Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần: 12-12-2014 - TS Nguyễn Nam Sơn

Bob Thiele & George David Weiss: What a Wonderful World
Tiếng hát: Louis  Amstrong
What a Wonderful World với giai điệu tươi sáng và ý nghĩa của ca khúc luôn mang đến cho ta cảm giác bình yên và lạc quan về một cuộc đời tươi đẹp. Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc như màu xanh của lá cây, màu đỏ của những bông hồng, màu xanh của bầu trời, màu trắng của mây được đưa vào và làm cho bài hát trở nên thi vị hơn. Mỗi khi vang lên, What a Wonderful World đều khiến người nghe như thêm yêu cuộc sống này hơn.
 Mời Thân hữu nhấn vào đây để thưởng thức:
Kèm theo là hướng dẫn xem YouTube sắc nét (có hình minh họa phía dưới):
- Ở góc dưới bên phải của màn hình YouTube, click vào Setting (biểu tượng bánh răng), chọn thông số "1080p HD" để xem hình ảnh sắc nét.
- Có thể click vào Full Screen (hình 4 góc vuông ở phía dưới bên phải YouTube) để xem được độ toàn màn hình, nếu muốn.

Inline image 1:
Tình thân,
NNS
................................................................................................................
(1) Nguyễn Giang (BBC): Độc tài và Văn nghệ sỹ
Tuần qua ở London có câu chuyện Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) quyết định cho nước Nga mượn một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp để trưng bày tại St Petersburg. Hy Lạp đã ngay lập tức lên tiếng phản đối từ cấp cao nhất. Thủ tướng Antonis Samaris đòi Anh không chỉ ngưng ngay việc này mà cần trả lại tác phẩm đá hoa cương Parthenon mà một nhà quý tộc Anh đem về 200 năm trước từ vùng đất Hy Lạp lúc còn bị đế quốc Ottoman thống trị.
Xem tượng sẽ được cảm hóa?
Nhưng Giám đốc British Museum, ông Neil MacGregor còn bị phê phán vì giải thích rằng cho nước Nga thời Vladimir Putin mượn để chiêm ngưỡng một tác phẩm như vậy là giúp họ lại gần với châu Âu hơn.
Quan điểm này đã bị một số cây bút nổi tiếng ở Anh phê bình thẳng thừng. Nhà bình luận Dominic Lawson viết trên trang The Sunday Times hôm 7/12 rằng thật là ngây ngô khi tin là chỉ nhờ đến Hermitage xem tượng cổ Hy Lạp mà ông Putin hay các lãnh đạo Nga khác bỗng ‘văn minh hóa’ theo kiểu châu Âu. Không chỉ có vậy, ông Lawson còn nói về các nhân vật khủng khiếp trong lịch sử từng ‘yêu nghệ thuật’ hơn người bình thường mà vẫn rất tàn bạo.
Adolf Hitler say mê nhạc của Richard Wagner, Hans Frank còn chơi nhạc Chopin rất tuyệt diệu nhưng cũng thẳng tay giết người Ba Lan và Do Thái tại các vùng Đức chiếm đóng hồi Thế Chiến.
Herman Goering, thống chế Đức cũng là tay sưu tầm đồ cổ, tranh ảnh rất có tiếng và về phía Liên Xô, Joseph Stalin cũng là nhà bảo trợ lớn cho thể loại âm nhạc và hội họa ‘hiện thực xã hội chủ nghĩa’ với nhiều thành viên có tên tuổi từ Dimitry Shostakovich đến Sergey Rachmaninoff. Quả vậy, quan hệ giữa các nhân vật chính trị độc đoán, những nhà độc tài với cái đẹp, nghệ thuật và với văn nghệ sỹ luôn là điều khiến người ta băn khoăn.
Có hai lý do theo tôi khiến đây là mối quan hệ gần gũi và phức tạp. Một là điểm chung của nhà chính trị và văn nghệ sỹ. Cả chính trị và văn nghệ điểm đến hướng tới tính tuyệt đối: cầm quyền rồi thì người ta muốn thêm quyền lực, muốn giữ chức vĩnh cửu, đi vào lịch sử...tức là toàn những nhu cầu vượt lên hạn chế thời gian, không gian. Còn nghệ thuật không chỉ tự thân nó đề cập đến các chiều kích cao hơn một cá nhân, một xã hội qua tính tổng hợp, nâng cao, biến tầm thường thành trừu tượng, siêu việt mà còn để lại dấu ấn vượt thời gian và hiển nhiên là có sức lan tỏa rộng trong không gian. Tính siêu việt của nghệ thuật tạo ra lý do thứ hai khiến quan hệ này có tương quan phức tạp: nhà cầm quyền dễ có xu hướng muốn dùng văn nghệ sỹ giúp mình tạo chỗ đứng trong bảng vàng lịch sử.
Ngợi ca lãnh đạo
Văn nghệ sỹ thường được giao nhiệm vụ ca ngợi cá nhân nhà lãnh đạo hoặc chế độ, tạo thêm vinh quang và tính chính danh cho hệ thống quyền lực. Đây là điều đã xảy ra từ ngàn xưa, ở cả châu Âu lẫn châu Á và ở nhiều nơi, các nhà cầm quyền đã thành công. Vấn đề chỉ xảy đến khi văn nghệ sỹ vì tài năng ‘cố hữu’ không thể nào viết và vẽ như lãnh đạo muốn.
Stalin sau một thời gian thúc đẩy hoạt động của Hội Nhạc sĩ Vô sản Liên Xô đã phải thất vọng vì nhạc của Rachmaninoff và Shostakovich (trong hình) ‘vẫn mang màu sắc tư sản’. Thậm chí nhạc của họ ‘lúc thì ủy mị, buồn đau, u ám về nhân thế, lúc lại bông lơn, nghịch ngợm’. Bây giờ, những cụm từ đó hóa ra lại là tiêu chuẩn về thiên tài của hai nhà soạn nhạc lớn.
Như thế, lịch sử của nước Đức thời Hitler và Liên Xô thời Stalin đem lại hai kết luận.
Thứ nhất là trái với niềm tin một thời của nhiều nhà nghiên cứu lãng mạn chủ nghĩa, tình yêu nghệ thuật, thói quen hưởng thụ nghệ thuật cao cấp không làm tăng nhân tính của những kẻ độc tài tàn ác. Nói kiểu thời nay ở Việt Nam thì thi Hoa hậu nhiều cũng không làm cho các quan chức hiền hậu hơn hay văn minh hơn. Chưa kể nghệ thuật đôi khi còn là cây cảnh để những kẻ xấu làm đẹp cho họ.
Hai là mọi nỗ lực của nhà cầm quyền muốn uốn nắn nghệ thuật không thành công khi gặp phải văn nghệ sỹ có tài thực. Một khi tài năng đã lớn hơn chính cá nhân con người họ thì tác phẩm của văn sỹ, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ và các cây viết nói chung sẽ khó bị quyền lực bóp méo. Vì thế, cách tốt nhất là hai bên để cho nhau yên trong một xã hội bình thường. (Source: Nguyễn Giang Facebook).

(2) Ts Nguyễn Văn Tuấn: Phê bình Văn học thời bao cấp
Thỉnh thoảng đọc lại sách báo thời "bao cấp" tôi thấy cũng vui vui. Chẳng hạn như đoạn sưu tầm dưới đây là trích từ cuốn sách "Văn học Giải phóng Miền Nam" xuất bản năm 1976. Trích đoạn viết về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Nhạc sĩ Phạm Duy, và Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Lời lẽ thì khỏi nói các bạn cũng có thể đoán được: xuyên tạc. 
Viết về Thầy Nhất Hạnh thì tác giả cho rằng "nhân danh con người trừu tượng, tình thương chung chung, tung hoả mù làm lẫn lộn bạo lực cách mạng với bạo lực phản cách mạng, xoá bỏ ranh giới giữa kẻ xâm lược và người bị xâm lược".
Còn viết về Phạm Duy thì "tung ra những bài tâm ca lời ai oán, nhạc rên rỉ. […] Tâm ca ra vẻ phủ nhận chiến tranh, bất kể chiến tranh chính nghĩa hay phi chính nghĩa, phủ nhận lập trường cả hai bên, đi vào cái gọi là 'tự tình dân tộc'. Tâm ca giả vờ đi tìm một lối thoát, một sự lẩn trốn của người văn nghệ trước thời cuộc, mà thực chất là một thái độ đầu hàng nguỵ trang. […] Phạm Duy bày chuyện 'nước mắt mẹ' để biện hộ khéo léo cho bọn xâm lược tàn bạo. Vì vậy, nhiều giáo sư và học sinh ở Sài Gòn, ở Huế đã gọi Phạm Duy là 'tên phù thuỷ âm thanh' và đã chỉ ra bộ mặt thực của tên bồi bút tâm lý chiến trâng tráo …". Đọc những dòng chữ trên, nếu các bạn còn trẻ và không biết gì về những tên tuổi đó thì chắc chẳng có cảm xúc gì, hay tệ hơn là tin vào tác giả. Nhưng đối với những người từng lớn lên trong bối cảnh văn nghệ thời đó, thời của Thiền sư Nhất Hạnh và Nhạc sĩ Phạm Duy, thì chỉ biết mỉm cười. Cười vì sự xuyên tạc thô bỉ và sự chụp mũ thô bạo của tác giả. Cười vì trình độ của tác giả hình như chưa tới. Tất cả những câu chữ trên đều nguỵ biện và diễn giải không đúng bối cảnh của Phạm Duy và Thiền sư Nhất Hạnh. Đúng là họ (hai người đó và nhiều người khác nữa) phản đối bạo lực, phản đối chiến tranh, phản đối Mĩ. Có lẽ chính vì phản đối bạo lực và chiến tranh là đi ngược lại chủ trương của cách mạng vốn dựa vào bạo lực, nên làm tác giả … bực mình. Có lẽ vì bực mình và bị lu mờ bởi chính trị, nên những phê phán của tác giả chẳng có gì là học thuật. Tác giả chỉ đơn giản múa may quay cuồng chung quanh những khẩu hiệu giáo điều quen thuộc và ấu trĩ, nhưng đeo mặt nạ "phê bình văn học". Thật tình, tôi chẳng nghe nói Phạm Duy là "phù thuỷ âm thanh" bao giờ; chỉ nghe người ta xưng tụng ông là "Phù thuỷ âm nhạc" thì có. Nhưng sự xưng tụng đó không phải là vì ông biện minh cho "bọn xâm lược tàn bạo", mà vì tài nghệ của ông trong việc hoá chuyển những bài thơ vô danh thành những bài nhạc bất hủ. Tức là tác giả không biết bối cảnh của danh xưng mà viết một cách gán ghép hết sức bậy bạ.
Mấy người làm công việc "phê bình văn học" thời bao cấp hay có thói quen nguỵ biện và viết bậy. Nhớ trước đây khi Phạm Duy còn sống và sau khi đã về VN định cư, ông được báo chí tán dương, thì có một bài báo của một nhạc sĩ tố cáo rằng bài "Mùa thu chết" của ông là một xuyên tạc Cách mạng Tháng Tám! Trời ạ, bài đó "Mùa thu chết" là do Phạm Duy phổ từ thơ của Guillaume Apollinaire, chứ xuyên tạc gì đâu. Điều đáng nói là ông nhạc sĩ tác giả bài báo rất dở đó lại chính là con của một nhà chính trị và cũng là một học giả từng bị "Cách mạng" cho lên bờ xuống ruộng. Tôi đoán những tác giả từng vung bút hay lớn tiếng xuyên tạc và chửi bới các đồng nghiệp ở miền Nam thời trước 1975 bây giờ chắc một số vẫn còn sống. Với thời gian, có lẽ họ đã sáng ra phần nào, đã hiểu hơn một chút về những chủ nghĩa ngoài chủ nghĩa Mác Lê Mao. Có lẽ họ đã có khả năng thẩm thấu chất văn học của những Nhất Hạnh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bình Nguyên Lộc, Dương Nghiễm Mậu, Võ Phiến, Bùi Giáng, Thanh Lãng, Lê Tất Điều, v.v. Không biết sau khi ngộ ra cái hay cái đẹp của những tác giả đó, họ có hối hận vì những nhận xét hồ đồ và hung hăn trước đây. Mà, dù có hối hận thì cũng đã muộn, vì chữ viết của họ vẫn còn đó trên giấy trắng mực đen, và con cháu đời sau sẽ đánh giá họ qua những con chữ hung bạo đó.

(2) Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhân nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt, lạm bàn vài đặc tính của văn nghệ sĩ Việt Nam
Văn nghệ sĩ (VNS) nhận biết cuộc sống bằng cảm tính nhiều hơn lý tính. Họ không chịu mở rộng hiểu biết sang triết học - một loại kiến thức cần thiết cho văn học (ngay cả hiện nay, rất nhiều tác phẩm triết học có giá trị đã được dịch và in thoải mái tại VN, mà nhiều người cũng không chịu tìm đọc). Bắt đầu từ công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập cho quốc gia, nhiều VNS đã tham dự bằng nhận chân chính xác về cả lý tính và cảm tính. Thời kỳ này, hầu hết VNS đã tản cư ra khỏi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp, nhiều người gia nhập hàng ngũ Việt Minh, tích cực tham gia kháng chiến. Có người đã hy sinh như Nam Cao. Họ đã dùng rất hữu hiệu công cụ là tâm hồn tự do và giàu cảm xúc của mình để cổ vũ cho cuộc kháng chiến giành độc lập qua những tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực Văn học Nghệ thuật. Ai không muốn xung vào bộ đội khi đọc bài thơ “Tây tiến” của Quang Dũng?:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ / Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh 
áo bào thay chiếu, anh về đất / Sông Mã gầm lên khúc độc hành...
Hoặc cảm nhận tinh thần hy sinh, chịu đựng mất mát cá nhân vì lòng yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong cái đau xót mà vô cùng lãng mạn của thơ Hữu Loan
Nhưng không chết người trai khói lửa /  Mà chết người gái nhỏ hậu phương 
Tôi về không gặp nàng /  Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối... 
Tuy nhiên cùng với thời gian, lòng yêu nước, sự hy sinh của lớp VNS thời kỳ chống thực dân Pháp đã bị đánh cắp. Một lớp VNS đương thời, sau này đã bị tổ chức Việt Minh, sau hiện nguyên hình là đảng CSVN tuyên truyền, lừa bịp dẫn đến hệ lụy là họ bị triệt tiêu hoàn toàn lý tính, triệt tiêu lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ khi dùng ngòi bút. Họ trở thành những kẻ tuyên truyền, lừa bịp nhân dân tài ba hơn ĐCS (đỏ hơn cả đảng). Họ đã thành một công cụ cực ký hữu dụng, nguy hiểm của đảng CS độc tài. Nhiều người trong số họ đã hô hào bắn giết thật nhiều trong cải cách ruộng đất, đánh thật hăng trong nội chiến Bắc-Nam - với mỹ từ giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc - để xây dựng một hình thái xã hội không tưởng, bất công là chủ nghĩa CS. Đặc biệt trong số này có Tố Hữu, một bút nô cực kỳ hung hãn trong những bài thơ cổ võ bạo lực nhằm vào nhân dân và nô lệ nước ngoài, (sau này thành một nhân vật chính trị “ăn hại đái khai” trong những năm cuối 80, đầu 20 của thế kỷ trước:) 
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ, /  Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong, 
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng, / Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt
Ngay những ca từ dưới đây trong bài quốc ca của Văn Cao ta cũng thấy rợn người, vì cái bạo lực mà nó cổ võ:
Thề phanh thây, uống máu quân thù / Tiến mau ra sa trường... 
Tuy nhiên... Cái may cho nền thơ ca nước nhà và một phần nào cứu vớt danh dự cho VNS, ngay thời gian này đã xuất hiện nhiều VNS tỉnh giấc sớm... Sớm nhất có thể kể đến nhóm Nhân văn giai phẩm, với những bài thơ, câu thơ thức tỉnh: 
Tôi ra đường không thấy phố thấy nhà /  Chỉ thấy mưa sa dưới hàng cờ đỏ ....
Vào đời / tất cả / chỉ có vé: đồng hạng 
mọi thứ đặc quyền đều / sặc sụa bất công...(Trần Dần)
Anh công an nơi ngã tư đường phố / Chỉ đường cho / xe chạy / xe dừng 
Rất cần cho luật giao thông /  Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người 
Bắt tình cảm ngược xuôi /  Theo luật lệ đi đường nhà nước 
Có thể gây nhiều đau xót / ngoài đời ...(Lê Đạt)
Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chìu / Cũng không nói yêu thành ghét 
Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu. (Phùng Quán)
Sau thời kỳ khai sáng văn chương và tư tưởng của giới VNS lần thứ nhất bị đàn áp, hầu như VNS chấp nhận sáng tác cho đảng hoặc chịu bị bịt miệng, trốn tránh vào những đề tài an toàn, hoặc bỏ viết. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, biên kịch... vì muốn mua cái danh hão: nhà văn, nhà thơ đã bán linh hồn cho quỷ. Có thể coi đa số các VNS thời XHCN vì mù quáng đã trở thành tội đồ của dân tộc. Thời gian này những người không nằm trong tầng lớp cung đình, tránh được tiếng bút nô lại để lộ ra một đức tính nữa: Sự hèn nhát. Thấy đau khổ của đồng loại không mủi lòng, thấy việc thiện mà không làm. Họ trốn trong những bài thơ ca ngợi tình yêu, phong cảnh, đạo đức chung chung hoặc biến thành những nhà báo viết những bài lá cải... Vì cái hèn, họ là loại VNS đáng thương hơn đáng ghét. Tuy nhiên, cái hèn của họ dần ít đi, sự cam đảm của họ lớn dần theo sự thất vọng của họ vào ĐCS, và như ta đã thấy những năm gần đây họ đã không kêu gào cho ĐCS như trước nữa. Đặc biệt một nhóm văn nghệ sĩ đã tách ra khỏi đám VNS làng nhàng, đã lột xác: 
Đảng là cái ranh giới mỏng manh như sợi tóc /  Giữa chính nghĩa và gian tà, giữa trung thành và phản phúc ....
Ta cứ tưởng đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ / Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ 
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao! ...Ta đã nhìn thấy những vết bùn trên đỉnh chín tầng cao... (Việt Phương
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ / Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn / Cầm lên nhấm nháp. 
Chả là nếu anh từ chối / Chúng sẽ bảo anh phá rối / Đêm vui 
Bảo anh không còn có khả năng nhai / Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc.../  Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt? 
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn / Như không có gì xảy ra hết 
Và những người khác thấy anh ngồi, / Họ cũng ngồi thôi /  Nhai ngồm ngoàm...(Chế Lan Viên)
Và Nguyễn Duy
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma / ma quái - ma cô - ma tà - ma mãnh.../  quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài 
Đêm huyền hoặc / dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác / mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma trơi... 
Xứ sở linh thiêng / sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác / đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh... 
Giấy rách mất lề / tượng Phật khóc Đức Tin lưu lạc / Thiện - Ác nhập nhằng / Công Lý nổi lênh phênh ...
Xứ sở thông minh / sao thật lắm trẻ con thất học / lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương 
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt / tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp / tuổi thơ bay như lá ngã tư đường 
Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng / mở mắt... bóng nhân tài thất thểu... 
Xứ sở thật thà / sao thật lắm thứ điếm / điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn... 
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng / điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn. Vật giá tăng / vì hạ giá linh hồn ...
Vâng - đã có một thời hùng vĩ lắm / hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương / mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm 
Vâng - một thời không thể nào phủ nhận / tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược dòng 
Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ / ợ lên nhồn nhột cả tim gan. 
Khi hai hiểm họa lớn đang hàng ngày đè nặng lên vận mệnh Tổ Quốc và đời sống nhân dân. Nhà thơ Nguyễn Viện dồn dập nêu câu hỏi: 
1. Quốc hội Việt Nam người Tàu hay người Việt? 
2. Chính phủ Việt Nam người Tàu hay người Việt? 
3. Báo chí và Truyền hình Việt Nam quan tâm đến cái gì nhất: 
    A- Bóng đá? 
    B- Sexy show Hoàng Thùy Linh, Yến Vi? 
    C- Tàu chiếm Hoàng Sa & Trường Sa? 
Sự tỉnh ngộ của họ rất tác dụng. Họ là tầng lớp biết sử dụng ngôn ngữ, biết sử dựng ký tự... Tiếng nói của họ vang xa hơn, thấm vào lòng người sâu hơn, không kém gì những nhà chính trị phản tỉnh. Chúng ta cảm phục, tôn vinh những VNS dũng cảm như Dương Thu HươngNguyên NgọcBùi Minh QuốcTrần Mạnh Hảo, Võ Thị HảoNguyễn Quang Lập và nhiều VNS khác nữa... Đồng thời khuyến khích, trông chờ những VNS còn lại. Mong ngày càng nhiều VNS dùng khả năng trời phú để khai dân trí, chấn dân khí, đóng góp vào công cuộc dân chủ hóa đất nước mà rồi sớm muộn cũng nhất định thành công. 
Nhân viết về văn nghệ sĩ xin có mấy câu tặng nhà văn Nguyễn Quang Lập:
Hôm qua ở phía bên kia / Hôm nay trở giáo vượt sang bên này 
Những đêm giấc ngủ không đầy / Những chiều bạc tóc nhìn mây, nhìn trời 
Lột xác đau lắm ai ơi! / Lột xong trắng bụng thì chơi hết mình 
Nghệ An- Hà Tĩnh có gần? / Không cho, tôi cũng xí phần QUÊ CHOA.  (Đầu tháng 12 năm 2014) 

(3) Ngô Nhân Dụng: Cường quốc Kinh tế đứng đầu Thế giới?
Cuối tuần rồi, nhật báo Người Việt đăng bản tin “Trung Quốc thành cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới.” Tựa đề dùng hai chữ “cường quốc” gây ấn tượng, vì “cường” là mạnh, một sức mạnh có vẻ áp đảo người khác, một “cường quốc” thường đo lường bằng sức mạnh quân sự. Nếu diễn tả một cách khách quan, tựa đề bản tin trên có thể diễn tả bằng một sự kiện thuần túy kinh tế: “Tổng sản lượng Trung Quốc lên cao nhất thế giới.”. Nhưng nói vậy rồi vẫn phải hỏi: Trung Quốc có phải là một “cường quốc kinh tế” hay không? Câu trả lời lại khác. Vì có rất nhiều dữ kiện cho thấy còn lâu Trung Quốc mới thực sự thành một “cường quốc kinh tế,” theo nghĩa cường là mạnh, là mạnh lắm. Trước hết, xin coi lại các dữ kiện.
Bản tin trên Người Việt thuật rằng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) công bố tổng sản lượng kinh tế (GDP) của Trung Quốc năm nay là 17,600 tỷ đô la, đã vượt Hoa Kỳ, với GDP 17,400 tỷ. Nếu quý vị đọc báo cáo của IMF năm ngoái, 2013, có thể thấy GDP nước Mỹ là 16,768 ngàn tỷ đô la, của Trung Quốc là 9,469 tỷ, chỉ bằng 54%. Xin đừng ngạc nhiên. Con số cũ, 9,469 tỷ đô la này tính theo lối “thông thường.” Vì thông thường muốn ghi GDP của Trung Quốc người ta chỉ dựa vào số thống kê GDP của chính phủ Bắc Kinh, tính bằng đồng tiền họ, thí dụ 56,830 tỷ đồng nguyên. Ðem con số đó chia cho 6 để đổi thành đô la Mỹ, theo hối suất khoảng 6 nguyên ăn một đô la, sẽ có con số gần 9,500 tỷ đô la. Cách tính thông thường này gọi là “biểu kiến” (nominal), không phản ảnh đúng mức sống của dân các nước, nhất là các nước nghèo, nơi giá sinh hoạt thường rẻ hơn nước giầu. Cho nên các nhà kinh tế bày ra cách tính khác, gọi là PPP (Purchasing-Power Parity), thay tỷ lệ một đô la ăn sáu nguyên bằng một tỷ lệ khác. Tỷ lệ mới này dựa trên mãi lực tương đương của hai đồng tiền. Thí dụ nếu một ký thịt heo ở Mỹ bán giá một đô la, mà ở bên Tàu giá bán là bốn nguyên, thì giá trị một đô la chỉ tương đương với bốn nguyên thôi. Phương pháp PPP tính giá trị tương đối của hai đồng tiền theo lối như vậy. Người ta so sánh giá cả nhiều món hàng hóa hay dịch vụ được tiêu thụ nhiều nhất, rồi tính chung lại ra một hối suất mới phản ảnh đúng mãi lực của dân hai nước. Với cách tính PPP, năm nay kinh tế Mỹ sản xuất ra 17,400 tỷ đô la còn dân Trung Hoa trong lục địa tạo ra được 17,600 tỷ. Nếu tính theo hối suất chính thức thì GDP của nước Tàu năm nay vẫn còn thua Mỹ hàng ngàn tỷ.
Mỗi quốc gia tính Tổng sản lượng GDP theo cách của mình, khác nhau chút đỉnh. Ðổi cách tính toán thì kết quả ra con số khác. Chính phủ Bắc Kinh có một cách tính GDP, các tỉnh trong nước họ tính lối khác. Nhiều nhà kinh tế đã ngạc nhiên khi so sánh và thấy con số GDP của cả nước Trung Hoa lại nhỏ hơn tổng số GDP được báo cáo của các tỉnh cộng lại!
Ðiều đáng chú ý, là con số GDP không cho biết người dân trong một nước thực sự giầu hay nghèo. GDP nước Hòa Lan năm ngoái là 854 tỷ đô la, bằng một nửa GDP Trung Quốc năm nay, hơn 17 ngàn tỷ. Nhưng số dân Hòa Lan chưa tới 17 triệu, so với 1 tỷ và hơn 300 triệu người Tàu. Như vậy thì dân Hòa Lan sống khá giả, hay dân Trung Quốc mới giầu có?
Lợi tức bình quân (GDP per capita), lấy GDP chia cho số dân, phản ảnh đúng sự thật hơn. Lợi tức bình quân của dân Mỹ là $53,000 đô1a, so với người dân lục địa Trung Hoa là $11,868, tính theo phương pháp PPP. Nghĩa là một người Mỹ trung bình giầu gấp 5 lần người Tàu. Lợi tức đầu người của dân Trung Hoa đứng hàng thứ 97 trong số 195 nền kinh tế được CIA xếp hạng, thua các nước Tunisia, Thái Lan và Cuba. [Dân Mỹ chưa phải là giầu nhất, họ vẫn nghèo hơn dân các nước như Luxembourg, Na Uy (Norway) và Thụy Sĩ (Switzerland), chưa kể các nước nhỏ mà nhiều dầu lửa].
Chúng ta cần nhớ rằng trong lịch sử, Trung Quốc vẫn là quốc gia đông dân nhất thế giới từ thế kỷ thứ hai trước Tây lịch khi Tần Thủy Hoàng nhất thống lục quốc. Nói đúng ra, suốt lịch sử loài người, kinh tế Trung Quốc lúc nào cũng phải lớn hơn các nước khác vì không nước nào đông dân bằng. Cứ bình thường thì một nước 1 tỷ 300 triệu dân thì phải làm ra nhiều của cải hơn những nước dân số chỉ có hàng trăm triệu. Nếu trong thời gian vừa qua họ bị tụt xuống hàng thứ hai, thứ ba, chẳng qua chỉ vì chính sách kinh tế sai lầm, đi theo chủ nghĩa Cộng Sản làm cho dân ngày càng nghèo hơn.
Một quốc gia chiếm 19% dân số thế giới (1 tỷ 367 triệu chia cho 7.21 tỷ dân toàn cầu), nếu bình thường thì phải sản xuất được 19% GDP của cả thế giới. Nhưng hiện nay, kinh tế nước Tàu chỉ chiếm 16.5% của thế giới mà thôi. Kinh tế Mỹ bằng 16.3% GDP thế giới, mà dân số Mỹ chỉ bằng 4.4% (319 triệu/7,200 triệu). Nếu là người Trung Hoa tôi sẽ đỏ mặt hổ thẹn khi nghe nói nước mình là cường quốc kinh tế nhất thế giới!
Nhưng tôi là người Việt Nam cho nên tôi chỉ thắc mắc điều này: Kinh tế nước láng giềng lớn như vậy thì về chính trị và quân sự họ sẽ mạnh đến mức nào? Có mạnh nhất thế giới hay không?...
Trong lịch sử, những nước mạnh nhất, có thể xâm lấn, đè nén các nước khác thường bắt đầu bằng sức mạnh kinh tế. Nhưng không nhất thiết cứ GDP lớn hơn thì mạnh hơn. Vì một “cường quốc kinh tế” chỉ biến thành “cường quốc quân sự” khi người dân có tiền và sẵn sàng đóng thuế đủ để tăng cường guồng máy vũ lực. Chính phủ Mỹ thu được thuế nhiều hơn, vì mỗi gia đình Mỹ kiếm nhiều tiền. GDP Mỹ thua GDP Tàu 200 tỷ đô la, nhưng dân Mỹ góp 3.8% lợi tức cho chi phí quốc phòng, mà dân Tàu chỉ đủ sức góp 2%, thì ngân sách quân sự của Mỹ vẫn lớn hơn Tàu (Trong năm 2013, Mỹ chi 1,747 tỷ đô la so với 640 tỷ bên Tàu). Trong tương lai, chưa biết bao giờ dân Trung Hoa có thể đóng thêm thuế cho chính phủ Bắc Kinh có ngân sách bằng chính phủ Washington! Vài ba chục năm nữa cũng chưa chắc! Biết như vậy, người Việt Nam cũng bớt sợ ông láng giềng khổng lồ phía Bắc. Vì ông ta chưa phải là “vô địch hoàn cầu,” không ai dám ngăn cản ông đi xâm lấn nước khác. Thế giới ngày nay không dễ dãi như thời Nguyên Thế Tổ hay Minh Thành Tổ, các ông ấy mà đánh nước mình thì cả thế giới chẳng ai dám can. Mà ngay vào thời hai ông hoàng đế đó, dân mình đâu có chịu thua các ông Toa Ðô, Ô Mã Nhi, Liễu Thăng?
Cuối cùng, khi nói đến số thống kê GDP của nước Tàu, chúng ta cũng phải dè dặt. Họ làm được trứng vịt giả thì cũng có thể bịa ra nhiều thứ giả khác lắm.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như thế nào? Họ nói GDP đã tăng 7% hay 8%. Con số đó tính ra sao? Thí dụ, trong lúc Bắc Kinh thông báo GDP tăng 7.4%, thì người ta cũng biết rằng trong chín tháng đầu năm 2014 số lượng điện tiêu thụ chỉ gia tăng có 3.9% thôi. Thông thường ở nước nào cũng vậy, số lượng điện sử dụng tăng nhanh hơn nền kinh tế nói chung, cao hơn khoảng 2%. Tại sao ở nước Tàu lại có chuyện nghịch thường như thế? Không ai trả lời được.
Lại thêm một chuyện nữa, là cách họ tính số lượng hàng hóa tiêu thụ trong ngành bán lẻ. Họ gồm trong đó cả số hàng còn chứa trong kho của nhà bán lẻ. Cho nên có số thống kê nói rằng hàng tiêu thụ tăng 12% trong chín tháng đầu năm nay. Nhưng các công ty bán lẻ quốc tế, luôn công bố minh bạch số bán, lại nói khác. Chẳng hạn công ty Walmart cho biết trong nửa đầu năm nay số hàng bán của họ gia tăng khắp thế giới, trừ ở nước Trung Hoa. Các công ty quốc tế khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Một công ty nghiên cứu kinh tế quốc tế, J Capital Research, báo cáo rằng trong quý thứ hai năm 2014, thu nhập của các công ty sản xuất hàng tiêu thụ ở Trung Quốc đã giảm bớt 6% so với cùng thời gian năm ngoái. Tại sao? Vì các nhà bán lẻ còn chất đầy hàng trong kho, chưa bán được thì họ cũng chưa đặt mua thêm. Các công ty bán lẻ ghi tên trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (quy luật thị trường bắt buộc họ phải công bố sổ kế toán) hiện đang tồn kho số hàng lớn phải bán 600 ngày mới hết. Tất nhiên, các công ty sản xuất cũng tồn đọng đầy trong kho, vì dù không ai đặt hàng họ vẫn sản xuất nếu không thì không đi vay được tiền. Mà tiền ở đâu ra? Các ngân hàng do đảng Cộng Sản nắm trong tay theo lệnh của “lãnh đạo” lại sẵn sàng cho vay, để “kích cầu!”. Trong mươi năm qua, Bắc Kinh tung ra hết chương trình kích cầu này đến kế hoạch kích cầu khác. Thay vì bắt các xí nghiệp phải cải tổ để thoát các cơn khủng hoảng, chính phủ và ngân hàng trung ương đem tiền cứu cho qua khỏi một thời gian, chờ tới vận bế tắc mới. Hậu quả là Trung Quốc đang mang một “quả bom nợ” lớn nhất trong lịch sử thế giới, lớn gấp ba, tức 300% tổng sản lượng nội địa; có người tính ra lớn gấp bẩy lần. Tại sao lại khác biệt từ gấp ba lên gấp bảy? Vì Bắc Kinh thường bỏ qua nhiều món nợ không tính, đó là những món nợ ngoài hệ thống ngân hàng. Mà số nợ này nó như ma, không biết lớn nhỏ bao nhiêu. Kinh tế Trung Quốc đang chứa một quả bom nợ vĩ đại, khi nổ vỡ ra sẽ làm cả thế giới khốn đốn. Mối lo quả bom nợ mới hiện hình ngày hôm qua, 9 tháng 12 năm 2014, trong thị trường chứng khoán Thượng Hải. Chỉ số chứng khoán đã tụt giảm 5.4%, số tụt mạnh nhất kể từ năm 2009, năm kinh tế toàn cầu suy thoái. Giá các cổ phần tụt xuống vì lo quả bom nợ sắp nổ, sau khi một cơ quan nhà nước ra lệnh không được dùng một số “giấy nợ” làm vật cầm thế khi mua cổ phiếu. Những giấy nợ đó là trái phiếu của các công ty quốc doanh và các chính quyền địa phương, tỉnh hay thành phố. Trong phút chốc, những người đang có các trái phiếu đó tìm cách bỏ chạy, bán cho lẹ, trái phiếu mất giá trị. Thị trường trái phiếu xuống trước, rồi đến thị trường các cổ phiếu. Tại sao cổ phiếu bị ảnh hưởng? Những ngân hàng đang cho ai vay với trái phiếu dùng làm vật thế chấp phải yêu cầu người vay thay thế, dùng thứ khác cầm thế thay vào, hoặc là phải trả nợ. Những nhà đầu tư này phải bán các cổ phần đang giữ để có tiền trả nợ. Bao nhiêu người muốn bán, tự dưng giá các cổ phiếu đều xuống. Ðây mới chỉ là một tiếng chuông báo động về quả bom nợ gài ở Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình biết rằng cần phải cải tổ hệ thống kinh tế dựa trên các ngân hàng nhà nước làm theo lệnh đảng. Nhưng cải tổ khó lắm. Vì cả hệ thống đang chạy với những nhóm có quyền lợi dính chặt vào cách làm ăn kiểu cũ, truyền từ thời Mao Trạch Ðông qua Ðặng Tiểu Bình. Những người đang hưởng thụ nhờ vào hệ thống đó, bảo họ thay đổi nhanh lên làm sao được? Càng chậm cải tổ thì khi quả bong bóng bể vỡ càng kinh hoàng hơn. Nền kinh tế thực đang xuống dốc, vì hiệu năng sử dụng tiền vốn bị thụt lùi. Năm 2007, nếu đầu tư một đồng trong nền kinh tế Trung Hoa thì kết quả sẽ tăng được thêm 83 xu. Năm ngoái, 2013, đầu tư mỗi đồng chỉ đem lại hậu quả 17 xu thôi. Năm nay, có người đoán, một đồng vốn chưa chắc đã sinh ra thêm được mười xu.
Muốn biết tương lai kinh tế Trung Quốc ra sao, cứ nhìn vào hành vi của những người có tiền. Họ đang chạy. Có 47% dân có tiền ở Trung Quốc đã hoặc đang làm thủ tục đi định cư ở các nước Châu Mỹ, Châu Âu và Úc. Năm ngoái di dân Tàu lục địa chi 22 tỷ Mỹ kim mua nhà ở Mỹ. Họ tới các thành phố California, biến cả Detroit thành “Phố Tàu.”
Người Việt Nam mình có cần lo sợ khi nghe tin kinh tế nước Tàu cao nhất thế giới hay không? Nếu có lo thì trước hết nên lo về kinh tế nước mình. Nên lo cảnh mình cứ càng ngày càng tụt hậu so với lân bang. Mức sống và lợi tức bình quân của dân Việt không những đã thua một tỷ dân Trung Hoa mà có ngày có thể thua cả 15 triệu dân Cambodia nữa! Làm thế nào thoát được viễn ảnh hãi hùng đó? Ai cũng biết câu trả lời. Còn đảng Cộng Sản ngự trị trên đầu dân Việt Nam thì không biết bao giờ mới thoát cảnh trì trệ!
(6) Thơ: 
(i) Hồ Ngạc Ngữ: Xa Quê

Xa quê đã biết chưa về được
Khuya khoắt còn nghe tiếng vạc sành
Ngọn cỏ vườn trăng mùa gió bấc
Vẫn còn đọng mãi giọt long lanh
          Xa quê đâu phải là cách biệt
          Sóng đầm xưa mát ngọn gió lành
          Em nghiêng chiếc nón Gò Găng mỏng
          Thả nụ cười rơi xuống lòng anh
Xa quê... Ừ nhỉ ! Dăm người bạn
Buồn lên non đốt lửa chiều Đông
Khật khà khật khưỡng ly Bàu Đá
Đọc thơ xưa, nói chuyện bao đồng
          Quê hương là cả trời thương nhớ
          Xa làm sao mà lòng băn khoăn
          Mong một ngày về trên đầm cũ
          Thả con thuyền...vọc nước giỡn trăng (25/11/2014)

(ii) Cao Thoại Châu: Thư gửi  Luân Hoán

Bạn hẹn tết về thăm uống rượu
Ồ, thiếu chi nước mắt quê hương
Mấy mươi năm chảy ròng chảy rã
Như suối tuôn thác đổ trên nguồn
          Chiều quê nhà ngước lên đỉnh núi
          Sương giăng như tấm lụa lờ mờ
          Khi mỏi mắt quay ra phía biển
          Sóng ồn ào lấp kín hồn ta
Thì ra sống tức nhiên làm ngư phủ
Tung lưới mong vớt lấy hồn mình
Đôi lúc cá tôm đi mất biệt
Lưới gom về lác đác mấy cành rong
          Rồi ta buồn vác búa lên non
          Xin với rừng thiêng làm gã sơn tràng
          Quặn thắt thương từng gốc cây hòn đá
          Thú rừng con lớn giết con con
Ta giận mình quên làm nghề uống rượu
Nên cứ phải làm dân không vua chúa bao giờ
Đất có đó chẳng bao giờ đi hết
Giang hồ vặt hoài trong mấy trang thơ
           Bạn thấy đấy còn chỗ nào đi nữa
           Còn chỗ nào đón kẻ lưu vong
           Ta cũng tựa như tờ giấy trắng
           Viết chuỗi tên quên mất tên mình
Ta ở nơi này khan hiếm bạn
Dẫu lắm đàn bà lắm cả đàn ông
Nhân sinh đâu phải đa tình hết
Nước lã làm sao say giống rượu nồng? (28-11-2014)

(iii) Thiếu Khanh: Bữa đó


Bữa đó rừng xanh vừa rửa mặt
Trời mới tinh hớn hở ở trên cao
Tha cọng cỏ con chim về xếp đặt
Chỗ ăn nằm trong cành lá chiêm bao
          Trời bữa đó bữa nay ta vẫn nhớ
          Như con nai nằm mộng nhớ thu xa
          Vì bữa đó lòng ta vàng lót ngõ
          Gấm trải đàng nghênh đón bước em qua
Ta cuống quít nhắm nghiền hai con mắt
Say trên môi mà run rẩy ở trong lòng
Ta ứa lệ nói miên man ngây ngất
Em ở nơi này vĩnh viễn nghe không?
          Mở con mắt – Đất trời còn ở đó
          Người với người hoa và lá quen thân
          Ngày tươi rói giữa cuộc đời niềm nỡ
          Ngõ nhà ai ta cũng muốn vào thăm
Từ bữa đó đời đã thay niên lịch
Ta bắt đầu tính một tuổi xuân xanh
Em chưa phấn son nghiêng lòng nguyệt bạch
Nghe lòng ta âu yếm gọi Kim Anh!.. (Trong: Ngân Khánh Tình Ta)

(iv) Phan Khâm: Một mai trở lại

Một mai trở lại sông Hằng
Còn chăng hạt cát tôi nằm đáy sông
Hay đã vào sa mạc mênh mông
Ngủ yên dưới cội xương rồng ngẩn ngơ
Đêm nào ngọn gió vu vơ
Không chừng gió xoáy bên bờ vực sâu
Ngày kia trở lại nương dâu
Xin quên đi chuyện thương đau đời thường
Xin làm hạt bụi tầm dương
Ngày xa vời vợi vô thường tri âm
Cõi nào còn giữ thâm tâm
Khi tầm tay với phù vân muộn màng
Một mai trở lại thiên đàng
Luân hồi quanh quất ngỡ ngàng thấy nhau
Bên bờ một bụi bông lau
Bạc phơ như chuyện qua cầu đắng cay
Thôi về cây cỏ mảy may
Ngủ yên đi nhé đời này nghe em
...............................................................................................................
Kính,
TS. Nguyễn Nam Sơn

Không có nhận xét nào: