo, ca sĩ Thanh-Hùng, nhạc-sĩ Tom-Sĩ-Lê, Bác-Sĩ Dung, Ca-sĩ Quế-Thanh, đôi Uyên-Ương Nhàn-Nguyễn & Anh-Lê (Professional Photographer).

Tường Thuật Buổi Ca Nhạc BI HÙNG CA do Bích Ngọc, Thái Nguyên thực hiện tại thành phố Brisbane (Úc Châu) ngày 29/4/2017

(trích bài của Hoàng Lan Chi tường trình từ Brisbane Úc Châu đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 117 phát hành ngày 5 tháng 5 năm 2017)

Sân khấu giản dị nhưng đẹp với bức điêu khắc nổi chủ đề Đồng Đội. Phông chính sân khấu là con thuyền vượt biển cả, tìm tự do. Toàn bộ do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Huỳnh Bửu Trung đảm trách (photo: Hoàng Lan Chi/Brisbane)

       Vào 6 giờ 30 tối ngày Thứ Bẩy 29 tháng 4, 2017, tại trường Tiểu Học Dara, Brisbane, Úc Châu, một chương trình nhạc do Bích Ngọc, Thái Nguyên thực hiện với nội dung “Bi Hùng Ca Nguyện Cầu cho linh hồn những người chết trên con đường tìm Tự Do” trong Tháng Tư Đen. Ca sĩ Bích Ngọc và phu quân, Thái Nguyên, từ Hoa Kỳ, mới định cư ở Brisbane được khoảng bốn tháng. MC Trần Quốc Bảo cũng đến từ Hoa Kỳ, ca sĩ Sơn Ca và các ca sĩ Brisbane (Quế Thanh, Ngọc Sương, Thu Hường, Thanh Hùng). Ban Chấp Hành Tổ Chức Cộng Đồng Queensland tham dự biểu tình ở thủ đô Canbera đã đến kịp tham dự cùng với khoảng 150 đồng hương đầy kín hội trường. Đây là chương trình tự nguyện và thân tặng. Không một thu phí nào kể cả thức ăn nhẹ hay nước uống. Chương trình lần đầu tiên được thực hiện ở Brisbane vào Tháng Tư Đen, trình bày lại một phần nhỏ trang sử “hùng” của một dân tộc, còn đa phần là giai đoạn “bi” của những tháng ngày sau 1975 khi hàng trăm ngàn người Việt liều chết thoát cộng sản tìm Tự Do. Một số nhạc phẩm tiêu biểu trong một chương trình nhỏ chỉ kéo dài gần ba giờ khiến nhiều người tiếc nuối. Khán giả mong ước sẽ được thưởng thức một chương trình khác dài hơn trong tương lai vì trình độ chuyên nghiệp, sự đam mê và lòng tận tụy cống hiến của Ban Tổ Chức trong đêm này, không ai có thể phủ nhận. Sân khấu giản dị nhưng đẹp với bức điêu khắc nổi chủ đề Đồng Đội. Phông chính sân khấu là con thuyền vượt biển cả, tìm tự do. Toàn bộ do họa sĩ kiêm điêu khắc gia Huỳnh Bửu Trung đảm trách. Hình thức chương trình không theo khuôn mẫu cũ. Sau nghi thức chào quốc kỳ, ca sĩ Bích Ngọc đã cất giọng với bài “Người Tình Không Chân Dung” của Hoàng Trọng rất cảm động. Cả hội trường im lặng lắng tai nghe. Sau đó MC Trần Quốc Bảo mới xuất hiện. Giữa chương trình, sau khi Bác Sĩ Chủ Tịch Bùi Trọng Cường vừa đi biểu tình ở Canberra về, ca sĩ Bích Ngọc đã giới thiệu ông rất khéo léo. MC Trần Quốc Bảo cũng thể hiện đúng trình độ và phong cách của khách từ phương xa khi ngỏ lời cảm ơn cộng đồng và BS Cường. Nội dung chương trình cũng được chọn để giới thiệu những hùng ca như (Việt Nam, Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ) những bi ca như (Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Lời Kinh Đêm, Một Ngày Trên Bidong, Ngọn Sóng Biển, Quê Hương Bỏ Lại, Saigon Niềm Nhớ Không Tên, Đường Về Quê Hương, Kinh Khổ, Nhân Chứng, Đêm Việt Nam, Xin Đời Một Nụ Cười). Đan xen vào giữa là một vài “hồi tưởng ca” khi nhớ lại thuở yên vui của VNCH trình bày bởi ca sĩ Sơn Ca. Nhạc phẩm Việt Nam được toàn thể ca sĩ hát vào phút cuối. Y phục cũng được trân trọng: các ca sĩ đều chỉ hai màu đen, trắng cho Ngày Quốc Hận, cho Tháng Tưởng Nhớ, những đồng bào bỏ mình vì hai chữ Tự Do. (Ca sĩ Sơn Ca với hồi tưởng ca thì không chọn trắng đen). MC là khuôn mặt đại diện cho một buổi lễ vì sẽ thay mặt Ban Tổ Chức để gửi đến khán giả các tiết mục. Sự lựa chọn MC có giọng nói, kiến thức phù hợp có lẽ là điều mà Ban Tổ Chức nào cũng phải biết. Ông Trần Quốc Bảo, chủ bút báo Thế Giới Nghệ Sĩ (Nam California), là ký giả, từng phỏng vấn, viết bài và làm MC đã nhiều nên dễ hiểu là ông đã làm tròn nhiệm vụ. Ông giới thiệu trang trọng, hay hùng hồn, hay tha thiết, hay có chút đùa, tùy theo tiết mục. Khi được hỏi vì sao ông được mời đến đây, script do ai soạn, cảm nghĩ của ông về Brisbane có gì mới lạ không sau hơn 10 năm trở lại, ông Bảo trả lời: “Hai vợ chồng Bích Ngọc-Thái Nguyên là bạn bè cũ, từng sinh hoạt chung nhiều năm. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần phục vụ của anh chị. Họ đã tự nguyện thực hiện các chương trình hát tặng cho người già, homeless. Họ cũng hát, vinh danh những cựu chiến binh đồng minh. Sau nữa đây là ngày tưởng niệm vong linh những người bỏ mình cho Tự Do nên tôi nhận lời dù tôi đang rất bận và ở cách cả nửa vòng trái đất”. Nói về người Brisbane sau hơn 10 năm trở lại, ông Bảo nhận xét: “Mới có vài ngày nhưng tôi nhận thấy có vẻ người Brisbane không thay đổi. Người Brisbane sống nhẹ nhàng lắm, không có vẻ vội vã như người thành thị. Đặc biệt tình người ở đây rất ấm áp đáng mến. Chẳng hạn như tôi nghe tên chị Hoàng Lan Chi từ lâu và cũng mến chị từ lâu, chưa gặp bao giờ nhưng rất xúc động khi tôi nhận điện thọai của chị đầy yêu thương, cởi mở”. Ông Bảo cũng cho biết script là hợp soạn giữa ông và Ban Tổ Chức vì có những kỷ niệm được kể lại bởi từng người. (Ghi chú: MC Quốc Bảo là người gắn bó nhiều với tài tử Kim Vui. Khi Hoàng Lan Chi phỏng vấn và viết bài “Người phụ nữ hấp dẫn nhất thập niên 70” về chị Kim Vui thì Quốc Bảo đã biết HLC từ đó). Về phía Ban Tổ Chức, ca sĩ Bích Ngọc trả lời lý do làm chương trình như sau: “Sau khi em và anh Thái Nguyên đến thăm Tượng Đài Thuyền Nhân hồi đầu tháng Hai, 2017; cảm thấy quá xúc động trước khung cảnh yên tĩnh nghe sóng nước vỗ vào mạn bờ. Nhớ lại những ngày vượt biển và biết rằng đã có rất nhiều người phải bỏ mình ngoài biển khơi trên đường đi tìm tự do; còn mình thì may mắn đến được bến bờ. Bây giờ về hưu trên vùng đất mới bình an này nên tự nguyện là từ nay trở đi mỗi năm vào mùa Tháng Tư Đen đều cần phải làm chương trình nhạc bi hùng ca nhằm tưởng niệm đến những người đã chết cho tự do”. Về tập dượt, ca sĩ Bích Ngọc chia sẻ: “Từ đầu tháng 3 đến sát ngày trình diễn 28/4 và ngay trước giờ trình diễn 29/4 để tất cả cùng quen với sân khấu. Em ở Gold Coast, mỗi tuần phải lái xe đến văn phòng cộng đồng ở Darra ít nhất một buổi chiều (từ 5 giờ 30 chiều đến 9 giờ tối) để tập với các ca sĩ: Quế Thanh, Thanh Hùng và Ngọc Sương. Chưa kể ở nhà em và anh Thái Nguyên phải tập thường xuyên mỗi ngày. Riêng chị Sơn Ca thì hoàn toàn không có ngày nào tập dợt với chị ấy cả”. (Ghi chú của HLC: ca sĩ Sơn Ca tự chọn bài hát và cả y phục. Các ca sĩ khác thì Ban Tổ Chức chọn để phù hợp với chủ đề của chương trình). Với tư cách là một cư dân Brisbane mới, cô Bích Ngọc thích thú: “Yêu và mê mẩn vô cùng màu hoa phượng đỏ trong tháng 12 rực rỡ trên khắp các nẻo đường thành phố, công viên. Khí hậu trong lành, không ồn ào xe cộ, khói bụi (polutions như ở Los Angeles. California). Cộng đồng Việt Nam ở Brisbane quá ít so với miền Nam California nhưng tình đồng hương dành cho nhau thật chân tình”. Đặc biệt, cho dự tính tương lai, cô Bích Ngọc chia sẻ dự định: “Mỗi năm sẽ tổ chức tiệc vinh danh cựu chiến binh QL/VNCH và các đồng minh Úc trong ngày Anzac Day và sẽ tổ chức đêm nhạc bi hùng ca (như chương trình tối 29/4 vừa qua) không ngoài mục đích tự nhắc nhở mình rằng: Trời đã cho mình thoát chết trong chuyến vượt biển năm xưa tức là mình còn cưu mang sứ mệnh trong cuộc đời này; cần phải sống thật tốt lành, từ bi, bác ái. Sống tốt từ tư tưởng, lời nói đến việc làm. Nhất là phải sống để làm gương cho con cháu cùng những thế hệ trẻ nối tiếp biết noi theo”. Các giọng hát Brisbane như Ngọc Sương, Quế Thanh và Thanh Hùng thì không xa lạ. Đó là những viên ngọc quý của thành phố hiền hòa này. Họ luôn cống hiến cho những chương trình địa phương bằng tiếng hát của họ. Các giọng hát này không chỉ “véo von” trong gia đình mà còn “thủ thỉ” với bà con về mọi thể loại tùy mục đích chương trình. Trong quá khứ, họ từng gửi tình ca hay “nhạc về lính”. Trong Tháng Tư Đen năm 2017, họ gửi đến đồng hương những giòng nhạc bi hùng về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Cùng với Bích Ngọc, ba ca sĩ Brisbane (Ngọc Sương, Quế Thanh, Thanh Hùng) đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho các nhạc phẩm mình phụ trách. Điều đáng quý là tuy đang tu thiền nhưng ca sĩ Thanh Hùng đã ý thức được nhiệm vụ của một Phật Tử cũng là người quốc gia Việt Nam là đóng góp tiếng hát để kêu gọi mọi người cùng nhớ lại quá khứ mà chọn bước đi tương lai cho phù hợp. Được hỏi cảm nghĩ của mình về chương trình, ca sĩ Ngọc Sương chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên có một chương trình tưởng niệm vào tháng 4 với những nhạc phẩm vừa hùng vừa bi. Ngọc Sương được hát hai bài do Ban Tổ Chức chọn và tập trong vài tuần, mỗi tuần vài ngày”. Được hỏi tương lai sẽ tiếp tục cộng tác chăng, ca sĩ Ngọc Sương hớn hở: “Đương nhiên ạ. Chị Bích Ngọc với những chương trình nhạc có ý nghĩa, dàn dựng công phu, kỹ lưỡng thì Ngọc Sương phải tham gia vì đó là nghĩa vụ ạ. Âm nhạc là một vũ khí mạnh. Ngọc Sương chỉ có giọng hát nay có chị Bích Ngọc tổ chức chương trình chu đáo thì Ngọc Sương rất hân hạnh được cộng tác với chị để Brisbane luôn có những món ăn tinh thần tuyệt vời như thế phục vụ đồng hương”. Về phía phản ứng của khán giả thì bà Kim Anh, cựu nữ sinh Gia Long chia sẻ: “Ca sĩ Ngọc Sương hát bài Nhân Chứng rất hay, rất có hồn. Cô đã chăm chút từng động tác để diễn tả, phải nói rất cảm động”. Còn bà Nhật Thanh, cựu nữ sinh Gia Long thì: “Với tôi, tất cả đều hay. Phải khen cô Bích Ngọc tuy mới tới nhưng cô đã hát quốc ca Úc, rất đáng khen ngợi. Bài Lời Kinh Đêm được dàn dựng công phu. Sau khi cô Bích Ngọc hát thì ba ca sĩ từ dưới sân khấu đi lên, hòa giọng với Bích Ngọc và mỗi người một ngọn nến lung linh. Điều đó chứng tỏ Ban Tổ Chức đã chăm sóc mọi nhạc phẩm từng li từng tí cho thấy sự trân trọng đối với khán giả và đã tạo được bầu không khí trang trọng cho buổi ca nhạc tưởng nhớ”. Nhưng sau đó bà Nhật Thanh hạ giọng tiếc nuối: “Nhưng tôi tiếc là chương trình hơi ngắn vì chúng ta chỉ được mượn tiểu học Dara đến 9 giờ 30. Phải chi có thêm được vài bản nhạc hùng vì tôi từng nghe cô Bích Ngọc hát trong lễ Anzac cách đây không lâu. Cô hát rất có ‘lửa’”. “Còn tôi thích MC nhất. Ông Quốc Bảo nói giọng ấm, trình bày lưu loát và nội dung cô đọng. Ông dẫn dắt rất khéo chứng tỏ ông đã có đầu tư thời gian để suy nghĩ...”. Ông Nguyên Nhân chia sẻ. Một cựu nữ sinh Gia Long khác, bà Lệ Trinh, nhận định: “Đã từ lâu, không khí ca nhạc ở Brisbane hơi bình lặng. Chương trình này đã khơi dậy lại tinh thần mọi người. Nội dung chọn lọc với những câu chuyện hay nhạc phẩm gợi cho mọi người về thuở vượt biên tìm tự do, rất xúc động. Mọi cái đều được chuẩn bị khá công phu. Đáng tiếc là thiếu vắng vài khuôn mặt ca sĩ hát cũng rất hay của Brisbane và vài vị chống cộng khá mạnh. Đáng tiếc hơn nữa là chương trình ngắn quá, rất uổng cho công MC Quốc Bảo được mời từ Hoa Kỳ, trong khi đây là một MC sáng giá qua những gì anh chọn lọc để giới thiệu”. Chương trình “Bi Hùng Ca tưởng nhớ những người đã bỏ mình cho hai chữ Tự Do” được kết thúc vào 9 giờ 30 khuya cùng ngày 29 tháng 4, 2017 với nhạc phẩm “Việt Nam” do toàn thể ca sĩ và khán giả hòa giọng.

Kinh Khổ, nhạc phẩm đặc sắc của chương trình với Ngọc Sương, Bích Ngọc, Quế Thanh, Thanh Hùng (photo: Hoàng Lan Chi/Brisbane)

Ca sĩ Sơn Ca trong những bài hát nhắc nhớ những địa sử oai hùng của miền Nam (photo: Anh Lê)

Từ trái: Thái Nguyên, Bích Ngọc, BS Bùi Trọng Cường (Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Tự Do Úc Châu tại Queensland), MC Trần Quốc Bảo (photo: Anh Lê)

Inline image
MC Trần Quốc Bảo và nhà báo Hoàng Lan Chi


Ca sĩ Trang Mỹ Dung: ‘Từ khi mẹ mất, tôi ít đi hát’

Ca sĩ Trang Mỹ Dung

        Trang Mỹ Dung tâm sự: Cách đây 20 năm (năm 1997) sự ra đi của mẹ khiến chị thấy hụt hẫng, như mất đi một điểm tựa lớn trong hành trình âm nhạc của mình.

- Hỏi: Chị vừa tái ngộ khán giả Saigon trong đêm nhạc "Hoa nở về đêm" cùng ca sĩ Phương Dung, cảm giác của chị ra sao? 
- Trang Mỹ Dung: Khi xuất hiện trở lại, tôi cũng hồi hộp không biết khán giả sẽ đón nhận mình ra sao. Ngoài lượng khán giả trung niên biết đến thế hệ ca sĩ chúng tôi từ trước, tôi khá bất ngờ và hạnh phúc khi có rất nhiều khán giả trẻ yêu mến mình. Họ am hiểu và có tinh thần gìn giữ nhạc xưa. Đó cũng là động lực để tôi đem tiếng hát đến với khán giả hàng đêm. 
- Hỏi: Có thông tin chị âm thầm chuẩn bị một đêm nhạc để chia tay sự nghiệp ca hát. Chị nói gì về điều này? 
- Trang Mỹ Dung: Tôi có đọc vài bài báo nói về việc tôi muốn rời sân khấu một cách lặng lẽ. Sự thật không phải vậy. Chỉ là tôi đi hát thưa hơn chứ chưa có ý định rời sân khấu. Tôi phải cám ơn chị Phương Dung đã kéo tôi trở lại sân khấu phòng trà để tôi có được niềm vui đứng hát trước khán giả yêu mến dòng nhạc xưa. 
Hỏi: Đang là tên tuổi được ái mộ, vì sao những năm 1990, chị hầu như không xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc? 
- Trang Mỹ Dung: Mỗi ca sĩ, mỗi dòng nhạc đều có thời của mình. Sau năm 1975, có thời gian tôi hát nhiều bài hát mới bởi thấy chúng phù hợp với không khí thời đại. Những năm 1990, dòng nhạc Bolero lắng xuống, tôi cũng bận việc gia đình nên ít đi hát hơn so với thời gian trước. Năm 1997, sau khi mẹ mất, tôi gần như ngừng hẳn công việc ca hát. 
- Hỏi: Người mẹ ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp ca hát của chị? 
- Trang Mỹ Dung: Tính tôi vốn rất nhút nhát, đi đâu cũng có mẹ đi cùng. Khi xưa, mỗi lần đi lưu diễn xa, bà luôn bên cạnh lo cơm nước cho tôi. Tối đến, hai mẹ con ngủ cùng, thủ thỉ trò chuyện rất vui. Sự ra đi của bà khiến tôi hụt hẫng, hoang mang một thời gian dài. Tôi cảm giác mình mất đi một điểm tựa trong cuộc sống, dù khi đó tôi đã ngoài 40 tuổi. 
     Kể từ khi không còn mẹ bên cạnh, tôi thấy mình mất tự tin hẳn. Tôi không đi diễn xa nữa mà chỉ nhận những suất diễn trong thành phố. Tuy không hát nhiều trên sân khấu, tôi vẫn đi hát nhạc Phật trong dịp lễ như Vu lan, Phật đản và hát trong các chương trình từ thiện của chùa. 
Hỏi: Chị gặp khó khăn gì khi một mình đi hát ở tuổi không còn trẻ
- Trang Mỹ Dung: Tôi không gặp khó khăn gì ngoài việc chứng kiến sự già nua mỗi ngày của mình. Tôi vẫn tự lái xe gắn máy đi lại trong thành phố để tập nhạc. Nếu đi diễn khuya, tôi đi xe hơi cùng gia đình. Khi đi hát chùa, hát từ thiện tôi vẫn đi xe buýt, xe khách cùng mọi người. 
Hỏi: Việc đi hát từ thiện tại chùa mang lại cho chị những trải nghiệm gì ở tuổi ngoài 60? 
- Trang Mỹ Dung: Nhiều người thắc mắc vì sao ở tuổi này tôi mới hát nhạc Phật, dù tôi quy y từ bé. Thật ra, đến giờ tôi mới có thời gian dành cho bản thân nhiều hơn nên có thể làm được nhiều việc mình thích. Trước kia tôi đi hát một phần vì đam mê, một phần cũng để có thu nhập lo cho cả gia đình. 
    Kể từ khi mẹ mất, việc hát từ thiện tại chùa đem đến cho tôi sự bình an trong tâm hồn. Tôi tâm niệm, mình giúp nhà chùa, cũng là giúp cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Mỗi lần đi hát như cũng là dịp may để tôi cầu phước cho gia đình. 
- Hỏi: Bà nói sao về thù lao đi hát hiện tại so với thời kỳ hoàng kim trước năm 1975? 
- Trang Mỹ Dung: Với các suất hát từ thiện, tôi chỉ nhận từ nhà chùa chút tiền bù đắp cho chi phí đi lại. Cát-xê hát phòng trà giúp tôi đủ sống. Tôi không đặt nặng vấn đề này vì những chỗ tôi nhận lời biểu diễn, đều xuất phát từ mối quan hệ thân thiết. Hiện tại, cuộc sống của tôi khá thoải mái với khoản tiết kiệm từ thù lao đi hát trước kia. 
- Hỏi: Ngoài những ca khúc về mưa gắn liền với nghệ danh Trang Mỹ Dung, chị còn yêu mến những thể loại âm nhạc nào
- Trang Mỹ Dung: Tôi mến mộ một số ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khi nhạc Trịnh chưa được biết đến nhiều bởi giọng hát Khánh Ly, tôi đã hát một số bài như Biển nhớ, Tình nhớ, Tình xa... Cũng có lúc, tôi có ý định chuyển qua hát nhạc Trịnh nhưng lại e ngại, sợ người khác nói mình chạy theo trào lưu. 
(nguồn: Châu Mỹ/VN Express)

Nhạc sĩ “Lòng mẹ” Y Vân: 60 năm cuộc đời không lãng quên

Nguyên Minh 

     Đã gần 1/4 thế kỷ trôi qua kể từ lúc nhạc sĩ Y Vân qua đời, nhưng nhiều chuyện về ông và cuộc đời âm nhạc được rất ít người biết tới… 

Yêu Vân 
    Y Vân có nghĩa là Yêu Vân. Nhạc sĩ với tên khai sinh Trần Tấn Hậu đã lấy nghệ danh như thế sau khi cuộc tình thời trai trẻ của ông tan vỡ. Người yêu tên Vân ấy là tiểu thư Tường Vân, mối tình đầu của ông. 
    Lúc đó chàng nhạc sĩ nghèo thường đi dạy đàn để nuôi gia đình, rồi một lần được người bạn thân giới thiệu đến dạy đàn cho một tiểu thư khuê tên là Tường Vân. Sau đấy giữa họ hé nở một mối tình đằm thắm. 
    Nhưng tình đầu tan vỡ vì chàng chỉ là anh “Trương Chi” si tình khốn khổ, còn nàng lại là một “Mỵ Nương” danh gia vọng tộc. Không thành duyên nhưng… thành danh, một loạt ca khúc của Y Vân ra đời từ đó như: Đò nghèo, Ảo ảnh, Nhạt nắng…với phong cách ballad và được hâm mộ nhiệt liệt. 
     Bà Minh Lâm, người vợ sau cùng của nhạc sĩ, còn giữ hai bức thư mà nhạc sĩ viết cho cô Tường Vân. Bà lưu giữ kỷ vật tình yêu của chồng mà không hờn ghen. Cũng cần nói thêm bà Minh Lâm là người vợ thứ hai của nhạc sĩ và cũng là em họ người vợ đầu của ông. 
     Năm 1959, nhạc sĩ Y Vân kết hôn lần thứ nhất với bà Như Hường. Họ có với nhau 4 người con. Hơn mười năm sau, tức năm 1970, với sự hy sinh hiếm có, bà Như Hường đã đi cưới vợ cho nhạc sĩ Y Vân. 
     Người vợ thứ hai của ông, không ai khác chính là em con cô, con cậu với bà Như Hường, bà Trần Thị Minh Lâm (cha của bà Minh Lâm là em trai của mẹ bà Như Hường). 
     Dư luận cũng từng thêu dệt nên những giai thoại rằng nhạc sĩ Y Vân đã tài hoa mà lại còn đào hoa bậc nhất. Nào là một cô Huyền nào đó đã đeo một mảnh tang đen trên bâu áo khi biết tin Y Vân đã có vợ, cô muốn để tang một cuộc tình. 
     Rồi những nhân vật như “Thúy đã đi rồi”, “cớ sao buồn này Kim, cớ sao sầu này Kim”… đều là những người tình của nhạc sĩ… Nhưng sau này bà Minh Lâm đã phản bác lại rằng: “Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ (kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân). Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con”.

Một cuộc đời sáng tác 
    Những người quen biết nhạc sĩ Y Vân đều nói rằng, cả cuộc đời mình, nhạc sĩ Y Vân chỉ biết sáng tác và sáng tác mà thôi. 
     Nhạc sĩ Y Vân sinh năm 1933, quê gốc Thanh Hóa. Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư - nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ sống nương tựa vào nhau trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội). 
     Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình.
    Năm 1959, ca khúc được xem là nổi tiếng nhất của ông, được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “Quốc ca của tình mẫu tử”, Lòng mẹ, ra đời. 
    Lúc ấy Y Vân là nhạc công chơi đại hồ cầm cho các nhà hàng ở Sài Gòn để kiếm tiền nuôi mẹ già và 2 em. Mỗi đêm khi ông đi chơi nhạc thì bà cụ ở nhà bê thau quần áo ra giặt ở máy nước công cộng. 
    Có một đêm, bà cụ giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát bắt về bót vì tội... phá lệnh giới nghiêm. Đến sáng, nhạc sĩ về nhà, biết chuyện đã vừa khóc vừa viết: “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa Thu. Tình mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ”. Sau đó, ông hát cho mẹ nghe, lần này thì bà vừa nghe vừa khóc. 
    Lòng mẹ đã đưa ông trở thành nhạc sĩ ăn khách và bài hát nổi tiếng đến mức sau đó, dù có thêm nhiều sáng tác mới, trẻ trung hơn và cũng rất hay nhưng người ta vẫn đóng đinh Y Vân ở Lòng mẹ. 
    Phải đến khi ông bắt đầu chuyển hướng sang bolero, tình ca buồn như Đò nghèo, Nhạt nắng, Ảo ảnh, Ngăn cách, Yêu, Thôi, Buồn… thì lúc ấy Y Vân mới lật cuộc đời sáng tác của mình sang một trang mới. 
    Ông sáng tác rất nhiều và cũng trở thành người tiên phong của những dòng nhạc mới, nhất là ở thời 1960 khi điệu twsit tràn ngập miền Nam. Với hiệu ứng từ bài twsit bất hủ Let’s Twist Again đang gây náo loạn giới trẻ, nhạc sĩ Y Vân nhận được đơn đặt hàng từ Hãng đĩa Sóng Nhạc. 
     Trong vòng một tuần, ông sáng tác 3 bài twist thuộc hàng kinh điển của nhạc trẻ Việt Nam lúc ấy: 60 năm cuộc đời, 20 và 40, Kim. Với tiếng hát Hùng Cường, cả 3 nhạc phẩm này đem đến cho Hãng Sóng Nhạc vô số lợi nhuận, tái bản rất nhiều lần. 
    Được biết, nhuận bút cho 3 sáng tác này đem về cho nhạc sĩ Y Vân 1 triệu đồng (rất lớn thời ấy) và một đêm “nhất dạ đế vương” ở Chợ Lớn do đích thân chủ hãng Nguyễn Quang Oánh mời Y Vân đi bằng được. 
    Sau năm 1975, nhạc sĩ Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu… Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm. 
    Như lời vợ ông kể lại “Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng. Trời thương, nên giai đoạn đó anh được “đặt hàng” dồn dập, có thể nói là “ăn nên, làm ra”, nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất”. 
    Ngày 28/11/1992 nhạc sĩ Y Vân qua đời. Ngày ấy có bao nhiêu giọt nước mắt tiễn đưa ông, nhưng có lẽ, đớn đau và xót xa nhất là giọt nước mắt của mẹ ông. Bà Lâm kể: “Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc thành phố, mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng. Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong. 
    Chúng tôi nghe bà cụ nói: “Người đời thường bảo: Con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong Lòng mẹ… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm…”. 
    10 tháng sau hôm đó, mẹ của nhạc sĩ Y Vân qua đời. 
    Cũng cần nói thêm bài 60 năm cuộc đời rất nổi tiếng của ông được xem như là một bài ca định mệnh vì khi qua đời, nhạc sĩ Y Vân đúng 60 tuổi. Và cũng lạ lùng, người hát đầu tiên và đưa ca khúc này trở nên nổi tiếng, ca sĩ Hùng Cường, cũng qua đời ở tuổi 60. (nguồn: Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)

Mình mẹ hai vai gánh vác tất cả

Vũ Đức Sao Biển 

Cánh cò cõng nắng cõng mưa 
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương

     Triết học phương Đông luôn ca ngợi nguyên lý Huyền tẫn. Đạo giáo cho rằng huyền là dương, ở trên, quẻ Càn; tẫn là âm, ở dưới, quẻ Khôn. Có câu viết: “Huyền tẫn là gốc rễ của trời đất”. Huyền kết hợp với tẫn sinh ra mầm sống, đời sống, cuộc sống. Tôn thờ Huyền tẫn có nghĩa là tôn thờ nguyên lý mẹ - mọi vật trên đời được sinh ra từ giống cái. 
      Niềm tin tâm linh của các dân tộc phương Đông thường được thể hiện qua việc tôn thờ nguyên lý mẹ này. Dân tộc ta thờ mẹ Âu Cơ - người mẹ sinh ra một trăm trứng diệu kỳ, nở ra trăm con khỏe mạnh, chia đôi ra nửa lên nguồn, nửa xuống biển làm nên dân tộc Việt. Ngoài mẹ Âu Cơ, dân cư từng nơi còn thờ lạy những bà mẹ khác: người Quảng Nam thờ lạy Mẹ Xứ sở Thu Bồn; người An Giang thờ lạy Bà Chúa xứ, nhiều nơi khác thờ lạy bà Cửu thiên huyền nữ... Niềm tin tâm linh ấy được hiện thực hóa, cụ thể hóa trong mỗi đời chúng ta, cho chúng ta yêu quý, tôn thờ mẹ của mình hơn bất cứ một người nào khác trên đời. Hãy hình dung người mẹ VN qua cách mô tả trong ca từ âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy: “Đôi má tươi hồng, má tươi hồng với hàm răng trắng/Nhỏ người vai lẳng, vú căng tròn, tròn lưng ong”. 
     Cái vóc dáng tầm thước, tươi đẹp ấy đã mang nặng đứa con trong bụng mình chín tháng mười ngày, đã chịu đau đớn banh da xé thịt sinh đứa con ra, đã ẩn nhẫn nuôi nấng đứa con nên người, đã chịu nhiều đắng cay cơ cực hơn bất cứ một ai trên đời này. 
     Ấy là mẹ ta - mẹ dân tộc không son phấn, chân lấm tay bùn, suốt đời không biết đến nhung gấm, chỉ biết có màu áo nâu sồng hay áo đen lam lũ. 
     Tôi sinh ra trong một gia đình có đến mười anh chị em. Trong những chiều đông giá rét ngày thơ ấu, tôi thường ra đứng trước ngõ nhìn ngược nhìn xuôi con đường quê lấm tấm mưa phùn hay sương lam để chờ mẹ về. Lòng tôi thường nghĩ ngợi vẩn vơ, cứ sợ mẹ không về thì không biết sẽ sống với ai. 
     Nỗi lo sợ ấy kéo dài mãi cho đến khi cái vóc dáng gọn gàng của mẹ, tay phải bưng chiếc rổ nhỏ, đầu đội chiếc nón lá hiện ra, tôi mới thật sự thở phào, nhẹ nhõm. Mẹ trở về nhà thì tự nhiên lòng tôi ấm lên, nhà tôi ấm lên. Ôi, nếu không có mẹ thì cuộc đời của mỗi chúng ta, tâm hồn của mỗi chúng ta sẽ trống vắng biết bao nhiêu! 
     Cuối tháng 2.2017, tôi đọc thông tin về một bà mẹ trẻ người Hàn Quốc chết vì kiệt sức và suy tim ngay trên bàn làm việc. Người phụ nữ ấy đậu đầu khóa thi tuyển công chức, làm việc rất giỏi 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chị còn là mẹ của hai cháu bé, chăm lo 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho gia đình. 
    Tính ra, chị còn 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày để dành cho mình, kể cả thời gian đi đến sở làm và từ sở làm về nhà. Mỗi ngày, chị còn khoảng 6 tiếng để nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân... Danh tính của chị được giữ kín nhưng cái chết vì kiệt sức và suy tim ấy đã khiến các tổ chức lao động quốc tế phải nghĩ lại về các chế độ chính sách đối với lao động nữ ngày nay. 
     Người ta tính ra rằng những người phụ nữ trẻ, giỏi giang trong xã hội có nền công nghiệp phát triển phải làm việc cật lực trong 2.113 giờ mỗi năm; nhiều hơn 253 giờ so với người phụ nữ trong những xã hội đang phát triển. 
    Hàn Quốc là đất nước có hệ thống pháp luật lao động tiến bộ, trong đó người phụ nữ được nghỉ thai sản (mang thai và sinh con) đúng 12 tháng có lương, đi làm lại vẫn được hưởng lương đầy đủ. Thế nhưng ở nhiều đất nước công nghiệp phát triển khác, sau thời kỳ thai sản, người phụ nữ trẻ chưa chắc đã kiếm lại được việc làm. Chỉ số điều tra xã hội cho biết thông thường người phụ nữ phải mất trên 10 năm mới xin lại được việc làm (mới) và tiền lương mới ít hơn tiền lương cũ đến 233 đô la Mỹ. 
   Nói cách khác, sự vận động để tiến lên nền công nghiệp phát triển ngày nay của nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt những người phụ nữ trẻ giỏi giang, đầy khát vọng cống hiến trước hai chọn lựa: hoặc toàn tâm toàn ý làm công việc thì đừng nên nghĩ đến chuyện làm vợ, làm mẹ hoặc muốn làm vợ, làm mẹ, hưởng hạnh phúc gia đình bình thường thì phải chịu mất việc làm, giảm thu nhập. Cái áp lực vô hình phải chọn lựa một trong hai đó thật đáng sợ đối với người phụ nữ! 
    Trong bất cứ xã hội công nghiệp phát triển hay đang phát triển, văn minh hay chưa văn minh như các bộ lạc trên các đảo quốc Thái Bình Dương thì người phụ nữ trẻ nào cũng muốn được yêu, được làm vợ làm mẹ, có một nguồn thu nhập chính đáng, có một đời sống hạnh phúc bình thường. Thế nhưng, sức vóc người phụ nữ thì có hạn, so ra không khỏe bằng nam giới. Sức vóc ấy lại phải trải qua những lần sinh con; công việc chăm sóc gia đình lại nhiều hơn người đàn ông nên lại càng hao mòn, dễ kiệt quệ hơn đàn ông. 
     Thống kê của các tổ chức lao động quốc tế cho biết trung bình mỗi ngày người phụ nữ dùng 3 tiếng đồng hồ để chăm sóc gia đình, trong khi người đàn ông chỉ đóng góp được 40 phút, thậm chí có anh... không có được phút nào! 
     Cùng làm một công việc như nhau, năng suất như nhau nhưng lương người nữ công nhân, viên chức có khi vẫn ít hơn lương của nam đồng nghiệp. Với pháp luật các quốc gia và tổ chức nữ quyền trên toàn thế giới luôn luôn là nam nữ bình đẳng nhưng thật khó mà làm cho bình đẳng các chênh lệch trên đây. 
    Bản thân người phụ nữ trong xã hội đang phát triển của chúng ta hôm nay chừng mực nào đó cũng phải chịu áp lực vô hình giữa cuộc sống hạnh phúc gia đình và khát vọng được cống hiến cho xã hội. Tôi hiểu được người phụ nữ thông qua hình ảnh của mẹ tôi và vợ tôi. Mẹ tôi ngày xưa trưởng thành trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, tảo tần khuya sớm làm lụng nuôi con. 
     Vợ tôi trưởng thành trong xã hội đang phát triển, vừa phải làm tròn công việc của nhà giáo trong nhà trường, vừa phải chăm sóc gia đình. Những năm bao cấp, cả nước còn rất khó khăn, vợ tôi cũng như nhiều phụ nữ đồng trang lứa khác đã phải trải qua nhiều gian nan, vất vả mới gánh vác được cả hai trách nhiệm ấy. 
    Có công bằng chăng khi đôi vai của người phụ nữ vốn nhỏ nhắn hơn so với đôi vai của người đàn ông nhưng phải gánh vác thường xuyên một bên là bổn phận với gia đình, một bên là bổn phận với xã hội? 
    Có công bằng chăng khi rất nhiều người đàn ông tự cho mình cái “quyền” được gia trưởng; rong chơi tối ngày đánh bạc, đá gà, uống rượu; quay về nhà là chửi vợ, đánh vợ, gây ra những thảm kịch bạo hành gia đình? Tôi nghĩ rằng những người đàn ông có lòng hay chưa có lòng cũng nên nghĩ đến hai câu tự vấn trên đây. 
     Ngay trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, người nghệ sĩ cũng tỏ ra... bất công đối với vợ mình rồi. Anh nhiếp ảnh gia chỉ chuyên chụp ảnh những cô gái trẻ, mà nhiều khi là ảnh nude bốc khói bốc lửa chứ ít khi chụp ảnh vợ mình. Nhà điêu khắc chỉ chuyên tạc tượng những cô gái trẻ chứ chưa bao giờ tạc tượng vợ mình. 
    Nhạc sĩ lãng mạn viết ca từ, nhà thơ lãng mạn làm thơ chỉ nói về ai đó chứ ít khi nói về hình ảnh vợ mình. Ngay ngài Khổng Tử - con người nổi tiếng đàng hoàng nhất của thời Xuân Thu, cũng chưa viết được một dòng chữ nào về Khổng phu nhân mà chỉ đi qua nước Vệ “thưởng ngoạn” nhan sắc của bà Nam Tử. Cho hay, “hoa lạ hương xa” vẫn được ca ngợi nhiều hơn đôi vai gần gũi! 
(nguồn: Thanh Niên)

THƠ ĐỖ TRUNG QUÂN VỀ MẸ

MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG 
(Đỗ Trung Quân)

ngày xưa chào mẹ, ta đi 
mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười 
mười năm rồi lại thêm mười 
ta về thì khóc, mẹ cười lạ không

ông ai thế ? Tôi chào ông 
mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi 
ông có gặp thằng con tôi 
hao hao… tôi nhớ… nó …người …như ông 
mẹ ta trả nhớ về không 
trả trăm năm lại bụi hồng… rồi.. đi…

MẸ

(Xin tặng cho những ai được diễm phúc còn có Mẹ - Đỗ Trung Quân - 1986)

Con sẽ không đợi một ngày kia 
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc 
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ? 
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt 
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua 
Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ 
Ai níu nổi thời gian? Ai níu nổi? 
Con mỗi ngày một lớn lên 
Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi 
Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

Con sẽ không đợi một ngày kia 
Có người cài cho con lên áo một bông hồng 
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ 
Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng 
Hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ? 
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ 
Sống tự do như một cánh chim bằng 
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái 
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không? 
Những bài thơ chất ngập tâm hồn 
Đau khổ - chia lìa - buồn vui - hạnh phúc 
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
Mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ 
Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ 
Giọt nước mắt già nua không ứa nổi 
Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi 
Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng 
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân 
Mấy kẻ đi qua mấy người dừng lại? 
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy 
Trái tim âu lo đã giục giã đi tìm 
Ta vẫn vô tình. Ta vẫn thản nhiên?

Hôm nay... 
Anh đã bao lần dừng lại trên phố quen 
Ngã nón đứng chào xe tang qua phố 
Ai mất mẹ? Sao lòng anh hoảng sợ 
Tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình? 
Bài thơ này xin thắp một bình minh 
Trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối 
Bài thơ như một nụ hồng 
Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới!

(Đỗ Trung Quân)

MẸ (THƠ BẠCH TUYẾT)

Mẹ cho hạt bụi sáng ngời, 
Mẹ mang bí ẩn tuyệt vời nguồn yêu 
Mẹ là khởi thủy mọi điều, 
Lòng mẹ vời vợi biển triều mênh mông. 
Mẹ cho dòng suối mát trong, 
Mẹ mang tia nắng ấm lòng trẻ thơ. 
Thương con vô bến vô bờ, 
Trọn vòng nhật nguyệt u ờ ....lời ru . 
Mẹ là nắng giữa sương mù. 
Mẹ là xuân giữa ngày thu úa tàn. 
Mẹ là cánh gió miên man, 
Mẹ là ruộng lúa đồng vàng mênh mông. 
Mẹ là khoảng trống trời trong, 
Cho con đôi cánh thong dong giữa đời. 
 Mỗi năm mỗi thắp đèn trời!

BÔNG HỒNG CÀI ÁO
(Nhất Hạnh - 1962)

     Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. 
     Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. 
     Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!". 
    Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng. 
     Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. 
     Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa! Nhất Hạnh (1962)

Giai thoại một số bài hát ngoại quốc nổi tiếng về Tình Mẹ
HOÀI NAM

      Vào những năm tháng cuối cùng của miền Nam VN trước khi xảy ra biến cố 30/4/1975, trong số những ca khúc Pháp được ưa chuộng hàng đầu tại Hòn ngọc Viễn đông có một bản chẳng những không hề lên bảng xếp hạng ở Pháp, mà tại miền Nam VN cũng không mấy người biết tác giả là ai; về phần ca sĩ thu đĩa, đa số cũng chỉ biết đó là một cậu bé tên là Roméo. Ca khúc ấy là bản Maman oh Maman, được nữ ca sĩ Thanh Lan đặt lời Việt với tựa Mẹ hiền yêu dấu
    Cũng nên biết trong nền nhạc phổ thông của Pháp tính từ thập niên 1960 đổ lại, có ít nhất năm ca khúc nổi tiếng mang tựa đề “Maman”, hoặc có chữ “Maman” trong tựa đề. Đó là các bản: 
– “Maman” do Christophe thu đĩa năm 1966 
– “Maman, Maman” do Jean Jacques thu đĩa năm 1969 
– “Maman oh Maman” do Roméo thu đĩa năm 1973 
– “Une maman” do Noam thu đĩa năm 1975 
– “Maman (Chère Maman)” do Christophe Maé thu đĩa năm 2008. 
    Vì ngày ấy, và cả hiện nay, tựa đề Maman oh Maman (do Roméo thu đĩa) được nhiều người gọi một cách ngắn gọn là “Maman”, dẫn đưa tới những trường hợp lẫn lộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia, gây khó khăn cho những người yêu nhạc muốn tìm hiểu tới nơi tới chốn.

Maman với tiếng hát Christophe năm 1966

      Trước hết viết về hai bản Maman của Christophe và Maman (Chère Maman) của Christophe M ayé. 
    Christophe là nam ca sĩ kiêm nhà viết ca khúc nổi tiếng và được ái mộ nhất trong nền nhạc trẻ của Pháp, mà tên tuổi đi liền với những bản đứng No.1 trên bảng xếp hạng, như Aline (Gọi tên người tình), Mal (Cơn đau tình ái), Oh mon amour (Tình yêu ôi tình yêu)… 
    Riêng về đề tài “mẹ”, Christophe có hai bản: Mère, tu es la seule (Chỉ có mình mẹ mà thôi) và Maman
     Maman của Christophe có nội dung rất cảm động, viết về tâm trạng của một người mẹ vừa vĩnh viễn mất đứa con trai thân yêu; bà nhớ lại ngày xưa, cậu bé thường đòi hỏi “bao giờ mẹ mới mua cho con cái xe lửa chạy bằng điện, con không muốn chơi ké của bạn bè nữa đâu”, nhưng vào ngày lễ của Các bà mẹ, cậu cũng biết ngắt một bó hoa tặng mẹ để cầu chúc mẹ hạnh phúc, dẫu đó chỉ là những bông hoa mồng gà bé nhỏ…, và bà không bao giờ có thể quên được tiếng hát vô tư hồn nhiên của cậu ngày nào: 

Une femme pleure son enfant perdu à tout jamais 
Elle se souvient du temps passé où l’enfant lui disait 
Maman maman quand m’achèteras-tu un train électrique ? 
Je le voudrais pour ne plus jouer avec celui des copains 
Une femme pleure son enfant perdu à tout jamais 
Elle se souvient du temps passé où l’enfant lui disait 
Maman maman aujourd’hui c’est ta fête 
Pour toi je suis allé cueillir ces petites fleurs 
Qui te porteront bonheur ce ne sont que des coquelicots 
Une femme pleure son enfant perdu à tout jamais 
Elle se souvient du temps passé où l’enfant lui chantait:

     Ngày ấy Maman của Christophe rất được giới trẻ ở Hòn ngọc Viễn đông yêu chuộng, được Thanh Lan trình bày (lời Pháp) trong băng nhạc Tùng Giang 4. Về phiên bản tiếng Việt, theo sự hiểu biết của chúng tôi, đã không có tác giả nào đặt lời Việt cho toàn bài, rất có thể vì nội dung quá “tây” (bao giờ mẹ mới mua cho con cái xe lửa chạy bằng điện…), hoặc vì giai điệu không thích hợp với ngôn ngữ Việt. Chỉ có một tác giả nào đó phỏng dịch phiên khúc 2 để hát trong một “liên khúc nhạc Pháp”, nhưng dịch không đạt và nghe cũng không xuôi. 
     Thế nhưng Maman của Christophe dù được yêu chuộng tới mức nào, cũng là một ca khúc của các thập niên 1960, 1970, còn hiện nay chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21, thành thử nếu đánh từ khóa “Maman Christophe” trên Google, trong đa số trường hợp sẽ hiện ra một bản “Maman” khác, của một chàng “Christophe” khác, đó là bản Maman (Chère Maman) của Christophe Maé.

Chère Maman với tiếng hát Christophe Maé năm 2008

       Christophe Maé sinh năm 1975 tại Vancluse, miền nam nước Pháp, hiện nay là một tên tuổi lớn trong làng nhạc “nguyên chất” ở Pháp và các xứ nói tiếng Pháp. (Từ “nguyên chất” chúng tôi tạm dịch từ chữ “acoustic”, trong lĩnh vực ca nhạc có nghĩa là không sử dụng các thiết bị điện tử, có khi còn được gọi là “unplugged”, “unwired”). 
    Christophe Maé học vĩ cầm từ năm lên 5, nhưng sau một khoảng thời gian bị chứng bại xuội, nằm nghe nhạc suốt ngày, anh đã chịu ảnh hưởng của nhạc jazz và blues. Thần tượng của anh là các ca nhạc sĩ Mỹ da đen như Bob Marley, Stevie Wonder, Tracy Chapman… Chính vì ngưỡng phục chàng ca nhạc sĩ khiếm thị Stevie Wonder mà ngoài đàn ghi-ta thùng, sau này Christophe Maé còn học thổi khẩu cầm (harmonia) và trở thành một trong những tay kèn nổi tiếng nhất Âu châu. 
     Năm 2008, album đầu tay của Christophe Maé tựa đề Mon Paradis (Thiên đường của tôi) đã đứng No.1 tại Pháp và Bỉ; từ đó tới nay, anh đã có thêm 4 album khác đứng No.1 tại hai quốc gia này. Maman (Chère Maman) là một ca khúc trong album Mon Paradis, do Christophe Maé viết chung với Jean-François Oricelli, nhà soạn nhạc kiêm tay ghi-ta thùng nổi tiếng của Pháp.

Maman (Chère Maman) 
Quand je la regarde faire 
J’ai les larmes aux yeux 
Mais ce n’est qu’une mère 
Qui voudrait être le bon Dieu 
ce n’est qu’une mère 
Qui voudrait être le bon Dieu 
Pour ne jamais voir l’enfer dans le vert de mes yeux 
Alors je danse vers les jours heureux 
Alors je danse vers, et je m’avance vers des jours heureux

Je t’aime je t’aime maman maman 
Je t’aime passionnément 
Je t’aime je t’aime maman maman 
Je t’aime simplement

     Tới đây chúng tôi viết về sự lẫn lộn giữa hai ca sĩ thu đĩa bản Maman oh Maman và Maman, Maman
    Như đã trình bày ở phần đầu, ca khúc Maman oh Maman do cậu bé Roméo thu đĩa năm 1973 trong khi rất được ưa chuộng tại miền Nam VN, thì ở Pháp và các nước Tây Âu, ca khúc này không hề lọt vào bảng xếp hạng; và nếu nhắc tới các ca khúc có tựa đề “Maman” thì sau bản Maman (1966) của Christophe, mọi người sẽ nghĩ tới bản Maman, Maman của tác giả Jo Perrier do cậu bé Jean Jacques thu đĩa năm 1973.


Maman Maman với tiếng hát cậu bé Jean Jacques 12 tuổi thu dĩa năm 1973

      Maman, Maman được nhiều người biết tới vì ca khúc này được Jean Jacques, một công dân Pháp khi ấy mới 12 tuổi, đại diện Lục-xâm-bảo dự thi Giải ca khúc Âu Châu (Eurovision) năm 1969, đứng hạng 6 trong tổng số 16 quốc gia tham dự; sau này đã được Jean Jacques thu đĩa bằng 3 ngôn ngữ khác là Đức, Ý, và Tây-ban-nha.
     Chính vì cả Maman, Maman lẫn Maman oh Maman đều do ca sĩ “nhi đồng” thu đĩa, cho nên hiện nay có ít nhất một trang mạng âm nhạc uy tín trong nước, chuyên về “hợp âm trong các ca khúc ngoại quốc”, đã có sự nhầm lẫn khi viết rằng ca sĩ thu đĩa bản Maman oh Maman là Jean Jacques, được cậu trình diễn lần đầu trong cuộc thi Eurovision năm 1969. 
     Nhưng sự lẫn lộn liên quan tới “Maman oh Maman” không dừng ở đây, mà hiện nay có khá nhiều trang mạng trong nước đã viết Maman oh Maman do Romeo Santos thu đĩa, tức là có sự lẫn lộn giữa cậu bé Roméo của Pháp với chàng Romeo Santos của Mỹ. 
    (Romeo Santos tên thật là Anthony Santos, sinh năm 1981, là một ca nhạc sĩ, nhà viết ca khúc, nhà sản xuất đĩa nhạc kiêm diễn viên Mỹ gốc Mỹ la-tinh nổi tiếng. Anh là người thành lập ban nhạc Aventura chuyên trình bày các ca khúc theo thể điệu “bachata” – một biến thể của bolero phát xuất từ Cộng hòa Dominic. Sau khi ban Aventura đường ai nấy đi, Romeo Santos đã thành công rực rỡ trong sự nghiệp hát solo, tới nay đã có 7 ca khúc đứng No.1 trên bảng xếp hạng Hot Latin Songs và 9 bản trên bảng xếp hạng Tropical Songs ở Hoa Kỳ)

Maman với tiếng hát cậu bé Romeo thu dĩa năm 1973

      Trở lại với thời gian trước năm 1975 tại miền Nam VN, như chúng tôi đã viết ở một đoạn trên, trong số 5 bản “Maman” được nhắc tới, chỉ có hai bản Maman của Christophe và Maman oh Maman của Roméo được đông đảo người yêu nhạc Pháp biết tới và yêu chuộng, và trong đó chỉ có một bản, Maman oh Maman, được đặt lời Việt toàn bài. Ngày ấy, không hiểu tiệm bán đĩa hát ngoại quốc Anna nổi tiếng ở đường Nguyễn Huệ đã kịp nhập đĩa này vào Sài Gòn chưa, riêng chúng tôi chỉ được thưởng thức Maman oh Maman qua chương trình nhạc ngoại quốc trên các đài phát thanh, và cũng chỉ được biết tên ca sĩ trình bày chứ không biết tên nhạc sĩ sáng tác. Sau này có cơ hội tìm hiểu, chúng tôi mới biết Maman oh Maman là một sáng tác chung của Claude Carrère và Jim Larriaga, do hãng đĩa Disques Carrère phát hành. 
     Claude Carrère (1930-2014), mà chúng tôi đã hơn một lần nhắc tới, là một tên tuổi lớn trong làng ca nhạc Pháp, ngoài công việc của một nhà viết ca khúc, nhà đặt lời hát, nhà sản xuất đĩa nhạc, ông còn có công giới thiệu nhiều mầm non, trong số đó có Sheila, Carlos, và Roméo. 
    Còn Jim Larriaga (sinh năm 1941) xuất thân là một anh thợ cắt tóc sau trở thành nhà soạn ca khúc; trong số sáng tác của anh, có hai ca khúc nổi tiếng do Roméo thu đĩa. 
     Về phần cậu bé Roméo, tên thật là Georges Brize, sinh năm 1961, được ghi nhận là một trong những “tiếng hát trẻ con” của Pháp được ái mộ nhất trong thập niên 1970. Cậu bắt đầu trình diễn vào năm lên 8 tuổi, và sau khi xuất hiện trên truyền hình qua bản Ave Maria của Schubert, đã lọt vào mắt xanh ông bầu Claude Carrère.
    Claude Carrère trao cho Jim Larriaga việc soạn một số ca khúc đặc biệt thích hợp với tiếng hát trẻ con của Roméo, trong đó có bản Maman oh Maman, do ông đặt lời hát. 
     Xét về giai điệu, Maman oh Maman không có gì đáng gọi là độc đáo, mới lạ, nhưng sao nghe “bắt tai” lạ thường; theo nhận xét của cá nhân chúng tôi, Jim Larriaga đã khai thác một cách tài tình đặc điểm dặt dìu của thể điệu valse chậm vừa. Về lời hát cũng thế, một lần nữa Claude Carrère đã chứng minh những gì đơn giản, bình thường nhất trên đời luôn luôn là những gì hay nhất, đẹp nhất (the simple things in life are always the best!)

Maman oh Maman 
Maman, oh Maman, toi qui m’as donné, 
tant de tendresse depuis tant d’années. 
Tu le sais bien, quand je serai grand 
je penserai à toi Maman. 
Maman, oh Maman, 
le jour et la nuit, 
je veillerai toujours sur ta vie. 
Je serai là à tous les instants, 
pour te protéger Maman. 

Refrain: 
Je te promets si jamais tu pleures de te serrer fort sur mon coeur. 
Il n’y aura pas d’amour aussi grand que mon amour pour toi Maman. 
Maman, oh Maman, quand tu me souris, 
c’est un soleil qui chasse la pluie. 
J’essaierai de sourire autant 
chaque jour pour toi Maman. 
(Refrain) 
Maman, oh Maman, toi qui m’as donné, 
tant de tendresse depuis tant d’années. 
Tu le sais bien, quand je serai grand 
je penserai à toi Maman.

     Dưới “bàn tay phù thủy” của Claude Carrère và Jim Larriaga, Roméo đã mau chóng trở thành một hiện tượng ca nhạc; chỉ trong thời gian 3 năm, cậu đã thu 3 album và 7 đĩa 45 vòng, với tổng số bán ra lên tới 4 triệu (kỷ lục của “ca sĩ trẻ con” ở Pháp. Rất tiếc, qua tuổi thiếu niên, sau khi “vỡ giọng”, Roméo đã từ giã ca nhạc. Hiện nay, Georges Brize (tên thật của Roméo) là một nhà báo kiêm nhà dịch thuật.

      Tại miền Nam VN, Maman oh Maman đã trở thành ca khúc Pháp đầu tiên của thời nhạc trẻ được một “nữ tác giả” đặt lời Việt, đó là Thanh Lan với tựa Mẹ hiền yêu dấu. Chúng tôi nhấn mạnh mấy chữ “thời nhạc trẻ” bởi trước đó, vào cuối thập niên 1950, đã có hai ca khúc phổ thông của Pháp được nữ thi sĩ Hương Huyền Trinh (cô của Ngô Thụy Miên) đặt lời Việt, là La Complainte des Infidèles (Lòng người ly hương) và Domino (Khúc nhạc muôn đời). 
     Viết một cách chính xác, Maman oh Maman đã được Thanh Lan “phỏng dịch” sang tiếng Việt với tựa "Mẹ hiền yêu dấu". 
   Theo nhận xét của riêng cá nhân chúng tôi, tài chuyển ngữ của cô cựu sinh viên Văn Khoa xuất thân trường Pháp ấy phải được xem là “đạt”; tuy nhiên đạt tới mức nào, xin để người thưởng ngoạn khách quan đánh giá.


Mẹ Hiền Yêu Dấu (Thanh Lan) 
Người mẹ hiền yêu dấu mẹ đã trao về ta 
thật bao âu yếm trong những năm vừa qua 
mẹ hiền có biết khi lớn khôn ra đời 
con sẽ nhớ hoài bóng dáng người. 
Người mẹ hiền yêu hỡi lúc sáng hay về đêm 
lòng nguyện luôn luôn săn sóc mẹ bình yên 
và con sẽ đến vào bất cứ lúc nào 
khi có ai làm mẹ nghẹn ngào. 

ĐK: Và con xin hứa nếu lỡ mẹ rơi lệ 
con sẽ ôm mẹ thật sát trong lòng 
chẳng tình thương nào to lớn hơn cho bằng 
tình thương yêu con đã trao cho mẹ. 
Người mẹ hiền yêu dấu những lúc mẹ cười vui 
là mặt trời rạng rỡ mưa buốt không còn rơi 
và con sẽ cố từ sáng đến trưa chiều 
khi thấy mẹ thì cười vui thật nhiều.

(ĐK) Người mẹ hiền yêu dấu mẹ đã trao về ta 
thật bao âu yếm trong những năm vừa qua 
mẹ hiền có biết khi lớn khôn ra đời 
con sẽ nhớ hoài bóng dáng người. 

      Trước năm 1975, Maman oh Maman / Mẹ hiền yêu dấu đã được chính Thanh Lan trình bày song ngữ trong băng nhạc Thế Giới Nhạc Trẻ do Kỳ Phát thực hiện. 
       Sau năm 1975, Mẹ hiền yêu dấu rất được phổ biến tại hải ngoại, và về sau cả ở trong nước. Trong số những phiên bản được thu đĩa tại hải ngoại, chúng tôi chọn gửi tới độc giả các bản do Thái Hiền, Ngọc Lan trình bày, và bản lời Pháp & Việt qua tiếng hát Julie. Có điều hơi đáng tiếc là cả ba nữ ca sĩ này đã không hát đầy đủ phiên bản lời Việt của Thanh Lan.

(nguồn: Hoài Nam/t.van.net)

1001 Khuôn Mặt Thương Yêu: 
CA SĨ BẠCH TUYẾT
giọng hát tân nhạc của những đêm Saigon một thời sôi động

Bài viết: Trần Quốc Bảo

Ảnh chụp ca sĩ Bạch Tuyết năm 1980

      Sàigòn thập niên 60, nhà báo mỗi khi nhắc đến Bạch Tuyết, phải ghi chú thêm vài giòng, nếu không người đọc phân vân... Có cô đào Bạch Tuyết trong giới cải lương sau khi đoạt 2 Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm năm 1963, 1965 tên tuổi sáng chói. Có Bạch Tuyết, em gái ca sĩ Mai Hương (ái nữ kịch sĩ Kiều Hạnh) thời gian đó cũng sinh hoạt ca hát thường xuyên... nhưng cả hai nghệ sĩ Bạch Tuyết này đều sinh sau đẻ muộn, so với một ca sĩ trùng tên khác và cũng là người mà Trần Quốc Bảo sẽ đề cập trong số báo này để mừng sinh nhật thứ 81 của chị. Xin mời độc giả bước vào câu chuyện để nhớ về ca sĩ Bạch Tuyết, một giọng hát tân nhạc của những đêm Saigon một thời sôi động.

* * *
Ca sĩ Bạch Tuyết, một giọng hát tân nhạc của những đêm Saigon một thời sôi động.

      Người ca sĩ được đề cập trong số này, tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết. Chị sinh ngày 17 tháng 5 năm 1936 tại Sóc Trăng. Gia đình có 6 chị em gái (5 chị lớn cùng mẹ khác cha) nhưng chỉ có một mình Bạch Tuyết đam mê ca hát. Trong nhà chỉ toàn gái nhưng tánh tình chị từ nhỏ lại y hệt con trai... mê ca nhạc, mê học đàn... ba mẹ thấy khác thường nhưng cũng không phản đối. 
     Sau khi ba mẹ chia tay năm chị 4 tuổi, mẹ đưa con cái rời Sóc Trăng về Bạc Liêu sống. Năm 1945, lúc chị 9 tuổi, gia đình lên Saigon ở đường Phan Thanh Giản gần Chợ 20 (gần nhà bà nội Khánh Ly), đi bộ lên chút xíu là tới rạp hát Đại Đồng Nguyễn Thiện Thuật. 
     Năm 11-12 tuổi, Bạch Tuyết đã tìm đến đàn mandolin, mua sách tự học, tự chơi những bản nhạc nổi tiếng lúc đó như Trăng Mờ Bên Suối (Lê Mộng Nguyên), Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn)... 
     Thuở nhỏ, chị đi học tiểu học ở trường gần nhà thờ Huyện Sĩ, lớp 9 lên trường Tôn Thọ Tường học tới lớp 12. Lúc đó là năm 1954, một hôm, Bạch Tuyết đi khám bệnh do một nhóm bác sĩ ở Phi Luật Tân (villa Hồng Thập Tự/Lê Văn Duyệt) tổ chức khám miễn phí. Thư ký và thông dịch viên nhìn chị cười, hỏi muốn làm thư ký tại nơi đó không, Bạch Tuyết nói có, tuy Anh văn còn giới hạn, nhưng sau đó vẫn được họ mướn vào làm. 
    Lúc này cả nhà dời về Gia Long thì mẹ chị đã về lại Bạc Liêu, còn Bạch Tuyết ở lại với bà chị thứ năm. Vì nhóm có nhiều chi nhánh (JCI Thanh Thương Hội Quốc Tế), cho nên chị xin về Bạc Liêu cho gần mẹ. Bạch Tuyết về Bạc Liêu làm tại nhà thương Bạc Liêu (từ đó có biệt danh Tuyết Phi Luật Tân), tỉnh trưởng Bạc Liêu là Trung Tá Trần Hoàng Quân biết chị có khả năng ca hát nên các buổi tiệc tùng đều có chị tham dự. 
    Làm được một năm thì nhóm JCI Thanh Thương Hội cho biết tỉnh Bình Định cần người, muốn điều một số nhân viên đi Bình Định, nhưng Bạch Tuyết và mẹ không chịu đi. Cùng lúc đó, tình cờ chị gặp nhạc sĩ Thanh Tuyền, cho biết nhạc sĩ Lê Thương đang cần ca sĩ, kịch sĩ (vì ông đang phụ trách cho một số chương trình ca nhạc chiếu bóng được Mỹ cấp tiền để tuyên truyền miễn phí cho dân chúng coi). Thế là Bạch Tuyết gửi hình, nhạc sĩ Thanh Tuyền cầm về cho Lê Thương, Lê Thương đánh điện tín mời chị lên thử giọng lẫn diễn xuất ở Saigon. Thời gian đó là cuối năm 1955. 
    Cũng trong năm 1955 này, một biến cố đau buồn xẩy đến với Bạch Tuyết. Mối tình đẹp nhất của chị, người yêu Đoàn Xuân Long - con của chủ nhân nhà hàng Chả Cá Lã Vọng số 14 phố Hàng Sơn nổi tiếng nhất Hà Nội đang chuẩn bị làm đám cưới với chị, còn 23 ngày nữa cưới thì anh đi đánh trận chống Cộng ở Tri Tôn Ba Thê Châu Đốc rồi chết. 
     Nỗi buồn đau đó, khiến chị muốn quên lãng mọi thứ trong cung đàn tiếng hát. Nhân tiện nhạc sĩ Lê Thương mời lên Saigon thử giọng thử tài, chị nhận lời ngay. Lần đầu gặp nhạc sĩ Lê Thương tại nhà ông, căn nhà ở đường Bùi Viện. Lê Thương đàn piano đệm cho Bạch Tuyết bài Ngày Trở Về (Phạm Duy) sau đó tác giả Hòn Vọng Phu yêu cầu Bạch Tuyết thử một đoạn kịch Ông Ninh Ông Nang, diễn được vài phút, ông thấy được thế là nhận cho vào đoàn. Trong đoàn Hồn Quê có vũ sư Ánh Tuyết (má Nguyễn Hưng), Bích Sơn,vợ của nhạc sĩ Henry Thưởng, vợ nhạc sĩ Đức Quỳnh, có Phụng (sau này lấy NS Lâm Tuyền). Đoàn Gió Nam một tháng đi lưu diễn 22 ngày ở các tỉnh, còn 8 ngày kia thì nghỉ tại Saigon. Hát xong là các tỉnh trưởng đãi ăn uống; mọi người sống chung với nhau khi đi trong đoàn. Trong thời gian này, Bạch Tuyết quen N.P - một nghệ sĩ trong đoàn, lửa gần rơm nhiều ngày phải cháy, mối tình bùng lên vội vàng, để rồi hai người có một cô con gái, đặt tên Bạch Đào... chỉ tiếc là “mối tình nghệ sĩ như giấc mơ, chóng tàn vì vương bao ý thơ...”... cả hai đường ai nấy đi cùng lúc với hợp đồng của ban Gió Nam cũng vừa hết. Lúc đó là cuối năm 1956.

Từ trái: Tuyết Nhung (thẩm mỹ), Bạch Tuyết và ái nữ Bạch Đào, Diễm Hương, TQB tại Bleu Club năm 2012

      Vừa rời Gió Nam, Bạch Tuyết bắt đầu đi hát ở phòng trà Kim Dung. Khi có tiếng tăm một chút, chị nhận lời thêm ở Văn Cảnh, Bồng Lai, Hòa Bình, Anh Vũ, hát chạy chứ không trực ở nơi nào. Tới năm 63 nghỉ hát ở phòng trà chỉ còn hát ở club Mỹ, khi thì Tân Sơn Nhất, khi thì Long Bình, lương 3500$, Lâm Tuyền lo bốc show đi cùng với ban nhạc Johnny Lam Band chuyên đóng đô ở các Club Mỹ. Các bài mà chị thường được yêu cầu trình diễn ngày đó là Mambo Italiano, Tiger, Bebop Allellula, Rico Vacilon... 
      Sau khi chia tay năm 1956 với nghệ sĩ N.P. (ba Bạch Đào), đến 5 năm sau, năm 1961 - chị mới đi bước nữa với một người Mỹ gốc Ý giầu có, sống với nhau được 9 năm và hai người không có con. 
     Sau khi chia tay, Bạch Tuyết lại chắp nối một lần nữa với một người đàn ông mang quốc tịch Đài Loan - chủ nhà may Minh’s Tailor cho tới ngày đi Mỹ 30/4/75, hai người có với nhau cô con gái tên Lisa. Ngày 29 tháng 4, nhờ người chồng cũ (gốc Ý) nhờ sếp Mỹ làm giấy tờ trong DAO (phải trả 2000$/người) nên chị được ra đi. Lúc đó người chồng Đài Loan hiện tại đang kẹt ở Vũng Tàu, sau này ông được Bạch Tuyết bảo lãnh qua Mỹ năm 85. 
     Năm 1975, Bạch Tuyết qua Mỹ sống tại Chicago (Illinois). Chỉ một năm sau, nhớ ánh đèn sân khấu, chị dọn về Cali lập nghiệp. 
     Năm 1981, Bạch Tuyết đi hát trở lại cho phòng trà Lan của hai vợ chồng Khánh và Hằng cũng như cho phòng trà Làng Văn. 
     Năm 1982, người viết có nhiều show đi hát cùng với chị cũng như với Lê Uyên Phương, Ngọc Minh, Trường Hải, Diễm Hương, Connie Kim, Mai Hương, Nguyễn Tất Nhiên, sáo Đoàn Vũng, đàn tranh Tạ Như Việt, Xuân Thu, Diễm Chi, Mỹ Thể, Anh Joe, Như Mai... tại Long Beach, San Jose... và người bầu hay tổ chức lúc đó là anh Nguyễn Hữu Lộc.

Một show nhạc có Bạch Tuyết và Trần Quốc Bảo tham dự vào ngày 30 tháng 5 năm 1982

Sau 35 năm, Trần Quốc Bảo còn giữ được tờ flyer chương trình Nhạc Hội Bông Hồng yểm trợ con tàu nhân ái Akuna tổ chức 31 tháng 7 năm 1983 có Bạch Tuyết. Trần Quốc Bảo và nhiều nghệ sĩ tài danh tham dự.

     Giờ đây, nhìn lại sau lưng là một quá khứ chập chùng thật dài. Giở lại từng trang nhật ký, buồn biết bao khi rất nhiều hình ảnh bạn bè và dấu vết đã nhạt nhòa... Tuy nhiên, mỗi khi có dịp gặp lại chị, nhạc sĩ Vân Quang, ca sĩ Diễm Hương... những lần nhắc về những ngày sinh hoạt tại Cali tròn 35 năm về trước, biết bao dư âm xưa lại có dịp vang vọng trở về... để rồi từ đó, những hào quang của kinh thành Saigon về đêm lại sáng rực lên, trong đó rộn ràng biết bao, có tiếng hát của Bạch Tuyết, giọng ca của một thời Saigon chất chứa nhiều yêu thương và kỷ niệm.

NHỮNG HÌNH ẢNH SINH HOẠT CA NHẠC CỦA CA SĨ BẠCH TUYẾT VÀ THÂN HỮU

Từ trái: Bạch Tuyết, Diễm Hương tại nhà hàng Mon Ami ngày 6 tháng 11 năm 2015

Bạch Tuyết và La Thoại Tân trong một vở kịch năm 1997

Từ trái: Ca sĩ Họa Mi và Bạch Tuyết đi show tại Úc Châu năm 1996

Từ trái: Thùy Hương (Cô Tám Thơm), Bạch Tuyết, Tố Liên, Bích Chiêu, Huy Thông, Diễm Hương trong đêm nhạc do Thế Giới Nghệ Sĩ tổ chức tháng 11 năm 2013

Bạch Tuyết và kịch sĩ Tâm Phan trên sân khấu Úc Châu năm 1996

Từ trái: Nhạc sĩ Vân Quang, Trần Quốc Bảo, Bạch Tuyết ngày 3 tháng 4 năm 2017 tại Bồ Đề Tịnh Tâm Chay

Ca sĩ Bạch Tuyết đang biểu diễn một bài kích động ngoại quốc

CHÚC MỪNG SINH NHẬT

PHÚT NÓI THẬT VỚI CA SĨ BẠCH TUYẾT

TRẦM TỪ ĐÔNG thực hiện

- Tên thật: Nguyễn Thị Bạch Tuyết 
- Nghệ danh đi hát? Bạch Tuyết, lấy luôn tên thật (vì thấy tên mình đẹp quá) 
- Sinh nhật: 17 tháng 5 năm 1936 
- Nơi sinh? Châu Hưng, Sóc Trăng 
- Gia đình: Là út trong gia đình có 6 chị em gái nhưng chỉ có một mình theo nghề ca hát. 
- Lên sân khấu lần đầu tiên? Đi làm cho JCI Thanh Thương Hội Quốc Tế (Junior Chamber International), có ông Tỉnh Trưởng Trần Hoàng Quân biết hát được nên kêu lên hát góp vui. 
- Lên sân khấu chuyên nghiệp lúc nào? Tham gia ban Hồn Quê đầu năm 1956 (bầu là nhạc sĩ Lê Thương) 
- Mối tình đầu khi nào? Năm 19 tuổi, đầu 1955 với ông Đoàn Xuân Long, con trai của tiệm Chả Cá Lã Vọng nổi tiếng ở Hà Nội. Còn 23 ngày nữa cưới thì ông đi đánh trận chống Cộng ở Tri Tôn Ba Thê Châu Đốc rồi chết. 
- Khi rảnh rỗi thích làm gì? Đọc báo 
- Ca sĩ thân nhất? Trước 75 Kim Cương, Thúy Nga (Hoàng Thi Thơ), Diễm Hương, thời gian sau này thường gặp là Diễm Hương. 
- Trong số những ca nhạc sĩ đã mất, chị thân và quý nhất là ai? Thúy Nga, Lâm Tuyền, Lê Thương, Trần Trịnh 
- Khi nhìn lại sự nghiệp ca hát của mình, chị sẽ cám ơn những ai đã giúp bạn? Nhạc sĩ Lê Thương, nhạc sĩ Vân Quang 
- Ngoài tài hát, còn khả năng nào? Đóng kịch, bầu show 
- Y phục màu thích nhất? Vàng, xanh lá cây 
- Quần áo thích hiệu gì? Đẹp, vừa là được 
- Mùa nào thích nhất? Thích mùa hè vì không mưa. Mùa hè đi ra ngoài được hoặc đi câu cá. 
- Con vật thích nhất? Súc vật nào cũng thích, đặc biệt chó, mèo 
- Con vật sợ nhất? Con gì không chân là sợ.. nhưng sợ nhất là rắn; nằm mơ thấy rắn là cũng sợ. 
- Con số hạp nhất? Thích số 7 
- Con số kỵ nhất? 10 (bù) 
- Trái cây thích nhất? Rất thích các loại trái cây, nhất là dưa hấu 
- Món ăn thích nhất? Beef steak 
- Nước hoa thích nhất hiệu gì? Coco Chanel 
- Nhà hàng thích tới nhất? Mỗi nhà hàng thích một món: Mirada, Bồ Đề Tịnh Tâm Chay… 
- Café nào thích ghé nhất? Không uống cafe 
- Bạn thường làm tóc ở tiệm nào? Paradise cạnh chợ Thuận Phát (15440 Beach – Westminster) với cô Triều 
- Thích du lịch ở đâu? Rất thích đi du lịch nhiều nơi, nếu chọn một thì đi Việt Nam vì con cháu ở đó còn nhiều. 
- Yêu quý điều gì trên đời nhất? Sự chân thật 
- Ra đường sợ gì nhất? Tai nạn 
- Trong nhà sợ gì nhất? Bóng tối 
- Thượng Đế của chị? Chúa Trời 
- Những bài hát bạn hay được yêu cầu trình diễn nhiều nhất? Mambo Italiano, I Love You More Than I Can Say, Rico Vacilon.. 
- Trong một buổi âm nhạc, nếu chỉ được hát 1 bài mà thôi, chị sẽ chọn bài nào? Có rất nhiều bài để chọn lựa, không thể trả lời bây giờ; nếu có hát thì ở tuổi này lại thích lựa bản vui 
- Mẫu người yêu lý tưởng? Nói chuyện đừng thiếu đừng thừa; thiếu thì người ta nói kém hiểu biết; thừa thì vô duyên; không cần giàu có 
- Muốn là bạn thân của chị, cần phải có điều gì? Chân thật, đừng có xạo. Đối với Bạch Tuyết, chữ “tình” là quan trọng nhất, là đẹp nhất trong cuộc đời. 
- Nếu bà Tiên cho 2 điều ước, chị ước mơ gì? Thứ nhất, trời cho trúng số để có cơ hội rải ra cho những nơi cần giúp đỡ chứ không phải để hưởng thụ cho mình. Thứ hai, sức khỏe tốt. 
- Tánh xấu của chị? Nóng tính nhưng dễ tha thứ (nhanh) nếu người phạm lỗi biết phục thiện 
- Tánh tốt? Có cái gì, ăn cái gì cũng đều mong người khác có như mình. Kiên nhẫn để nghe cho thấu đáo câu chuyện. 
- Châm ngôn sống của chị? Ăn hiền ở lành, thương người như thể thương thân (không nhất thiết là họ hàng, con cái). Người ta vui thì mình vui. 
- Khi một người thân hiểu lầm, chị sẽ phải làm gì? Tìm cách nói cho hiểu ra; còn nếu vẫn ngoan cố thì để cho người đó giận luôn. 
- Kỳ hát nào bạn trình diễn nhớ và vui nhất trong đời? Khi khán giả im lặng để nghe là thấy vui rồi, như khi hát bài Em Chờ Anh Trở Lại 
- Kỷ niệm nào vui hay buồn nhất năm 2016 vừa qua? Một số chuyện thị phi làm cho lòng không vui, cả năm 2016 là năm xấu nhất trong cuộc đời 
- Dự định năm 2017? Có thể có một chuyến đi xa 
- Nếu kiếp sau làm người, bạn mong là nhân vật nào? Mong đừng có kiếp sau, vì trong kiếp này nhìn thấy trong trời đất này cái gì cũng có cái buồn, cái khổ của nó, từ cục đá, con chim, cái kiến… phận nào nhìn thấy cũng buồn, cũng khổ, nhất là kiếp người. 
- Liên lạc: Bạch Tuyết 714-883-0224

CHÚC MỪNG SINH NHẬT

- Nữ ca sĩ Mỹ Hòa (ngày 11 tháng 5)

- Nữ ca sĩ, tài tử Kim Vui (ngày 12 tháng 5)

- Nữ ca sĩ Bạch Quyên (ngày 15 tháng 5)

- Nữ ca sĩ Carol Kim (ngày 15 tháng 5)

- Nữ ca sĩ Bạch Tuyết (ngày 17 tháng 5)

SHOW NHẠC THÁNG 5

1/ Ngày Của Mẹ (7g tối chủ nhật ngày 14 tháng 5 năm 2017 tại nhà hàng Ngọc Sương)


2/ Tiệc gây quỹ xây dựng nhà các Soeurs Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang (6g chiều thứ sáu ngày 21 tháng 5 năm 2017 tại nhà hàng Golden Sea)

3/ Đêm Thính Phòng: Tiếng Hát Vượt Thời Gian (4g chiều Chủ Nhật ngày 28 tháng 5 năm 2017 tại Baby’s Club)


Không có nhận xét nào: