Chúc Mừng: Chiều Nhạc “Du Ca Năm Xưa và Hôm Nay” Thành Công Lớn! Trên 200 Khách Ngồi Kín Cả Hội Trường! *Nếu Quý Vị Lỡ Không Tham Dự Buổi Nhạc Này, Còn Có Cơ Hội Gặp Lại Đoàn Du Ca Trong: Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen! Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 13 tháng 4 năm 2025 (Tuần sau) Tại Hội trường Hạt Santa Clara (Isaac Newton Center Auditorium) 70 West Hedding, San Jose, Ca 95110 Vào cửa, mọi thứ, hoàn toàn miễn phí!
<!>
-Vào hồi 2pm Chiều Chủ nhật 30 tháng 3 năm 2025 tại Thính Đường Rosevelt Community Center, Đoàn Du Ca Bắc California với Đoàn Trưởng Trương Xuân Mẫn, đã Khai diễn Buổi Du Ca với chủ đề Du Ca Năm Xưa - Du Ca Ngày Nay, trong không khí ấm áp, tháng 3 cuối mùa Xuân, với sự tham dự của khoảng hơn hai trăm khán thính giả, ngồi kín hội trường. Về phía chính quyền địa phương đặc biệt có sự tham dự của Đại diện cho Dân Biểu Liên Bang Rhokhana.
Sau đây là một vài hình ảnh buổi Sinh hoạt chúng tôi đã ghi lại xin được chia xẻ đến Quý Vị cùng Các Bạn Xa, gần như một Lời Chúc Mừng Gửi đến Đoàn Du Ca Bắc Cali, với Niềm Hy Vọng Càng Ngày càng phát triển đển thế hệ Trẻ Hải Ngoại cũng như trong nước Tiếp Bước Cha Ông Vinh Quang Muôn Đời cho Tổ Quốc Việt Nam. (mpd)
Nếu Quý Vị Lỡ Không Tham Dự, Hãy Còn Có Cơ Hội Gặp Lại Đoàn Du Ca Trong: Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen! Chủ Nhật Tuần Tới Đây!
Lời Mời
-Bước vào những tháng ngày, buồn thảm, đau thương nhất của Quê Hương!
Giới thiệu sinh hoạt, ý nghĩa nhất, nhiều công phu, thời gian sửa sọan nhất, cho Tháng Tư Den năm nay tại San Jose:
Chiều Nhạc Tưởng Niệm 50 Năm Tháng Tư Đen!
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 13 tháng 4 năm 2025.
Tại Hội trường Hạt Santa Clara (Isaac Newton Center Auditorium) 70 West Hedding, San Jose, Ca 95110
-Chương trình nhạc Tưởng Niệm truyền thống, do Văn Thơ Lạc Việt tổ chức hằng năm, vào mỗi Tháng Tư Buồn! với trên, hàng chục ca nhạc sĩ hay nhất, với những giọng ca truyền cảm nhất, hát với tất cả trái tim của Thung Lũng Hoa Vàng trình diễn.
-Gồm: Đồng Thảo, Hoàng Kim, Văn Khoa, Ngọc Hoa, Thanh Trúc, Trung Kiên, Hạnh Thảo, Cindy Mỹ Dung, Hiếu Hạnh, Thu Phượng, Khôi Nguyên, Hoàng Minh… MC: Thanh Loan, Duy Hải, Nguyễn Hồng Dũng và Đoàn Du Ca Bắc Cali.
-Được tổ chức truyền thống, lần này là lần thứ 6! với sự yểm trợ của rất nhiều Hội đoàn và các Anh Chị Em Nghệ Sĩ.
-Vào cửa tự do, cũng như có phục vụ nước giải khát, thức ăn nhẹ, hoàn toàn miễn phí!
-Một vị ân nhân tặng 10 phần quà, rất co giá trị, trong phần rút thăm!
-Đặc biệt, bảo trợ bởi: Giám Sát Viên Hạt Santa Clara, Betty Dương.
-Nếu có thể được, xin mặc y phục mầu đen & trắng.
*Mọi chi tiết, xin liên lạc: (408) 613-9142, (408) 335-3862
Chân thành cảm tạ và Trân trọng kính mời.
Thay Mặt Ban Tổ Chức
Lê Văn Hải
THƠ THÁNG TƯ TRONG TÔI
Kính thưa quý Thầy Cô, quý anh chị và các bạn,
Tháng Tư lại về, mang theo từng đợt sóng ký ức cuồn cuộn dội về. Năm nay đánh dấu 50 năm ngày đau thương lịch sử – ngày chúng ta mất nước, mất quê, mất cả một thời tuổi trẻ hoa mộng… để rồi lưu lạc bốn phương trời.
Đã từ rất lâu, PL không còn làm thơ. Nhưng càng gần đến ngày Quốc Hận, lòng lại càng trĩu nặng, tim quặn đau khi nghĩ đến một quê hương vẫn còn chìm trong mù mịt, không ánh sáng của tự do. Trong nỗi buồn tái tê ấy, PL đã viết bài thơ “Tháng Tư Trong Tôi”, như một tiếng lòng hoài niệm và thương tiếc.
Xin kính mời quý vị cùng đọc, cùng cảm, và cùng thắp lên niềm hy vọng cho một ngày quê hương thanh bình để những người con xa xứ có thể tìm về, cho dẫu chỉ để cúi chào mảnh đất mẹ bằng đôi chân run rẩy.
PL chân thành cảm ơn và kính chúc sức khỏe, an yên.
Kính quý,
PLang
THÁNG TƯ TRONG TÔI
Bốn bể trôi thân lạc
Tháng Tư đen u hoài
Quê hương thành mây khói
Một thời nét tranh phai
Gót lưu vong lạnh giá
Trời tự do chưa xanh
Mắt khô cùng năm tháng
Tim rướm máu không lành
Nghe quê nghèo nức nở
Ngục tù thay mái tranh
Tre già rơi tiếng nấc
Lúa non rụng đầu cành
Thuyền nhân trôi sóng dữ
Xác tan theo mộng lành
Chim bay không thấy tổ
Chỉ còn gió mong manh
Con lớn khôn đất lạ
Cháu quên tiếng mẹ hiền
Ta gom lời thầm lặng
Dệt giấc mộng đoàn viên
Năm mươi năm biệt xứ
Tóc pha sương mịt mù
Tim còn nghe thổn thức
Nhớ một thời hoang thu
Mái tranh xưa rêu phủ
Giếng làng còn đợi ai?
Khóm cau già lặng lẽ
Ngóng bóng người lạc loài
Mơ một ngày đất mẹ
Tan khói lửa, yên lành
Ta trở về thăm lại
Lối nhỏ phủ cỏ xanh
Dẫu chân run, lưng mỏi
Dẫu trán hằn gió sương
Lòng vẫn mang quê cũ
Như thuở còn sân trường
Cầu quê hương thanh bình
Hận thù chóng đi qua
Cho cháu con ca hát
Giữa mảnh trời ông cha
1/4/2025
phamphanlang
Thơ Diên Nghị:
Năm Mươi Năm Cũng Những Lần Xuân
Năm mươi năm nội chiến hạ màn
Nước nhà, lịch sử đã sang trang
Tự do, chính nghĩa do cường bạo
Tướng sĩ, ba quân rộn rã hàng
Năm mươi năm thế hệ kế thừa
Lớn lên thao thức lẽ thực hư
Ngọn cờ dân tộc còn tung gió
Hồi niệm trong mơ những trận đồ…
Năm mươi năm từ đó ra đi
Thầm hẹn vinh quang sẽ trở về
Cơm áo đời thường mờ chí hướng
Lòng người vốn yếu… vội trách chi?
Vẫn nhớ còn thương tiếc Sài Gòn
Miền Nam hưng thịnh thuở vàng son
Giao thừa bến cảng hổi tàu giục
Nôn nả, bồn chồn mộng bốn phương
Những lúc hàn huyên dịp đổi trao
Cứ như chưa hiểu được vì sao
Vì sao cam chịu đời phiêu bạt
Hiện hữu khắp nơi mặt địa cầu?
Hỡi ơi, định mệnh Việt Nam ơi!
Xa đất quê hương, lạc đất người
Thấm thía sinh phần thân nhươc tiểu
Ngậm cười, nín khóc, mặc Xuân vui!
Diên Nghị
San Jose, Xuân 2025
Tháng Tư Đen: Người Chết Dưới Chân Chúa!
(Phan Nhật Nam)
-Sông Tiền Giang mênh mông như bể, chiếc phà lớn chuyên chất ba GMC, vài chiếc xe du lịch, bềnh bồng mang chúng tôi qua sông lẫn với đám hành khách áo quần màu sắc. Họ dồn về một phía, nhìn lũ người gươm đao thật xa cách. Tôi ngồi trên mui tàu thả từng mẩu giấy vụn xuống dòng nước, trí não lãng đãng như bọt sóng.
Đoàn xe rời quốc lộ 4 rẽ về phía phải theo con đường hướng phi trường Trúc Giang. Qua ngôi trường tiểu học quận, một dẫy quan tài sắp lớp, mùi thây chết bốc lên ngây ngấy. Biệt động quân – tiểu đoàn 41… Nghe nói hình như Tiểu đoàn trưởng hay Tiểu đoàn phó bị chết. Lính ở trên xe xì xầm bàn tán với vẻ thản nhiên. Họ không biết chiến trận đã đến hồi khốc liệt, nên chiến đoàn Dù gồm tiểu đoàn chúng tôi và một tiểu đoàn bạn đã có mặt tại vùng hành quân từ ngày trước. Đến phi trường nơi đặt bộ chỉ huy của khu chiến thuật Tiền Giang, trung tâm hành quân của cuộc hành quân, chúng tôi được lệnh ngủ tại đây để chờ ngày mai trực thăng vận vào vùng hành quân. Tôi chưa được dự trận lớn, nên không có ý niệm về những gay go sắp đến trong ngày mai, bình thản ngủ một giấc yên lặng với kết luận: Trực thăng vận đối với Nhảy dù chỉ là trò đùa, không có gì mới lạ.
Ngày 22, 8 giờ hai pháo đội đặt ở phi trường hướng súng về bãi đáp nhả đạn liên hồi để dọn bãi. Lấy cái chết của phe địch để làm an toàn cho phe mình, luật của chiến tranh quả tàn khốc. Tiếng súng dọn bãi vừa dứt, ba mươi chiếc trực thăng đồng bốc lên một lượt mang hai đại đội 71 và 72 vào trận địa.
Báo cáo xuống bãi tốt, bình yên. Phần còn lại của tiểu đoàn được trực thăng vận tiếp theo. Toàn bộ tiểu đoàn đã xuống đủ, hai đại đội 71 và 73 dẫn đầu đơn vị, di chuyển được mười lăm phút. Súng nổ! Đụng rồi! Đụng rồi… Lính dáo dác, máy truyền tin chuyển lệnh nghe loạn xạ. Phía trước tiểu đoàn súng nổ lẫn lộn, tiếng khô và cứng của ta, sắt nhọn của địch… Đại đội 72 rút lên bố trí về phía phải của đại đội 73. Lệnh cho đại đội chúng tôi lên thật nhanh. Ngang qua chỗ đứng của Thiếu tá tiểu đoàn trưởng, một tiếng nổ thật lớn nháng lửa ngay trước mặt, quả đạn 57 ly nổ ngay khi ra khỏi nòng, người phụ xạ thủ bắn tung ra đằng sau, một bàn tay bị đứt. Ông tiểu đoàn trưởg hét lớn qua màu khói… Trung đội anh chạy ra cái nhà tranh…
Như vậy là đụng độ lớn, người bị thương nằm la liệt ở dưới các rãnh dừa nước. Toàn đang đứng trong một giao thông hào chỉ trỏ quát tháo. Phía tay trái nơi xa có tiếng lựu đạn nổ và tiếng hô xung phong. Trung đội tôi ép phải, hướng tiến bây giờ thẳng góc với các con kinh nhỏ, nên chúng tôi chỉ có thể nhảy từng bước thật dài trên bờ kinh, một cái nhảy hụt tôi rơi vào đường mương cùng với hai người khinh binh. Bám cỏ bò lên, xác hai tên Việt cộng nằm tênh hênh, một xác bị banh nát ngực, xác kia nằm sấp, không rõ… Người chết, lần đầu tiên tôi chạm phải – một thây chết của đối phương.
– Lên đi tụi mày, thằng nào trốn đàng sau tao bắn gãy giò…
Tôi quát tháo cũng ra gì, mấy người lính đi chậm dớn dác tìm lối qua rạch. Họ không nhảy qua được vì mang đồ quá nặng.
– Đ.m… Nhảy qua được không? Thường ngày sao liến xáo quá cỡ, hôm nay lại chậm như rùa.
Tôi chửi mắng om sòm. Trung đội đến bờ làng dừng lại bố trí trông ra cánh đồng trống. Ngồi dựa vào một gốc dừa, tôi thấy mệt vì phải quát tháo quá nhiều, nhớ lại lời chửi tục. Tôi đã thành một người lạ nào đấy. Địch từ phía trái chạy vọt qua, bóng áo đen ẩn hiện đàng sau rặng dừa xanh bên kia cánh đồng. Bắn! Bắn! Trung đội tôi khai hỏa ròn rã. Một vài bóng áo đen ngã xuống. Hơi thuốc súng, hơi bùn lầy, máu người chết xông lên ngây ngấy.
Sáu giờ chiều, tiếng súng phía bên trái, hướng đại đội 71 hoàn toàn chấm dứt, trực thăng tải thương bắt đầu đến, khói màu xanh làm dấu bãi đáp bốc lên mờ mịt làm đặc không gian đang ngã vào đêm, rừng dừa màu xanh thẩm lại. Tiếng súng vu vơ của địch bắn lên máy bay khi tháo lui. Tôi ngồi dựa gốc dừa, mệt mỏi đến tột độ, một tên lính mò lại bên cạnh.
– Thiếu úy ăn cháo gà?
– Cháo gà?
– Dạ, em bắt được, nó còn ấp trứng…
– Thôi mày cho tao quả trứng, tao ăn cháo không nổi.
Khi lính trong trung đội xịt xoạt ăn cháo, tôi đi lui về phía xác hai tên Việt cộng. Tên nằm sấp bây giờ lật ngược lại, có lẽ đấy là cử động cuối cùng của nó trước khi chết. Tôi đặt tay lên da người chết lạnh tanh. Đêm xuống, chúng tôi trải poncho nằm trên bờ rạch, không cởi giày, địch có ý tấn công lại nên phải đề phòng.
Tiểu đoàn tiếp tục truy kích, hôm nay đại đội tôi đi đầu, trung đội tôi dẫn đầu đại đội, chúng tôi đi dọc một con kinh lớn, rừng dừa xanh ngút tầm mắt, thôn xóm trù phú nhưng không một bóng người. Chúng tôi dè dặt từng bước đi.
– Hầm có dấu chân người! Tản rộng ra chung quanh, một người đến xem mà thôi -Tôi ra lệnh.
– Ai ở dưới, đi lên!… Im lặng…
– Lên không tao ném lựu đạn xuống! Thiếu úy, cho em ném lựu đạn xuống. Tên lính hỏi ý kiến.
– Không, mày bắn xuống mà thôi.
Tên lính lanh lẹ bắn xuống một tràn thompson, có tiếng rên khe khẽ.
– Lên không bắn nữa. Đưa tay lên trước…
Tôi nín thở, một chiếc đầu bạc phơ từ từ nhô lên khỏi miệng hầm, ông lão bế một bà lão lên theo. Vừa ra khỏi hầm ông lão chấp tay xá bốn hướng xụt xùi khóc lóc, bà lão nằm vật xuống, ở đầu có một vết thương.
Đến buổi trưa, tôi hoàn toàn kiệt lực như một mũi tên rơi xuống cuối đường bay. Hình ảnh hai mái tóc bạc nhô lên từ miệng hầm, nét mặt hốt hoảng của hai tên địch chưa quá mười sáu tuổi lôi lên từ một đám bèo, một tên còn đang ngậm một búng cơm… Những hình ảnh đó bây giờ cộng thêm cảnh chết cuả hai vợ chồng và ba đứa con ở trước mắt tôi. Họ chết từ ngày hôm kia, khi địch đặt bộ chỉ huy ở khu nhà thờ, người chồng là ông Từ giữ nhà thờ đã đem cả gia đình vào trốn dưới cái bệ thờ Chúa. Tượng Chúa ngã nghiêng, tượng Thiên Thần vỡ tung tóe, hai bàn tay trắng bằng đất nung lăn lóc trên sàn nhà. Khi tôi cúi xuống nhặt hai bàn tay này thì khám phá ra năm xác chết trên. Họ chết ngồi, hai vợ chồng ngồi sát nhau ôm ba người con trước ngực. Họ chết vì bị sức ép nên thân thể vẫn còn nguyên vẹn, nét mặt in vẽ hốt hoảng. Tôi ra lệnh kéo xác họ ra sân.
Giáo đường bây giờ im vắng, tượng Chúa linh động trong vị thế nghiêng ngã, nắng ở ngoài không rọi vào, không khí nặng nề lạnh ngắt… Tôi ngồi xuống trên chiếc ghế, hỏi thầm…
– Thượng-Đế, Ngài có thật đấy chăng?
Khi tôi bước ra đàng sau nhà thờ, qua khu nhà ở của những người chết, một chiếc áo tím chắc hẳn của cô gái còn phơi phới bay trong gió… Nhìn ra xa, xác cô gái nằm thẳng trên sàn gạch, nắng thật sáng rọi lên rực rỡ. Người tôi ai cắm một lưỡi dao oan nghiệt vào tim, thật buồn. Tôi loay hoay đốt một điếu thuốc. Cái chết quả bi thảm, nhưng hình ảnh của cô gái nằm chết khi chiếc áo còn bay trong gió vang vang nơi trí não tôi như một tiếng kêu thê thảm không dứt âm. Hai ông bà cụ già, tên Việt cộng trẻ, người cha và người mẹ, họ đã sống, đã chết dù sao cũng có chủ đích, có chọn lựa, cũng đã qua gần hết cảnh sống. Cô gái chết bất ngờ không báo trước, yêu đời như màu tươi của chiếc áo. Tôi choáng váng ngộp thở, người lao đao trong một niềm giận dỗi phiền muộn không cùng.
Đụng lớn, tiểu đoàn lấy được một lô súng đạn, thừa thắng truy kích địch để lùa chúng về quốc lộ 4. Bên trái là sông Tiền Giang, Tiểu đoàn 3 nhẩy dù bên phải làm thành phần chận bít. Tiểu đoàn tôi lùa địch từ đông sang tây. Việt cộng phân tán thành từng toán nhỏ để chạy trốn. Ba đại đội tác chiến được sử dụng để lục soát không chừa một hốc nhỏ. Việt cộng được moi lên từ các ao bèo, bờ lúa, đụn rơm, cuộc truy kích vừa khôi hài vừa hào hứng như trò chơi. Tôi lầm lì đi giữa hàng quân, trận đánh ngày hôm qua, một đêm mất ngủ, cái chết hàng loạt của Việt cộng, những thây ma tênh hênh lăn lóc, tất cả đổ ào xuống một lượt trên tâm hồn hồn nhiên — Tôi ngất ngư như lần đầu tiên uống rượu nhưng đây là cơn say đen. Xua quân đi vào một vườn dừa rộng, tiểu đội bên trái, tiểu đội bên phải, lục soát dọc theo hai con rạch nhỏ bao quanh khu vườn. Tôi đi vào ngôi nhà đang âm ỉ cháy, những chiếc cột lớn lỏng chỏng hỗn độn bốc khói xám…Một người đàn bà áo trắng quần đen tay ôm chiếc lẵng mây trước ngực ngồi im trên nền gạch đôi mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Thấy chúng tôi đi vào chị ta đứng dậy, đứng thẳng người như pho tượng, như thân cây chết với đôi mắt không cảm giác. Thằng bé theo tôi cùng tên hiệu thính viên lẻn ngay vào bếp kiếm thức ăn. Tôi đi đến trước chị đàn bà…
– Làm gì chị ngồi đây, không biết đang đánh nhau sao?
Im lặng, đôi mắt ngơ ngác lóe lên tia nhìn sợ hãi. Bỗng nhiên chị ta đưa thẳng chiếc lẵng mây vào mặt tôi, động tác nhanh và gọn như một người tập thể dục. Sau thoáng ngạc nhiên tôi đưa tay đón lấy… Hai bộ áo quần, chiếc khăn trùm đầu, gói giấy nhỏ buộc chặt bằng dây cao su. Mở gói, hai sợi giây chuyền vàng, một đôi bông tai.
– Của chị đây hả? – Vẫn im lặng. Nỗi im lặng ngột ngạt, lạ lùng.
– Con mẹ này điên rồi thiếu úy, chắc sợ quá hóa điên.
Tên hiệu thính viên thì thầm sau lưng tôi, mắt nó sáng lên khi nhìn vào những miếng vàng chói trên giấy…
– Vàng, chắc cũng hơn một lượng, lấy đi thiếu uý… Ê! Đi đi.
Tên lính xua tay đuổi người đàn bà đi chỗ khác. Lạnh lùng, chị ta xoay người bước đi như xác chết nhập tràng.
– Chị kia quay lại đây tôi trả cái này… – Tôi nói vọng theo.
Người đàn bà xoay lại, cũng với những bước chân im lặng, trở về đứng trước mặt tôi nhưng đôi mắt bây giờ vỡ bùng sợ hãi, vẻ hốt hoảng thảm hại làm nhăn nhúm khuôn mặt và run đôi môi… Chị ta còn trẻ lắm, khoảng trên dưới hai bảy, hai tám tuổi, da trắng mát tự nhiên, một ít tóc xõa xuống trán làm nét mặt thêm thanh tú. Tôi đưa trả chiếc lẵng mây, chị đàn bà đưa tay đón lấy, cánh tay run rẩy như tiếng khóc bị dồn xuống. Chiếc lẳng rơi xuống đất, hai cánh tay buông xuôi mệt nhọc song song thân người. Dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi hươi mũi súng trước mặt chị ta:
– Ngồi đây! Tôi chỉ nòng súng vào bực tam cấp. Khi nào tụi tôi đi thì chị đi theo… Tại sao khóc, nhặt vàng lên đi chứ… – Im lặng, chỉ có nỗi im lặng kỳ quái, thân thể người đàn bà cứ run lên bần bật, nước mắt ràn rụa… Từ từ chị đưa bàn tay lên hàng nút áo trước ngực… Không! Không thể như thế được, tôi muốn nắm bàn tay kia để ngăn những ngón tay run rẩy đang mở dần những hàng nút bóp để phơi dưới nắng một phần ngực trắng hồng! Không phải như thế chị ơi… Người đàn bà đã hiểu lầm tôi… Không lấy vàng và bắt đứng lại!! Chị ta không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị ta tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này. Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ nhận tủi hổ này… Thê thảm cho tôi, cho những người lính chung quanh vì lính chúng tôi có thể tàn bạo khoảnh khắc, tham lam lén lút nhưng chúng tôi đâu phải là một thứ lính tẩy trên quê hương — Người ngoại cuộc với những tàn phá kinh tởm do chiến tranh này gây nên. Chúng tôi có lòng nào hưởng cảm giác trên xác thân của một người đàn bà Việt Nam trong cơn vỡ nát kinh hoàng thống khổ… Khổ lắm, người đàn bà của tỉnh Kiến Hòa đâu biết chúng tôi không bao giờ muốn huênh hoang, hung bạo trong vườn xanh bóng mát này, chúng tôi đâu có muốn tạo những ngọn lửa oan uổng thiêu đốt căn nhà bình yên như giấc mơ của chị. Và những mảnh vàng đó, thân thể chị đây ai có can đảm để giang tay cướp phá và xâm phạm! Tôi muốn đưa tay lên gài những chiếc nút áo bật tung, muốn lau nước mắt trên mặt chị nhưng chân tay cứng ngắt hổ thẹn. Và chị nữa, người đàn bà quê thật tội nghiệp, cảnh sống nào đã đưa chị vào cơn sợ hãi mê muội để dẫn dắt những ngón tay cởi tung hàng nút áo, sẵn sàng hiến thân cho một tên lính trẻ, tuổi chỉ bằng em út, trong khi nước mắt chan hòa trên khuôn mặt đôn hậu tràn kinh hãi.
Quân rút ra khỏi làng, chị đàn bà đi theo chúng tôi, vẫn với những bước đi ngượng ngập cứng nhắc, vẫn đôi mắt nhìn vào khoảng trống không cảm giác. Người đàn bà Việt Nam bước đi trong ngỡ ngàng với hạnh phúc khốn nạn: Hạnh phúc đến chót sau những thống nhục rời rã. Hạnh phúc lạ lùng như chiêm bao thấy thân thể chưa bị xúc phạm!
Quân rút ra gần đến quốc lộ, con sông bên trái đầy thuyền, hỗn độn dòng người chen chúc. Dân của vùng hành quân trốn ra từ ngày trước, tiếng người kêu la vang dội một khoảng sông, họ hỏi thăm tình trạng nhà cửa, người thân thích, người kẹt trong vùng hành quân. Tiếng khóc vang rân… Trời ơi, nhà ông Năm bị chết hết cả rồi bà con cô bác ơi! Tiếng kêu thê thảm như một kẻ đắm đò…
– Lai! Mày đó Lai ơi! – Bà già dưới sông mồm kêu tay ngoắc chị đàn bà theo chúng tôi. Chị ta dừng lại như để nhớ một dĩ vãng, như nhớ một khỏang sống đã đi qua… – Lai! Lai ơi, má đây con…- Chị đàn bà đứng lại xoay người về phía dòng sông… Má! Má!
Tôi thấy đôi môi run rẩy thì thầm: Nhà cháy rồi! Nhà cháy rồi! Chị ta đi lần ra phía bờ sông, cũng với những bước chân của người mất hồn, bóng áo trắng nổi hẳn trên đám dừa xanh.
Tôi cúi đầu đi thẳng, mắng mấy người lính đứng tần ngần nhìn theo người đàn bà: Tiên sư, đi lẹ còn qua phà sớm. Lòng ngập một niềm ăn năn kỳ lạ.
Chiếc phà đưa tiểu đoàn chúng tôi về Mỹ Tho. Dân chúng ra đứng nhìn cảm phục. Đóng quân ở sân vận động, tôi đi lên chiếc cầu hướng về phía Gò Công, dòng nước đen thấp thoáng ánh đèn chảy siết dưới chân cầu đục ngầu như tâm hồn. Đêm tỉnh lẻ đỏm dáng tội nghiệp, tôi đi lang thang, thật lạ ngay với chính mình, gặp Bang ở Biệt động quân, anh chàng nhỏ người nhưng ồn ào nhất trong số mười lăm anh khóa 15 Thủ Đức về Biệt động quân. Bang đãi tôi cơm, tôi chỉ uống được chai bia, xong chúng tôi đi coi ciné, phim The Sun Also Rise, phục Hemingway thì có khi đọc sách, nhưng phim dửng dưng, nhạt nhẽo. Tôi đi về trong đêm khuya, thành phố ngủ sớm, chiếc lá khô bay trước mặt như tà áo của cô gái.
Tội nghiệp thay cho một tuổi trẻ, tôi cũng đáng tội nghiệp nữa. Ngày mai chúng tôi về Sài Gòn, ao ước được cởi áo nhà binh trong vài ngày, nhưng đó chỉ là ao ước vì chúng tôi biết rằng Sài Gòn đang có biến động, Phật giáo và Thiên Chúa giáo xua tín đồ ra đường phố. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là phẫn nộ khi về đến Sài Gòn đóng ở Tổng Nha Cảnh Sát, lãnh một cái mặt nạ để sẵn sàng dẹp biểu tình.
Tô Lâm phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản? Xóa bỏ kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa, đưa kinh tế Tư Nhân lên hàng chủ đạo!
*Suốt gần nửa thế kỷ qua chưa có vị tổng bí thư nào của ĐCSVN, dám đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo của nền kinh tế của cả nước!
(Dư Lan)
(Tổng Bí thư Tô Lâm (trái) và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.)
-Kinh tế nhà nước là nền tảng cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản.
Khi đã chấp nhận kinh tế thị trường năm 1986, ĐCSVN đã phải thừa nhận chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Nhưng suốt hơn 40 năm qua chưa có vị tổng bí thư nào của ĐCSVN dám đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo của nền kinh tế.
Cho đến khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư.
Bài viết của vị đương kim Tổng Bí thư hôm 17 tháng Ba về vai trò của kinh tế tư nhân được PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, viết trên trang mạng Facebook cá nhân, cho là đúng đắn, và bộc lộ “những tư tưởng trụ cột của chủ nghĩa tư bản”.
Vứt bỏ đường lối
Trong bài viết có tựa đề ‘Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng’, ông Tô Lâm đã thể hiện tư tưởng ủng hộ kinh tế tư nhân mạnh mẽ.
Ông còn thừa nhận rằng “kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh”, “gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính.”
Không dừng lại ở việc khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với đất nước, ông Tô Lâm còn chỉ trích các doanh nghiệp nhà nước dù được “nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.”
Đó là thực tế ai cũng thấy, nhiều chuyên gia đã nói, nhưng ông Tô Lâm là tổng bí thư đầu tiên thừa nhận thẳng thắn thực tế đó.
Tư tưởng ủng hộ kinh tế tư nhân của ông Tô Lâm đối lập hoàn toàn với quan điểm giáo điều của người tiền nhiệm.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành, nguyên thành viên tổ tư vấn tài chính của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ghi nhận trên trang Facebook cá nhân rằng “doanh nghiệp Việt Nam, sau thời kỳ gần một thập kỷ bị GS. TS. Nguyễn Phú Trọng đánh cho tả tơi,” đang thoi thóp rón rén hồi phục dưới kỷ nguyên mới của Đại tướng Tô Lâm.
Năm 2017, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đưa ra “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, khẳng định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo,” “doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.”
Trong toàn bộ bài viết dài hơn 400 chữ, ông Tô Lâm chỉ nhắc đến thuật ngữ ‘kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa’ đúng một lần.
Điều đáng nói là ông Trọng kiên định với doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh trước đó ông đã phải “xử lý 12 đại dự án thua lỗ” của các công ty quốc doanh này. Không chỉ ông Trọng mà các tổng bí thư trước đó cũng có tư tưởng giáo điều tương tự.
Ý thức hệ đề cao doanh nghiệp quốc doanh đã đồng thời dẫn đến tư tưởng kìm hãm doanh nghiệp tư nhân. Tư tưởng này thấm vào các chính sách nhà nước, khiến doanh nghiệp tư nhân không thể lớn nổi.
Theo ông Tô Lâm, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã bị chèn ép so với doanh nghiệp nhà nước, bất chấp thực tế là doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả. Thậm chí, doanh nghiệp nước ngoài còn được ưu đãi tốt hơn cả doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất trong cách nhìn so sánh của ông Tô Lâm đối với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam. Điều quan trọng nhất là ông đã khẳng định việc doanh nghiệp tư nhân bị kìm hãm đã đồng thời kìm hãm khả năng phát triển của dân tộc. Ông viết:
“Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.”
Tại sao lúc này?
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân và cải cách hành chính phản ánh một thực tế không thể chối bỏ: bộ máy nhà nước Việt Nam cồng kềnh, kém hiệu quả và đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Việc Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra chính sách phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này có thể xuất phát từ nhu cầu tăng cường động lực tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Thực vậy, theo Luật sư Khanh, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Việc thúc đẩy kinh tế tư nhân nhằm tận dụng tối đa nguồn lực trong nước, giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế. Các yếu tố quốc tế như xu hướng bảo hộ thương mại và biến động kinh tế toàn cầu, địa - chính trị - kinh tế cũng thúc đẩy Việt Nam tìm kiếm động lực tăng trưởng nội địa.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng ông Tô Lâm “không muốn là cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng.”
Ông Trọng được biết là một nhà lý luận Cộng sản, dựa vào những giáo điều cũ kỹ, vốn lấy doanh nghiệp nhà nước làm cột trụ của nền kinh tế, giờ đây ông Tô Lâm đưa ra học thuyết lấy kinh tế tư nhân làm cơ sở của nền kinh tế.
Nhưng ông Tô Lâm thực hiện cải cách không chỉ vì muốn làm khác vị lãnh đạo tiền nhiệm.
“Là một người lãnh đạo, dù muốn dù không, ông rõ ràng muốn lịch sử nhắc đến mình như là một lãnh đạo có khả năng, đem lại thịnh vượng cho chế độ. Với nhu cầu đó, con đường duy nhất để Việt Nam vươn lên, đối với ông, chỉ có con đường dựa vào kinh tế tư nhân và thúc đẩy kinh tế tư nhân. Mặt khác, kinh tế đang khủng hoảng và chuyện dựa vào kinh tế tư nhân để tạo ra việc làm là điều cần thiết nhất lúc này.” Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích.
Lên làm Tổng Bí thư ở thời điểm nhiệm kỳ của khóa 13 chỉ còn một năm rưỡi nữa là kết thúc, ông Tô Lâm đối diện với việc phải chứng tỏ năng lực trong một thời gian ngắn, với hy vọng được tái đắc cử khi Đại hội Đảng diễn ra vào tháng 1 năm 2026.
Con đường mới để xác lập tính chính danh
Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở giai đoạn đầu “đổi mới” từng nói “phải nhìn thẳng vào sự thật”. Theo GS Vũ Tường, trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, nay ông Tô Lâm khẳng định vị trí quan trọng nhất của khu vực kinh tế tư nhân cũng là một cách nhìn vào sự thật, trong bối cảnh mới.
Điều này tác động thế nào đến nền chính trị thì chỉ thời gian mới có thể trả lời, vì tư tưởng lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột của ông Tô Lâm mới được công bố hơn một tuần, cần có thời gian để thực thi.
Nhưng theo các chuyên gia, có thể thấy trước ảnh hưởng quan trọng của tư tưởng mới của vị nguyên thủ quyền lực và có tinh thần thực tiễn hiện nay ở Hà Nội. Ảnh hưởng quan trọng nhất, theo Giáo sư Vũ Tường, là cách ĐCSVN của ông Tô Lâm lựa chọn các trụ cột để bảo vệ tính chính danh của mình. Ông nói:
“Trước giờ họ vẫn theo đuổi ba yếu tố tạo nên tính chính danh của họ: một là chủ nghĩa dân tộc, một là chủ nghĩa xã hội và một là tăng trưởng kinh tế. Đó là ba yếu tố chính.
Dần dần họ giảm nhẹ yếu tố chủ nghĩa xã hội mà tăng hai yếu tố là chủ nghĩa dân tộc và tăng trưởng kinh tế. Hai yếu tố này trở thành hai trụ cột chính của tính chính danh của ĐCSVN. Từ từ họ phải bỏ yếu tố chủ nghĩa xã hội vì nó không còn liên quan nữa, mà chỉ là tín điều cản trở phát triển kinh tế. Vì chủ nghĩa xã hội và tăng trưởng kinh tế mâu thuẫn với nhau. Nó mâu thuẫn, níu kéo lẫn nhau, thành ra không phát triển được. Họ bỏ bớt yếu tố chủ nghĩa xã hội đi để giúp cho hai yếu tố kia mạnh hơn.”
Như vậy tức là Việt Nam chỉ là còn là một nước Xã hội Chủ nghĩa trên danh nghĩa.
Tuy nhiên, các chuyên gia Vũ Tường, Vũ Đức Khanh, Nguyễn Huy Vũ cũng cho rằng có một khoảng cách rất xa từ việc xác lập tư tưởng đúng đến chỗ thực hiện được nó
Theo GS Vũ Tường, bài viết của ông Tô Lâm, khi nói về giải pháp, nhấn mạnh cả các doanh nghiệp tư nhân lớn và các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Nhưng khi đi vào thực thi, liệu hệ thống chính trị sẽ chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp lớn và tiếp tục bỏ rơi doanh nghiệp nhỏ? Bởi lẽ việc hỗ trợ doanh nghiệp lớn là điều dễ làm. Còn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vốn đông đảo và là năng lực thực sự của nền kinh tế quốc gia, cần phải cải cách cả hệ thống.
Mỹ cảnh báo nguy cơ mất ưu thế trong không gian trước sức ép từ Nga và Trung Cộng
– Một sĩ quan cấp cao của Lực lượng Không gian Hoa Kỳ vừa lên tiếng cảnh báo rằng nước Mỹ đang đối mặt với bước ngoặt lớn trong lĩnh vực an ninh vũ trụ, khi các đối thủ như Nga và Trung Quốc ngày càng thu hẹp khoảng cách công nghệ.
Tại Hội nghị Quốc phòng McAleese hôm 18 Tháng Ba, Trung tướng Michael Guetlein, phó tổng tham mưu trưởng Không gian Mỹ, nhấn mạnh cần phải thay đổi tư duy chiến lược – từ việc chỉ quản lý vệ tinh hỗ trợ mặt đất sang ưu tiên vũ trang trong quỹ đạo.
Ông Guetlein nhận định, thời kỳ mà các quốc gia tôn trọng “luật bất thành văn” không can thiệp vệ tinh lẫn nhau đang dần khép lại. Năm 2021, Nga thực hiện thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, tạo ra gần 1,800 mảnh vỡ trong quỹ đạo thấp, đe dọa an toàn cho các trạm vũ trụ. Còn Trung Quốc, vào năm 2022, đã sử dụng cánh tay robot kéo một vệ tinh ra khỏi vị trí và thả vào vùng “nghĩa địa quỹ đạo.”
Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là đang xây dựng hệ thống tình báo ISR tích hợp hiện đại, có thể theo dõi và định vị mục tiêu nhanh chóng. Tướng Guetlein gọi đây là “mạng lưới tiêu diệt,” thay vì chỉ là “chuỗi tiêu diệt” như trước.
Ông cũng đề cập đến các chiến thuật như “gây nhiễu, làm lóa mắt” vệ tinh đối phương – điều đang được cả Nga và Trung Quốc triển khai. “Không gian không còn là một môi trường hòa bình tuyệt đối. Chúng ta phải hành động để duy trì ưu thế,” ông nói.
Lực lượng Không gian Mỹ hiện đang xúc tiến xây dựng hệ thống phòng thủ tích hợp mang tên “Golden Dome” – một sáng kiến nhằm kết nối những năng lực từng tách biệt thành một mạng lưới phòng thủ vũ trụ.
Tướng Guetlein khẳng định: “Phép màu của Golden Dome nằm ở chỗ nó sẽ kết nối những mảnh ghép rời rạc thành một cơ chế hoạt động hiệu quả.”
Elon Musk chỉ ra điều gây sốc trong cơ sở dữ liệu an sinh xã hội của Mỹ
(Lâm Yến)
-Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, Elon Musk trong podcast “The Joe Rogan Experience” hôm thứ Sáu (28/2). (Ảnh chụp màn hình video)
Một biểu đồ được tỷ phú Mỹ Elon Musk đăng tải bất ngờ thu hút sự chú ý. Biểu đồ này cho thấy cho thấy số lượng người không phải công dân Mỹ nộp đơn xin số an sinh xã hội (Social Security Number – SSN) tăng đột biến.
Hôm thứ Ba (1/4), tiểu bang Wisconsin sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tòa án Tối cao tiểu bang. Trước đó vào Chủ nhật (30/3), ông Elon Musk đã tham dự một cuộc họp tại tòa thị chính ở bang này.
Tại sự kiện, ngoài việc trao tặng hai tấm séc trị giá 1 triệu USD cho 2 cử tri thông qua một chương trình rút thăm may mắn, ông Musk còn trình bày một biểu đồ cho thấy số lượng người không phải công dân Mỹ nộp đơn xin số an sinh xã hội tăng đột biến.
Ông Musk cho biết đã phát hiện ra một điều gây sốc trong cơ sở dữ liệu an sinh xã hội của Mỹ. “Chúng tôi phát hiện có 20 triệu người đã qua đời nhưng vẫn được hệ thống ghi nhận là còn sống,” ông nói. “Thật điên rồ!”
Ngoài ra vào năm 2024, Mỹ đã cấp số an sinh xã hội cho 2,1 triệu người nước ngoài.
Các thành viên của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do ông Elon Musk lãnh đạo, bao gồm ông Antonio Gracias, người tham gia đánh giá quy trình xét duyệt số an sinh xã hội, cho biết họ đã phát hiện số lượng số an sinh xã hội được cấp cho người không phải công dân đã tăng theo cấp số nhân trong những năm qua.
Ông nói: “Năm 2021, Mỹ đã cấp 270.000 số an sinh xã hội cho người nước ngoài.” “Bây giờ đến năm 2024, con số này đã tăng vọt lên 2,1 triệu.”
Cả ông Musk và ông Gracias đều nhấn mạnh rằng kết luận của họ không có động cơ chính trị.
“Đây không phải là vấn đề chính trị,” ông Gracias nói. Ông cho biết mình cũng có người thân sinh ra ở nước ngoài và hoàn toàn ủng hộ việc nhập cư hợp pháp.
“Vấn đề này liên quan đến nước Mỹ và tương lai của nước Mỹ,” ông bổ sung.
Ông Gracias cho rằng chính phủ đã cấp số an sinh xã hội cho những người nhập cư trái phép qua biên giới Mỹ mà không tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt.
Ông chỉ ra rằng nhóm của ông đã tìm thấy một số người không phải công dân đã đăng ký bầu cử, và một số người trong số đó xác nhận đã bỏ phiếu.
“Chúng tôi đã thực hiện khảo sát mẫu, kiểm tra hồ sơ đăng ký cử tri, và phát hiện có người trong nhóm này đã đăng ký và bỏ phiếu. Chúng tôi đã chuyển một số vụ việc lên tòa án,” ông nói.
Phát hiện của nhóm ông Musk đã gây ra những phản hồi khác nhau trên mạng xã hội, vừa có sự ủng hộ, vừa có sự hoài nghi.
“Ông phải cung cấp bằng chứng về vấn đề này. Nếu không, điều này chỉ càng khiến công chúng chia rẽ thêm,” một người dùng trên X nói.
“Nếu có bằng chứng, nó nên được chuyển cho Giám đốc FBI và Bộ trưởng Tư pháp để điều tra và truy tố,” một người khác bổ sung.
Việc Bộ Hiệu quả Chính phủ do ông Elon Musk lãnh đạo thúc đẩy cắt giảm nhân sự quy mô lớn, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ công chúng đối với bản thân ông Musk cũng như cách ông quản lý các doanh nghiệp của mình, dẫn đến giá cổ phiếu của công ty ô tô điện của ông bị giảm.
Ông Musk cũng đã nhắc đến áp lực này trong sự kiện. “Họ cố gắng gây áp lực lên tôi, tôi đoán là cả Tesla nữa, để… tôi ngừng làm như vậy. Cổ phiếu của Tesla của tôi và của tất cả những người sở hữu cổ phiếu Tesla đã giảm gần một nửa. Ý tôi là, đây không phải là chuyện nhỏ.”
Tính đến thứ Hai, cổ phiếu của Tesla đã giảm hơn 34% so với đầu năm nay, gần như chỉ còn một nửa so với mức đỉnh vào tháng 12 năm ngoái.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Kế Hoạch Tạm Ngừng Bắn Cho Ukraine Chậm Thực Thi: Mỹ "Phẫn Nộ" Với Cả Mạc Tư Khoa Lẫn Kyiv
(Ảnh AP - Jose Luis Magana, minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với giới báo chí tại Tòa Bạch Ốc, Chủ Nhật, ngày 30/3/2025.)
-Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra "rất bực mình" về thái độ của đồng cấp Nga Vladimir Putin trong hồ sơ Ukraine và dọa đánh thuế vào dầu hỏa của Nga. Với chính quyền Kyiv, Dự thảo thỏa thuận về tài nguyên và đất hiếm Ukraine dậm chân tại chỗ khiến lãnh đạo Tòa Bạch Ốc phẫn nộ và đe dọa Tổng thống Zelensky.
Trong ngày Chủ Nhật (30/3/2025), Tổng thống Hoa Kỳ đã 2 lần bày tỏ tức giận với nguyên thủ Nga. Trả lời hãng truyền thông NBC cho biết ông "rất bực mình và phẫn nộ" với Vladimir Putin về hồ sơ Ukraine và việc Mạc Tư Khoa hôm 28/3 đòi đặt Ukraine dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc.
Điểm thứ nhì khiến Donald Trump phẫn nộ hơn nữa là việc Mạc Tư Khoa chậm trễ thi hành "lệnh tạm ngừng bắn" cho Ukraine. Theo giới quan sát, Nga đã đánh lừa Mỹ để đạt được một thỏa thuận tạm ngừng bắn trong 30 ngày ở Biển Đen và ngừng nhắm vào các cơ sở năng lượng của mỗi bên. Nhưng thực chất không nhiều. Tổng thống Mỹ phẫn nộ trước khả năng Vladimir Putin "nuốt lời hứa". Ông Trump dọa "đánh thuế 25% và thậm chí là 50% vào dầu hỏa của Nga" và đi xa hơn: "Mỹ ngừng giao dịch với những nước nào mua dầu hỏa của Nga"
Thông tín viên Carrie Nooten của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ New York ghi nhận Tổng thống Mỹ dường như hết kiên nhẫn với Nga.
"Mọi người đều biết, giải quyết chiến tranh Ukraine là một trong những ưu tiên của Donald Trump. Vì vậy khi Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn với một số điều kiện, thì Hoa Thịnh Ðốn đã hoan nghênh và không mấy chú trọng đến những điều kiện của Mạc Tư Khoa. Có điều Tổng thống Nga đã xoáy vào những điểm trong thỏa thuận đàm phán về năng lượng, về Biển Đen. Điều đó khiến Tổng thống Mỹ phát biểu với hãng truyền thông Mỹ NBC là ông "phẫn nộ với Putin". Donald Trump thậm chí còn thông báo là nếu ông không đạt được một thỏa thuận với đồng nhiệm Nga, và nếu Mạc Tư Khoa ngăn chặn các cuộc đàm phán, thì ông sẽ đánh thuế hải quan thêm 25% đối với vào dầu lửa của Nga.
Tổng thống Hoa Kỳ nói thêm ông phẫn nộ vì đồng cấp Nga tìm cách hủy hoại uy tín của ông Volodymyr Zelensky. Bởi vì, nguyên thủ Nga, hôm thứ Sáu tuần trước, đã đề nghị đặt chính quyền Ukraine dưới sự bảo hộ của Liên Hiệp Quốc. Nguyên thủ Mỹ, Nga sẽ lại có một cuộc trao đổi với nhau trong tuần này. Câu hỏi đặt ra là liệu Donald Trump có đưa ra một tối hậu thư đòi Nga tuân thủ lệnh tạm ngừng bắn hay không. Cùng lúc Tổng thống Hoa Kỳ khẳng định Hoa Thịnh Ðốn muốn Iran đàm phán giới hạn chương trình nguyên tử nếu không thì Mỹ sẽ oanh kích Iran ở cường độ chưa từng có".
Cũng hôm 30/3, trên đường từ Florida trở lại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn sau hai ngày nghỉ cuối tuần, Tổng thống Mỹ đe dọa đồng cấp Ukraine. Ông cho rằng Volodymyr Zelensky đang "tìm cách rút khỏi thỏa thuận về đất hiếm với Hoa Kỳ và nếu quả thực là như vậy thì Zelensky sẽ gập nhiều khó khăn lớn".
Hôm 28/3/2025 Kyiv loan báo Mỹ gửi một bản đề nghị thứ nhì để quản lý, khai thác các loại "khoáng sản chiến lược" của Ukraine. Theo các nguồn tin báo chí Ukraine, văn bản này bất lợi cho Kyiv. Hơn nữa tựa như đề xuất lần trước, tài liệu này Mỹ cũng "không đưa ra bất kỳ một cam kết cụ thể nào" về an ninh cho Ukraine. Theo bản thảo mà báo Le Monde đọc được thì tài liệu về quan hệ "đối tác kinh tế giữa Ukraine và Mỹ" bao gồm từ các kim loại hiếm đến dầu hỏa và khí đốt của Ukraine.
Sáng 31/3, Thị trưởng Kharkiv cho biết Nga đã phóng 131 drone, 2 phi đạn liên lục địa vào thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Các trận oanh kích của Nga diễn ra gần như suốt đêm và chủ yếu nhắm vào khu vực trung tâm thành phố. Còn theo tổng kết được Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra vài tiếng đồng hồ trước đó, trong tuần qua, Nga đã phóng hơn 1.000 drone tấn công Ukraine. Ông kêu gọi Mỹ và các đồng minh phản ứng trước những hành động của Nga. Theo thông tấn xã Reuters, Mạc Tư Khoa cũng cáo buộc Ukraine nhiều lần tấn công các công trình năng lượng của Nga trong tuần qua.
Ukraine Bị Bức Ép và Bòn Rút Triệt Để Quay trở lại Âu Châu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Ukraine kẹp giữa búa Nga và đe Mỹ".
-Ðiện Cẩm Linh và Tòa Bạch Ốc đang đưa ra hai dự án khác nhau, nhưng có mục tiêu tương tự: làm suy yếu sự độc lập của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất thành lập một "chính quyền chuyển tiếp" tại Ukraine dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, với ý tưởng tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống "dân chủ" để thành lập một chính phủ có sự tin tưởng của người dân Ukraine và sau đó có thể bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận hòa bình. Chủ nhân Ðiện Cẩm Linh so sánh đề xuất này với tình trạng của Đông Timor cũng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc hồi năm 1999. Tuy nhiên, đề xuất này khó thành hiện thực vì Ukraine hiện đang chìm trong chiến tranh và tổ chức bầu cử trong thời gian này là điều gần như không thể. Cũng cần phải nhắc lại rằng mục tiêu dài hạn của Nga là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc đã đề xuất một kế hoạch nhằm kiểm soát hoàn toàn các tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, bao gồm khoáng sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng. Dự án này, bị rò rỉ trong một tài liệu dài 55 trang, đề xuất tất cả các tài nguyên của Ukraine được quản lý bởi một quỹ đầu tư do Hoa Kỳ kiểm soát phần lớn. Tòa Bạch Ốc cũng yêu cầu quyền "được ưu tiên đầu tiên" đối với tất cả các dự án liên quan đến tài nguyên của Ukraine, cũng như các cơ sở hạ tầng như đường bộ, cảng, đường sắt và các nhà máy lọc dầu, và tất cả những hoạt động này phải kéo dài vĩnh viễn. Doanh thu từ các dự án này sẽ được chuyển về Mỹ, trong khi 50% số tiền còn lại sẽ được dùng để trả lại khoản viện trợ mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, với lãi suất 4%. Đề xuất này đã bị nhiều nhà quan sát coi là một nỗ lực "cưỡng ép" của Mỹ, nhằm khai thác tài nguyên của Ukraine một cách vô điều kiện.
Tóm lại, trong bối cảnh Mạc Tư Khoa tìm cách buộc Kyiv phải chịu sự giám sát quốc tế để thiết lập một chính phủ thân Nga, thì Hoa Thịnh Ðốn lại muốn kiểm soát tài nguyên của quốc gia này, đe dọa nền độc lập kinh tế của Ukraine.
Ukraine: Mỹ Quá Ngờ Nghệch Trước Putin?
-Về đàm phán hòa bình cho Ukraine, tuần báo L'Express nhận xét "Thương lượng với Nga, hay nghệ thuật "deal" kiểu mafia". Tuần báo nhắc lại, trước khi tấn công Irak năm 2003, Tổng thống George W. Bush vẫn chưa biết gì về thế giới Ả Rập. Trong một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc, ông mới phát giác sự khác biệt giữa hai phe Sunni và Shia. Được Donald Trump chỉ định làm nhà đàm phán với Ukraine và Nga, tỉ phú Steve Witkoff kể lại hai cuộc gặp Vladimir Putin với một sự ngây thơ đáng kinh ngạc.
Trả lời nhà báo thân Trump và thân Putin, Tucker Carlson, ông thuật lại chi tiết cuộc trao đổi với nhân vật "vô cùng thông minh", "có thể tin vào lời nói của ông ấy", rất hài lòng trước việc Putin "đặt một họa sĩ Nga danh tiếng vẽ chân dung ông Trump" để tặng Tòa Bạch Ốc. Witkoff lặp lại tất cả luận điệu của Mạc Tư Khoa để hợp pháp hóa cuộc xâm lăng Ukraine. Theo Steve Witkoff, yêu sách của Nga về bốn tỉnh bị chiếm đóng - mà ông không biết tên - là "chính đáng".
Cũng như Trump, trước khi làm giàu trong ngành địa ốc, Witkoff đã quen với các cuộc thương lượng gay gắt trong giới mafia New York. Nhưng nói chuyện với các nhà đàm phán đầy kinh nghiệm xuất thân từ KGB lại là việc khác. Giống như ông Bush không hiểu về Hồi giáo, Witkoff dường như chỉ mới khám phá thế giới Nga. Thái độ của chính quyền Mỹ trước Ðiện Cẩm Linh có thể tóm tắt trong ba chữ: Ngây thơ, dốt nát và kiêu ngạo. Ngây thơ trước một Sa hoàng cáo già đã trị vì suốt 25 năm. Dốt nát với lịch sử đế quốc và tâm lý người Nga. Ngạo mạn khi tuyên bố "mang lại hòa bình trong vòng 24 tiếng đồng hồ".
Tuy vậy vẫn còn một cách hiểu khác, vì theo các nhà thương lượng, những gì Witkoff nói trên truyền hình không quan trọng mấy. Công việc thực sự của các nhà ngoại giao bắt đầu sau khi các camera được tắt. Muốn hiểu thêm, tác giả khuyên nên xem lại cuốn phim "Bố già" của Francis Ford Coppola. Trong đó, các thủ lãnh mafia công khai ôm hôn, khen ngợi nhau, chẳng ai bị mất mặt, nhưng đó không phải là những gì diễn ra phía sau hậu trường.
Putin Sẽ Thẳng Tay Với Nước Nào Dám Chống Cự
-Trên tuần báo L'Express, cựu Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba nhấn mạnh, "Nếu chiến thắng, Putin không hề thương xót đối với những nước nào dám chống lại ông ta". Về cuộc đàm phán hòa bình, ông Kuleba nhận thấy Tổng thống Mỹ không đối xử công bằng giữa Nga và Ukraine. Trên thực tế Putin không cần ngưng bắn mà muốn chấm dứt chiến tranh theo các điều kiện của ông ta.
Vladimir Putin sẽ còn đi đến đâu? Có hai giả thiết. Hoặc Putin xâm lược Ukraine chỉ nhằm tạo ra một hành lang trên bộ về phía Crimea và vô hiệu hóa Kyiv, và như vậy ông ta sẽ ngừng tại đây một khi đạt được mục đích. Ông Kuleba nghiêng về giả thiết thứ hai, rằng Ðiện Cẩm Linh không chỉ muốn chiếm một mảnh đất mà toàn bộ Ukraine và còn dòm ngó thêm một số nước Âu Châu khác. Trong trường hợp này, không có giải pháp trung gian nào có thể làm Putin hài lòng, và khó có khả năng ông ta tôn trọng thỏa thuận một khi được ký.
Nếu đánh giá sai lầm chiến lược thực sự của Mạc Tư Khoa, sẽ có nguy cơ cho sự tồn vong của Ukraine. Lẽ ra vai trò của Hoa Kỳ là đứng bên cạnh Ukraine và Âu Châu, nhưng Donald Trump quyết định đóng vai nhà hòa giải. Và thay vì gây áp lực lên cả hai bên, Tổng thống Mỹ chỉ ép Kyiv tối đa. Trong khi đó mối đe dọa chiến tranh lan rộng ở Âu Châu là có thực. Việc tịch biên tài sản bị phong tỏa của Nga lẽ ra đã phải thực hiện từ lâu.
Trump Là Cơ Hội Để "Make Europe Great Again"
-Chính sách Mỹ hiện nay có tác động như thế nào đối với Âu Châu? Tuần báo Le Point coi Donald Trump là cơ hội để "Make Europe Great Again". Do ảo tưởng về một nền hòa bình vĩnh cửu, Âu Châu bước vào thế kỷ 21 trong thế yếu. Dân số giảm dần với tỉ lệ 1,38 trẻ em/phụ nữ, trọng lượng trong kinh tế thế giới từ 30% năm 1980 còn 17%. Về chiến lược, Âu Châu ở tiền phương trước mối đe dọa của đế quốc Nga và thánh chiến. Về tinh thần, đã tan vỡ giấc mộng tái lập hòa bình bằng luật pháp và thương mại, trong thế giới thô bạo ngày nay.
Trump đắc cử làm rõ thêm những yếu kém và chia rẽ của Âu Châu. Không chỉ từ bỏ dân chủ, chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ, từ chối bảo đảm an ninh. Nước Mỹ còn xúc tiến tự do phi dân chủ, đứng về phía các đế quốc độc tài, thậm chí lật ngược liên minh để đứng về phía Nga, coi Liên Hiệp Âu Châu (EU) là đối thủ. Bỗng dưng châu lục phải đối mặt với kẻ thù nay được người bảo hộ cũ trợ lực.
Tuy vậy theo tuần báo Le Point, cuộc cách mạng bảo thủ của Trump mang lại cho Âu Châu cơ hội bất ngờ để có được vị thế trong thế kỷ này. Quyền lực tuyệt đối của Hành pháp và việc coi thường Hiến pháp tạo không khí sợ hãi, chu kỳ tăng trưởng bị ảnh hưởng, suy thoái rình rập, lạm pháp và thất nghiệp gia tăng, thị trường chứng khoán lao dốc. Tình hình bất ổn gây trở ngại cho đầu tư và tiêu thụ, cuộc săn lùng phù thủy nơi các trường Đại học làm hại đến sự thống trị về khoa học, việc phá vỡ các liên minh khiến không còn các liên kết bảo đảm sự tối thượng của Hoa Kỳ.
Những cú sốc của Trump đã đặt Âu Châu vào trung tâm kinh tế thế giới trở lại. Không hề nhượng bộ về các giá trị tự do-dân chủ, Âu Châu đã tái định hướng trong 4 khía cạnh: Tính cạnh tranh, tái vũ trang, linh hoạt hóa các quy định ngân sách, tự chủ chiến lược. Đức thậm chí còn từ bỏ chủ trương khắc khổ bằng cách sửa đổi Hiến pháp, Anh tham gia bảo vệ an ninh Âu Châu, Ba Lan và Bắc Âu tái vũ trang quy mô. Tuần báo cánh hữu cho rằng trở ngại lại ở ngay nước Pháp, sa lầy trong khủng hoảng chính trị nội bộ và không muốn thay đổi trước tình hình mới.
Erdogan, Một Putin Khác
-Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tuần báo Le Point nhận xét với việc tống giam nhân vật đối lập hàng đầu là thị trưởng Istanbul, ông Ekrem Imamoglu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã vượt qua giới hạn. Hay đúng hơn là đã vượt qua eo biển Bosphore: Ông cắt đứt những chiếc cầu với các giá trị dân chủ Âu Châu để sang bên phía bờ Á Châu với truyền thống độc tài. Mặc cho một loạt biện pháp độc đoán trong 22 năm Erdogan nắm quyền, người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn hy vọng vào việc thay đổi chế độ bằng lá phiếu. Con đường này nay đã đóng hẳn lại.
Ông Imamoglu, vừa được đảng đối lập hàng đầu CHP chỉ định là ứng cử viên Tổng thống chính thức, và có rất nhiều hy vọng thắng cử. Trong 200 năm theo chính thể Cộng hòa, đây là lần đầu tiên chính quyền tổ chức "đảo chánh" để loại trừ đối lập. Như vậy Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên nhiều ảnh hưởng của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và vẫn đang là ứng cử viên xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, nay đã đi theo mô hình Putin.
Erdogan, 71 tuổi và Poutine, 72 tuổi có rất nhiều điểm chung: Cầm quyền từ hơn 2 thập niên, cùng thù ghét phương Tây.... Tình hình quốc tế hỗn loạn hiện nay là lợi thế cho Erdogan: Donald Trump coi ông là đối tác, Âu Châu chi tiền để Thổ Nhĩ Kỳ chận bớt di dân từ Cận Đông. Nhà độc tài đang hy vọng sửa đổi Hiến pháp để tiếp tục nắm quyền sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2028.
Pháp: Hàng Loạt Cơ Quan Truyền Thông Nhà Nước Đình Công Để Phản Đối Dự Án Sáp Nhập
(Ảnh Cristina Teaca, chụp ngày 19/2/2025: Trụ sở của tập đoàn France Media Monde trong đó có RFI, Issy-les-Moulineaux, France.)
-Hôm 31/3/2025, nhân viên nhiều cơ quan truyền thông Quốc gia của Pháp bắt đầu cuộc đình công kéo dài hai ngày, để phản đối dự án sáp nhập các cơ quan này của chính phủ. Dự án này sẽ được xem xét tại ủy ban Quốc hội vào ngày mai và dự kiến được đưa ra phiên họp toàn thể vào ngày 10/4 tới.
Hàng loạt các nghiệp đoàn tại các cơ quan truyền thông Quốc gia gồm France Télévisions, Radio France, Viện Nghe nhìn Quốc gia (INA), và France Médias Monde (mà RFI là một thành viên) đã ra thông báo kêu gọi các nhân viên đình công. Đài France Culture và một số đài khác cũng đã cho phát nhạc thay vì các chương trình như thường lệ.
Đây là động thái mới nhất của các cơ quan truyền thông nhà nước của Pháp nhằm phản đối dự án của Bộ trưởng Văn hóa Richida Dati về việc sáp nhập các đài này để thành lập một tập đoàn lớn mang tên France Médias. France Médias sẽ giám sát các công ty liên quan, dưới sự lãnh đạo của một Chủ tịch duy nhất. Trong bài phỏng vấn với tờ Le Parisien, bà Dati đã nhắc lại hôm Chủ Nhật rằng đây là một cuộc cải cách "cần thiết", trong bối cảnh "cạnh tranh rất gay gắt với các cơ quan truyền thông tư nhân", nhằm tạo ra "một nhóm truyền thông công mạnh mẽ".
Tuy nhiên, theo các công đoàn, dự án này chỉ nhằm mục đích "cắt giảm chi tiêu" cho hệ thống phát thanh và truyền hình Nhà nước tại Pháp và vì vậy sẽ khiến hệ thống có "nguy cơ suy yếu" trước các cơ quan truyền thông quốc tế.
Trong khi đó, tờ Le Monde trích lời bà Sophie Taillé-Polian, Dân biểu thuộc nhóm Môi sinh và Xã hội tại Hạ viện, cho rằng việc hợp nhất như vậy "sẽ tạo thuận lợi cho những ai muốn nhúng tay vào truyền thông công cộng". Còn theo tờ Les Echos, dẫn lời một chuyên gia, bà Bộ trưởng Dati muốn "để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình".
Dự án ban đầu đề xuất hợp nhất các cơ quan truyền thông theo mô hình giống như BBC bên Vương quốc Anh, nhưng đã bị hoãn lại do Quốc hội bị giải thể vào giữa năm 2024. Trong Dự thảo đầu tiên, vào mùa Xuân năm 2024, Bộ trưởng Văn hóa đã muốn sát nhập cả bốn công ty truyền thông nhà nước vào một tập đoàn, Tuy nhiên, việc sáp nhập France Médias Monde (gồm France 24, RFI, Monte Carlo Doualiya) đã gây ra nhiều tranh cãi. Đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) cũng ủng hộ cải cách nhưng phản đối việc đưa France Médias Monde vào dự án.
Chính Trị Pháp: Tương Lai Bấp Bênh của Marine Le Pen
(Hình REUTERS - Abdul Saboor: Chính khách Marine Le Pen tại thủ đô Paris của Pháp, ngày 31/3/2025.)
-Chính trị gia phe cực hữu Marine Le Pen bị tước quyền tranh cử Tổng thống Pháp 2027, số phận bấp bênh của di dân tại biên giới Mễ Tây Cơ-Hoa Kỳ, Ukraine nằm giữa gọng kìm Nga-Mỹ, hệ lụy của trận động đất kinh hoàng tại Miến Điện là những chủ đề khiến báo chí Pháp tốn nhiều giấy mực hôm nay 31/3/2025.
Hai nhật báo Le Figaro và Libération đều dành trang nhất quan tâm đến tương lai chính trị của Marine Le Pen, nguyên Chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), 3 lần ứng viên Tổng thống Pháp, trong đó có hai lần vào vòng 2. Bà Le Pen bị cáo buộc dùng tiền của Nghị Viện Âu Châu thuê các Phụ tá Nghị sĩ, nhưng lại làm việc cho đảng RN từ năm 2004 đến năm 2016.
Tờ Le Figaro chạy tựa bài xã luận "Thảm khốc", nhận định rằng nếu bị kết án, bà sẽ không đủ tư cách tham gia các kỳ bầu cử trong vòng 5 năm. Phán quyết này sẽ khiến bà không thể ra tranh cử Tổng thống năm 2027, kể cả trong trường hợp kháng cáo. Báo Le Figaro cũng đề cập đến khả năng xảy ra một "cuộc đảo chính Tư pháp" nếu Marine Le Pen không được ra ứng cử. Nhật báo thiên hữu nêu khả năng bà sẽ tìm mọi cách lật đổ chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng François Bayrou. Báo Le Figaro cũng chỉ trích sự can thiệp quá trớn của ngành Tư pháp đối với chính trị và nhấn mạnh rằng Tư pháp không nên chi phối quá nhiều đời sống chính trị.
Về phần mình, bài xã luận của tờ Libération tập trung vào các cáo buộc nghiêm trọng nhắm vào Marine Le Pen và đảng của bà trong vụ biển thủ công quỹ có tính hệ thống phục vụ lợi ích RN trong giai đoạn 2004-2016. Nhật báo thiên tả nhấn mạnh Marine Le Pen hoàn toàn biết rõ về những hành vi này và cho rằng cần phải nhắc lại các sự kiện này, vì chúng làm dấy lên nghi ngờ về tính liêm chính của một người có tham vọng giữ những chức vụ cao trong bộ máy chính phủ. Nhật báo Libération tự hỏi liệu niềm tin vào chính trị có thể được khôi phục hay không, khi mà niềm tin đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi những bê bối kiểu này. Ngoài ra, tờ báo cũng lưu ý, ngay cả trong trường hợp Marine Le Pen bị cấm ra ứng cử, phe cực hữu sẽ không hoàn toàn biến mất vì sẽ được những nhân vật khác tiếp quản. Báo Libération kết luận rằng vấn đề hiện tại không chỉ liên quan đến tương lai của đời sống chính trị Pháp, mà còn là tương lai của gia đình Le Pen.
Hệ Lụy của Động Đất Tại Miến Điện
-Nhìn sang Á Châu, nhật báo Công giáo La Croix dành trang nhất chú ý đến hệ lụy của trận đống đất 7,7 độ richter tại Miến Điện khiến hơn 1.600 người thiệt mạng và khoảng 4.000 người bị thương hôm 28/3 vừa qua. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh nội chiến tàn phá đất nước, khiến lực lượng cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, Miến Điện đang thiếu thốn trầm trọng cơ sở hạ tầng y tế và đội cấp cứu.
Arun, một giáo viên tiếng Anh tại Mandalay, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã kể lại trải nghiệm cá nhân sau trận động đất. Anh đã đưa gia đình đến nơi an toàn trong một lều tạm bợ trước khi tham gia vào các hoạt động cấp cứu. Anh mô tả một thành phố bị tàn phá nặng nề, với những công trình đổ sập và hàng ngàn người không còn nhà ở. Theo anh, tình hình đặc biệt khó khăn vì đất nước không nhận được sự trợ giúp chính thức từ chính phủ, trong khi chính quyền quân sự phản ứng quá chậm và không cho viện trợ quốc tế vào.
Trận động đất còn làm hư hại nhiều di tích lịch sử như hoàng cung của vương triều Miến Điện cuối cùng. Mặc dù cố đô Yangon dường như bị tàn phá ít hơn, nhưng tình hình ở các vùng nông thôn xung quanh Mandalay vẫn rất thảm khốc. Hoạt động thông tin liên lạc bị gián đoạn nghiêm trọng khiến nhà chức trách rất khó đánh giá đầy đủ mức độ thảm họa.
Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo đã cảnh báo rằng Miến Điện vốn không hề chuẩn bị sẵn sàng đối phó với một thảm họa như vậy. Kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2/2021, đất nước đã rơi vào tình trạng nội chiến, với khoảng 3,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Hệ thống y tế vốn đã yếu kém nay còn bị suy giảm nghiêm trọng do số lượng lớn nhân viên y tế đã rời đi. Chương trình Lương thực Thế giới (PAM) đã cảnh báo rằng 15 triệu dân Miến Điện không có đủ lương thực, trước khi xảy ra động đất.
Một số nhóm nổi dậy, như Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (FDP), đã tuyên bố ngưng bắn trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 30/3 để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu trợ. Nhóm này đã cam kết sẽ hợp tác với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ để tổ chức các trại cứu trợ và chăm sóc y tế tại các khu vực mà họ kiểm soát.
Di Dân Tuyệt Vọng ở Biên Giới Mễ Tây Cơ-Hoa Kỳ
-Nhìn sang bên kia Đại Tây Dương, trang nhất của nhật báo Le Monde quan tâm đến những di dân đến từ Venezuela, Cuba và các quốc gia khác ở Mỹ Châu Latinh đã rời bỏ quê hương từ nhiều năm trước, đang mắc kẹt và tuyệt vọng tại Mễ Tây Cơ sau khi chính quyền Donald Trump thắt chặt biên giới Hoa Kỳ. Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em này đang phân vân giữa việc quay lại quê hương hay xin "visa nhân đạo" để ở lại Mễ Tây Cơ.
Mỗi sáng có một hàng dài những người đứng chờ trước Tòa Ðại sứ Venezuela ở Mễ Tây Cơ. Một số người đã rời bỏ quê hương cách đây hơn 10 năm và giờ đang muốn trở về, nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi Donald Trump quay lại Tòa Bạch Ốc. Nhiều người trong số họ đã từng có kế hoạch di cư đến Mỹ, nhưng sau khi biên giới bị thắt chặt, họ không còn giải pháp nào khác. Điển hình là gia đình của Honorio Gutierrez, đã rời quê hương cách đây 8 năm để tới Colombia và Mễ Tây Cơ, đặt được lịch hẹn xin tị nạn ở Mỹ, nhưng cuối cùng bị kẹt lại ở Mễ Tây Cơ sau khi ứng dụng xin tị nạn CBP One của Mỹ bị hủy bỏ.
Về phần mình, Osmin Chirinos đã từ bỏ "giấc mơ Mỹ" sau khi gặp phải những khó khăn trong công việc và cuộc sống nghèo khổ ở Hoa Kỳ. Osmin cho biết đã làm việc với mức lương rất thấp và sống trong điều kiện thiếu thốn. Nhiều người khác, như Abraham, một thanh niên Venezuela 21 tuổi, đã thất bại nhiều lần khi tìm cách vượt biên sang Mỹ và giờ cảm thấy mệt mỏi, không biết có thể trở về quê hương hay không.
Giờ đây, Tòa Ðại sứ Venezuela tổ chức các chuyến bay "nhân đạo" để đưa di dân về miễn phí, nhưng những người này phải đối mặt với nhiều trở ngại. Nhiều người không có giấy tờ tùy thân và quá trình hồi hương lại chậm chạp và phức tạp. Kể từ khi chương trình này được khởi động, mới chỉ có hai chuyến bay từ thủ đô Mexico của Mễ Tây Cơ đến thủ đô Caracas của Venezuela được thực hiện, đưa được 553 người về.
Tờ báo cũng chú ý đến những trại tị nạn mà di dân tạm trú ở ngay trung tâm thành phố lịch sử Mexico, với khoảng 200 người sống trong lều và những căn nhà nhỏ bằng gỗ. Một số người đã biến những căn lều của mình thành cửa hàng nhỏ (hiệu cắt tóc, cửa hàng tạp hóa, nhà hàng) để kiếm sống. Tuy nhiên, khu trại này hiện đang bị đe dọa, có nguy cơ bị chính quyền thành phố tháo dỡ, mặc dù nhà chức trách chưa xác nhận thông tin này.
Một số di dân, như một Bác sĩ người Cuba, vẫn biết ơn Mễ Tây Cơ vì những hỗ trợ mà họ nhận được từ chính quyền nước này, mặc dù đó không phải là cuộc sống lý tưởng. Nhiều người khác, như một gia đình người Venezuela, đã phải bán tất cả tài sản để trả tiền cho chuyến đi của họ từ Cuba.
Báo Le Monde kết luận rằng nhiều người vẫn còn nung nấu hy vọng đến Mỹ, và họ cũng hy vọng sẽ có những thay đổi trong chính sách di cư của Hoa Kỳ.
TIN VẮN - TIN TỔNG HỢP
(Tân Hoa Xã) – Trung Quốc phát giác mỏ dầu lớn ở phía Đông của Biển Đông. Hôm 31/3/2025, công ty dầu khí Trung Quốc CNOOC nêu rõ trữ lượng của giếng dầu mới ước tích hơn 100 triệu tấn. Mỏ dầu mang tên Huệ Châu 19-6 (Huizhou 19-6) mới được phát giác nằm cách thành phố Thâm Quyến, miền Nam Trung Quốc, khoảng 170 cây số. Tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC cho biết giếng khoan thử nghiệm đã đạt sản lượng hàng ngày là 413 thùng dầu thô và 68.000 mét khối khí tự nhiên.
(NHK/Kyodo News) – Mỹ-Nhật nhất trí tăng cường khả năng răn đe khẩn cấp trước các mối đe dọa từ Trung Quốc. Phát biểu sau cuộc gặp hôm 31/3/2025 tại Tokyo với người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth cho biết Hoa Kỳ sát cánh cùng Nhật Bản "trước các hành động hung hăng và cưỡng ép của Trung Quốc" và cam kết duy trì "khả năng răn đe mạnh mẽ, sẵn sàng và đáng tin cậy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan". Ngoài ra, Bộ trưởng Mỹ cũng thông báo rằng Ngũ Giác Đài đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi các lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản thành một bộ chỉ huy lực lượng liên quân, nhằm cải thiện khả năng phối hợp của quân đội Mỹ với Nhật Bản.
(ABC) - Úc Ðại Lợi theo dõi tàu nghiên cứu Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía Nam. Theo dữ liệu của các cơ quan Hải dương Úc Ðại Lợi, những ngày gần đây, tàu Tan Suo Yi Hao tối tân và vận hành một tàu ngầm biển sâu đã đi qua biển Tasman, giữa Tân Tây Lan và Úc Ðại Lợi, sau đó đi vào eo biển Bass và tiến gần đến bờ biển ngoài khơi tiểu bang Victoria sau khi hoàn thành các cuộc khảo sát chung với Tân Tây Lan. Trả lời báo chí ngày 31/3/2025, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết là không muốn tàu của Trung Quốc "ở đây" - gần vùng biển Úc Ðại Lợi, nhưng cho rằng chiếc tàu không vi phạm luật pháp quốc tế.
(AFP) – Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc. Hôm 31/3/2025, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov ca ngợi Vương Nghị và Putin là "hai người bạn và đối tác tốt" và cho biết Tổng thống Putin mong đợi một cuộc gặp song phương trong chuyến thăm Mạc Tư Khoa của ông Vương Nghị, dự kiến kéo dài từ thứ Hai (31/3) đến thứ Tư (2/4).
(AFP) – Thụy Điển thông báo viện trợ 1,5 tỉ Euro cho Ukraine. Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson đưa ra trong cuộc họp báo hôm 31/3/2025. Ông Jonson cho biết: "Chúng tôi muốn gửi thông điệp rằng chúng tôi đang tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Có những lý do chính đáng để làm điều này trước tình hình rất nghiêm trọng hiện nay ở Ukraine". Đây là khoản hỗ trợ lớn nhất mà Thụy Điển dành cho Kyiv kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
(AFP) - Người dân của khoảng 30 nước Âu Châu phải xin phép để vào Anh Quốc. Yêu cầu này có hiệu lực từ ngày 2/4/2025 và có thể thực hiện thủ tục trực tuyến trên ứng dụng UK ETA hoặc trên trang web của chính phủ Anh. Lệ phí ban đầu là 12 Euro và sẽ lên thành 19 Euro kể từ ngày 9/4. Giấy phép (ETA) có giá trị hai năm, thời hạn lưu trú tối đa là 6 tháng. Hầu hết các nước Liên Hiệp Âu Châu (EU), trừ Irland, đều phải có giấy này trước khi đến Anh.
(RFI) – Iran khẳng định sẽ có "phản ứng cứng rắn" trước lời đe dọa đánh bom của Tổng thống Mỹ. Hôm 31/3/2025, Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei đã cảnh báo về "phản ứng kiên quyết" từ phía Iran nếu nước này bị tấn công. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong cuộc phỏng vấn với kênh NBC đăng hôm Chủ Nhật (30/3), đã đe dọa sẽ thực hiện các cuộc đánh bom nếu hai bên thất bại trong việc thảo luận về vấn đề nguyên tử.
(AFP) – Thủ tướng Do Thái bổ nhiệm tân Giám đốc Shin Bet. Ngày 31/3/2025, ông Eli Sharvit, cựu chỉ huy Hải quân, được Thủ tướng Benjamin Netanyahu bổ nhiệm đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia, bất chấp quyết định sa thải người tiền nhiệm là Ronen Bar đã bị Tối cao Pháp viện đình chỉ tạm thời trong khi chờ tổ chức điều trần để xem xét kháng cáo vào ngày 8/4.
(AFP) - Mỹ: Elon Musk vận động cho Thẩm phán bảo thủ ứng viên vào Tòa Thượng thẩm tiểu bang Wisconsin. Ngày 30/3/2025, tỉ phú Mỹ đội mũ hình miếng pho-mát đặc sản của Wisconsin đến buổi mít-tinh tại Green Bay để cổ vũ cho Thẩm phán Brad Schimel, người sẽ phải giành ghế ở Tòa Thượng thẩm tiểu bang Wisconsin với thẩm Susan Crawford, được đảng Dân chủ ủng hộ, vào ngày 2/4. Trước đó, Elon Musk trả tiền cho những người ký vào đơn kiến nghị và sẽ tặng 2 người được bốc thăm trúng thưởng mỗi người 1 triệu Mỹ kim. Bị chỉ trích mua phiếu, Luật sư của nhà tỉ phú cho rằng thân chủ chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận. Các Công tố viên không thể đưa ra bằng chứng và tòa án đã phải từ chối ra phán quyết.
(Reuters) – Công ty Trung Quốc ra mắt chương trình trí tuệ nhân tạo miễn phí. Chương trình mang tên AutoGLM Rumination do công ty Zhipu AI phát triển đã được cho ra mắt hôm 31/3/2025. Zhipu thông báo sẽ cung cấp miễn phí chương trình này thông qua các kênh chính thức của công ty, bao gồm trang web và ứng dụng di động. Tác nhân AI này có thể thực hiện nghiên cứu chuyên sâu, lập kế hoạch du lịch, viết báo cáo nghiên cứu, v.v....
(Reuters) – Tổng thống Mỹ tin tưởng thỏa thuận với TikTok sẽ được hoàn thành trước hạn. Phát biểu tối 30/3/2025, Donald ông Trump cho biết thêm rằng có rất nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ "quan tâm tới TikTok" và ông "muốn thấy ứng dụng này vẫn được tồn tại". Trước đó hồi tháng 1, Tổng thống Hoa Kỳ đã yêu cầu TikTok phải bán lại cho một doanh nghiệp Mỹ trước ngày 5/4/2025, nếu không muốn bị cấm tại Hoa Kỳ vì lý do an ninh quốc gia.
(Le Figaro) - TikTok Shop được hoạt động tại Pháp. Từ ngày 31/3/2025, khoảng 25 triệu người sử dụng TikTok tại Pháp có thể mua các sản phẩm tìm được trên mạng xã hội Trung Quốc mà không cần phải rời khỏi ứng dụng và chỉ cần vài thao tác. Sự xuất hiện của TikTok Shop được coi là một "cuộc cách mạng nhỏ" trong thương mại trực tuyến ở Âu Châu nhưng sẽ bị Liên Hiệp Âu Châu giám sát chặt chẽ trong khuôn khổ kiểm soát các nền tảng thương mại điện tử. Sau thành công ở Hoa Kỳ, Việt Nam, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, TikTok Shop tiếp tục chinh phục thị trường Âu Châu, sau khi đã có mặt ở Anh, Tây Ban Nha, Ái Nhĩ Lan và sắp tới sẽ là Đức và Ý Ðại Lợi.
(AFP) - Pháp: Lãnh đạo đảng cực hữu RN bị kết án 4 năm tù và 5 năm mất quyền tranh cử. Ngày 31/3/2025, Tòa Hình sự Paris kết án bà Marine Le Pen vì "đóng vai trò trung tâm" trong hệ thống biển thủ ngân sách của Nghị Viện Âu Châu (EP). Bà Marine Le Pen, nguyên Chủ tịch đảng RN, Chủ tịch nhóm Dân biểu RN tại Quốc hội, từng 3 lần ra tranh cử Tổng thống và hai lần vào vòng hai, bị cáo buộc sử dụng 4 Phụ tá giả trong thời gian làm Nghị sĩ Âu Châu (2004-2017). Họ được Nghị Viện Âu Châu trả lương nhưng làm các nhiệm vụ liên quan đến quản lý đảng của bà Le Pen. Ngoài ra, 8 Nghị sĩ Âu Châu và 12 Phụ tá Nghị sĩ Âu Châu của đảng FN, cũng bị kết án từ 6 tháng đến 2 năm tù vì các hành vi trong khoảng thời gian từ năm 2004-2016, gây thiệt hại khoảng 4,1 triệu Euro. Đảng Tập hợp Dân tộc bị phạt 2 triệu Euro.
(AFP) – Xe lửa cao tốc Paris-Milan trở lại hoạt động sau 19 tháng gián đoạn vì lở đất. Hai chuyến xe lửa đầu tiên đã được khởi hành vào sáng 31/3/2025, từ thủ đô Paris của Pháp. Thời gian hành trình là hơn 7 tiếng đồng hồ. Công ty đường sắt Pháp SNCF cho biết sẽ cho chạy 3 chuyến khứ hồi mỗi ngày, tương đương với "2.000 chỗ ngồi". Từ ngày1/4, xe lửa Ý Ðại Lợi Trenitalia cũng quay lại khai thác tuyến đường này.
(AFP) – Tập đoàn Mỹ SpaceX tiến hành chương trình không gian có người đầu tiên lên hai cực Trái Đất. Phi thuyền Dragron chở 4 phi hành gia sẽ được phóng từ hỏa tiễn Falcon 9 vào lúc 7 giờ 46 phút chiều (giờ địa phương) ngày 31/3/2025 từ Trung tâm Không gian Kennedy, tiểu bang Florida (Hoa Kỳ). Chương trình mang tên Fram2, tưởng nhớ chiếc phi thuyền được dùng để khám phá cực Trái đất vào thế kỷ 19, và kéo dài 4 ngày. Để chuẩn bị cho chuyến công tác, đội bay đã tập huấn trong 8 tháng, trong đó có một mùa Đông ở tiểu bang Alaska. Theo Trưởng đoàn Chun Wang, phi hành đoàn "mong muốn mang kiến thức và dữ liệu mới về để thúc đẩy hoạt động thám hiểm không gian trong tương lai".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét