Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

THÁNG TƯ ĐEN - ĐEM THƠ ĐƯỜNG VIẾT TÂM TÌNH - Nguyễn Vĩnh Giao


              (hình minh hoạ)                        

Lại thêm một Tháng Tư Đen. Năm mươi năm kể từ ngày nước mất nhà tan. Tâm sự trùng trùng nhưng không nói nên lời, nên đành dựa theo ý thơ của người xưa để viết lại một chút tâm tình. 

VƯƠNG HÀN - LƯƠNG CHÂU TỪ

Với những người tuổi trẻ lớn lên theo cuộc chiến Việt-Nam, "Lương Châu Từ" là một cái tên quá xa lạ. Tuy nhiên, không có một người nào là không biết đến bài thơ nổi tiếng nầy của Vương Hàn. 

<!>

Không biết Hán văn, nhưng mỗi một người trong bọn đều hiểu rõ, rất rõ, ý nghĩa của bài thơ. Họ hiểu được, vì họ là chiến sĩ. Cho nên, người lính VNCH ngồi gục đầu trong một quán rượu ở Sài-gòn, hay người lính Đường Vương Hàn say nằm lăn trên cát hơn một ngàn năm trước nào có khác gì nhau. Họ muốn được say, để quên đi số phận nghiệt ngã đang chờ đợi mình. "Từ xưa tới nay, có mấy người đi chinh chiến được bình yên trở về". Để thay một lời tri ân, tôi phóng tác bài thơ bi tráng nầy và xin tặng cho những người đã bỏ quên tuổi trẻ, khoác chiến y đi chiến đấu để đồng bào Miền Nam của tôi được tự do trong suốt hai mươi năm

 

Lương Châu từ                                        (Khúc hát Lương Châu)             

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi                     (Rượu nho ngon rót chén ngọc dạ quang)

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi                    (Chưa uống, trên lưng ngựa có tiếng tỳ bà giục giã)

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu            (Say nằm trên cát, xin bạn đừng cười)

Cổ lai chinh chiến kỹ nhân hồi                   (Xưa nay chinh chiến có mấy người trở về)

 

Uống chưa cạn chén rượu đào

Đàn ai đã giục người vào tử sinh

Say cho quên số phận mình

Xưa nay mấy kẻ chiến chinh trở về



VI THỪA KHÁNH - NAM HÀNH BIỆT ĐỆ

Nhưng những hy sinh của người lính Việt Nam chỉ là công dã tràng; quê hương yêu dấu của tôi cuối cùng cũng bị ngập chìm dưới làn sóng đỏ. Cuối Tháng Tư năm 75, tôi cùng những người Miền Nam may mắn khác bỏ nước ra đi tìm một bến bờ tự do. Tôi ngồi trên tàu, nhìn trời nước nặng một màu tang, lòng xót đau không cùng. Chỉ trong một thoáng thôi, tôi đã thành một người vong quốc. Tôi biết ra đi là mình sẽ mất hết tất cả; trên bản đồ địa lý, Việt Nam vẫn còn đó, nhưng quê hương tôi đã lớn khôn cùng những yêu thương tôi gom góp suốt hai mươi năm đã vĩnh viễn bị xóa đi rồi. Vừa mới rời xa quê nhà, lòng tôi đã mênh mang một mối sầu xa xứ. Người buồn, hoa cỏ cũng ngậm ngùi.

 

Nam hành biệt đệ                                   (Từ biệt em đi Lĩnh Nam)                             

Đạm đạm Trường Giang thuỷ                    (Nước sông dài lờ đờ trôi)

Du du viễn khách tình                               (Khách đi xa mối tình man mác)

Lạc hoa tương dữ hận                               (Hoa rụng, dường cùng nhau chia hận)

Đáo địa nhất vô thanh                               (Rơi tới mặt đất không một tiếng động)

 

Lặng lờ sóng nước Trường giang

Tình người xa xứ mênh mang biển trời

Như cảm thông mối hận đời

Hoa lìa cành, lặng lẽ rơi bên đường



VI TRANG - ĐÔNG DƯƠNG TỬU GIA TẶNG BIỆT

Ở trại tỵ nạn trên một hải đảo trơ trọi giữa biển, chúng tôi gặp nhau. Hai đứa tôi, hai mảnh đời rách nát, hai mảnh hồn tả tơi, chia với nhau từng nỗi nhớ, san sẽ cùng nhau những nỗi buồn. Nhưng bèo nước gặp gỡ, cuối cùng bọn tôi lại phải xa nhau. Giữa đêm, tôi được đưa đến một trại tỵ nạn khác; ra đi vội vã, tôi không có dịp nói một câu tạ từ. Ngàn dặm cách chia, ngoài nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình se thắt, tôi nhận thêm nỗi đau của một lần chia lìa. Đã năm mươi năm rồi, nhưng mỗi khi nghĩ đến ngày tháng ở đảo Wake, lòng tôi vẫn thấy nao nao.

 

Đông Dương tửu gia tặng biệt                (Viết lúc ly biệt ở quán rượu Đông Dương)

Thiên nhai phương thán dị hương thân      (Vừa mới than nỗi xa quê ở phương trời này)

Hựu hướng thiên nhai biệt cố nhân            (Nay lại phải đưa tiễn người bạn cố tri)

Minh nhật ngũ canh cô điếm nguyệt           (Đêm mai suốt năm canh cô đơn nhìn trăng)

Túy tinh hà xứ các chiêm cân                    (Dù say hay tỉnh thì ở đâu ta cũng lệ ướt khăn)

 

Chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nhà

Quê người lại phải lìa xa bạn rồi

Mai nhìn trăng xế bên trời,

Tỉnh hay say, lệ vẫn rơi đầm đìa


LÝ BẠCH - TĨNH DẠ TỨ

Tôi yêu trăng từ thuở còn là một cậu bé miền quê. Từ ngày bỏ nước ra đi, tôi lưu lạc nhiều nơi. Tôi nhìn thấy trăng ở những nơi mình đã đi qua; trăng treo trên đỉnh cao ốc, trăng soi cánh đồng tuyết, trăng rọi trên thạch đảo, trăng trải trên bờ biển vắng. Phong cảnh tuyệt mỹ, nhưng tôi vẫn thấy thiếu thiếu một điều gì. Hình như trăng xứ người không tròn lớn, không sáng rõ, không lãng mạn bằng vầng trăng tôi nhìn ngắm không biết bao nhiêu lần khi còn ở quê nhà. Nên tuy không như Lý Bạch say nhào xuống nước ôm trăng, tôi cũng như nhà thơ, mỗi lần dõi mắt nhìn vầng trăng viễn xứ, lòng lại dậy lên một nỗi nhớ quê hương.

 

Tĩnh dạ tứ                                                 (Trăn trở trong đêm vắng)

Sàng tiền minh nguyệt quang                    (Trước giường trăng sáng soi)

Nghi thị địa thượng sương                        (Ngỡ sương phủ mặt đất)

Cử đầu vọng minh nguyệt                         (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng)

Đê đầu tư cố hương                                 (Cúi đầu nhớ quê xưa)

 

Ánh trăng lan đến bên giường

Tưởng chừng đất dậy hơi sương quanh mình

Ngước nhìn trăng sáng lung linh

Cúi đầu, mình lại thấy mình nhớ quê.


LÝ THƯƠNG ẨN - DẠ VŨ KÝ BẮC

Nơi tôi ở có nhiều mưa giông, chợt đến chợt đi, ào ạt, mãnh liệt. Sau cơn mưa, tôi nhìn con đường ngập nước trước nhà, bất giác liên tưởng tới những con mưa giông trải đầy bong bóng nước trên sân nhà mẹ ở ngoài Trung, những con mưa giông tràn ngập con hẻm nhỏ dẫn về gác trọ ở Saigon. Nghĩ đến rồi lại nhớ. Nhiều khi tôi thầm ao ước được sống lại một thời đã mất, gặp lại một người đã xa. Gặp nhau, không để kể nỗi nhớ nhung, vì nỗi nhớ trong tôi đã quá mênh mông đi rồi, kể sao cho xiết. Tôi chỉ muốn được thêm một lần ngồi

tựa lưng nhau tâm tình vụn vặt, để kể cho nhau nghe về một đêm mưa ở Houston...

 

Dạ vũ Ký Bắc                                (Mưa đêm ở Ký Bắc)

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ             (Em hỏi khi nào về, anh nói chưa biết)
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì            (Ở đây Núi Ba mưa lớn nuớc ngập cả hồ ao)
Hà đương cọng tiễn tây song chúc      (Biết khi nào gặp lại ngồi bên song cửa chong đèn)
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì         (Nói chuyện về đêm mưa ở núi Ba)

 

Ngày về biết đến khi nào

Ở đây mưa ngập hồ ao ruộng đồng

Bao giờ tựa gối bên song

Chong đèn ngồi kể chuyện lòng nắng mưa



ĐỖ MỤC - BẠC TẦN HOÀI

Ba Mươi Tháng Tư. Năm mươi năm qua, tôi sống tự do, tôi được rất nhiều. Nhưng những gì tôi mất sau cuộc đổi đời quá lớn, nên mỗi năm, đến ngày Ba Mươi Tháng Tư, những đau thương và bi phẩn của một lần nước mất nhà tan lại bừng bừng sống dậy trong lòng.  Tôi ngồi trong một quán vắng bên bờ sông, tâm tình chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Tôi nghe tiếng nói cười từ bên kia sông vọng qua, lòng thầm hỏi, ở ngay phút giây nầy bên kia bờ đại dương có bao nhiêu người ngày xưa cũng như tôi đi tránh làn sóng đỏ, bây giờ lại bỏ quên mối hận vong quốc về Việt Nam cùng đám người thắng trận ca hát chào mừng kỷ niệm ngày "Đại Thắng Mùa Xuân"

 

Bạc Tần Hoài                                             (Ghé bến sông Tần Hoài)

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa      (Khói vây sông lạnh, ánh trăng vây cát)

Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia             (Đêm ghé bến Tần Hoài, cạnh quán rượu)

Thương nữ bất tri vong quốc hận      (Đào hát không biết mối hận mất nước)

Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa   (Bên kia sông vẫn hát bài “Hậu Đình Hoa)

 

Ghé bên quán rượu đậu thuyền
Lung linh trăng rọi, mơ huyền sương rơi
Bên sông, đám gái làng chơi
Quên hờn vong quốc, hát lời tình ca


THÔI HIỆU - HOÀNG HẠC LÂU

Hoàng-hạc-lâu.

Khi còn học Trung học ở quê nhà, tôi biết đến bài thơ này qua hai bản dịch đặc sắc của Tản-Đà và Vũ-Hoàng-Chương. Lúc ấy, tôi yêu thích bài thơ này vì âm điệu quá hay, vì câu thơ trau chuốt của mỗi bản dịch. Nhưng dù đọc đi đọc lại cả hai bản dịch đến thuộc lòng, tôi vẫn không thấu hiểu được sự ảo diệu trong ý thơ đã khiến cho bài thơ cùng tác giả Thôi Hiệu trở thành bất tử. Sau cuộc đổi đời, tôi mới dần dần cảm nhận được bài thơ. Cuộc sống phiêu bạt đưa tôi đến nhiều nơi, mỗi nơi đều có một vẻ đẹp cá biệt. Nhưng càng nhìn cảnh đẹp xứ người, tôi lại càng thấy nhớ, lại càng thấy không nơi nào đẹp bằng quê hương Việt nam của mình. Bây giờ tôi mới hiểu câu "quê hương đẹp hơn cả" mà mình đã học thuộc lòng từ thuở ấu thơ. Năm mươi năm, thời gian như một đám mây trắng trôi trên bầu trời cao, lặng lẽ, vô tình. Năm mươi năm, một thời hoa mộng của tôi trong đó có quê hương, có mẹ, có anh chị, có bạn bè, có người yêu dấu..., tất cả đã như cánh hạc vàng xa lìa tôi rồi. Năm mươi năm, tôi trở thành ngôi lầu Hoàng-hạc, đứng giữa quạnh hiu mòn mỏi đợi chờ.

 

Hoàng-hạc-lâu                                         (Lầu Hoàng-hạc)

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ              (Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi)

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu             (Nơi nầy bây giờ chỉ còn lầu Hoàng Hạc)

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản           (Hac vàng một đi không trở lại nữa)

Bạch vân thiên tải không du du                 (Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không)

Tình xuyên lịch lịch Hán-dương-thụ           (Mặt sông phản chiếu bóng cây ở bến Hán dương)

Phương thảo thê thê Anh vũ châu             (Cỏ thơm mơn mởn xanh tươi trên bãi Anh vũ)

Nhật mộ hương quan hà xứ thị                 (Trời chiều rồi, tự hỏi quê nhà ở đâu)

Yên ba giang thượng sử nhân sầu      (Khói sóng trên sông làm buồn lòng người)

 

Xưa người cưỡi hạc mù khơi

Bỏ lầu đứng giữa đất trời trơ vơ

Hạc không trở lại bao giờ

Ngàn năm mây vẫn lặng lờ trôi nhanh

Dưới sông in bóng cây cành

Trên bờ hoang dại cỏ xanh một màu

Chiều tà, quê cũ nơi đâu?

Trên sông khói sóng gợi sầu khôn nguôi

 

Nguyễn Vĩnh Giao

(Houston, Tháng Tư 2025)

Không có nhận xét nào: