Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 2/4/2025 - Nam Giang

Chiến tranh Ukraina : Nga khẳng định tiếp tục phối hợp với Mỹ, Trump dịu giọng với Putin Hôm qua, 31/03/2025, điện Kremlin tuyên bố Nga và Mỹ tiếp tục hợp tác để đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Ukraina và tái lập quan hệ song phương. Tuyên bố được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donal Trump đe dọa sẽ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Matxcơva. Sau tuyên bố của phía Nga, tổng thống Mỹ dịu giọng, bày tỏ hy vọng Nga « sẽ thực thi » các cam kết.
<!>
Reuters dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov : « Chúng tôi tiếp tục làm việc với phía Mỹ, trước hết để xây dựng các quan hệ song phương, đã bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời chính quyền tiền nhiệm ». Theo phát ngôn viên điện Kremlin, tổng thống Vladimir Putin để ngỏ khả năng cho các cuộc tiếp xúc với tổng thống Donald Trump. Một cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nga có thể sẽ sớm được tổ chức nếu cần thiết.

Về đàm phán hòa bình tại Ukraina, phát ngôn viên điện Kremlin cho biết phía Nga « đang xác lập một số ý tưởng liên quan đến việc xử lý xung đột Ukraina », « công việc này đang được tiến hành, nhưng vào thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có chi tiết cụ thể nào để công bố ». Ông Peskov nhấn mạnh « do mức độ phức tạp cao, quá trình này đòi hỏi thời gian ».

Hôm Chủ Nhật 30/03, tổng thống Mỹ đã tỏ ra « rất bực bội và thất vọng » về tổng thống Nga, sau đề xuất của ông Putin đặt Ukraina dưới sự quản lý của Liên Hiệp Quốc. Trump đe dọa đánh thuế từ 25% đến 50% đối với hàng hóa các nước mua dầu lửa của Matxcơva.

Châu Âu cáo buộc Putin câu giờ và sẵn sàng ra thêm « các trừng phạt bổ sung »
Lãnh đạo ngoại giao Đức Annalena Baerbock, trong chuyến công du tới Kiev hôm nay, 01/04, đã cáo buộc tổng thống Nga « câu giờ » và giả vờ thương thuyết một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraina.

Đức, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan, cùng lãnh đạo ngoại giao Liên Âu ngày hôm qua 31/03 đã ra một tuyên bố chung kêu gọi Nga « chấp nhận không chậm trễ một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và không điều kiện » và « thực thi đầy đủ thỏa thuận này ». Các nước châu Âu một lần nữa cam kết « sẽ có các trừng phạt bổ sung » đối với Nga, và tăng cường hậu thuẫn Ukraina về « chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao ».

Hôm qua, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh các nỗ lực của Anh trong việc hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraina. Thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa ông Zelensky với thủ tướng Anh Keir Starmer.

Trung Quốc tập trận phong tỏa Đài Loan sau chuyến công du châu Á của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ


Hôm nay, 01/04/2025, Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của các binh chủng hải - lục - không quân, mô phỏng hoạt động phong tỏa đảo Đài Loan. Tập trận diễn ra ngay sau chuyến công du châu Á đầu tiên của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth. Đài Bắc « cực lực lên án » Bắc Kinh.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên Chiến khu Đông Bộ Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận chủ yếu liên quan đến việc huy động tàu chiến để « chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến hải đối không, chiếm ưu thế toàn diện, tấn công các mục tiêu trên biển, và phong tỏa một số khu vực trọng điểm và các tuyến hàng hải ». Quân đội Trung Quốc khẳng định cuộc tập trận này là « một cảnh báo nghiêm khắc và răn đe mạnh mẽ » nhắm vào « các thế lực đòi Đài Loan độc lập ».

Chiến khu Đông Bộ Trung Quốc cùng ngày công bố một đoạn video, với tiêu đề « Khép chặt vòng vây », đưa hình ảnh tàu chiến, phi cơ bao đảo Đài Loan, với cảnh báo « những phần tử đòi độc lập đang đâm đầu xuống vực».

Song song với cuộc tập trận của Quân đội, Hải cảnh Trung Quốc cũng được huy động để tiến hành « các hoạt động khám xét, bắt giữ » các tàu thuyền « hoạt động trái phép », theo phát ngôn viên của Hải cảnh Trung Quốc.

Theo bộ Quốc Phòng Đài Loan, hôm nay Trung Quốc đã huy động tổng cộng 19 tàu chiến tham gia tập trận, trong đó có tàu sân bay Sơn Đông. Để đáp trả, Đài Bắc cũng huy động nhiều chiến đấu cơ, tàu chiến. Nhiều hệ thống tên lửa trên bộ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Theo một quan chức cao cấp Đài Loan, Quân đội Đài Loan không ghi nhận bất cứ một hành động bắn đạn thật nào trong cuộc tập trận của Trung Quốc hôm nay.

Trung Quốc tránh « đối đầu » với Mỹ trước đàm phán thương mại
Cơ quan đại diện ngoại giao trên thực tế của Mỹ tại Đài Loan ra một thông cáo, khẳng định Bắc Kinh « một lần nữa cho thấy Trung Quốc không phải là một tác nhân có trách nhiệm, và sẵn sàng đặt an ninh và thịnh vượng của khu vực trong tình trạng nguy hiểm ».

Tuy nhiên, trả lời Reuters, một quan chức cao cấp phụ trách an ninh của Đài Loan cho biết, dựa trên nhiều phân tích, Trung Quốc đã tránh « mọi hành động bị coi là đối đầu » với Hoa Kỳ trước các đàm phán thương mại Mỹ - Trung, vì vậy Bắc Kinh chỉ tiến hành tập trận « sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ rời châu Á ».

Tại Nhật Bản, chặng cuối của chuyến công du châu Á, ngày 31/03/2025, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth tuyên bố Washington cam kết duy trì « khả năng răn đe mạnh mẽ, sẵn sàng và đáng tin cậy ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả eo biển Đài Loan ».

Marine Le Pen bị tước quyền ứng cử : Phản ứng mạnh mẽ của phe cực hữu Pháp và quốc tế


Chỉ vài giờ sau khi bị tòa tuyên án 4 năm tù và tước quyền ứng cử trong 5 năm vì tội biển thủ công quỹ, bà Marine Le Pen, nguyên chủ tịch đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (RN), tối qua, 31/03/2025, lên án một « quyết định mang tính chính trị », đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở phiên xử phúc thẩm trước kỳ bầu cử tổng thống 2027.

Bà Le Pen, 56 tuổi, bị cáo buộc "biển thủ công quỹ" vì đã dùng ngân sách Nghị Viện Châu Âu trả lương cho các trợ lý nghị sĩ châu Âu nhưng để họ làm việc cho đảng của bà. Với tội danh này, bà Le Pen đã bị tuyên án 4 năm tù (trong đó 2 năm bị giám sát bằng vòng điện tử). Nhưng quyết định tước quyền ứng cử mới thực sự là nặng nề đối với lãnh đạo cực hữu Pháp. Sau 3 lần ra tranh cử bất thành kể từ năm 2012, kỳ bầu cử tổng thống 2027 hứa hẹn nhiều cơ hội chiến thắng cho Marine Le Pen, vì trong các kỳ bầu cử gần đây, đảng RN của bà ngày càng thu hút đông đảo cử tri. Đặc biệt trong cuộc bầu cử Quốc Hội gần đây, RN đã đạt được một bước tiến lớn, giành được 123 ghế, trở thành đảng đứng hạng đầu tại Hạ Viện Pháp.

Khi tuyên án hôm qua, chủ tọa phiên tòa đã nhấn mạnh cần « đảm bảo các quan chức dân cử, cũng như mọi công dân, không được hưởng đặc quyền trước pháp luật ». Tòa nhấn mạnh đến « mức độ nghiêm trọng của sự việc », « tính chất có hệ thống », « thời gian kéo dài », « số tiền bị biển thủ », cũng như « địa vị » của những người bị kết án.

Tuy nhiên, quyết định của tòa đã gây chấn động chính trường Pháp. Trên kênh truyền hình tư nhân TF1 tối qua, bà Marine Le Pen tuyên bố « tôi sẽ không để mình bị loại bỏ như thế này. Tôi sẽ theo đuổi tất cả các thủ tục kháng án có thể. Có một con đường nhỏ. Chắc chắn là hẹp, nhưng vẫn có ». Chủ tịch đương nhiệm của đảng RN, Jordan Bardella, lên án phán quyết đối với Marine Le Pen, kêu gọi « biểu tình ôn hòa » và chỉ trích các thẩm phán.

Dù thận trọng bình luận về các quyết định của tư pháp, thủ tướng Pháp François Bayrou cũng bày tỏ sự bối rối trước bản án. Ông thừa nhận : « Việc Marine Le Pen không thể tranh cử có nguy cơ sẽ gây chấn động trong dư luận ».

Về phản ứng của quốc tế, nhiều nhân vật theo xu hướng cực hữu như thủ tướng Hungary Viktor Orban, lãnh đạo đảng cực hữu Geert Wilders của Hà Lan, Matteo Salvini của Ý, hay tổng thống Mỹ Donald Trump, tỷ phú Elon Musk, và cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đều lên án quyết định này là « vi phạm dân chủ », hoặc « lạm dụng hệ thống tư pháp ».

Trong trường hợp bà Le Pen không thể ứng cử tổng thống, Jordan Bardella, được đánh giá có sức hút còn cao hơn Le Pen, có thể trở thành ứng viên sáng giá cho RN trong tương lai. Một số cử tri và đối thủ chính trị lo ngại quyết định của tòa án có thể phản tác dụng, giúp đảng cực hữu thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri Pháp.

Báo chí Hoa Kỳ tiết lộ: ‘Tướng quân Ngày tận thế’ của Nga suýt phát động chiến tranh hạt nhân


Ngày 31 tháng 3, tờ báo Hoa Kỳ Newsweek, dẫn nguồn tin tình báo Hoa Kỳ, tiết lộ rằng thế giới đã từng tiến đến bờ vực chiến tranh hạt nhân vào tháng 10 năm 2022. Tình báo Hoa Kỳ đã chặn được thông tin liên lạc của “Tướng quân Ngày tận thế” Sergei Surovikin của Nga, cho thấy vị tướng 58 tuổi này, một người thân tín của Putin, đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để ngăn chặn cuộc tấn công thần tốc của quân đội Ukraina ở Kherson.

Thời điểm đó, các đơn vị tinh nhuệ của Kyiv đang tiến dọc theo sông Dnipro, đẩy quân Nga vào thế nguy cấp. Thất bại ở mặt trận Kherson khiến Mát-xcơ-va mất mặt, và Surovikin đã đề xuất dùng “bom hạt nhân” để oanh tạc bờ sông, ngăn chặn quân Ukraina vượt sông, từ đó ngăn chặn nguy cơ leo thang đe dọa Crimea. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cuối cùng đã ra lệnh rút quân.

Phân tích tình báo cho thấy, nếu phòng tuyến của quân Nga hoàn toàn sụp đổ, khả năng Putin sử dụng “vũ khí hạt nhân” sẽ tăng vọt từ 5% lên 50%. Thông tin tình báo này đã thúc đẩy Hoa Kỳ can thiệp khẩn cấp, gây áp lực lên Ukraina, yêu cầu nước này giảm tốc độ tấn công để tránh gây ra thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, hiện tại bên ngoài vẫn chưa rõ, liệu Putin có đích thân cân nhắc phương án “hạt nhân” vào thời điểm đó hay không.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này cũng gây ra tranh cãi lớn trong nội bộ phương Tây. Quân đội Hoa Kỳ muốn Ukraina giảm tốc độ để giảm thiểu rủi ro “hạt nhân”; trong khi các chỉ huy châu Âu lo ngại rằng, làm như vậy sẽ bỏ lỡ cơ hội “đánh bại quân Nga”. Khi rút lui, Nga đã để lại một đội quân hậu vệ. Theo báo cáo, quân đội Ukraina vốn có thể dễ dàng tiêu diệt đội quân này, nhưng Kyiv cuối cùng đã chọn cách hành động thận trọng. Bởi vì, các tướng lĩnh của Tổng thống Ukraina Zelensky lo ngại rằng, ở bên kia bờ sông, có thể tiềm ẩn mối đe dọa lớn hơn, vì vậy, họ đã từ bỏ việc thừa thắng truy kích.

Được biết, yếu tố then chốt hỗ trợ cuộc phản công của Ukraina nằm ở một “Lực lượng đặc nhiệm Rồng” bí ẩn (Task Force Dragon). Đây là liên minh gồm các sĩ quan tình báo đa quốc gia, cung cấp thông tin tình báo chính xác cho tiền tuyến. Tướng Hoa Kỳ Christopher Donahue từng nói với phía Ukraina: “Đừng hỏi chúng tôi làm thế nào biết được những điều này, chỉ cần tin vào mục tiêu chúng tôi cung cấp cho bạn, rồi khai hỏa là được. Nếu không hài lòng với kết quả, hãy cho chúng tôi biết, chúng tôi có thể cải thiện.” Để bảo vệ nguồn tin tình báo, các chi tiết cụ thể của nhiệm vụ này đến nay vẫn chưa được công khai.

Điều đáng chú ý là chỉ ba tháng sau “sự kiện khủng hoảng hạt nhân”, Surovikin đã bị Putin cách chức vào tháng 1 năm 2023. Bên ngoài suy đoán, điều này có thể là do ông có quan hệ quá gần gũi với Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner, người đã phát động cuộc binh biến, dẫn đến việc ông mất thế lực.

Hiện tại, thông tin này vẫn chưa được xác nhận chính thức từ ba quốc gia liên quan (Hoa Kỳ, Nga, Ukraina), nhưng vào cuối tháng 2 năm nay, khi phái đoàn Hoa Kỳ và Ukraina tranh cãi tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã trực tiếp chỉ trích Tổng thống Zelensky, nói rằng ông đang đánh cược vào “Thế chiến thứ ba”.

Không có nhận xét nào: