Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Nàng Thơ và Tỉnh Dậy - Sương Lam

 
 Thứ bảy tuần rồi, một ông bạn quen ở Portland gặp người viết trong một tiệm ăn đã hỏi tôi: “Dạo này không thấy chị đăng thơ của chị trong trang thơ của ORTB như trước nữa. Có lẻ bây giờ chị đã chỉ lo Thiền Nhàn mà thôi hay sao?”

Người viết cười cười đáp lại: “Dạ, tôi giữ mục Một Cõi Thiền Nhàn như thế đủ rồi, còn phải để cho các anh chị làm thơ khác sinh hoạt trong mụcThơ cho vui chứ lị!”
Thiệt tình mà nói mấy năm gần đây “Nàng Thơ” đã bỏ người viết đi đâu mất tiêu rồi nên tôi cũng ít làm thơ hơn lúc trước.  Theo thiển ý, làm thơ viết văn  hay là làm một việc gì có tính cách nghệ thuật, chuyên môn  thì phải có “yên sĩ phi lý thuần” (inspiration) tạm dịch là “nguồn cảm hứng”  và phải có một chút “thiên khiếu trời ban” nữa, bạn ạ!  Nếu không có nguồn cảm hứng và không có thiên khiếu này thì “rị mọ” hoài cũng không thể mần thơ viết văn, vẽ một bức tranh, viết một bản nhạc, ca một bài hát nào được cả.  Thật đấy! Có nhiều lúc người viết phải“treo bút” cả chục năm không làm được một bài thơ nào cả vì không thể có cảm hứng trong nhiều hoàn cảnh  khác nhau.
 Ngày xưa khi còn đi sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Chánh Minh ở chùa Giác Tâm- thuộc quận Phú Nhuận Gia Định cũ, người viết cũng đã từng “tay tiên một vẫy đủ mười… bài thơ” trên các bích báo tranh tài giữa hai đội thiếu niên và thiếu nữ. Nhiều “chàng thi sĩ mén” của đội thiếu niên phải “không dám giỡn mặt” với “nàng thi sĩ mén” Sương Lam của đội Sen Trắng  đoàn thiếu nữ vì nàng được quý anh chị  huynh trưởng chìu chuộng thương yêu hết mực. Ngoài những sinh hoạt văn nghệ văn gừng khi sinh hoạt GĐPT, những thi sĩ, văn sĩ mén này còn bày đặt rủ nhau lập nhóm văn này, nhóm thơ nọ, đặt tên nhóm nghe “kêu” dữ dội như “Nhóm Sắc Hoa Tim”, “Nhóm Tuổi Thơ”, “Nhóm Tuổi Ngọc” v..v… làm thơ tặng nhau, gửi thơ đăng báo.  Thỉnh thoảng thấy bài thơ của mình đưọc chọn đăng trên báo là chúng tôi mừng rỡ vô cùng, bèn họp mặt nhau, nấu chè ăn mừng thật là vui. 
Rồi người viết đã phải theo “những cô áo đỏ sang nhà khác” làm “có kẻ theo chồng bỏ cuộc vui” nên các nhóm văn nghệ, văn gừng này cũng phải dẹp tiệm luôn vì một khi người đẹp vắng mặt, đi lấy chồng rồi thì mấy anh chàng thi sĩ, văn sĩ “mén” này cũng cảm thấy hết hứng thú “mần thơ, viết văn” nữa. Smile!
 Rồi cuộc sống hạnh phúc gia đình bên chồng con, rồi những bận rộn trong sự nghiệp đang lên , rồi những khó khăn vất vả trong đời sống khi có cuộc đổi đời, của sự thay ngôi đổi chủ, người viết đành phải treo bút một thời gian.
 Những năm tháng đầu tiên đến Mỹ,  khi trở lại đời sinh viên ở trường “đại học trương làng”  Portland Community College, với tình cảm thương nhớ mẹ cha, với kỷ niệm cũ, với niềm đau của quê hương đất nước, với sự giúp đỡ của các bạn sinh viên trẻ, nên nàng Thơ lại trở về với người viết.  Thế là người viết lại hăng say sáng tác và sinh hoạt cộng đồng trở lại.
Trong không khí trẻ trung vui vẻ của khung viên đại học, người viết đã cùng các bạn sinh viên trẻ  tổ chức nhiều buổi văn nghệ văn gừng mừng Ngày Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu v..v… để giới thiệu văn hoá Việt Nam đến những người bạn Mỹ tại trường rất nhiệt tình, hào hứng với phương tiện thiếu thốn đủ mọi mặt vì lúc đó chúng tôi là những sinh viên nghèo mà lị.  Chúng tôi làm việc với trái tim tình cảm và nhiệt tình của tuổi trẻ đầy lý tưởng chỉ với mục đích đem lại niềm vui cho mình, cho người trong phạm vi và khả năng hạn hẹp của người sinh viên mà thôi.   Cũng nhờ được sự giúp đỡ của các chàng “sinh viên đàn em dễ thương” này mà hai tập thơ Tháng Tư Với Nỗi Nhớ Quê Hương  và Những Bài Thơ Tình Yêu của Sương Lam được ra đời.  Cám ơn các người bạn trẻ  Huỳnh Lương Vinh, Lưu Sĩ Minh, Nguyễn Khôi Nguyên v..v.. Người viết cũng được mời đến thuyết trình với Nhóm Ngàn Khơi  do anh Nguyễn Minh Ngân làm nhóm trưởng thuộc Trung Tâm Mục Vụ Đông Nam Á Portland. Thật náo động, rộn ràng, vui vẻ.
Vào thời đìểm năm 1982, việc in ấn sách báo Việt Nam  tại Portland, Oregon và các nơi khác chưa đạt được tiêu chuẩn trình bày (layout)  đẹp đẻ, mới lạ như cách trình bày của các chương trình về layout trên computer hiện đại bây gìờ.  Người viết phải mổ cò đánh máy trên  chiếc máy đánh chữ cà tàng mua ở Goodwill từng bài thơ chỉ với hai ngón tay mà thôi (may quá còn hơn là “nhất dương chỉ”).  Thế là chị em chúng tôi, người thì mổ cò đánh máy, người thì vẻ hình trang trí trang bìa, trang trong  các bài thơ,  người  thì sửa dấu chính tả, xong rồi đưa đi nhà in làm photocopy. Tiền in ấn thì đã có các bạn sinh viên ủng hộ.  Không có buổi ra mắt thơ náo nhiệt, rầm rộ như bây giờ  mà chỉ in ra để biếu tặng bạn bè thân  hữu yêu thơ,  các chùa, các nhà thờ, các nhóm sinh hoạt thanh niên sinh viên bán để  lấy tiền gây quỹ tổ chức thêm các cuộc vui khác nữa.  Một thuở sinh viên trong bước đầu tỵ nạn nơi xứ người thế mà vui và đầy kỷ niệm đáng yêu, đáng quý. Bây giờ nhắc lại, người viết có đôi chút ngậm ngùi vì những chàng sinh viên trẻ, bạn thân mến cũ của người viết  ngày xưa bây giờ đã tứ tán nơi đâu, biết ai còn ai mất? 
Rồi thời gian lặng lẻ trôi qua, chuyện  áo cơm và lo lắng cho cuộc sống mới nơi xứ người đã làm cho người viết phải tạm gát lại chuyện văn thơ nghệ thuật và chuyện đi vác ngà voi sang một bên một thời gian một lần nữa vì bao tử đói thì làm sao có đủ sức mà  “phun châu nhả ngọc” cho được.
Không ai có thể giúp mình bằng tự chính mình được.  Vợ chồng chúng tôi đã bỏ lại ở quê hương những gì mình đã có và ra đi với hai bàn tay trắng trên chiếc thuyền con bé nhỏ chẳng biết sẽ trôi giạt về đâu.  Cũng nhờ trời thương, chúng tôi đã đến bến bờ tự do trong an lành, xum họp gia đình đầy đủ.  Chúng tôi đi học trở lại chỉ là để có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền thực phẩm với số tiền “basic grant”  và tiền “work study” ít ỏi.   Chúng tôi phải vừa đi học ban ngày vừa đi làm thêm công việc quét dọn công sở (janitor) ban đêm. Cầm những đồng tiền làm được do tự chính tay mình làm ra được trong buổi ban đầu gian khổ nơi xứ người, tôi đã nhiều đêm phải khóc thầm. Than ôi!  “Thời oanh liệt nay còn đâu?” **
Nhưng dầu sao đi nữa, chúng tôi vẫn có phúc hơn bao nhiêu người đói khổ còn lại ở quê nhà vào thời điểm đó, nên chúng tôi  có ngại gì những gian khổ lúc ban đầu này.
Rồi Trời Phật cũng thương cho kẻ có lòng nên dần dần chúng tôi cũng đã ổn định được đời sống.  So với bao nhiêu người khác, chúng tôi chẳng  có gì là cao sang quyền quý cả. Tôi an phận làm một cô giáo tầm thường nơi xứ lạ.  Điều quan trọng đối với tôi  trong hiện tại là vợ chồng yêu thương nhau, con cháu ngoan hiền, có sức khoẻ tốt, thân an trí lạc là tốt lắm rồi. Tiền bạc, danh vọng, chúng tôi đã có rồi cũng đã mất,  Cuộc đời có không, không có, chuyện ghét thương thương ghét  là chuyện thường tình nơi chốn bụi hồng  lao xao này, hơi đâu mà thắc mắc cho mệt!  Bạn  nhỉ?
Mỗi người có một cái nhìn, một thái độ, một cảm nghĩ khác nhau về một sự việc.  Người khác có  quyền nghĩ sao về mình là tùy ý họ vì họ có cái quyền đó.  Có sao đâu?  Còn mình như thế nào thì hãy để  cái “nhất điểm lương tâm”  của mình và Trời Phật phán xét vì người viết vẫn tin rằng: “Ngẩng đầu cao ba thước đã có thần linh” rồi, cho nên  ta cứ an tâm sống vui sống khỏe trong giây phút hiện tại là được rồi.  Tôi nghĩ thế!  Bạn đồng ý chứ?
 Năm 2002,  tôi đã trở lại “phóng tay, múa  bút” trên ORTB, trên các đặc san thân hữu bên anh, bên em, trong các diễn đàn cõi ảo, cõi thật cho vui với đời một ti tị với cái tên “Sương Lam mờ chân mây” mà tôi đã chọn từ năm 17 tuổi khi sinh hoạt  Gia Đình Phật Tử  Chánh Minh ờ Việt Nam ngày xưa.
Bây giờ người viết lại có được “job” làm kẻ giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn  để tâm tình với quý vị cao niên  hằng tuần trên ORTB với nụ cười duyên dáng. Quá tốt rồi!
  Người viết còn  rủ rê ông xã đi làm “thợ vịn” cho các công tác cộng đồng khi có thời giờ và sức khỏe, đi tiếu ngạo giang hồ,  đưa thơ văn, bàiviết, tài liệu sưu tầm về thiền nhàn  lên trang nhà www.suonglamportland.wordpress.com  được xem như là “tàng kinh các” của tôi và trang suonglam’s Youtube http://www.youtube.com/user/suonglamcủa tôi cho thiên hạ vào xem “chùa” giống như Quán Ven Đường của GS Huỳnh Chiếu Đẳng vậy đó (cám ơn anh HCĐ), đi chùa lễ Phật tụng kinh, vui đùa với cô cháu nội Mya như vậy là được rồi.  Ai nói gì thì nói, ai khen chê gì thì chê khen. Ai giận hờn gì thì hờn giận.  Mặc họ!  Có sao đâu?  Bon chen và tức giận mà làm gì cho mệt! Bạn nhỉ?
 Gần đây, nhiều Phật tử, trong đó có người viết, rất thích đọc những bài viết, bài thơ của Thầy Thích Tánh Tuệ vì  đầy thiền vị và khuyên bảo chúng ta rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống nhân gian.
Xin mời quý bạn đọc một mẫu chuyện Thiền và bài thơ Thôi Kiếp Đi Hoang của Thầy Thích Tánh Tuệ do sư cô Huệ Hương chuyển tiếp chia sẻ cùng đại chúng để làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.
Tỉnh Dậy
Thế gian này có quá nhiều chuyện phiền não, vì vậy, rất nhiều người đi gặp Phật Tổ cùng hỏi về một vấn đề:
 “Con nên làm thế nào, mới không còn những điều phiền muộn?”
            Phật Tổ cho đáp án đều như nhau:
            “Chỉ cần buông tay, con sẽ thôi không phiền não nữa.”
            Có một người thanh niên, cho rằng mình thông minh tỏ ý không phục, bèn đi gặp Phật Tổ và hỏi:
            “Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn người, thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn điều phiền não.
Nhưng, Ngài cho họ giải pháp đều hoàn toàn như nhau, vậy đó chẳng khác gì buồn cười lắm hay sao?”
            Phật Tổ không nổi giận, Ngài chỉ hỏi ngược lại chàng thanh niên:
            “Buổi tối con ngủ có thường hay nằm mơ không?”
“Đương nhiên là có!” Chàng trai trả lời.
            “Vậy, mỗi buổi tối nằm mơ, giấc mơ đều như nhau không?” Phật Tổ lại hỏi.
            “Đương nhiên là khác nhau rồi!” Chàng trai trả lời.
“Con ngủ hàng ngàn hàng vạn lần, thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần giấc mơ.”
            Phật Tổ mỉm cười nói:
            “Nhưng cách kết thúc giấc mơ, đều như nhau cả,
đó là: TỈNH DẬY!”
            Namo Buddhaya
Thôi Kiếp Đi Hoang

Một mảnh hồn nho nhỏ
Như mây hoài lang thang
Chẳng khi nao dừng lại
Sống lạc loài, hoang mang..
           
Hồn âu lo, thấp thỏm
Trên vạn nẻo đường đời
Niềm vui nằm phía trước
Cỏ xanh bên kia đồi..
           
Hoa từng ngày tươi nở
Nhưng đời không nụ cười
Mỗi ngày hoài trăn trở
Hạnh phúc nào xa xôi..
           
- Một hôm hồn an tịnh
Quay trở về với thân
Thở vào, ra, dừng lặng
Nghe đời vui.. trong ngần.
           
Thì ra chân hạnh phúc
Nằm ngay trong cõi lòng
Bình yên và sâu lắng
Chan hòa cùng mênh mông.

Một mảnh hồn du thủ
Vừa tìm thấy quê nhà
Tại nơi này đã đủ
Dứt thăng trầm, xót xa...
           Thích Tánh Tuệ
(Nguồn: email của cô Huệ Hương- Cám ơn cô HH)

Không có nhận xét nào: