Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014
Góc của Phan: Cửa nhà tôi vẫn không khóa…
Ông Vị không có thói quen sinh hoạt cộng đồng. Nhưng sau tang vợ, ông thấm sự lẻ loi. Tính ông im lặng càng im lặng hơn tới về hưu. Ông chỉ có mấy người bạn còn lại khi cuộc đời đã bước vào màn cuối của vở bi kịch làm người. Cũng vì lẽ cô đơn một phần, vì nể mấy người bạn hiếm hoi một phần, ông đi dự buổi họp mặt đồng hương. Buổi họp tổ chức ngay thành phố ông ở thì làm sao từ chối với lý do sức khỏe, khi ông coi vậy mà còn khỏe hơn mấy ông bạn ồn ào kia nhiều.
Rồi, cái buổi sinh hoạt đồng hương rối rắm đó diễn ra. Tai ù, mắt mệt với bao nhiêu khoe khoang của người muôn năm cũ gặp lại. Ông thấy mình càng cô đơn. Nhưng vẫn thua một người còn cô đơn hơn ông nữa! Đó là người đàn bà của nhan sắc một thời, người đàn bà của tạo hóa bất công. Bà ấy đáng được người đàn ông may mắn làm chồng bà, thương tiếc bằng hết cách của con người. Ông Trời đã không cho bà ấy chết trước để cho người đàn ông may mắn cưới được bà có dịp trả ơn bằng hết đau khổ của trần gian cộng lại. Nhưng lão già nào đó đã ranh ma dông trước để đổ thừa cho tạo hóa bất công…
Ông Vị ngồi nhìn người đàn bà của thời đại ông, thời đại không bao giờ trở lại, nên ngoài ông thì ai hiểu nhan sắc thời sự lãng mạn, nét nữ tính không cần son phấn của thời đàn bà còn là thần tượng của đàn ông. Rượu nói thay ông, cái vụ bình đẳng nổ ra từ viên thuốc ngừa thai, làm cho đàn bà mất vị trí tôn nghiêm vốn có! Không ngờ cái suy nghĩ ngược đời đó lại được người đàn bà cô đơn hơn ông hoan nghênh. Câu nói còn lại từ người đàn bà mà ông ngưỡng mộ ấy cứ văng vẳng, “Từ đầu tiệc đến bây giờ đã nửa đêm, cứ tưởng anh bị câm. Nhưng hóa ra anh biết nói, lại sâu sắc lắm!”
Đó là nguyên nhân của một cuộc tình già. Nên, “Thứ nghỉ muôn năm,” ông Vị ngồi uống cà phê một mình. Nhớ cháu quay quắt vì đã cả tuần trôi qua, mong gặp thằng cháu nhỏ để ông cháu chơi cờ tướng. Nhưng còn sớm quá nên chưa dám gọi điện thoại để đi thăm cháu, hay cha mẹ nó chở con sang chơi cờ với ông nội. Ông ngồi nhớ thằng cháu mang tính nết của chính ông thuở bé, nổi bật sự ương bướng là câu nói của nó; Ý nó muốn nói với mẹ nó–là con dâu ông: đừng bắt nó ăn uống, tắm rửa, thay quần áo đúng giờ như chuẩn bị đi học vào những thứ học, (là: thứ hai, ba, tư, năm, sáu). Nó gọi thứ bảy và chủ nhật là “thứ nghỉ” của con, cho con từ từ làm… nó y như ông cãi mẹ thuở ông còn mặc quần khoét đáy. Nhưng con dâu ông khác mẹ ông xa! Người mẹ bây giờ ép con vào giờ giấc (luôn cả ngày nghỉ) vì không được ăn cắp giờ của mẹ sau khi mẹ đã hoàn thành trách nhiệm với gia đình. Ông Vị ngậm ngùi với bất hiếu của mình khi hiểu ra mẹ mình, thì người đã…
Ông ngồi nhớ đến năm ngày thứ làm và hai ngày thứ nghỉ của ông đã gộp chung thành bảy ngày đều là thứ nghỉ trong tuần, gọi chung mớ lê thê của thời gian ấy là thứ nghỉ muôn năm, là về hưu chán thật. Về quê, là một cuộc về vui thì ông đã quên về vì hoàn cảnh. Để rồi về hưu xồng xộc đến, khép lại đời ông. Nay mai về trời nữa là xong một đời người…
Ông ngồi nhìn cây lựu kiểng, là kỷ vật của vợ ông, đã tạ thế lâu rồi mà cây lựu vẫn nhỏ nhoi trong mảnh vườn bé con chợt rùng mình với lọn gió đông se sắt, những chiết lá bé tí úa vàng cuối cùng cũng đã cạn nhựa sống, chúng rụng vàng trên lớp xác trà khô quăn. Toàn thân cây lựu chỉ còn như nhánh rong bị vứt lên khỏi nước…
Chắc ngoài ông Vị không ai thấy mùa lễ cuối năm ở Mỹ buồn chán hơn. Một Lễ Tạ Ơn nhạt phèo như thịt gà tây, buồn bã như những chiết lá bé xíu của cây lựu kiểng trên lớp xác trà khô, cứ nằm im ỉm nhìn lên thân gầy của nhánh mẹ khô khốc. Rồi lễ Giáng Sinh về, những chiếc lá lựu nhỏ bé được hóa kiếp dưới lớp tuyết trắng. Ôi kỳ dịu làm sao màu trắng của tuyết; trắng đến người nhìn không dám nghĩ đến những mảng đen, dù chỉ trong tư tưởng. Màu trắng cao quý đến tan rã, chỉ còn những mảng đen u uẩn sang năm ta. Thế là thêm một cái tết xa càng xa nơi quê nhà, xa tới hết đời…
Trời thì cứ lạnh như trả thù những sinh vật cần nắng ấm. Con sóc vượt nhanh hơn bình thường từ điểm xuất phát tới nơi trú ngụ cũng vì lạnh. Con chuột nhởn nhơ cũng hết cà tàng đi nghe, ngửi khắp mặt đất. Đàn kiến chui rúc vào cái khăn lông lọt sào phơi rồi không ai nhặt lên… Vũ trụ thì bao la hơn cái sân nhà bé bỏng nhưng sự chết bao trùm toàn vẹn không gian thật giống nhau.
Cuối cùng ông Vị cũng nghiệm ra thời tiết nơi ông ở như tính khí bà bạn–nhan sắc một thời. Thật hiền hòa, dễ thương, dễ mến nhưng bất thường. Mới cười tươi như hoa mãn khai thì nụ cười đã mãn phần trên gương mặt nghĩa địa, giông tố tam bành chỉ vì phật ý một con kiến; không thích một lời khó nghe…
Ngày ấy xa rồi, trong cái thời tiết vẫn vậy; người ấy nay đâu, có trời biết đất biết chứ ông không biết! Thời tiết tuy khùng điên ở Texas nhưng mùa đi còn biết đường về; chỉ người ta mới tình đoạn nghĩa tuyệt, bỏ nhau dễ như ăn cơm. Quên dễ cái chén nhớ người ăn, đôi đũa nhớ người dùng, người ăn nhớ người nấu, tro tàn thương bếp lạnh…
Ông Vị khoác thêm cái áo lạnh dày, liều mình ra kho đồ cũ sau sân nhà để lục tìm cái lò than tự chế của ông. Đó là cái thùng sắt tròn 5 gallon, loại đựng hóa chất gì đó, ông mua từ chỗ bán sắt phế liệu về, chỉ vì bà bạn quen biết từ cuộc họp mặt đồng hương, bà thèm ăn cơm cháy xào hải sâm. Nhưng bà này không chỉ sành ăn, nói chuyện nấu nướng như một đầu bếp trứ danh. Ông không biết tình cảm của ông với bà bạn là tình đồng điệu qua hiểu biết về ẩm thực, hay chỉ là nỗi nhớ thương người vợ đã quá cố của ông; bà Vị ngày xưa cũng là tay bếp núc cừ khôi, nên ông mới được ăn ngon, ăn đúng bài bản, món gì ra món đó…
Bà bạn nói đến việc phải có cái lò than, và cái nồi gang thật dày để nấu cơm thì mới có cơm cháy mà xào hải xâm. Loại cơm cháy bán sẵn ngoài chợ chỉ như cốm gạo, không có mùi cơm cháy…
Ông cảm kích bà bạn đồng điệu, hiểu biết về ẩm thực, hay tưởng nhớ đến nụ cười hiền lành của bà Vị khi bưng đĩa cơm cháy xào hải xâm lên bàn ăn lần cuối cùng, bà nói gở với ông, “Hôm nay anh đừng ăn hết nhé, để dành một ít vào tủ đá. Vì nhỡ em chết trước thì không ai làm cho anh ăn đâu đấy!”
Ông không biết đó là điềm gở của vợ hiền nên không để dành một ít vào tủ đá… Lòng ân hận ấy đã khiến ông bỏ ra đến mấy ngày, ngồi cắt cái thùng sắt, gò từng đầu rau ông táo để làm nên cái lò than bằng sắt dày, như ý bà bạn; cũng là để thử xem bà ấy là người biết nói nhưng có biết làm không. Ông có ngầm ý so sánh với vợ ông xưa, là người biết làm nhiều món ông không ngờ, nhưng ít nói hơn bà bạn.
Bà bạn khi đã thân, thường gọi ông sáng sáng để hỏi ông muốn ăn gì? Người ấy đi chợ một mình rồi đến nơi ông ở để nấu ăn cho hai người. Vì cả hai không kẹt hoàn cảnh nhưng không thích sánh bước ra ngoài cho thiên hạ đồn thổi. Dù ông cô bà quả có rổ rá cặp lại thì cũng đâu ăn tới của, cạn tới đức của thiên hạ nhưng thiên hạ mà không gí mỏ vào chuyện người khác thì đã được gọi là thiên đình.
Từ khi bà đến chơi với ông thường, mùi thức ăn do bàn tay phụ nữ đứng bếp luôn có hương vị hơn đàn ông món gì đàn ông cũng chém to kho mặn cho xong chuyện. Những bữa trưa nhẹ nhàng của bà bạn như rau luộc, cá kho, với ông dễ tiêu hơn sơn hào hải vị, nhẹ bụng như thực đơn thường ngày của người vợ đã quá vãng, không biết mẹ xấp nhỏ có đưa lối dẫn đường cho người quả phụ này bước thêm bước nữa tới bên ông.
Cuộc sống cô độc của ông đã bớt buồn tẻ khi dùng nhầm kính lão của nhau nên thấy nhau trẻ hơn. Nụ cười ý nhị của đôi bên như thang thuốc trị liệu chứng cô tịch tuổi già. Ông Vị thương ly trà sớm, nhớ ly cà phê sau cơm trưa của những ngày bên nhau, bà bạn ngồi đó xem ông trổ hoa tay với cái thùng sắt phế liệu thành cái lò than như ý bà. Mua than thì dễ rồi. Nhưng bà lại không dám lái xe đi xa (hay muốn tìm lại cảm giác hẹn hò) khi cứ hẹn ông ở đâu đó, rồi cùng nhau đi tìm mua cái nồi gang cho ưng ý…
Có đến cả tháng mới mua được cái nồi gang dày. Tiền bạc của hai người già không nhiều, nhưng người già tiêu xài bao nhiêu cũng đủ. Chỉ có điều tiền bạc không mua được sự nhường nhịn. Ngày xưa, vợ ông còn, nếu phải chọn một trong hai, dù chỉ là cái không đáng gì thì vợ ông cũng sẽ mua cái ông chọn. Nhưng bây giờ, ông thật khó nghĩ tới tương lai, khi bà bạn có thể cho ông cả quãng đời còn lại, thì sao lại cương quyết mua cái nồi gang thổ tả của Trung quốc. Giá vợ ông ngày xưa, bà ấy sẽ mua cái nồi gang của Pháp như ông đã chọn. Chỉ vợ ông mới tin kiến thức của chồng khi nghe ông nói, người Pháp luyện gang tốt hơn người Tàu, nên nồi gang của Pháp sau thời gian sử dụng, đáy nồi vẫn không bị uốn ván, cơm không bị dính nồi… Tiếc là những kiến thức của ông trở nên vô nghĩa trước bà bạn. Ông để lòng sự bất mãn từ đầu thì về sau sẽ ra sao, sao không nói ngay từ sớm cho đôi bên tự điều chỉnh – nếu muốn tiến xa hơn…
Dù sao ông cũng chưa nói ra.
Đến bữa góp gạo thổi cơm chung, mang nhiều nghĩa bóng hơn nghĩa đen, của hai người bạn già. Vì ông có mời vợ chồng thằng con trai, vợ chồng đứa con gái, cùng toàn thể cháu nội, cháu ngoại của ông đến ăn cơm – để biết mặt dì của các con, bà dì của mấy cháu. Cũng là để xóa bóng gió với bạn bè đã bắt tin vì có người gặp ông với bà bạn ở đâu đó, hỏi mãi…, rồi những lời nói xa nói gần về việc lúc này bố đỏm dáng! Tiên sư cái con bé nhà ông dám trả treo với bố! Mẹ của nó đã mãn tang mấy năm rồi còn gì, ông có bước thêm bước nữa, chả là ý kiến của chính nó, mong cho bố có bạn cho bớt lẻ loi tuổi già…
Hôm ấy bà ăn mặc đẹp hơn bình thường đến chơi với ông. Nhưng bà đem gạo đến, không để khẳng định chuyện góp gạo thổi cơm chung, mà chỉ vì nhã ý gạo của bà ngon hơn, đúng hơn. Trong khi ông đã báo trước và chuẩn bị sẵn loại gạo cho cơm cháy ngon nhất sau khi nấu – theo kinh nghiệm của mẹ xấp nhỏ.
Ông nhịn bà bạn thêm lần nữa – để trời tính. Ông đi nhóm bếp than ngoài patio để nấu cơm nồi gang. Bà đưa ra nồi gạo vo đã sẵn nước… lại cự nự ông, sao không mua loại than tẩm dầu, mắc tiền chút nhưng đốt là cháy ngay… Ông lại nhịn kiến thức: vì than tẩm dầu thì sẽ hôi mùi dầu tẩm, than không tẩm gì hết, tuy khó nhóm lửa nhưng không ảnh hưởng đến mùi vị thức ăn được nấu, hay nướng trên than nguyên chất. Ông nhớ, ông từng giải thích với mẹ xấp nhỏ như thế! Bà ấy khen ngợi ông bằng lời lẽ ngưỡng mộ kiến thức của chồng. Vợ ông không có gương mặt khó coi như bà bạn khi cự nự, hay lúc khuyên chồng hiếm hoi thì lời lẽ của vợ ông xưa cũng khó từ chối vì bà thường nói bằng ngôn ngữ không lời sau câu duy nhất, “thôi đi anh, em xin bố nó…”
Bữa cơm trưa thật ngon với mấy món mềm cho hai người già, mấy món ngon do chính tay bà bạn nấu để đãi mấy đứa con, lại thêm mấy món Mỹ làm đám cháu của ông mê tít. Bà trò chuyện với con gái ông luyên thuyên sau bữa cơm ra mắt, không biết nó vì ông nên nén lòng thương cha, hay sợ di ảnh mẹ nó đang dõi mắt theo con phản đồ. Ngày xưa, mẹ nó sai nó đi rửa chén khi đã lớn thì nó ong ỏng, “Bố ơi! Cứu con…” Nhưng bữa cơm đầu tiên ăn với dì, nó đi rửa chén tự giác! Ông vẫn đùa với con gái không ồn như xưa, quay di ảnh vợ ông úp mặt vô tường. Nó thì không còn là con bé ong ỏng nữa, người phụ nữ con ông nói qua vai bố, “Con nợ bố mẹ, chứ không để nợ ai trên đời!”
Ông hiểu ý con gái ông rồi!
Con cháu ra về ngập lời cảm ơn bữa ăn ngon, trẻ con mong gặp lại bà. Làm bà phấn chấn. Còn miếng cơm cháy thì phải phơi nắng – đến tuần sau mới làm được món cơm cháy xào hải sâm. Nói cách khác là hai người lại có cả tuần để đi săn tìm loại hải sâm như ý! Họ lại có những buổi sau cơm trưa, ngồi nói chuyện về cách ngâm tẩm hải sâm, cách chế biến, nêm nếm gia vị… Ông không nhầm bà bạn là người thực sự biết nấu ăn chứ không phải người chỉ biết nấu bằng cái miệng trên bàn ăn như nhiều phụ nữ giỏi ăn nói bây giờ! Chỉ buồn lòng khi bà đã ra về, ông thường nhìn bao gạo ông mua theo kinh nghiệm của vợ ông để lại, không lẽ bà ấy mất chỗ đứng trong nhà này. Căn nhà có được, tình cảm gia đình tồn tại đến hôm nay là công sức của bà ấy. Câu nói thấm thía ông còn vang trong gian bếp, “Con nợ bố mẹ, chứ không để nợ ai trên đời”. Con gái ông không còn là con bé sợ rửa chén vì nó ưa bị nhức đầu, sau đó ói mửa khi chạm tay vào dầu mỡ và thức ăn thừa, nhất là mùa lạnh. Nhưng nó đã là người mẹ, người vợ, người đàn bà nắm sinh mạng một gia đình trong tay như mẹ nó; người phụ nữ trưởng thành biết có thể mang ơn ai và không nên mang ơn ai trong đời. Sự tế nhị thay câu trả lời bẽ bàng của con làm ông khó nghĩ…
Nhưng tình bạn già với bà bạn gắn bó nhau hơn, thân thiết tự nhiên và thân tình tự đến vì đôi bên cùng giải tỏa được sự cô đơn trong tuổi già. Để có món cơm cháy xào hải sâm trên bàn nóng hổi. Chỉ còn việc cầm đũa, sao ông thấy nặng lòng đến hết muốn ăn, dù đã lâu ông không được ăn. Hình như mùi hương còn nhớ vẫn chưa phải…
Ông Vị thôi háo hức với món khoái khẩu dù đã lâu không được ăn. Nói cách nào thì trên đời cũng không có người thay thế được người vợ đã mất. Có thể cách ngâm tẩm hải sâm, cách nêm nếm gia vị của bà bạn không chừng ngon hơn vợ ông từng làm. Nhưng đĩa cơm cháy xào hải sâm cũng nóng hổi, thơm phức trên bàn vẫn thiếu mùi nhường nhịn – là hương vị độc đáo của vợ ông. Bà bạn chỉ bàn luận là bàn luận cho có với ông. Đến lúc làm thì kinh nghiệm và sự quen vị của ông không được thực hiện như vợ ông bao giờ cũng làm theo ý ông. Có thể vợ ông thương ông là làm theo ý ông; còn bà bạn thương ông là muốn cho ông được ăn ngon hơn.
Ông hiểu mình hơn bao giờ hết! Ông không phải cần ăn, thèm ăn, thích ăn cơm cháy xào hải xâm như ông tưởng vì đã lâu không được ăn. Cái ông thiếu, làm cho tháng ngày thừa, đời tẻ nhạt, sự lẻ loi lên ngôi… chỉ vì người vợ làm theo ý ông không còn nữa! Ông không cần một đầu bếp trứ danh cho nhu cầu ẩm thực, không cần người thay đổi ông khi ông đã về hưu…
Bà bạn hiểu được tâm sự của ông, nhưng vẫn không khoan nhượng vì kinh nghiệm của riêng bà về đàn ông–không tiện nói ra. Bà chỉ gởi vào thổ lộ: không thích bị đem ra so sánh với ai, (nhất là một người đã chết)! Bà không có nói ra câu đó, nhưng ông Vị đủ yếu tố để thất vọng, bỏ ý tưởng kết bạn chung gạo thổi cơm cho đỡ buồn tuổi già. Ông bưng đĩa cơm cháy xào hải sâm nhỏ, với chén cơm, đôi đũa, rồi ly nước trắng… đi thắp hương cho mẹ xấp nhỏ, “Mời em về ăn món khoái khẩu của anh. Không biết dì nó làm có vừa miệng mình. Thôi thì ăn cho vui với anh, với dì nó…”
Bà bạn chào từ biệt ông ngay khi chưa cầm đũa để thưởng thức món cơm cháy xào hải sâm mà hai người đã lắm công phu. Bà cắt đứt liên lạc, không trở lại thăm ông lần nào nữa. Ông cũng không có lời giải thích nào với con cái vì sao dì biến mất, đã mấy mùa lạnh về…
Ông Vị đi lục tìm bao than ngoài kho đồ cũ. Ông trút hết bao than vô cái lò sắt kỷ niệm, đốt hết một lần. Lửa không đủ ấm lòng đơn chiếc, nhưng ngọn lửa công tâm rực hồng: Bà bạn ông nấu ăn ngon hơn mẹ xấp nhỏ. Nhưng ông cần người biết nhường nhịn nhau hơn cần người đầu bếp trứ danh. Dù lòng ông vẫn lo cho bà bạn, không biết đi đâu mấy năm nay đến bặt vô âm tín. Mùa lạnh này, cái áo dạ ông tặng bà đã mấy mùa xa nhau, bà có lạnh lắm không, cửa nhà tôi vẫn không khóa …
Phan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét