Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

NGUYỄN LƯƠNG VY – NĂM CHỮ NGÀN CÂU VÀ BƯỚC-NHẢY-LÙI QUA NHỮNG GIẤC MỘNG ĐỜI - TÔ ĐĂNG KHOA

Inline image

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ

Tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) ra đời đúng một năm sau tập thơ “Năm Chữ Năm Câu” và cũng là tập thơ thứ 9 của ông. Hai tập thơ tiếp liền trong hai năm, tuy tựa đề của tập thơ chỉ khác nhau có một chữ, nhưng về nội dung, thần thái, biểu tượng và ẩn dụ thì khác nhau rất nhiều. Trong tập “Năm Chữ Năm Câu,” NLV đã tự mình thực hiện “cú nhảy sau cùng vàng câm trên bến lạ,” vượt qua giới hạn của ngôn ngữ để kinh nghiệm trực tiếp cái-không-lời.   Từ kinh nghiệm đó, ông khai triển, thiết lập ngôn ngữ để phơi bày cái-thấy “Có-Không thiệt rốt ráo” trong lãnh vực Thi Ca. Lần này trở lại với độc giả, NLV lại ung dung thực hiện những “cú-nhảy-lùi” rất ngoạn mục từ cảnh giới “vàng-câm-trên-bến-lạ” để trở về lại giấc mộng đời của nhân gian trong tập “Năm Chữ Ngàn Câu”:
Nhảy qua một giấc mộng:
Nhảy qua một bầu trời
Giấc mộng thì nửa vời
Bầu trời thì lộn ngược…
(Không Ðề I)
“Giấc mộng nửa vời,”“Bầu trời lộn ngược,”  đó là ngôn ngữ tiêu biểu được NLV dùng để mô tả thực chất giấc mộng đời trong cõi người ta. Nhận thức này là điều tất nhiên đối với NLV, người đã có được một cái thấy rốt ráo cùng tột bản chất hư ảo của ngôn ngữ và khổ nạn của đời sống nhân gian. Thật không dễ dàng gì khi phải sống trong một “bầu trời lộn ngược” vì điều đó đòi hỏi một tâm hồn thật trầm tĩnh, an nhiên tự tại, được nuôi dưỡng trong một nếp sống thăng bằng ẩn dật, và trên hết, một trí tuệ tâm linh có khả năng dung thông tất cả nghịch lý và điên đảo của cuộc đời.
Sống hài hòa, không dính mắc với “giấc mộng nửa vời” trong một “bầu trời lộn ngược” của nhân gian chính là phong cách “nhập thế” của ẩn sĩ. Thông thường, những nhà thơ thực hiện thành công“cú nhảy lùi” sau khi đã tự mình bước tới “bờ hương chín” là người có tâm hồn rất thanh khiết và yêu thương trần gian hết mực. Ngoài ra, họ còn có tính kham nhẫn rất thâm sâu.  Nói cách khác, lòng yêu thương và sự kham nhẫn là hai đức tính cần thiết để thi sĩ an trú và thi triển sức thấy, sức nghe giữa nhân gian. Thiếu hai đức tính này, thi sĩ sẽ tự hủy vì không thể nào (với trí tuệ và tâm hồn mẫn cảm của chính họ) lại có thể sống chung hài hòa với cái “giấc mộng nửa vời” trong“bầu trời lộn ngược” của nhân gian được. Chính trí tuệ và nhận thức của họ về cuộc đời sẽ biến họ thành những người cô đơn, “cuồng sĩ” trước con mắt nhân gian. Lịch sử thi ca và triết học đã chứng kiến biết bao nhiêu nhà thơ, triết gia tự hủy như thế chỉ vì trong “cú-nhảy-lùi” trở lại nhân gian, có thể vì họ đã bị “ma sát với thế tục” và tự mình “bốc cháy”. Đây là sự hiểm nguy luôn rình rập ở những “cú-nhảy-lùi” nhập thế của nhà thơ, và lắm khi còn nguy hiểm gian nan hơn việc phải “tự mình bước tới bờ hương chín.”
Vì sao NLV lại chấp nhận sự hiểm nguy, và đơn độc đến tột cùng như vậy để thực hiện “cú-nhảy-lùi” trở lại giấc mộng đời? “Cú-nhảy-lùi”đó mang ý nghĩa gì? Hỏi như vậy thì chợt nhận ra đó vốn là những lời tự hỏi, tự đáp mà thi sĩ đã dùng để mở đầu tập thơ trong bài “Tự Hỏi Tự Đáp,” đoạn I:
Vì sao ghiền mần thơ?
Mần thơ là mần thinh!
“Mần thơ là mần thinh!” Phải chăng đó cũng là cái bí quyết trong toàn bộ thi nghiệp của nhà thơ NLV? “Mần thinh,” theo chỗ tôi hiểu có hai nghĩa: Trước hết “thinh” cũng có nghĩa là âm thanh. Thinh âm là đơn vị nhỏ nhất và căn bản nhất của Thi Ca. Thi sĩ là người biết phối hợp một cách tài hoa, tâm ý của chính mình và phong cách xếp đặt các thinh âm để tạo ra Lời và ý nghĩa trong từng câu thơ, bài thơ.“Mần thinh” còn mang ý nghĩa khác tức là “sự tĩnh lặng.” Vì thế, ta có thể khai triển rộng ra như sau đối với cõi thơ của NLV: “Mần thơ tức-là mần thinh, mần thinh tức-là mần thơ, mần thơ không-khác-gì mần thinh, mần thinh không-khác-gì mần thơ.”“Mần thinh” “mần thơ”: Đó là mối quan hệ mật thiết giữa “thể” và “dụng” trong thế giới Thi Ca NLV. Trọn đời NLV, ông sống trọn vẹn chí tình với từng con âm con chữ, ông chỉ “ghiền” một việc, đó là việc “mần-thinh-mần-thơ”:
Nay còn ghiền chi nữa?
Ghiền mần-thinh-mần-thơ!
(Tự Hỏi Tự Ðáp - Ðoạn II.)
Có thể nói rằng “mần-thinh-mần-thơ” vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của đời thơ NLV.  Lầm lũi “mần-thinh-mần-thơ” đã từng là phương tiện giúp NLV vượt qua các khổ nạn ngút ngàn của giấc mộng đời: Chính “Nàng Thơ” đã cứu rỗi đời ông. Nhưng khi đã tự mình vượt qua các khổ nạn đó,“mần-thinh-mần-thơ” cũng chính là cứu cánh của đời ông. Nhưng giờ đây, Thơ đã thăng hoa và ở một mức độ càng lúc càng thâm sâu hơn. Trong tập thơ này, nhất là trong 9 bài thơ năm chữ “Không Đề,” NLV “nhảy lùi” để nhìn lại các kinh nghiệm đời thường và rất thật của chính mình với một bút pháp rất thi vị, độc sáng và bình tĩnh lạ thường. Những ký ức buồn vui xa xưa và những khổ nạn mà ông đã từng trải qua trong đời được ông dìu về trong hồi tưởng nhưng không còn sức bùng lên như lửa ngọn mà chỉ tái hiện lại như những thước phim “câm,” lặng lẽ, nhưng không thiếu chất thơ qua tuyệt bút tài hoa của mình. Cả đời khổ nạn của ông đã được thi vị hóa trở thành một “Đời thơ không lửa ngọn” nhưng chắc chắn sẽ “Ngún mãi giấc xưa sau.” Vì lẽ? Vì ông đã rất tận tình với Thơ và với nhân gian. Dẫu cho nhân gian không lời đáp lại, thi sĩ vẫn tự móc mắt moi tim, tự mình kinh nghiệm tất cả nghịch lý điên đảo của cuộc đời mà bình thản “mần-thinh-mần-thơ” để chuyển hóa tất cả khổ đau của giấc mộng đời. Vì nhân gian đau khổ, nên thi sĩ cũng đã đau khổ. Vì nhân gian bệnh, nên ông cũng bệnh. Nhưng thi sĩ “Nằm bệnh nhớ trăm nơi / Thấy bóng mình ngàn chốn”:
Đời thơ không lời đáp
Tự móc mắt moi tim
Thời gian vút bóng chim
Không gian chìm tăm cá
Đời thơ không quán xá
Chữ buốt giá tủy trời
Nằm bệnh nhớ trăm nơi
Thấy bóng mình ngàn chốn
Đời thơ không lửa ngọn
Ngún mãi giấc xưa sau…
Đời thơ không ngóng đợi
Mà động địa kinh thiên
Lóng xương mây tất nhiên
Rất thương ta thương bạn
Đời thơ không khổ nạn
Làm sao thấu được Thơ?!...
(Không Ðề IV)
“Đời thơ không khổ nạn / Làm sao thấu được Thơ?” Những khổ nạn ngút ngàn cùng tột trong giấc mộng đời này, NLV đều đã tự thân trải nghiệm qua tất cả. Ông đã tự mình “nhảy qua” chúng nên có cái nhìn rất mới về bản chất của chúng. Với “cú-nhảy-lùi” trong tập “Năm Chữ Ngàn Câu” nầy, độc giả chúng ta sẽ có cơ hội được nhìn lại các khổ nạn của nhân gian qua lăng kính định tĩnh của hồn thơ NLV. Trong biển khổ của giấc mộng đời đầy những “Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động” đó, duy chỉ có NLV thấy ra được sự kiện rằng:“Nắng chảy dài trên vách mộ” và “Mộ chảy dài trong kẻ tay.” Đó chính là thời gian và cái chết đang gậm nhấm và cuốn trôi tất cả giấc mộng nhân gian. Thế mà“Đời chẳng hay! Người chẳng hay!”
 
Sóng như bông - Bông như sóng
Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động
Sóng nở gió - Bông nở em
Em nở ta. A! Cồi mộng!!!
 
Cồi mộng bay! Cồi mộng bay!
Đời chẳng hay! Người chẳng hay!
Nắng chảy dài trên vách mộ
Mộ chảy dài trong kẽ tay
 
Thấy hết! Không cần thấy nữa!
Biết hết! Không cần biết nữa!
Nghe không? Nghe không? Nghe không?
Nghe hết! Không cần nghe nữa!!!
(Ghi Chú Thơ Nguyễn Xuân Hoàng)
 
Nghe không? Nghe không? Nghe không? Chúng ta đã nghe ra được gì qua những thước phim “câm” từ “cú-nhảy-lùi” tuyệt kỹ này của NLV?
Tựa đề của tập thơ này là “Năm Chữ Ngàn Câu.” Như NLV đã tâm sự trong lời tựa:“Ngàn Câu, là cách nói ước lệ, phỏng chừng, vì khi viết xong 50 bài Thơ năm chữ, nhẫm tính đã trên con số ngàn câu.” “Ngàn câu,” phải chăng, cũng là cách nói ước lệ cho sự phơi bày vô tận phương tiện lực của một ẩn sĩ có sự hàm dưỡng rất thâm hậu về chữ nghĩa? Vô tận phương tiện nhưng chỉ có một mục đích duy nhất. Cái mục đích duy nhất đó, đã được nhà thơ Bùi Giáng chỉ ra một cách rất thiện xảo như sau:
“Nói nghìn lời để dìu cái-không-lời về trong cái- không-nói.”
Bùi Giáng thật uyên thâm:“Dìu” được “cái-không- lời” về trong “cái-không-nói” là trách nhiệm vô cùng khó khăn cho những ai trầm mình trong lĩnh vực Thi Ca và Tư Tưởng. Đó là sự khác biệt giữa một bậc thiên tài và kẻ tài tử: Trong khi sự non nớt của kẻ tài tử được lộ ra trong sự “hợp lý” của cái-được-nói ra, thì sự vĩ đại của thiên tài lại được cảm nhận ở sự chiêm nghiệm về cái-không-nói tới.
Thành công của thơ NLV chính là làm cho độc giả cảm nhận được cái-không-nói ra giữa những thước phim “câm” được đạo diễn từ những câu thơ “câm.”
Tuyệt chiêu thơ “câm” của NLV nằm ở cái bí quyết:“Mần thơ là mần thinh.” Chỉ khi nào nội tâm thi sĩ đạt tới sự “mần thinh” một cách rốt ráo, thì bút pháp thơ “câm” mới đạt tới cảnh giới thượng thừa.
Chỉ với năm chữ rất đơn giản và bình dị“Mần thơ là mần thinh,”“cái-không-lời” “cái-không-nói” đã về “an trú” ngay trong ngôn ngữ “câm” nhưng lại rất thâm hậu, với thi pháp “năm chữ” rất điêu luyện, biến ảo kỳ tuyệt của NLV.
Xin tri ân thi sỹ NLV đã suốt đời “mần-thinh-mần-thơ” và trải lòng mình cho nhân gian bước vào chiêm nghiệm cái-không-nói bàng bạc trong từng nổi khổ nạn của giấc mộng đời. Cảm ơn ngôn ngữ thi vị, uyên áo và định tĩnh trong tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” này.
Và sau cùng xin cảm ơn “cú-nhảy-lùi” ngoạn mục qua những giấc mộng đời trong tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của thi sỹ NLV. Nó giúp cho tôi nhận biết được bản chất thật của đời sống này: “Thì ra là mộng đầy”. Đó cũng chính là nhận thức cần thiết để một ngày nào đó, khi đầy đủ trí tuệ và kinh nghiệm của tự thân, tất cả chúng ta sẽ cũng sẽ sớm nhận ra:“Mộng hết trốn trong mộng!!!”
 
Calif., 11.2014
Ghi chú: Những câu thơ năm chữ in nghiêng trong bài viết được trích từ tập thơ “Năm Chữ Ngàn Câu” của Nguyễn Lương Vỵ.


Tô Đăng Khoa

Không có nhận xét nào: