Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc hàng Tuần: 1-5-2017 - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhạc:
1. Tình Quê Hương: Việt Lang - Ngọc Hạ
<!>
2. Ru Ta Ngậm Ngùi: Trịnh Công Sơn - Quang Dũng

3. Vuốt Mặt:  Anh Việt Thu - Việt Dzũng
4. Em Đi Bỏ Lại Con Đường: Trịnh Công Sơn & Khánh Ly
5. Yêu Tiếng Hát Ngày Xưa: Thanh Sơn - Như Quỳnh
Tình thân,
NNS
.............................. .............................. .............................. ............
I. Chuyện Thời sự & Xã hội: 42 năm sau ngày thống nhất đất nước.

1. Nhóm phóng viên trong nước: Giáo dục trước và sau 1975
Giáo dục các thế hệ trở thành những con người có đầy đủ lòng yêu thương và nhân cách để bước vào đời, hòa điệu cùng xã hội hay đào tạo ra những cỗ máy biết đi, đứng, nằm ngồi và biết đào ra tiền nhưng lại nhanh chóng làm nghèo đất nước? Đó là câu hỏi chung của mọi nền giáo dục. Vấn đề giáo dục tại Việt Nam trước và sau 30 tháng 4 năm 1975 là một câu chuyện dài. Trong giới hạn của tường trình này, chúng tôi chỉ xin phép đề cập đến những lát cắt thông qua các nhận định của những người từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, trong phép so sánh của họ về giáo dục trước và sau 1975 tại Việt Nam.
Một nền giáo dục nhân bản đã mất
Thầy Luận, một giáo sư dạy cấp trung học phổ thông (trước năm 1975, những người dạy trung học phổ thông được gọi là giáo sư), chia sẻ: “Hồi đó giáo dục thì yêu thương gia đình, tổ quốc, tôn sư trọng đạo, nhưng họ làm thật. Rồi chào cờ thì phải nghiêm túc, đi gặp đám tang thì dở mũ đưa tiễn, đó là nhưng thứ liên quan đến đạo đức mà gần như ai cũng được dạy và làm. Hồi đó học sinh tôn trọng thầy lắm, sợ thầy lắm. Còn thầy thì gương mẫu lắm, nghiêm túc. Cái kiểu mặc quần đùi lên giảng dạy là không có rồi. Anh có thể dạy học sinh phá vỡ nhiều thứ, ví dụ như những hủ tục nhưng tư cách của anh phải nghiêm túc. Mô phạm đó.”
Theo thầy Luận, vấn đề trọng tâm của giáo dục nằm ở chỗ người làm quản lý và người dạy đang nắm cái lõi nào, nhắm vào trung tâm, hạt nhân nào để từ đó khai triển thành một bộ khung triết lý trong giáo dục con người. Và nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa miền Nam Việt Nam đã làm được điều này.
Theo ông, chính nhờ vào nền giáo dục nhân bản, lấy triết lý con người làm trung tâm mà trong vòng hai mươi năm nội chiến với khói lửa chiến tranh và máu đổ, nền giáo dục miền Nam vẫn mọc lên những cây trái thành tựu hết sức xuất sắc với những cái tên như Bùi Giáng, Bùi Văn Nam Sơn, Phạm Cộng Thiện, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh cùng hàng loạt trí thức, nghệ sĩ tài năng và đức độ khác.
Điều này, cũng tại miền Nam Việt Nam, với quĩ thời gian hơn gấp đôi, 42 năm, sống trong hòa bình, không có lửa đạn chiến tranh nhưng lại không có những cá nhân xuất sắc như trước đây. Đó là nói riêng về các thành tựu đỉnh cao,nhưng khi nói tới giáo dục, mặt bằng chung vẫn là quan trọng nhất, nghĩa là một xã hội được hình thành từ giáo dục như thế nào. Điều này thì giáo dục miền Nam Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với giáo dục sau 1975.
Với triết lý nhân bản, dân tộc và khai phóng, qua giáo dục, phát triển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh, phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học… Điều này đã mang lại một mặt bằng xã hội tương đối cân bằng, ổn định bởi sự hiểu biết, tôn trọng dân chủ, yêu quê hương, đất nước và yêu dân tộc cũng như coi trọng con người, lấy nhân cách và phẩm hạnh làm mục tiêu của đời người.
Như kết luận vấn đề đã nêu, thầy Luận cho rằng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa là một nền giáo dục tốt nhất trong lịch sử các nền giáo dục Việt Nam trong lịch sử và cho đến thời điểm hiện nay. Và hơn nữa, vấn đề chính phủ, nhà nước quan tâm đến giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa cũng là điều đáng nói, bởi ngân sách giáo dục tuy không phì đại như hiện nay nhưng lại đảm bảo học sinh không tốn tiền khi đến trường và nếu học tốt thì có cơ hội du học nước ngoài. Nền giáo dục không có tính chợ búa như nền giáo dục hiện tại.
Một nền giáo dục chợ búa
Như để chứng mình cho những luận điểm của thầy giáo cũ của mình, thầy Toàn, một giáo viên dạy môn văn vừa nghỉ hưu, chia sẻ thêm: “Thì đầu tiên, chính sự dối trá đã phá vỡ giáo dục. Nó dẫn đến giả bằng thật, dẫn đến bệnh háu danh, cả xã hội bùng lên lạm phát bằng cấp. Rồi người ta lợi dụng, hợp thức hóa những cái bằng, học vị chuyên tu, toàn bi kịch, dốt nát kinh khủng, điều này kéo dài đã bao nhiêu năm. Rồi những cái học vị xỏ lá đó tạo nên những vết thương trong xã hội, cái bất công trong giáo dục cũng giống như bất công trong xã hội vậy.
Cái bất công trong giáo dục là thằng học vị cao nhất, ngu dốt nhất sẽ là thằng lên học vị cao nhất bởi nó sẽ tìm cách hợp thức hóa cái bằng nhanh nhất, cái học vị khốn nạn nhất. Những cái thằng học đại học chuyên tu nó sẽ là thằng đầu tiên đi học thạc sĩ chuyên tu. Chính vì sự chen lấn như vậy nên người có học theo kiểu này càng có nhiều bằng cấp, học vị càng tàn ác bởi họ trả giá quá đắt. Cái kiểu đổi tình, đổi tiền lấy điểm phổ biến.
Và khi mà họ đã trả giá quá đắt cho việc có được cái bằng, cái học vị đó, cả thân xác họ mà họ còn không quý nữa thì nghĩa lý gì người khác, họ phải tận thu để ‘bù vốn’, vì họ đầu tư quá lớn. Cái trụ cột đạo đức bị gãy. Như những cô giáo mẫu giáo, họ nghĩ ra việc trộn thuốc ngủ cho con người ta ăn đi ngủ khỏi phải trông. Những cái độc ác xuất phát từ những gì độc ác mà họ phải trải qua trong quá trình chen lấn để lấy cái bằng.”
Theo thầy Toàn, để nói về nền giáo dục Việt Nam hiện tại, ông có thể tóm gọn trong mấy chữ, đó là nền giáo dục chợ búa. Tính chợ búa này thể hiện rất rõ trong các chính sách giáo dục tốn kém nhưng không có hiệu quả và đằng sau nó là hàng tá các nhà giáo dục xôi thịt đang chực chờ để tham nhũng, đục khoét. Cứ mỗi lần cải cách giáo dục, học sinh phải chịu thêm một gánh nặng mới từ học phí, sách mới, học thêm, kính thưa các loại gánh nặng chất lên đôi vai non nớt của học sinh.
Nói sâu xa hơn một chút, nền giáo dục phía Bắc vĩ tuyến 17 những năm trước 1975 đã có những dấu hiệu thiếu vắng tính nhân bản. Nếu như miền Nam chú trọng vào triết lý nhân bản trong giáo dục thì miền Bắc lại tập trung vào tính chiến đấu trong giáo dục. Những bài thơ, những truyện ngắn đầy tính giết tróc được áp dụng triệt để trong các giáo trình văn học miền Bắc. Từ thơ Tố Hữu cho đến truyện ngắn của Nguyên Ngọc và nhiều nhà văn, nhà thơ khác. Các tác phẩm văn học miền Bắc đều lấy tinh thần kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam làm kim chỉ Nam.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, trận gió giáo dục mang tính chiến đấu của miền Bắc đã xô dạt những thư viện giáo dục nhân bản miền Nam. Và hệ quả của nó là suốt 42 năm, nền giáo dục càng lúc càng bệ rạc. Những quan chức giáo dục bị kỉ luật ở cấp thấp thì lại được thăng cấp, nhảy tót lên ghế trên để làm quản lý. Hiện tại, có nhiều quan chức giáo dục cấp tỉnh, với vị trí giám đốc sở giáo dục, nhưng nếu chịu khó kiểm tra kiến thức, trình độ và đạo đức của họ, dường như là có quá nhiều vấn đề để bàn.
Theo thầy Toàn, có người từng bị kỉ luật ở nhà trường vì nạn đề đóm nhưng sau đó lại được cất nhắc làm chuyên viên sở, rồi cuối cùng là giám đốc sở giáo dục, trong khi đó, người này từng ra đề thi sai nhiều lần vì không có kiến thức và ông ta chỉ giỏi duy nhất một điều, đó là biết làm được lòng cấp trên, biết đội trên đạp dưới.
Một nền giáo dục không có triết lý, không coi trọng dân chủ và không đề cao nhân cách đã và đang cho ra những đáp số xã hội đầy rẫy tội lỗi và cái ác. Thầy Toàn khẳng định rằng nếu như truy tìm nguyên nhân gây ra một xã hội hết sức manh động và vô cảm như hiện tại, nền giáo dục đã góp một phần rất lớn để xây dựng nên xã hội như đang thấy.
Nói cho cùng, một nền giáo dục chỉ lấy vật dục làm kim chỉ Nam và không coi trọng tính nhân bản, tính dân chủ, cộng thêm với sự thiếu thành thật và phiến diện sẽ không bao giờ là một nền giáo dục có khả năng hoàn thiện con người. Và những người trưởng thành trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, nói cho cùng là nhờ vào niềm đam mê tri thức cũng như thiện căn có sẵn của họ chứ không phải do tác động của giáo dục.
Một nền giáo dục tốt phải là nền giáo dục có khả năng tác động, làm giàu nhân tính xã hội, ngược lại, một nền giáo dục tồi tệ là nền giáo dục luôn chịu lời nhắc nhở về nhân tính cũng như phẩm hạnh từ xã hội. Và nền giáo dục Việt Nam kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975 đến nay là nền giáo dục như thế!

2. Đằng Giao / Quốc Dũng / Người Viêt: Đây là Đài Tiếng Nói Quân Đội, phát thanh từ Thủ đô Sài Gòn
Ngày ấy, cứ trước giờ phát thanh của Ðài Phát Thanh Quân Ðội thì xướng ngôn viên lại dùng ngón trỏ búng nhẹ vào chuông to bằng cái chén nhỏ và nói: “Ðây là Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, phát thanh từ thủ đô Sài Gòn. Mời quý thính giả và các chiến hữu nghe tin tức.”
Ký ức của những xướng ngôn viên, biên tập viên tin tức chợt ùa về sau 42 năm xa cách, như có dịp sẻ chia.
Nhớ mãi các anh chiến sĩ tiền tuyến
Cựu xướng ngôn viên Thảo Trang, tên thật là Hạ Hoàng Vân, là một giọng đọc kỳ cựu tại đài, cho hầu hết chương trình phát thanh của các quân binh chủng, từ Sư Ðoàn 5, Sư Ðoàn 22, đến Công Binh, rồi Biệt Ðộng Quân, Nhảy Dù, và Thủy Quân Lục Chiến. Bà được cựu Trung Tá Phạm Hậu đề cử làm việc từ năm 1970 đến năm 1974.
Tuy nhiên, chương trình Nhạc Yêu Cầu do bà phụ trách vào mỗi 10 giờ sáng Chủ Nhật vẫn mang đến cho bà nhiều kỷ niệm với bao nỗi vui buồn. Bà nói: “Thính giả trung thành của tôi là các anh chiến sĩ tiền tuyến trên bốn vùng chiến thuật và các sinh viên học sinh, người dân hậu phương. Nhiều người viết thư yêu cầu nhạc với những danh xưng rất quen thuộc với tôi, như: Nhóm Thố Ty Hoa Bình Dương, Cô giáo Nhã và Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt, Y Tá Áo Trắng tặng người Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt…”
“Qua những tên gọi này tôi được biết đến những chuyện tình lãng mạn, cũng như những hoàn cảnh thương tâm. Chuyện hai cô gái yêu cầu nhạc tặng cho cùng một người yêu thuộc Khóa 23 Võ Bị Ðà Lạt mà sau này được biết anh đã hy sinh trong trận chiến An Lộc. Hay Mai Phương và Mũ Ðỏ Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù, cũng chính là Nguyễn Thị Nghĩa Trang và Trung Úy Lê Chiến Tranh mà tôi chỉ dám đọc một lần trong chương trình thôi vì nghe buồn quá,” bà nhớ lại.
Bà kể, khoảng năm 1972, qua loạt bài của ký giả Kiều Mỹ Duyên viết về người thương binh trẻ tên Tân đã bỏ lại chiến trường đôi chân, muốn xin một chiếc xe lăn. “Tôi tìm đến gặp em và từ đó như một gắn bó đến với các thương binh tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Tôi thường đến đây cuối tuần để giúp cắt tóc, cắt móng tay, đút thức ăn, chuyện trò, đọc sách,… cho thương binh,” bà nói.
“Mỗi sáng Chủ Nhật đến nơi này, tôi thấy các anh chụm lại quanh máy cassette, hay có anh một mình trầm ngâm nằm trên giường bệnh để nghe chương trình Nhạc Yêu Cầu Thảo Trang, hoặc hình ảnh người lính gác cổng vào một trại Thiết Giáp ở Long Khánh, bên cạnh anh là một cassette nhỏ, đúng lúc giọng tôi giới thiệu chương trình. Tôi muốn ngừng lại nói với anh tôi là Thảo Trang, nhưng lại không dám, vội rảo bước đi,” bà tủm tỉm nói.
Thêm một kỷ niệm khác mà bà không thể quên được.
Bà kể: “Một trong những thính giả trung thành của tôi là Trung Sĩ Trịnh Công Âu, y tá Nhảy Dù. Anh thường viết thư yêu cầu tặng nhạc cho ‘vợ hiền yêu dấu’ bằng mực tím đặc biệt. Ði đâu, anh cũng gởi quà về tặng tôi. Ra miền Trung, anh gởi kẹo mè xửng; qua Hạ Lào, anh gởi tượng Phật về.” Bà lặng đi một lúc, như để dằn cơn xúc động, rồi tiếp: “Một ngày kia, năm 1974, vợ anh đến nhờ tôi giúp chị và bốn người con mau xin được tiền thất tung vì anh mất tích. Sở dĩ chị đến tìm tôi vì hay nghe chồng nhắc đến tôi và chương trình của tôi.”
Chiều hôm ấy, khi đưa người đàn bà bất hạnh này về nhà ở Trại Gia Binh Hoàng Hoa Thám, “thấy mấy đứa con anh nheo nhóc, đang lê la chơi với đám trẻ con hàng xóm, tôi thấy nghẹn ngào vô cùng. Lòng tôi đau thắt khi nghe đứa bé nói rằng nó chỉ mong có đầy đủ sách vở để đi học. Tôi chỉ giúp chị ấy một số tiền vì không biết làm gì hơn.”
Gần 42 năm trôi qua, tuổi đời chồng chất, nhưng vẫn có lúc ngồi yên lặng thật lâu nhớ về kỷ niệm và thầm ao ước được biết tác giả những cánh thư đã gửi về đài cho chương trình Nhạc Yêu Cầu do Thảo Trang phụ trách là ai, giờ này ở đâu, còn hay đã mất? Khi lấy chồng họ Vũ, bà đổi tên là Vũ Hạ Vân. Hiện bà sống tại San Jose, California, và dành trọn thời gian vào công việc thiện nguyện cho nhà thờ. 
Người kéo dài chương trình Dạ Lan
Hồng Phương Lan là tên thật của cựu xướng ngôn viên Mỹ Linh, và bà cũng là Dạ Lan 2, người giúp kéo dài chương trình Dạ Lan nổi tiếng một thời cho đến ngày mất nước.
Theo nhận định của cựu Trung Tá Phạm Hậu, cựu quản đốc đài, Mỹ Linh là một trong những giọng nói lừng danh ở Sài Gòn thuở ấy.
Bà thích công việc nói chuyện trước công chúng ngay từ thời trung học. “Tôi được nhận làm xướng ngôn viên cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội Ðệ Nhị Quân Khu (ở Huế) từ năm 1952. Ðến năm 1957 tôi mới chuyển vào Sài Gòn, làm việc cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội tại số 2 bis Hồng Thập Tự,” bà kể. Ban đầu, bà phụ trách phần tin tức, bình luận và nhạc yêu cầu.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà trong thời gian này là mùi vị ngọt ngào lẫn đắng cay khi nhận được những cánh thư của thính giả gởi về từ khắp bốn phương khi bà bắt đầu chương trình Nhạc Yêu Cầu (nhạc Việt Nam), và Nhạc Bốn Phương (nhạc ngoại quốc, gồm Anh và Pháp).
Thư ngợi khen thì rất nhiều. Những lá thư khuyến khích nên cứ giữ phong cách riêng rất dễ mến của bà cũng không ít. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những bức thư công kích với những lời lẽ không đẹp đẽ lọt vào tay bà. Bà tâm sự: “Là người của công chúng, tôi luôn quan niệm rằng đã có người khen mình thì sẽ phải có người chê trách. Khen thì tôi xin cám ơn vì thấy việc mình làm được niềm nở đón nhận. Chê trách thì tôi cũng cám ơn vì đây là cơ hội tốt để mình học hỏi. Nhưng thư gởi về công kích với những câu viết thô tục thì tôi không biết phải làm gì, bởi vì mình không rút tỉa được gì cả.”
Ðến năm 1966, khi chương trình Dạ Lan, một chương trình dành riêng cho lính, bị gián đoạn vì xướng ngôn viên Hoàng Xuân Lan (Dạ Lan 1) xin nghỉ việc, thư từ của lính gởi về tràn ngập hằng ngày để phàn nàn và yêu cầu đài phải giữ chương trình này. Ðể tiếp tục chương trình Dạ Lan, bà được đề cử thay thế Dạ Lan 1, và có biệt danh là Dạ Lan 2. “Ban đầu, tôi định thử thay cô Xuân Lan một thời gian ngắn xem sao. Nhưng cấp trên thấy tôi có khả năng làm được nên giao thêm cho tôi nhiệm vụ này luôn cho đến ngày mất nước,” bà nói.
Sau biến cố 1975, chồng bà và vài người con trai vượt biên sang Mỹ. Sau đó bà và con nhỏ được bảo lãnh sang đoàn tụ gia đình.
Bây giờ bà vẫn thỉnh thoảng làm việc thiện nguyện khi có đoàn thể nào đó nhờ làm xướng ngôn viên cho các chương trình đặc biệt. Cũng như những xướng ngôn viên cùng thời, bà luôn luôn nhạy bén thay đổi cách thể hiện kỹ thuật xướng âm sao cho phù hợp. Bà phân tích: “Cách đọc tin tức khác hẳn với cách đọc bình luận và lại càng không giống với cách đọc thư thính giả gởi về yêu cầu nhạc. Ðọc tin, giọng nói chỉ là tường trình, không chen lẫn tình cảm. Ðọc bình luận, giọng nói phải có chút thẩm quyền, nghiêm nghị hơn và đôi khi có pha cảm xúc. Còn đọc thư thính giả thì giọng thân mật hơn, gần gũi hơn.”
Hiện ở Columbia, South Carolina, những lúc không làm việc thiện nguyện, bà thường vào Internet theo dõi tin tức. “Tôi mê coi tin tức lắm, hết coi ở TV thì đọc tin trên Internet. Một phần vì ở đây không có đài Việt Nam,” bà nói. Khi hỏi bà đọc tin tức như mọi người hay đọc thành tiếng như thời còn làm xướng ngôn viên, bà cười xòa: “Giọng tôi đâu còn trẻ trung như hồi xưa mà còn ham đọc như thế. Thôi, cái thời ấy qua rồi.” 
Bật khóc khi đọc tin về sự tàn ác của chiến tranh
Cựu xướng ngôn viên Hoàng Quỳnh Giao kể: “Khi bắt đầu làm việc, tôi gặp xướng ngôn viên Thảo Trang (tức Hạ Hoàng Vân), cũng vừa 20 tuổi, và kết thân ngay vì chúng tôi là những xướng ngôn viên trẻ tuổi của đài lúc ấy. Tôi đi làm sớm vì may mắn gặp cơ hội, và vì được đánh giá có giọng nói mạnh, phát âm rõ, dễ nghe.” Nhờ giọng nói chuẩn mực và truyền cảm, bà được đọc tin tức trực tiếp ngay. “Ðọc tin ‘vivan’ (tin mới nhận) rất khó vì mình chỉ có chừng ít phút trước khi đến giờ tin tức. Trong thời gian ngắn ngủi này, tôi phải đọc lướt qua bản tin khá dài do các biên tập viên gởi xuống, nhưng phải nắm rõ nội dung, từ ý tổng quát đến từng dấu ngắt câu,” bà giải thích. Bà nói thêm: “Khó hơn nữa, đôi khi có tin quan trọng cần loan báo ngay, dù mình không được xem trước; và đang đọc tin khác cũng phải tạm ngưng để đọc ngay tin mới.”
Một xướng ngôn viên như bà phải tự tìm cho mình một nhịp điệu tương thích cho từng bản tin. Bà nói về “bí mật” của cái microphone thời ấy: “Nếu đặt nó thẳng hàng với miệng thì đọc xong bản tin chừng 15 phút, mình sẽ rất mệt vì bị hút hơi nhiều. Nếu đặt nó lệch quá sang một bên thì giọng sẽ rất yếu, quá nhẹ cho tin tức, nên phải đặt sao cho mình không mệt mà giọng nói vẫn không thay đổi.”
Yêu công việc, bà biết phải cố gắng vươn lên trong nghề nghiệp. “Không có trường lớp huấn luyện, tôi biết mình chỉ có cách duy nhất là phải rút tỉa kinh nghiệm từ những xướng ngôn viên đàn chị khác như Dạ Lan, Thu Hoài, Lệ Mai,” bà nói. Cái khó khăn của bà là học hỏi từ người khác mà không được giống như họ. Học của người khác mà vẫn phải tự tạo cho mình một phong thái riêng. Mỗi ngày với nhiệm vụ đọc tin tức và 15 phút thâu thanh cho mục Khoa Học và Văn Học Mới Trên Thế Giới, bà không tiếp xúc với thính giả nhiều như các xướng ngôn viên của những chương trình văn nghệ, tâm tình khác tại đài. “Công việc tuy không sôi động như của các chị, nhưng nhờ thế tôi có thì giờ trau dồi khả năng và làm thêm những chương trình khác cho đài,” bà nói. “Có nhiều hôm, đọc bản tin mà tôi muốn bật khóc vì những cái chết oai hùng của các chiến sĩ, sự bi thương của những dân lành, sự tàn ác của chiến tranh, sự dã man của Việt Cộng. Ðọc những tin này như một cái máy thì lạnh lùng quá, nên tôi có pha một chút tình cảm trong đó. Ðôi khi đọc bình luận cũng vậy, tôi thường đọc với cung cách hùng biện của luật sư, cứng rắn nhưng có sức thuyết phục chứ không thể nào nhẹ nhàng hay yểu điệu như giới thiệu thơ văn, âm nhạc,” bà chia sẻ.
Theo bà, cũng là một tin, chỉ cần người đọc hơi lên giọng hay xuống giọng là thính giả sẽ hiểu xướng ngôn viên muốn nói điều gì. Bà kể: “Khi nói chuyện về tin lũ lụt ở miền Bắc, một chị nhại giọng người miền biển để kể chuyện vui làm mọi người cười nghiêng ngửa. Khi đọc tin tức, chị vẫn nói giọng ấy, ‘nũ nụt’ thay vì ‘lũ lụt’ nên phải xin lỗi thính giả và đọc lại. Chỉ được vài câu, chị lại ‘nũ nụt’ nữa, lại phải xin lỗi và đọc lại. Tôi phải nín cười mà đọc hết bản tin. Từ đó về sau, không ai dám đùa nghịch trước khi đọc tin.”
Xướng ngôn viên Hoàng Quỳnh Giao, làm việc tại đài từ năm 1970 cho đến khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam.
Bà lập gia đình năm 1977, có ba người con, hai gái một trai. Bà tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán năm 1980 tại đại học Oklahoma. Hiện nghỉ hưu tại Phoenix, Arizona, khi rảnh rỗi, bà cùng chồng bơi lội, tập thể dục, theo dõi tin tức, xem phim, du lịch, thăm viếng người thân và bạn bè. “Tôi thích nấu ăn lắm nên cũng tốn nhiều thì giờ,” bà chia sẻ. 
Tháng Tư Ðen bao trùm đài
Kể về ngày làm việc cuối cùng ở đài vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, bà Nguyễn Thị Thu, cựu biên tập viên tin tức, nói: “Khoảng ngày 23, 24 Tháng Tư đài đã vắng một số người. Riêng ngày 30 Tháng Tư nhốn nháo lắm. Mặc dù vậy, ông Trung Tá Văn Quang vẫn có mặt ở đài và nhân viên làm việc cho đài với tinh thần rất cao. Quản đốc đài còn ngồi đó, tin vẫn được phóng viên gửi về, biên tập viên nhận tin và xướng ngôn viên vẫn đến để đọc tin.” .“Tôi làm ca sáng nên lúc nào 7 giờ cũng có mặt, cho đến lúc nổ trái bom gần đài thì mọi người sợ quá, chạy tán loạn. Tôi cũng phóng xe chạy luôn. Lúc đó khoảng 9 giờ. Sau đó thì nghe Ðài Sài Gòn phát tin quân Cộng Sản vào đến Dinh Ðộc Lập. Như vậy là đã hết,” bà trầm giọng nói. Bà buồn bã nói tiếp: “Mất nước, tôi hoàn toàn bất ngờ, bởi vì chúng tôi làm trong Ðài Quân Ðội nhận được tin tức hằng ngày mà. Lúc lình xình khi tin tức bay về nói là mất Ban Mê Thuột thì tôi có hoang mang, bắt đầu lo. Nhưng lúc đó quản đốc đài bảo rằng đừng lo, không có gì đâu, nếu có gì thì cố vấn Mỹ sẽ cho các nhân viên của đài đi. Vậy mà không ngờ mọi chuyện lại nhanh đến vậy.” “Cũng vì bất ngờ mà ông Quản Ðốc Văn Quang và rất nhiều nhân viên ở lại sau ngày 30 Tháng Tư. Khi mất miền Nam Việt Nam thì biên tập viên hầu như còn lại hết, chỉ có lác đác vài người đi được thôi. Sau ngày đen tối đó chúng tôi có đến đài và có gặp lại nhau, quyến luyến cảnh tình mà bấy nhiêu năm làm việc. Nhìn thấy Cộng Sản chiếm đài mà đau lòng lắm. Họ tịch thu tất cả giấy tờ của chúng tôi và bắt chúng tôi phải ‘đi học’ ba ngày để ‘cải tạo đầu óc.’ Sau đó thì mọi người tản mác đi dần,” bà kể.
Nói về cơ duyên đến với đài, bà cho hay, sau biến cố Mậu Thân 1968, bà “may mắn xin được việc làm trong đài để vừa đi học ở trường luật vừa đi làm bán thời gian ở đài, bởi vì lúc đó đài cần người để làm nhiều chương trình. Lúc tôi vào thì có làm việc một thời gian với ông Phạm Hậu, sau khi ông qua Ðài Sài Gòn thì ông Văn Quang làm cho đến ngày mất nước.” “Khi vào làm tôi được ông Dzương Ngọc Hoán dạy cách biên tập tin, theo dõi những tin tức từ chiến trường do các phóng viên gửi về và biên tập lại để xướng ngôn viên đọc. Một thời gian sau thì ông Văn Quang cho đi học một khóa cấp tốc về biên tập bên Ðài Sài Gòn,” bà nói.“Thời điểm đó tin tức được lấy từ nhiều nguồn. Nếu tin từ Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thì lấy nguyên văn, còn phóng viên gửi về thì phải ghi chép và biên lại theo lời phóng viên. Riêng những tin của phóng viên chiến trường thì sẽ phát nguyên văn bản tường trình, hoặc viết lại tùy theo tình hình chiến trường lúc đó và tùy theo trưởng ca sẽ quyết định phát tin như thế nào,” bà cho biết. “Ðặc biệt, với những chiến trường sôi động, sẽ phát nguyên băng có giọng tường trình của phóng viên. Thường nguyên băng hay phát vào giờ tin chính lúc 7 giờ sáng hoặc 12 giờ trưa. Sau đó, những bản tin này được biên tập viên tóm tắt và phát lại vào các bản tin phụ như 2 giờ chiều hoặc 3 giờ chiều. Tuy nhiên, để có một bản tin cho xướng ngôn viên đọc thì trưởng ca sẽ quyết định việc phát tin, rồi tới trưởng ban tin tức duyệt, sau đó mới phát tin. Trưởng ban tin tức lúc đó là ông Dzương Ngọc Hoán chịu trách nhiệm chính, dưới ông có rất nhiều trưởng ca,” bà nói thêm.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, bà nói: “Tôi sang Mỹ năm 1990 theo diện bảo lãnh. Anh tôi vượt biển năm 1984, sau đó bảo lãnh mẹ tôi và tôi. Lúc mới qua tôi ở Houston, Texas. Sau đó tôi dọn về Los Angeles, California, ở và làm việc 22 năm cho công ty T.J. Maxx. Nay thì tôi mới về hưu và dọn lên Roseville, trong vùng đô thị Sacramento, California, để thoải mái hơn vì ở Los Angeles xô bồ quá.” 
Thèm một không khí gia đình
Tuy chỉ làm việc cho đài vài tháng ngắn ngủi, nhưng sau 42 năm sau, bà Vũ Nguyệt Hằng, cựu biên tập viên, vẫn còn nhớ mãi không khí gia đình của ban biên tập. “Mọi người, ai ai cũng thân thiện, không ai để ý, phê bình, chỉ trích nhau cả,” bà nhắc lại một cách luyến tiếc.
“Tôi bắt đầu làm việc từ Tháng Giêng, 1975. Hôm ấy là Mùng Một, có lẽ mọi người nghỉ Tết nên không khí vô cùng tĩnh lặng. Nhưng chỉ vài hôm sau, khi được gặp bạn bè đồng sự, tôi thấy không khí thay đổi hoàn toàn. Lúc ấy mọi người tấp nập, ai làm việc nấy, đài nhộn nhịp hẳn lên,” bà nói. Công việc hằng ngày của bà là nhận tin tức do Việt Tấn Xã gởi sang, hoặc tin từ chiến trường của các phóng viên gởi về. “Tôi phải viết lại, thu gọn những tin này để các xướng ngôn viên đọc,” bà nói. “Thượng cấp trực tiếp của tôi là nhạc sĩ Nhật Bằng.”
Vì thích văn nghệ từ thuở bé, nên từ lâu bà muốn được làm cho đài. “Khi được nhận vào làm, tôi thấy rất thích hợp cho mình. Bởi vậy tôi rất quý thời gian làm việc tại đây,” bà nói. Bà kể: “Lúc ấy, mọi người trong ban biên tập đều có biệt danh theo những nhân vật trong truyện ‘Xì Trum’ mà rất nhiều người Sài Gòn đã đọc. Vì hay cười và hay giúp đỡ người khác, tôi được gọi là ‘Tí Vui Vẻ.’” Theo bà, đây là giai đoạn màu hồng của cuộc đời, và bà còn giữ mãi những kỷ niệm quý báu này.
Có duyên với quân đội, bà làm việc tại đài, thành hôn với quân nhân, và sang Mỹ vẫn cùng chồng tham gia những sinh hoạt quân đội. Bà nói: “Trước năm 1975, ông xã tôi là lính Biệt Ðộng Quân. Sang đây, chúng tôi cũng tham gia sinh hoạt với các đoàn thể Biệt Ðộng Quân rất thường xuyên. Tôi thích hát giúp vui trong những dịp lễ lớn.” Ðịnh cư tại Mỹ năm 1994, bà là chuyên viên thẩm mỹ và cùng chồng sống tại West Covina, California.
Cũng vậy, với bà Nguyễn Thanh Tuyền, cựu biên tập viên, kỷ niệm nhớ nhất khi còn làm tại đài là không khí gia đình, chan hòa tình thân.
Bà kể: “Trong ban biên tập, chúng tôi đặt biệt danh cho nhau, theo tên những nhân vật trong truyện ‘Xì Trum,’ mà lúc ấy ở Sài Gòn ai cũng đọc. Sếp Dzương Ngọc Hoán là ‘Tí Vua,’ chị Yến Tuyết là ‘Tí Ðiệu,’ anh Trần Ðạm Thủy là ‘Tí Lười’ (không phải anh lười mà vì anh hay cười), và sếp Huỳnh Hữu Trung là ‘Tí Quạu,’ còn tôi là ‘Tí Cô Nương.’”. “Tình hình chiến cuộc càng lúc càng khốc liệt, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tìm vài giây phút nhẹ nhàng giữa những giờ làm việc căng thẳng. Lúc còn tuổi 19, 20, chúng tôi thích tán gẫu nên buổi trưa thường rủ nhau vào câu lạc bộ ăn uống, hoặc xuống ban báo chí trò chuyện. Nói chung, làm gì với nhau cũng thấy vui cả,” bà chia sẻ.
Làm việc cho đài từ năm 1972 đến ngày 27 Tháng Tư, 1975, bà theo gia đình lên tàu riêng vượt biên. Bà kể: “Ba ngày trước khi mất nước, lúc 12 giờ trưa, tàu chúng tôi nhổ neo ra hải phận quốc tế. Chúng tôi lên Ðệ Thất Hạm Ðội và chờ ở đó cho đến khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi mới đi.”
Bà sống cùng gia đình tại Montreal, Canada, từ năm 1975 đến nay, và có văn phòng tư vấn pháp lý tại đây. “Tôi rất thích hoạt động xã hội, là hội trưởng Hội Phụ Nữ bên này. Năm nào chúng tôi cũng cũng tổ chức giỗ cúng Hai Bà Trưng,” bà nói. “Hằng năm, cứ đến Tháng Tư Ðen là Gia Ðình Mũ Ðỏ Canada của mấy anh cựu chiến sĩ Nhảy Dù tổ chức văn nghệ gây quỹ để giúp thương phế binh ở Việt Nam, tôi luôn luôn ủng hộ.” Tất cả những hoạt động cộng đồng này của bà là để cho thế hệ kế tiếp.
Bà tâm sự: “Tôi muốn các con tôi còn nhớ rằng mình là người Việt, và mình có một lịch sử hào hùng. Chúng ta không thể bị mất gốc.”
Nói về ngày hội ngộ của Ðài Tiếng Nói Quân Ðội sắp tới, bà nói: “Tôi mua vé và chuẩn bị mọi thứ rồi. Tôi đếm từng ngày, mong cho mau mau tới.”

*** Đằng Giao / NV: Đại úy Quách Vĩnh Trường, người không đầu hàng nghịch cảnh
Khi nhắc về Ðài Phát Thanh Quân Ðội trong những năm Sài Gòn gần thất thủ, không ai không nhớ đến Ðại Úy Quách Vĩnh Trường, dù ông chưa lần nào đọc tin phát thanh. Ông là một thành viên âm thầm mà hết sức quan trọng của đài. Tuy vậy, ông nói một cách khiêm tốn: “Có gì đâu mà quan trọng. Nhiệm vụ của tôi khi được bổ nhiệm về đài năm 1968 là kiểm soát bài vở trước khi các xướng ngôn viên đọc mà thôi.”
Thực ra, là đại úy đặc trách, với chức danh là trưởng ban nghiên cứu, ông có trách nhiệm nhiều hơn như thế. Ông phải nghiên cứu, tìm cách cho chương trình của đài ngày càng hữu hiệu hơn. Ðây là một trọng trách lớn lao khi phải trông coi toàn bộ nội dung phát thanh của một đài quân đội sao cho đúng đắn, vừa có tính giải trí, vừa là tiếng nói đại diện cho những người cầm súng. Ðể được đặc phái về đài, ông phải trải qua bao nhiêu thử thách mà bình thường, người ta bỏ cuộc từ lâu.
Không như những người khác, sinh ra trong thời loạn, đến tuổi thì nhập ngũ, hết hạn thì giải ngũ là xong nhiệm vụ với quê hương.
“Năm 1963, trong lúc phong trào biểu tình của sinh viên Sài Gòn lên cao, thấy nhiễu nhương quá, tôi tình nguyện xin học ở trường Võ Bị Sĩ Quan Ðà Lạt. Học đến năm 1965 thì ra trường,” ông cho hay.
Có một lần vào năm 1966, trong lúc đang phân công tác tại một bộ chỉ huy ở Gò Công, bất thình lình, Cộng Sản nằm vùng quăng lựu đạn vào. Không đắn đo, Trung Úy Trường chạy đến dùng chân trái đá quả lựu đạn ra ngoài. Chẳng may, chân vừa chạm, quả lựu đạn nổ tung, giết chết người y tá đại đội đứng gần đó, đồng thời cướp đi tay trái và chân trái của viên sĩ quan 26 tuổi này. “Tôi bị hất tung lên rồi ngất đi. Nhưng may mắn, tôi cứu sống được trên dưới 30 anh em binh sĩ hôm ấy,” ông nói. Ông được cho giải ngũ vì bị thương tật 170%. “Chỉ bị cụt một tay hay một chân là bị thương tật 100% rồi,” ông giải thích.
Vào dịp trước Tết Mậu Thân, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương có kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, nhằm tưởng thưởng và cám ơn ông đã hết lòng phục vụ tổ quốc.
Thế nhưng, tinh thần “không đầu hàng nghịch cảnh” không cho phép ông nghỉ ngơi. Ông xin được tiếp tục phục vụ quân đội. Là người đầu tiên xin ở lại quân đội sau khi được xếp vào tình trạng giải ngũ, ông gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, không ai cứu xét cho ông cả. Nhưng ý chí kiên trì và nghị lực siêu phàm của ông đã làm cấp trên phải quan tâm. Ông kể: “Trước tôi, chưa hề có trường hợp này bao giờ. Tôi phải chật vật lắm mới xin được Thủ Tướng Trần Văn Hương ký quyết định cho tôi được tiếp tục ở lại phục vụ quân đội.” Cuối năm 1968, nhờ quyết định đặc biệt này, ông được Trung Tướng Trần Văn Trung nhận về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và được Thiếu Tá Phạm Hậu đón nhận về phục vụ cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội. Dù có chân giả, nhưng việc đi lại của ông vẫn hết sức khó khăn. “Cũng may, nhờ thượng cấp thương, tôi được cấp một tài xế và một xe Jeep để đưa đón hằng ngày,” ông nói.
Nói về thời gian phục vụ tại đài, ông rất hãnh diện được ở lại quân ngũ để còn được tiếp tục cống hiến cho Quân Lực VNCH.
Ông rất vui được làm việc với mọi người tại đài.“Tất cả các anh chị em trong đài đều dễ thương và làm việc rất tận tình. Lúc đó đài có chương trình Dạ Lan rất phổ biến với giọng nói của xướng ngôn viên Dạ Lan, tên thật là Hoàng Xuân Lan,” ông hồi tưởng.
Ông chia sẻ: “Tôi luôn luôn quan niệm rằng, là chiến sĩ, mình không cần phải có mặt tại chiến trường thì mới chiến đấu được. Mình có thể chiến đấu cho quê hương ở bất cứ nơi nào, qua bất cứ công việc gì. Ăn thua là đầu óc mình không đầu hàng nghịch cảnh.” “Với tinh thần hăng say phục vụ quân đội và tổ quốc, dù trong tình trạng khuyết tật nặng, tôi được Thiếu Tá Quản Ðốc Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, là ông Phạm Hậu, đề nghị thăng cấp đại úy vào ngày 1 Tháng Giêng, 1970,” ông nói.
Sang Mỹ năm 1986, trước khi có chính sách H.O., ông cùng vợ và con trai được chính phủ Mỹ bảo lãnh với tư cách tị nạn chính trị.
Ðến nay, ông vẫn không quên nhiệm vụ của một chiến sĩ Quân Lực VNCH. Ông dùng kỹ năng photoshop để giúp thực hiện những bộ sách như “Lược Sử Quân Lực VNCH” của ông Hồ Ðắc Huân (đồng tác giả) qua những công trình sưu tập và phục hồi những bức hình bị hư nát vì thời gian. Ngoài ra, ông còn đóng góp tiền bạc và dùng sự quen biết để kêu gọi quyên góp cho các thương phế binh còn sót lại ở Việt Nam. Dù vậy, ông tâm sự: “Hối tiếc duy nhất của tôi là nguyện vọng đóng góp cho Việt Nam vẫn còn dang dở.”
Năm 2003, bác sĩ cho biết ông bị ung thư ruột. Năm 2016, bác sĩ lại cho biết ông bị ung thư nhiếp hộ tuyến. Nhưng với bản tính “không đầu hàng nghịch cảnh” cố hữu của mình, ông vượt qua tất cả và ngày nay ông hoàn toàn không bị ung thư.
Gia đình ông hiện sống tại Huntington Beach, California, và con trai ông cũng là quân nhân. (Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com)

3. Thanh Trúc (RFA): Hồi tưởng của cựu binh Bắc Việt 42 năm sau chiến tranh
Cuộc chiến Việt Nam kết thúc ngày 30 tháng Tư 1975, ngày mà cố thủ tướng  Võ Văn Kiệt nói triệu người vui thì cũng có triệu người buồn.
Nhuộm đỏ đất nước theo xã hội chủ nghĩa
Hôm nay là ngày 27, chỉ còn 3 hôm nữa là 30 tháng Tư 2017, 42 năm im tiếng súng mà lòng người vẫn chưa yên, là cảm nghĩ từ một số cựu binh từng vượt Trường Sơn gọi là vào giải phóng miền Nam 42 năm trước :
Ngày 27 tháng Tư năm 1975 thì tôi đang công tác ở rừng U Minh Thượng thuộc Long Châu Hà theo cách gọi của phía cộng sản tức là gồm Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên. Đến ngày 30 tháng Tư, đơn vị chúng tôi được lệnh tiến ra tiếp quản các cơ sở kinh tài, ngân hàng, ngân khố, kho bạc của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Vượt hơn một ngày trời bằng đường bộ và bằng ghe xuồng trên các kênh rạch ở miền Nam, đến đêm ngày 1 tháng Năm tiến vào thị xã Long Xuyên, tiếp quản Ngân Hàng Công Thương cũng như Kho Bạc, Ty Ngân Khố, Sở Nông Nghiệp của tình An Giang lúc đó. Đó là hồi tưởng của cựu binh Nguyễn Khắc Toàn khi chưa đầy 20 tuổi :
Nhưng mà tôi đã thấy một thành phố phồn thịnh, sầm uất ở miền Nam. Tháng Chín 1975 tôi có dịp lên bệnh viện Chợ Rẫy chữa vết thương trong chiến tranh, được tiếp xúc với bà con họ hàng thân thuộc đã di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 thì tôi chính thức có lập trường và có nhận thức hoàn toàn khác với những gì mà đảng cộng sản và cả hệ thống giáo dục miền Bắc nhồi nhét cho tôi. Càng nhận thức càng thêm ngậm ngùi và tiếc nuối, là tâm trạng của cựu binh Nguyễn Khắc Toàn 42 năm sau, khi quyết định trở thành một người hoạt động cho dân chủ và dân oan ở Hà Nội :
Đi vào miền Nam dưới khẩu hiệu giải phóng, thống nhất đất nước, chống Mỹ cứu nước, nhưng bây giờ nhìn lại cuộc chiến đã kết thúc cách đây 42 năm thì rất buồn bởi đó là cái bi kịch lớn của dân tộc. Lẽ ra cuộc chiến này không nên có. Đất nước thì cần phải thống nhất nhưng thống nhất bằng con đường hòa bình, thương lượng, đàm phán như tấm gương của Cộng Hòa Liên Bang Đức và Cộng Hòa Dân Chủ Đức thì tốt hơn. Gọi là đi giải phóng miền Nam mà chế độ miền Nam và Việt Nam Cộng Hòa lúc đó đã có đầy đủ những đặc trưng của một xã hội tiến bộ, người dân được tự do làm ăn kinh doanh, một xã hội văn minh. Tiến hành một cuộc chiến để thu hồi nốt miền Nam, để nhuộm đỏ toàn bộ đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa chỉ là một ảo vọng, chỉ là một thử nghiệm thì nay cũng đã sụp đổ hết.
Ngày 30 tháng Tư 1975 đã theo đoàn quân 203 vào tiếp quản Sài Gòn, cựu chiến binh Bùi Đình Toàn :
Lần đầu tiên vào thành phố Hồ Chí Minh thì rất ngỡ ngàng, rất xa lạ. Phải nói là lối sống của thành phố Hồ Chí Minh nó hay gấp bao lần Hà Nội, dân lúc bấy giờ người ta cũng không ưa cộng sản lắm. Nó hay là con người ta sống thoải mái hơn ngoài Bắc. Lúc bấy giờ tôi còn đi thăm một số cô dì chú bác di cư năm 54. Năm 77 tôi lại vào trong ấy một lần nữa thì coi như là một số gia đình đã đi hết, một số nữa đến năm 80 thì cũng đi hết không còn ai.
Ông Bùi Đình Toàn đã làm việc 6 năm tại Công Ty Xổ Số tỉnh Đồng Tháp. Năm 1983, khi xin chuyển về Bắc mà không được chấp thuận, ông bỏ việc trở lại Hà Nội, đi làm trong một số cơ quan ở đây. Đến giờ đã luống tuổi, ông là thợ sửa vá xe đạp tại phố Quán Sứ, Hàng Bông :
Tôi là người Phố Cổ mà cũng là người nhiều đời ở phố này rồi, ngồi sửa xe lặt vặt được hào nào hay hào ấy, năm nay tôi 64 rồi.
Ngày 30 tháng Tư mỗi năm là lúc ông Bùi Đình Toàn cảm thấy buồn cho mình nhất và nhớ thương đồng đội đã ngã gục ở chiến trường hơn bao giờ hết :
Tôi chả có chế độ gì cả mặc dù mình là người lính là người từng cầm súng đi đánh giặc bao năm. Thật ra cái số cũng còn may mắn, đơn vị tôi nhiều người chết lắm, 10 người chết đến 7 mà bao nhiêu trận là tôi thoát chết.
Đáng nhẽ những người lính như tôi và một số đồng đội về là phải có sự ưu đãi nhưng thực tế thì chả có cái gì ưu đãi cả. Những năm tháng còn trẻ thì mình gian khổ trong chiến trường dọc theo các nơi mà thực tế cuộc chiến này cũng chẳng mang lại cái gì cả. Giải phóng rồi cuộc sống cao lên thì nó là là tiến triển chung của xã hội, còn nói chung những người lính như chúng tôi thiệt thòi nhất là những năm tháng trẻ tuổi mà phải đi cầm súng, bao nhiêu người hy sinh bao nhiêu người chết, không tưởng tượng được chiến tranh nó kinh khủng thế nào đâu. Những người bạn của tôi, 50 người, về chỉ còn 3 người. Theo lời ông Bùi Đình Toàn, chiến tranh không chỉ cướp đi tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của bao trai tráng Việt Nam mà còn biến họ thành phế phẩm xã hội như tình cảnh của ông hiện giờ.
Ngày 30 tháng Tư 1975 cựu binh Nguyễn Duy Huân, quê ở Tuyên Quang, đang cùng sư đoàn 308 có mặt tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1977 ông được chuyẻn ngành vể làm công tác báo chí tại Tuyên Quang. Năm 1995, ông bị qui kết chiếm đoạt tài sản nhà nước do cấp trên vu cáo, liên quan đến tuyến đường Tân Trào Tuyên Quang mà Bộ Chính Trị khóa VIII đảng cộng sản khởi xướng để kỷ niệm 105 ngày sinh Hồ Chí Minh và 50 năm ngày thành lập nước :
Tôi chỉ là người làm công mà họ qui kết cho tôi là bao nhiêu vật liệu là tôi chiếm đoạt hết để họ bắt đưa đi tù.
Suốt 21 năm qua, cựu binh Nguyễn Duy Huân đi gỏ cửa nhiều nơi cấp trung ương nhưng vì thấp cổ bé miệng nên cứ bị đẩy từ cơ quan này qua cơ quan khác mà không được giải quyết rốt ráo: Năm nay là năm thứ 21 rồi, thông qua vụ việc của tôi và một số dân oan khác thì nói thực bây giờ tôi chẳng còn tin gì cái đảng cộng sản này, nó là một đảng ăn cướp chứ không còn là đảng lãnh đạo nhà nước và xã hợi nữa, nó từ cấp cơ sở đến cấp trung ương rồi. Nói thực qua cuộc chiến đồng đội của tôi hy sinh rất nhiều, biết bao nhiêu người đã chết ở Quảng Trị, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, xương máu của đồng đội tôi đổ xuống sông xuống biển hết, nó chả mang lại ý nghĩa gì cả. Sau khi đã có độc lập tự do rồi những người như chúng tôi, là những người có công, lại trở thành người mất hết không còn gì cả. Trong quá trình 20 năm khiếu kiện ròng rã như thế tôi mới được biết người đi khiếu kiện ở cấp trung ương là rất đông, phải tới 2/3 là những trường hợp gia đình có công với cách mạng đang bị trù dập...
Đó là một trong những lý do mà cựu binh Võ Văn Tạo, vốn may mắn được hoàn cảnh học tập và sinh hoạt thuận lợi hơn anh em đồng ngũ khác, không bao giờ muốn vào đảng mà chỉ muốn làm một cây bút phản biện như đang làm: Năm 1972 tới có mặt tại chiến dịch "mùa hè đỏ lửa" tôi có mặt 14 tháng trong Quảng Trị. Tóm lại tôi có tham gia cuộc chiến đầy đủ từ lúc trinh sát cho đến lúc kết thúc. Khi về trường đại học tôi đã nghiên cứu về chủ nghĩa Mác với một tư duy phân tích độc lập và một số anh em chúng tôi biết cái đó là sai lầm rồi cho nên là tôi không vào đảng.
Tôi chỉ mong một đất nước Việt Nam làm sao để xứng đáng như hồi chúng tôi bắt đầu hăm hở vượt Trường Sơn đi vào Nam, và sau này tiến lên chủ nghĩa xã hội như đảng và nhà nước tuyên truyền là ưu việt.
Từ năm 75 đến giờ thì đất nước đã vượt qua những giai đoạn tăm tối nhất nhưng so với thế giới thì vẫn tụt hậu. Kinh tế phát triển đã chậm mà xã hội có nhiều bất ổn đẻ ra từ một cơ chế không có đối lập không có đa nguyên không có cạnh tranh chính trị cho nên kết quả không được như chúng tôi mong muốn.
Trong mặt trận ở Quảng Trị, chỉ trong một mùa hè mà gần 30.000 người ngã xuống thì tôi cảm thấy như mình mắc nợ anh em, mình còn sống mà để cho đất nước mình như thế này. Cho nên còn một ngày thì tôi còn cố gắng góp ý để cho đất nước mình không tụt hậu, không xa lạ, không dị hợm với nhân loại tiến bộ. Để cho con cháu mình nở mày nở mặt và đồng đội của tôi nằm dưới suối vàng cũng mát lòng mát dạ.
Sau cùng là cựu binh Nguyễn Đức Giang, không đi B tức không vào miền Nam vì còn nhỏ tuổi, nhưng sau này có tham gia trận chiến biên giới phía bắc 1979, nói rằng sau 30 tháng Tư 75 ông đã đủ lớn để nhìn thấy và hiểu biết về miền Nam Việt Nam thông qua những thứ mà các anh chị bộ đợi trở về và mang theo như những chiến lợi phẩm :
Nghe các anh chị bộ đội kể lại trong cuộc chiến thì báo chí, đài, cứ ca ngợi giải phóng miền Nam là giải phóng đồng bào khỏi ách thống trị của Việt Nam Cộng Hòa, của đế quốc Mỹ. Nhưng mà sau khi giải phóng miền Nam xong thì các sĩ quan quân đội từ tiểu đoàn, trung đoàn trưởng là bê ra Bắc nào Tivi, tủ lạnh, quạt, xe máy...Còn lính tráng không được phép mang thì bổ xà phòng ra rồi giấu đồng hồ trong đấy. Một cái đồng hồ hồi ấy mang ra có thể có giá trị hàng cây vàng, bán một cái quạt Sanyo là có thể đổi lấy được một cái nhà ở nông thôn.
Ngoài Bắc sau 75 thì đồ miền Nam mới được xài nhiều chứ ngày xưa làm gì có tivi để xem. Băng nhạc thì nhiều nhà có điều kiện hoặc có bà con trong Nam ra là bắt đầu mang ra những giàn Akai, loa Pioneer, thế là bật nhạc tiền chiến nghe thích lắm. Cũng chỉ nghe nhỏ thôi, nghe to là công an nó đến tịch thu, không cho nghe nhạc vàng.
Tôi thấy cuộc chiến này là anh em đánh nhau, huynh đệ tương tàn chứ chả phải giải phóng miền Nam gì cả. Đến giờ phút này tôi thấy đất nước dưới chế độ cộng sản thì càng ngày dân chúng càng bất bình, nhưng có điều là có người dám lên tiếng và có người không dám lên tiếng. (Nguồn : RFA, 27/04/2017)

4. Cát Linh (RFA): Việt Nam thua Lào và Campuchia về mọi mặt - Vì sao?
Theo thông tin nhận được từ trong nước, rất nhiều hợp tác quan hệ song phương giữa Việt Nam, Lào và Campuchia được đánh giá tăng trưởng tốt trong vài năm qua. Tuy nhiên, theo những số liệu báo cáo do Ngân hàng thế giới – World Bank và Diễn đàn kinh tế Thế giới – WEF đưa ra cho thấy Việt Nam ngày càng thua Lào và Campuchia về mọi mặt. Thậm chí, trong một bài viết đăng tải trên báo Một Thế giới viết rằng : "Việt Nam bị Lào, Campuchia vượt qua không còn là dự báo, không còn là nguy cơ nữa mà đã thành hiện thực và cái danh sách thua kém ngày càng dài ra".
Kinh tế
Nói về báo cáo của các tổ chức tài chính thế giới liên quan đến mức tăng trưởng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, từ Hà Nội đưa ra những điểm ông cho là đáng chú ý :
"Cái tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Campuchia và của Lào cao hơn Việt Nam những năm gần đây. Campuchia tăng trưởng khoảng 7 – 8%. Trong khi đó Việt Nam năm ngoái chỉ tăng 6,21%, quí 1 năm nay tăng 5%.
Cái thứ hai, số doanh nghiệp tư nhân của Campuchia thì cũng cao hơn Việt Nam. Campuchia cũng ít, hay hầu như không có những doanh nghiệp nhà nước lớn như Việt Nam kinh doanh vào những lĩnh vực có tính chất thương mại.
Lào có nhiều tài nguyên, nhất là tài nguyên thuỷ điện. và Lào đang cố gắng hướng đến sự phát triển mạnh mẽ".
Báo Một Thế Giới từng trích dẫn lời chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển – đánh giá về khả năng hoạt động của các doanh nghiệp ở Việt Nam so với Lào và Campuchia. Ông đã đưa ra một vài nhận định khá đồng thuận với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.
Điển hình là ở mô hình kinh tế, một vấn đề dẫn đến sự tụt hậu của Việt Nam. Ông Lưu Bích Hồ cũng nói rằng "doanh nghiệp tư nhân của Campuchia không bị trì trệ, và đặc biệt, Campuchia không có nhiều doanh nghiệp nhà nước nên họ không gặp trở ngại về hệ thống hành chính". Ngược lại, theo ông, nguyên nhân chủ yếu của Việt Nam là do "bộ máy hành chính quá cồng kềnh và chậm chạp trong việc cải cách".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hoàn toàn không phản biện vấn đề này. Bà chia sẻ ý kiến với báo trong nước rằng hoạt động kinh tế của Lào và Campuchia không xây dựng ở quy mô hoành tráng. Ngược lại, họ tập trung một số ít ngành có thế mạnh nên dẫn đến chất lượng hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn Việt Nam.
Giáo dục dừng lại
Không phải chỉ riêng nền kinh tế, sự thụt lùi của Việt Nam so với Lào và Campuchia được báo chí trong nước nhắc đến ở nhiều dấu hiệu. Một trong những dấu hiệu đó nằm ở lĩnh vực giáo dục.
Tiến sĩ, nhà giáo Vũ Minh Giang đưa ra ý kiến về dấu hiệu tụt hậu giáo dục ở Việt Nam so với hiện tại và thập kỷ trước.
"Có một thời kỳ người ta đánh giá cao giáo dục Việt Nam thì lúc đó, tôi nghĩ rằng, những thành tựu của giáo dục Việt Nam tập trung ở cái giải quyết mặt bằng có tính đại trà.
Ví dụ từ một dân tộc mà số người không biết chữ rất đông, sau đó bằng nhiều chính sách có tính chất phổ cập thì người biết chữ gần như phổ cập toàn bộ thì đó là thành tích rất lớn của giáo dục Việt Nam".
Với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý rất khác nhau của các vùng miền trong xã hội Việt Nam, nhưng nền giáo dục Việt Nam đã tạo ra được một sự tương đối khá đồng đều, Nhà giáo Vũ Minh Giang đánh giá đó là một nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên, ông đưa ra phản biện về ý kiến nói rằng giáo dục Việt Nam đã tụt hậu so với các nước láng giềng từ sau khi giáo dục được phổ cập toàn bộ.
"Những gì mà ngay cả thời kỳ gọi là phát triển mạnh ấy thì bây giờ không gọi là tụt hậu mà là vẫn duy trì như thế. Người ta gọi là dừng lại. Trong khi đó thì các nước xung quanh phát triển bắt kịp với chuyển biến nhanh của thế giới".
Vào giữa năm 2016, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, với vai trò là diễn giả trong buổi toạ đàm tại trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết điều ông trăn trở nhất là nguồn nhân lực của Việt Nam không được đào tạo và sử dụng có hiệu quả. So sánh với hình thức thi cử của các nước khác, ông Vinh chỉ ra thể chế của giáo dục Việt Nam là "kiểm soát đầu vào chặt chẽ mà không xem xét kết quả".
Nhận xét về điều này, nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Giang nói rằng hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam cần phải có những cải cách rất mạnh mẽ và cấp bách. Ông gọi vấn đề này là "Đổi mới căn bản toàn diện".
Theo ông, giáo dục Việt Nam đã dừng lại quá lâu một phương thức tiếp cận mà cho đến bây giờ không phù hợp nữa, là tiếp cận nội dung, tức là dạy rất nhiều những kiến thức mà rồi kiến thức đó vận dụng vào xã hội khó khăn. Để tiếp cận nội dung thì học sinh phải học và nhớ rất nhiều. Hệ thống thi cử đánh giá thì cũng theo cách đó.
"Đấy là một hạn chế mà bây giờ đang bắt đầu công việc đổi mới không hề dễ chút nào, rất là khó khăn. Nó chuyển đổi hẳn sang một tiếp cận để người học được học phương pháp, học kỹ năng, học làm người và nhiều cái khác nữa. Bởi bây giờ, kiến thức thì người ta có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, học ở bất cứ đâu".
Bên cạnh đó, ông ý kiến thêm, người học phổ thông ở Việt Nam còn nhiều hạn chế về định hướng ngành nghề tương lai. Ông nhận thấy sự học ở Việt Nam vẫn còn trong tư tưởng Đại học là con đường duy nhất nên tạo ra sự mất cân đối trong đào tạo.
Bên cạnh nền giáo dục có tính cách đại chúng, theo nhà giáo Vũ Minh Giang, cần phải có một cơ chế thu hút nhân tài, sử dụng tài năng. "Việc tìm, phát hiện và đặc biệt sử dụng tài năng ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang nhiều cái chưa phù hợp, chưa thu hút tài năng. Nguồn nhân lực tài năng hiện nay đang tìm đường đi nơi này nơi khác, nên vẫn còn hiện tượng người ta hay gọi là chảy máu chất xám".
Cải cách thể chế
Không thiếu những buổi toạ đàm, những ý kiến của chuyên gia, tiến sĩ trong nước bày tỏ lo ngại về lời cảnh báo Việt Nam thua kém Lào và Campuchia. Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong lần trả lời báo trong nước vào năm 2016 cho biết giải pháp cần thiết theo ông là chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Nhưng quan trọng hơn hết là cải cách thể chế.
Đồng thuận với ý kiến này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng Việt Nam cần phải xem xét thực hiện một số vấn đề liên quan đến thể chế. "Cái điều Việt Nam cần phải làm là cải cách thể chế, cải cách bộ máy, nghĩa là nhà nước làm những việc mà đích thị nhà nước làm có hiệu quả và cần thiết. Như chăm lo bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm lo giáo dục y tế. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại như sản xuất bia nước ngọt thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động có hiệu quả hơn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói rằng những vấn đề này một lần nữa đã được đề cập trong nghị quyết 19 của năm nay. Kết quả thực hiện sẽ như thế nào, vẫn còn là câu hỏi chưa có đáp án đối với xã hội, người dân Việt Nam. Tuy nhiên, có hai điều mà ai quan tâm đến tình hình tăng trưởng của đất nước cũng tìm hiểu được, đó là chiếc ôtô "Angkor EV 2014" lấy tên ngôi đền cổ Angkor của Campuchia được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek, người Campuchia thiết kế.
Điều thứ hai, là câu nói nổi tiếng của ông Lý Quang Diệu, cố Thủ tướng Singapore từng nhận xét hàng : "Nếu có vị trí số một Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam".(Nguồn : RFA, 28/04/2017)

II. Chuyện Văn Nghệ: Vài bài Thơ
1. Thơ Dzạ Lữ Kiều: Cốc Rượu Tháng Tư
Trầm ngâm bên cốc rượu đầy
nhớ bè bạn với những ngày hành quân
suối - dốc – đá…vừa dừng chân
“Ca” nồng thay nước suối rừng đục trong
     Ba lô thoát tạm lưng còng
     nòng súng chụm lại, đợi hồn gió reo
     chẳng màng chi, giấc ngủ nghèo
     băng rừng lội suối…giày treo nặng mùi!
Hát nghêu ngao, vẫn vui cười
nào mơ danh vọng của đời chinh nhân
chỉ mong ngày phép xa rừng
về phố thị cùng người “dưng” ru tình
     Tháng Tư gãy súng, tàn binh
     bạn bè lưu lạc…phai hình bóng xưa
     bốn hai năm - cuộc sống thừa
     người còn, kẻ mất theo mùa trăng lên
Tóc giờ hai nhánh - bạc đen
buồn vui theo những nỗi niềm đắng cay
còn chăng cốc rượu lai rai
nâng lên dốc cạn…chờ ngày tháng nghiêng! (CNP, 06-4-2017)
2. Trần Thiện Hiệp: Việt Nam Trong Tôi
trong xương thịt tôi
có Trường Sơn, có Cửu Long
có Cao-Bắc-Lạng, có Sông Hồng
có trời, biển rộng Nam-trung-Bắc
có máu cha ông giữ nước nhà.
trong hồn tôi
còn tiếng vang
quân reo chiến thắng từng trang sử
của bốn ngàn năm giống Lạc Hồng
trái tim tôi nhiễm trữ tình
từ bao làn điệu ca, ngâm, hát
và những ca dao lẫn tiếng hò.

âm ỉ lòng tôi
mạch nước ngầm
trong đất quê nghèo lúa chín thơm
Viết Nam ngần ấy trong xương thịt
làm sao không thương xót Việt nam
một dải biên cương tiền nhân dựng
phải của mỗi người con Việt Nam
dầu bao hưng phế quê còn đó
tôi vẫn là tôi
của Việt Nam
Viết thêm.
30-4-75: 42 năm vết chém vẫn không lành!
Tôi xin đứng thẳng người chào các chiến hữu
tôi đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ
núi sông, biển đảo tiền nhân để lại.
3. Huy Uyên: Nỗi Buồn Tháng 4
Chôn nỗi buồn tháng tư vào tim
Bốn mươi hai năm dấu cờ Tổ-quốc
Ngày đó sân bay, bến tàu, nước mắt
Sông biển quê-hương chảy bạc dòng .
     Tháng tư năm 75
     Mặt người đau thương súng đạn
     Chợ-chiều-tàn binh đao khốn nạn
     Mánh khóe gian manh lọc lừa.
Cờ thấm máu người bay trên cao
Chôn triệu sinh linh hai miền Nam Bắc
Tan thây biển Đông chìm xác
Đường phố đầy người đói ốm lầm than.
     Bỏ lại nỗi buồn Việt-Nam
     Mấy mươi năm khốn cùng
     đầu đường xó chợ
     Ở khắp ngã ba, ngã tư đứng ngó
     Bơ vơ từ đây không cửa không nhà .
Đã lặng câm, mù điếc tháng tư
Ngửa mặt nhìn trời thầm hỏi
Biết quê nhà ngày nào im bảo tố
Triệu, triệu bầy người hóa kiếp thây ma !

Tháng tư đứng giữa trời bơ vơ
Ngọn đèn cạn dầu đêm tăm tối
5. Lê Hân: Tháng Tư
người đã viết nhiều tháng tư
thơ truyện hồi ký không dư chẳng thừa
nỗi buồn đã lắng đọng chưa
cuộc đổi đời vẫn như vừa hôm qua
     tôi thân lưu lạc xa nhà
     từ trước thời có tháng ba, tư buồn
     trong lòng vẫn rớm vết thương
     từ đồng bào từ quê hương thấm vào
nỗi buồn càng lúc tăng cao
bốn mươi hai năm cuộc ba đào càng tăng
dân mất quyền làm nhân dân
nước nhà biển núi dần dần mất đi
     xin không dám nhắc làm gì
     mọi người đã viết nhắc chi thêm buồn
     rất mừng dân gióng tiếng chuông
     chúng ta hy vọng không buông mất mình
.............................. .............................. .............................. ................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: