Sống được đến tuổi như bà âu cũng là điều mừng cho đám cháu chúng tôi. Nhìn Ngoại, tôi thấy mình thua xa Bà nhiều lắm, thua ở sức chịu đựng, ở tinh thần lạc quan, ở những tình cảm Bà cho ra. Tôi cầu mong Bà sống khỏe mạnh để mỗi năm tôi còn có chốn quê về thăm
<!-->.Bây giờ và mãi mãi về sau nếu nhắc đến Ngoại, tôi sẽ nhớ đôi mắt Bà đầu tiên. Mắt Bà chỉ còn là hai hốc cạn, ánh mắt mấp máy ẩn sau một đường như đường chỉ nhăn nheo, từ đó hai hàng nước đùng đục lăn ra từ từ trên gò má nhăn nhúm, Ngoại khóc. Năm đó Bà chắc cũng đã 90. Ngoại khóc khi thấy bầu đoàn con, cháu, chắt dắt nhau về thăm Ngoại. Nhớ cả đoàn đi chuyển từ Quy Nhơn ghé thăm bà tại nhà dì Út ở Quảng Ngãi. Cứ 15-20 phút bà lại nhắc dì gọi hỏi xem xe đã đi tới đâu, tại sao lại đi lâu quá vậy? Khi đám con cháu sắp hàng đứng chào Ngoại, Bà không nói tiếng nào, chỉ ngồi im trên ghế, và từ đó mắt Ngoại đã in sâu vào tâm trí tôi.
Tôi chưa bao giờ chứng kiến Ngoại khóc, bởi Bà có tiếng kiên cường, cứng rắn. Chắc chắn trong ký ức của tôi không có một bà ngoại đảm đang nội trợ với những món ăn dân dã á khẩu cho đám cháu thành phố như bà ngoại của những người khác. Ngoại ở quê nghèo lắm, ăn uống giản dị, bánh tráng nhúng chấm nước mắm sống, vài con cá đồng kho mặn chát, sang hơn là bánh tráng cuốn bánh hỏi với các loai rau trong vườn.
Chắc chắn trong ký ức tôi cũng không có một bà ngoại sang trọng quý phái như bà ngoại của những người khác, hay hình ảnh một bà ngoại hiền hậu. Ngoại tôi khác lắm, khác hẳn những bà ngoại mà tôi từng biết trong đời. Ngoại không mang dáng dấp hồn hậu chất phát của người phụ nữ miền Nam, không có sự sắc sảo của phụ nữ miền Bắc, và cũng chẳng có nét lam lũ của phụ nữ miền Trung.
Ở bà, từ cách đi đứng, nói năng, cư xử đều có một sự cân bằng, chừng mực đáng ngạc nhiên mà từ đó mới thấy sự mạnh mẽ ẩn chứa trong con người bà. Bà không sắc sảo nhưng bà nói không ai bắt bẻ được. Chữ dzầy ớ, nẫu ớ đặc sệt Bình Định, Ngoại thêm chút tông cao không lẫn vào đâu được. Ngoại không tân tiến nhưng thỉnh thoảng cũng động viên lũ cháu gái chưng diện, ăn mặc đẹp. Ngoại rất rõ ràng, phân minh. Bà không bao giờ muốn làm phiền người khác, bà cũng chưa từng đòi hỏi con cháu lo cho bà, nhưng đứa nào có lòng Ngoại đều nhận hết, bởi bà lo hậu sự, mai mốt lỡ bề gì nằm xuống mình không phải làm con cháu bận lòng. Mấy năm gần đây, khi bị đụng xe bể xương không còn đi lại dễ dàng bà mới chịu nhận sự chăm sóc của con cháu, trong nhà ai cũng biết Ngoại khó chịu trong lòng lắm.
Ngoại tôi không phải bà ngoại ruột. Ông Ngoại tôi đi bước nữa với Bà sau khi Ngoại ruột của tôi bị lính lê dương bắn chết khi còn cõng cậu Út mới hơn một tuổi sau lưng. Má tôi mồ côi mẹ đâu chừng 11-12 tuổi, cậu Tám 7-8 tuổi. Bà không có công sinh nhưng có công dưỡng má và các cậu. Nghe đâu, hồi xưa bà nuôi dạy ba đứa con chồng bằng cả cương lẫn nhu, cứng rắn và mềm mỏng, vậy nên con cái ai cũng thương và nể trọng bà. Câu "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ biết thương con chồng" không tồn tại trong gia đình má tôi, vậy nhưng nghe đâu có lần bà nói lẫy: tao sống dzầy nhưng đâu có hết tiếng!
Ở quê người ta gọi Ngoại là cô Bốn. Cô Bốn năm 92 tuổi, chân đi nạng nhưng vẫn rất minh mẫn. Có lần tôi gọi điện về, hai bà cháu nói chuyện đến gần 40 phút. Toàn chuyện trong nhà, đứa này, đứa kia, rồi bao giờ bà cũng dặn: Con nhớ gởi về cho Ngoại mấy tấm ảnh mới nhất của hai đứa nhỏ! Hôm rồi nghe tin bà bệnh, tôi gọi về hỏi thăm mới biết bà đã qua cơn nguy kịch do tất cả các cơ quan đều đã đến thời kỳ rệu rã. Vậy bà cũng dặn: Ngoại còn nhiều thuốc lắm, con hãy khoan gửi về!
Sống được đến tuổi như bà âu cũng là điều mừng cho đám cháu chúng tôi. Nhìn Ngoại, tôi thấy mình thua xa Bà nhiều lắm, thua ở sức chịu đựng, ở tinh thần lạc quan, ở những tình cảm Bà cho ra. Tôi cầu mong Bà sống khỏe mạnh để mỗi năm tôi còn có chốn quê về thăm. Để con trai tôi được về vòng tay chào bà Cố. Sau này lớn lên, nó sẽ kể với con nó rằng hồi xưa mẹ đi mổ, bà Cố ngồi một chỗ ẵm nó trên tay khi nó mới tròn một tháng tuổi. Nó sẽ kể với con nó rằng, nó ít nói chuyện với bà Cố nhưng nó cảm nhận được tình thương của bà, một cái gì đó mà nó không diễn tả được, cũng như mẹ nó bây giờ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét