Forbes đánh giá tài sản của TT Putin Trong bài “Prince Charles or Vladimir Putin – Who’s Richer? One Of Them Makes Less Than You Think” (Thái tử Charles hay Vladimir Putin – Ai giàu hơn? Một trong hai người kiếm được số tiền ít hơn bạn nghĩ), đăng trên trang mạng www.inquisitr.com của The Inquisitr News ngày 24/10/2014, dẫn lại nguồn tin từ tạp chí Forbes cho rằng Vladimir Putin, TT Cộng hòa Nga, chào đời ngày 07/10/1952, đang “sở hữu một tài sản cá nhân lên đến 70 tỉ Mỹ kim”.
Nội dung bài báo cho hay, ông Putin đã thu lợi từ vị trí điều hành nước Nga của mình trong thời gian vừa qua và cho rằng “nếu đem tài sản của Thái tử Charles so với TT Putin thì chẳng khác nào một giọt nước so với đại dương”. Thái tử Charles đang ở vị trí số 1 kế vị ngai vàng của Nữ hoàng Elizabeth II nước Anh. Vị vua tương lai này luôn được xem là một trong những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, trang tin này dẫn bản báo cáo mới nhất cho biết tài sản riêng của ông chỉ có khoảng 370 triệu Mỹ kim, nếu so với những người giàu có nhất thế giới, Thái tử Charles chỉ thuộc loại tép riu.
Qua tài sản của ông Vladimir Putin, chúng ta có thể nhận ra một điều, với chức vụ Tổng thống Cộng hòa Nga, quyền kiểm soát cường quốc hạt nhân số 2 thế giới đã đem lại cho ông ta số tiền chỉ kém Bill Gates, tỉ phú được Forbrs xếp thứ nhất thế giới năm 2015 với 10 tỉ Mỹ kim. Nếu tài sản của ông Putin nhiều như Forbes loan tải, ông là người giàu thứ 3 trong danh sách này.
Trong khi Forbes cho rằng tài sản của Thái tử Charles chỉ đến từ các nguồn thừa kế bất động sản của hoàng gia thì Putin đã kiếm được khối tài sản khổng lồ từ công ty dầu mỏ Surgutneftegaz và công ty khí đốt tự nhiên Gazprom của Nga.
Tuy Forbes đánh giá Putin là người có tài sản trị giá sáu bảy chục tỷ Mỹ kim, nhưng không xếp ông ta vào danh sách những người giàu nhất thế giới hằng năm, chỉ vì số tài sản không lồ này không phải từ kinh doanh, mà bằng quyền lực.
Putin giàu nhất thế giới?
Theo bản tin ngày 17/02/2015 của Đài truyền hình CNN (Hoa Kỳ), Giám đốc quỹ đầu tư Bill Browder, từng là một nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, gần đây vừa đưa ra con số ước tính tài sản của TT Cộng hòa Nga Vladimir Putin lên đến 200 tỷ Mỹ kim. Con số này có thể đưa ông ta lên vị trí người giàu nhất thế giới với tổng số tài sản nhiều gấp 3 người đứng sau ông là Bill Gates.
Khi được ký giả Fareed Zakaria của CNN đề nghị ước tính xem số tài sản thực Putin đang nắm giữ, Browder đã nói: “Tôi tin rằng, con số đó là 200 tỉ Mỹ kim”. Nếu so với tài sản của Bill Gates do Forbes công bố ngày 22/01/2015 là 79,3 tỷ Mỹ kim, Putin giàu hơn Bill Gates gần gấp 3 lần.
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí đưa tin Putin là người giàu nhất thế giới. Năm 2013, Putin cũng đã từng được đánh giá là một trong những người giàu nhất thế giới nhưng khi đó số tài sản được ước tính thấp hơn rất nhiều so với con số 200 tỷ Mỹ kim mà Browder nêu trên. Con số năm 2013 vào khoảng từ 40 đến 70 tỷ Mỹ kim.
Trước đó, trong lần trả lời phỏng vấn của ký giả nhật báo Die Welt (Đức) vào tháng 11/2007, nhà phân tích chính trị Stanislav Belkovsky thuộc Viện Chiến lược Quốc gia (National Strategy Institute) từng nói rằng: Putin “kiểm soát” 37% công ty dầu mỏ Surgutneftegaz và 4,5% công ty khí đốt tự nhiên Gazprom của Nga. Ông Stanislav Belkovsky dựa trên ước tính giá trị cổ phiếu vào năm 2007 mới đưa ra con số này.
Gia tài bí mật của tỉ phú Putin
Tờ tuần báo Paris Match cũng từng loan tin, nhà sinh vật học Serguei Kolesnikov, người hiện đang sống lén lút như một người bị truy nã, từ khi trốn khỏi nước Nga vào tháng 08/2010, không bao giờ lưu lại ở một quốc gia nào quá một tuần lễ: Từ Estonia đến Tallinn, sau lại đặt chân trên thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Từ đó, Serguei Kolesnikov lại đi Thụy Sĩ sống cuộc đời lưu vong.
Tiến sĩ sinh vật học Serguei Kolesnikov (63 tuổi) nói: “Người ta báo cho tôi biết, Putin xem tôi là kẻ phản bội tổ quốc. Tại sao? Vì tôi đã tiết lộ làm thế nào ông ta đã bí mật vun vén được một khối tài sản khổng lồ, bởi vậy, hiện nay tôi không có một nơi chốn nào an toàn”.
Trước khi bí mật rời khỏi Nga, Serguei Kolesnikov đã sao chụp lại nhiều tài liệu kế toán của công ty ông phụ trách do Putin thành lập, sau đó trao lại cho hai tờ nhật báo uy tín là Washington Post và Financial Times của Hoa Kỳ và Anh Quốc. Các tờ báo này đã giao cho các văn phòng luật sư nghiên cứu. Nhật báo đối lập quan trọng của Nga, tờ Novaia Gazeta, cũng đã phân tích các tài liệu trên. Tất cả đều có cùng một kết luận: Cho dù không có bằng chứng xác đáng nhất, tức một văn bản do chính tay Vladimir Putin ký, dù Điện Cẩm Lanh chối bỏ, vẫn có thể tin rằng Serguei Kolesnikov đã nói thật.
David Ignatius, bình luận viên tờ Washington Post, người đầu tiên được Serguei Kolesnikov tín cẩn giao cho tài liệu, đã viết trong một bài xã luận: “Ông ấy là một trong số những người can đảm hiếm hoi đôi khi nhà báo mới gặp được. Những tài liệu này khẳng định dư luận về tài sản được giấu kỹ của con người quyền lực nhất nước Nga phù hợp với sự thật”.
Câu chuyện Serguei Kolesnikov kể lại khá phức tạp, bao gồm các hợp đồng kê khống giá cao hơn, nhờ người khác đứng tên với các công ty ở nước ngoài… Serguei Kolesnikov cho biết ông đã quen biết Vladimir Putin từ đầu thập niên 90, khi ông ta còn là trưởng ban quốc tế Tòa Thị chính Saint-Pétersbourg. Với chức vụ này, Putin đã thành lập một công ty hỗn hợp chuyên nhập các thiết bị y tế, tên là Petromed, sau đó giao cho một cựu nhân viên KGB cùng với ông Serguei Kolesnikov, lúc bấy giờ là giám đốc một phòng thí nghiệm của quân đội – điều hành công ty này.
Sau khi vào Điện Cẩm Lanh giữ chức vụ cao nhất, Putin đã nhớ lại những người bạn cũ ở Saint-Pétersbourg. Ông ta đề nghị ban phát cho Petromed một siêu hợp đồng, với điều kiện là 35% thu nhập phải được chuyển sang tài khoản của một công ty Luxembourg là Lirus, trong đó tân Tổng thống Nga nắm đến 90% phần hùn – theo lời Serguei Kolesnikov: “Tất cả đều không phải là cổ phiếu ghi danh”.
Vẫn theo lời kể của Serguei Kolesnikov, từ năm 2000 đến 2007, có ít nhất 500 triệu Mỹ kim đã được chuyển vào tài khoản của Lirus. Số của chìm này đã giúp Putin, thông qua tên người khác, mua được trên 20% ngân hàng Rossia (một ngân hàng lớn do người thân của Putin điều hành), và xây dựng một dinh thự rộng đến 12.000 mét vuông bên bờ Hắc Hải. Nằm trong một khu rừng được bảo vệ, cơ ngơi rộng 76 hecta này bao gồm một casino, một nhà hát, hai hồ bơi và 20 tòa nhà phụ chủ yếu dành cho 200 người giúp việc.
Khi vụ này được tờ Washington Post đăng tải vào Giáng sinh năm 2010, Điện Cẩm Lanh đã chối bay chối biến. Các chứng cứ xuất hiện: Hình ảnh của tòa lâu đài sang trọng này được trang web RuLeaks đưa lên, nhiều nhân chứng cho biết Putin đã nhiều lần viếng thăm dinh thự lúc còn đang được xây dựng. Người ta còn biết cơ ngơi này được cơ quan bảo vệ quan chức cao cấp của Nga canh phòng cẩn mật. Công việc xây dựng cũng do một công ty nhà nước đảm nhiệm. Nhưng Điện Cẩm Lanh vẫn tiếp tục chối là Putin không có liên hệ gì với công trình trên.
Tháng 02/2011, tờ nhật báo đối lập Novaia Gazeta tiết lộ một hợp đồng cho thấy Điện Cẩm Lanh có liên hệ với công ty Lirus (mà Putin nắm 90% cổ phần). Ban đầu Điện Cẩm Lanh cố gắng giải thích, nhưng sau đó quyết định “chơi trò phá đám”. Một tháng sau, tòa lâu đài được bán lại cho một doanh nhân là người hùn vốn với người thân của Putin, với giá chỉ bằng một phần ba giá trị thật. Một hành động vội vã cũng đáng ngờ như một lời thú tội.
Hầu hết giới thượng lưu Nga đều tin lời ông Serguei Kolesnikov. Igor Yurgens, cố vấn của ông Dmitri Medvedev, thổ lộ với tuần báo Pháp Nouvel Observateur: “Còn có ai khác ngoài ông Putin có thể xây dựng một cơ ngơi như thế ở Nga, trong một vùng cấm, do cơ quan bảo vệ quan chức cao cấp của Nga canh phòng cẩn mật?”. Trong khi đó, dân chúng Nga không hề biết gì. Cho dù trước đây người doanh nhân đang lẩn trốn trên đây đã gởi một lá thư ngỏ cho Tổng thống Medvedev, vụ này vẫn bị ỉm đi. Từ một năm qua, Đài truyền hình Nhà nước Nga không một lần nào nhắc đến.
Trên danh nghĩa, Vladimir Putin, người vừa nắm quyền Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ ba, không phải là triệu phú. Tháng 12/2013, trước ủy ban bầu cử, Putin đã khai ông có 179.612 Mỹ kim, một căn hộ 75 mét vuông ở Saint-Pétersbourg, một căn hộ khác nhỏ hơn ở Moscow, và hai chiếc xe Volga thuộc loại sưu tập do người cha để lại. Như vậy sau mười hai năm cầm quyền với 2 nhiệm kỳ Tổng thống, Putin không hề giàu lên. Ông ta muốn tạo dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn và liêm khiết. Thực tế thì ngược lại… Gần đây Putin đã phải nhìn nhận, nạn tham nhũng đang hoành hành trong các cơ quan nhà nước Nga. Ông Putin không thể chối cãi được một sự thật hiển nhiên đang làm cho người dân Nga bất bình và “thương hại” ông: Dưới triều đại Putin, bạn bè của ông đều trở thành tỉ phú. Bản thân ông không có gì, thật là… tội nghiệp!!!
Vũ Khoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét