Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Không Chửi Sao Được ?


- Chẳng biết tự bao giờ, dân Việt có thói quen chửi, chủ đề thì miên man, từ cọng rau muống lên giá, tình trạng hôi của, cướp giật cho đến những phát biểu của các vị “IQ cao”. Từ truyền thông báo chí, cho đến các bà, các mẹ hội họp ven chợ, đầu đường làng.

Người ta cố tìm hiểu vì sao dân dạo này lại thích chửi nhiều đến thế (nói theo văn hoa là chỉ trích của số đông)? Lẽ nào do thế giới quá phẳng, nên con người dễ bộc phát những yếu tố tiêu cực ra ngoài. 

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội - Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Hiện nay có một trào lưu, như là một thứ mốt, một thói ăn theo của việc chửi bới loạn xạ. Đó là tự châm biếm, chế giễu hay tự chê dân tộc mình. Họ chê thiên hạ chán chê rồi chê cả mình. Chê mình ở đây là chê nhà nước ta.” 

Và theo ông, “cái chê phần lớn hiện nay là hướng về hệ thống chính trị. Đầu tiên là chê hệ thống chính trị, thứ hai là chê truyền thống giáo dục và lề thói đạo đức của dân tộc ta.”

Nguyên nhân sâu xa của “căn bệnh” này suy cho cùng là do sự mất niềm tin trong xã hội. Trong cộng đồng, ở gia đình rồi nhà trường,… nói chung là trong toàn xã hội lòng tin đang bị suy giảm, chao đảo dữ dội.

Không chửi sao được!
Có thể nói, chửi chính là cách khắc chế hữu hiệu đối với những hiện tượng tự nhiên, mối quan hệ xã hội tiêu cực, khi mà quyền pháp không đem lại giá trị cho chủ thể, hoặc khi giá trị chủ thể không nhận được sự tôn trọng tồn tại ở xã hội. Càng ngày, cái chủ đề đầu tiên là “hệ thống chính trị” ngày càng phát tiết ra những điều chướng tai, gai mắt (tâm thần) không thể tưởng tượng nổi. Người dân bị bắt ép ăn không biết bao nhiêu lời hứa hão, những sự chiêu dụ đầy kinh nghiệm, và món bánh vẽ ngày một thô thiển. Trong khi đó, quyền lên tiếng, góp ý thẳng thắn, chân thành thì luôn bị chặn bởi đe, nạt, cầm, tù, đày… Dân dần trở nên bất lực và chửi trở phương pháp hàng ngày giúp giải tỏa sự bất lực đó.

Không chửi sao được, khi ông Phan Như Thạch, đường đường là một thiếu tướng, nguyên giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam lại lách luật để xây dựng trái phép biệt thự dưới chân núi Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Khi sự vụ vỡ lở, thì ông Phan Vũ Việt Hùng (con trai ông Thạch) mới cho biết là do mình và không hề biết biệt thự của gia đình xây dựng trái phép, song lãnh đạo địa phương khẳng định đã mời tướng Thạch lên làm việc nhiều lần về việc này và quá trình xây dựng biệt thự này đã diễn ra từ suốt 7 – 8 năm.

Không chửi sao được, khi Sở Y tế tỉnh Cà Mau thừa nhận việc tái bổ nhiệm bà Đặng Bé Nam làm giám đốc bệnh viện thêm ba năm sáu tháng theo “gợi ý” của bà Bộ trưởng Y tế là ngoại lệ (khác bình thường), đạp lên trên các giá trị pháp lý hiện hành (về bổ nhiệm, tái bổ nhiệm) khi quyết định tái bổ nhiệm.

Không chửi sao được, khi một chi nhánh phở ở quận 1, TP.HCM bị chính người phụ trách bếp là bà Dương Thị Kim Anh, tố cáo cách thức “gian lận” (bánh phở, gàu mỡ tăng lên, thịt vụn theo mỡ, nước béo) khi tổ chức cuộc thi “ăn tô phở khổng lồ” để khách hàng… ói ra mật xanh, mật vàng nhằm “thu lợi”. Và sau khi bị rùm beng trên báo chí, thì bà Kim Anh cũng nhận được quyết định sa thải. 

Không chửi sao được, khi mà sau trận thua đáng xấu hổ (2-4) trên sân Mỹ Đình của đội bóng đá quốc gia Việt Nam, HLV Miura (người Nhật) ngoài lời xin lỗi thẳng thắn về thất bại,  cũng đã nhận toàn bộ trách nhiệm của mình, trong khi các vị người Việt, vẫn đang tìm mọi cách chối lỗi, đẩy trách nhiệm, khiến lỗi không phải ở VFF hay ở cầu thủ mà là ở vị huấn luyện viên người Nhật Bản.

Không chửi sao được, khi theo thống kê, hàng năm ước tính có khoảng 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng được áp dụng trên tất cả các giao dịch tài khoản cá nhân. Từ phí duy trì tài khoản, phí chuyển tiền, phí cấp mã PIN, phí đóng tài khoản, phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 – 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi…

Không chửi sao được khi Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) lại coi trợ cấp thất nghiệp chỉ phản ánh gián tiếp tỷ lệ thất nghiệp, quốc tế là yếu tố để xác định người lao động có thất nghiệp hay không, khiến Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Không chửi sao được, khi mà “Thượng tọa” Thích Thông Anh, vốn liên quan đến vụ án hiếp dâm trẻ em, bản thân ông này cũng thừa nhận và Hội Phật giáo TP Cam Ranh đã đuổi khỏi chốn tu hành, nhưng chưa đầy 1 tháng sau, ông thầy tu này lại được “minh oan”?

Không chửi sao được, khi hiệu ứng “bị tâm thần” ở nhân viên công lực lại đang diễn ra ngày một phổ biến. Gần đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phụng Hiệp đã đưa Trung úy Nguyễn Trương Đại Lợi đi giám định tâm thần tại BV Tâm thần Trung ương 2 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trung úy Lợi là người đã lái xe tuần tra của CSGT gây tai nạn làm nữ sinh lớp 9 tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Vậy là “Thực tế rằng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, Đảng viên trong cơ quan nhà nước... bị tâm thần, nhưng chưa được phát hiện!?!”.

Không chửi sao được, khi chuyện bố con ông Trần Quốc Hải (Tây Ninh) được nhà nước Campuchia tặng “huân chương Đại tướng quân” vì những đóng góp vào việc sửa chữa xe bọc thép không những không khiến cho ông lão “báo QĐND” tỏ ra lo ngại, mà ngược lại, một bài viết đăng tải gần đây còn cho rằng, “việc sửa chữa xe bọc thép của bố con ông Hải nếu đem so sánh với việc làm của các công nhân trong nhà máy quốc phòng thì đấy là một việc làm bình thường.”

Không chửi sao được, khi Trung Quốc anh em tiến hành đả hổ diệt ruồi ngày càng mạnh, vượt ra khỏi dự đoán ban đầu là phô trương thanh thế của Tập Cận Bình thì tại Việt Nam chỉ có mỗi “ông Truyền”, nhưng đến nay vẫn chỉ “trông chờ” vào sự “ăn năn hối cải”. Thế nên, Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình với quyết tâm thanh trừ tham nhũng đã trở thành một hình ảnh “minh quân”, khiến dân nước Việt lại tâm tư.

Và còn hàng ngàn trường hợp chướng tai gay mắt khác đang diễn ra trong xã hội hiện tại, khiến cho những người muốn đổi thay xã hội, gặp phải sự kiềm kẹp thể chế mà bất lực lựa chọn con đường… chửi!

Ôi, con người nước Việt! 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ thì “xã hội nào càng tạo ra nhiều bức xúc nhất thì xã hội đó sẽ gánh chửi nhiều nhất. Nơi nào con người sống bất trắc nhất thì sẽ chửi nhiều nhất. Do đó, sẽ không ngoa khi cho rằng, người ta biết sự minh bạch, tiến bộ của một xã hội dựa vào việc xã hội đó phải nghe chửi nhiều hay ít”.

Quả thực, xã hội ngày càng xập xệ, mối quan hệ xã hội ngày càng trái khoáy, tiếng chửi ngày một nhiều. Cũng bởi dân Việt từ xưa đến nay vẫn có một thói quen tiềm ẩn, nay gặp phải mảnh đất thể chế màu mỡ “tạo điều kiện”, khiến điều mà cụ Phan Châu Trinh đã từng cảm thán trong “Đầu Pháp Chính phủ thư”, nay vẫn cố hữu một tác dụng. “Người này làm người kia bắt chước, lâu rồi thành ra thói quen. Những người đỗ đạt muốn cầu bổ bán thì hót nịnh luồn cúi ở các nhà quyền quý; những người ở nhà thì ỷ thần, cậy thế, hà hiếp bóp nặn ở trong làng, ngoài việc trai gái, ăn uống thì không còn biết việc gì. Những người làm ăn phát đạt, lắm bạc nhiều tiền thì chỉ tìm cách ăn chơi cho sung sướng. Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma, như quỷ, lừa gạt, bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn, như bò, giẫm cổ, đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng. Cả mấy mươi triệu người như một đàn ruồi lũ kiến, không còn có chút nhân cách nào, đó là thảm trạng trước mắt, ai cũng trông thấy, không phải tôi dám nói quá lời, để vu cho người cả một nước đâu.”

Qua đó mới biết, xã hội từ khi thực dân Pháp “khai minh” đến nay không những không đi lên, mà lại càng ngày tệ hơn. Cái tệ ấy đã biến đại đa số dân Việt giờ đây lầm lì, “an phận thủ thường” trong cơn bão kinh tế, bất công xã hội, chỉ chăm cơm áo gạo tiền, làm lợi bản thân, chẳng cần biết cái trước cái sau, cái trước mắt hay cái lâu dài. Từ quan đến dân, từ các bô lão cho đến ấu nhi… 

Chỉ một số trong đó thức tỉnh, lại chửi cho chính bản thân mình sinh ra trên đất nước này, chửi cho chính bọn gian thương vì lợi mà đưa hàng Trung Quốc độc hại về làm hại dân, chửi luôn cả bọn quan chỉ giỏi tham công, chối tội, bất tài, vô dụng không ngừng nghỉ… Và ở mức độ nào đó, một phần xã hội trở thành hiện thân cám cảnh của “Chí Phèo”, và thể chế với những con người “ràng buộc chặt chẽ” với thể chế lại trở thành làng Vũ Đại ngày nào. Thế là “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”.

Do đó, dân có chửi nhiều bao nhiêu, thì “nó” vẫn cứ trơ ra, bởi ý niệm “chắc nó trừ mình ra”. Sự không đoái hoài đến tiếng chửi bới trong dân đã khiến đất nước hình chữ S lấy gian dối, tâm thần làm quốc tính, và vô trách nhiệm làm quốc bệnh. 

Dân bởi thế lại càng chửi nhiều hơn, nặng hơn. Còn “nó” càng làm thinh, dân tức, lại chửi.

Không có nhận xét nào: