Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Lá Thư Úc Châu - Trang Thơ Nhạc cuối Tuần, 3 Oct. 15 - TS Nguyễn Nam Sơn

 Phạm Đình Chương - Hoàng Ngọc Ẩn: Bên Trời Phiêu Lãng
Tiếng hát: Vũ Khanh
Tình thân,
NNS
...............................................................................................................................
(1) Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) 5 Xu Blog: Chuyện thừa thiếuHồi trước còn túc tắc đi làm, buổi sáng việc nhàn, hay kéo một ông anh ra Lê Quý Đôn uống cà phê.
Có lần ông anh bảo, chắc nước mình phải đợi đến khi các tay đại tá trẻ cầm quyền mới khá được.
Có lần khác nói chuyện quan chức mê tín cúng bái ngày càng nặng, ông anh lại tặc lưỡi bảo: thế là quay lại thần quyền.

<!->
**
Người ta vẫn nói: nhân dân nào thì chính quyền như thế.
Xã hội Việt Nam có bao nhiêu cái xấu thì ở chính quyền có bấy nhiêu cái xấu. Chỉ khác ở chỗ ở trong chính quyền thì cái xấu ấy có điều kiện để phóng đại lên ngàn lần. Xã hội Việt Nam khiếm khuyết bao nhiêu cái tốt, thì chính quyền cũng khiếm khuyết ngần ấy cái tốt, mà còn thiếu hơn ngàn lần.
Xã hội này thừa: tăm tối, tham lam, bạo lực. Xã hội này thiếu: khoan dung, điềm tĩnh, can đảm.
Những gì tệ nhất của đất nước này đều có thể dùng những cái thừa cái thiếu trên đây để giải thích.
Tâm tư của ông tá mong có hàm tướng là biểu hiện lòng tham của người dân quen thói nóng vội, đặt vào môi trường nhà nước bị phóng đại lên nhiều lần. Cũng thế nhưng thêm chất bạo tàn coi khinh thiên hạ, ông quan đầu tỉnh vội vàng bổ nhiệm con mình vào chức vụ ngon ăn. Đến cái trường đại học nhà nước bé tí ti cũng thiếu điềm tĩnh, thừa háo danh, toan tính gắn huy chương tứ tung trong nội bộ cốt để phong thần lẫn nhau mà lòe thiên hạ.
Thời chiến tranh đã đành, đến thời hòa bình lãnh đạo cũng vẫn thừa tối tăm và thiếu điềm tĩnh. Tầm nhìn cứ tưởng xa hóa ra ngắn tũn. Vội vội vàng vàng đâm quàng bụi rậm. Doanh nhân, trí giả cũng chẳng hơn gì. Tất cả đồng lòng với nhau mà đánh quả. Quốc gia, tổ quốc chẳng qua là đất và nước. Bán hết mặt đất vàng nhanh tay đút túi, rồi sẽ có ngày rao bán mặt nước vàng .
Chủ nghĩa tư bản man rợ đã đến nước Việt ngay sau những năm đổi mới. Rồi sau 30 năm mặc sức vùng vẫy đớp hít no say, nay nó đã chính thức lột vỏ để trở về đúng bản chất: chủ nghĩa cộng sản vơ vét.
Đúng lúc ấy giàn khoan và đường băng ở Biển Đông đâm thẳng vào mặt.
**
Sớm hay muộn nước Việt cũng phải chọn con đường để trở thành “phú quốc cường binh”. Mọi lựa chọn khác đều có nguy cơ rơi vào nô dịch.
Nhưng trước đó xã hội phải chấp nhận để chính quyền “qua đò” thêm một lần nữa: quay trở lại với chủ nghĩa cộng sản liêm chính, thanh lọc từ chính quyền đến người dân, trước khi qua bờ bên kia để lột xác trở thành một nền cộng hòa dân quốc. Việc thanh tẩy thể xác và tinh thần, phải chính tay mình làm, người bên ngoài không bao giờ làm nổi.
**
Năm 1967 đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gọi đám sĩ quan trẻ tuổi Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu đang khuấy đảo nền chính trị Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ là “Young Turks”. Tiếng Việt nôm na là: “Đám đại tá trẻ”. Những sĩ quan trẻ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đấy đã xóa bỏ Đệ nhất cộng hòa của Việt Nam mà dựng nên Đệ nhị cộng hòa.
Tổ chức Những Người Trẻ Ottoman (tiếng Thổ: Yeni Osmanlılar) là một tổ chức do các trí thức Thổ thành lập, lúc đầu hoạt động bí mật. Đây là nhóm trí thức bất mãn với kết quả cải cách (tanzimat) của chính quyền lãnh đạo đế quốc Ottoman vốn kéo dài 30 năm mà vẫn không đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, nợ nước ngoài chồng chất và bị ngoại bang đe dọa. Mục tiêu của nhóm Young Ottoman là hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là cải cách chính quyền theo hướng lập hiến để thoát khỏi chế độ tăng lữ (sultanate). Năm 1867, một hoàng tử Thổ tên là Mustafa Fazil Pasha chạy qua Pháp và bảo trợ cho tổ chức này. Từ đó nhóm có tên bằng tiếng Pháp. Ba thập kỷ sau, những thành viên trẻ hơn trong nhóm, có đầu óc cải cách mạnh mẽ hơn nữa, được biết đến với tên tiếng Pháp là Les Jeunes Turcs (tiếng Thổ: Jön Türkler) đã tiến hành một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa (Young Turk Revolution năm 1908) nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn thể chế tăng lữ để đưa đế chế Ottoman trở thành nhà nước cộng hòa. Những người Thổ trẻ tuổi ấy đã dựng nên nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại từ đống đổ nát tối tăm của đế quốc Ottoman đang bị phương Tây xâu xé.
Nổi lên từ cuộc cách mạng Young Turck Revoution và cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại liên quân Châu Âu, sĩ quan Mustafa Kemal dần dần trở thành người lãnh đạo tối cao và là người sáng lập nhà nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, trở thành tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa và được quốc hội Thổ chính thức “phong danh hiệu” cha già dân tộc (Atatürk).
**
Cuối thế kỷ 18, các đế quốc phương Đông như Ottoman, Nhật Bản, và cả đế quốc con con ở giữa Ấn Độ và Trung Hoa, tức xứ Cochinchina (Indochina) tức Việt Nam ngày nay, đều bị các cường quốc phương Tây gây sức ép. Cả ba nước đều có những cải cách mạnh mẽ từ trong nội tại. Với Thổ là phong trào Young Ottoman, ra công khai từ năm 1867. Ở Nhật là cách mạng công nghiệp, chính thức hóa sau khi Nhật Hoàng Minh Trị lên ngôi năm 1868. Còn ở Việt Nam chỉ lóe lên một chút khi Minh Mạng cử trí thức qua Châu Âu học hỏi từ năm 1839 nhưng kết quả không được thu nhận do Minh Mạng qua đời 2 năm sau đó (1841).
Nhưng tới đầu thế kỷ 20 chuyển biến chính trị xã hội ở ba nước này rất khác nhau. Đến năm 1905 Nhật đã thành cường quốc sau chiến thắng hải quân Nga Hoàng. Năm 1908 cuộc cách mạng thay đổi thể chế của Young Turks thành công. Cũng lúc đó, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu mới loay hoay bắt đầu công cuộc cách mạng cứu nước của mình (1906-1908). Phần lớn tài sản của Đông Du học tập Nhật Bản tạo ra, từ Nguyễn Háo Vĩnh đến Tâm Tâm Xã đều có tác động lâu dài đến lịch sử Việt Nam hiện đại. Nhưng nói chung, mặc dù cực kỳ xuất sắc, cả hai đại cao thủ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu đều không có thành tựu cuối cùng.
**
Ở đế chế Ottoman, nền chính trị sultanate (tăng lữ) dù đã nỗ lực cải cách tới 30 năm (giống đổi mới 30 năm ở ta hiện nay) nhưng (cũng giống ta) không thoát khỏi lạc hậu, tối tăm và bất công xã hội. Nhà nước yếu đuối cả về tài chính lẫn quân sự. Bị cường quốc bên ngoài (từ Habsburg của Áo đến Catherine của Nga) chèn ép đe dọa. Thế nước xuống đáy, cách mạng nổ ra.
Sau Thế chiến thứ nhất, các Đại tá trẻ người Thổ dẫn dắt nhân dân tiến hành cuộc chiến giành độc lập, chiến thắng liên quân của các cường quốc Châu Âu, đã tự mình nắm lấy chính quyền rồi bắt đầu một công cuộc cải cách triệt để. Họ viết một hiến pháp hoàn toàn mới, họ tách giáo quyền khỏi chính quyền (tương tự đưa Đảng ra khỏi nhà nước). Họ thế tục hóa quốc gia bằng cách đóng cửa các trường Hồi giáo (giống đóng cửa trường đảng), họ bỏ tất cả các biểu tượng Hồi giáo khỏi nơi công cộng (giống bỏ việc treo cờ búa liềm ở nơi công cộng). Họ bổ nhiệm người không phải giới tăng lữ vào bộ máy chính quyền (giống bổ nhiệm người ngoài đảng vào bộ máy nhà nước). Họ chuyển thủ đô từ Istanbul tới Ankara, cải cách lịch bằng cách bỏ lịch “âm” của người Thổ và sử dụng lịch phương Tây. Họ cải cách chữ “quốc ngữ” để chuyển qua dùng ký tự latin để dễ dàng xóa mù chữ và nâng cao dân trí.
Chủ nghĩa thế tục (secularism) pha trộn với các chủ nghĩa cộng hòa, dân túy, quốc gia …đã hình thành hệ tư tưởng của sĩ quan Mustafa Kemal (Atatürk) và dần dần trở thành nền tảng giá trị của thể chế nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
**
Nếu có một thế lực siêu nhiên nào đó muốn cải tổ đất nước Việt Nam cho tốt lên, liệu họ sẽ khai minh cái xã hội này trước hay cải tổ chế độ trước. Có lẽ họ sẽ chọn cách thứ hai cho đỡ vất vả. Dạy dỗ một dúm đầu sỏ có tư chất có lẽ nhanh và hiệu quả hơn 90 triệu dân đen vốn lười lao động, sợ học hành và có thú vui rất mọi rợ là ngáng chân và tụt quần nhau.
Cách đây một thế kỷ, có một bọn gọi là Thực Dân Pháp đã ảo tưởng mình là một thế lực siêu nhiên nên đã cố gắng làm việc ấy. Và tất nhiên những gì chúng nhận được chỉ là một Điện Biên Phủ. Chúng cải cách bộ máy hành chính cai trị. Kế thừa mô hình quản lý nhà nước của triều đình Huế, người Pháp dần dần đưa lối cai trị dân sự quan liêu vào để xây dựng chính quyền thuộc địa ở xứ Annam. Đến giờ nhìn lại có thể nói thể chế ấy, đặc biệt ở Nam Kỳ thuộc Pháp, khá tiên tiến và hiệu quả trong cai trị lẫn bóc lột. Người Pháp cũng không chỉ cải cách bộ máy cai trị và tạo ra hàng loạt ngôi sao chính trị rất đắc lực và hiệu quả trong cai trị, chúng còn góp phần cải tạo xã hội Việt Nam cực kỳ trì trệ, tối tăm và bảo thủ bằng các chính sách văn hóa giáo dục thời Albert Sarraut. Việc cải cách xã hội này, mà Pháp gọi rất đúng từ là “khai hóa”, đã tạo ra hàng loạt ngôi sao có tư tưởng cách mạng. Nguyễn Gia Kiểng tóm tắt việc này trong mấy câu: "Thực dân Pháp còng tay người Việt và dẫn vào thế giới tiến bộ". Thế có nghĩa là thất bại.
Nếu anh bắt một thằng mọi vốn chỉ biết cởi truồng rằng đẹp và lịch sự thì phải mặc quần tây, kết quả là thằng mọi sẽ đánh cho anh vỡ mặt rồi mặc quần đùi rách rồi cứ tưởng thế là văn minh nhất quả đất. Đấy là lý do ngày hôm nay chúng ta phải sống với một thứ giáo quyền có tên gọi “chủ nghĩa cộng sản vơ vét”.
**
Khác với triều đình Huế với các ông vua tự thân yếu kém lại nồng nhiệt nắm quyền trực tiếp điều hành đất nước, khi các tàu chiến phương Tây kéo đến yêu cầu nước Nhật phải mở cửa, thì triều đình của Nhật Hoàng chỉ là bù nhìn. Quyền lực thực sự nằm trong tay các tướng quân Shōgun. Các Shōgun cũng không tập quyền mà quyền lực phân tán vào các lãnh chúa địa phương Daimyō (đại danh). Vì quyền lực phân tán, chế độ shogunate vừa yếu về kinh tế, vừa kém về quân sự đã không dám chống cự với phương tây, ngày càng bảo thủ, suy đồi. Một số Daimyō nổi dậy dẹp bỏ hệ thống quyền lực của các Shōgun và dồn quyền lực vào Nhật Hoàng vốn đang chỉ là bù nhìn.
Các nhà lãnh đạo trẻ nổi lên qua đảo chính quân sự, chính là các “Young Turcks” của Nhật Bản, đã quy tụ lại sau lưng Nhật Hoàng. Trước tiên họ “chế tạo” ra một ông vua mới mẻ và cực kỳ hiện đại. Họ cải hóa ông vua Mutsuhito trẻ tuổi, thiếu cá tính bên trong và nhợt nhạt hình ảnh bên ngoài trở thành một đấng trượng phu ngạo nghễ, minh triết, phong cách rất phương tây và có tầm nhìn xa vượt thế kỷ. Khi ông hoàng trẻ ấy lên ngôi , chính là Nhật Hoàng Minh Trị (Meiji). Minh Trị, nghĩa là cai trị một cách sáng suốt, Tây dịch ra là “enlightened rule”. Sự nghiệp cai trị sáng suốt ấy về thực chất nằm trong tay những nhà cai trị (ruler) mới toe đứng sau Nhật Hoàng. Họ có tài năng xuất chúng và có tầm nhìn xa hàng thế kỷ. Họ được gọi với tên “nhóm đầu sỏ Minh Trị” (Meiji Orligarchs, Phiên Phiệt). Nhóm đầu sỏ này dốc hết tâm trí để cải cách cả thể chế lẫn xã hội Nhật Bản. Dưới khẩu hiệu Phú Quốc Cường Binh (fukoku kyōhei), Nhật Hoàng quyết tâm đưa nước Nhật đến với văn minh phương Tây, bởi vậy nước Nhật tự thân hăm hở lao vào văn minh khai hóa (bunmei kaika). Khác với Tổng thống Mustafa Atarktuk phải đọc một bài diễn văn dài 36 tiếng trước quốc hội để diễn giải và thuyết phục đất nước đi theo con đường hội nhập với các giá trị văn minh bền vững của nhân loại, vì Nhật Hoàng là Thiên tử (giống Tổng Bí Thư nói với đảng viên của mình) nên chỉ cần vắn tắt có năm ý (ngũ cá điều) trong lời tuyên thệ nhậm chức của mình. Trong đó có “truy tầm kiến thức khắp thế giới để củng cố quốc gia vững mạnh”.
Những việc mà Nhật Hoàng và nhóm Minh Trị Đầu Sỏ chủ động thực hiện với xã hội Nhật hồi đó, thì ở Annam ta Pháp cũng cưỡng bức thực hiện: dùng quốc ngữ, tăng tỷ lệ biết đọc biết viết, mở ngân hàng, xây đường sắt, xây hải cảng, thiết lập các hệ thống thông tin liên lạc. Vậy nên khác với người Nhật biết tự may âu phục cho mình và tôn trọng bộ âu phục ấy. Người Việt ta bỏ khố chuyển sang quần đùi rồi vẫn khinh miệt quần tây. Thế nên Phan Chu Trinh có gào khản cả cổ mà khai minh vẫn chỉ đến minh khai là chấm hết. Cải cách xã hội ở Nhật vì thế mà thành công sâu rộng, còn cải cách xã hội ở Việt Nam chỉ thành công ở nhóm nhỏ thượng lưu, và tiếc thay phần lớn nhóm này sau đều bị coi là phản động (xem Trong Vỏ Hạt Dẻ phần 1).
Nhưng có những thứ nhóm đầu sỏ Minh Trị làm với thể chế Nhật mà Pháp cũng làm với xứ Annam nhưng chưa hiệu quả. Đó là Nhật Hoàng cử những cá nhân xuất sắc của Nhật qua Châu Âu tìm hiểu các mô hình nhà nước có thể phù hợp tốt nhất với nước Nhật. Những trí thức ấy đã chọn mô hình của tể tướng Bismarck. Họ copy cả hiến pháp của nước Phổ và mô hình đế chế Phổ do Otto Von Bismarck dựng nên. Một trong những lý do mà nhà nước Nhật có ảnh hưởng đến Châu Á, là do mô hình của Bismarck xây dựng một nước Phổ có ảnh hưởng đến Châu Âu. (Nhật can thiệp vào Đông Dương rất nhiều, xem Vỏ hạt dẻ phần 2).
Câu chuyện ở xứ Annam ta giống mà cũng khác. Mô hình cai trị do Pháp bản địa hóa từ hệ thống chính trị mẫu quốc và áp vào nền chính trị bảo hộ. Cũng tốt, nhưng chưa phải là phù hợp nhất. Cải cách thể chế ở Annam thất bại là vì bị ép buộc, còn ở Nhật thành công vì tự nguyện, tự nguyện cải cách từ phía Nhật Hoàng và nhóm lãnh đạo đầu sỏ, và cả tự nguyện lắng nghe công luận. Điều đầu tiên trong trong năm lời tuyên thệ lên ngôi, Nhật Hoàng hứa với dân của mình (như tân TBT hứa với đảng viên): “Mở ra hội nghị rộng rãi, trăm công ngàn việc đều lấy theo công luận mà quyết định”.
**
“Phú quốc cường binh” là câu chuyện của nước Nhật ngày xưa, nhưng cũng là câu chuyện của nước Việt ngày nay.
Tách giáo quyền khỏi chính quyền là câu chuyện mà đế chế thần quyền Ottoman lạc hậu phải triệt để cải cách trước khi trở thành thể chế cộng hòa cũng là câu chuyện mà Việt Nam bên lề đế quốc Trung Hoa phải suy nghĩ nếu muốn mình cũng văn minh ít ra bằng nước Thổ nghèo nàn bên lề các cường quốc Âu Châu.
Cải cách xã hội là câu chuyện của Nhật Hoàng ngày xưa, của Phan Chu Trinh ngày trước và vẫn tiếp tục là của Việt Nam ngày nay. Cải cách thể chế cũng vậy, nhưng không phải là một cuộc cách mạng tất tật chính quyền về tay mình, mà phải là một sự tiến hóa mà bước đầu tiên phải làm là đưa chính quyền trở lại với giá trị vĩnh cửu: sự liêm chính.
**
Nhưng mà, các Đại tá trẻ, giờ này các anh ở đâu hehehehe.
(ii) JB Nguyễn Hữu Vinh: 30 tuổi làm Giám đốc sở ở Quảng Nam: Vì sao ầm ĩ ? 
Những ngày qua, dư luận chú ý đến một sự kiện khá ầm ĩ và nhiều bất bình trên các tờ báo nhà nước và mạng xã hội, đó là việc Tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh mới 30 tuổi. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là một người có thực tài, có sự minh bạch trong việc học hành, bổ nhiệm bình đẳng trong xã hội.
Sở dĩ dư luận chú ý và ầm ĩ, chỉ vì đây là con trai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Và không chỉ có thế, trường hợp của Lê Phước Hoài Bảo này được cử đi học bằng tiền dân với những sự vô lý về thời gian, trái các quy định, được cất nhắc lên vị trí quan trọng, nói theo ngôn ngữ dân gian là "ho ra bạc, khạc ra tiền", đã làm dư luận nóng lên vì sự bất thường đến mức gần như là sự trắng trợn. Không chỉ những người dân trên mạng xã hội, mà các quan chức cộng sản như Tôn Nữ Thị Ninh đã phản ứng rằng : "Tôi sẽ từ chối chức giám đốc Sở khi mới 30 tuổi". Có lẽ chỉ có ở Việt Nam thời cộng sản, người ta mới có quan niệm rằng một người đã ở tuổi 30 đảm nhiệm một chức vụ như vậy là còn quá trẻ. Bởi thực ra thì với lứa tuổi đó cho một nhà chính trị, thì đã là quá già. Thực tế, với lứa tuổi 30, không còn là quá trẻ để đảm nhận một chức vụ như Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư một tỉnh nhỏ như Quảng Nam, thậm chí là còn cao hơn.
Vì sao 30 tuổi đã quá già ?
Trong lịch sử đất nước ta, nhiều vị anh hùng của đất nước, các danh nhân xưa nay, việc phát tiết và có những công trạng đóng góp cho đất nước khi tuổi còn trẻ, thậm chí quá trẻ là rất nhiều.
Trần Nhật Duật đã được phong làm "Trấn thủ Đà Giang" cầm quân đi dẹp loạn Trịnh Giác Mật và ông đã hoàn thành vẻ vang việc được giao, dẹp yên bờ cõi để nhà Trần nước Đại Việt rảnh tay chống giặc Nguyên. Khi đó, Trần Nhật Duật mới có 25 tuổi.
Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ khi 20 tuổi đã là một tướng quân, chém chết Lý Trình đuổi Khắc Tuyên bỏ chạy về Quy Nhơn. Năm 23 tuổi, làm chủ tướng mang quân vào Nam chiến đấu để rồi khi 35 tuổi dẫn đại quân vào Thành Thăng Long sau khi tiêu diệt và phá tan 20 vạn quân Thanh.
Không chỉ đàn ông, ngay cả phụ nữ, trong lịch sử nước nhà cũng không hiếm những người trẻ tuổi, tài cao lập những công trạng lớn. Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong trận đại phá quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Nguyễn Huệ chỉ huy khi bà mới có 19 tuổi.
Có thể kể nhiều hơn, về những danh nhân đất Việt đã từng nổi danh và làm nhiều việc anh hùng khi còn rất trẻ, thậm chí trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 30.
Đấy là câu chuyện lịch sử nước Việt, còn trên thế giới quanh ta thì sao ? Trừ những nước độc tài cha truyền con nối không kể đến thì John Fitzgerald Kennedy lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ khi mới 42 tuổi, Barack Obama làm Tổng Thống Hoa Kỳ ở tuổi 47. Ở nước Anh, David Cameron trở thành Thủ tướng Anh khi ông 44 tuổi vào ngày 11/5/2010. Còn Mikheil Saakashvili sinh năm 1967, là Tổng thống Gruzia khi mới 37 tuổi. Ngoài ra Dmitry Medvedev sinh năm 1965. Ông trở thành Tổng thống Nga vào ngày 7/5/2008 khi ông mới 43 tuổi.
Nếu thấy những chính khách trở thành Tổng thống, thủ tướng ở các đất nước hùng mạnh ấy với các lứa tuổi của họ, thì ở tuổi 30 làm chức Giám đốc Sở ở một tỉnh nhỏ như Quảng Nam, chẳng có gì là quá trẻ. Thậm chí, có thể nói là đã quá già, để có thể chọn một ứng viên lãnh đạo đất nước. Bởi vì với cái quy trình bổ nhiệm, lý lịch và bao nhiêu thứ nhiêu khê, cộng với đám lãnh đạo luôn tham quyền, cố vị độc tài luôn cảnh giác trước thế hệ trẻ, chỉ sợ mất đảng, bán giữ đến tuổi 70 thì khi leo lên đến ghế lãnh đạo đất nước, cũng còn là một con đường dài dằng dặc không phụ thuộc tài năng.
30 tuổi "còn quá trẻ" vì "một số loài vật bình đẳng hơn" ?
Sở dĩ, khi một Giám đốc sở được bổ nhiệm ở tuổi 30, người ta cho là quá trẻ với bao điều dị nghị, chỉ bởi anh ta là con cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Bao nhiêu nghi vấn, câu hỏi được minh bạch hóa trên mạng Internet rằng việc cho đi học bằng tiền nhà nước sau khi đã đi học một năm ở Mỹ, rằng Lê Phước Hoài Bảo là không rõ ràng và minh bạch, rằng anh ta đã không đáp ứng được yêu cầu về trình độ, chuyên môn và thời gian công tác... như quy định vốn đã ăn sâu vào đầu não người dân. Những điều đó đã chứng minh rằng : Đây chỉ là sự tham nhũng chức vụ trầm trọng, chứ chẳng phải vì tài năng, hoặc vì một lý do nào đó có sức thuyết phục.
Một nguyên nhân nữa, mà chúng ta đều biết, rằng hệ thống tuyên truyền cộng sản bao năm qua, ra rả chửi chế độ phong kiến là thối nát, là lạc hậu đã sử dụng người tài theo kiểu : "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa". Rồi thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật...
Nhưng ngày nay, chế độ cộng sản đã không ngần ngại dẫm lên cái mà họ đã mất công chửi rủa bao năm qua. Biết bao con ông, cháu cha, bằng tiền bạc, thế lực và lý lịch đã lại tiếp tục được cân nhắc được bổ nhiệm theo kiểu "con quan thì lại làm quan". Còn dân chúng, thì chỉ riêng kiếm một chân viên chức quèn đã phải lo lót hối lộ đến cả trăm triệu đồng không xong. Thế là "con sãi ở chùa, lại quét lá đa".
Và vì thế, người ta chú ý đến những việc người cộng sản đã làm. Hầu như, ở các tỉnh, thành phố cho đến Trung ương, không một quan chức cộng sản nào không lo lót, bố trí con cái, cháu chắt họ hàng mình vào hệ thống cai trị. Thậm chí mới đây, báo chí còn cho biết Bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp mà đã trở thành phổ biến trong bộ máy công quyền của Việt Nam. Việc này không khác mấy với việc họ đã liếm lại bãi nước bọt của mình đã nhổ ra.
Một lý do nữa, là hệ thống công quyền cộng sản đã được vận hành theo chủ nghĩa lý lịch vốn tạo bất bình đẳng và bất bình trong dư luận xã hội, gây biết bao hậu quả tai hại cho xã hội. Nó như một căn bệnh khó chữa khi mà nạn tham nhũng tiền bạc, của cải, đất đai vốn đã trầm trọng, nay lan sang tham nhũng chính trị, chính sách, chức vụ và quyền lực như khối u di căn của căn bệnh cộng sản độc tài ngày càng phát tác.
Trong nhiều lý do khó có thể kể hết, để dư luận người dân thấy bất bình và bất thường khi bổ nhiệm Giám đốc Sở ở tuổi 30, đó là não trạng cộng sản vốn độc tài, tham quyền cố vị đã quá ăn sâu vào đầu người dân và gần như đã thành một định kiến tất yếu. Người ta không thấy lạ khi Trường Chinh được hai người dìu hai bên để đọc lời khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 5, hoặc Nguyễn Phú Trọng ở tuổi 71, người dân tặng cho một xú danh "Trọng Lú" từ khi còn rất trẻ mà vẫn bám ghế rao giảng những điều ngớ ngẩn, vô định cho đến tận bây giờ. Nhưng người ta thấy lạ khi một Giám đốc sở được bổ nhiệm ở tuổi 30.
Người ta không thấy lạ khi hệ thống chính trị tự coi mình là trí tuệ, để các ủy viên Bộ Chính trị có thể tự nâng mức tuổi "phục vụ nhân dân" của mình lên 65, 67 tuổi vẫn bám trụ, nhưng người ta thấy lạ khi một quan chức trẻ tuổi đưa đơn xin nghỉ sớm.
Người ta không thấy lạ, khi hệ thống tuyên truyền luôn rêu rao rằng mọi công dân bình đẳng trước pháp luật.
Thế nhưng người dân thấy lạ khi một sinh viên mới tốt nghiệp Phổ thông trúng tuyển vào Đại học bị từ chối vì cha đã bị án treo từ khi nó chưa đẻ mà lý lịch còn để lại. Nhưng với trường hợp con quan chức cộng sản như Lê Phước Hoài Bão, thì người ta lớn tiếng : Đừng quan tâm đến lý lịch làm gì. Phải chăng, trong cái Trại súc vật này, mọi điều luật, mọi quy định đã từ "bảy điều răn được giảm xuống còn một câu duy nhất : "Tất cả các loài vật đều bình đằng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác" (George Orwell: Animal farm) .
Liệu có hy vọng gì ở những Giám đốc sở tuổi 30?
Nhiều thông tin bức xúc, phản ứng với chuyện bổ nhiệm mà đa phần cho là sự tham nhũng chức vụ, chính trị ở đây, đã buộc báo chí, các "chính khách", những người có chức vụ lên tiếng bào chữa. Những lời bào chữa này, cứ như nếu Quảng Nam không có một Lê Phước Hoài Bảo, thì chắc tỉnh này sẽ xuống bùn ? Rồi người ta nại ra rằng Tỉnh này đã có chương trình thu hút nhân tài, rằng anh ta đã có bằng Thạc sĩ, tốt nghiệp ở Mỹ. Rồi thì anh ta giản dị... thôi thì đủ cả mọi lời khen ngợi. Chỉ chưa thấy họ khen ngợi rằng : Trên mạng Internet, người ta đã tìm ra một Lê Phước Hoài Bảo đã từng ra mặt chống phá những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược ? Nếu chi tiết tìm tòi này là đúng, thì hẳn đây phải là tiêu chuẩn chính trị đầu tiên chăng ?
Nhiều người vẫn nhớ rõ rằng cái gọi là chương trình thu hút nhân tài cuả Quảng Nam đã thực hiện như thế nào ? Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, một Thạc sĩ được Quảng Nam nhận vào theo diện thu hút nhân tài. Thế nhưng, khi dạy học, cô giáo này đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin về Hồ Chí Minh qua mạng Internet và đã lập tức bị đuổi khỏi trường.
Nhân tài ở đất Quảng, cũng như ở mọi vùng đất trên đất nước này, nếu muốn được sử dụng đều phải răm rắp tuân theo ngọn roi của ông chủ gánh xiếc cộng sản, thì dù có là thần đồng cũng bó tay.
Người ta vẫn biết, khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, một ủy viên duy nhất có bằng đào tạo tại Mỹ, đã từng được giao nhiệm vụ đầy hy vọng là ông sẽ cải tạo lại ngành Giáo dục. Thế nhưng, ông cũng hò hét từ phong trào 2-0 rồi 4-0... Nhưng cuối cùng đã phải ngậm ngùi ra đi để tất cả ngành giáo dục Việt Nam hùng dũng trở lại tình trạng 0-0 của sự thối nát.
Vậy có thể tin tưởng hy vọng gì ở những người đã được học hành ở các nước tư bản tiên tiến khi về Việt Nam vào hệ thống chính trị chăng ?... Xin thưa là đừng có mơ. Bởi dù tài giỏi đến đâu, nhưng khi hòa nhập vào hệ thống chính trị này, nó cũng như cỗ máy sẽ quét anh đi theo đúng quỹ đạo của nó. Một chiếc ốc vít ngoại, dù tốt cũng không thể làm thay đổi hành trình của cỗ máy ọc ạch, già nua và cổ lỗ này. Vì thế, đừng quá mơ hồ mà thừa thãi sự hy vọng vào những người vốn đã từ đầu chui vào các cơ quan quyền lực bằng sự tham nhũng : Tham nhũng chức vụ và chính trị. (Nguồn : RFA, 28/09/2015 (nguyenhuuvinh's blog)).
(iii) RFA: Bờ biển Việt Nam đang rơi dần vào tay Trung Quốc
Biển Việt Nam đang ngày càng hẹp dần bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc, đây là câu chuyện có thể nói rằng hiện tại, hiếm có ai là không biết chuyện này. Nhưng, bờ biển Việt Nam đã và đang rơi dần vào tay Trung Quốc, người Trung Quốc có mặt trên toàn bộ các bãi biển đẹp của Việt Nam và nơi nào họ xây dựng, nơi đó bị sóng xâm thực nặng nề, điều này cũng giống như nơi nào có mặt người Trung Quốc trên dãy Trường Sơn, nơi đó trở nên trơ trọi. Chuyện này có vẻ như không mấy ai được biết, ngoại trừ các quan chức Việt Nam.
Thế thân vạc
Một người đàn ông tên Hiệu, sống ở thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: “Bắt đầu qua Phạm Văn Đồng, đầu tiên là khu ông Thanh giao cho các ủy viên xây vila, nghỉ dưỡng vậy đó. Người Hà Nội họ vào đây mua đất nhiều lắm. Từ Phạm Văn Đồng chạy thẳng ra Furama, dân Hà Nội mua với giá cao lắm. Mà tui nghĩ sau lưng họ phải là người Trung Quốc bởi vì người Hà Nội đứng tên nhưng người Trung Quốc mở sóng bạc, mở dịch vụ… Khu An Thái cũng có thể nói là cái rốn có nhiều người Trung Quốc”. Theo ông Hiệu, chỉ riêng thành phố Đà Nẵng nơi ông ở, cái nơi được xem là tiến bộ nhất về vấn đề vệ sinh môi trường và văn minh thành phố. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, chứ trong thực tế, nếu xét theo chiều sâu về văn hóa, chính trị và xã hội, đây cũng là thành phố có người Trung Quốc mua đất theo dạng núp bóng người Việt Nam khá nhiều.
Các chiêu thức núp bóng của người Trung Quốc cũng có lúc khá tinh vi nếu như đó là một tập đoàn kinh tế hoặc là ông chủ lớn, phần còn lại, những ông chủ Trung Quốc rất dễ dàng mua đất ở Việt Nam bởi dường như họ đã có một kế hoạch từ rất lâu mà người Việt không nhìn thấy hoặc nhà cầm quyền đã nhìn thấy nhưng bỏ lơ, xem như không có gì.
Nói về cách núp bóng đơn giản nhất, ông Hiệu cho rằng chính những cuộc hôn nhân xuyên lục địa, các cô gái lấy chồng Đài Loan hoặc lấy chồng Trung Quốc là cầu nối cho chuyện này. Một người Trung Quốc muốn mua đất tại Việt Nam để kinh doanh làm ăn một cách ung dung, ăn trên ngồi trốc, việc đầu tiên là anh ta tìm cách cưới một cô gái Việt Nam thuộc diện nghèo, ít chữ nghĩa, gia đình và họ hàng cô ta nghèo, ít chữ nghĩa thì càng tốt.
Sau khi cưới, chú rể sẽ cho gia đình vợ một số tiền khá lớn và sai vợ giúp đỡ những gia đình bà con để tạo tình cảm, tạo mối dây ràng buộc. Sau khi cặp vợ chồng Việt – Tàu này đã bén rễ trong dòng tộc, họ hàng. Anh chồng người Tàu sẽ đi tiếp bước thứ hai, rủ gia đình phía vợ kinh doanh làm ăn, điều kiện anh ta đặt ra là phía vợ phải vào làm những chức danh trong công ty của anh ta, chính cô vợ sẽ làm chủ mảnh đất và nhà cửa. Cách này, chỉ cần kéo dài cuộc hôn nhân càng lâu thì càng có lợi, nếu cô vợ giở quẻ, hai bên li hôn, chú rể Tàu cũng lấy lại được 50% tài sản sau khi thực hiện một số việc vì đây là tài sản của hai vợ chồng sở hữu sau khi đăng ký kết hôn theo luật hôn nhân Việt Nam hiện hành.
Thường thì những mảnh đất mà chú rể người Trung Quốc chọn mua, sau đó chỉ đạo gia đình vợ đến mua là những mảnh đất nằm dọc bờ biển, mua để xây dựng khách sạn cao cấp, nhà nghỉ sinh thái và sòng bạc hoặc nhà hàng, quán nhậu. Và có vẻ như các chú rể người Trung Quốc sau khi kinh doanh, chỉ đạo cho họ hàng bên vợ thực hiện những gì anh ta muốn, anh ta đạt được mục đích khá tốt và chưa có cặp nào li dị, nghĩa là người Trung Quốc vẫn cứ làm chủ trên đất Đà Nẵng dài dài.
Cách thứ hai, theo ông Hiệu, đó là thế chân vạc trong chính trị, trong kiểu mua đất này, phải có trung tâm đầu não. Thường thì một số tay tài phiệt người Trung Quốc đã được ủy nhiệm sang Việt Nam để làm mưa làm gió. Ông Hiệu nói rằng sở dĩ ông dám khẳng định họ đã có ủy nhiệm là do khi sang Việt Nam, hầu như không có bất kì sự quen biết nào ở địa phương nhưng họ lại tha hồ tác oai tác quái, ngồi trên đầu các ông chủ Việt Nam. Bởi đã có một thế chân vạc quyền lực đủ vững chãi để họ có thể làm bất cứ chuyện gì.
Thế chân vạc mà ông Hiệu muốn nói đến ở đây chính là một ông chủ người Trung Quốc được ủy nhiệm, một quan chức cấp trung ương và một ông chủ Việt Nam. Ông chủ Trung Quốc sẽ đứng ra đầu tư tiền bạc, đứng sân sau làm đạo diễn, ông chủ Việt Nam sẽ đứng tên trong dự án và để đảm bảo ông chủ Việt Nam không quỵt tiền của ông chủ Trung Quốc, phải có một quan chức cấp trung ương đứng sau lưng ông chủ Trung Quốc để chống lưng, lo mọi việc. Một khi thế chân vạc này đã vào nề và hoạt động thì mọi chuyện sẽ mau chóng tạo mưa tạo gió trên đất Việt Nam. Ông Hiệu cho rằng hiện tại, có rất nhiều tập đoàn kinh tế, đặc biệt là một vài tập đoàn khách sạn nổi tiếng do người Việt làm chủ trên danh nghĩa nhưng trên thực tế, ông chủ đích thực của nó là người Trung Quốc.
Bờ biển đang hẹp dần
Một người dân Hà Tĩnh, đang làm ăn, kinh doanh tại Đà Nẵng, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm: “Người Trung Quốc họ sang Việt Nam thuê đất ngon hết rồi, họ thuê lâu dài. Mình cạnh tranh không nổi đâu vì mình chỉ đủ tiền thuê ngắn hạn, chừng hai năm. Nếu năm thứ hai mà mình ăn nên làm ra, tạo được thương hiệu thì họ lại lấy đất, Trung Quốc lại nhảy vào thuê… Mình không chịu nổi đâu!”. Vị này cho rằng từ Hà Tĩnh cho đến Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đều có người Trung Quốc làm ăn, kinh doanh và tạo ảnh hưởng không nhỏ ở đây. Nói rộng ra, hầu hết các tỉnh có bờ biển tại Việt Nam đều có những cái vòi bạch tuộc Trung Quốc thò sang để làm mưa làm gió. Và nơi nào họ xây dựng, làm ăn, nơi đó tất nhiên phải có những sự cố đáng tiếc. Nếu không phải là sự cố đáng tiếc về con người như tai nạn lao động, người lao động bị ép giờ làm việc, ép tiền công và ăn uống thiếu thốn… thì cũng là chuyện cứ nơi nào có người Trung Quốc thì y như rằng sau đó không bao lâu, hàng loạt tệ nạn xã hội vây bủa khu vực đó và nhiều thế hệ bị sa đọa, trở thành tay chân cho người Trung Quốc trong các đường dây xã hội đen. Đương nhiên là các thành phần người Việt Nam hư hỏng hoặc một số quan chức địa phương rất sùng bái những ông chủ người Trung Quốc.
Và có một chuyện lạ là khu vực bờ biển nào có người Trung Quốc xây dựng thì liền sau đó không lâu, bờ biển bị xâm thực nặng nề. Hầu hết các vùng bờ biển trên cả nước đều bị như thế, không riêng gì miền Trung.
Hiện tại, bờ biển trên cả nước đã có mặt các ông chủ người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam để mua đất, làm ăn kinh doanh. Và nơi nào họ đến làm ăn, nơi đó trở thành một biệt khu và là một ẩn số về tai họa lâu dài cho người Việt Nam. (Nhóm phóng viên RFA tường trình từ Việt Nam).
(iv) Trần Trung Đạo: Tập Cận Bình phát biểu tương tự Hitler
Lịch sử nhân loại đã chứng minh một chân lý rằng không có từ bi, bác ái nhân loại đã bị tận diệt từ lâu. Tuy nhiên, lịch sử loài người cũng không phải là con đường đầy xanh bóng mát mà là con đường có nhiều đoạn đầy máu nhuộm với sự xuất hiện của những sát nhân độc ác nhất trong lịch sử loài người như Hitler và hôm nay có khả năng một Tập Cận Bình. 

Đọc diễn văn của Tập Cận Bình mang tinh thần “hòa giải và hòa hợp nhân loại” tại Liên Hiệp Quốc hôm 28 tháng 9 vừa qua, tôi lại nhớ đến các diễn văn của Hitler đọc trước Quốc Hội Đức Quốc Xã về “Hòa giải và hòa hợp châu Âu” nhất là đối với Ba Lan trước 1939.

Vị trí Việt Nam ngày nay cũng có đặc tính chiến lược giống như vị trí Ba Lan trước Thế chiến thứ hai nên xin trích vài đoạn trong hai diễn văn của Hitler trước Quốc Hội Đức 21 tháng 5, 1935 và 7 tháng 3, 1936 để so sánh với diễn văn của Tập Cận Bình.

Hitler phát biểu trước Quốc Hội Đức Quốc Xã: “Đức Quốc, và đặc biệt là chính phủ Đức hiện nay không có mong muốn nào khác hơn là được sống trong điều kiện hòa bình và thân hữu với các nước láng giềng... Tôi muốn nhân dân Đức học hỏi để thấy những thực tế lịch sử của các quốc gia khác, trong đó một người hoang tưởng có thể muốn chúng rơi vào quên lãng, nhưng không thể bị lãng quên. Tôi muốn nhân dân Đức ý thức rằng thật là phi lý khi cố gắng mang những thực tế thuộc về lịch sử vào vị trí đối lập với quyền lợi sống còn và những đòi hỏi về quyền được tồn tại rất dễ hiểu của họ.” 

(The German Reich and, in particular, the present German Government, have no other wish than to live on friendly and peaceable terms with all neighbouring States… I would like the German people to learn to see in other nations historical realities which a visionary may well like to wish away, but which cannot be wished away. I should like them to realise that it is unreasonable to try and bring these historical realities into opposition with the demands of their vital interests and to their understandable claims to live).

Một người bình thường dù Ba Lan, Đức hay một nước châu Âu nào đó khi nghe Hitler nói vậy thật khó mà tin không lâu sau đó Ba Lan là nước đầu tiên bị Hitler tấn công. 

Tập Cận Bình chẳng những ngọt ngào không kém mà gần như trích nguyên vẹn ý của Hitler khi họ Tập tuyên bố tại Liên Hiệp Quốc 28 tháng 9 vừa qua kêu gọi “gác qua quá khứ hận thù để hướng tới tương lai”. 

Tập Cận Bình phát biểu tại Liên Hiệp Quốc: “Lịch sử là một tấm gương soi. Rút ra những bài học từ lịch sử là cách duy nhất để nhân loại tránh được việc lập lại tai họa đã xảy ra. Chúng ta nên nhìn lịch sử bằng một lương tâm trong sáng và kính trọng. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai có thể được làm tốt đẹp hơn. Khắc ghi lịch sử không phải để dưỡng nuôi thù hận lâu dài. Nhưng đúng hơn là để nhân loại không quên những bài học lịch sử. Khắc ghi lịch sử không có nghĩa để rồi bị ám ảnh với quá khứ. Nhưng đúng hơn là, khi làm như vậy, chúng ta nhằm tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn và trao ngọn đuốc hòa bình cho các thế hệ mai sau……Chúng ta nên xây dựng một tinh thần hợp tác qua đó các quốc gia đối xử nhau công bằng, cam kết để tham khảo lẫn nhau và bày tỏ sự hiểu biết hỗ tương. Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền củng cố Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Tương lai của thế giới tùy thuộc vào sự đóng góp của mọi quốc gia. Tất cả quốc gia đều bình đẳng. Những nước lớn, mạnh, giàu không nên hiếp đáp các nước nhỏ, nghèo và yếu.”

(History is a mirror. Only by drawing lessons from history can the world avoid repeating past calamity. We should view history with awe and human conscience. The past cannot be changed, but the future can be shaped. Bearing history in mind is not to perpetuate hatred. Rather, it is for mankind not to forget its lesson. Remembering history does not mean being obsessed with the past. Rather, in doing so, we aim to create a better future and pass the torch of peace from generation to generation….We should build partnerships in which countries treat each other as equals, engage in mutual consultation and show mutual understanding. The principle of sovereign equality underpins the UN Charter. The future of the world must be shaped by all countries. All countries are equals. The big, strong and rich should not bully the small, weak and poor). 

Tập Cận Bình không đạo văn của Hitler nhưng đó là giọng điệu của những kẻ độc tài sắp giết người tập thể. 

Thật vậy, lúc 4:45 sáng ngày 1 tháng 9, 1939 Hilter tung 1.5 triệu quân Đức với chiến thuật chớp nhoáng tấn công Ba Lan. Hơn 6 triệu người Ba Lan (dân số Ba Lan 1939 là 35 triệu người) bị giết chết trong thế chiến thứ hai. Ngày Tập Cận Bình ra lịnh tấn công Việt Nam chưa được tiết lộ.
(2) Chuyện Văn học:
(i) Tưởng Năng Tiến: Tùy bút Võ Phiến - Rụp rụp
L.T.Đ.: Từ California, nhà văn Phạm Xuân Đài vừa cho biết một tin buồn: “ Võ Phiến đã qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi…
Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.
Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà…; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v… Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.”
Để tưởng niệm một vì sao vừa khuất, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một tuỳ bút tiêu biểu của ông. Bài viết này được trích từ tập Đất Nước Quê Hương, do nhà Lửa Thiêng xuất bản lần vào năm 1973. (Tưởng Năng Tiến)
Ông Bình Nguyên Lộc quả quyết rằng trong một bàn ăn mười ba người, gồm mười hai người Việt và một người Hoa, đồng vóc dáng, đồng trang phục, ngồi im không nói, ông cũng phân biệt được kẻ Việt người Hoa.
Như vậy đã là tài, nhưng ông còn đi xa hơn: có thể nhìn hình dáng mà phân biệt được người Tàu Phúc Kiến với người Tàu Quảng Ðông, người Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh khác.(1)
Cũng trong quán ăn, trong khi chờ đợi tô hủ tiếu, tôi có dăm ba lần theo dõi cử chỉ của người làm bếp, và chợt lấy làm ngạc nhiên về một nhận xét. Không phải ngạc nhiên về chuyện suy tưởng nhân chủng ưa liên quan với các tiệm ăn quán nhậu. Mà là vì tôi có cảm tưởng đôi khi có thể nhìn mà phân biệt một người Việt miền Nam với một người Việt miền Trung, tức một đồng bào ở miền ông Bình Nguyên Lộc với một đồng bào ở miền tôi. Nói cách khác, tôi có cảm tưởng mình cũng… tài giỏi như ông Bình Nguyên Lộc: cái mới kỳ cục!
Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.
Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, không vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó, tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.
Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt: chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v. Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Ðộng tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động.
Ðứng bên chủ quán là bà vợ, tôi đã tưởng bà làm công việc chạy bàn. Nhưng không: Lúc một cậu bé gầy gầy cưỡi chiếc xe đạp vụt về trước cửa, xách vào cục nước đá, thì đã rõ đây mới là người chạy bàn chính thức; người đàn bà chỉ tạm thời thay thế cậu ta trong chốc lát.
Khi đã đủ một vợ một con bên mình, chủ quán điều động càng hào hứng:
– Bàn trong. Một nhỏ một lớn. Rồi! Bưng.
– Bàn ngoài, số một. Tô lớn, khô. Rồi! Bưng, bàn số một.
– Bàn số ba tính tiền. Tám chục với ba lăm là trăm mười lăm. Trăm mười lăm với tám đồng là trăm hăm ba. Trăm rưởi trừ trăm hăm ba, còn lại…
Bà vợ nhắc:
– Hăm bảy.
– Hăm bảy. Nè!
Ông ta đưa món tiền lẻ, cậu con mang ra cho khách. Rảnh tay, ông ta chặt một miếng cánh gà, nho nhỏ, quăng gọn vào mồm, nhai. Lại nhanh nhẹn chặt luôn miếng khác, trao cho vợ. Người đàn bà thụt né vào sau cánh cửa; ăn xong lại ló ra, sẵn sàng…
– Tô nước, tô khô. Bàn số hai. Rồi!
Cứ thế, chủ quán làm việc, cắt đặt công việc, điều khiển vợ con v.v., điệu bộ vẫn lại cứ như có gì thừa thãi một chút. Bảy tám phần cần thiết, đôi ba phần để bày tỏ sự hài lòng, để biểu diễn sự hoạt động ăn khớp của một tổ chức hoàn hảo, một bộ máy hợp khuôn rập, chạy đều ro ro.
Vừa rồi có lẽ đã có sự lạm dụng: hầu hết mỗi câu nói của người chủ quán đều có một tiếng “rồi”. Nếu tôi ghi nhớ sai, ấy là vì đã quá chú ý đến tiếng đó. Nhưng hay nhất, ngộ nhất lại là cái tiếng “rồi” tưởng tượng phát ra từ mỗi cử chỉ. Mỗi cử chỉ – ngắt cọng rau, xóc mớ hủ tiếu v.v. – đến chỗ sau cùng thường được gằn mạnh. Như thể một tiếng “rồi” phát ra bằng động tác thay vì bằng âm thanh: Một tiếng câm.
Dầu sao lần ấy tôi không có một đối tượng quan sát im lặng như ông Bình Nguyên Lộc; nhưng các lần sau này thì họ im lặng.
Sau buổi trưa ở Cần Thơ, về Sài Gòn những lần vào quán hủ tiếu, tôi sực nhớ hình ảnh nọ, và tò mò nhìn theo chủ quán: thỉnh thoảng lại gặp những điệu bộ ấy. Có khi ở một người đàn bà, có khi ở một người đàn ông đứng tuổi. Họ nhanh nhẹn, mau mắn; nhưng cái đặc biệt là, trong cử chỉ, họ như muốn nhấn mạnh vào tính cách toàn hảo của những hoạt động rập ràng mau mắn ấy.
Những người ấy họ có cung cách làm việc giống nhau. Cung cách ấy, gọi nó ra sao? Tôi tìm một chữ để diễn tả. Tôi loay hoay tìm kiếm… A! Ðây rồi: “Rụp rụp”! Họ làm việc “rụp rụp”.
Chữ nghĩa sao mà thần tình. Lại chính là một tiếng địa phương ra đời ở miền Nam này. Thế mới biết sự xuất hiện của một tiếng nói mới không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên, không lý do. Phải có một thực tại mới, đòi hỏi được mô tả sát đúng. Phải có một sự cần thiết réo gọi nó, đích danh nó.
“Rụp rụp” là một đáp ứng tài tình cho một đòi hỏi như thế. Làm rụp rụp không phải chỉ là làm mau mắn, mà còn với một vẻ hứng chí trong sự mau mắn.
– Nhưng tại sao lại bảo đó là của miền Nam? Ðâu phải người nào trong Nam cũng làm việc rụp rụp?
– Tất nhiên đó không phải là tác phong của toàn thể. Cũng không thể nào biết được là tác phong của một tỉ lệ người Nam lớn nhỏ ra sao. Có điều tác phong ấy không gặp thấy ở các miền ngoài. Vả lại, còn có chuyện khác…
– Nào, xem chuyện khác có gì rõ rệt hơn chăng.
Trong một bài tục ca của Phạm Duy, có câu: “Người dân nhìn thoáng hết hồn luôn”, lại có câu: “Lệch đi thì chết, cấm sờ luôn”. Những tiếng “luôn” dùng kiểu đó không có trong ngôn ngữ các miền ngoài.
Cũng thế, ở ngoài Trung mỗi khi xe đò dừng lại dọc đường, hành khách lên xe xong, anh “ết” hô to cho tài xế nghe: “Chạy!”; ở trong Nam, anh ta hô: “Chạy luôn!”.
Tại sao lại luôn? Những tiếng “luôn” ấy không có nghĩa, nhưng dĩ nhiên không phải không có công dụng. Trái lại, công dụng đó thường khi khiến nó còn được xem trọng hơn những tiếng có nghĩa rõ rệt đứng trước nó. Chẳng hạn trong trường hợp “chạy luôn”: tiếng “chạy” hô phớt qua, tiếng “luôn” được gằn mạnh. Người ta nghe “Ch… luôn!”; có khi chỉ nghe có một tiếng “Luôn!”.
Không chừng đó cũng là trường hợp đã xảy đến cho tiếng “vô”. Mời nhau uống rượu, anh em hô: “Dô!” Có lẽ thoạt tiên là tiếng “nhậu vô”, “uống vô” chăng? Dần dần tiếng trước bị lướt phớt qua rồi bị bỏ rơi. Chỉ còn lại tiếng sau; từ một tiếng trợ từ, nó tiến lên nhận lấy cái nghĩa của các tiếng nhậu, uống.
Trong “chạy luôn”, nghĩa ở tiếng chạy; trong “hết hồn luôn”, nghĩa ở hết hồn; trong “nhậu vô”, nghĩa ở nhậu v.v. Còn tiếng “luôn”? Nó thêm vào một thái độ phát biểu, không thêm gì vào cái ý nghĩa đã phát biểu. Trong “chạy luôn” chẳng hạn, “luôn” là một tiếng kêu hơn là một tiếng nói: nó phát lên để tỏ thái độ thúc giục, nó không nói gì về cái nội dung của sự thúc giục ấy. Nó có công dụng về ngữ khí, chứ không phải về ngữ ý.
Như vậy trong cách nói này cái nội dung, cái cần thiết, đôi khi bị lướt qua; cái phụ, có phần thừa thãi, lại được nhấn mạnh.
Lại cái thừa thãi.
Trong cử chỉ, một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết; trong lời nói, cũng một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết. Cử chỉ và lời nói đều được phóng đại lên…
– Vẫn không có gì rõ rệt.
– Không rõ, về mặt nào?
– Một dấu hiệu để phân biệt bản sắc địa phương như vậy không mấy cụ thể.
– Thực ra ở đây vấn đề không phải là đi tìm một dấu hiệu phân biệt. Cái đó đâu cần tìm kiếm nữa? Ðã có sự khác nhau thật rõ ràng, thật cụ thể, ấy là cái chỉ số sọ của ông Bình Nguyên Lộc: cuộc di cư của nhóm Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Ðịch làm cho đồng bào ta ở miền Nam có xương sọ hơi dài thêm.(2) Kẻ Nam người Bắc tha hồ yên lặng, ông Bình Nguyên Lộc đo đạc là biết ngay.
Vậy ở đây không có chuyện tìm một dấu hiệu phân biệt. Chẳng qua là chộp bắt một nét cá tính phản ảnh trong phong cách, ngôn ngữ. Và hình như sự phản ảnh không dừng lại ở vài tiếng trợ từ, ở mấy điệu bộ. Hình như trên sân khấu cải lương, một bộ môn nghệ thuật của miền Nam, chúng ta có cảm tưởng nhận thấy cá tính ấy xuất lộ ở phong cách diễn xuất…
– Cảm tưởng? Không có gì rõ rệt.
– Quả nhiên. (Võ Phiến)
(1) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bách Bộc xb, Sài Gòn, 1971, trang 736, 737. (2) Sđd., trang 453.

***BBC: 
Võ Phiến – Con người chính trị hay văn học?
Các bình luận trong và ngoài nước đánh giá cao sự nghiệp cầm bút của nhà văn Võ Phiến, người qua đời tại Mỹ, mặc dù tác phẩm của ông vẫn không được xuất bản tại Việt Nam.
Sau 90 năm tại thế với hơn 40 đầu sách, nhà văn Võ Phiến đã từ giã cuộc đời tại bang California, Hoa Kỳ. Được thừa nhận là một trong những nhà văn hàng đầu tại miền Nam trước 1975, Võ Phiến, khác với nhiều người khác, vẫn tiếp tục viết nhiều cả khi sang sống tại Mỹ sau biến cố 30/4/1975.
Tùy bút
Đa số các nhà phê bình và độc giả cho rằng ông thành công nhất ở thể loại tùy bút.
Nói với BBC ngày 29/9, nhà phê bình Đặng Tiến từ Pháp nhận xét tùy bút của Võ Phiến rất đa dạng. “Tùy bút là thể loại mà Võ Phiến thành công nhất, để lại nhiều tác phẩm và tư liệu hay nhất.”
Phát biểu từ Úc, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, người viết nhiều về ông Võ Phiến, nói thế hệ cầm bút sau này vẫn còn học được ở Võ Phiến.  “Ông viết nhiều đề tài nhưng lúc nào phong cách của ông luôn là Võ Phiến. Nhà văn chỉ thành công khi anh có phong cách riêng, để khi đọc một câu, một đoạn, độc giả biết ngay là của anh.” Từ sau 1975 đến nay, hầu hết tác phẩm của Võ Phiến vẫn chưa được xuất bản tại Việt Nam. Vài năm trước, tại Việt Nam xuất hiện hai cuốn tạp văn của Võ Phiến nhưng in với bút danh Tràng Thiên. Ông Quốc giải thích: “Những bài bình luận chính trị của ông trước 1975 chứng tỏ ông rất am hiểu chủ nghĩa cộng sản. Ông phê phán nó rất sắc sảo, mới mẻ so với thời đại bấy giờ. Vì vậy ông bị miền Bắc xem là nhà văn ‘biệt kích, phản động’, toàn bộ sách của ông bị tịch thu sau 1975.”
Từ trong nước, nhà phê bình, giáo sư Trần Đình Sử cho biết tại Việt Nam hiện nay, đánh giá về Võ Phiến “rất phân tán”. “Chủ yếu là do nhìn vào khuynh hướng chính trị của tác giả. Tuy vậy, nhà văn nào cũng có khuynh hướng chính trị của họ. Nếu đặt nó sang bên để nhìn khía cạnh sáng tạo văn học, tôi nghĩ Võ Phiến là người viết tùy bút lớn.”
Giáo sư Trần Đình Sử đánh giá rất cao các bài tùy bút của Võ Phiến. “Trước đây ta cho rằng Nguyễn Tuân viết tùy bút số một, nhưng còn Võ Phiến. Nhiều khi tôi trộm nghĩ tùy bút Võ Phiến không hề thua kém, thậm chí có khi hơn.”
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc nói “ân oán chính trị sẽ ngày càng phôi phai”. “Người ta không thể sống hoài với thù hận trong quá khứ. Một lúc nào đó họ sẽ nhìn Võ Phiến như một nhà văn, đặc biệt là nhà viết tùy bút xuất sắc nhất Việt Nam,” ông Quốc nói. (29-9-2015)
*** Ts Nguyễn Văn Tuấn: Nhà văn Võ Phiến qua đời
Mới đọc báo Người Việt mới biết tin Nhà văn Võ Phiến đã qua đời ở California, ngày hôm nay, thọ 90 tuổi (1). Có lẽ nhiều bạn trẻ không/chưa biết đến ông, nhưng ông là một trong những tác giả quan trọng nhất của văn học Việt Nam. Ông tên thật là Đoàn Thế Nhơn, người gốc Phù Mỹ, Bình Định (quê ngoại tôi), từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau này ông bỏ về thành. Sau 1975, ông di tản qua Mĩ, và có công gầy dựng trào lưu văn học Việt ở hải ngoại.
Ông nhạc phụ tôi là người cùng thời với Võ Phiến và từng có thời công tác chung trong Việt Minh. Lúc sinh thời, ông nhạc tôi kể hoài về văn tài của Võ Phiến, một người nói không nhiều, có vẻ "sớ rớ", mà viết văn cực hay. Ông nói rằng lúc Võ Phiến bỏ VM về thành vì một bất đồng chính sách văn nghệ, những người VM tiếc hùi hụi vì mất một văn tài. Nhưng Võ Phiến thì không hề tiếc khi ông bỏ hàng ngũ VM, và sau này trở thành một người có những tác phẩm có thể nói là làm cho người cộng sản không hài lòng (nói lịch sự là thế).
Như tôi có lần thổ lộ, trong các nhà văn Việt Nam (chứ không phải chỉ riêng miền Nam) tôi khâm phục Võ Phiến nhất. Ông là người viết hay và viết nhiều. Văn chương của ông giống như văn nói, bình dị, không bóng bẩy, đọc lên cứ như là có người "nẫu" thủ thỉ với mình. Nhưng đọc Võ Phiến thì phải đọc lần thứ hai mới thấm, mới thấy những câu chữ bình dị đó hàm chứa cái tinh tế, uyên bác, và sâu sắc đằng sau. Tôi mê ông viết bài tuỳ bút về... nước mắm, đọc không chán, mà còn rất tinh tế nữa. Nhưng tác phẩm của ông còn chứng tỏ ông là người có khiếu phân tích tâm lí, quan sát cử chỉ và hành động của nhân vật, cứ như là một nhà khoa học! Ông có cái phong cách giống Freud, nhưng lại rất Nam bộ, rất "Hồ Biểu Chánh".
Ông viết rất nhiều, viết từ trong nước ra hải ngoại. Tôi may mắn có được bộ Văn Học Miền Nam (7 cuốn) do ông soạn. Chỉ bộ sách này cũng đủ để tên ông lưu danh hậu thế. Tính ra, ông là tác giả của hơn 30 tác phẩm, và tác phẩm nào cũng hay. Sau 1975, các tác phẩm của ông bị cấm phát hành, vì cũng như bao nhiêu nhà văn khác, ông bị cho cái nón "chống cộng". Mãi đến gần đây, người ta mới in lại sách của ông ở trong nước, nhưng cũng phải dấu tên ông. Đó là cuốn tuỳ bút "Quê Hương Tôi", nhưng tên tác giả là Tràng Thiên. Chỉ có ai từng đọc Võ Phiến trước 1975 mới biết bút hiệu này là của ông. Năm ngoái, khi sách của ông được tái bản ở trong nước, một người con của ông dám viết một bài đấu tố cha mình ngay trên báo chí trong nước. Bài đấu tố rất ư là thấp và hèn hạ. Thật hiếm thấy một "nghịch tử" nào như ông con này. Thế là ở hải ngoại dấy lên hàng loạt tác giả lên tiếng dạy cho ông nghịch tử này một bài học. Còn Nhà văn Võ Phiến thì chắc chẳng biết gì, vì lúc đó ông đang bị bệnh.
Tôi có lần đến thăm ông bà Võ Phiến khi tôi ghé qua California sau chuyến công tác. Lúc đó ông vẫn còn khoẻ mạnh, và tinh tường. Căn nhà nhỏ xíu của ông hình như lúc nào cũng đầy khách văn chương, chỉ có tôi là người ... ngoại đạo. Nay thì ông đã về cõi vĩnh hằng. Một ngôi sao văn học đã vụt tắt. Khi một người ra đi tôi hay nhắc câu của Trịnh Công Sơn, "vắng một người thế giới trở nên hoang vu", và muốn gửi lời chia buồn cùng gia đình ông.

(ii) Trần Khải: Khi Kim Dung thay Lỗ Tấn
Nói Lỗ Tấn rời học đường, chỉ có nghĩa là hệ thông tiểu học và trung học Trung Quốc không còn muốn thấy có tên Lỗ Tấn, nhà văn tranh đấu cho dân nghèo đời thường, xuất hiện trong trí não trẻ em Trung Quốc.Cũng y hệt như hoàn cảnh hiện nay tại VN, chính phủ CSVN đẩy các nhà văn có suy nghĩ đôc lập ra khỏi Hội Nhà Văn...
Người được Bộ Giáo Dục TQ cho thay thế Lỗ Tấn trong sách giáó khoa là nhà văn Kim Dung, và tác phẩm thay cho Ả Q Chính Truyện trong học trình trẻ em TQ là cuốn truyện võ hiệp Tuyết Sơn Phi Hồ của Kim Dung.
Trong tuần này có một ngày là sinh nhật của nhà văn Lỗ Tấn. Ông sinh ngày 25 tháng 9, 1881 tại Triết Giang, Trung Quốc. Mất ngày 19 tháng 10, 1936 (nghĩa là thọ 55 tuổi). Theo thông tin trên Wikipedia, Lỗ Tấn được giới nghiên cứu văn chương coi là người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc và là bậc thầy của thể loại truyện ngắn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là AQ chính truyện.
Lỗ Tấn tên khai sinh là Chu Chương Thọ, sau đổi tên là Chu Thụ Nhân bút danh Lỗ Tấn, sinh ngày 25 tháng 9 năm 1881 tại huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang trong một gia đình quan lại đã sa sút. Cha của ông là Chu Bá Nghi đỗ tú tài nhưng không được ra làm quan, bị bệnh mất sớm. Mẹ của ông là Lỗ Thụy. Bà đã sớm có ảnh hưởng đến khả năng văn chương của Lỗ Tấn qua việc bà kể cho ông nghe nhiều truyện cổ dân gian. Lỗ Tấn là bút danh ông lấy từ họ mẹ "Lỗ". Thuở nhỏ ông thường đi học muộn, ông đã tự tay cầm dao thích chữ Tấn (tấn hành-đi nhanh lên) trên mặt bàn học để nhắc nhở bản thân phải nhanh nhẹn khẩn trương. Chính vì vậy sau này khi viết văn ông đã lấy bút danh là Lỗ Tấn.
Năm 1899, ông đến Nam Kinh theo học ở Thủy sư học đường (trường đào tạo nhân viên hàng hải). Hai năm sau, ông thi vào trường Khoáng lộ học đường (đào tạo kỹ sư mỏ địa chất). Năm 1902, Lỗ Tấn du học Nhật Bản, tại đây ông tham gia Quang Phục hội, một tổ chức yêu nước của người Trung Quốc.
Sau hai năm học tiếng Nhật, năm 1904, ông chính thức vào học ngành y ở trường Đại học Tiên Đài. Năm 1906, ông thôi học và bắt đầu hoạt động văn nghệ bằng việc dịch và viết một số tiểu luận giới thiệu các tác phẩm văn học châu Âu như thơ Puskin, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Jules Verne. Năm 1909, vì hoàn cảnh gia đình, Lỗ Tấn trở về Trung Quốc. Ông dạy ở trường trung học Thiệu Hưng và có làm hiệu trưởng trường sư phạm Thiệu Hưng một thời gian. Từ 1920 đến 1925, Lỗ Tấn làm việc tại các trường Đại học Bắc Kinh, Cao đẳng Sư phạm Bắc Kinh và Đại học nữ Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1926, ông tới Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) và làm việc tại trường Đại học Hạ Môn. Đầu năm 1927, Lỗ Tấn đến Quảng Châu, làm trưởng phòng giáo vụ kiêm chủ nhiệm khoa văn của trường Đại học Trung Sơn. Tháng 10 năm 1927, ông rời Quảng Châu tới Thượng Hải. Ông mất ngày 19 tháng 10 năm 1936.
Lỗ Tấn rất ưa thích các tác phẩm của Nikolai Gogol. Năm 1918, truyện ngắn đầu tay của Lỗ Tấn là Nhật kí người điên lần đầu tiên được in trên tờ Thanh niên mới số tháng 5-1918, truyện được lấy tên dựa theo truyện ngắn Nhật ký của một người điên của Gogol. Từ 1918 đến 1927, Lỗ Tấn viết nhiều truyện ngắn và tạp văn. Về truyện ngắn có 2 tập: Gào thét (14 truyện) và Bàng hoàng (11 truyện). Về tạp văn có 7 tập. Giai đoạn từ 1928 đến khi mất, ông viết tập truyện ngắn Chuyện cũ viết lại (gồm 8 truyện) và 9 tập tạp văn. Ngoài ra, ông còn dịch nhiều tác phẩm văn học thế giới ra tiếng Trung. Trong số các tác phẩm truyện ngắn của ông, truyện ngắn "Thuốc" có nét đặc sắc và chiều sâu.
Lỗ Tấn nổi tiếng với câu thường đươc trích dẫn: “Mở lịch sử ra tra cứu… Chỉ thấy trên mỗi tờ giấy viết xiêu xiêu những chữ nhân, nghĩa, đạo đức … mà nhìn thấu đến giữa những dòng chữ thì ra cả cuốn đều chép rặt có ba chữ: "Ăn thịt người"….”
Nổi tiếng nhất của lỗ Tấn là AQ chính truyện -- truyện vừa duy nhất của Lỗ Tấn được đăng tải lần đầu trên "Thần báo phó san" ở Bắc Kinh trong khoảng thời gian từ 4 tháng 12, 1921 đến 12 tháng 2, 1922. Sau đó truyện được in trong tuyển tập truyện ngắn "Gào thét" (呐喊, Nahan) năm 1923 và là truyện dài nhất trong tuyển tập này. Tác phẩm này thường được coi là một kiệt tác của Văn học Trung Quốc hiện đại; nó cũng được coi là tác phẩm đầu tiên viết bằng bạch thoại văn sau phong trào Ngũ Tứ (1919) tại Trung Quốc.
Câu chuyện kể lại cuộc phiêu lưu của A Q, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không có nghề nghiệp ổn định. A Q nổi tiếng vì phương pháp thắng lợi tinh thần. Ví dụ như mỗi khi anh bị đánh thì anh lại cứ nghĩ "chúng đang đánh bố của chúng". AQ có nhiều tình huống lý luận đến "điên khùng". A Q hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình nhưng lại sợ hãi trước những kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực hoặc sức mạnh. Anh ta tự thuyết phục bản thân rằng mình có tinh thần cao cả so với những kẻ áp bức mình ngay trong khi anh ta phải chịu đựng sự bạo ngược và áp bức của chúng. Lỗ Tấn đã cho thấy những sai lầm cực đoan của A Q, đó cũng là biểu hiện của tính cách dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ. Kết thúc tác phẩm, hình ảnh A Q bị đưa ra pháp trường vì một tội nhỏ cũng thật là sâu sắc và châm biếm. Than ôi, viết như thế, mới bị đẩy ra khỏi học trình...
Chính thức, kể từ năm 2009, nhiều trường trung học ở thủ đô Bắc Kinh thay "AQ chính truyện" của Lỗ Tấn bằng tiểu thuyết võ hiệp "Tuyết sơn phi hồ" của Kim Dung, nhiều người buồn phiền, nhiều người nổi giận. Lý do vì truyện kiếm hiệp Kim Dung chỉ là giải trí, thuần tưởng tượng...
Tại sao gạt bỏ sách Lỗ Tấn ra khỏi sách giáo khoa? Vì những gì Lỗ Tấn chỉ trích bây giờ trở thành đức tính của nhiều cán bộ. Chính phủ TQ chỉ muốn dân đọc sách để giải trí, chớ hề nghĩ tới chuyện đọc sách để cứu nước.

(3) Tho tu Ban be
(i) Trần Vấn Lệ: Vĩnh biệt Võ Phiến
Tối đó trăng tròn, trăng tròn đầy,
người đi tan khuất tựa làn mây!
Cali đưa tiễn mưa không hạt,
tôi nóng ran người thương tiếc ai…
      Con hạc vàng bay trong trăng vàng.
      Con hạc vàng bay về Quy Nhơn.
     Tôi đưa tay hứng gì, không biết.
      Một chiếc lá rơi.  Một nỗi buồn!
Tôi khóc.  Trời ơi tôi bật khóc.
Từ nay tôi mất một Tình Yêu.
Từ nay, vĩnh viễn…người-tro-bụi,
còn lại Người…trang sách lật theo!
      Còn lại Người…Non Nước mỏng manh.
      Mừng Người rời được chốn hôi tanh.
      Mừng Người, lòng vẫn nguyên lòng dạ.
      Mà quạnh hiu đời.  Tôi ngó quanh…
Từ nay…cánh cổng nhà ai mở?
Cánh cổng nhà tôi đứng bấm chuông.
Con quạ lặng thinh…không thấy Bác,
không thấy gì…gì nữa, ngoài sương!
      Bác Võ Phiến ơi, thôi vậy…hết!
      Trăm năm, Bác thiếu nợ mười năm.
      Tách trà bay khói thơm thơm phức,
      con nhớ Bác hoài những tối trăng…
(ii) Luân Hoán: Tin Buồn Đến Lúc Đang Buồn
(Luân Hoán: thay nén hương tiễn nhà văn Võ Phiến)
nhịp máu đi trong người sáng nay
một-trăm-bảy-chín... đầu xoay xoay
nhiều giây lơ lửng như bay bổng
hít thở sâu nghe nóng mặt mày
      bỗng điện thoại reo bất thình linh
      bạn văn buồn bã giọng đưa tin:
      một nhà văn lớn vừa lười biếng
      thở tiếp hơi đời cõi nhân sinh
đang lo lắng buồn thêm bâng khuâng
lớp giàu tuổi thọ rụng dần dần
"vô thường" cách nói tự an ủi
chợt thoáng nghĩ qua trấn an lòng
      người mất với ta là đàn anh
      tuổi đời cùng mức độ thành danh
      không gần gũi lắm mà thân thiết
      vừa đủ tiếc thương thật chân thành
muốn gọi phone ngay ngại dở hơi
tang gia bận rộn chuyện chuyển đời
người thân qua cõi cư ngụ mới
đôi tiếng chia buồn chẳng thể vơi
       lợi dụng người đi viết mấy dòng
      đã là vô phép với linh vong
      khói hương hương khói trong tâm chữ
      như dựa hơi người chớ chẳng không
giữa những dồi dào người tiếc thương
cung kính tiễn đưa đoạn mở đường
vòng hoa liễn vải thơ phúng điếu
xin ké tất lòng vái tứ phương
      Võ Phiến còn hoài Viễn Phố thôi
      ngàn trang hoa chữ nở thơm đời
      kính mong bà chị vơi thương nhớ
      thắp ấm ngọn tình anh chúng tôi... (LH - 11.07 AM - 29-9-2015)

.......................................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: