Khu vực gần bãi đá Xu Bi - Subi Reef.AFP PHOTO / POOL / RITCHIE B. TONGO
Động thái này nhằm khẳng định lập trường của Washington, không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực. Vấn đề cho tàu hải quân áp sát các hòn đảo nhân tạo đã được giới chức quân sự Mỹ gợi lên từ nhiều tháng nay. Nhiều nguồn tin trùng hợp đã xác nhận rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã thúc giục Nhà Trắng bật đèn xanh cho chiến dịch được gọi là « tuần tra vì quyền tự do lưu thông trên biển » này, nhưng chưa được.
Một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ dè dặt, chính là không muốn gây nên sự cố trước chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hạ tuần tháng 9 vừa qua, trong bối cảnh giữa hai nước đang có bất đồng nghiêm trọng trên hồ sơ Biển Đông.
Tuy nhiên, cử chỉ hòa hoãn của Washington đã bị Bắc Kinh đáp trả bằng những hành vi khiêu khích công khai ngay trước lúc ông Tập Cận Bình đặt chân lên đất Mỹ. Điển hình là vụ tàu chiến Trung Quốc thâm nhập vùng lãnh hải Hoa Kỳ ngoài khơi Alaska vào đúng hôm Tổng thống Mỹ ghé thăm tiểu bang này, và vụ chiến đấu cơ Trung Quốc cắt đường bay của máy bay tuần thám Mỹ trên Hoàng Hải.
Bên cạnh đó, cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 25/09 cũng không giúp được hai bên giảm bớt bất đồng trên vấn đề Biển Đông, thậm chí trước đông đảo báo giới Mỹ và quốc tế, lãnh đạo Trung Quốc còn thản nhiên bác bỏ những lời Mỹ chỉ trích Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa khi cho rằng vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ « ngàn xưa ».
Trong bối cảnh kể trên, Nhà Trắng chỉ có thể đáp ứng yêu cầu của Hải quân Mỹ, và như tiết lộ của quan chức cao cấp Mỹ là việc tàu quân sự Mỹ áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc sắp sửa diễn ra.
Câu hỏi đặt ra vào lúc này là tàu Hải quân Mỹ sẽ thâm nhập vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo nào, trong số 7 đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp ? Đây là một vấn đề mà giới chức quân sự Mỹ cần phải cân nhắc vì các thực thể địa lý mà Trung Quốc bồi đắp tại vùng Trường Sa có quy chế khác nhau trước lúc bị biến thành đảo nhân tạo.
Nếu căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, thì bốn bãi ngầm Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Vành Khăn (Mischief), và Xu Bi (Subi) trước lúc được tôn tạo, thuộc diện « bãi cạn lúc chìm, lúc nổi – Low-tide elevations » cho nên chỉ được quyền có hải phận 500 mét bao quanh.
Ba bãi còn lại là Đá Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross) và Gạc Ma (Johnson) thì được xem là « đảo đá – rocks », có thể có lãnh hải 12 hải lý, nhưng không thể có vùng đặc quyền kinh tế.
Trong mọi trường hợp Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận đảo nhân tạo là một cơ sở để cho một nước đòi lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế, do đó Trung Quốc không có quyền viện dẫn quy chế đảo của các thực thể vừa bồi đắp, để cản trở quyền tự do lưu thông của tàu thuyền các nước khác.
Theo báo Nhật Bản The Diplomat hôm 04/10, rất có thể là Mỹ sẽ chọn phương án tiến sâu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể như Xu Bi và Vành Khăn chẳng hạn, vì kể cả trong trường hợp hai thực thể này thuộc chủ quyền của Bắc Kinh - điều đang trong vòng tranh cãi – với tư cách là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi trước lúc được bồi đắp – các cấu tạo địa lý này chỉ được tối đa 500 mét bao quanh.
Và công việc đó cũng đủ để cho chứng tỏ một cách rõ ràng là Mỹ bác bỏ các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc, một điều mà các nước đang bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông đang chờ đợi. Câu hỏi đặt ra là liệu các nước này có cùng hành động với Mỹ hay không ?
Biển Đông:Tổ chức phi chính phủ Philippines kiện Trung Quốc
Bản đồ những hòn đảo bị tàn phá về môi trường theo danh sách của tổ chức Marcha.Nguồn : CSIS
Một tổ chức phi chính phủ của Philippines, Phong trào và Liên minh chống Trung Quốc xâm lược-Marcha, gởi đơn kiện Bắc Kinh lên Liên Hiệp Quốc về những hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo tổ chức này, hành vi của Trung Quốc đang gây những tác động tiêu cực lên các nguồn tài nguyên biển.
Trong bức thư gởi ngày 07/010/2015, lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon và Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên hiệp quốc UNEP, Achim Steiner, chủ tịch Phong trào và Liên minh chống Trung Quốc xâm lược -Marcha, ông Roilo Golez, kêu gọi Liên hiệp quốc và UNEP « điều tra và có hành động thích đáng » đối với những hoạt động bồi đắp đảo, mà đã tàn phá các rạn san hô ở Biển Đông.
Ông Golez, nguyên là Cố vấn An ninh Quốc gia của Philippines, cho biết đơn kiện của tổ chức Marcha dựa trên Công ước về Đánh cá và Bảo tồn các tài nguyên sinh vật trên biển, cũng như dựa trên Các mục tiêu Phát triển Bền vững, vừa được thông qua gần đây.
Vào tháng trước, các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các mục tiêu phát triển mới nhằm giảm nạn nghèo đói trên hành tinh chúng ta trong 15 năm tới. Một trong 17 mục tiêu đề ra là “bảo tồn và sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển cho sự phát triển bền vững”.
Trong bức thư nói trên, ông Golez nhấn mạnh là những hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông đã và đang gây những tác hại “không thể sửa chữa được” trên những rạn san hô, đặc biệt là tại các đảo Đá Chữ Thập (Fierry Cross Reef), Đá Subi (Subi Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Cụm Đá Gaven (Gaven Reef) và Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef).
Trả lời phỏng vấn chủ tịch tổ chức Marcha cũng đã trích dẫn lời của nhà sinh học biển John McManus báo động rằng những công trình bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông “gây mất mát vĩnh viễn các rạn san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”. Ông Golez cũng lưu ý rằng, theo các chuyên gia sinh học biển, những tác hại đối với các rạn san hô trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của 300 triệu người của khoảng 300 triệu người sống phụ thuộc vào Biển Đông, nơi tập trung 10% nguồn hải sản của thế giới.
Chống cháy rừng, Indonesia chấp nhận trợ giúp quốc tế
Cháy rừng tại phía nam đảo Sumatra -Indonesia. Ảnh ngày 30/10/2015.REUTERS/Nova Wahyudi/Antara Foto
Chính quyền Jakarta ngày 08/10/2015 chấp nhận đề nghị giúp đỡ của quốc tế, kể cả của Nga, để chống nạn cháy rừng kéo dài từ nhiều tuần nay. Các vụ hỏa hoạn đã tạo nên một lớp khói độc hại dầy đặc bao phủ bầu trời vùng Đông Nam Á, gây phẫn nộ nơi các nước láng giềng như Singapore, Malaysia. Có tin là khói mù còn lan tới tận Thái Lan và miền Nam Việt Nam.
Theo Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, phi cơ cứu hỏa của Singapore sẽ lập tức đến nơi trong ngày. Jakarta cũng chờ đợi sự hỗ trợ của các nước khác, trong đó có Malaysia, Nga, Nhật Bản, để giúp dập tắt các đám cháy đang thiêu rụi rừng và đất canh tác, nhất là các đồn điền trồng cây dầu cọ, mà Indonesia là nước sản xuất hàng đầu thế giới.
Từ khi lửa bùng phát trong những tuần qua, Jakarta vẫn khăng khăng từ chối các đề nghị giúp đỡ của nước ngoài. Vào hôm nay, lời lẽ tuy nhiên đã thay đổi và Tổng thống Widodo cho biết là ông « hy vọng có thể gia tăng được các nỗ lực nhằm khống chế các vụ hỏa hoạn ».
Theo Arrmanatha Nasir một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Indonesia, nước này đang cần máy bay thả nước cỡ lớn hơn những phương tiện mà nước này hiện có, chở được đến 10.000 lít. Chính quyền Jakarta đã liên lạc với Singapore, Malaysia, Nga, Úc và Trung Quốc để nhờ giúp đỡ. Indonesia đặc biệt nhấn mạnh việc sẽ thanh toán mọi chi phí có liên quan.
Phát ngôn viên phủ Tổng thống Indonesia Ari Dwipayana, đồng thời thông báo là Tổng thống Widodo đã ra lệnh cho các bộ trưởng phải hợp tác với các « nước bạn » để chống nạn cháy rừng.
Theo AFP, nạn cháy rừng đã bắt đầu và hoành hành từ 3 tháng nay ở các vùng Sumatra, Kalimantan, tạo nên một lớp khói dầy, tỏa ra các nước láng giềng, gây ra các bệnh hô hấp nơi hàng chực ngàn người, với rất nhiều trường học phải tạm đóng của, lưu thông trên không bị xáo trộn.
Hàng năm Indonesia đều bị nạn cháy rừng khủng khiếp vào mùa khô và nguyên nhân thường là do các hoạt động việc đốt rừng làm rẫy. Hàng chục người hiện đang bị điều tra, trong đó có cả giới chức của các công ty, bị tình nghi là đã gây nên hỏa hoạn.
Trung Quốc : Điều tra cựu lãnh đạo công ty dầu khí
Cựu lãnh đạo Sinopec, Tô Thụ Lâm.REUTERS/Tyrone Siu/Files
Đảng Cộng sản Trung Quốc loan báo đang điều tra cựu lãnh đạo của tập đoàn dầu khí Nhà nước Sinopec về những cáo buộc tham nhũng. Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thông báo ngày 07/10/2015, rằng ông Tô Thụ Lâm (Su Shulin) bị điều tra vì bị nghi đã “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, cụm từ thường được dùng để nói tội tham nhũng.
Ông Tô Thụ Lâm hiện là chủ tịch tỉnh Phúc Kiến và phó bí thư tỉnh uỷ, tức là nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ hai của tỉnh này. Ông từng giữ chức Tổng giám đốc công ty dầu khí Sinopec.
Uỷ ban Kiểm tra Kỹ luật Trung ương cũng thông báo là cựu Chủ tịch Sinopec Vương Thiên Phổ (Wang Tianpu), bị điều tra vào tháng 4, bị cáo buộc nhận hối lộ, hối lộ để được lên chức và biển thủ tài sản công.
CNPC, công ty mẹ của Sinopec, nguyên là cơ sở bành trướng thế lực của cựu bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ Bắc Kinh là nạn nhân của chiến dịch chống tham nhũng do chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Cựu bộ trưởng họ Chu đã bị kết án tù chung thân vào tháng 6 vừa qua, và hàng chục nhân vật khác trong ngành dầu khí thì đang bị điều tra về tội tham nhũng.
Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc điều tra nhắm vào ngành dầu khí là nằm trong các nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm kiểm soát các công ty Nhà nước ở Trung Quốc.
HRW kêu gọi Bắc Triều Tiên chấm dứt tệ nạn cưỡng bức lao động
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tới thăm Nhà máy sản xuất thực phẩm cho trẻ em, Bình Nhưỡng (ảnh do KCNA công bố ngày 16/12/2014)Reuters
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch vào hôm nay, 08/10/2015 đã yêu cầu chính quyền Bắc Triều Tiên chấm dứt việc bắt người dân lao động không công. Đối với tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Mỹ, thì chế độ Bình Nhưỡng là một kẻ « bóc lột ăn cướp ».
Vào lúc Bắc Triều Tiên chuẩn bị mừng 70 năm ngày thành lập Đảng vào thứ Bảy 10/10/ tới đây, Human Rights Watch tố cáo Bình Nhưỡng đã dùng việc cưỡng bức lao động, để vừa kiểm soát người dân, vừa thu lợi về kinh tế, vừa duy trì quyền lực.
Giám đốc đặc trách Châu Á của HRW Phil Roberson đánh giá : « Không thể có khác biệt nào rõ ràng hơn giữa một bên là hình ảnh hư cấu về một thiên đường vô sản Bắc Triều Tiên và thực tế của một chế độ buộc dân chúng làm việc không công để xây dựng kinh tế... Nếu Bình Nhưỡng muốn mừng ngày sinh của đảng sáng lập đất nước, thì phải chấm dứt nạn bóc lột ăn cướp sức lao động của người dân Bắc Triều Tiên ».
Đối với HRW, việc cưỡng bức lao động diễn ra thường xuyên, xem như là hàng ngày đối với dân ở Bắc Triều Tiên. Đây là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và nằm trong bóng tối quá lâu. HRW nêu ví dụ về việc sinh viên Bắc Triều Tiên cho biết là họ bị buộc lao động không công mỗi năm 2 tháng tại các nông trại.
Theo AFP, Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ đều tố cáo chế độ cưỡng bức lao động, một yếu tố kinh tế quan trọng mà chính quyền sử dụng để thống trị.
HWR cho là đã đến lúc Liên Hiệp Quốc phải ép buộc Bắc Triều Tiền chấm dứt việc xây dựng kinh tế trên nền tảng của sự bóc lột lao động của người dân.
Tên lửa hạt nhân Bắc Triều Tiên có thể bắn tới Hoa Kỳ
Lãnh đạo BTT, Kim Jong Un tham quan một cơ quan Nghiên cứu khoa học tại Bình Nhưỡng.REUTERS/KCNA
Đô đốc Bill Gortney chỉ huy bộ phận phòng thủ không gian của Mỹ ngày 07/10/2015 cảnh báo : Bắc Triều Tiên hiện có khả năng bắn tên lửa hạt nhân đến tận Hoa Kỳ. Tuy nhiên nhân vật này cho rằng Mỹ luôn luôn sẵn sàng đối phó với một hiểm họa như vậy.
Trong bài phát biểu tại trung tâm nghiên cứu Atlantic Council, Đô đốc Bill Gortney, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian, cho biết là ông đồng ý với đánh giá của giới tình báo Mỹ theo đó Bắc Triều Tiên có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân, gắn đầu đạn nguyên tử trên loại hỏa tiễn có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ.
Theo ông Gortney, vấn đề là các hành vi của lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un rất khó lường, thế nhưng quân đội Mỹ sẵn sàng đáp trả trong trường hợp « Kim Jong Un ngu xuẩn đến mức bắn một cái gì đó về phía nước Mỹ ».
Theo hãng tin Anh Reuters, cơ quan không gian của Bắc Triều Tiên vào tháng 9/2015, đã thông báo Bình Nhưỡng đã hoàn tất một vệ tinh mới và chuẩn bị phóng hỏa tiễn để đưa vệ tinh này lên quỹ đạo.
Trước đó, vào tháng 3/2015, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên trong năm nay, có thể trang bị cho mình khả năng bắn hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét