Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Suy nghĩ về “lao động rẻ” ở Việt Nam - Mặc Thủy


Bài báo “70% dân số Việt: ‘lao động rẻ’ là sự đau đớn” đăng trên mạng Vietnamnet ngày 21/10/2015 đã khiến cho dư luận nhớ đến bài “Việt Nam hãy học Ấn Độ xuất khẩu Thạc sĩ, Tiến sĩ?” đăng trên Báo Đất Việt vào đầu tháng 9/2015, nói lên thảm cảnh tương phản giữa đồng tiền và con người trong xã hội Việt Nam hiện nay.<!->
Đồng tiền lưu hành hiện nay được giữ nguyên từ đợt đổi tiền năm 1985, với tờ bạc cao nhất có mệnh giá 50 đồng. Đến năm 1994, tức 9 năm sau, tờ bạc có mệnh giá cao nhất được in ra là 50.000 đồng, và vào năm 2003 Việt Nam đưa vào sử dụng tờ bằng polymer, thì tờ bạc có mệnh giá cao nhất lên đến 500.000 đồng. Như vậy chỉ trong vòng 18 năm, nếu chỉ xét về mặt chữ số, thì tờ tiền mệnh giá lớn nhất Việt Nam đã tăng con số lên 10 ngàn lần, đồng nghĩa với giá trị của nó đã giảm đi với số lần tương ứng.

Tương tự với đồng tiền, giá trị của con người Việt Nam cũng không hơn bao nhiêu.

Trước khi theo chân Liên Xô đổi mới vào cuối năm 1986, CSVN đã coi lao động trí tuệ là những kẻ biếng nhác so với lao động cơ bắp, và một thời từng tìm cách xóa bỏ đội ngũ trí thức ra khỏi xã hội, bắt ép hòa mình vào lực lượng công nông.

Họ đảo lộn các thước đo giá trị xã hội, giá trị con người, giá trị học thức và giá trị khoa học… để thay thế bằng cái gọi là chủ trương Hồng hơn Chuyên, tôn vinh lao động cơ bắp của giai cấp công nông là đội tiên phong của xã hội.

Từ năm 1992, khi bắt đầu chính thức áp dụng kinh tế thị trường, CSVN nhận ra tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, nên nới lỏng cánh cửa đại học và hé mở cơ hội học tập cho người dân. Tuy nhiên, sau hàng chục năm sống dưới khuôn khổ của xã hội chủ nghĩa, con người mang nặng tính “cơ hội”, nên sự vận hành nền kinh tế nói chung là dựa trên mánh múng hơn là trí tuệ.

Trong lãnh vực giáo dục, người ta đã chụp lấy thời cơ kiếm tiền, bằng việc mở trường khắp nơi, kêu gọi đào tạo tràn lan không căn cứ nhu cầu xã hội, khiến cả nước dư thừa cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong khi lại thiếu lực lượng công nhân. Nhưng trình độ cử nhân, kỹ sư của nước ta lại quá yếu, đến nỗi một cán bộ cao cấp Hà Nội đã phán rằng “kỹ sư Việt Nam không chế nổi một con ốc”.

Từ đó, để có việc làm nuôi sống bản thân, các cử nhân, kỹ sư… phải chấp nhận thi tuyển vào những vị trí công việc cơ bắp. Từ đó dẫn đến một hiện tượng đã trở thành phổ biến là các cử nhân, kỹ sư ra trường chỉ có giá trị làm công việc cơ bắp.

Đó là chưa nói hiện tượng bằng giả với mảnh bằng kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giấy chiếm một số lượng không ít trong hàng ngũ gọi là trí thức. Điều này càng khiến giá trị của giới trí thức ngày một bị xã hội đánh giá thấp hơn.

Đương nhiên giá trị con người Việt Nam xuống thấp cỡ nào khó có thể định lượng như sự mất giá trị của đồng tiền hiện nay; nhưng nếu nhìn vào chính sách phát triển kinh tế của nhà cầm quyền CSVN, điều mà họ chỉ có thể khoe với thế giới là “lao động rẻ”.

“Hợp tác lao động” là nhóm từ được thịnh hành ở Việt Nam dưới thời khối Liên Xô còn tồn tại. Để trả nợ chiến tranh cũng như tìm công ăn việc làm cho một số người, Hà Nội đã đưa hàng trăm ngàn công nhân sang lao động tại Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu.

Sau đổi mới, để thu hút đầu tư từ các nước Nam Hàn, Tân Gia Ba, Hồng Kông, Nhật Bản vân, vân… Hà Nội quảng cáo “lao động rẻ” với việc phát triển những khu chế xuất ngay ở trong nước. Nhưng sự thu hút này chỉ kéo dài một thời gian vì các công ty ngoại quốc đầu tư cần tay nghề cao hơn nên Hà Nội lại phải tiếp tục chính sách “xuất khẩu lao động” sang nước ngoài.

Tính đến năm 2014, Việt Nam có khoảng 700 ngàn lao động làm việc tại bốn thị trường lớn là Đài Loan, Mã Lai, Hàn Quốc và Nhật Bản, với mức lương chỉ bằng ¼ thu nhập của người dân sở tại. Mặc dù yêu cầu chất lượng lao động cơ bắp của những nước này không cao, nhưng do chất lượng giáo dục đào tạo của Việt Nam quá kém cỏi, nên số lượng nhân lực đáp ứng được các tiêu chí về kỹ năng, kỷ luật, ngoại ngữ, sức khỏe… của nhà tuyển dụng thì lại không nhiều.

Để đối phó với thực trạng này, thay vì phải nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo, cũng như giảm thiểu những tiêu cực trong việc tuyển chọn, những người đóng vai trò cố vấn lại đề nghị một kiểu ứng phó không tưởng: Đó là ý tưởng xuất khẩu các Thạc sĩ, Tiến sĩ sang làm việc cơ bắp tại Nhật Bản, thay cho những nhân công lao động phổ thông hiện nay, nhằm giải quyết ít nhất được 2 tiêu chí đang bị than phiền là kỷ luật và ngoại ngữ.

Ý tưởng động trời này thể hiện một cái nhìn thiển cận, khi Hà Nội trực tiếp làm hạ thấp giá trị con người Việt đối với các quốc gia khác bằng việc đặt những nhân lực thuộc đội ngũ trí thức cao (được đào tạo trong thời gian nhiều năm) vào những công việc cơ bắp thông thường.

Tóm lại, hai bài báo đề cập bên trên cùng với chính sách lao động của Hà Nội hiện nay khiến cho những người quan tâm đến tương lai đất nước không khỏi đau lòng khi thấy rằng thực trạng mất giá của con người Việt qua hiện tượng “xuất khẩu lao động” hiện nay không khác gì sự mất giá của đồng tiền Việt.

Mặc Thủy
28/10/2015
 

Không có nhận xét nào: