Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Năm 2014

Wishing You: (i) Warm in your home, (ii) Love in your heart, (iii) Peace in your soul, (iv) Joy in your life at the Christmass 2014 and the Coming Year 2015

Ts Alan Phan: "...Năm nay, như mọi năm, thế giới cố gắng biến đổi nhiều để thích ứng tìm giải pháp cho mọi vấn đề của con người. Trong khi giới trẻ của kỹ thuật số nhộn nhịp với Iphone, công nghệ Uber, giấc mơ IPO cho công ty garage của mình, thì châu Phi quằn quại với Ebola, nhiều cuộc nội chiến, khủng bố bắt cóc. Khắp nơi, ai cũng bị thu hút vào lý do mất tích của những máy bay của Malaysian Airlines, những trận thư hùng của Đức ở World Cup, sự tàn bạo của ISIS, vụ giá dầu giảm mạnh, đồng Mỹ kim lên ngôi, Nga Tầu đang muốn liên minh chống Âu Mỹ với phản ứng phụ là cuộc chiến Ukraine và liên hệ Mỹ-Cuba.

Việt Nam thì vẫn là Việt Nam. Mặc cho âm thanh của thế giới và cuồng nộ của những người đã sáng mắt, nhà cầm quyền và đa số người dân vẫn kiên định xây dựng một cái lều theo mẫu thiết kế từ trăm năm nay. Chúng ta vẫn hạnh phúc nhất nhì trong văn hoá vỉa hè, kèm theo những giờ nhậu và cà phê quên nghỉ, mặc cho rác rưởi và chất thải lềnh bềnh khắp nơi, dù giữa mưa triều cường hay trong nắng nóng khô gắt. Mặc cho các dự đoán lạc quan từ bộ loa tuyên vận và cheerleading crowds từ những tư bản đỏ-trắng, nội- ngoại, có lẽ mức sống và thu nhập của người Việt vẫn sẽ đội sổ thế giới trong vài thập niên tới. Chuyện nợ xấu, nợ công, nợ doanh nghiệp nhà nước, nợ tham nhũng, nợ bất động sản, nợ thuế phí, nợ quan chức, nợ Trung Quốc…thì muôn đời sẽ vẫn là nợ…vì nó đã trở thành chuyện hàng ngày của huyện. Nhiều người gọi đó là lời nguyền của Tạo Hoá, cho những ai quá “khôn” với “tiền rừng bạc biển” và “cơ hội”. Cứ hỏi Nigeria hay Zimbabwe (thì rõ).
Có lẽ vì vậy mà mỗi năm, dư âm của câu hát “bình an dưới thế cho người thiện tâm” vẫn vang vọng như một lời nhắc nhở. Rằng mặc cho ngoại cảnh có tiêu điều, mỗi con người vẫn còn được lựa chọn trong tư duy và kiến thức cho cá nhân, nhất là khi đắm mình vào tĩnh lặng của một ngày lễ Thánh. Một chánh quyền thời Trung Cổ có thể bỏ tù anh lái đò chuyên chở món quốc cấm gọi là sự thật, nhưng thế giới (kỹ thuật) số ngày nay có quá nhiều con đò, quá nhiều sự thật (hay góc nhìn), quá nhiều phương tiện tiếp cận, quá nhiều tâm huyết vô vụ lợi…để một bàn tay có thể che ánh mặt trời.
Cho nên trong cái dằn vặt bởi sự phi lý của nhân tình và sự ngu xuẩn của đám đông, thông điệp của đêm đông lạnh lẽo năm nay là hãy chung tay đốt lửa, để trừ đuổi tà ma và sưởi ấm những con người thiện tâm. Mặt trời vẫn sẽ mọc ngày mai….
Have yourself a merry little Christmas…".
Đài Phương Trang & Như Quỳnh - Mạnh Đình: Hai mùa Noel

Ns Tuấn Khanh: "...Khác với những thể loại âm nhạc khác, nhạc Giáng sinh có giá trị như một bước nhảy alpha, vượt thời gian trong khoa học vũ trụ. Con người có thể đột ngột chuyển vùng tồn tại của mình, quay trở lại những kỷ niệm vui buồn trong đời mình đã qua khi nghe thấy những giai điệu này. Không có một liều thuốc estacy nào đủ mạnh để tạo được những cảm giác khi ngày cuối năm đến, tiếng chuông nhà thờ và âm nhạc vang lên: con người trở nên mộng mơ hơn trong thực tại, và thanh bình ập đến trong trái tim mình.
Nhạc Giáng sinh gần với người Việt hơn, kể từ khi có một trào lưu Việt hoá dòng nhạc này. Sớm nhất, được biết là hai ca khúc Hang Bê-Lem của nhạc sư Hải Linh và Cao Cung Lên của linh mục Hoài Đức. Cả hai bài này đều được ghi nhận cùng xuất hiện vào năm 1945. Đó cũng là giai đoạn của tân nhạc tiền nội chiến Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhất. Trước đó, các bài hát Giáng Sinh phần lớn đều được hát bằng tiếng Latin hay tiếng Pháp nên ít người hát được. Vì vậy việc viết và dịch lời Việt bùng nổ. Đến thập niên 60-70 thì những bài tình ca Việt nhân dịp Giáng Sinh đã xuất hiện rất nhiều. Người ta bắt đầu ngâm nga những bài nhạc Việt có hình ảnh Giáng Sinh, xao xuyến đem vào ký ức thế hệ mình. Trong đó phải kể đến Bài Thánh Ca Buồn của Nguyễn Vũ, Hai Mùa Noel của Đài Phương Trang, Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời của Phạm Duy… So với nhiều nước ở Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia hết sức giàu có giai điệu và niềm vui trong mùa Giáng Sinh. Thật thú vị khi nhiều nơi đang hát vang lời ca tràn đầy tuyết lạnh, nhưng thực tế thì người ta có thể toát mồ hôi với ngày nhiệt đới...
".
Kính,
NNS
...........................................................................................................
(1) Đèn Cù (Điểm sách)
Quyển sách thứ hai của Trần Đĩnh cũng có tựa là Đèn Cù và là Đèn Củ II. Cũng đồ sộ như quyển Đèn Cù I và do Người Việt ở Cali, Huê kỳ, xuất bản. Sách phát hành hôm 21 tháng 11/2014.


(i) Ts Nguyễn Văn Tuấn: Đèn Cù tập II: Tư duy, đối xử với kiều bào và quan hệ Tàu
Đèn Cù Tập II có dành vài chương để viết về sự sụp đổ của các chế độ XHCN bên Đông Âu, và một số suy nghĩ của giới lãnh đạo chóp bu. Qua đó, chúng ta cũng có thể có vài ý niệm về suy nghĩ của các vị đang nắm quyền lèo lái con thuyền đất nước thời đó. Không nói ra thì chắc nhiều người cũng có thể đoán được là tư duy của họ còn rất nhiều hạn chế.Chuyện tư duy 
Chúng ta biết rằng ông Lý Quang Diệu được đánh giá cao ở Việt Nam và trên thế giới. Dù người ta không mặn mà với kỉ luật sắt của Singapore, nhưng ai cũng phải công nhận ông là một người có tài chiến lược. Có người tặng cho ông danh hiệu nhà độc tài tốt bụng (benevolent dictator). Nhưng có thời ở Việt Nam, ông Lý Quang Điệu là một đối tượng bị báo chí Nhà nước chửi như tát nước. Tay sai đế quốc. Chống cộng. Chống nhân dân Việt Nam. Ông Diệu được giới lãnh đạo VN tặng cho rất nhiều cái nón.
Nhưng đùng một cái, VN “mặn nồng” với ông Lý Quang Diệu. Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng tác. Nhưng ông Diệu từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Diệu nói rằng Mĩ là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem thường Mĩ.
Sau 1975, một nhóm chuyên gia kinh tế báo cáo cho ông Lê Duẩn rằng các nước như Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore tiến mạnh là nhờ làm gia công cho các nước giàu có. Nghe xong, Lê Duẩn nạt lại: Lại muốn học chúng làm nô lệ ư? Mà, chẳng phải ông Lê Duẩn mới có tư duy bảo thủ và ngạo mạn đó, ông Tố Hữu cũng thế. Khi một thứ trưởng Bộ Y tế trình rằng các hãng dược phẩm ở miền Nam lúc đó đang thất nghiệp, và ông đề nghị làm thuốc kháng sinh cho khối Comecon. Tố Hữu quát: Trẻ con! Độc lập mà đi gia công?! Anh tưởng Comecon mà không ngoạm nhau à? (Trang 282). Tư duy kinh tế của giới lãnh đạo VN thời mới thắng cuộc là như thế.
Mãi đến 1999, khi VN kí hiệp định thương mại với Mĩ, mà vẫn có vài người có tư duy chống Mĩ! Trong Đèn Cù, tác giả Trần Đĩnh kể rằng sau khi hiệp thương được kí 2 ngày thì Đỗ Mười chỉ thị phải nhớ rằng Mĩ vẫn là kẻ thù của VN và của thế giới. Đỗ Mười còn nói ai thò tay kí vào hiệp thương thì đáng tội "bán nước". Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, người tích cực vận động cho hiệp định, sau đó phải "ra đi", nói đúng hơn là bị truất phế khỏi chức bộ trưởng.
Đối xử với Việt kiều và người ngoại quốc 
Có thể nói rằng "thành tích" đối xử với Việt kiều và người ngoại quốc của VN không có gì đáng khoe. Nói đúng ra là họ có thái độ hai mặt, ngoài mặt thì nói hay, đằng sau lưng thì nói xấu. Trong Đèn Cù tập II, Trần Đĩnh kể nhiều chuyện cho thấy thái độ xảo trá như thế.
Đặng Chấn Liêu là một quan chức của Liên Hiệp Quốc, theo tiếng gọi của cụ Hồ về Việt Nam đóng góp xây dựng XHCN. Ông trở thành chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, ông lại là nạn nhân của Hoàng Văn Hoan, người nghi ngờ ông Liêu là tình báo của Anh. Ông Liêu còn dính dáng vào vụ "án xét lại", nên lao đao ở Hà Nội một thời gian dài. Những người đau khổ thường có khả năng đúc kết triết lí cuộc đời rất hay. Trong một cuộc trò chuyện cùng Trần Đĩnh và Gs Tôn Thất Tùng, ông Đặng Chấn Liêu tổng kết quan sát về qui luật hành xử của chế độ như sau: "Chúng mình nhìn người bằng con mắt thân thiện vì chúng mình cảnh giác trước tiên với cái xấu ở trong bản thân; còn họ, tự nhận là cách mạng cao quí, họ luôn cảnh giác với người khác để kịp thời giáo dục, uốn nắn. Họ với chúng ta cơ bản ngược giò nhau, họ bắt buộc phải tự khẳng định vai trò lãnh đạo, dạy dỗ chúng ta. Cái mặc cảm ưu việt này dẫn tới đòi dân phải có mặc cảm tự ti với họ. Mặc cảm tự ti này là dấu hiệu dân tin tưởng đảng, yếu tố hàng đầu của thắng lợi, khốn nạn là thế đấy." (Trang 297).
Một Việt kiều khác là Mỹ Điền, từ Anh về miền Bắc Việt Nam, cũng với ý đồ xây dựng XHCN. Ông là con của một địa chủ ở miền Nam. Ông được phân công đi làm cán bộ Cải cách ruộng đất ở Thái Bình. Người trong đoàn nói với ông rằng từ nay trở đi, ông phải gọi mẹ là "Con địa chủ". Là người miền Nam rất thẳng thắn, ông dứt khoát phản đối và không chấp nhận cách gọi mất dạy đó. Ngày hôm sau, ông được cho về Hà Nội. Về Hà Nội, ông trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh, và một trong những học trò của ông là Nguyễn Dy Niên, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ ngoại giao. Mỹ Điền nói với tác giả Trần Đĩnh rằng "Tôi đã ở trong quân đội Bình Xuyên sau Cách mạng tháng 8. Tôi cũng đã ở nội phủ cộng sản. Tôi thấy sao? Nội phủ phần lớn là hoạn quan. Bình Xuyên phần lớn là dân anh chị. Phải công bằng mà nói là dân anh chị lại quân tử, nói là giữ lời. Hoạn quan thì không à nha." (Trang 304).
Một trí thức miền Nam khác là Phạm Trung Tương cũng bị đối xử không tốt. Ông Tương từng làm cò cảnh sát, nhưng lại là người có cảm tình với Việt Minh. Ông giúp Việt Minh trong cuộc tổng khởi nghĩa và được ghi nhận công trạng. Sau đó, ông được tập kết ra Bắc, rồi thất nghiệp do lí lịch đen. Mỹ Điền thấy thương nên "tâu" với Ung Văn Khiêm về tình trạng của Phạm Trung Tương, ông Khiêm giới thiệu cho ông Tương về làm ở nhà xuất bản Ngoại văn, chuyên dịch sách báo.
Sau 1975, ông Tương quay về quê Trà Vinh. Tỉnh uỷ Trà Vinh "đì" ông rất tận tình. Nhà ông bị cắt điện, sống tối om. Bệnh viện từ chối không điều trị cho ông. Một hôm, Lê Duẩn xuống Trà Vinh nói chuyện cùng giới trí thức. Duẩn đứng trên bục nhìn xuống thấy một người quen quen, ông bèn đi xuống gặp ông Tương, rồi nói trước hội trường: Người con ưu tú của miền Nam đây! Tối hôm đó, nhà ông Tương lập tức có điện, và bệnh viện đến nói với ông rằng từ nay luôn có một phòng cho ông đến điều trị bất cứ lúc nào.
Frida Cook là đảng viên Đảng cộng sản Anh, bà tình nguyện sang Bắc VN làm giáo viên dạy tiếng Anh. Sau 1975, bà lại sang VN, và nhờ Mỹ Điền dẫn đi thăm các trại cải tạo, đó là thứ hiếm mà bà nói thế giới không có được. Đến cổng trại, bà gặp một ông cụ, và hỏi sao ông vào đây. Ông cụ trả lời rằng ông là viên chức chế độ VNCH. Bà Cook kêu lên: "Ôi, tôi nghe giới thiệu thì toàn là những ác ôn!" . Khi VN sang chiếm Campuchea, bà Cook gửi trả VN những huy chương, bằng khen mà VN đã từng trao cho bà trong thời chiến. Bà nói "tôi từ lâu đã ngửi thấy ở họ một cái gì …". Nhưng bà Cook không biết rằng cả chục năm trước, an ninh Việt Nam đã cho rằng bà ấy là một gián điệp Anh được gửi sang VN để phá hoại. Nhà nước VN gắn huy chương cho mụ ấy cốt để che mắt và mò phá tuyến của mụ ấy (trang 303).
Đèn Cù còn đề cập đến Gs Trịnh Xuân Thuận, một nhà vật lí thiên văn có tiếng qua những tác phẩm khoa học phổ thông. Thân phụ ông Thuận là Trịnh Xuân Ngạn, từng làm việc trong toà án dưới thời VNCH. Sau 1975, ông Ngạn bị chính quyền mới bắt đi tù cải tạo. Ông Thuận nhờ chính phủ Pháp can thiệp để cứu ông bố ra tù (Tran 315). Năm 2005, VN vinh danh ông Thuận cùng 14 nhà khoa học Việt kiều khác ở nước ngoài. Nhưng những người trong giới cầm quyền có lẽ chưa đọc cuốn "Hỗn độn và hài hoà" mà trong đó ông Thuận viết rằng "Tôi thông báo cái chết của chủ nghĩa duy vật biện chứng".
Quan hệ với Tàu 
Tháng 2/1999, ông Lê Khả Phiêu (lúc đó là tổng bí thư) đi thăm Tàu. Người ta ngạc nhiên vì sự chậm trễ này. Thường thì sau khi ai đó nhậm chức tổng bí thư Tàu mời sang thăm nay, còn đằng này, ông Phiêu nhậm chức từ năm 1997 mà mãi đến 1999 mới được mời sang thăm Tàu. Buổi tiếp đón không có diễn văn, chỉ có hội đàm, rồi chiêu đãi, và hạ màn. Trong buổi chiêu đãi, Giang Trạch Dân ca bài "Bông hồng nhỏ của tôi", còn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thì hát bài "Cây trúc xinh", có lẽ ý nói trúc mọc một mình, không cần đến "bạn".
Tiền Kỳ Tham từng là phó thủ tướng Tàu có viết hồi kí, và ông dành 2 chương để viết về VN. Trong đó có nói về chuyến thăm của Lê Khả Phiêu. Theo hồi kí này, đoàn của ông Phiêu chờ mãi chẳng thấy phía chủ nhà Tàu nói gì cả. Xem lịch thì thấy 2 giờ chiều Giang Trạch Dân có lịch đón đoàn VN, ông Phiêu bèn dẫn đoàn đến nơi, nhưng thật ra giờ đó thì Giang tiếp thống đốc Hồng Kong, nên Tiền Kỳ Tham nói đoàn ông Phiêu phải chờ đến 5 giờ chiều! Ông Phiêu đưa cho họ Tiền một tờ giấy gồm một số chữ, và đề nghị Tiền đưa cho Giang. Giang Trạch Dân mở ra đọc, đọc xong, lẳng lặng vo lại và ném vào sọt rác. Giang lấy tờ giấy khác và viết theo ý của y (Trang 354). Nghe nói Giang viết 16 chữ: "Sơn thuỷ tương liên, lí tưởng tương thông, văn hoá tương đồng, vận mệnh tương quan."
Nhận được giấy của Giang viết, ông Phiêu hỏi Tiền Kỳ Tham tại sao không có chữ "bình đẳng" hợp tác như ông Phiêu nêu ra. Tiền Kỳ Tham viết: "Tôi không trả lời Phiêu mà chỉ cười và nghĩ thầm rằng, người lãnh đạo cao nhất như Phiêu mà không hiểu nổi rằng xưa nay có bao giờ Việt Nam được bình đẳng với Trung Quốc!" Nhưng khi về đến VN, đoàn ông Phiêu mở cuộc họp báo và tuyên bố chuyến đi thăm Tàu là "thành công tốt đẹp"! Hồi kí của Tiền Kỳ Tham còn quan tâm đến văn học VN. Trong hồi kí, họ Tiền nhắc đến các tác phẩm văn học VN bị cấm lưu hành, trong đó có tập thơ của Nguyễn Duy. Họ Tiền dẫn câu thơ của Nguyễn Duy: 
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng; / Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn.
Nói chung đọc qua những trang trong Đèn Cù Tập II, chúng ta dễ nhận ra rằng giới cầm quyền chẳng tin tưởng vào ai, kể cả chính người của họ, còn kiều bào và người nước ngoài thì chỉ là "hoa lá cành" cho họ mà thôi. Một điều cũng thể hiện khá rõ nét là những gì mà giới lãnh đạo Tàu và Mĩ hay nói về giới cầm quyền VN: đó là không đáng tin cậy, vì nói một đằng làm một nẻo. (FB NguyenVanTuan)


(ii) Que Diêm: Đèn cù Tập II: những bí ẩn được tiết lộ 
Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh có thuật lại một số sự kiện đáng chú ý, dù có khi chỉ là một câu phát ngôn hay một thái độ. Tuy nhiên, những hành vi có vẻ thoáng qua đó nó cho chúng ta một vài tín hiệu về tâm tính, trình độ, và có khi cả nhân cách của những người cộng sản thời xưa.
Trại gái
Một nhân vật được tác giả nhắc đến trong sách là Chu Đình Xương. Thoạt đầu đọc qua, tôi thấy quen quen, nhưng sau khi tra tìm thì biết ông từng giữ chức giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ (chắc như Sở Công An ngày nay?) Chu Đình Xương kể rằng thời kháng chiến ở vùng Việt Bắc, ông Đinh Đức Thiện (em của Lê Đức Thọ) từng lập một trại gồm toàn gái để "cán bộ đến cấp bậc nào đó đến giải quyết sinh lí, kiểu nhà thổ của lính Nhật" (trang 173). Nghe nói sau này ông Trường Chinh biết được và yêu cầu phải giải tán.
Hồ Chí Minh gặp Ngô Đình Diệm
Chu Đình Xương kể chuyện đánh đập tù nhân trong xà lim, và đáng chú ý là cả chuyện "thủ tiêu phản động" (trang 173). Như vậy thời đó quả thật có chuyện Việt Minh sát hại những người kháng chiến chống Pháp nhưng không đứng về phía Việt Minh.
Chúng ta biết rằng ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt vào tháng 9/1945 ở Huế. Sau đó, họ đưa ông Diệm lên tận vùng gần biên giới Việt – Trung. Trong lúc đó thì Việt Minh giết anh ông Diệm là Ngô Đình Khôi và học giả Phạm Quỳnh ở Huế. Chính trong thời gian này ông Hồ Chí Minh đã gặp ông Diệm trong tù. Chu Đình Xương còn cho biết chính ông là người dẫn Hồ Chí Minh đến gặp ông Diệm và Phan Kế Toại. Sau này, chúng ta biết rằng chính Hồ Chí Minh phóng thích ông Diệm và ông Toại. Tôi nghĩ có lẽ chính vì nghĩa cử đó mà sau này ông Diệm giữ mộ ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp rất tốt.
Hình nhân Hồ Chí Minh
Một chuyện khác do Chu Đình Xương kể cũng đáng chú ý là ông Hồ Chí Minh từng có người giả (gọi là "hình nhân"). Chuyện kể rằng năm 1946, ông Hồ từ Pháp về Hà Nội qua đường Hải Phòng. Ông đi từ Hải Phòng về Hà Nội bằng xe lửa, nhưng vì sợ bị ám sát nên an ninh dắt ông cụ (lúc đó phải bịt râu) đi thẳng về một địa điểm bí mật. Còn người đứng trên xe vẫy vẫy chào công chúng đứng đón ông cụ là một hình nhân, người có dáng dấp rất giống ông cụ Hồ! Hình nhân này phải đeo râu giả làm cụ Hồ. Điều trớ trêu là đến kì Cải cách ruộng đất, người ta đem hình nhân này ra đấu tố là "địa chủ phản động ác ôn". Hình nhân khóc nói "Tôi từng đóng thay bác Hồ để phản động có bắn thì tôi chết thay bác thế nhưng phản động không bắn, mà nay đảng lại bắn tôi, ôi bác Hồ ơi …" Thế là sau đó người ta hạ hình nhân xuống phú nông và thoát án tử hình.
Xin tài trợ từ Mĩ
Chuyện Việt Nam hùng hồn đòi nợ Mĩ sau chiến tranh thì chẳng có gì là bí mật, nhưng có câu chuyện vui vui liên quan đến vụ này trong Đèn Cù Tập II. Chuyện kể rằng Nguyễn Cơ Thạch lúc bấy giờ là Thứ trưởng Ngoại giao gặp Richard Holbrooke (cũng Thứ trưởng Ngoại giao Mĩ) ở Hà Nội. Ông Thạch đòi Mĩ bồi thường mấy tỉ USD, nhưng Holbrooke cười cười nói Mĩ chẳng có nợ nần gì VN và chẳng có văn bản nào cả để … đòi nợ. Thấy "đòi nợ" hơi khó, ông Thạch mời Holbrooke đi ăn tối. Trong bữa ăn tối với chả chiên, Thạch hạ giọng năn nỉ Mĩ viện trợ nhân đạo. Nhưng Holbrooke lại mỉm cười nói viện trợ nhân đạo thì có thể ok, nhưng ở Mĩ việc đó phải qua Quốc hội phê chuẩn. Nói chung, câu chuyện cho thấy "Anh hùng như thể khúc lươn / Khi co thì ngắn, khi vươn thì dài".
Vì vật chất
Chúng ta biết rằng người cộng sản xem vật chất nhẹ hơn tinh thần và ý chí. Ít ra là họ nói như thế. Chẳng hạn như Phạm Văn Đồng từng hùng hồn tuyên bố "Phương Tây là vật chất, vật chất, vật chất khốn nạn. Phương Đông là tinh thần, tinh thần, tinh thần cao quí." Nhưng trong thực tế thì chúng ta biết rằng không phải như thế; họ cũng rất mê vật chất, cũng ham ăn ngon mặc đẹp, và cũng đam mê học đòi những thói quen của người tư sản.
Người sắp chết thường nói lời nói thật. Đó là trường hợp Lê Duẩn. Trước khi chết, ông Duẩn cho gọi các lí thuyết gia (đúng hơn là "tuyên truyền gia") và nói: sau 60 năm hoạt động cách mạng đến nay, ông mới hiểu ra câu của Mác nói lợi ích vật chất là động lực mạnh mẽ thúc đẩy người lao động. Mao bất lực không làm cho dân sướng về vật chất, nên phịa ra cái gọi là "chân lí chính trị" hàng đầu, tư tưởng hàng đầu. Còn ông Lê Duẩn vì "nghe thấy sướng quá nên bê luôn về cho dân xài, ai nói về vật chất bác phang cho tội xét lại."
Đèn Cù Tập II cho biết rằng thời đó ở ngoài Bắc có cái nông trại tên là Tam Thiên Mẫu giữa Cẩm Giàng và Thuận Thành nuôi đủ bò, dê, heo, gà, ngỗng, vịt, cá, lươn, ếch, v.v. cung cấp cho Bộ Chính trị. Còn ở Thái Bình thì có đồng trồng lúa riêng cho các vị trong Bộ Chính trị. Trong khi đó thì dân chúng không đủ gạo ăn và thiếu thực phẩm.
"Đĩ đực"
Trong Đèn Cù Tập II, tác giả Trần Đĩnh cung cấp một thông tin thú vị về những mâu thuẫn trong giới lãnh đạo chóp bu. Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Linh không ưa gì ông Lê Duẩn, và vì muốn làm hoà với Tàu, nên ông Linh nói với Giang Trạch Dân rằng ông Duẩn đã sai lầm khi "bắt tay" với Liên Xô. Nói cách khác, họ không ngần ngại "vạch áo cho người xem lưng". Ông Linh từng nhận xét về cách làm kinh tế của Lê Duẩn là "lãnh đạo gì mà làm ăn như cái 'con c..'." (Trang 181).
Một chi tiết thú vị là Nguyễn Văn Linh cũng không ưa ông Trần Văn Trà và Lê Giản. Ông Linh rất ghét đa nguyên. Chính Lê Giản kết nạp Nguyễn Văn Linh vào đảng ở Hải Phòng. Thế mà trước khi lên chức tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh gọi Lê Giản và Trần Văn Trà là "những thằng đĩ đực" (Trang 250).
Những bí ẩn được tiết lộ?
Đèn Cù Tập II có nhắc đến ông Dương Bạch Mai, là bậc trí thức Tây học gốc Nam Bộ. Ông sinh ra ở Bà Rịa 1904, qua đời 1964 ở Hà Nội. Ông là người chống lại đường lối thân Tàu, ông đòi đảng phải cải thiện đời sống cho dân, đòi dân chủ, v.v. Trang wikipedia chỉ nói cái chết của ông là "đột tử". Nhưng trong Đèn Cù, tác giả trích dẫn lời của Hoàng Minh Chính cho rằng "Họ cho anh Mai uống bia có thuốc độc, chết chưa kịp buông cốc, ngay tại Quốc hội."
Một chi tiết khác cũng khá thú vị là bà Nguyễn Thuỵ Nga, người vợ bé (miền Nam) của ông Lê Duẩn từng là người tình của ông Nguyễn Văn Trấn (Trang 256). Ông Trấn cũng là một trí thức gốc Nam Bộ, cùng thời với Ung Văn Khiêm, nhưng cũng bị thất sủng và bị phe thân Tàu cho về vườn. Ông Trấn còn là người nổi tiếng với tác phẩm bị cấm "Viết cho mẹ và Quốc hội". Bà Nga học làm báo từ ông Trấn, và có lẽ vì thế mà bà có duyên với báo chí sau này.
Một chuyện cá nhân khác liên quan đến ông Lê Đức Anh. Chuyện kể rằng thời Đại tá Lê Trọng Nghĩa làm chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, ông Lê Đức Anh là trung tá. Vợ ông từ Nam ra tận văn phòng làm ầm lên vì ông lấy vợ bé! (Trang 279).
Trong cuốn "Bên thắng cuộc" chúng ta đã đọc biết ông Đỗ Mười từng bị bệnh tâm thần. Chi tiết này cũng được Trần Đĩnh nhắc đến trong Đèn cù Tập II. Tác giả viết: "Các lão thành hỏi nhau có nhớ hồi nào Đỗ Mười điên nằm Việt – Xô. Lên cơn, ông leo lên cái cây cạnh cổng đứng xoạc chân cành thấp giơ tay hét xung phong. Các cô y tá ra dỗ bác xuống đều ù té chạy. Bác mặc quần đùi, trận địa pháo đài bày ra hết." (Trang 278). Con trai và cháu ông Đỗ Mười cũng bị điên.
Chú thích: Những câu chữ trong ngoặc kép là trích từ sách Đèn Cù Tập II.
(1) Trích "Vietnam, a history, tr.216-217" một đoạn đối thoại giữa ông Hồ Chí Minh và ông Ngô Đình Diệm:
Ông Diệm nhớ lại rằng cuộc trò chuyện giữa ông và ông Hồ rất thẳng thắn:
Ông Diệm: Anh muốn gì ở tôi?
Ông Hồ Chí Minh: Tôi muốn ở anh điều anh luôn luôn muốn ở tôi – sự hợp tác của anh để giành độc lập. Chúng ta theo đuổi một điều giống nhau. Chúng ta phải chung sức với nhau.
Ông Diệm: Anh là một kẻ tội phạm đã đốt cháy và hủy hoại đất nước, và anh lại còn bắt giam tôi.
Ông Hồ Chí Minh: Tôi xin lỗi anh vì sự cố không may ấy. Khi quần chúng bị áp bức nổi dậy, những sai lầm là điều không thể tránh khỏi và những thảm kịch đã xảy ra. Nhưng tôi luôn tin rằng hạnh phúc của nhân dân sẽ bù đắp được hết những sai lầm ấy. Anh thù hận chúng tôi nhưng chúng ta hãy quên chuyện ấy đi.
Ông Diệm: Anh muốn tôi phải quên rằng những thuộc cấp của anh đã giết chết anh trai tôi?
Ông Hồ Chí Minh: Tôi chẳng biết gì hết về chuyện ấy. Tôi chẳng liên can gì đến cái chết của anh trai anh. Tôi cũng lấy làm tiếc về những điều thái quá ấy cũng giống như anh. Làm sao tôi có thể ra lệnh cho người ta làm việc ấy rồi giờ đây lại đưa anh tới đây? Không phải chỉ có vậy, tôi cho đưa anh tới đây để mời anh giữ một chức vụ quan trọng trong chính phủ của chúng tôi.
Ông Diệm: Anh trai tôi và con trai của anh ấy chỉ là hai trong hàng trăm người đã bị giết và hàng trăm người nữa bị phản bội. Làm sao anh dám mời tôi hợp tác với anh?
Ông Hồ Chí Minh: Tâm trí của anh hướng về quá khứ. Anh hãy nghĩ đến tương lai – giáo dục, cải thiện mức sống của người dân.
Ông Diệm: Anh nói mà không biết suy nghĩ. Tôi đấu tranh cho lợi ích của đất nước, nhưng tôi không thể bị chi phối bởi áp lực. Tôi là một người tự do.Tôi sẽ mãi mãi là một người tự do. Anh hãy nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi có phải là một người sợ áp bức hay sợ chết không?
Ông Hồ Chí Minh: Anh là một người tự do.”

(2Nạn nhân của thể chế (Trích "Đèn Cù II - vài giai thoại (Ts Nguyễn Văn Tuấn))
Trong một chương cuối của Đèn Cù tập II, tác giả Trần Đĩnh cho rằng ông Hồ chính là “nạn nhân trước hết của chủ nghĩa cộng sản và của đảng chính trị kiểu Lenin” (trang 619). Ngay từ đầu, Stalin đã cho đàn em huấn luyện cho các lãnh tụ cộng sản tương lai của VN như Nguyễn Ái Quốc thấm nhuần chân lí: Việt Nam phải chịu sự kiểm soát của Liên Xô và răm rắp tuân lệnh Stalin. Nhưng sau này thì chính ông lại là nạn nhân của thể chế ông xây dựng nên. Sử gia nổi tiếng người Pháp là Pierre Brocheux viết rằng “trong vụ án xét lại chống đảng, ông Hồ Chí Minh cũng đã nhận ra bản chất của chế độ nhưng chẳng làm gì được. Hơn nữa, kể từ năm 1960, chính nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh mới thực sự là những người nắm quyền. Theo nghiên cứu của tôi thì cả một giai đoạn trước khi qua đời, ông Hồ bị cách li khỏi quyền lực, tức là không hề có quyền gì. Ông ấy tự biến hành một biểu tượng.” (Trang 633).

(2) Nguyễn Gia Kiểng: Từ Plato, Aristotle đến Từ Huy, Thu Dung 

Trong một thời gian dài tôi không hiểu tại sao tôi rất chán môn Đạo đức học (ethics), dù đó là một phần quan trọng của triết và gắn bó chặt chẽ với một môn mà tôi thích: chính trị. Biết thế nhưng đã bao nhiêu lần tôi muốn đọc đạo đức mà không được. Cứ đọc được vài giờ là chán tới cổ. Có thể là vì tôi không có cốt đạo nhưng cũng vì một lý do khác mà về sau tôi mới hiểu. Đó là vì các tác giả viết về đạo đức đều sai phương pháp. Họ loay hoay giảng giải điều không thể giảng giải được, nghĩa là những giá trị đạo đức. Những giá trị này – thí dụ như không được hung bạo, ăn cắp, nói dối, phản bội, nuốt lời hứa; phải thực thà, lương thiện, thủy chung, thương yêu v.v. - không thể giải thích được. Chúng có sẵn trong thiên nhiên và trong DNA của mỗi người và là nền tảng để lý luận và giải thích những điều khác. Không có thì thôi chứ không thể thảo luận gì cả.
Plato và Aristotle
Trong số những điều ít ỏi tôi còn nhớ về môn đạo đức học có sự khác biệt giữa Plato và Aristotle. Xin tóm lược một cách rất sơ sài: Plato (438 -348 trước Công Nguyên) là học trò của Socrates (470 – 399 tr. CN) và nói rằng tất cả những gì ông nói ra chỉ là chép lại những mẩu đối thoại của Socrates. Nhưng chép lại làm sao có thể hay đến thế được, cùng lắm Plato đã chỉ lấy cảm hứng từ thày để viết thôi. Plato đã kính phục thày mình và ông hoàn toàn có lý. Socrates là người đầu tiên trên thế giới đã chấp nhận chết vì ý kiến của mình. Ai cũng phải ngưỡng mộ Socrates, dù có thể bác bỏ quan điểm về chính quyền mà Plato viết ra và nói là của ông. Aristotle (384 – 322 tr. CN) là học trò của Plato.
Plato và Aristotle trình bày hai quan điểm rất khác nhau khi trả lời cùng một câu hỏi căn bản của đạo đức học là "phải sống và hành động như thế nào?" Plato, tư biện và giáo điều, cho rằng phải vừa tu thân -nghĩa là liên tục tập luyện để sống một cách đúng đắn- vừa học để mở mang trí tuệ, trong đó học quan trọng hơn bởi vì sự gian trá chỉ là hậu quả của u mê, con người khi đã hiểu biết tất nhiên sẽ sống lương thiện. Học đối với Plato là học toán và triết, bởi vì vào thời đại của ông toán và triết là tất cả. Theo Plato những kẻ đã tu thân và quán triệt toán và triết sẽ biết sống và nêu gương sống, còn quần chúng phải phục tùng và noi gương họ mà sống. Đặc điểm và cũng là khuyết điểm của Plato là ông hình như chỉ coi trọng những phần tử tinh hoa. Aristotle, thông thái và ôn hòa, đề ra thuyết trung dung (the golden mean, le juste milieu) cho rằng mỗi người tuy cũng phải hướng thượng và noi gương những người tài đức nhưng cứ tùy theo khả năng và bản chất của mình mà thể hiện những giá trị đạo đức ở mức độ phù hợp với mình cũng là tốt rồi.
Hầu như mọi người đều cho rằng Aristotle có lý hơn Plato. Tôi cũng rất ngưỡng mộ Aristotle và tin rằng ông hơn Plato trên rất nhiều điểm – trò hơn thày là có tiến bộ và đáng mừng- nhưng càng về sau tôi càng thấy ít nhất về quan điểm đạo đức Plato có lý hơn. (Trên một môn khác tôi cũng đánh giá Plato cao hơn, đó là môn tri thức học (epistemology), nhưng đó là một vấn đề nằm ngoài khuôn khổ của bài này). Trước hết phải nói rằng việc so sánh quan điểm của hai nhà triết vĩ đại này có phần khập khiễng. Tuy cùng bắt đầu với câu hỏi "phải sống và hành động như thế nào" nhưng sau đó hai người đã đi theo hai hướng hơi khác nhau. Plato nhất quyết trả lời trực tiếp câu hỏi này trong khi Aristotle cho rằng phải sống cho có hạnh phúc, rồi dần dần chuyển sang biện luận về hạnh phúc. Tuy nhiên sự khác biệt quan điểm giữa hai thày trò vẫn khá rõ rệt.
Bằng một cách tiếp cận vấn đề rất độc đáo vào thời đại của ông và cả nhiều thế kỷ sau đó, Aristotle đã không lý luận một cách tự biện (speculative) và thuần lý như Plato và tất cả các triết gia cổ Hy Lạp mà đã rút kết luận từ những quan sát thực nghiệm trong đời sống hàng ngày. Ông nhận thấy rằng mọi người đều mưu tìm hạnh phúc và như thế vấn đề nền tảng là sống thế nào để có hạnh phúc trong khi vẫn cố gắng tôn trọng các giá trị đạo đức. Trong khi đưa ra thuyết trung dung ông cũng gián tiếp phản bác quan điểm của thày mình và cho rằng không phải ai biết phân biệt đúng sai cũng tự nhiên làm điều đúng; không thiếu những người biết việc làm của mình là sai mà vẫn cứ làm, bản chất con người là thế. Tinh thần bao dung –và đa nguyên- của Aristotle thể hiện rõ ràng khi ông cho rằng không phải chỉ có một cách sống đúng; điều gì đúng cho một người chưa chắc đã đúng cho một người khác; đúng hay sai cũng tùy quan điểm cá nhân của mỗi người; không thể chỉ thuần túy dựa trên lý luận để quyết định lối sống phải có cho mọi người. Điểm nổi bật nhất của Aristotle là ông cho rằng mỗi người có một mức trung dung tối ưu riêng và chỉ có thể dò dẫm, rút kinh nghiệm, sửa sai và cải tiến. Aristotle còn giáng cho sư phụ mình một đòn ơn huệ khi ông nói rằng xét cho cùng phần lớn các giá trị đạo đức cũng chỉ là những giá trị trung gian. Dũng cảm là trung gian giữa hèn nhát và liều lĩnh, hãnh diện là trung gian giữa huênh hoang và hèn hạ v.v.
Những người phản bác Plato (và bênh Aristotle) còn đưa ra nhiều lập luận khác mà lập luận có trọng lượng nhất là trong chiều sâu Plato đã phủ nhận đạo đức đối với tuyệt đại đa số. Chỉ một thiểu số rất nhỏ có tư chất và điều kiện để trở thành những con người tuyệt hảo như Plato đòi hỏi, những người khác chỉ vâng phục, như vậy họ không tự nguyện, mà đã không tự nguyện thì không thể nói tới trách nhiệm và đạo đức. Nói chung trường phái Aristotle là trường phái tương đối, chủ quan và thực nghiệm trong khi Plato tuyệt đối, khách quan và lý thuyết. Tuyệt đối vì Plato cho rằng chỉ có một cách sống đúng cho tất cả mọi người; khách quan vì theo ông một hành động đúng hay sai là tự nó đúng hay sai chứ không phải tùy theo cách nhìn của mỗi người; lý thuyết vì ông quả quyết rằng những tiêu chuẩn đạo đức không đến từ kinh nghiệm mà có sẵn. Plato còn cho rằng cái đúng cao hơn cả thượng đế và thượng đế cũng chỉ đáng thờ nếu đúng.
Tội ác là con đẻ của ngu dốt
Tuy rất hâm mộ Aristotle và trường phái của ông nhưng càng ngày tôi càng ngả về Plato. Và một cách ngộ nghĩnh tôi ngả về phía Plato vì lý do thực nghiệm. Chính kinh nghiệm chứ không phải lý luận đã đã khiến tôi nhận định rằng tội lỗi và sự gian ác phần lớn là hậu quả của sự ngu dốt. Nhận xét rõ nét nhất là những tay độc tài hung bạo đều vô học hay ít học, dù là Hitler, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, gia đình họ Kim ở Cao Ly, Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Lê Đức Anh, Đỗ Mười v.v. Nếu hiểu biết có thể họ đã không làm những gì họ đã làm.
Trong trường hợp Việt Nam, nếu có chút kiến thức thì vào năm 1920, Hồ Chí Minh đã không say sưa tới mê sảng (theo chính lời ông kể lại) khi gặp chủ nghĩa cộng sản. Ông đã phải biết rằng chủ nghĩa này đã bị chính những người ủng hộ nó mạnh mẽ nhất lúc ban đầu -Đảng Dân Chủ Xã Hội Đức- vất bỏ từ gần một nửa thế kỷ rồi. Ít nhất ông cũng phải thận trọng chứ không thể mê cuồng đến thế. Chính sự mê muội này đã đưa Việt Nam vào thảm kịch. Những sai lầm và tội ác sau đó – tàn sát các đảng phái quốc gia, cải cách ruộng đất, nội chiến - chỉ là hậu quả của sự mê muội lúc ban đầu.
Nếu Lê Duẩn và Lê Đức Thọ biết rằng chủ nghĩa Mac-Lênin đã bị vất bỏ từ 100 năm trước (Đại hội Gotha 1875) và sắp bị lên án như một tội ác thì họ đã không huênh hoang gào thét "Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm!" sau ngày 30-4-1975 rồi thi hành chính sách bỏ tù và hạ nhục đối với miền Nam. Họ đã thực hiện hòa giải dân tộc và đi vào lịch sử một cách vinh quang thay vì làm như họ đã làm và mang tiếng xấu muôn đời.
Nếu Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười hiểu rằng dân chủ là tương lai tất yếu và họ có thể chuyển hóa về dân chủ một cách an toàn (nên nhớ Nguyễn Văn Linh đã rất được hoan nghênh lúc ban đầu khi người ta tưởng ông ta thực sự muốn thay đổi) thì họ đã không hoảng hốt đi quỵ lụy để xin đầu hàng Trung Quốc. Nếu họ biết rằng chính chế độ Trung Quốc cũng sẽ không thể trụ được v.v… Tất cả đã bắt nguồn từ sự ngu muội.
Đọc đến đây chắc nhiều vị đã nổi giận và muốn thét lên: "Ngụy biện! Chúng nó đâu có ngu, chúng nó gian ác!". Xin quí vị bình tĩnh. Tôi không phủ nhận là họ đã rất gian ác, biết mình rất sai phạm – còn tội nào lớn hơn tội gây nội chiến làm chết sáu triệu đồng bào, dâng chủ quyền cho ngoại bang?- mà vẫn làm. Chắc chắn những người lãnh đạo cộng sản trong lúc này cũng phải biết rằng tham nhũng, vơ vét, cướp đất của dân, quỵ lụy trước Bắc Kinh là nhơ nhớp nhưng vẫn làm vì gian tham. Họ biết nhiều lắm. Nhưng những "kiến thức" của họ chỉ đại loại như kiểu Lê Duẩn biết ba dòng thác cách mạng. Hay như Lê Đức Anh biết:"Mỹ âm mưu tiêu diệt ta, muốn chống lại Mỹ phải có đồng minh, đồng minh là Trung Quốc" (Hồi Ức Trần Quang Cơ). Đặc tính của những người ít học là họ thường nghĩ là mình đã biết hết rồi và phải nhẩy chồm tới kết luận vì không chịu đựng nổi sự đau nhức của lý luận. Chính sự gian tham của các quan chức hiện nay xét cho cùng cũng chỉ là sản phẩm của sự ngu muội. Họ đã không biết -như cả Plato lẫn Aristotle- thế nào là một cuộc sống xứng đáng nên đã tưởng vũng bùn nhơ của giành giật, cướp bóc, hung bạo là hạnh phúc, cao cả, vinh quang. Như thơ Nguyễn Chí Thiện:
Những đứa con của ngừng đọng tối tăm / Chúng sinh ra từ tăm tối nhiều năm / Nên chúng tưởng đêm đen là ánh sáng.
Plato có lý và Aristotle đã sai khi biện luận quá xa. Những mệnh lệnh nền tảng của đạo đức, hay những giá trị đạo đức "cấp một", những giá trị phải có,như không nói dối, không trộm cướp, không bội ước v.v. đều là những giá trị tuyệt đối chứ không có trung gian. Người ta giữ hoặc không giữ lời hứa, ăn cắp hay không ăn cắp, chứ không giữ lời hứa 50%, ăn cắp 30% v.v. Ngay cả những giá trị đạo đức "cấp hai", những giá trị nên có, như dũng cảm, tự hào, chuyên cần v.v. cũng không phải là những trung gian. Hèn nhát và liều lĩnh không phải là những thái cực của sự dũng cảm mà chỉ là hai hậu quả của sự vắng mặt của dũng cảm; cũng thế tự hào không phải là trung gian giữa vênh váo và cúi rạp, tự hào là tự hào.
Tất cả chỉ vì hèn?
Nhưng tại sao những người không có tài cũng chẳng có tâm như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn v.v. lại đã có thể lôi kéo cả một dân tộc vào một cuộc nội chiến ba mươi năm và thành công? Nếu Mặt Thật của Bùi Tín và Đèn Cù của Trần Đĩnh ra đời vào thập niên 1950 thay vì 1992 và 2014 thì lịch sử Việt Nam có thể đã khác và hàng triệu người đã không thiệt mạng. Tại sao sự thật lại chỉ được phơi bày muộn màng như thế?...Nghiêm trọng hơn, tại sao từ sau ngày 30/4/1975 đảng cộng sản dù đã thất bại thê thảm trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt, đã khiến nước ta mất chủ quyền, mất đất, mất đảo, mất biển, tụt hậu một thế kỷ so với thế giới lại có thể vẫn đứng vững và hơn thế nữa vẫn chưa có đối thủ nào đáng kể trước mặt?
Cô tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy hình như tin rằng mình đã tìm ra câu trả lời (1). Nhân nhìn tấm hình ba phụ nữ kéo bừa cô nổi đóa mạt sát bọn đàn ông con trai như sau: "Cá nhân tôi, từ những gì nhìn thấy và biết được, tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn. Không phải các anh không biết, không phải các anh không thấy. Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại.
Tôi muốn hỏi tất cả đàn ông các anh, những người đàn ông của chúng tôi, câu này: "Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?".  Rõ ràng giải đáp của cô Từ Huy là: "Đàn ông Việt Nam hèn".
Ngay sau đó cô tiến sĩ Trần Thu Dung nhập cuộc sửa lưng cô Từ Huy (2). Theo cô Thu Dung đàn ông Việt Nam kéo cày được – cô cũng trưng tấm ảnh một chàng thanh niên đang kéo cày - thì đàn bà Việt Nam cũng kéo cày được; cái nhục không phải là phụ nữ Việt Nam kéo cày mà là người Việt Nam kéo cày thay trâu trong thế kỷ 21, không phải chỉ có đàn ông con trai Việt Nam hèn mà đàn bà con gái Việt Nam cũng hèn. Nói tóm lại là cả dân tộc Việt Nam hèn. Thực ra cô Thu Dung cũng đồng ý với cô Từ Huy về nguyên nhân của thảm kịch Việt Nam, chỉ phản đối chính sách phân biệt đối xử của cô Từ Huy và đòi cho phụ nữ Việt Nam quyền được chia sẻ cái hèn với đàn ông.
Nhưng đâu là cội nguồn của cái hèn?
Tôi không muốn can thiệp vào cuộc tranh luận giữa hai nữ trí thức Hà Nội đang trong cơn indignation vertueuse (phẫn nộ vì lý do đạo đức). Tuy vậy tôi phải nhận xét là cả cô Từ Huy lẫn cô Thu Dung đều sai. Các cô ấy, rõ nét nhất là cô Từ Huy, thuộc trường phái Aristotle và chống Plato. Cũng như Aristotle, các cô ấy cho rằng người ta có thể biết mình hèn mà vẫn cứ hèn, người ta làm điều sai không phải vì không biết mình sai (Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại). Các cô ấy xổ toẹt thần tượng Plato của tôi.
Lỗi tại Aristotle. Chính cái thuyết trung dung của ông đã làm hoại loạn tất cả. Aristotle sai. Như đại đa số trí thức Việt Nam. Họ theo thuyết trung dung, nghĩa là lương thiện theo tình huống, và trên thực tế họ đã sống rất lương thiện theo tiêu chuẩn của Aristotle. Họ lương thiện trong 99% thời gian, nghĩa là trong lúc bình thường không cần chứng tỏ sự lương thiện, chỉ lưu manh 1% thời gian, vào lúc phải lương thiện. Họ dũng cảm 99% thời gian, những lúc không cần dũng cảm, chỉ hèn 1% thời gian, vào lúc phải dũng cảm.
Cái sai của Aristotle, theo tôi, là đã lẫn lộn triết với chính trị. Triết là cố gắng tìm chân lý chân chính, tuyệt đối và cao vợi, ngay cả nếu không với tới được. Triết không thỏa hiệp. Thỏa hiệp với thực tại là công việc của chính trị và hành động. Nhưng ngay cả trong chính trị và hành động người hiểu biết cũng thỏa hiệp một cách thông minh, thỏa hiệp ở mức tối thiểu cần thiết và được phép, thỏa hiệp mà không đánh mất mình chứ không thỏa hiệp một cách phản bội. Tôi vẫn tin cái xấu chủ yếu là hậu quả của ngu dốt. Tôi vẫn tán thành Plato.
Hai cô Từ Huy và Thu Dung đã nhìn thấy hiện tượng nhưng chưa nhìn thấy nguyên nhân. Sự dũng cảm không phải là một giá trị đao đức cấp một, nghĩa là tự nhiên và phải có sẵn, mà chỉ là một giá trị cấp hai, nghĩa là có thể do một điều kiện nào đó mà có hay không có. Do đó muốn trị bệnh hèn phải trị tận gốc. Mắng nhiếc không đủ.
Vậy cái gốc là gì? Xin trả lời một cách thật cụ thể, ngắn gọn và dứt khoát: cái gốc của hèn là do thiếu tổ chức. Hai cô có thể truy cập tất cả mọi khảo cứu về tâm lý xã hội. Tất cả đều khẳng định tổ chức khiến con người trở thành dũng cảm và cho phép con người hành động dũng cảm. Thí dụ trong một bệnh viện, trước một trường hợp bệnh nhân cần giải phẫu khẩn cấp nếu không chắc chắn sẽ chết trong một tương lai gần, nhưng nếu mổ thì cũng có một xác xuất khá lớn là bệnh nhân sẽ chết ngay trên bàn giải phẫu. Một bác sĩ thường không dám lấy quyết định nhưng một hội đồng y sĩ chắc chắn sẽ không lưỡng lự. Hợp quần không chỉ gây sức mạnh mà còn tạo điều kiện để con người trở thành dũng cảm, nghĩa là hết hèn. Người Việt Nam thường không biết như thế, và họ hèn vì không biết lý do khiến mình hèn.
Một người cô đơn không chỉ tự nhiên hèn mà còn nên hèn. Nếu cô Từ Huy không hèn thì cô làm được gì? Cô sẽ tháo dép, dơ cao, xông vào trụ sở trung ương đảng cộng sản? Bảo đảm là cô sẽ bị chặn bắt ngay trước khi có thể tạt dép vào mặt một cấp lãnh đạo nào, bị giam và sau đó ra tòa lãnh án tù về tội "âm mưu lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa" theo điều 79 BLHS. Nếu cô nuốt giận ngồi nhà gõ sự phẫn nộ của mình trên bàn phím thì cũng chưa chắc đã an toàn. Cô rất có thể cũng sẽ bị bắt và phạt án tù về tội "lạm dụng các quyền tự do dân chủ" theo điều 258, như Nguyễn Quang Lập, Hồng Lê Thọ và nhiều blogger khác. Muốn dũng cảm thì phải có tổ chức, không có tổ chức thì chỉ có thể hèn hoặc liều lĩnh. Người Việt Nam vẫn không hiểu như vậy. Và họ cũng không hiểu nhiều điều rất cơ bản khác.
Chính trị và đấu tranh chính trị
Trước hết họ không hiểu chính trị là gì. Trong cả ngàn năm chính trị của nước ta chỉ là một trò chơi danh vọng, và danh vọng được ban phát theo bằng cấp hoặc ơn huệ chứ không phải theo khả năng và sự hiểu biết. Những kẻ sĩ đậu những khóa thi cử vớ vẩn về Tứ Thư Ngũ Kinh chẳng liên hệ gì tới đời sống xã hội được bổ nhiệm làm tri phủ, tri huyện để "trị dân", dù hiểu biết về xã hội của họ còn thấp hơn cả người dân. Kẻ sĩ là một lớp người mà lý tưởng là được làm dụng cụ cho một bạo quyền để đàn áp quần chúng. Trong suốt dòng lịch sử chính trị chỉ là đàn áp và kẻ sĩ là những cây gậy để các vua chúa đánh đập dân chúng. Kẻ đánh biết mình đang đánh và kẻ bị đánh biết đau và thấm thía sự tàn bạo, nhưng cây gậy thì không biết suy nghĩ. Cái tâm lý dụng cụ đó vẫn còn để lại một di sản văn hóa nặng nề khiến trí thức Việt Nam đã không biết gì về chính trị lại còn tưởng là mình đã biết hết rồi và không chịu học để biết. Theo họ chính trị không cần học, ai có bằng cấp hay địa vị xã hội – dù chỉ là một bằng cấp chuyên môn hay một chức vụ hữu danh vô thực - là mặc nhiên thấy mình có đủ tư cách để nói về chính trị và làm chính trị.
Tôi đã nghe rất nhiều trí thức khoa bảng mặt mũi sáng sủa nói một cách tự nhiên "tôi không thích chính trị". Nhưng chính trị là gì? Chữ "chính trị" không có trong ngôn ngữ Việt Nam và Trung Quốc trước khi tiếp xúc với phương Tây. Nó được đặt ra để dịch chữ "politics" đã có từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng đó là cách dịch phiến diện, ẩu tả. Politics có nghĩa là việc của thành phố, hay "việc chung", bởi vì vào thời đó mỗi thành phố là một nhà nước. Nếu khi mới tiếp nhận khái niệm chính trị người ta dịch politics là "việc chung" hay "việc nước" thì các trí thức khoa bảng sẽ khó có thể nói "tôi không thích việc chung" hay "tôi không thích việc nước" mà không thấy ngượng, hoặc ít ra không dám nói một cách hãnh diện như thế.
Một số trí thức, trong đó có cả những người tự cho là hiểu biết về chính trị, còn nói một cách chắc nịch: "Chính trị là thủ đoạn, là dơ bẩn". Họ dốt đặc mà không biết mình dốt. Mới đây ông tổng thống Pháp bị tai tiếng nhiều và uy tín xuống tới sát số không chỉ vì dùng xe máy lén lút đi ăn vụng với một cô bồ nhí. Một chuyện như vậy nếu xảy ra trong giới doanh nhân, hay thể thao, hay văn nghệ sĩ, hay ngay cả trong giới giáo chức, thì sẽ chỉ là một chuyện cười và François Hollande không chừng còn được cảm tình. Nhưng dư luận đã tức giận, và ông Hollande bị mất thể diện, vì nó đã xảy ra trong môi trường chính trị, một môi trường mà đạo đức là bắt buộc. Một cách giản dị chính trị là đạo đức ứng dụng, là sự thể hiện các giá trị đạo đức trong xã hội. Đạo đức và chính trị nhắm trả lời cùng một câu hỏi phải sống và hành động như thế nào. Chỉ khác nhau ở qui mô, đạo đức tìm câu trả lời ở qui mô cá nhân trong khi chính trị tìm giải đáp ở qui mô xã hội. Cốt lõi của luật pháp là thể hiện các giá trị đạo đức trong xã hội. Vì thế mà Plato, cũng vẫn Plato, đã nói một câu để đời: "Luật vô đạo không phải là luật". Sở dĩ môi trường chính trị thường phơi bày những sự gian trá bởi vì nó không dung túng sự gian trá. Một cọng rác trong một căn nhà sạch dễ thấy hơn là trong một căn nhà đầy rác. Quan điểm "chính trị là dơ bẩn" là quan điểm của những người không hiểu chính trị và đạo đức. Một cách cụ thể tôi cũng đã quan sát và nhận thấy rằng những người nói như vậy thường chỉ có một nhân cách thấp hoặc trung bình.
Động trời hơn nữa là có những người tự nhận là đấu tranh cho dân chủ nhưng lại tuyên bố một cách hãnh diện là không tham gia một tổ chức nào cả. Nhưng đấu tranh chính trị có bao giờ là đấu tranh cá nhân đâu, nó bao giờ cũng là đấu tranh có tổ chức. Những người nói như vậy chẳng thà đừng đấu tranh. Họ phá đám hơn là đóng góp. Muốn đóng góp cho cuộc vận động dân chủ chỉ bằng hoạt động cá nhân thì phải là những người thật thông thái hoặc những nhà tư tưởng rất lớn có khả năng soi sáng cho cuộc đấu tranh, nhưng những người như vậy lại không nói có thể đấu tranh mà không cần tổ chức.
Xét cho cùng, chúng ta đã là chúng ta hiện nay - tụt hậu bi đát so với thế giới, con người vẫn chưa được nhìn nhận những quyền con người cơ bản nhất, phụ nữ phải kéo cày v.v .- cũng chỉ vì sự u mê. Đất nước ta hình như có ba loại người chính: những kẻ gian ác, những người không dám chống lại và những người không biết cách chống lại. Giải pháp là những người dám chống lại phải học hỏi để biết cách chống lại, nghĩa là đấu tranh có tổ chức. Họ sẽ dũng cảm thay vì chỉ liều lĩnh, và họ sẽ đem sự dũng cảm đến với những người hiện nay chưa dám chống lại.
Lời cuối
Tôi rất thông cảm và đồng tình với sự phẫn nộ đạo đức, cette indignation vertueuse, của hai cô Từ Huy và Thu Dung. Chỉ mong các cô hiểu rằng vấn đề không phải là hèn hay không hèn mà là có hay không có tổ chức. Vậy thì thay vì phản bác nhau hai cô nên kết hợp với nhau, rủ luôn cô Phạm Thị Hoài, cô Võ Thị Hảo và nhiều cô khác, khởi xướng một đảng diệt hèn cứu nước. Cương lĩnh của đảng nên ghi rõ là các đảng viên không chấp nhận uống café với những ai nói "không làm chính trị" hoặc "chính trị là dơ bẩn", nhất là những anh tuyên bố một cách vô tư rằng mình đấu tranh cho dân chủ nhưng "không tham gia một tổ chức nào cả". Không phải vì khinh bỉ họ - đề nghị các cô tôn trọng nhân quyền - mà để phản đối những sai lầm lỗ mãng đã kéo dài quá lâu, và gián tiếp đồng lõa với bạo quyền. (Blog ThongLuan - Tháng 12/2014)
(1) Ts guyễn Thị Từ Huy – Bao giờ các anh thôi sống  hèn? / (2) Ts Trần Thu Dung – Suy nghĩ về chữ "hèn"…

(3) Trần Mạnh Hảo: Một nền chính trị cấm đối lập là một nền chính trị tật nguyền
Đề từ : "Bạn ơi, nếu bạn triệt tiêu đối lập, bạn đã triệt tiêu chính thực tại vậy!". (Héraclite - hiền triết vĩ đại vào bậc nhất cổ Hi Lạp).
Hồi những năm 1980-1982, khi còn làm bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Sáu Dân ( Võ Văn Kiệt) thi thoảng mời một số văn nghệ sĩ, nhân sĩ, trí thức đến uống bia ở nhà nghỉ Thảo Điền ( sát sông Sài Gòn) để trò chuyện, thăm dò ý dân, hoặc nghe những góp ý, những ý kiến trái chiều…
Một lần, người viết bài này hỏi ông: "Thưa anh Sáu, có những thắc mắc, những nghi vấn, những dằn vặt thuộc lãnh vực tư tưởng rất “phản động” trong đầu tôi, nếu không được giải tỏa sẽ nguy hiểm lắm, nhân đây nhờ anh giúp được không ạ!"
Ông Sáu Dân cười: “Có gì nghiêm trọng vậy nhà thơ, xin cậu cứ nói ra, tôi đang cần nghe ý kiến trái chiều mà !”
Tôi nói: “ Thưa anh Sáu, ngay từ bé tôi đã được dạy một câu kinh Marxisme như sau : “Mọi sự vật đều được cấu thành bởi các mặt đối lập thống nhất. Dạ thưa anh, mệnh đề triết học này của phép biện chứng Marxisme còn đúng không ạ?"
Ông Sáu Dân cười hiền lành : “Đúng chớ, đấy là quy luật, mà quy luật thì luôn luôn đúng!”
Tôi lại hỏi: “Thưa anh Sáu, sự vật nói trong câu kinh điển này vừa là sự vật tinh thần lẫn sự vật vật chất phải không ạ?"
Ông Sáu nói tỉnh queo: “ Đúng !”
Tôi lại nói : “ Dạ thưa anh có một sự vật to lắm không nằm trong quy luật biện chứng : "Mọi sự vật đều được cấu thành bởi các mặt đối lập thống nhất” ạ !”
Ông Sáu Dân ngạc nhiên hỏi : “Sự vật nào vậy nhà thơ?”
Tôi mạnh dạn thưa : “ Em nói ra xin anh Sáu đừng bắt tội nha ! Đó là NỀN CHÍNH TRỊ CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM cấm đối lập về chính trị ạ! Thưa anh, như vậy thì Marx sai hay đảng ta sai ạ?”
Ông Sáu Dân ngồi lặng một lúc mới nói : “ Trần Mạnh Hảo làm khó Sáu Dân rồi nha, cái này thì trình độ tôi chưa thấu, vài bữa nữa ra trung ương họp tôi sẽ hỏi mấy giáo sư triết học Marxisme giải đáp giùm nha !”
Một nền chính trị cấm đối lập là một nền chính trị tật nguyền vậy!
Đến Thượng Đế ( Chúa Trời của đạo Do Thái, đạo Kitô…) cũng cần phải tạo ra qủy Luxife để có đối lập mà tồn tại nữa là CÁC SỰ VẬT TRÊN ĐỜI khác, trừ chế độ tuyệt đối ưu việt xã hội chủ nghĩa cấm đối lập chính trị mà thôi.
(Sài Gòn 19-12-2014, FB Tran Manh Hao)


(4) Bài viết mùa Giáng Sinh từ Bạn bè gởi:
(i) Trần Mộng Tú & Việt Ngân: Ba Đứa Trẻ ở Women Shelter
Mấy hôm trước tôi mang bốn mươi túi ăn trưa đến Women Shelter tôi thấy có ba em người da đen , một em gái độ 12 tuổi, hai em trai khoảng lên 6, lên 7, đang ngồi ăn cơm chiều ở đó. Tôi hỏi người phụ trách:
- Women Shelter nhận cả trẻ nhỏ à?
Người phụ trách cắt nghĩa:
- Không, chúng đi theo mẹ, mẹ chúng ra khỏi nhà thì chúng cũng phải ra theo.
Tôi nhìn ba đứa trẻ ngồi ăn trước hai cái khay. Một khay cơm, một khay rau không có thịt cá gì cả. Mấy miếng ớt xanh, đỏ, máy cọng xúp lơ, nguội lạnh. Ba đứa trẻ ngồi ăn ngon lành, mặt mũi tươi tỉnh. Tôi nhìn chúng cười làm quen, chúng bỏ nĩa xuống, đưa tay lên khua khua chào. Thấy chúng ăn mà xót xa. Nghĩ đến mấy đứa cháu ở nhà, cá, thịt đầy bát, Bà nói mỏi miệng mới xong bữa ăn.
Khu Shelter này là khu tạm trú qua đêm, phụ nữ tới đây check in vào 8 giờ 30 tối, check out 8 giờ sáng hôm sau. Ai đến sớm thì phải đứng đợi đúng giờ mở cửa mới được vào.
Khi có người đến xin ở qua đêm, người phụ trách dắt ra mở cửa nhà kho (là một cái shed ở góc vườn) lấy ra một miếng nệm trong đống nệm cũ kỹ ở đó mang vào phòng tập thể để ngủ. Ai đói thì có thức ăn gì trên bàn, ngồi xuống ăn. Thức ăn phần đông là do những người làm thiện nguyện mang đến cho, hôm nhiều, hôm ít, nơi đây họ không nấu nướng, chỉ có hâm lại thôi.
Tôi thường mang đến từ hai hay ba chục túi ăn trưa. Trong túi là một cái sandwich, kẹp thịt nguội, pho-mai, một phong bánh nhỏ, một quả quít hay quả cam.
Những túi ăn trưa này, sáng mai khi rời shelter, mỗi người sẽ lấy một túi cho bữa trưa của mình.
Vì không được ở lại ban ngày, nên họ cứ lang thang ở đâu đó, ngoài công viên hay một ngã tư nào, đến tối trở lại.
 Tội nghiệp những người phụ nữ này, phần đông là nạn nhân của những bạo hành trong gia đình. Ông chồng nghiện hút, hay say rượu. Cơn nghiện lên, không có tiền mua rượu, mua thuốc thì đánh vợ con. Vợ con phải tìm đường chạy trốn.
 Khổ hơn nữa là chuyện này thường xảy ra cho gia đình nghèo.Vì người giầu gặp cảnh này, vợ con vào khách sạn, họ ly dị, chia của ngay.
Đến thấy mấy đứa bé ngồi ăn chẳng có gì cả, tôi cứ buồn mãi. Tuần này ra Costco mua một tảng thịt heo to về, cắt miếng chiên vàng, cho gia vị vào, cho thêm khoai tây, cà rốt. Làm một khay to ngon, bổ cho mấy đứa trẻ.
Tối nay, nhìn đồng hồ, 8 giờ 30, là giờ mở cửa Shelter, hai vợ chồng mang khay thịt vừa nấu xong và hai mươi túi ăn trưa như thường lệ tới. Tôi định trong bụng là thấy mấy đứa trẻ hôm trước thì sẽ nói người phụ trách cho các em ăn khay thịt ngay. Nhưng buồn quá, ba đứa trẻ hôm trước không có ở đó. Hôm nay chỉ toàn người lớn.
Shelter mừng có người mang thức ăn tới, vì bao giờ họ cũng cần. Mỗi tối họ có trên dưới bốn mươi người đến ăn tối và ngủ lại. Thức ăn thì hôm nhiều, hôm ít, tùy thuộc vào những người thiện nguyện đem tới.
Tôi cứ đứng ngẩn ngơ nhìn cái bàn hôm trước có ba đứa trẻ ngồi, nhớ đến cái khay cơm, khay rau nguội lạnh chúng ăn hôm đó. Thấy mình có lỗi qúa, nếu mình làm được ngay một, hai hôm sau thì có thể gặp lại ba đứa trẻ, cho chúng ăn ngon. Mình đến cả tuần sau, trễ quá! Chúng đi mất rồi.
Mẹ chúng đem chúng đi đâu, chúng còn trở lại không nhỉ? Một tuần tôi mang thức ăn đến một lần, liệu tôi có cơ hội gặp chúng nữa không?
Tôi mong không gặp lại, bố chúng đã đi cai thuốc, cai rượu rồi, không đánh mẹ con chúng nữa. Gia đình đầm ấm, ba đứa trẻ có thức ăn ngon. Nhưng nếu bố chúng chưa cai, vẫn tiếp tục bạo hành, thì mẹ con chúng còn trở lại đây hay dắt nhau trôi dạt vào một shelter khác. Tôi mong chúng trở lại đây, tôi hứa với lòng là sẽ làm bánh Cupcake cho chúng vào Giáng Sinh này, nếu tôi còn gặp lại chúng một lần nữa. Tôi sẽ hỏi tên từng đứa và mua cho mỗi đứa một cái áo mới, đẹp, như những cái áo tôi mua cho ba đứa cháu nội, ngoại của tôi.
Cứ nghĩ chưa làm được cái gì cho ba đứa trẻ ấy mà muốn khóc.
Nhưng dù sao chăng nữa, Giáng Sinh tôi vẫn mang Cupcake đến shelter. Không gặp ba đứa trẻ hôm trước, có thể tôi sẽ gặp những đứa trẻ khác. Đứa trẻ không may mắn nào cũng mong nhận được tình thương yêu. (tmt-Mùa Giáng Sinh 2014)

(ii) Thu Lệ Chi: Đêm Thánh Vô Cùng
Đêm Giáng sinh một trời sao tỏa sáng
Chuông giáo đường rộn rã giữa thiêng liêng
Ơn Thiên Chúa, dẫu con người ngoại đạo
Xin nguyện cầu cho thế giới bình yên
          Quê hương đó đã bên bờ vực thẳm
          Một giang san gấm vóc bốn nghìn năm
          Giặc phương Bắc đang chực chờ xâm lấn
          Người nước Nam đau khổ những thăng trầm
Con cầu xin Đấng vô cùng Thượng Đế
Hãy dang tay cứu vớt những sinh linh
Một dân tộc đã muôn đời thống khổ
Xin được ngày ánh sáng quang vinh
          Tiếng kinh nhạc vang bên trời huyền diệu
          Người tha hương quán trọ rủ phong trần
          Quên đi hết con đường xa vạn lý
          Lòng tĩnh lặng một đêm Thánh vô cùng

(iii) Huy Uyên: Gởi tình về xóm đạo
Em dấu trong tôi sầu-vạn-cổ
đường về xa lắm Hạnh-Hoa thôn
thập tự giáo đường chiều chao gió
Noel này có lẻ em buồn .
          Bỏ Quảng-trị đi bao nhiêu năm
          bão-tố đời , nơi xa em có biết
          lạnh đêm đông ngày Giáng-sinh
          ba-ngôi cao xa rồi biền biệt
          nước mắt chạy quanh ngày Chúa bỏ mình .
Phố cũ Trí-Bưu đèn chiếc bóng
đường về heo hút lối Hạnh-Hoa
bến sông quê dòng nước đã sang mùa
lạy Chúa Jesus, lời kinh em cầu nguyện .
          Kể từ xa nhau mùa Thánh-vọng
          Tôi cầm trong tay kỹ-niệm ra đi
          người đàn ông xưa trái tim của rắn
          ngọn nến Noel đốt cháy tuổi xuân thì .
Quán trọ đông gió lạnh thổi về
tội tim ai treo đầu ghềnh đá sỏi
cả đời tôi một thuở hoang mê
quỳ bên em lòng đầy lỗi tội .
          Bethlehem chuyến xe đêm thánh lể
          còn lại chăng bước tuần-lộc bơ vơ
          tuyết lạ lẫm trắng,tình em nhỏ bé
          Chúa thương chúng con chưa tới bến bờ .
Hạnh-phúc ba ngôi,trần gian Amen
hai mắt long lanh đêm nhung nhớ
đi qua sân quạnh vắng giáo-đường
gởi về Hạnh-Hoa tình người xưa cũ .
          Trên cao trời sao nhấp nháy
          nữa đêm giáng-sinh em khấn nguyện, cầu 
          Hạnh-Hoa-thôn mùa này vào hội
          tan lễ rồi ta có mãi bên nhau ...(Noel 2014)

(iv) Trần Vấn Lệ: Cầm Ô Đi Trong Đêm Noel
Mưa hồi hai giờ chiều. Buổi xế. / Chim không thể về vì mưa cứ mưa.
Tối hôm nay chim làm khách lữ. / Chim ở đâu? Quán trọ hay lầu mơ?
          Thế là sáng mai không nghe chim hót. / Chuông Nhà Thờ giòn giã Noel.
          Đêm Chúa xuống đời sợ mưa còn nặng hạt. / Chim thế nào? Có ngủ đuợc ngon đêm?
Mưa hồi hai giờ chiều, ba, bốn giờ, còn mưa, mưa mãi. / Mưa không nhiều và gió cũng chẳng bao nhiêu.
Tôi nhớ chim, nhớ những đôi mắt ấy: / trong veo trời, trong vắt tình yêu!
          Tôi cũng nhớ em, nhiều hơn mưa đó nhé. / Đố ai mà đếm được giọt mưa rơi!
          Em cứ yên tâm cầm ô đi “xin Lễ”, / khấn giùm nha: Người Sống Để Thương Người!
Tôi tin em, lời cầu xin toại nguyện. /  Tôi tin đời, mai nắng rực bình minh.
Chim lại hót những bài ca lưu luyến /  vang vang trên những nhánh trúc trên Đình!
          Mình đi qua Đình mình đừng quên ngả nón, / cũng đừng quên đưa tay chỉ ngói Đình.
          Và, cũng đừng quên có một chiều mưa rất muộn, / lần đầu tiên mình ngó nhau, làm thinh…
Một ngày của tôi, thêm một ngày sắp hết, / nhớ người yêu đem mưa vào thơ.
Đem cả tiếng chuông Nhà Thờ vào thơ cho đẹp…/  bởi vì em đêm nay đi “xin Lễ” cầm ô…

(v) Hồ Chí Bửu: Giáng Sinh xưa
Ta đi tìm nhau như nốt nhạc buồn
Ta đến với nhau bằng nốt nhạc đau
Buồn hay đau đều là cung trầm lắng
Noel nào – tay hai đứa đan nhau..
          Bài Silent Night còn vang đâu đó
          Váy em xanh- điểm thêm tuyết trắng ngần
          Hang Belem em chấp tay cầu nguyện
          Cho chuyện tình mình được nhận hồng ân
Chiến tranh nổ ra- em làm người xa xứ
Ta lăn mình vào một cuộc chiến chinh
Tình trôi dạt theo chân người lữ thứ
Chuyện nước non lớn hơn chuyện chúng mình.
          Ta vô lý giết nhau mà không hiểu
          Chỉ làm đom đóm cho một hào quang
          Ta bỏ súng- như một màn trình diễn
          Phủi sạch tay- thêm một chút điêu tàn.
Ta co rúm- không phải vì đêm lạnh
Chỉ hận cho mình không theo em ra đi
Để tình mình tan dần trong hiu quạnh
Mùa Noel- ta còn lại những gì ?
          Không xem lễ- ta muốn làm người ngoại đạo
          Ta mất em- như mất đạo đời mình
          Lang thang ngoài phố vui cuộc vui thiên hạ
          Thế cũng đủ rồi- một đêm Giang Sinh !. (22.12.14)
............................................................................................................
Kính,
Nguyễn Nam Sơn

Không có nhận xét nào: