Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

ĐIỂM TIN 3/4/2025 - LongDo


"Ngày Giải phóng" : Mỹ tăng thuế quan với toàn thế giới Ngày 02/04/2025, Mỹ chính thức phát động đại chiến thương mại, hoặc tăng thuế quan với tất cả các nước trên thế giới hoặc tăng đối ứng với từng nước. "Thời kỳ vàng son" được tổng thống Donald Trump hứa với cử tri là sẽ lấp đầy ngân khố Nhà nước và theo người phát ngôn Nhà Trắng, "chấm dứt chuyện vắt kiệt nước Mỹ".Cả thế giới hồi hộp vì không một thông tin nào được tiết lộ về tổng số tiền, quy mô và thời hạn áp dụng.
<!>
 Các đối tác "nặng ký" của Hoa Kỳ "dùi mài" biện pháp đáp trả. Còn những nước yếu thế hơn tìm cách xoa dịu tổng thống Trump. Biện pháp tăng thuế sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế giới. Năm 2024, tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ lên tới 3.300 tỷ đô la, cao hơn cả GDP hàng năm của Pháp.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

« Tổng thống Trump nói đến "Ngày giải phóng" cho đất nước của mình. Trong suy nghĩ của ông, thuế đối ứng chỉ là những biện pháp tái cân bằng quan hệ thương mại với các quốc gia mà theo ông, đã lợi dụng Hoa Kỳ trong nhiều thập niên bằng cách đối xử bất công với Mỹ.

Biện pháp được thông báo liên quan đến việc bổ sung mức thuế hải quan hoặc phi hải quan đối với hàng nhập khẩu tương đương với mức thuế mà các nước đánh vào hàng hóa Mỹ. Nhưng trên thực tế, đây thường là những mức thuế cao hơn.

Ví dụ, vài tuần trước, ông nói rằng thuế giá trị gia tăng áp dụng ở châu Âu thực chất là thuế hải quan trá hình, trong khi mức thuế TVA đó được áp dụng ở tất cả các nước châu Âu. Ông Donald Trump đã cảnh báo rằng cả thế giới sẽ phải chịu thuế mới : Châu Âu, Nhật Bản, Mêhicô, Canada, bất kể là nước đồng minh hay không.

Kể từ khi nhậm chức, ông đã dùng thuế hải quan đe dọa các nước láng giềng rồi lại hủy bỏ, tạo ra sự bất ổn không mong muốn trên thị trường tài chính, vốn đã chao đảo căng thẳng từ nhiều tuần qua.

Ông Donald Trump chưa công bố mức thuế nào sẽ áp dụng cho những sản phẩm nào. Điều bất ngờ sẽ được công bố vào lúc 16 giờ, theo giờ Washington và Nhà Trắng nêu rõ các mức thuế hải quan này sẽ được áp dụng ngay lập tức ».

Chiều tối 01/04, một ngày trước khi tổng thống Mỹ công bố các biện pháp đánh thuế mới, sàn giao dịch chứng khoán New York đóng cửa mà không có định hướng rõ ràng. Nhà phân tích Sarhan, được Reuters trích dẫn, nhận định : "Nếu các biện pháp thuế mới yếu hơn dự kiến, nếu thời hạn dài hơn hoặc nều tình hình không đến mức căng thẳng như lo ngại thì thị trường có thể sẽ phục hồi". Ngược lại, "nếu ông Trump quyết định hành động quyết liệt và công bố mức thuế cao hơn dự kiến, thị trường sẽ sụt giảm".

Liên Âu có "kế hoạch vững chắc" để đáp trả các đòn tăng thuế của Trump
Hôm qua, 01/04/2025, tại Nghị Viện Châu Âu, họp ở Strasbourg, Pháp, một ngày trước thời điểm chính quyền Mỹ dự kiến đưa ra quyết định tăng mạnh thuế nhập khẩu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định Liên Âu có "một kế hoạch vững chắc" để sẵn sàng trả đũa, nếu Washington đơn phương áp thuế.

AFP dẫn lời chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, theo đó, Liên Âu sẽ "đoàn kết" đối phó với các quyết định mới của chính quyền Trump. Bà Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh là chính sách đơn phương tăng thuế hải quan rộng khắp, mà tổng thống Mỹ chủ trương, chỉ gây thêm khó khăn cho "những người dân bình thường" và Liên Âu "bất đắc dĩ mới phải đưa ra các biện pháp trả đũa".

Trả lời RFI, chuyên gia về thương mại quốc tế Vincent Vicart dự đoán, nếu chính quyền Trump áp thuế mới với các hàng hóa châu Âu, đây cũng có thể là một động lực khiến nền kinh tế châu lục trở nên gắn bó hơn hẳn :

"Đây là một cơ hội để củng cố thị trường thống nhất của châu Âu, một đòi hỏi hiện nay. Đòi hỏi này vốn đã được Mario Draghi trình lên Ủy Ban Châu Âu hồi năm ngoái. Củng cố thị trường châu Âu hướng về nhu cầu nội địa hơn là hướng về xuất khẩu. Đây là một trong những bình diện căn bản của chiến lược củng cố sự tự chủ về chiến lược của châu Âu. Đây là một trong những chính sách cần thiết để đáp ứng cục diện quốc tế mới và chính sách thuế quan của tổng thống Trump".

Tổng thống Trump nghiêm túc với kế hoạch chiếm Greenland


Theo Tờ Washington Post, dẫn lời ba nguồn tin, cho biết Toà Bạch Ốc gần đây đã bắt tay vào đánh giá chi phí mua Greenland, bao gồm ngân sách trợ cấp sau khi tiếp quản và lợi ích từ tài nguyên thiên nhiên. Đây là bước phân tích chi tiết về hiệu quả kinh tế để sáp nhập Greenland vào Hoa Kỳ, đánh dấu hành động cụ thể nhất của Tổng thống Trump kể từ khi ông công khai ý định này. Dù kế hoạch vấp phải phản đối từ Đan Mạch và Greenland cùng chỉ trích quốc tế, các quan chức Toà Bạch Ốc vẫn tiến hành xem xét tác động tài chính nếu Greenland trở thành lãnh thổ Hoa Kỳ.

Các phân tích tập trung vào chi phí mua lại, lợi ích kinh tế và ngân sách phục vụ 58.000 cư dân đảo. Nhân viên Văn phòng Ngân sách Toà Bạch Ốc đang tính toán chi phí vận hành Greenland, đồng thời ước lượng lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên cho Bộ Tài chính Mỹ. Một phương án được đề xuất là đưa ra điều kiện vượt trội hơn khoản trợ cấp 600 triệu USD mà Đan Mạch hiện chi cho Greenland mỗi năm. Một quan chức nắm kế hoạch tiết lộ: “Chúng tôi đề xuất mức cao hơn nhiều so với Đan Mạch, cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư lớn.”

Một quan chức cấp cao Toà Bạch Ốc cho biết họ đang cân nhắc: “Mất bao nhiêu để biến Greenland thành lãnh thổ Hoa Kỳ?” Tuy nhiên, phân tích này dựa trên kịch bản người dân Greenland bỏ phiếu đồng ý. Báo cáo từ Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ tháng 1 cho thấy giá trị khoáng sản Greenland khoảng 200 tỷ USD, nhưng vị trí chiến lược ở Bắc Đại Tây Dương có thể trị giá tới 3 nghìn tỷ USD. Tổng thống Trump từng cân nhắc mua Canada hay kênh Panama, nhưng ông xem Greenland là mục tiêu khả thi nhất, theo một quan chức thân cận.

Dù vậy, vấn đề Greenland không phải ưu tiên hàng đầu trong nghị sự an ninh quốc gia Mỹ. Quan chức Toà Bạch Ốc gọi đây là “hành động bổ sung”, chỉ được xem xét sau khi giải quyết các vấn đề lớn như chiến tranh Nga-Ukraina, xung đột Israel-Hamas và kiềm chế Iran. Mục tiêu của chính quyền Trump là thuyết phục dân chúng rằng chi phí sẽ được bù đắp qua tiền bản quyền khoáng sản và thuế thương mại. Toà Bạch Ốc cũng đang tìm cách đưa ra điều kiện hấp dẫn hơn để lôi kéo Greenland.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen dự kiến thăm Greenland từ ngày 2/4, trong khi Phó Tổng thống Vance vừa đến căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại đây – chuyến thăm cấp cao nhất từ trước đến nay của Hoa Kỳ.

Quan hệ Trung-Nga thay đổi ? Giao thương ‘mặt hàng chủ chốt’ sụt giảm gần 90%


Báo cáo đề cập rằng, để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước, Nga đã tăng thuế nhập khẩu ô tô lên gần 30% kể từ tháng 7 năm ngoái, đồng thời thu phí tái chế đối với xe nhập khẩu. Hai biện pháp này đã khiến chi phí mua ô tô nhập khẩu tăng vọt, làm giảm khối lượng nhập khẩu. Trong quá khứ, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu ô tô lớn nhất của Nga.

Kể từ cuối tháng 10 năm ngoái, có thông tin cho rằng một số container hàng hóa từ Trung Quốc vận chuyển bằng đường sắt đến châu Âu đã bị Nga tịch thu, giá trị hàng hóa có thể vượt quá 100 triệu nhân dân tệ. Các doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng đang phải đối mặt với thua lỗ.

Do xuất khẩu ô tô sụt giảm, quy mô thương mại song phương Trung-Nga cũng giảm theo trong hai tháng đầu năm, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích tin rằng việc Tổng thống Trump tham gia vào các cuộc đàm phán ngừng bắn Nga-Ukraina có thể khiến quan hệ Trung-Nga đi theo một hướng mới. Học giả Aleksei Chigadaev thẳng thắn cho rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Nga đang dần suy yếu.

Chuyên gia về Nga và Trung Á, Li Lifan, cho biết: “Sự sụt giảm trong các chuyến hàng ô tô và việc tan băng trong quan hệ Hoa Kỳ và Nga đang ảnh hưởng đến thương mại song phương giữa Điện Kremlin và Trung Quốc. Thương mại chính giữa Trung Quốc và Nga tập trung vào các khoáng sản và tài nguyên quan trọng. Mức độ cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga vẫn cần phải được quan sát.”

Chuyên gia Aleksei Chigadaev cũng đề cập rằng sau khi quy mô thương mại Trung-Nga đạt mức cao kỷ lục, việc xuất hiện tình trạng chậm lại không có gì đáng ngạc nhiên, và vẫn cần phải quan sát xem liệu điều này có bị ảnh hưởng bởi Hoa Kỳ hay không.

Tổng thống Zelensky sắp tổ chức cuộc họp về việc lực lượng quốc tế bảo đảm an ninh cho Ukraina

 

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm qua 01/04/2025, thông báo Kiev sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng với một số quốc gia vào ngày 04/04 tới để thảo luận về việc thành lập một lực lượng quốc tế, có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho Ukraina, đối phó với mối đe dọa từ Nga.

Trong cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại Kiev, ông Zelensky giải thích, cuộc họp vào thứ Sáu sẽ tập hợp lãnh đạo quân đội cũng như đại diện của một số nước, những nước sẵn sàng triển khai lực lượng dưới nhiều hình thức khác nhau. Lực lượng này có thể bao gồm những binh chủng bộ binh, không quân và hải quân để tăng cường phòng thủ cho Ukraina.

Nguyên thủ Ukraina, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, mong chờ những phản hồi cụ thể hơn từ các đồng minh về việc tham gia sáng kiến do Pháp và Vương Quốc Anh khởi xướng. Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ nỗ lực của châu Âu bảo đảm an ninh cho Ukraina, trong bối cảnh đang diễn ra những cuộc thảo luận về một lệnh ngừng bắn với Nga. Phát ngôn viên của thủ tướng Anh Keir Starmer cũng thông báo rằng các tham mưu trưởng của Anh Quốc, Pháp và Ukraina sẽ gặp nhau trong những ngày tới để tiếp tục thảo luận việc tăng cường an ninh cho Ukraina.

Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hôm qua, thông báo rằng cuộc họp thứ hai giữa hai phái đoàn Nga và Mỹ đang được lên kế hoạch, với mục tiêu giải quyết nhiều bất đồng trong quan hệ song phương và khôi phục các kênh liên lạc. Cuộc họp trước đó diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng Hai.

Về tình hình chiến sự, cả Ukraina lẫn Nga, hôm qua, đều thông báo với Hoa Kỳ về việc cơ sở năng lượng của mình bị đối phương tấn công. Hai bên cáo buộc nhau không tuân thủ việc ngừng tấn công các cơ sở năng lượng, mặc dù chưa có thỏa thuận chính thức nào được đúc kết cũng như các cam kết của mỗi bên vẫn chưa rõ ràng.

Trung Quốc bất ngờ tập trận mô phỏng tấn công các cơ sở hạ tầng chiến lược của Đài Loan


Tiếp theo cuộc tập trận phong tỏa đảo Đài Loan hôm qua, quân đội Trung Quốc bất ngờ tổ chức cuộc tập trận mới, hôm nay 02/04/2025. Ngoài các hoạt động bao vây đảo, Trung Quốc còn tập trận bắn đạn thật với mục tiêu giả định là « các cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược » của Đài Loan.

Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, trong vòng 24 giờ qua, xác định được 76 phi cơ và 15 tàu chiến của Trung Quốc hiện diện xung quanh đảo. Tính từ ngày hôm qua đến nay, số lượng chiến hạm tham gia diễn tập sát Đài Loan trong một ngày là cao nhất từ gần một năm nay. Theo AFP, cuộc tập trận mang mã số "Sấm sét trên eo biển 2025A" đã không được thông báo trước.

AFP dẫn lời phát ngôn viên của Chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc, theo đó tập trận bao gồm « các bài tập bắn đạn thật tầm xa » và mô phỏng các cuộc oanh kích nhắm vào các bến cảng và « các cơ sở năng lượng chiến lược ». Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Bộ tư lệnh Chiến khu Đông Bộ hôm nay công bố trên mạng Weibo hình ảnh cho thấy « các cuộc oanh kích làm tê liệt » Đài Loan, với các tên lửa bắn về phía hòn đảo.

Về mục tiêu của cuộc tập trận bất ngờ nói trên, trang mạng Đài Loan Focus Taiwan dẫn ý kiến của ông Lâm Dĩnh Hữu (Kin Ying-yu), giảng viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế của Đại học Tamkang (Đài Loan), cho rằng Bắc Kinh muốn trắc nghiệm phản ứng của phía Mỹ trước cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra sắp tới giữa hai lãnh đạo Mỹ, Trung.

Theo ông Tô Tử Vân, giám đốc bộ phận Chiến lược và Các nguồn lực Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia, được quân đội Đài Loan tài trợ, các cuộc tập trận này nhằm bày tỏ thái độ bất bình với Washington, sau khi báo Mỹ The Washington Post, hôm 29/03, công bố nội dung một bản hướng dẫn nội bộ do bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth ký, theo đó, quân đội Mỹ sẽ có các hành động để răn đe ý định xâm chiếm Đài Loan của Trung Quốc. Nội dung nói trên được công bố đúng vào thời điểm lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mỹ lần đầu tiên công du châu Á.

Không có nhận xét nào: