Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

Lá Thư Úc Châu - Nguyễn Nam Sơn


(1) Ts Nguyễn Hưng Quốc: Malala Yousafzai - nguồn cảm hứng của giới trẻ
Ngày 9 tháng 10 năm 2012, trên một chiếc xe buýt, Malala Yousafzai (sinh năm 1997) và các bạn cùng nhau chuyện trò và hát hò với các thầy cô giáo. Vừa mới thi cuối học kỳ, ai cũng vui vẻ. Nhưng khi chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora, Pakistan thì có hai người đàn ông cầm súng chận lại. Chúng bước lên xe, hỏi: “Đứa nào là Malala Yousafzai?” Mọi người đều im lặng, nhưng một cách tự phát, một số em quay nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai tên sát thủ nhận diện ra ngay được Malala. Không nói không rằng, một tên giơ súng lên, chĩa thẳng vào em. “Đoành! Đoành”. Hai phát súng vang lên khô khốc. Một phát trúng đầu và một phát trúng cổ. Sẵn trớn, tên sát thủ bấm cò, bắn thêm hai phát nữa vào đám bạn của Malala khiến hai em bị thương. Xong, chúng xuống xe. Và tẩu thoát.
Hai tên sát thủ ấy thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban vốn hoạt động rất mạnh trong khu vực Mingaro, Pakistan.
Vấn đề là: Tại sao các tên Hồi giáo quá khích lại muốn giết một nữ sinh mới 15 tuổi như vậy? Lý do: Taliban ra lệnh cấm toàn bộ phụ nữ đến trường và tham gia các hoạt động xã hội. Với chúng, phụ nữ, từ trẻ em đến người lớn, không cần biết chữ và chỉ được phép quanh quẩn trong nhà. Mà Malala lại không chấp nhận điều đó. Em vẫn bướng bỉnh đến trường, hơn nữa, còn cổ vũ các bạn nữ của mình đến trường.
Việc cổ vũ của Malala có tầm ảnh hưởng rất rộng, khi em, vào năm 2009, lúc mới 12 tuổi, nhận viết blog cho đài BBC tại Anh. Trong các bài viết, Malala mô tả cuộc sống tại quê nhà của em, Swat Valley, nơi Taliban đang chiếm đóng.
Em hô hào việc phổ cập giáo dục cho phụ nữ, một điều trái với chủ trương của Taliban. Năm sau, báo New York Times cử phóng viên Adam B. Ellick sang Pakistan làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời của em, từ đó, tên tuổi em vang dội khắp nơi như một nhà hoạt động nhân quyền, đặc biệt nữ quyền trong một quốc gia Hồi giáo. Chính vì thế, Taliban xem em như một kẻ thù và ra lệnh phải hạ sát em. Bản án tử hình em được đăng tải rộng rãi trên báo chí địa phương, thậm chí, còn được nhét dưới cửa nhà em. Cảnh giác, nhưng Malala không hề sợ hãi. Em vẫn tiếp tục đến trường và tiếp tục vận động các bạn gái của mình đi học. Hậu quả là em bị bắn trên chuyến xe buýt của trường.
May, dù bị trọng thương nhưng em vẫn không chết. Các bác sĩ Pakistan đã tận tình cứu chữa cho em qua khỏi cơn nguy hiểm ban đầu. Nhiều bệnh viện lớn ở Tây phương hứa sẽ điều trị cho em. Gia đình em chọn bệnh viện Queen Elisabeth Hospital Birmingham ở Anh, nơi nổi tiếng điều trị các quân nhân bị thương tật. Sau mấy tháng nằm viện, sức khoẻ của em được khôi phục. Đầu năm 2013, em đi học trở lại tại Birmingham. Hơn nữa, em lại tiếp tục cuộc vận động cho quyền được đi học của phụ nữ. Tháng 7 năm 2013, Malala được mời nói chuyện tại trụ sở Liên Hiệp Quốc về vấn đề phổ cập giáo dục; tháng 5, 2013, em được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của trường University of King’s College tại Halifax, Canada; mấy tháng sau, nhận được giải Sakharov về tự do tư tưởng của Quốc hội Âu châu. Dần dần em trở thành một thiếu niên (teenager) nổi tiếng nhất trên thế giới. Khẩu hiệu “Tôi là Malala” (I am Malala) xuất hiện trong hầu hết các cuộc vận động giáo dục cho nữ giới, kể cả chiến dịch phổ cập giáo dục do Uỷ ban Giáo dục Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tổ chức. Báo Times, số ra ngày 29 tháng 4 năm 2013 xếp Malala vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới, ở đó, hình của em được đăng ngay trên trang bìa.
Và bây giờ, em nhận được giải Nobel Hoà bình (cùng với Kailash Satayarthi, người Ấn Độ). Ở tuổi 17, em là người nhận giải Nobel trẻ nhất trong lịch sử hơn trăm năm của giải thưởng có uy tín nhất thế giới này.
Qua báo chí Tây phương, người ta nhận thấy phản ứng đối với Nobel Hòa bình năm nay khá tốt. Hầu hết đều cho Malala (và Kailsh Satayarthi) xứng đáng. Em không những thông minh và dũng cảm mà còn là người có viễn kiến về một tương lai nhân loại bình đẳng, nơi mọi trẻ em, bất kể nam hay nữ, giàu hay nghèo, đều có cơ hội học tập. Nhưng quan trọng hơn hết, qua việc trao giải thưởng này, tấm gương của Malala càng sáng rực, trở thành nguồn ý thức và nguồn cảm hứng cho nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Thứ nhất, nó nhắc nhở mọi người về tội ác dã man của Taliban, nhóm Hồi giáo cực đoan lâu nay vẫn gieo rắc kinh hoàng ở khắp nơi. Thường, người ta vẫn biết tội ác của nhóm này. Nhưng cũng thường, bận bịu với những lo toan trong đời sống hàng ngày, người ta dễ quên bẵng đi. Taliban dường như thuộc về một thế giới khác. Cách đây hai năm, trước sự việc một cô bé ngây thơ, mới 15 tuổi đầu, bị bắn một cách tàn nhẫn như vậy, người ta mới sững sờ và thấm thía hơn về tính chất man rợ của những kẻ cuồng tín.
Càng thương Malala bao nhiêu, người ta càng căm ghét Taliban cũng như các lực lượng Hồi giáo cuồng tín bấy nhiêu. Lần đầu tiên tại Pakistan, tất cả các đảng phái chính trị cũng như các tôn giáo đều thống nhất với nhau trong việc lên án hành động vô nhân đạo của Taliban và cùng cầu nguyện cho em Malala. Phát biểu trước bệnh viện Birmingham ở Anh trong chuyến thăm viếng Malala đang được điều trị, ông Yousafzai, bố của Malala, tuyên bố: “Khi Malala ngã xuống, nước Pakistan đứng dậy và cả thế giới trỗi lên.”
Bây giờ, với giải Nobel hòa bình dành cho Malala, người ta càng nhận ra nhu cầu đoàn kết với nhau để chống lại những kẻ cuồng tín và chà đạp lên những quyền căn bản của con người.
Thứ hai, tấm gương của Malala khuyến khích giới phụ nữ lên tiếng để tranh đấu cho quyền lợi và phẩm giá của họ. Ở vào thời điểm đầu thế kỷ 21, ở khá nhiều quốc gia, phụ nữ vẫn bị bóc lột và áp bức không khác gì thời trung cổ. Sự đàn áp phụ nữ, ở nhiều nơi, mang màu sắc tôn giáo. Người ở ngoài lên tiếng phê phán dễ bị cho là kỳ thị. Malala thì khác: Em theo đạo Hồi. Tiếng nói của em là tiếng nói của người trong cuộc, do đó, dễ có sức thuyết phục hơn.
Cuối cùng, không chừng quan trọng nhất, tấm gương của Malala cổ vũ cho những người trẻ tuổi tự tin hơn trong việc dấn thân vào các hoạt động làm thay đổi xã hội, thậm chí, thế giới. Malala hiện nay mới 17 tuổi. Em tham gia vào hoạt động tranh đấu cho quyền đi học của nữ giới lúc mới 11, 12 tuổi. Dạo ấy, có lẽ hiếm có người tin tưởng là em có thể làm nên được việc gì. Vậy mà em lại làm được. Hơn nữa, em hoàn toàn không có điều kiện thuận lợi nào cả. Sinh ra ở một miền quê nghèo khổ, để tranh đấu, em phải đối diện với bao nhiêu nguy hiểm. Vậy mà em vẫn vượt qua được.
Cùng với tấm gương của Josua Wong trong cuộc biểu tình tại Hong Kong mấy tuần qua, Malala Yousafzai là nguồn cổ vũ lớn cho giới trẻ ở khắp nơi trên thế giới, trong đó, có cả Việt Nam.

(2) Gs Vương Trí Nhàn: Mấy điều vân vi khi nhớ lại một lời ai điếu vay mượn
Hồi tướng Giáp qua đời, giáo sư Vũ Khiêu có mấy câu khóc thảm thiết bằng văn chương, khiến nhiều người cảm động, trong đó có đoạn: “Sinh ra tôi là cha mẹ, hiểu biết tôi lại là anh. Tấm lòng tri ngộ ấy tôi biết lấy gì báo đáp? Mấy hôm nay tôi ngồi khóc viết mấy lời trên, từ đỉnh trời cao anh có thấu hiểu lòng tôi?”
Không hiểu sao lúc ấy tôi đọc đã ngờ ngợ, hình như cách nói này mình đã được nghe ở đâu đó. Cho tới mấy hôm đi lục sách báo cũ ở Sài Gòn, thấy có cuốn Thành ngữ điển tích của Diên Hương, NXB Tổng Hợp Đồng Tháp 1992, trong đó ở mục TRI KỶ có ghi lại mối tình bạn giữa hai nhân vật thời Đông Chu bên Tầu là Bão Thúc Nha và Quản Trọng. Bão Thúc Nha là người từ nhỏ đã buôn chung với Quản Trọng sau lại là người giúp Quản Trọng rất nhiều trên đường công danh. Tổng kết lại, Quản Trọng bảo: “Cho nên ta biết rằng sinh ra ta là cha mẹ ta, còn biết ta là Bão Tử mà thôi”.
Lúc lên mạng, ở mục Quản Trọng và Bão Thúc Nha, thấy các bài đều có ghi lại mẩu chuyện trên và cái câu nói có cánh dẫn trên. Đây là một địa chỉ:
http://vietnamese.cri.cn/chinaa…/chapter17/chapter170406.htm
Nhìn sự việc dưới góc độ lịch sử văn hóa, xin phép được bình luận thêm:
1/ Đầu tiên  tôi chỉ nghĩ cụ giáo sư khinh bọn hậu sinh quá. Sau nghĩ thế là cụ khinh thường cả cái dư luận ở xứ mình, nên cũng không lấy gì làm buồn nữa. Rồi nghĩ tiếp “Tài liệu trên mạng còn ghi Vũ Khiêu sinh 1916. Ở tuổi ấy, người ta đã già, dễ quên, dễ lẫn”.  Có thể nêu một giả thiết như thế về lời ai điếu ở trên chăng? Cũng đã tuổi ngoại bẩy mươi, tôi muốn chúng ta cùng có một cái nhìn  thông cảm như vậy. Còn như, nếu xét về lý, trong trường hợp này, phải quy trách nhiệm của  cả giới làm văn làm báo nước ta. Lẽ nào trong việc công bố một ý tưởng như trên vừa dẫn các nhà biên tập ở đài ở báo đều vô can?
Rộng hơn trường hợp Vũ Khiêu, cần phải nghĩ chung về các bậc thầy văn hóa VN hôm nay. Cả họ nữa, họ cũng phải chịu trách nhiệm về những dốt nát và vay mượn của các thế hệ tiếp theo.
Từ xưa đã thế, nhiều người Trung Quốc, ở cả đại lục lẫn hải ngoại, rất giỏi tiếng Việt và thường xuyên theo dõi sinh hoạt tinh thần ở VN. Anh Tạ Ngọc Liễn ở Viện Sử có lần nói với tôi là riêng ở Đại học Trịnh Châu tỉnh Hà Nam (một tỉnh có các thành phố kinh đô cổ Lạc Dương và Khai Phong), đã có khoảng 500 nhà nghiên cứu Trung Quốc chuyên về Việt Nam học.
Đọc những lời ai điếu loại như của Vũ Khiêu, họ sẽ nghĩ về giới trí thức VN, và cả văn hóa VN xưa và nay ra sao? Liệu chúng ta có đủ sức bác bỏ những kết luận của họ không?
2/ Cũng theo hướng suy diễn rộng ra một chút, tôi nhớ tới hai trường hợp.  Một là câu thơ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa của Cao Bá Quát. Và hai là  bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày 
 Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Khi có người tố lên rằng thật ra đó là những câu thơ Trung Hoa cổ được vay mượn nguyên văn hoặc được dịch lại, thì nhiều người lý sự thế này:
-- Cỡ như Cao Bá Quát không thể có chuyện vay mượn được.
-- Nông thôn Việt Nam là thành lũy của tinh thần ‘phi Hán hóa’ ở người Việt, không thể có chuyện ca dao về làm ruộng lại dịch từ Trung Quốc được.
May quá có thêm trường hợp Vũ Khiêu. Đến trong thời đại kỹ thuật tra cứu phát triển như hiện nay mà còn có chuyện nhầm lẫn, thì nhìn vào người xưa, có thấy điều tương tự, cũng không phải lạ.
Anh Dương Trung Quốc có lần bảo tôi, thời phong kiến, có hai thứ hàng các vị quan chức( = các trí thức lớn của đất nước) đi sứ được mang về là sách và thuốc. Nhưng nhớ có lần đọc Đại Việt sử ký toàn thư, thấy có chuyện có mấy cuốn sách sứ Tầu mang biếu, vua cho các quan mượn xem, có nhiều ông giữ lại luôn làm của riêng. Chắc về làm tài liệu để chọe nhau. (Lúc này tôi không tra cứu kịp để ghi lại số trang Đại Việt sử ký toàn thư có chép chi tiết trên, xin hẹn dịp khác).
Trong văn học hiện đại, nhà văn Nguyễn Đình Thi của chúng tôi nổi tiếng là người thông thạo văn hóa thế giới, mỗi lần nghĩ tới ông tôi cứ thấy xấu hổ cho các thế hệ về sau. Nhưng trong một lần hơi say say, nhà văn Kim Lân nói với tôi về ông Thi:
- Ừ thì người anh em ăn nói viết lách Tây cũng phải chịu thật. Nhưng tôi ngờ là có khối thứ bố ấy đọc, bố ấy khoắng luôn, rồi đưa vào thơ vào truyện. Bố ai biết được ma ăn cỗ.
Tôi không rõ đầu đuôi thế nào, chỉ nhân câu chuyện về Vũ Khiêu nên chép lại ở đây. (V.T.N / Blog vuongtrinhan)  

(3) Sử gia Trần Gia Phụng: Trộm thơ
Hồ Chí Minh (HCM) được chế độ cộng sản (CS) xem là một nhà thơ lớn. Các giáo sư, các nhà nghiên cứu văn học CS thi nhau bốc thơm. Trong các kỳ thi trung học dưới mái trường CS, thơ HCM thường được đưa ra làm đề tài cho các em học sinh bình giải. Theo viện Văn học Hà Nội, thi phẩm vĩ đại nhất của HCM là quyển Ngục trung nhật ký viết bằng chữ Hán, xuất bản tại Hà Nội năm 1960, gồm 132 bài thơ, đại đa số là tứ tuyệt (thơ 4 câu 7 chữ). Viện nầy cho biết HCM “đã viết trong cảnh lao tù từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943”. (Lê Hữu Mục trích dẫn, Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký”, Toronto: Văn Bút Hải Ngoại, 1990, tt. 12-13.) Ngục trung nhật ký đã được dịch qua chữ Việt, phát hành hàng trăm ngàn bản ở trong nước và cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở hải ngoại.
Nhà nghiên cứu Lê Hữu Mục, nguyên là giáo sư văn chương Việt Nam tại Đại học Văn khoa Huế và Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau năm 1975 định cư tại Montreal, Canada, đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng tập thơ nầy và chứng minh rằng đa số các bài thơ trong Ngục trung nhật ký do một người Trung Hoa tên là “Già Lý” sáng tác, và chỉ có khoảng trên dưới 10 bài tứ tuyệt là của HCM. (Lê Hữu Mục, sđd. tr. 112.) (“Ông già họ Lý” là người bị giam chung với HCM vào đầu thập niên 30 tại khám lớn Victoria ở Hồng Kông.)
Giáo sư Lê Hữu Mục đã phân tách tỉ mỉ tác phẩm nầy và đưa ra nhận xét như sau: “Phần phân tích ở trên chứng thực già Lý là chủ nhân của những bài thơ xây dựng theo kĩ thuật thơ Đường; những bài thơ nầy chiếm hết ba phần tư tác phẩm. Phần còn lại có thể coi là của Hồ Chí Minh. Tôi chỉ nói là có thể vì tôi không khẳng định được rõ ràng bài thơ nào đích thực là của Hồ Chí Minh, bài thơ nào thuộc về các tác giả khác.” (Lê Hữu Mục, sđd. tr. 94.)
Chỉ cần nhìn sơ qua hình bìa nguyên bản quyển Ngục trung nhật ký cũng đã thấy mâu thuẫn ngay từ đầu. Tấm bìa nguyên thủy của sách nầy ghi rõ ngày, tháng và năm sáng tác là 29-8-1932 / 10-9-1933, trong khi Viện Văn học cho rằng HCM sáng tác tập thơ nầy trong hai năm 1942 và 1943.
Ngoài những nghiên cứu của giáo sư Lê Hữu Mục, còn có những phát hiện khá thú vị khác về tài cóp thơ hoặc là trộm thơ của người khác của HCM. Ví dụ trong tuyển tập Quốc Học, trường tôi do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tại Huế năm 1996, có đăng bài thơ “Tầm hữu vị ngộ” của HCM. Tuyển tập nầy chú giải rằng bài thơ “Tầm hữu vị ngộ” là của HCM gởi cho Võ Nguyên Giáp năm 1954, và “mới được phát hiện”. Giáo sư Tuệ Quang Tôn Thất Tuệ, trong bài “Ai là tác giả bài Tầm hữu vị ngộ?”, tạp chí Hương Văn, California, số 5, tháng 2-1999, tt. 91-96, cho rằng nếu bài thơ nầy của một lãnh tụ (HCM) tặng cho một viên tướng (Võ Nguyên Giáp), được sáng tác năm 1954, cả hai đang cầm quyền và cầm quân, mà sao đến năm 1990 mới được phát hiện? Hai người nầy đều là những nhân vật quan trọng đầu não của chế độ CS, mà sao bài thơ có thể thất lạc một thời gian dài (1954-1990)? Giáo sư Tuệ Quang đi sâu vào chi tiết bài thơ và nhận xét: “Tóm lại, bài thơ “Tầm hữu vị ngộ”, xét về hình thức lẫn nội dung, không phù hợp với thi cách và khuynh hướng của ông Hồ”.
Hai câu chuyện trên đây còn đang được tranh cãi, nhưng qua đến câu chuyện bài thơ dưới đây thì có lẽ khó cãi. Số là trong sách Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội in lần thứ hai, năm 2000, trang 101, đăng bản phiên âm bài thơ bằng chữ Hán của HCM gởi cho trung tướng Trần Canh (sau lên đại tướng). Bài thơ nầy còn được in trong sách Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, Hà Nội: Nxb. Văn Học, 1990, tt. 39-40. Nguyên văn bản phiên âm bài thơ như sau:
TẶNG TRẦN CANH ĐỒNG CHÍ
Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.
Bản dịch nghĩa của sách nầy:
TẶNG ĐỒNG CHÍ TRẦN CANH
Rượu ngọt “sâm banh” trong chén ngọc dạ quang / Sắp uống, tỳ bà trên ngựa đã giục giã
Say sưa nằm lăn nơi sa trường, anh đừng cười nhé! / Chớ để một tên địch nào trở về.
(Theo đúng nguyên văn trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 tr. 101.)
Trần Canh (Chen Geng) lúc đó là một viên trung tướng thân cận của Mao Trạch Đông, đang là ủy viên dự khuyết ban Chấp hành Trung ương đảng CSTQ, tư lệnh quân khu Vân Nam kiêm chính ủy binh đoàn số 4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vân Nam. Hồ Chí Minh trực tiếp xin Mao Trạch Đông gởi Trần Canh qua làm cố vấn quân sự cho Việt Minh (VM).
Theo lệnh Mao Trạch Đông, Trần Canh đến Thái Nguyên gặp HCM vào cuối tháng 7-1950. Trong chiến dịch biên giới, Võ Nguyên Giáp dự tính tấn công Cao Bằng, nhưng Trần Canh chủ trương đánh Đông Khê. Theo Trần Canh, địa thế Cao Bằng hiểm trở, công sự phòng thủ kiên cố và quân Pháp ở đây đông, nên khó tấn công. Trong khi đó, Đông Khê tuy nhỏ, nhưng giữ một vị trí chiến lược quan trọng trên phòng tuyến giữa Cao Bằng và Lạng Sơn; quân Pháp ở đây ít, dễ tấn công hơn. Cuối cùng, VM vâng theo ý kiến của Trần Canh.
Ngày 16-9-1950, VM dùng chiến thuật biển người theo kiểu Trung Cộng, tung khoảng 10,000 quân tấn công Đông Khê, một cứ điểm nhỏ do 260 quân Pháp trấn giữ. Đông Khê ở phía đông nam Cao Bằng, phía bắc Thất Khê. (Thất Khê ở phía tây bắc Lạng Sơn). Sau ba đêm và hai ngày kịch chiến (16 đến 18-9-1950), VM chiếm Đông Khê. Trận Đông Khê là trận thắng đầu tiên của VM, cô lập Cao Bằng và cắt đứt tỉnh lộ số 4, nối Cao Bằng với Lạng Sơn. Sau trận nầy, Trần Canh còn cố vấn cho Võ Nguyên Giáp thi hành kế hoạch “công đồn đả viện”, chận đánh riêng biệt hai cánh quân do hai trung tá Pháp chỉ huy. Cánh quân của trung tá Marcel Lepage rời Thất Khê tiến lên Đông Khê, bị VM phục kích ở Cốc Xá (nam Đồng Khê) ngày 8-10-1950. Trong khi đó, đơn vị của trung tá Pierre Charton rút khỏi Cao Bằng ngày 3-10-1950, cũng bị VM phục kích ngày 10-10-1950 tại đồi 477, tây nam Đông Khê. Trong hai trận nầy, số quân Pháp vừa tử trận, vừa bị bắt làm tù binh lên đến 4,000 binh sĩ, 354 hạ sĩ quan và 98 sĩ quan, trong đó có hai sĩ quan cấp trung tá. Đây là trận thất bại nặng nề đầu tiên của Pháp kể từ khi chiến tranh bắt đầu năm 1946. Ngoài số thương vong và thất thoát võ khí trên đất, lần đầu tiên 15 chiến đấu cơ của Pháp bị súng cao xạ của VM do Trung Cộng viện trợ, bắn hạ. Ngược lại, hai cuộc phục kích nầy là chiến thắng lớn lao nhất của VM từ năm 1946, hoàn toàn do quyết định của tướng TC.
Theo ghi chú dưới bài thơ HCM tặng Trần Canh trong sách Hồ Chí Minh toàn tập tập 6, tr. 101, thì HCM gởi bài thơ nầy cho Trần Canh trước ngày 9-10-1950, nghĩa là HCM chúc mừng Trần Canh sau trận thắng Đông Khê ngày 18-9-1950, nhưng trước hai trận VM phục kích ở phía nam Đông Khê tháng 10-1950. Đọc bài thơ nầy, ai cũng cảm thấy phảng phát âm hưởng bài thơ rất nổi tiếng của Vương Hàn đời Đường bên Trung Hoa là bài “Lương Châu từ”, được phiên âm như sau:
LƯƠNG CHÂU TỪ
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi / Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Trần Trọng San dịch:
BÀI HÁT LƯƠNG CHÂU
Rượu bồ đào, chén dạ quang / Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi
Sa trường say ngủ ai cười / Từ xưa chinh chiến may người về đâu?
So sánh hai bài thơ tứ tuyệt “Tặng đồng chí Trần Canh” của HCM và “Bài hát Lương Châu” của Vương Hàn, cách nhau cả hơn một ngàn năm, mỗi bài thơ chỉ có 28 chữ, mà hai bài thơ chỉ khác nhau có 7 chữ. Đó là hai chữ đầu bài thơ (“bồ đào” thay bằng “hương tân” tức rượu champagne; và năm chữ câu cuối). Còn hai câu giữa hoàn toàn giống nhau, nghĩa là hết ba phần tư (3/4) bài thơ nguyên là của bài “Lương Châu từ” của Vương Hàn. Câu kết bài thơ HCM tặng Trần Canh trong tổng thể cả bốn câu của bài thơ, thật là vô duyên và lại lạc đề, vì ý nghĩa câu nầy chẳng ăn nhập gì đến ý nghĩa ba câu trên của bài thơ. Ba câu trên đang nói chuyện uống rượu trong một cái chén dạ quang sang trọng, phải vội vàng ra đi theo tiếng nhạc xuất quân, dù có say sưa ngoài chiến trường thi xin mọi người đừng cười… Bài thơ đang đến hồi sảng khoái, hào hùng thì HCM lại kết luận trật chìa một cách vô duyên, chẳng có hồn thơ, làm mất hứng thơ: “Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi”. (Chớ để một tên địch nào trở về). Đang nói chuyện xin đừng cười kẻ lỡ say ngoài chiến trường sao mà “chớ để một tên địch nào trở về”, thì thật là lãng nhách. Trong khi đó, câu kết của Vương Hàn “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Từ xưa chinh chiến mấy người về), vừa hào hùng phù hợp với ý tưởng ba câu thơ trên, vừa là tâm trạng của những chiến binh xông pha trận mạc, biết rằng chiến tranh có những rủi ro không sao đoán trước được, nên từ xưa đến nay, những người ra đi xông pha chiến trận, thì mấy người trở về? Vì vậy mới xin đừng cười kẻ lỡ say trên đường ra trận. Lời thơ trong câu kết của Vương Hàn vang lên như là một điệu nhạc vừa hùng tráng và cũng vừa bi ai. (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.)
Trừ trường hợp Trần Canh là người dốt nát, không biết đọc chữ thì Trần Canh mới không phát hiện được HCM chép lại thơ Vương Hàn. Tuy nhiên, Trần Canh là người đã từng đủ điều kiện để theo học khóa 1 trường võ bị Hoàng Phố (Quảng Châu) tháng 5-1924, nổi tiếng học giỏi và được mệnh danh là một trong ba nhân tài của Hoàng Phố (Hoàng Phố tam kiệt), đã từng là hiệu trưởng trường Lục quân Bành Dương, đã lên tới cấp trung tướng, đang giữ chức tư lệnh quân khu Vân Nam kiêm chính ủy binh đoàn số 4, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vân Nam. Chắc chắn Trần Canh có một trình độ học vấn căn bản và vốn là một quân nhân, Trần Canh phải biết bài thơ trứ danh về chiến tranh của Vương Hàn, nhất là hai câu chót: “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu / Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, hầu như là hai câu nằm lòng của giới nhà binh. Nay HCM lại “múa rìu qua mắt thợ”, lấy nguyên văn hai câu thơ của Vương Hàn làm quà tặng cho đồng hương con cháu của Vương Hàn. Trần Canh nghĩ sao về việc nầy?
Phải chăng đây là thơ “tập cổ” theo lối người xưa? Nếu tập cổ thì mượn một câu chứ không mượn 3/4 bài, và ít nhất khi in lại cũng ghi là thơ tập cổ từ thơ của ai? Hay đây là lối đánh lận con đen trí trá cố hữu của HCM? Nếu ai biết thì chối là thơ tập cổ, nếu ai không biết thì khoe là thơ của HCM và đăng vào sách, lưu truyền về sau. Ngày nay, chỉ cần chép nguyên văn một câu của người khác mà không đề xuất xứ, thì bị ghép vào tội đạo văn, ăn cắp thơ. Trong bài thơ nầy, HCM ăn cắp những ba phần tư (3/4) bài thơ của Vương Hàn.
Đúng là HCM, chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức nhà nước cộng sản Bắc Việt Nam, xứng đáng là chủ tịch trộm thơ liều lĩnh. Thế mà đảng CSVN luôn luôn kêu gọi học tập đạo đức HCM tức là học luôn cách trộm thơ hay trộm công trình sáng tác của người khác. Có thể do nhờ học tập đạo đức kiểu đó nên viên hiệu phó Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã đạo văn luận án tiến sĩ của người khác. Chỉ khác một điều là vào đầu năm nay (2014) có người tố cáo viên hiệu phó ăn cắp sở hữu trí tuệ của người khác, mà chẳng ai chịu tố cáo HCM đã trộm thơ của người khác. Nếu viên hiệu phó Đại Học Bách Khoa Hà Nội công khai thừa nhận đã trộm luận văn của người khác vì đã học theo gương đạo đức HCM, thì hy vọng có thể khỏi bị truy tố. Chẳng những trộm thơ, mà HCM còn trộm tư tưởng của người khác. Ví dụ rõ nét nhất còn được các trường học ở Việt Nam hiện nay truyền tụng như là tư tưởng HCM, là câu mà HCM đã phát biểu trong cuộc học tập chính trị khoảng hơn 3,000 giáo viên ngày 13-9-1958 tại Hà Nội: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” (Báo Nhân Dân ngày 14-9-1958.) Câu nầy, HCM ăn cắp nguyên ý của Quản Trọng, tể tướng ngước Tề thời Xuân Thu (722-479 trước CN). Quản Trọng nói: “Nhất niên chi kế tại ư thụ cốc; thập niên chi kế tại ư thụ mộc; bách niên chi kế tại ư thụ nhân.”(Kế một năm trồng lúa; kế mười năm trồng cây; kế trăm năm trồng người.) Nếu kể chuyện HCM đạo văn thì còn nhiều chuyện nữa, kể cả bản Tuyên ngôn ngày 2-9-1945 của HCM …
Lãnh tụ số một của CSVN còn như thế, thì trách chi hiệu phó Đại Học Bách Khoa Hà Nội trộm luận án và trách chi nền văn hóa giáo dục CSVN suy sụp và xuống cấp. (TGP - Toronto, 26-11-2014. Source: Đàn Chim Việt)
(4) Ngô Minh: Nguyễn Khuyến - Chống tham nhũng bằng bài văn sách thi Đình nổi tiếng
Nguyễn Khuyến (1835- 1909) là một nhà thơ cổ điển lớn của dân tộc, là “sư tổ” của nghệ thuật câu đối Việt Nam. Đồng thời ông còn là một nhà “kinh bang tế thế” mẫn tiệp và chính trực. Năm Tân Mùi ( 1871) trong kỳ thi Đình ở Kinh Đô Huế, Nguyễn Khuyến đỗ Hoàng Giáp Đình Nguyên (Tam Nguyên) với bài văn sách nổi tiếng. Bài văn sách thi Đình ấy là áng văn sắc sảo vạch trần tệ tham nhũng và tâu vua kế sách chống tham nhũng và cải cách hành chính mạnh bạo.  
Khoa thi Đình đó vua Tự Đức đích thân ra đề :” Trẫm thường đọc sách Luận Ngữ , đến chỗ Tử Cống hỏi về chính sự, Không Tử  nói rằng :” Đủ lương thực, đủ binh lính, dân tin theo vậy”. Nhân nghĩ công việc hiện nay, không gì quan trọng hơn điều đó, mà muốn thực hiện điều đó thì sự lựa chọn người tốt lại là quan trọng hơn cả. Trẫm từng đêm ngày lo nghĩ mà vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn.oông đảo kẻ sĩ các ngươi lúc mới xuất thân ắt hẳn có sở học kinh bang tế thế. Vậy thì những loại việc thiết thực như vậy, suy từ cổ đến kim, nghĩ thế nào, làm thế nào để công hiệu, hãy nói hết với trẫm. Các ngươi chớ lặp lại người khác, chớ bàn phù phiếm, trẫm cũng bất tất phải hỏi nhiều để các ngươi có thì giờ rộng rãi, nói được hết ý nghĩa, xứng với ý muốn của trẫm .”
Trong bài thi dài hơn 4000 chữ của mình, Nguyễn Khuyến đã đề cập đến tệ nạn tham nhũng đang lộng hành từ chốn thôn quê đến tỉnh, thành :” Chốn đồng điền nhiều con em lười nhác . Nơi tổng xã có cường hào sâu mọt đục khóet. Nhà giàu đặt nợ lãi để kiếm cách bao chiếm. Con buôn nắm giữ giá cả để chẹt lấy lợi to. Đó là nguồn gốc của sự thiếu thốn vậy. Thêm vào đó, trong thì Bộ, Viện, Tự, Các ( cơ quan Triều đình), ngoài thỉ tỉnh, phủ đem số thuế khóa rất hẹp hòi mà cung đốn cho bọn nhân viên rất phiền nhũng, thì của cải làm sao mà không hao tán. Nhiều lần Triều đình sức phải gộp người lại hoặc bớt người đi. Nhưng bọn quan lại lạm ngạnh kia cứ châm chước cầu xin,... việc ấy rút cục phải  nửa chừng đình chỉ”...” Xét ra bọn thư lại trông coi chỉ là sổ sách, văn án, tư trát mà thôi, công việc nào có bao lăm, suốt năm chỉ ngồi trơ, lo mưu béo thân, không thể không nhiễu hại dân”.  Nguyễn Khuyến cho rằng, dân bị chúng nhiễu hại thì  thích chuộc tội cũng không dám chuộc,  thích quyên tiền cũng không dám quyên. Như vụ án tên huyện lại Phù Cát ( Bình Định- N.M) thì đủ biết . “Như vậy chẳng những hư phí bổng lộc mà con đường sinh ra của cải cũng bị lấp nghẽn” . Sau khi nêu lên những thực trạng nhung nhiễu trên, Nguyễn Khuyến tâu :” Tâu xin rằng, từ nay, những việc như tập tục xa xỉ, ăn mặc xa hoa, con em lười nhác, cường hào bóc lột.v.v.. nhất thiết đều cấm hết, mà phải cấm một cách dứt khoát “. Còn trong các nha môn trong kinh, ngoài tỉnh  thì “ tùy chỗ nhiều việc, chỗ it việc... nhất thiết phải bớt đi, mà bớt một cách dứt khoát !”
Nguyễn Khuyến cũng vạch trần nạn tham nhũng trong quân đội :” Nhà cửa, vật dụng của viên quân suất cũng đều do người lính cung cấp than củi, đèn dầu...đòi hỏi không baogiờ chán. Có người được chọn ra chờ đợi rồi thả cho họ trốn để  ban lấy tiền ( tức quân số ma) . Có người đã không  cho phép họ về, nhưng lưu họ lại để đòi lễ vật. Đến phiên sai có thể lấy tiền mà thay, đến kỳ thao diễn có thể lấy tiền mà thuê. Ngày thường đã lấy đút lót làm sa ngã ý chí của họ rồi, thì lúc lâm nguy làm sao có thể lấy kỷ luật mà ràng buộc họ được !... Vì thế chưa đến trận mạc đã tìm cách sống, chưa chạm gươm đao đã có bụng lùi. Nên cuối cùng quân lính trở thành vô dụng vậy !” Nguyễn Khuyến chỉ ra rằng  tất cả là do con người ” Thực ra thì xe không tiến lên  là vì ngựa không chịu đi, chính sự không nên nỗi là vì người không chịu làm”. Có phải thiên hạ đã hết nhân tài ?  .Theo Nguyễn Khuyến thì có thể do phép thuyên chuyển quan quân của triều đình có điều gì  đó chưa “tận thiện”. Đường vào cửa quan có nhiều lối, muốn ngăn chặn bọn tiêu cực, bất tài,  dùng tiền để mua quan, gian dối để  thăng quan tiến chức ,  muốn  ngăn chặn chúng  “ không thể không bằng tư cách”. Nguyễn Khuyến phân tích :”...Đường lối làm quan đã nhiều thì người được bổ nhiệm cũng nhiều. Người thì chạy vạy ở cửa quan trên, người hết hạn phải đổi thì chẳng  lòng nào mà nghĩ đến dân. Lòng tư một lúc đã sai lạc thì việc công  bị bỏ trễ vậy”.
Về biện pháp chống tham nhũng, Nguyễn Khuyến tâu :” Lại cứ năm năm một lần, đặc cách chọn một viên đại thần thanh liêm, cần mẫn, giỏi giang, sung làm chức “ truất trắc sứ” ( tức thanh tra) ở các đạo. Viên quan này sẽ đi thăm hỏi khắp nơi, người tham nhũng ,bất tài thì bị trất giáng, người tài giỏi được tặng thưởng. Quan trên nào mà cân nhắc không xứng đáng, hoặc có người hiền tài mà không biết cân nhắc thì cũng tâu xin xử  phạt tội thích đáng”...” Làm như vậy người liêm chính có sự khuyến khích, người tham ô có sự răn đe, mà điều uất ức của người dân cũng có thể thấu suốt lên trên vậy”...
Nhưng có người tốt, người hiền rồi vẫn có lúc chưa được việc ! Theo Nguyễn Khuyến sở dĩ có điều đó  là do Triều đình chưa dùng được chữ TÍN ! Chữ  TÍN viết hoa của Tam Nguyên Yên Đỗ là kỷ cương phép nước. Rằng:” Trong chữ Tín của mọi ông vua, chỉ có thưởng phạt là tối quan trọng. Phải thưởng cho một người để khuyến khích muôn người.  Phải giết một người để cho muôn người biết sợ. Phải làm cho thiên hạ biết đích xác rằng : Có công thì thưởng. Có tội thì  nhất định triều đình giết, không thể lấy riêng cầu may mà thoát !”.” Lấy đó mà lập pháp - pháp nhất định lập. Lấy đó mà thi hành chính sự, chính sự nhất định được thi hành...”. Vì lẽ đó , Nguyễn Khuyến khẩn khoản tâu vua :” Thần cúi trông bệ hạ lấy một chữ  TÍN  ấy để khích lệ bản thân. Việc tiến hiền lúc đầu là tiến hiền, sau là  dùng hiền, cũng phải dùng chữ TÍN . Chớ có bất nhất. Hiệu lệnh nghiêm minh chính là đem chữ TÍN ra để đặt làm hiệu lệnh. Chế độ dứt khoát chính là đem chữ TÍN ra để đặt làm chế độ. Run rẩy, sợ hãi, không một ý nghĩ nào không  để vào chữ TÍN . Trọn ngày quần quật, không một lúc nào không nhằm vào chữ TÍN. Như vậy rồi thì sau muôn việc nên, trị công thành, có thể vượt qua Hán Đường mà theo kịp Thương Chu vậy...”
Đây không chỉ là bài văn sách thi Đình mang lại vinh quang đỗ Tam Nguyên cho tác giả, mà đây là  bản lĩnh, nhân cách và tấm lòng của ông đối với hiện tình đất nước. Việc ra đề thi nhằm vào nội dung “ quốc gia đại sự”  rất bức bách và chấm đỗ đầu cho Nguyễn Khuyến chứng tỏ sự cầu hiền, ghét tham nhũng của vua Tự Đức. 143 năm đã qua, những điều Nguyễn Khuyến tâu trình với vua vẫn còn nguyên  tính thời sự nóng hổi mà các quan chức hậu thế cần suy ngẫm !
(Nguồn : Nguyễn Khuyến tác phẩm,NXB  Khoa học xã hội 1984. Tr.625- 633. Bài thi viết bằng chữ Hán, Trích theo Quốc triều sách văn. Nguyễn Đức VĂn và Nguyễn Đình Chú dịch).
(5) Đoàn Khắc Xuyên: Trả lại cho con người cái gì của con người
Đã đến lúc cần trả lại chiến tranh cho chiến tranh và trả hết lại cho con người cái gì thuộc về con người trong ca nhạc, và không chỉ trong ca nhạc.
Đưa tin về live show Sol vàng của nữ danh ca Lê Uyên hôm 8.11, báo Tuổi Trẻ ngày 10.11 viết: “Sáu năm trước, trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 19, nữ ca sĩ Lê Uyên xuất hiện lần đầu sau 30 năm xa quê bằng một bài hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương (Vũng lầy của chúng ta). Sáu năm sau, cũng vẫn bài ấy và thêm được sáu bài hát nữa được cấp phép hát chính thức cho chương trình Sol vàng. Bảy sáng tác của Lê Uyên Phương cho một live show chính thức đầu tiên dù hơi ít, nhưng cũng đủ trở thành chiếc gương phản chiếu chầm chậm một phần đời sống âm nhạc của Lê Uyên - Phương ngay tại quê nhà. Âm nhạc của Lê Uyên - Phương đã làm khán trường nhà hát Hoà Bình tối 8.11 không còn một chỗ trống”. Điều gì đã làm cho những nhạc phẩm 40 năm trước của Lê Uyên Phương cũng như những Bài không tên của Vũ Thành An vừa được cấp phép cũng trong những ngày này và trước đó nữa là một số bài của Phạm Duy và một số nhạc sĩ khác, trải qua bao chông gai, cuối cùng cũng đã được thừa nhận và chính thức đến với công chúng? Điều gì đã làm nên sức sống, làm nên giá trị lâu bền của những nhạc phẩm ấy, để cuối cùng chúng được chính thức công nhận?Ai cũng biết, trước đó, dù chưa được cấp phép chính thức thì ở những chỗ riêng tư những ca khúc ấy vẫn cất lên trên môi của những người yêu nhạc và yêu những gì chứa trong ca từ của những nhạc phẩm ấy. Đó là vì chứa đậm trong ca từ của những ca khúc ấy chính là tính nhân bản, là tình người, là những gì liên quan đến con người mà cho dù chiến tranh, đạn bom, máu lửa, sự xung đột ý thức hệ - bối cảnh ra đời của những ca khúc ấy - vẫn không xoá nhoà đi được, làm mất đi được nơi người sáng tác và cả nơi người nghe. Cái gì thực sự thuộc về con người thì dù có bị vùi dập, bị quy kết, bị cố tình làm cho lãng quên, cuối cùng cũng sẽ trở về với con người. Vì con người không chỉ có một chiều chiến đấu. Chiến đấu chỉ là một trạng thái nhất thời, có khi là một hoàn cảnh bất thường mà con người bị đặt vào. Con người còn có những nhu cầu bình thường như hơi thở: yêu một giọt nắng, một giọt mưa, yêu thương giận hờn đôi lứa, yêu cảnh thanh bình, ghét chém giết, mong mỏi hoà bình, thương một cảnh đời,một phận người, ngậm ngùi cho một hoàn cảnh lịch sử của đất nước v.v.
Ấy vậy mà trong quá khứ chưa xa, vì ý thức hệ, vì hẹp hòi hoặc có khi chỉ vì những thứ trần trụi hơn, tất cả những thứ rất đỗi bình thường và rất người ấy đã bị lên án, bị cấm đoán, bị phủ định, bóp méo, xuyên tạc, cố tình làm cho quên lãng. Người ta vẫn còn nhớ, chưa phải lâu lắc gì, một ca khúc về mùa thu và nỗi nhớ nhung đôi lứa phổ từ một bài thơ của thi sĩ Pháp Guillaume Apollinaire ra đời từ lâu trước tháng 8.1945 đã bị chụp cho cái mũ chính trị như thế nào. Do đó mà dẫu sao sự thừa nhận chính thức hôm nay đối với một số ca khúc Sài Gòn trước 1975 cũng là điều đáng ghi nhận, dù vẫn còn nhiều điều cần xem xét thêm nữa.
Nguyễn Phú Yên, một nhạc sĩ của phong trào sinh viên học sinh miền Nam trước 1975, trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân của anh ngày 14.11.2014 có tựa là Trao đổi với Nguyễn Thuỵ Kha về ca nhạc Sài Gòn trước 1975, viết: “Và đây, hãy nghe Trịnh Công Sơn hát: “Ai có nghe, ai có nghe tiếng nói người Việt Nam. Chỉ mong hoà bình sau cơn tăm tối, chỉ mong một ngày tay ấm trong tay...”.Nguyễn Thuỵ Kha có hiểu được tâm tư người lính và khát vọng hoà bình cháy bỏng trong lòng người thanh niên miền Nam không? Dù sao kết bài anh cũng viết được: “Bây giờ nhìn lại, mới thấy quý những góc nhìn chân thực... những giai điệu thấm vào lòng người, mang ý nghĩa gợi mở cho cách nhìn hôm nay thêm một lần nhận rõ về cuộc chiến tranh đã đi qua”. Anh đã nghe ra được những giai điệu ấy trong ca khúc Sài Gòn! Rất mong nhiều người trong chúng ta, kể cả Nguyễn Thuỵ Kha, vượt qua được cái nhìn hời hợt, phiến diện, định kiến phi học thuật, nhiều thiếu sót và ác cảm trong mấy chục năm qua để nhìn lại cuộc chiến tranh đẫm máu mang tên Việt Nam, để hiểu rõ con người miền Nam, âm nhạc Sài Gòn nói riêng và tài sản văn hoá văn nghệ miền Nam nói chung, vốn đã bị khai tử sau ngày 30.4.1975! Bất cứ dòng ca nhạc nào cũng đều có bài hay, bài dở; vấn đề là biết gạn đục khơi trong, biết giữ lại những điều giá trị nhất. Ca nhạc Sài Gòn trước 1975 còn tồn tại được chính do giá trị nghệ thuật thấm đẫm tinh thần nhân bản bao đời ăn sâu trong tâm hồn Việt vậy”.
Cách đây mấy năm, có mặt ở chợ Cửa Lò, Nghệ An ngày gần Tết, tôi đã nghe vang lên từ chiếc loa gắn trên một chiếc xe đạp bán dạo bài Xuân này con không về, một ca khúc của miền Nam trước 1975. Mọi người đều lắng nghe, tỏ ra ưa thích.“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên nương /Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về /Nay én bay đầy trước ngõ /Mà tin con vẫn xa ngàn xa/ Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui /Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi/ Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng/ Trông bánh chưng ngồi chờ sáng /Đỏ hây hây những đôi má đào/ Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm/ Mái tranh nghèo không người sửa sang/ Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân/ Đàn trẻ thơ ngây chờ mong/ Anh trai sẽ đem về cho tà áo mới/ Ba ngày xuân đi khoe phố phường…”. Có lẽ những ca từ giản dị, mộc mạc mà chân thật, đẫm tính người ấy đã chinh phục được những con người bình thường ở một miền đất mà trong quá khứ từng đối địch với miền đất của tác giả ca khúc. Âm nhạc, một khi chứa đựng nỗi niềm của con người, quả là không có biên giới. Térence, nhà văn, nhà viết kịch La Mã từng có câu nói được coi là ngọn nguồn của chủ nghĩa nhân bản ở châu Âu từ thế kỷ 16: “Tôi là người, và không có cái gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi”. Có lẽ đã đến lúc cần trả lại chiến tranh cho chiến tranh và trả hết lại cho con người cái gì thuộc về con người trong ca nhạc, và không chỉ trong ca nhạc.( Source: Người Đô Thị)
(5) Vài bài Thơ (cũ) Trần Mộng Tú:
(i) Bông Hoa Đỏ
Xuân xưa chưa theo chồng 
Hồn như vuông lụa nhỏ 
Anh đến từ phương xa 
Đặt vào bông hoa đỏ. 
          Em gói hoa vào lòng 
          Sợ hương bay theo gió 
          Ngờ đâu hoa có gai 
          Rạch hồn vuông lụa nhỏ. 
Như xuân không trở lại 
Anh đến rồi anh đi 
Để mặc em ngơ ngẩn 
Nhìn vết thương dậy thì. 
          Hạ về em nức nở 
          Thu sang gió ngập phòng 
          Gấp hồn như gấp lụa 
          Mùa đông em sang sông. 
Tháng năm tàn như mộng 
Chảy một giòng sóng đời 
Anh trở về đòi lại 
Bông hoa anh bỏ rơi
          Anh ơi hoa đã héo 
          Vết thương xưa đã lành 
          Vuông lụa chồng em giữ 
          Không còn gì cho anh. 
(ii) Ngọn nến muộn màng
Em đứng thẳng cho anh nhìn vào mắt
Anh vớt hộ em những giọt long lanh
Con sông chảy cả một thuyền quá khứ
Trong mắt em ngơ ngác đám lục bình
           Em đứng nghiêng cho anh nhìn sóng lượn
           Đêm màu xanh hay biển tóc em xanh
           Gió thổi ngược tóc bay về dĩ vãng
           Có sợi nào còn vướng ngực áo anh
Em cúi xuống cho anh hôn lên gáy 
Kỷ niệm gầy như những chiếc xương vai
Hương phấn đó em mang từ tiền kiếp
Cho anh ôm tình cũ một vòng tay
           Co chân lên cho anh nâng gót nhỏ
           Gót chân son nôn nả nhịp xe đời
           Nói cho anh chuyến tàu nào em lỡ
           Sân ga nào còn giữ lệ em rơi
Em ngồi xuống đêm không còn trẻ nữa
Cánh chim bay tha hết cọng thời gian
Trên vai anh em gởi đời cát lở
Tình thắp cho em ngọn nến muộn màng
(iii) Lá đỏ
Anh nhặt cho em chiếc lá đỏ
Trên cành phong vừa rụng sáng nay
Ôi anh! đẹp quá mùa thu tới
Em nhốt đầy lòng gió heo may.
........................................................................................................
Kính,
Nguyễn Nam Sơn

Không có nhận xét nào: