Giới Thiệu Sinh Hoạt Cộng Đồng:-Ngày Mai, Thứ Ba, Ngày 3, Tháng 12 Năm 2024
Thư mời tham dự phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Giám Sát Hạt Santa Clara
Kính gởi: Quý Vị Đại Diện Cộng Đồng Việt Mỹ -Các Tổ Chức Hội Đoàn - Quý Cơ Quan Truyền Thanh,Truyền Hình và Báo Chí - Quý Anh Chị Thiện Nguyện Viên Quý Đồng Hương và các Nhóm Bạn
<!>
Kính thưa quý vị,
Betty trân trọng thông báo và kính mời quý vị vui lòng dành chút thì giờ đến tham dự phiên họp đặc biệt của Hội đồng Giám Sát Hạt Santa Clara:
Thời gian: Thứ Ba, ngày 3 tháng 12 năm 2025, lúc 10:00 sáng
Địa điểm: Phòng Hội của Quận Hạt 70 West Hedding,San Jose
Trong phiên họp này, Hội đồng sẽ đưa ra quyết định chính thức bổ nhiệm Betty Dương vào chức vụ Giám sát viên Địa hạt 2. Việc bổ nhiệm này nhằm thay thế chiếc ghế hiện đang bỏ trống do Giám sát viên tiền nhiệm đã rời nhiệm sở trước thời hạn và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiếng nói và quyền lợi của cư dân trong khu vực. Sau phần tuyên bố xác nhận của Hội Đồng Giám Sát Viên là buổi lễ nhậm chức của Betty Dương đại diện chính thức cho địa hạt 2 cho đến cuối tháng 12 năm 2024.
Sự hiện diện của quý vị tại phiên họp này là nguồn động viên quý báu và cũng là niềm khích lệ lớn lao cho Betty Dương - người Giám sát viên gốc Việt đầu tiên trong lịch sử Hạt Santa Clara.
Ngoài ra, vào tháng 1 năm 2025, sẽ có một Lễ nhậm chức chính thức dành cho Betty Dương sau khi kết quả bầu cử được xác nhận.
Trân trọng kính mời,
Betty Duong
THƯ CÁM ƠN & KÍNH MỜI THAM DỰ BUỔI LỄ CHÍNH THỨC NHẬM CHỨC CỦA BETTY DƯƠNG
Kính gởi:
Quý Vị Đại Diện Cộng Đồng Việt Mỹ, các Tổ Chức, Hội Đoàn, Quý Cơ Quan Truyền Thanh, Truyền Hình và Báo Chí, Quý Anh Chị Thiện Nguyện Viên, Quý Đồng Hương và các Nhóm Bạn,
Kính thưa Quý Vị,
Trước hết, cho phép Betty được bày tỏ lòng tri ân từ tận đáy lòng đến tất cả quý vị đã ủng hộ, hướng dẫn, và sát cánh cùng Betty trong suốt hành trình vận động tranh cử vừa qua. Thành công có được hôm nay không chỉ là kết quả của nỗ lực cá nhân, mà còn là sự kết tinh từ lòng thương yêu, niềm tin tưởng, và sự hỗ trợ quý báu của tất cả mọi người.
Kính thưa Quý Vị,
Trong thời gian qua, đã có hai buổi tiệc mừng Betty đắc cử do các thân hữu yêu thương tổ chức, thể hiện niềm hân hoan và hy vọng sau những kết quả tốt đẹp vừa qua, dù đó chưa phải là kết quả chính thức. Betty xin được chân thành cảm ơn các tấm lòng quý báu này.
Nhân đây, Betty xin trân trọng thông báo: buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Betty sẽ được tổ chức vào ngày 10 tháng 1 năm 2025, từ 5:00-8:00 tối, sau khi kết quả bầu cử được xác nhận và Betty chính thức đảm nhận vai trò Giám sát viên Địa hạt 2 của Hạt Santa Clara. Betty trân trọng kính mời và rất mong quý vị dành chút thời gian quý báu để đến chung vui với Betty cùng những hội đoàn, tổ chức, những nhóm, những cá nhân và đồng hương Bắc California đã hết lòng hỗ trợ Betty trong suốt hành trình vận động tranh cử và bầu cử.
Kính thưa Quý Vị,
Lần đầu tiên dấn thân vào chính trường với tâm nguyện phục vụ cộng đồng và góp phần xây dựng một cuộc sống ấm no, an lành hơn cho tất cả, Betty thật sự cảm động trước lòng thương yêu và sự tin tưởng mà quý hội đoàn, tổ chức, cô chú bác, anh chị em và nhóm bạn đã dành cho Betty. Không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, và cố vấn tận tâm của quý vị, sẽ không thể có được thành quả như ngày hôm nay. Betty cũng xin được ghi nhận và cảm tạ lòng rộng lượng, bao dung của Quý Vị dành cho những thiếu sót không tránh khỏi trong quá trình vận động và thời gian vừa qua.
Con đường phía trước chắc chắn vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, Betty rất mong tiếp tục nhận được sự thương yêu, nhắc nhở, và đồng hành của tất cả mọi người trong suốt thời gian Betty nhận lãnh trách nhiệm.
Kính chúc quý vị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Với tất cả tấm lòng biết ơn và trân quý,
Trân trọng,
Betty Dương
Xin ghi chú: Địa điểm tổ chức Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Betty sẽ được thông báo sau.
-Lúc 11 Giờ Sáng, Chủ Nhật Tuần Này, Ngày 8 Tháng 12 Năm 2024
RA MẮT TÂN BCH KHU HỘI TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ TÂY BẮC HOA KỲ
(Northwest United State Political Prisoners)
Thư Mời
Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Tây Bắc Hoa Kỳ trân trọng kính mời:
-Quý Lãnh Đạo Tinh thần Tôn Giáo.
-Quý Đồng Hương Người Việt Tị Nạn Cộng Sản.
-Quý Hội Đoàn, Đoàn thể Quốc Gia.
-Quý Cơ Quan Truyền thông - Báo Chí.
-Quý Hậu Duệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa & Cảnh Sát Quốc Gia.
Vui lòng đến tham dự buổi ra mắt Ban Cố Vấn - Ban Chấp Hành và Ban Giám Sát
Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Tây Bắc Hoa Kỳ.
Sự có mặt của quý vị là niềm hãnh diện cho Ban Tổ Chức Khu Hội Tù Nhân Chính Trị Tây Bắc Hoa Kỳ của chúng tôi.
* THỜI GIAN: 11:00AM. NGÀY 08 THÁNG 12 NĂM 2024
* ĐỊA ĐIỂM: 2549 S. KING ROAD # A 16 SAN JOSE, CA 95122
*ẨM THỰC: Xin ủng hộ $20 bao gồm phần ăn và thức uống.
XIN LIÊN LẠC
Trần Gia Đắc (408) 204- 9522- Duy Văn ( 408) 759 - 9339
Trần Song Nguyên (408) 218 - 4690 - Văn Hoàng Tuấn (408) 646 – 0003
Ghi chú: Xin ưu tiên cho quý Hội Đoàn, Đoàn thể, cá nhân ghi danh trước, vì số người trong nhà hàng giới hạn.
-Lúc 2 Giờ Chiều Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024
NHÓM CƯ SĨ PHẬT TỬ BẮC CALIFORNIA CHIỀU TƯỞNG NIỆM HT THÍCH TUỆ SỸ.
THƯ MỜI
CHIỀU TƯỞNG NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa Quý Đạo Hữu, Thân hữu, Đồng hương,
Kính thưa Quý Vị,
Để tưởng niệm, ngày giáp năm của một bậc Tôn Túc mà suốt đời đã phụng hiến cho Đạo Pháp, dân tộc và nhân loại; đã hiến dâng con đường giáo dục, thi ca, văn học tri thức cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau; Dù Hòa Thượng đã chích lý Tây quy, nhưng hình hài và âm hưởng vẫn luôn tồn tại sâu xa trong tâm khảm của mỗi chúng ta. Hơn nữa cũng gần hết năm Dương Lịch, một cuộc họp mặt thân hữu thật ý nghĩa; Do vậy, Nhóm Cư Sĩ Phật Tử bắc CA, nhóm thân hữu Cựu Sinh Viên Sàigòn, Vạn Hạnh sẽ tổ chức một chương trình chiều tưởng niệm nhân ngày tiểu tường của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
Do vậy xin trân trọng kính mời Quý Vị
Vui lòng hoan hỷ quang lâm tham dự, buổi lễ được tổ chức tại:
Địa Điểm: Nhà hàng Chay Di Lac 2850 Quimby Rd. Ste# 125 San Jose, CA 95148
Thời Gian: 2:00 pm đến 4:30 pm Chủ Nhật, ngày 22/12/2024 (nhằm ngày 22 tháng 11 năm Giáp Thìn)
Vì tinh thần dân tộc, đạo pháp, văn hóa của dân tộc qua sáng tác của ngài, chúng tôi trân trọng kính mời, chư vị Thức giả, quý đồng hương, Phật tử, cùng quý anh chị huynh trưởng, Cựu Huynh Trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử vui lòng tham dự để cho buổi lễ được thành công.
Kính chúc quý vị luôn thân tâm được khinh an, gia đình hạnh phúc và cầu nguyện Cố Hòa Thượng gia trì cho chúng ta được vạn sự khinh an, cát tường như ý.
San Jose, California, Ngày 27 tháng 11 năm 2024
Thay mặt Ban Tổ Chức
Tony Đinh (408) 590-2774
Tâm Nguyên Ái (510) 754 4308
Tâm Nhân (408)858-5685
Như Ninh (408)886-1199
Cao Hồng (408)679-9149
Tâm Vinh (408)655-2367
Thế giới hôm nay 02 tháng 12, 2024
(Đỗ Đặng Nhật Huy)
•Lực lượng không quân Nga và Syria tăng cường tấn công vào phe nổi dậy, khi lực lượng này tiến về phía nam sau khi chiếm được phần lớn Aleppo, thành phố lớn thứ hai đất nước. Các máy bay chiến đấu đã nhắm mục tiêu vào thành phố Idlib do phe nổi dậy kiểm soát. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua phe đối lập Syria chiếm được lãnh thổ. Trong khi đó, Donald Trump chọn Massad Boulos, một tỷ phú gốc Lebanon và là bố chồng của con gái ông, làm cố vấn về Trung Đông.
•Ông Trump cũng tuyên bố sẽ bổ nhiệm Kash Patel làm giám đốc FBI. Ông Patel, từng làm cố vấn cho bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền trước của ông Trump nhưng có ít kinh nghiệm về lĩnh vực chấp pháp, đã lên án cái gọi là “nhà nước ngầm” và cam kết tước bỏ nhiệm vụ thu thập tin tình báo của FBI. Tổng thống đắc cử Mỹ và các ứng viên của ông dường như đang có ý định thay đổi mạnh mẽ các cơ quan tình báo và FBI.
•Biểu tình ở Gruzia đã bước sang đêm thứ tư nhằm phản đối quyết định đóng băng đàm phán gia nhập EU của chính phủ. Người biểu tình cáo buộc đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia muốn xích lại gần với Nga. Một số đại sứ đã từ chức để bày tỏ đoàn kết với phong trào biểu tình. Thủ tướng Irakli Kobakhidze đã bác bỏ yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử mới.
•Trung Quốc đã phóng tên lửa đầu tiên từ trung tâm vũ trụ hiện đại nhất của mình. Theo truyền thông địa phương, tên lửa Trường Chinh 12 — với sức chở lớn nhất trong số các tên lửa lõi đơn của Trung Quốc — đã được phóng từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc, và đưa hai vệ tinh thử nghiệm vào quỹ đạo. Trung tâm vũ trụ này, được thiết kế cho các vụ phóng thương mại, đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc nhằm thách thức SpaceX của Mỹ về khám phá mặt trăng.
•Ông Trump đã đe dọa áp thuế 100% lên các quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới nếu họ tìm cách thay thế đồng đô la Mỹ ở vị thế đồng tiền chung cho giao dịch toàn cầu. Trên mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump cảnh báo nhóm BRICS gồm chín nước — thành lập bởi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi — hãy từ bỏ kế hoạch tạo ra đồng tiền dự trữ riêng và không ủng hộ bất kỳ đối thủ nào khác thay thế đồng đô la Mỹ.
•Người lao động trong ngành mại dâm ở Bỉ từ giờ sẽ được hưởng hợp đồng lao động và phúc lợi xã hội. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 sẽ là luật đầu tiên trên thế giới quy định giờ làm việc và tiền lương của ngành này. Người lao động sẽ có quyền nghỉ thai sản có trả lương, nghỉ ốm, bảo hiểm y tế, và lương hưu. Bỉ đã phi hình sự hóa mại dâm từ năm 2022.
•Hệ thống metro mới của Riyadh — hệ thống giao thông công cộng lớn nhất Trung Đông — đã bắt đầu vận hành ba trên sáu tuyến dự kiến. Với chiều dài 176km và 85 nhà ga, đây cũng là mạng lưới tàu không người lái lớn nhất thế giới. Chính quyền thủ đô của Ả Rập Saudi hy vọng dự án trị giá 22 tỷ USD này sẽ giảm 30% tình trạng ùn tắc giao thông. Ba tuyến còn lại sẽ được mở trong vài tuần tới.
•Con số trong ngày: 1 tỷ USD, là thiệt hại kinh tế đến từ việc “khai thác trắng” (xóa sổ toàn bộ cây cối trong một khu vực) ở rừng Amazon của Brazil từ năm 2006 đến 2019.
TIÊU ĐIỂM
Mỹ và Angola xích lại gần nhau
Vào thứ Hai, Joe Biden sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Angola — và cũng là người đầu tiên đến thăm vùng hạ Sahara kể từ năm 2015. Chuyến đi tới quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai khu vực này là thành quả của bảy năm tăng cường quan hệ ngoại giao. Kể từ khi João Lourenço trở thành tổng thống Angola vào năm 2017, ông đã chuyển trọng tâm của đất nước sang Mỹ, sau nhiều thập niên phụ thuộc vào Nga để cung cấp vũ khí và Trung Quốc để tài trợ tài chính. Mỹ đáp lại một cách nhiệt tình, nhất là khi họ tìm cách thu hút các đồng minh nam bán cầu nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ông Biden sẽ ghé thăm điểm nhấn trong quan hệ đối tác Angola-Mỹ: Hành lang Kinh tế Lobito, một dự án hạ tầng bao gồm tuyến đường sắt từ bờ biển Angola đến vành đai đồng của Congo. Dự án này nhiều khả năng sẽ được tiếp tục dưới thời Donald Trump, người mà chiến lược về châu Phi — nếu có — nhiều khả năng sẽ tập trung vào khoáng sản quan trọng, các thỏa thuận kinh doanh, và giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Doanh thu vũ khí tăng trên toàn cầu
Các cuộc chiến lớn và căng thẳng toàn cầu gia tăng đã mang lại lợi ích lớn cho 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới, theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu SIPRI đến từ Thụy Điển, được công bố vào thứ Hai. Doanh thu của các doanh nghiệp quốc phòng lớn đạt 632 tỷ USD trong năm 2023, tăng 4,2% so với năm trước.
Điều đáng ngạc nhiên là tăng trưởng chỉ đạt 4,2%. SIPRI lưu ý rằng các con số chưa phản ánh đầy đủ quy mô của nhu cầu. Nhiều công ty đang đầu tư vào năng lực mới để đáp ứng đơn đặt hàng. Nhưng các công ty lớn nhất ở Mỹ và châu Âu, vốn làm việc chặt chẽ với chính phủ, cần thời gian để điều chỉnh các chuỗi cung ứng phức tạp.
Trong khi đó, doanh thu của công ty vũ khí chính của Nga, Rostec, tăng 49% vào năm ngoái, trong khi doanh số của các công ty ở Trung Đông, đặc biệt là ở Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, tăng 18%. Các công ty ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chứng kiến doanh thu tăng lần lượt 39% và 35%. Doanh số tại Mỹ và châu Âu được kỳ vọng sẽ bắt kịp trong thời gian tới.
Công nhân Volkswagen đình công giữa lúc công ty gặp nhiều khó khăn
Nhân viên Volkswagen sẽ tổ chức một “cuộc đình công cảnh báo” vào thứ Hai. Sau ba vòng đàm phán, lãnh đạo của IG Metall, công đoàn ngành kim loại lớn nhất nước Đức, và ban lãnh đạo VW đã không đạt được thỏa thuận lương mới. Thỏa thuận này ảnh hưởng đến 120.000 trên 300.000 nhân công của hãng tại Đức, trong bối cảnh công ty đang lên kế hoạch cắt giảm hàng nghìn việc làm và lần đầu tiên đóng cửa các nhà máy nội địa.
Nhưng không chỉ VW gặp khó khăn. Các dự báo lợi nhuận ảm đạm đã kéo giảm giá trị thị trường của năm hãng xe lớn nhất châu Âu theo doanh số. Ở châu Âu, nhu cầu giảm sút và cạnh tranh từ các công ty xe điện Trung Quốc đang ngày càng gay gắt. Còn ở Trung Quốc thì họ bị thua thiệt trước các đối thủ nội địa. Và chính quyền mới của Mỹ đang đe dọa làm đảo lộn chuỗi cung ứng với mức thuế 25% lên hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada. Việc cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên, và đóng cửa nhà máy mà VW và các công ty khác đang đối mặt sẽ là một thử thách nghiêm trọng đối với quan hệ lao động thường hòa hợp ở Đức.
Vấn đề quản lý thuốc lá điện tử lên Toà án Tối cao Mỹ
Vào thứ Hai, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xét xử vụ FDA kiện Wages and White Lion Investments, với câu hỏi trọng tâm là liệu chiến dịch trấn áp của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đối với việc bán thuốc lá điện tử có hương vị có vi phạm luật hành chính hay không. Năm 2021, FDA đã cấm hai công ty quảng bá một số loại thuốc lá điện tử, bao gồm “Killer Kustard Blueberry” và “Suicide Bunny Mother’s Milk and Cookies.” Cơ quan này cho rằng các hương vị ngọt như vậy gây ra “nguy cơ đáng kể đã được chứng minh đối với thanh thiếu niên.” Hồi năm 2020, cứ năm học sinh trung học thì có một em sử dụng thuốc lá điện tử.
Các công ty sản xuất phản biện rằng thuốc lá điện tử an toàn hơn so với các sản phẩm thuốc lá truyền thống và góp phần vào “việc giảm tổng thể bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá.” Họ cáo buộc FDA không đưa ra “cảnh báo công bằng” về các tiêu chí mà cơ quan này sử dụng để đánh giá các đơn xin phê duyệt. Hồi tháng 1, Tòa Phúc thẩm Khu vực Năm đã đứng về phía các nhà sản xuất, cho rằng FDA khiến họ rơi vào “một cuộc truy đuổi vô ích” với những “thay đổi quy định bất thường.” Song chính quyền liên bang gọi phán quyết này là “khác thường,” và rằng bảy tòa phúc thẩm khác đã đưa ra phán quyết trái ngược trong các vụ tương tự.
Nhiều người lo ngại, hệ thống tư pháp Mỹ đã bị chính trị hóa! Tổng thống Joe Biden ân xá toàn diện cho con trai Hunter Biden trước khi rời nhiệm sở
-Tổng thống Joe Biden ngày 1-12 thông báo đã ký lệnh ân xá “hoàn toàn và vô điều kiện” cho con trai ông, Hunter Biden. Quyết định này đã gạt bỏ toàn bộ rắc rối pháp lý liên quan đến các cáo buộc mà ông Hunter phải đối mặt, bao gồm khai man thông tin khi mua súng, sở hữu súng trái phép và các vi phạm thuế liên bang.
Trong tuyên bố được Nhà Trắng công bố, Tổng thống Biden nói: “Tôi đã giữ lời hứa không can thiệp vào quyết định của Bộ Tư pháp ngay cả khi chứng kiến con trai mình bị truy tố một cách có chọn lọc và bất công. Nhưng hôm nay, tôi quyết định ký lệnh ân xá cho con trai tôi, Hunter”.
Ông Biden khẳng định Hunter Biden đã trở thành mục tiêu tấn công chính trị chỉ vì mối quan hệ gia đình: “Không một người lý trí nào khi xem xét sự thật lại có thể đưa ra kết luận nào khác ngoài việc: Hunter bị nhắm đến chỉ vì là con trai tôi”.
Hunter Biden, sinh năm 1970, từ lâu đã là mục tiêu chỉ trích của Đảng Cộng hòa và từng bị truy tố vì khai man khi mua súng và vi phạm thuế. Lệnh ân xá được đưa ra chỉ vài tuần trước khi ông Joe Biden rời nhiệm sở và chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, người nhiều năm qua đã công kích Hunter về các vấn đề pháp lý và cá nhân.
Tổng thống Biden chia sẻ rằng ông đưa ra quyết định sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn ở Nantucket cùng gia đình, trong đó có Hunter. Ông nhấn mạnh: “Tôi tin vào hệ thống tư pháp, nhưng chính trường không công bằng đã ảnh hưởng đến vụ việc này, dẫn đến sai sót trong xét xử. Tôi hy vọng người dân Mỹ hiểu tại sao một người cha và một tổng thống lại đưa ra quyết định như vậy”.
Lệnh ân xá của ông Biden đồng nghĩa với việc Hunter Biden sẽ không bị kết án và tránh được nguy cơ ngồi tù. Quyết định này đã khép lại những rắc rối pháp lý kéo dài nhiều năm qua của con trai tổng thống.
Trump chỉ trích ân xá của Biden cho con trai, gợi ý kế hoạch giúp người tham gia bạo loạn Đồi Capitol
Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 1-12 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai ông, Hunter Biden. Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đặt câu hỏi liệu những người tham gia vụ bạo loạn tại Đồi Capitol vào ngày 6-1-2021, mà ông gọi là “con tin J-6”, có nhận được sự khoan hồng tương tự hay không.
“Joe đã ân xá cho Hunter, nhưng có bao gồm những người yêu nước đã bị giam cầm vì ngày 6-1 không? Đây là một sự lạm dụng công lý đáng hổ thẹn!” – ông Trump viết, tiếp tục chỉ trích cách thức xử lý pháp luật liên quan đến các vụ việc trên.
Giới quan sát cho rằng khi chính thức trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025, ông Trump có thể thực hiện kế hoạch ân xá cho những người tham gia cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Trước đây, ông đã gọi họ là “những người yêu nước” và khẳng định họ bị đối xử không công bằng.
Tổng thống Biden, trong khi đó, đã bảo vệ quyết định ân xá “hoàn toàn và vô điều kiện” cho Hunter Biden, nhấn mạnh rằng con trai ông bị “truy tố có chọn lọc và bất công”. Quyết định này được đưa ra ngay trước khi Hunter phải đối mặt với hai phiên tòa tuyên án vào giữa tháng 12, liên quan đến cáo buộc khai man thông tin khi mua súng và tội trốn thuế.
Ông Trump tận dụng sự kiện này để củng cố quan điểm rằng hệ thống tư pháp Mỹ đã bị chính trị hóa và tuyên bố sẽ khôi phục công lý khi nhậm chức. Ông từng viết rằng ông dự định ân xá cho nhiều người trong số những người tham gia sự kiện ngày 6-1, mặc dù “một số ít đã hành xử vượt giới hạn”.
Quyết định ân xá của Tổng thống Biden dành cho con trai đã thu hút sự chú ý đặc biệt bởi đây là động thái khép lại các rắc rối pháp lý kéo dài nhiều năm của Hunter Biden, chỉ vài tuần trước khi ông Biden chuyển giao quyền lực cho ông Trump.
Ông Trump đòi áp thuế 100% lên hàng hóa BRICS của Nga và Trung Cộng: Cảnh báo về nguy cơ “phi đô la hóa”
-Cựu Tổng thống Donald Trump, trong bài viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 30-11, đã tuyên bố sẽ áp thuế 100% lên hàng hóa từ các quốc gia thuộc nhóm BRICS, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, nếu họ không cam kết từ bỏ ý định tạo ra một loại tiền tệ mới để thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế.
Lý do ông Trump đề xuất mức thuế mạnh tay
Ông Trump cảnh báo rằng ý tưởng của BRICS về việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD là một mối đe dọa kinh tế trực tiếp với Mỹ. Ông nhấn mạnh:
“Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn các quốc gia này tạo ra loại tiền tệ thay thế đồng đô la Mỹ hùng mạnh. Họ sẽ phải đối mặt với thuế quan 100% nếu không cam kết từ bỏ kế hoạch này.”
Theo ông Trump, đồng đô la Mỹ đóng vai trò cốt lõi trong thương mại quốc tế và là biểu tượng cho sức mạnh kinh tế của nước Mỹ. Do đó, ông xem bất kỳ nỗ lực nào nhằm giảm vai trò của USD là hành động đi ngược lợi ích của Mỹ.
Nhóm BRICS và kế hoạch “phi đô la hóa”
BRICS là liên minh của các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2023, nhóm này mở rộng với sự tham gia của Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, và UAE, đưa tổng số thành viên lên 11 quốc gia.
Trong thời gian gần đây, BRICS đã thúc đẩy các sáng kiến nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu. Nga, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS, từng đề xuất ý tưởng phát triển một loại tiền tệ chung cho khối này từ năm 2022. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng ủng hộ ý tưởng này, lập luận rằng nó sẽ giúp các quốc gia BRICS giảm bớt rủi ro từ sự biến động của tỷ giá USD.
Phản ứng từ phía Mỹ
Ông Trump phản ứng gay gắt trước các kế hoạch của BRICS, tuyên bố rằng việc giảm vai trò của USD sẽ không được Mỹ chấp nhận. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, ông đề xuất áp dụng các biện pháp thương mại cứng rắn, bao gồm mức thuế quan 100% đối với hàng hóa từ các quốc gia BRICS.
Theo ông, mục tiêu chính của chính sách này là buộc các nước BRICS phải cam kết không tạo ra loại tiền tệ thay thế hoặc giảm vai trò của đồng USD trong các giao dịch quốc tế.
Quan điểm từ nhóm BRICS
Trái ngược với lo ngại từ Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng các sáng kiến của BRICS không nhằm chống lại đồng USD hoặc bất kỳ quốc gia nào. Ông nhấn mạnh rằng hợp tác trong BRICS tập trung vào tăng cường thương mại nội khối và cung cấp thêm các lựa chọn dự trữ tiền tệ, chứ không phải loại bỏ đồng USD hoàn toàn.
Ý nghĩa của “phi đô la hóa”
Việc các quốc gia BRICS thúc đẩy “phi đô la hóa” xuất phát từ nhiều lý do:
Giảm phụ thuộc vào USD: Sự biến động của tỷ giá USD ảnh hưởng lớn đến các quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất và chính sách tiền tệ Mỹ thay đổi nhanh chóng.
Chống lại áp lực trừng phạt: Nga và Iran, hai thành viên mới của BRICS, đã chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ. Một loại tiền tệ chung có thể giúp họ tránh được các rủi ro liên quan đến hệ thống tài chính do Mỹ kiểm soát.
Tăng cường hợp tác nội khối: Phát triển một hệ thống thanh toán độc lập hoặc một loại tiền tệ chung sẽ thúc đẩy thương mại giữa các thành viên BRICS.
Ý kiến trái chiều về đề xuất của ông Trump
Quan điểm ủng hộ
Những người ủng hộ ông Trump cho rằng các biện pháp cứng rắn là cần thiết để bảo vệ vị thế của USD và ngăn chặn sự suy yếu của ảnh hưởng kinh tế Mỹ.
Thuế quan cao có thể khiến các quốc gia BRICS suy nghĩ lại về kế hoạch “phi đô la hóa” hoặc chịu thiệt hại kinh tế lớn nếu muốn tiếp cận thị trường Mỹ.
Quan điểm phản đối
Một số chuyên gia cho rằng cách tiếp cận của ông Trump có thể dẫn đến xung đột kinh tế và làm xấu đi mối quan hệ thương mại với các nước BRICS.
Thuế quan cao có thể gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh.
Đề xuất của ông Trump về việc áp thuế 100% lên hàng hóa từ các nước BRICS, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, thể hiện sự quyết tâm bảo vệ vai trò trung tâm của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, động thái này cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm nguy cơ làm gia tăng căng thẳng kinh tế và chính trị giữa Mỹ và các nước BRICS.
Liệu chính sách này có khả thi hay không, vẫn cần chờ đợi phản ứng từ cộng đồng quốc tế và các quyết định tiếp theo của ông Trump, nếu ông thực sự trở lại Nhà Trắng vào năm 2025.
Đất Việt- December 1, 2024
Bắt đầu bị chú ý! Việt Nam trong số 4 nước Đông Nam Á bị Mỹ áp thuế mới lên pin mặt trời!
-Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố loạt mức thuế mới lên đến hơn 270% đối với các tấm pin năng lượng mặt trời nhập từ Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á khác sau khi xác định rằng các sản phẩm này đang cạnh tranh thiếu công bằng trên thị trường Mỹ.
Quyết định sơ bộ này được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra hôm 29/11, áp dụng cho cả Malaysia, Campuchia và Thái Lan. Đây là quyết định sơ bộ lần thứ 2 của Bộ trong vụ khiếu nại nhắm vào tấm pin năng lượng mặt trời từ 4 nước Đông Nam Á trên của các công ty trong lĩnh vực này có trụ sở tại Mỹ. Quyết định sơ bộ đầu tiên được đưa ra vào tháng 10.
Trong quyết định công bố ngày 29/11, Cơ quan Thương mại Quốc tế (ITA) của Bộ đưa ra mức thuế chống bán phá giá từ 21,31% đến 271,28%, áp dụng cho các công ty khác nhau của 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó công ty Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất.
Công ty Vietnam-Wide Entity bị Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế 271,28% trong khi hầu hết các công ty còn lại ở Việt Nam bị áp mức thuế gần 55%. Việt Nam cũng là nước có số lượng lớn nhất các công ty bị áp thuế trong số 4 quốc gia Đông Nam Á, với 12 công ty, trong khi Malaysia có 6, Thái Lan có 4 và Campuchia có 3.
Trong loạt thuế đầu tiên được công bố vào tháng 10, ITA cho biết họ đã xác định chắc chắn rằng ngành sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ đang bị tổn hại nghiêm trọng do việc nhập khẩu pin và tấm pin mặt trời bằng silibon từ Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Thái Lan. Gần một chục công ty của Việt Nam lúc đó bị áp mức thuế lên đến gần 300%.
Vụ điều tra xuất phát từ vụ kiện thương mại của một nhóm các doanh nghiệp gồm Hanwha Qcells của Hàn Quốc và First Solar có trụ sở tại bang Arizona cùng một số nhà sản xuất nhỏ khác tại Mỹ, khi họ tìm cách bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ. Họ cáo buộc rằng các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Trung Quốc có nhà máy ở Việt Nam, Malaysia, Campuchia và Thái Lan đã bán các sản phẩm này vào Mỹ, khiến giá sụt giảm trên toàn cầu.
Các tấm pin mặt trời của công ty Jinko Solar của Trung Quốc bị áp thuế 56,51% với xuất xứ từ Việt Nam và 21,31% với xuất xứ từ Malaysia. Trong khi đó, sản phẩm của một công ty khác của Trung Quốc, Trina Solar, chịu thuế 54,46% khi được sản xuất ở Việt Nam và 77,8% khi sản xuất ở Thái Lan.
Theo dữ liệu được ITA đưa ra, Mỹ nhập khẩu pin mặt trời từ Việt Nam nhiều nhất trong số 4 nước Đông Nam Á kể trên, với giá trị lên đến gần 4 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn Thái Lan (hơn 3,7 tỷ USD), Campuchia (hơn 2,3 tỷ USD), và Malaysia (gần 1,9 tỷ USD).
Việt Nam và 3 nước Đông Nam Á bị Bộ Thương mại điều tra chống bán phá giá chiếm khoảng 80% lượng pin mặt trời mà Mỹ nhập khẩu.
Quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ sẽ được đưa ra vào ngày 18/4 năm tới và Ủy ban Thương mại Mỹ sẽ ấn định quyết định cuối cùng vào ngày 2/6/2025 trước khi đưa ra lệnh cuối cùng 1 tuần sau đó.
Bộ Công thương Việt Nam chưa đưa ra phản ứng công khai nào trước loạt thuế mới mà Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố. Sau quyết định áp thuế sơ bộ đầu tiên của Mỹ hồi tháng 10, Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam “chuẩn bị và hợp tác tốc với DoC (Bộ Thương mại Mỹ) trong các chương trình cáo buộc mới có thể bổ sung sắp tới cũng như quá trình thẩm tra tại chỗ để hạn chế khả năng bị tăng thuế trong kế luận cuối cùng.”
Trong năm nay, chính quyền Biden đã lên tiếng báo động về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm năng lượng sạch. Tổng thống Joe Biden đã cam kết khôi phục hoạt động sản xuất của Mỹ bằng cách khuyến khích sản xuất những loại hàng hóa trong nước mà có thể góp phần chống lại biến đổi khí hậu, bao gồm các tấm pin mặt trời và pin xe điện vốn là những sản phẩm chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc.
Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, chính quyền Biden đã trợ cấp mạnh mẽ cho các công ty sản xuất sản phẩm năng lượng sạch trên đất Mỹ thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, vốn đã thúc đẩy nhiều nhà máy mới sản xuất tấm pin mặt trời được thiết lập tại Mỹ gần đây, theo Reuters.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích Đạo luật Giảm lạm phát là quá tốn kém nhưng cũng cho biết ông có kế hoạch áp đặt mức thuế quan cao đối với một loạt các lĩnh vực để bảo vệ người lao động Mỹ.
“Với các mức thuế sơ bộ này, chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc giải quyết nhiều năm vấn đề thương mại không công bằng có hại và bảo vệ hàng tỷ đô la đầu tư vào sản xuất cũng như chuỗi cung ứng mới về năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ,” Tim Brightbill, đối tác tại công ty luật Willey Rein và là cố vấn chính cho những công ty đệ đơn vụ kiện thương mại, nói với Reuters.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Hamas Công Bố Video Về Con Tin Người Mỹ Gốc Do Thái ở Gaza
(Ảnh AP/Maya Alleruzzo: Người thân của các con tin bị Hamas bắt giữ ở Dải Gaza và những người ủng hộ biểu tình tại Jerusalem, kêu gọi thỏa thuận thả con tin, ngày 27/11/2024.)
-Nhóm chiến binh Palestine Hamas vừa công bố một video về một con tin người Mỹ gốc Do Thái hôm thứ Bảy (30/11/2024), trong đó con tin này cầu xin Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tìm cách cho anh ta được thả ra.
Không có bình luận ngay lập tức từ gia đình của con tin Edan Alexander, 20 tuổi, hoặc từ chính quyền Do Thái, những người đã mô tả các video như vậy trước đây là chiến tranh tâm lý tàn khốc.
Khoảng một nửa trong số 101 con tin ngoại quốc và Do Thái vẫn bị giam giữ biệt lập ở Gaza được cho là vẫn còn sống. Tất cả trừ 4 người trong số họ đã bị bắt làm con tin trong cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 của Hamas vào miền Nam Do Thái.
Các thủ lãnh Hamas dự kiến sẽ đến Cairo vào thứ Bảy để đàm phán ngừng bắn với các viên chức Ai Cập nhằm tìm cách đạt được một thỏa thuận có thể dẫn đến việc thả các con tin để đổi lấy các tù nhân Palestine.
Syria: Quân Thánh Chiến và Đồng Minh Chiếm Thành Phố Aleppo
(Hình AFP - Bakr Alkasem: Phe nổi dậy tiến vào Rashidin, ngoại ô Aleppo, ngày 29/11/2024.)
-Tình hình tại Syria lại trở nên căng thẳng. Sáng 30/11/2024, quân đội Syria xác nhận quân thánh chiến và các lực lượng nổi dậy đồng minh đã hiện diện ở "phần lớn" Aleppo. Còn một tổ chức phi chính phủ cho biết lực lượng đã tiến vào Aleppo, thành phố lớn thứ hai ở Syria. Quân đội Nga, đồng minh của Tổng thống Bachar Al Assad, khẳng định đã không kích các "nhóm vũ trang bất hợp pháp", "khủng bố" và tiêu diệt 200 người.
Ngày 27/11, lực lượng nổi dậy của tổ chức Hayat Tahrir al Cham bất ngờ tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng, dữ dội nhắm vào quân đội Syria. Cuộc tấn công chưa từng có kể từ tháng 3/2020 - ngày các bên liên quan ký đình chiến ở vùng Tây-Bắc Syria, đã chấm dứt nhiều năm tương đối yên lặng ở Tây-Bắc Syria.
Theo thông tấn xã Reuters, một chỉ huy của nhóm Djaish al Izza, thuộc liên minh nổi dậy, cho biết quân nổi dậy tiến nhanh là nhờ quân đội Syria thiếu lực lượng được Iran yểm trợ ở tỉnh Aleppo. Một số nguồn tin khác có liên lạc với tình báo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cuộc tấn công được Ankara bật đèn xanh. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Oncu Keceli cho biết là Thổ Nhĩ Kỳ tìm mọi cách để tránh tình hình trong vùng bất ổn hơn và cảnh báo các vụ tấn công này vi phạm thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng.
Nga, nước đồng minh của chính quyền Damas, sẽ phải phân tán lực lượng trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Mạc Tư Khoa hứa tăng viện trợ quân sự để chống các phe nổi dậy. Theo hai nguồn tin quân sự được thông tấn xã Reuters trích dẫn, trang thiết bị viện trợ sẽ tới Syria trong vòng 72 tiếng đồng hồ tới. Thông tín viên Anissa El Jabri của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Mạc Tư Khoa cho biết thêm phản ứng tại Nga:
"Truyền hình Nga từng ca ngợi sự can thiệp của Nga vào Syria như một bản hùng ca chiến thắng. Vào thứ Sáu (29/11), họ rất kín tiếng về những gì xảy ra trong 24 tiếng đồng hồ qua ở Syria. Tuy nhiên, chủ đề này vẫn được báo chí nhắc đến và được giới phóng viên quân sự tranh luận.
Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh cũng chỉ đưa ra bình luận ngắn gọn như sau: "Về tình hình xung quanh Aleppo, đây rõ ràng là một cuộc tấn công vi phạm chủ quyền của Syria trong vùng này. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Syria nhanh chóng lập lại trật tự ở khu vực này và lập lại trật tự pháp định". Phát biểu này dường như chính thức thừa nhận rằng Nga đã "bị phân tâm vì các sự kiện ở Ukraine", như nhận định thẳng thừng của báo Kommersant.
Truyền thông Nga cũng đưa tin đồn, nhưng có lẽ tin đã được cố tình tuồn ra, rằng ông Bachar Al Assad dường như đang ở Mạc Tư Khoa từ thứ Năm (28/11). Tổng thống Syria đợi Tổng thống Vladimir Putin kết thúc công du Kazarkhstan trở về".
Đệ Tam Thế Chiến Đã Bắt Đầu?
-Về chiến tranh Ukraine, bài xã luận của tuần san Le Point đặt câu hỏi phải chăng Đệ tam Thế chiến đã bắt đầu? Ít nhất, đó là điều mà Vladimir Putin muốn khẳng định.
Vào ngày thứ 1.000 của chiến tranh Ukraine, Tổng thống Nga muốn nhấn mạnh cuộc chiến này đã mang tính "toàn cầu" sau khi Hoa Thịnh Ðốn bật đèn xanh cho Kyiv sử dụng phi đạn tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga. Để trả đũa, chủ nhân Ðiện Cẩm Linh đã đe dọa sẽ oanh kích các cơ sở quân sự của những quốc gia cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Và như vậy, các quốc gia Âu Châu sẽ đối mặt với mối nguy ở tuyến đầu.
Lời nói đi đôi với hành động. Tổng thống Vladimir Putin đã ký thông qua học thuyết nguyên tử sửa đổi của mình và đã cho tấn công một nhà máy sản xuất vũ khí ở Ukraine bằng phi đạn-đạn đạo tầm trung có thể mang được đầu đạn nguyên tử.
Mối đe dọa nguyên tử từ Nga vừa ghê rợn vừa hoang đường. Tuy nhiên, dường như nó mang lại hiệu quả! Hoa Kỳ và Đức vẫn tích cực hỗ trợ quân sự Ukraine, trong bối cảnh cả hai nước đều đang trong giai đoạn chuyển giao chính trị. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, Donald Trump đã nhấn mạnh phương Tây đang liều mình mở rộng cuộc xung đột với việc kéo dài cuộc chiến. Tình cờ thay, nhận định của nhà tỉ phú trùng hợp với lập trường của Ðiện Cẩm Linh. Về phần mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng muốn thể hiện mình là "Thủ tướng ủng hộ hòa bình", dường như với hy vọng sẽ tránh được một thất bại ê chề trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra ngày 23/2/2025.
Tuần báo thiên hữu nhấn mạnh Vladimir Putin đang bóp méo sự thật. Chiến tranh Ukraine rõ ràng đang trở thành một cuộc chiến toàn cầu, nhưng chính chủ nhân Ðiện Cẩm Linh là người đã quyết định thu nạp hơn 10.000 binh lính Bắc Hàn để hỗ trợ quân đội Nga trên chiến trường. Chính ông là người đã kêu gọi Iran và Bắc Hàn tiến hành những hoạt động gây bất ổn ở Âu Châu và cả hai nước cũng đang cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga để nước này dùng trên chiến trường Ukraine. Và cũng chính Putin đã thành lập một liên minh đặc biệt với Trung Quốc để có thêm nguồn hậu thuẫn vững chắc. Theo Financial Times, nguyên thủ Nga thậm chí còn ký một thỏa thuận với phiến quân Houthi ở Yemen để tuyển mộ hàng trăm chiến binh cho chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, việc Vladimir Putin đe dọa nguyên tử cũng thể hiện việc quân đội Nga đang hụt hơi. Chủ nhân Ðiện Cẩm Linh buộc phải tuyển mộ binh lính Bắc Hàn vì không dám động viên thêm binh sĩ nước nhà. Quân đội Nga tiếp tục gặm nhấm khu vực Donbass, nhưng phải trả giá bằng những tổn thất khủng khiếp. Nền kinh tế Nga được duy trì nhờ hoạt động sản xuất vũ khí quy mô lớn, nhưng điều này khiến hệ thống phân phối hàng hóa bị thiếu hụt.
Trong bối cảnh Donald Trump chuẩn bị trở lại Tòa Bạch Ốc, Mạc Tư Khoa và Kyiv có thể sẽ cố gắng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và cả hai đều muốn đàm phán ở thế thuận lợi nhất có thể. Vào thời điểm hết sức nhạy cảm này, các quốc gia Âu Châu cần giữ bình tĩnh và không nhượng bộ trước Ðiện Cẩm Linh. Le Point kết luận nếu muốn ngăn xung đột lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine và tràn sang phương Tây, giải pháp duy nhất là hỗ trợ Kyiv một cách kiên định với việc cung cấp cho họ vũ khí và đạn dược.
Donald Trump Có Thuyết Phục Được Nga-Ukraine Đàm Phán?
-Tuần san Le Nouvel Obs chú ý đến khía cạnh Donald Trump trở lại lãnh đạo Hoa Kỳ có thể sẽ tác động đến diễn biến cuộc chiến tranh Ukraine, sau khi nhà tỉ phú đã cam kết nhanh chóng chấm dứt xung đột. Vladimir Putin khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng theo điều kiện của mình, và thái độ của ông đã trở nên cứng rắn hơn kể từ khi Donald Trump tái đắc cử Tổng thống.
Chính quyền Biden đang rơi vào tình thế khó xử. Một bên là Trump, muốn cắt giảm viện trợ cho Ukraine, mặt khác, Trung Quốc và Bắc Hàn ngày càng tham gia tích cực vào cuộc xung đột, làm dấy lên lo ngại về khả năng hình thành một liên minh chống phương Tây. Kể từ tháng 9, các viên chức Mỹ đã bắt đầu nghi ngờ về vai trò của Trung Quốc, sau khi có những tiết lộ về việc Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh hợp tác phát triển một chương trình trang bị vũ khí bí mật. Ngoài ra, sự xuất hiện của quân đội Bắc Hàn ở Âu Châu là một bất ngờ lớn, mặc dù các viên chức phương Tây tìm cách giảm tầm quan trọng của sự kiện này khi nhận định đó là dấu hiệu cho thấy Nga đang "mệt mỏi".
Gần đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận định "nếu Ukraine thương lượng với Putin trong bối cảnh hiện tại, Kyiv sẽ thất thế trong các cuộc đàm phán". Vì vậy, chính quyền Biden đang tìm mọi cách để thay đổi tình thế trước khi Trump tuyên thệ nhậm chức, bao gồm việc cấp thêm cho Ukraine gói viện trợ quân sự trị giá 6 tỉ Mỹ kim và cho phép nước này sử dụng phi đạn ATACMS. Tuần báo thiên tả cho rằng quyết định này không nhằm thay đổi cục diện cuộc chiến, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine.
Hiện nay, mọi sự chú ý đang đổ dồn về Donald Trump, có thể sẽ là nhân vật then chốt thúc đẩy một Hiệp định hòa bình. Nếu nhà tỉ phú đạt được một thỏa thuận giữa hai bên, điều đó có thể đồng nghĩa với việc Ukraine phải nhượng bộ không ít. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định chủ nhân tương lai của Tòa Bạch Ốc có thể bị Vladimir Putin "lấy lòng", và cho rằng Trump có thể "tặc lưỡi" với những điều kiện bất lợi cho Ukraine, như sự xuất hiện của một khu phi quân sự lớn, quân đội bị hạn chế, và Kyiv không gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), tương tự như những điều kiện mà Đức phải chấp nhận sau Ðệ nhị Thế chiến.
Còn một số khác thì cho rằng nguyên thủ Nga có thể đồng ý nhượng bộ nhiều hơn những gì ông từng tuyên bố, chẳng hạn như rút khỏi các khu vực đã chiếm được ở Kharkiv và Mykolaïv. Tuy nhiên, Vladimir Putin vẫn sẽ coi bán đảo Crimea và khu vực biển Azov là một "lằn ranh đỏ".
Sự nhiệt tình của Donald Trump, sự kiên nhẫn của Vladimir Putin cũng như tình hình "nước sôi lửa bỏng" ở Ukraine có thể tạo ra một tình huống "lý tưởng" khiến cho các bên đúc kết một thỏa thuận không có lợi cho Kyiv. Ngoài ra, Nga đã có mối quan hệ với Donald Trump từ rất lâu, trước khi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị. Phim tài liệu "Chiến dịch Trump" cho biết KGB đã từng quyến rũ Trump từ những năm 1980. Theo cuốn sách "War" của Bob Woodward, Trump và Putin đã điện đàm bảy lần kể từ khi nhà tỉ phú rời Tòa Bạch Ốc vào năm 2021. Sau khi Donald Trump bị ám sát hụt hồi tháng 7 vừa qua, chủ nhân Ðiện Cẩm Linh đã ca ngợi lòng dũng cảm của nhà tỉ phú. Theo báo chí Mỹ, Donald Trump đã ngay lập tức nhấc điện thoại để nói chuyện với Vladimir Putin.
Trong khi đó, tuần báo L'Express, trích dẫn Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna, khuyến khích các quốc gia Bắc Âu và vùng Baltic chuẩn bị sẵn sàng gửi quân sang Ukraine để duy trì ổn định và trật tự trong trường hợp thỏa thuận ngưng bắn đến sớm hơn dự kiến, mặc dù ông vẫn khẳng định "gia nhập NATO là cách bảo đảm an ninh tốt nhất đối với Ukraine". Trong khi chờ đợi, các quốc gia Bắc Âu và Baltic đang chuẩn bị cho mọi kịch bản.
Đàm Phán Với Nga: Tổng Thống Zelensky Tuyên Bố Sẽ Nhượng Bộ Nếu NATO Bảo Vệ Lãnh Thổ Ukraine Kiểm Soát
(Hình AP - Julia Demaree Nikhinson - minh họa: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky (trái) và ứng cử viên Tổng thống Donald Trump tại New York, ngày 27/9/2024.)
-Hôm 29/11/2024, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) bảo đảm cho các vùng lãnh thổ đất nước vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine để "chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến" do Nga tiến hành. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh NATO chuẩn bị có cuộc họp vào hai ngày 3-4/12 tới ở Brussels, và Kyiv đang kêu gọi liên minh mời Ukraine tham dự.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Anh Sky News, nguyên thủ Ukraine tuyên bố: "Nếu muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến, chúng ta cần đặt các vùng lãnh thổ của Ukraine mà chúng ta (Ukraine) kiểm soát dưới sự bảo trợ của NATO. Đây là điều chúng ta cần làm nhanh chóng, và sau đó Ukraine có thể giành lại phần còn lại của lãnh thổ thông qua các con đường ngoại giao". Cho đến nay, Kyiv vẫn luôn bác bỏ việc nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu quân đội Ukraine rút khỏi các vùng lãnh thổ này và kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO.
Hãng tin AFP nhắc lại rằng Mạc Tư Khoa hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimee mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Nga cũng tuyên bố sáp nhập các khu vực Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporijjia, dù Mạc Tư Khoa không kiểm soát hoàn toàn các khu vực này.
Đối mặt với sự kiên quyết của Hoa Thịnh Ðốn, Kyiv đang phải xem lại tham vọng của mình và chấp nhận mất đi những vùng lãnh thổ hiện bị Nga chiếm đóng. Các cuộc thảo luận về khả năng ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình đã gia tăng kể từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Ngày 27/11 vừa qua, Tổng thống tân cử Mỹ chọn tướng về hưu Keith Kellogg, cựu Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, làm đặc phái viên về Ukraine và Nga. Hồi tháng 4, tướng Keith Kellogg cùng với cựu chuyên gia của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Fred Fleitz đã soạn thảo một bản ghi nhớ kêu gọi "hoãn dự án gia nhập NATO của Ukraine trong thời gian dài" để có thể "thuyết phục" Tổng thống Nga Vladimir Putin "tham gia các cuộc đàm phán hòa bình".
Chủ nhân tương lai của Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần đe dọa sẽ cắt viện trợ quân sự cho Kyiv, nếu Ukraine từ chối tham gia đàm phán hòa bình với Nga. Đồng thời, thông điệp dành cho Mạc Tư Khoa cũng tương tự: nếu Nga không muốn đàm phán thì ngược lại, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.o
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky ngày hôm qua, đã "lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công bừa bãi của Nga nhằm vào các thành phố, dân thường và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine". Ông Macron cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Pháp sẽ tiếp tục giúp đỡ Kyiv "mạnh mẽ và lâu dài" tới khi nào Kyiv "có thể thực hiện quyền tự vệ và đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của Nga".
Về tình hình chiến sự, quân đội Nga đã phóng 132 drone trong đêm qua nhắm vào nhiều thành phố ở phía Nam Ukraine, khiến 1 người chết và 8 người bị thương, chỉ một ngày sau các cuộc tấn công lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.
Kyiv Yêu Cầu NATO Mời Ukraine Gia Nhập Khối Vào Tuần Tới
(Hình AP: Tổng Thư ký NATO Mark Rutte (trái) và Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy bắt tay nhau trong cuộc họp báo tại Kyiv, thủ đô của Ukraine, ngày 3/10/2024.)
-Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha thúc giục các đối tác NATO của mình đưa ra lời mời Kyiv gia nhập liên minh quân sự phương Tây này trong cuộc họp tại Brussels vào tuần tới, theo nội dung một bức thư mà thông tấn xã Reuters xem được hôm 29/11.
Bức thư phản ánh nỗ lực mới của Kyiv nhằm bảo đảm lời mời gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn là một phần của "kế hoạch chiến thắng" được Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vạch ra vào tháng trước nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine.
Ukraine cho biết họ chấp nhận rằng họ không thể gia nhập NATO cho đến khi chiến tranh kết thúc nhưng việc đưa ra lời mời ngay bây giờ sẽ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin thấy rằng một trong những mục tiêu chính của nhà lãnh đạo Nga – ngăn cản Kyiv trở thành thành viên NATO – là không thể đạt được.
NATO đã tuyên bố rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh và rằng nước này đang trên con đường "không thể đảo ngược" để trở thành thành viên. Nhưng khối này vẫn chưa đưa ra lời mời chính thức hay đưa ra mốc thời gian cụ thể.
Các nhà ngoại giao NATO cho biết không có sự đồng thuận giữa các thành viên liên minh để mời Ukraine vào giai đoạn này. Bất kỳ quyết định nào như vậy sẽ cần sự đồng ý của tất cả 32 quốc gia thành viên NATO.
Nhưng ông Sybiha lập luận trong bức thư của mình, được viết bằng tiếng Anh, rằng đây là thời điểm thích hợp để đưa ra lời mời.
"Chúng tôi tin rằng lời mời nên được đưa ra vào giai đoạn này", Ngoại trưởng Ukraine viết.
"Nó sẽ trở thành phản ứng thích hợp của Đồng minh đối với việc Nga liên tục leo thang cuộc chiến mà họ đã phát động, với bằng chứng mới nhất là sự tham gia của hàng chục ngàn quân đội Bắc Hàn và việc sử dụng Ukraine làm nơi thử nghiệm vũ khí mới", ông Sybiha nói thêm trong bức thư.
"Tôi kêu gọi các bạn ủng hộ quyết định mời Ukraine gia nhập Liên minh như một trong những kết quả của Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao NATO vào ngày 3-4 tháng 12 năm 2024", ông viết.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Thăm Bắc Hàn, Nói Quan Hệ Quân Sự Với Bình Nhưỡng Đang Mở Rộng
(Hình AP: Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Hàn No Kwang Chol (trái) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov trong cuộc gặp tại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, ngày 29/11/2024.)
-Trong chuyến thăm Cộng sản Bắc Hàn hôm 29/11/2024, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Bộ trưởng Andrei Belousov nói rằng hợp tác quân sự giữa hai nước đang phát triển nhanh chóng.
Hoa Kỳ đã cáo buộc Bắc Hàn gửi hàng ngàn quân đến khu vực Kursk của Nga, nơi lực lượng Nga đang tìm cách đánh đuổi binh lính Ukraine. Mạc Tư Khoa không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin này.
Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời ông Belousov nói với người đồng cấp Bắc Hàn No Kwang-chol rằng Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện mà Nga và Bắc Hàn ký kết vào đầu năm nay nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro chiến tranh ở Đông Bắc Á và "duy trì cán cân quyền lực trong khu vực".
Ông Belousov cho biết các cuộc đàm phán vào ngày 29/11 sẽ củng cố quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực quân sự giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng.
Các hãng thông tấn Nga đưa tin rằng ông Belousov sẽ có cuộc hội đàm với giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Cộng sản Bắc Hàn.
Tuần Tra Quân Sự Nga-Trung: Lần Đầu Tiên Oanh Tạc Cơ Mang Bom Nguyên tử Trung Quốc Tham Gia
(Hình Russian Defense Ministry Press Service via AP: Ảnh trích từ video do Cơ quan Báo chí Bộ Quốc phòng Nga công bố, cho thấy một máy bay chở dầu Il-76 của Nga, phía trên, đang tiếp nhiên liệu cho một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga trong cuộc tuần tra trên không với Không quân Trung Quốc trên vùng biển Nhật Bản và biển Hoa Đông, ngày 19/11/2021.)
-Nga và Trung Quốc vừa có cuộc "tuần tra chung" với oanh tạc cơ trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông hôm 29/11/2024, khiến Nhật Bản và Nam Hàn phải khai triển chiến đấu cơ đối phó. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh khai triển oanh tạc cơ ném bom có khả năng mang vũ khí nguyên tử trong chuyến bay chung với Nga, theo truyền thông Trung Quốc.
Trang mạng của Viện Hải quân Mỹ USNI dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, hôm qua, hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc cùng với hai chiến đấu cơ J-16 đã bay từ biển Hoa Đông sang biển Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập với các phi cơ Nga, bao gồm một oanh tạc cơ chiến lược Tu - 95.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Nam Hàn cũng ra một tuyên bố cho biết năm máy bay quân sự của Trung Quốc và sáu máy bay quân sự của Nga đã lần lượt xâm nhập và rời khỏi Vùng Nhận dạng Phòng không Nam Hàn ở vùng biển phía Đông và phía Nam bán đảo Triều Tiên hôm 29/11, nhưng "không có hành vi vi phạm không phận nào". Nam Hàn phản đối Trung Quốc và Nga về cuộc tuần tra trên không được tiến hành mà không có thông báo trước.
Đây là chuyến bay diễn tập Trung-Nga với oanh tạc cơ lần thứ hai trong năm nay, tiếp theo chuyến bay trước đó qua Vùng Nhận dạng Phòng không tiểu bang Alaska, Mỹ, hồi tháng 7. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc diễn tập hôm 29/11 là thể theo "kế hoạch hợp tác hàng năm giữa quân đội hai nước, và đây là chuyến bay diễn tập chiến lược chung lần thứ chín trong không phận liên quan đến Biển Nhật Bản".
China Bugle, mạng xã hội chính thức của Quân đội Trung Quốc, đã đăng tải hình ảnh về cuộc diễn tập trên tài khoản mạng xã hội X, cùng một video trên tài khoản mạng xã hội Weibo. Bài đăng trên Weibo cũng nêu rõ đây là lần đầu tiên Trung Quốc công bố các cảnh quay về chuyến bay của oanh tạc cơ H-6. H-6 có khả năng mang vũ khí nguyên tử, là một phiên bản của máy bay ném bom Tupolev Tu-16 của Nga.
Lithuania Trục Xuất 3 Nhà Ngoại Giao Trung Quốc
(Hình AFP: Biển hiệu Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuation ngày 21/11/2021. Việc Lithuania cho phép Đài Loan lập Tòa Ðại sứ trên thực tế tại Vilnius đã làm rạn nứt mối quan hệ của nước này với Trung Quốc t rong những năm qua.)
-Lithuania tuyên bố 3 nhân viên của văn phòng đại diện Trung Quốc, một loại phái Bộ Ngoại giao, tại quốc gia này là những "người không được chào đón" (personae non gratae), Bộ Ngoại giao nước này cho biết hôm 29/11/2024.
Bộ này viện dẫn các hành vi vi phạm Công ước Vienna và luật pháp của Lithuania là lý do cho việc trục xuất, mặc dù không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Công ước Vienna năm 1961 nêu rõ các quy tắc của luật ngoại giao.
Bộ này nói trong một tuyên bố rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã được chỉ thị rời khỏi Lithuania trong vòng một tuần. Sự việc đang làm trầm trọng thêm mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa hai nước.
Thông tấn xã Reuters không ngay lập tức liên lạc được với văn phòng đại diện của Trung Quốc tại Lithuania để xin bình luận.
Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ với Lithuania và gây sức ép buộc các công ty đa quốc gia cắt đứt quan hệ với quốc gia vùng Baltic có 2,9 triệu dân này sau khi Vilnius cho phép Đài Loan mở Tòa Ðại sứ trên thực tế tại đây vào năm 2021.
Vào tháng 3, người đứng đầu cơ quan phản gián của Lithuania cho biết không thể loại trừ khả năng Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử năm nay bởi vì sự ủng hộ của thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) và Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) này đối với Đài Loan.
Ngoài ra, một tàu Trung Quốc bị nghi ngờ có liên quan đến việc làm hỏng hai tuyến cáp ngầm gần đây, một trong số đó nối giữa Thụy Điển và Lithuania.
Gruzia: Cảnh Sát Dùng Hơi Cay, Vòi Rồng Trấn Áp Biểu Tình Ủng Hộ Liên Hiệp Âu Châu
(Hình AP - Zurab Tsertsvadze: Biểu tình chống chính sách xa rời Liên Hiệp Âu Châu của chính phủ tại thủ đô Tbilisi của Gruzia, ngày 30/11/2024.)
-Tối 29/11/2024, ngày thứ hai liên tiếp, vài chục ngàn người Gruzia tập trung biểu tình trước trụ sở Quốc hội ở trung tâm thủ đô Tbilisi để phản đối quyết định của chính phủ lùi đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU) đến năm 2028. Cảnh sát chống bạo động được huy động đông đảo và sử dụng hơi cay, vòi rồng để giải tán đám đông và bắt giữ 107 người biểu tình.
Tổng thống Salome Zourabichvili, thân phương Tây, khẳng định ủng hộ "phong trào kháng chiến". Hội Đồng Âu Châu "lên án mạnh mẽ" vụ trấn áp, còn Pháp kêu gọi "quyền được biểu tình ôn hòa".
Đất nước ở vùng Kavkaz, nằm sát Azerbaijan và Armenia, rơi vào vòng xoáy khủng hoảng sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 với chiến thắng của dảng thân Nga "Giấc mơ Gruzia" nhưng bị phe đối lập và Tổng thống cáo buộc có "nhiều bất hợp lệ". Thông tín viên Régis Genté của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Tbilisi giải thích thêm:
"Từ tháng 3/2024 vừa qua, Gruzia gần như luôn trong tình trạng khủng hoảng, trước tiên là vào mùa Xuân, để phản đối luật "tác nhân ngoại quốc", vẫn được gọi là luật Nga, sau đó là phản đối kết quả cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10, và bây giờ là phản đối quyết định của chính phủ đình chỉ tiến trình mở đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Về cơ bản, tất cả những sự kiện này đều xảy ra trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Nga muốn có ảnh hưởng đặc quyền ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khi đa số người dân Gruzia lại khao khát trở thành thành viên của Liên Hiệp Âu Châu vì sự thịnh vượng, Nhà nước pháp quyền và tự do.
Chính quyền Gruzia, hoàn toàn nằm dưới ảnh hưởng của nhà tài phiệt Bidzina Ivanichvili, đôi khi khẳng định chính sách của mình là thận trọng, để biện minh cho xu hướng chống phương Tây nhằm không chọc giận Ðiện Cẩm Linh. Nhưng thực ra họ bác bỏ phương Tây cùng với những giá trị tự do. Hiện giờ có thể thấy sự phân cực rõ ràng trong đời sống chính trị Gruzia, nơi tâm lý lo sợ chiến tranh và mất ổn định là điều có thật, nhưng cũng đang bị thao túng.
Với những gì có thể thấy trong đêm qua khi cảnh sát mạnh tay trấn áp, nguy cơ bùng nổ bạo lực cũng rất lớn như trường hợp Ukraine vào cuối năm 2013 - đầu 2014. Dưới áp lực của Mạc Tư Khoa, Tổng thống lúc đó là Viktor Yanykovych đã quyết định từ bỏ việc ký kết thỏa thuận gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, dẫn tới cuộc cách mạng Maidan, Tổng thống Yanykovych bị lật đổ, sau đó là cuộc xâm lược của Nga.
Người ta thấy một kịch bản tương tự ở Gruzia với việc Nga gây áp lực mạnh thông qua nhà tỉ phú Bidzina Ivanichvili, người làm giàu ở Nga. Còn bên kia là khát vọng sâu sắc của người dân được trở thành thành viên Liên Hiệp Âu Châu trong bối cảnh cường quốc đô hộ trước đây bị bác bỏ mạnh mẽ. Và đây là những quan điểm không thể dung hòa".
Gruzia: Đụng Độ Trước Quốc Hội Giữa Cảnh Sát và Người Biểu Tình Ủng Hộ Âu Châu
(Hình AP - Zurab Tsertsvadze: Người biểu tình Gruzia sử dụng pháo chống lại cảnh sát trong cuộc biểu tình, bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Tbilisi, thủ đô của Gruzia, ngày 1/12/2024.)
-Trong 3 đêm liên tiếp, người biểu tình Gruzia tiếp tục xuống đường phản đối việc chính quyền hoãn kế hoạch xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU). Trong đêm qua rạng sáng 30/11 qua ngày 1/12/2024, đụng độ dấy lên ngay trước khuôn viên trụ sở Quốc hội. Cảnh sát dùng vòi rồng và hơi cay "giải tán thô bạo" người biểu tình. Tổng thống sắp mãn nhiệm có lập trường thân Âu Châu đòi tổ chức bầu lại Quốc hội.
Trong tuyên bố hôm 30/11/2024, nữ Tổng thống sắp mãn nhiệm Salomé Zourabichvili đã từ chối trao trả quyền lực cho tới khi nào Tbilisi tổ chức bầu lại Quốc hội. Lý do: đảng Giấc Mơ Gruzia thân Nga chiếm được đa số sau cuộc bầu cử Lập pháp cuối tháng 10/2024 nhưng bị cánh thân phương Tây và phe đòi Gruzia gia nhập Liên Hiệp Âu Châu tố cáo gian lận phiếu bầu.
Việc Quốc hội mới tại Gruzia "hoãn kế hoạch xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu đến năm 2028" đã gây phẫn nộ trong công luận. Từ thủ đô Tbilisi của Gruzia, thông tín viên Régis Genté của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) có bài phóng sự:
"Tâm trạng sơ hãi chưa lan tới những người biểu tình ủng hộ tiến trình hội nhập Liên Hiệp Âu Châu. Mặc dù cảnh sát đã đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình hai đêm vừa qua, nhưng người dân vẫn đông đảo xuống đường. Họ đeo các loại khẩu trang, đeo kính, mà thường là kính để lội nước ở các bể bơi; họ đội mũ bảo hộ như thể khi chơi môn thể thao trượt ván hay là mũ bảo hộ của những người lái xe gắn máy.
Djaba, một nhân viên kế toán khoảng 30 tuổiđã phải đương đầu với lực lượng an ninhvào đêm qua. Cảnh sát Gruzia được trang bị như những người máy để đối mặt với người biểu tình. Djaba cho biết: "Cảnh sát thực sự là thô bạo, vì vậy mà họ phải bịt mặt. Lần đầu tiênđối đầu trực diện với họ đương nhiên là chúng tôi bị sốc, nhưng chúng tôi quyết tâm giải phóng đất nước và quyết tâm đó còn lớn hơn cả sự sợ hãi mà nhân viên an ninh đang gieo rắc".
Suốt đêm qua người biểu tình gây áp lực với cảnh sát. Họ đập vào những tấm bia bằng kim loại mà cảnh sát dã dựng lên ở cổng chính dẫn vào tòa nhà Quốc hội và ở phía sau những tấm kim loại đó là cảnh sát. Tiếng vang đinh tai nhức óc. Có nơi thì người biểu tình bắn pháo hoa ngay trên đầu các đơn vị đóng ở những con đường dẫn vào trụ sở Quốc hội. Chính vì thế khi các cuộc biểu tình chấm dứt, lực lượng bảo vệ an ninh vừa mệt mỏi vừa muốn giải quyết dứt điểm bằng sức mạnh".
Lỗ Ma Ni Chuẩn Bị Bầu Cử Quốc Hội Trong Bối Cảnh Cực Hữu Thân Nga Trỗi Dậy
(Hình AP - Andreea Alexandru: Biểu tình phản đối ứng cử viên cực hữu Calin Georgescu với tranh biếm họa (Tổng thống Nga Vladimir Putin và chính trị gia Lỗ Ma Ni được Nga bảo trợ), Bucharest, thủ đô của Lỗ Ma Ni, ngày 25/11/2024.)
-Ngày 1/12/2024, Lỗ Ma Ni bầu cử Quốc hội trong bối cảnh căng thẳng, sau khi ứng viên cực hữu thân Nga Calin Georgescu, đảng AUR (Liên minh Vì nước Lỗ Ma Ni Đoàn kết), đã bất ngờ về đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống vào Chủ Nhật tuần trước (24/12). Theo Hội đồng Quốc phòng Tối cao Lỗ Ma Ni, ông Georgescu đã được hưởng lợi từ các hoạt động tuyên truyền trên Tiktok và sự can thiệp của Nga.
Chiến thắng này khiến nhiều người đặt nghi vấn, vì vậy Tòa án Hiến pháp Lỗ Ma Ni hôm 29/11, đã ra quyết định kiểm lại phiếu bầu. Trên khắp cả nước, các bao tải lớn chứa phiếu bầu đã được đưa đến các điểm bầu cử để bắt đầu quy trình kiểm lại phiếu kéo dài ba ngày.
Thông tấn xã AFP ghi nhận Lỗ Ma Ni đang trong tình trạng sôi sục. Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu khiến phương Tây lo ngại về khả năng Lỗ Ma Ni, thành viên trung thành của EU và Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) - quốc gia láng giềng của Ukraine - có thể thay đổi định hướng chiến lược.
Chuyên gia Romain Le Quiniou, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu chuyên về Trung và Đông Âu Euro Créative, phân tích:
"Tôi nghĩ rằng có một mối quan ngại thực sự về kết quả của cuộc bỏ phiếu lần này. Thực tế, cuộc bầu cử Lập pháp này rất đáng lo ngại, và dường như phía cử tri chống lại chính phủ, cụ thể là những cử tri phản đối các đảng phái truyền thống của Lỗ Ma Ni, đang được huy động rất nhiều. Hiện tại, tình hình chưa đến mức bi đát, nhưng các cuộc thăm dò đầu tiên được công bố sau chiến thắng bất ngờ của ông Georgescu ở vòng một (bầu cử Tổng thống) đã cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của hai đảngcực hữu (AUR và đảng SOS Lỗ Ma Ni). Vì vậy, người ta lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra.
Tổng thống Lỗ Ma Ni không có nhiều quyền lực, và chức vụ này chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, hiện nay, các đảng phái thuộc phe ủng hộ chính phủ, các đảng thân Âu Châu, tức các đảng truyền thống, đang tích cực huy động lực lượng nhằm đạt được kết quả tốt nhất có thể. Điều này sẽ giúp họ có khả năng lập được một chính phủ liên minh, giữ vững định hướng thân Âu Châu và tiếp tục theo con đường mà Lỗ Ma Ni đã đi trong 30 năm qua".
Lỗ Ma Ni và Những Thách Thức Trong Kỳ Bầu Cử Quốc Hội
(Hình AP - Alexandru Dobre: Ứng viên về đầu trong vòng một bầu cử Tổng thống Lỗ Ma Ni Calin Georgescu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Mogosoaia, Lỗ Ma Ni, ngày 1/12/2024.)
-Hôm 1/12/2024, người dân Lỗ Ma Ni bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Quốc hội trước nguy cơ phe cực hữu thân Nga có nhiều khả năng thắng cử. Phe này dù bị phân tán giữa nhiều nhóm khác nhau nhưng đều có chung quan điểm phản đối việc hỗ trợ Ukraine và bảo vệ "các giá trị Kitô giáo". Theo dự đoán, các đảng cực hữu có thể giành được hơn 30% số phiếu ủng hộ.
Từ thủ đô Bucharest của Lỗ Ma Ni, thông tín viên Marine Leduc của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích rõ hơn về những thách thức trong cuộc bầu cử lần này:
"Cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra trong bối cảnh chính trị bất ổn. Liên minh được thành lập năm 2021 giữa hai đảng lớn vốn từng là đối thủ, gồm Đảng Xã hội Dân chủ (PSD) và Đảng Quốc gia Tự do (PNL), đã gây ra nhiều bất mãn về kinh tế và xã hội. Hiện nay, 32% dân số đang đối mặt với nguy cơ nghèo đói và bị loại ra khỏi xã hội, đây là tỷ lệ cao nhất trong Liên Hiệp Âu Châu.
Chính phủ cũng gặp khó khăn trong việc đối phó với lạm phát tăng mạnh, đạt 4,67%, mức cao nhất trong khu vực Âu Châu. Trong cuộc bầu cử Lập pháp này, dường như có ba khối lớn đang hình thành: Một bên là các đảng xã hội-dân chủ, sau đó là phe cực hữu, và cuối cùng là các đảng trung dung và cánh hữu.
Các phòng phiếu dự kiến sẽ đóng cửa vào lúc 9 giờ tối. Kết quả đầu tiên sẽ được công bố vào cuối buổi tối, nhưng phải đợi đến sáng thứ Hai (2/12) mới có kết quả cuối cùng, do còn đợi kiểm phiếu của người Lỗ Ma Ni ở ngoại quốc. Vào năm 2020, chính nhờ một phần phiếu bầu từ cộng đồng người Lỗ Ma Ni ở ngoại quốc, khoảng 5 triệu người, đã giúp cho một đảng cực hữu lần đầu tiên bước vào Quốc hội kể từ khi nước này gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2007".
Liên Hiệp Âu Châu Giảm Nhân Sự Ngoại Giao Để Tập Trung Cho "Các Vùng Chiến Lược"
(Hình AFP / Aris Oikonomou: Trụ sở Ủy Ban Âu Châu, Brussels, thủ đô của Bỉ. Ảnh chụp ngày 3/12/2019.)
-Ủy Ban Âu Châu (EC) dự kiến giảm bớt hiện diện ngoại giao trên thế giới, tái tổ chức ngân sách và nhân sự để đầu tư vào các cơ quan ngoại giao (EEAS) ở những vùng chiến lược, theo tài liệu mang tên "Hướng tới một mạng lưới phái bộ EU cải tổ", mà Politico tham khảo được và công bố ngày 28/11/2024.
Liên Hiệp Âu Châu (EU) có 145 cơ quan ngoại giao trên khắp thế giới. Theo tài liệu mới, được xếp vào loại thông tin "nhạy cảm", lưu hành nội bộ hồi tháng 9/2024, các vùng có khả năng cắt giảm hiện diện ngoại giao được cho là Phi Châu, Á Châu và Nam Mỹ. Mục tiêu là để tập trung vào những nước có lợi ích chiến lược của Liên Hiệp Âu Châu, như các nước trong nhóm G20, các nước ứng viên gia nhập khối, những nước đang phát triển hoặc các quốc gia nơi bất ổn chính trị có thể tác động trực tiếp đến Liên Hiệp Âu Châu.
Theo Politico, việc cắt giảm ngân sách được quyết định sau khi cơ quan ngoại giao EEAS vượt quá ngân sách năm 2024 và có nguy cơ bị thâm hụt nặng hơn vì chi phí gia tăng và lạm phát. Do đó, "duy trì hiện trạng không còn là một giải pháp". Theo tài liệu này, "Liên Hiệp Âu Châu cần một mạng lưới phái Bộ Ngoại giao thích ứng tốt hơn với những ưu tiên chính trị và chiến lược của khối" và "trong bối cảnh ngân sách bị thu hẹp".
Tuy nhiên, một số viên chức Âu Châu quan ngại quyết định cắt giảm ngân sách và nhân sự sẽ khiến Liên Hiệp Âu Châu mất trọng lượng ở một số vùng như Phi Châu và Nam Mỹ. "Chỉ để một phái đoàn nhỏ ở những địa điểm như Sudan hoặc Niger, không phải là một thông điệp hay", theo nhận định với Politico của một nhà ngoại giao xin ẩn danh, trong khi "chính quyền Mỹ sắp tới cũng bớt quan tâm đến thế giới bên ngoài". Một nhà ngoại giao khác thì quan ngại "Nga hoặc Trung Quốc có thể sẽ lấp vào khoảng trống mà chúng ta (EU) tạo ra".
Các Lãnh Đạo Ngoại Giao Mới của Liên Hiệp Âu Châu Công Du Ukraine, Bày Tỏ Quyết Tâm Hỗ Trợ Kyiv Giành Chiến Thắng
(Hình AP - Omar Havana: Tân Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Antonio Costa cùng Chủ tịch Hội đồng Âu Châu sắp mãn nhiệm Charles Michel trong lễ bàn giao tại Brussels, Bỉ, ngày 29/11/2024.)
-Hôm 1/12/2024 là ngày Ủy Ban Âu Châu (EC) bắt đầu nhiệm kỳ mới. Ngay khi chính thức nhậm chức, tân Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, Antonio Costa và tân lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu (EU), Kaja Kallas, hôm 1/12 đã tới Kyiv để bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược.
Trong một tin nhắn trên mạng X, tân Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, Antonio Costa tuyên bố: "Ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới, chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ không gì lay chuyển được dành cho nhân dân Ukraine". Kèm theo đó là bức ảnh ông chụp cùng tân lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu, Kaja Kallas, tân ủy viên Âu Châu đặc trách việc mở rộng Liên Hiệp, Marta Kos, khi tàu đến nhà ga Kyiv.
Về phía tân lãnh đạo ngoại giao Âu Châu, bà Kaja Kallas, viết trên mạng X: "Vào chuyến công du đầu tiên của tôi sau khi nhậm chức, thông điệp của tôi rất rõ ràng: Liên Hiệp Âu Châu muốn Ukraine thắng trong cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đạt được điều đó". Thông tấn xã Reuters nhắc lại là theo ước tính của Liên Hiệp Âu Châu, các định chế của Liên Hiệp và các thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã tài trợ tổng cộng 118 tỉ Euro cho Kyiv tính từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra.
Chuyến công du của các đại diện cấp cao của Âu Châu diễn ra trong bối cảnh Nga đạt nhiều bước tiến trên chiến trường Ukraine, oanh tạc hàng ngày vào nhiều thành phố của Ukraine. Theo nhà chức trách Ukraine, hôm qua 30/11, một vụ oanh tạc của Nga bằng phi đạn nhắm vào thành phố Dnipro ở miền Trung-Đông Ukraine đã khiến ít nhất 4 người chết, 21 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng. Một tòa nhà dân cư và 1 cửa hàng bị hư hại.
Cũng vào hôm 30/12, theo báo Pháp Le Monde, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Sky News của Anh, Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky khẳng định oanh tạc cơ F-16 Ukraine được cung cấp đã phát huy tác dụng, ví dụ bắn hạ 7 phi đạn liên lục địa của Nga trước đó 2 đêm. Tuy nhiên, ông lấy làm tiếc là việc chuyển giao F-16 diễn ra muộn và với số lượng khiêm tốn.
Dự Thảo Hiệp Ước Toàn Cầu Về Ô Nhiễm Nhựa Khiến Giới Môi Trường Thất Vọng
(Hình AP - Jennifer McDermott: Giới môi trường tổ chức họp báo kêu gọi một Hiệp ước toàn cầu mạnh mẽ về nhựa bên ngoài địa điểm diễn ra phiên họp của Ủy ban Đàm phán liên Chính phủ về ô nhiễm nhựa tại Busan, Nam Hàn, ngày 29/11/2024.)
-Một bản Dự thảo Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đã được các đại diện từ hơn 170 quốc gia đưa ra vào thứ Sáu (29/11/2024) trong Hội nghị Quốc tế Chống rác thải Nhựa tại Busan, Nam Hàn. Tuy nhiên, nội dung trong bản Dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa được giải quyết, khiến các nhà hoạt động môi trường thất vọng.
Chỉ còn lại hơn một ngày để các bên đạt được sự đồng thuận nhằm đúc kết một cơ chế kiểm soát sản lượng nhựa toàn cầu, nhưng tình hình dường như vẫn không mấy khả quan. Theo hãng tin AFP, văn bản Dự thảo không đưa ra danh sách các hóa chất nào được cho là nguy hiểm đối với sức khỏe con người, thay vào đó vấn đề này được hoãn lại để bàn thảo tại các hội nghị COP trong tương lai. Hơn nữa, văn bản này đã khiến các nhà hoạt động môi trường bất bình vì thiếu tính ràng buộc trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của nhựa với con người và hệ sinh thái, đối với các quốc gia và doanh nghiệp.
Có mặt tại hội nghị, thông tín viên Celio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) gửi về bài phỏng vấn với bà Mercier-Bonin, nhà nghiên cứu về tác hại của nhựa với sức khỏe con người:
"Nhựa có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong cơ thể chúng ta. Mỗi ngày có hàng trăm hạt nhựa siêu nhỏ đi vào cơ thể của chúng ta thông qua việc ăn uống. Bà Muriel Mercier-Bonin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Inrae, cho biết "Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy 16.000 chất hóa học trong nhựa và một phần tư trong số đó, tức là 4.000 hợp chất đã được xác định, có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người".
Vậy còn 12.000 hợp chất còn lại, bà có dữ liệu gì về chúng?
"Trên thực tế, trong quy trình sản xuất nhựa có những công thức phức tạp, không hoàn toàn minh bạch đối với những gì được cho vào nhựa. Vì vậy, đây là lý do tại sao hiện tại chúng tôi vẫn cần chứng minh thêm về tất cả các chất hóa học có trong các loại nhựa này".
Các chất hóa học có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc với chúng. "Chúng ta đã nói rất nhiều về hóa chất bisphenolate, BPA, phthalates có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể và cả bệnh ung thư. Và ta cần phải nhớ rằng những tác hại này sẽ ảnh hưởng đến chúng ta cả đời".
Bà Muriel Mercier-Bonin, có mặt tại Busan, là thành viên của phái đoàn khoa học giúp các quốc gia hiểu rõ các vấn đề sức khỏe mà nhựa gây ra để đưa vào Hiệp ước hiện đang được soạn thảo".
Ngoài ra, để kêu gọi chống rác thải nhựa, hôm nay các nhà hoạt động môi trường của tổ chức Greenpeace đã lên một chiếc tàu hóa dầu ngoài khơi Nam Hàn và giăng biểu ngữ yêu cầu một "Hiệp ước mạnh mẽ về đồ nhựa". Tuy nhiên, bà Angelica Pago, phát ngôn viên của Greenpeace, khẳng định "các nhà hoạt động đã lên tàu một cách hòa bình và không gặp phải sự phản đối nào từ phía các thủy thủ đoàn".
Ngày Bế Mạc Hội Nghị Quốc Tế Chống Rác Nhựa: Thương Lượng Vẫn Chưa Ngã Ngũ Để Đạt Hiệp Ước Toàn Cầu
(Hình AP - Ahn Young-joon: Đại diện nhiều nước tham dự cuộc họp báo tại phiên họp thứ năm của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa ở Busan, Nam Hàn, ngày 1/12/2024.)
-Hôm 1/12/2024 là ngày cuối cùng của Hội nghị quốc tế chống rác thải nhựa tại Busan, Nam Hàn, quy tụ đại điện của hơn 170 quốc gia. Được kỳ vọng là có thể đạt được Hiệp ước mang tính toàn cầu và mang tính ràng buộc về chống ô nhiễm nhựa, nhưng trước khi Hội nghị dự kiến bế mạc vào tối 1/12, thương lượng vẫn diễn ra căng thẳng và chưa ngã ngũ.
Hôm 1/12, Liên Hiệp Âu Châu (EU) và một liên minh gồm các nước Mỹ Châu La-tinh, Phi Châu và các tiểu quốc Thái Bình Dương đã tố cáo một nhóm các quốc gia dầu lửa "liên tục cản trở" các cuộc thương lượng tại Busan. Theo thông tấn xã AFP, một số nước kêu gọi kết thúc các cuộc đàm phán mà không có thỏa thuận và triệu tập các cuộc đàm phán mới.
Trưởng phái đoàn Panama, Juan Carlos Monterrey, bất bình nói: "Nếu chúng ta không đạt được một Hiệp ước đầy tham vọng ở Busan, đây sẽ là một sự phản bội toàn cầu (...) Lịch sử sẽ không tha thứ cho chúng ta. Đây là lúc phải hành động, nếu không thì phải rời đi".
Từ Busan, thông tín viên Celio Fioretti của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết là vào hôm 1/12, một Dự thảo mới về Hiệp ước Toàn cầu chống Ô nhiễm nhựa, với nhiều điểm mới so với Dự thảo hôm 30/11, đã được đệ trình để phái đoàn 175 nước thương lượng, nhưng với nhiều phiên bản khác nhau, cho thấy vẫn nhiều điểm vướng mắc, bất đồng.
Ví dụ về vấn đề "khóa vòi sản xuất nhựa", có 3 cấp độ: "giảm" sản xuất nhựa nguyên sinh, "duy trì" ở mức hiện tại, hoặc đơn giản là "quản lý". Tương tự, về các sản phẩn nhựa độc hại nhất, có những nước muốn lập danh sách sản phẩm cấm, một số khác lại từ chối.
Một vướng mắc khác không kém phần quan trọng là vấn đề tài trợ cho các sáng kiến nhằm quản lý rác thải nhựa tốt hơn. Câu hỏi mấu chốt là làm thế nào và ai sẽ tài trợ cho việc này. Một số kêu gọi các nước giàu giúp đỡ những nước khó khăn nhất, một số khác lại không muốn chỉ đặt gánh nặng tài chánh lên các nước phát triển.
Mỹ Thông Qua Hợp Đồng Bán Vũ Khí Cho Đài Loan, Trung Quốc Sẽ Có "Biện Pháp Đối Phó Quyết Liệt"
(Hình AP - Marco Garcia: Tổng thống Đài Loan Lai Thanh Đức được người dân chào đón khi tới khu nghỉ dưỡng Kahala ở Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ, ngày 30/11/2024.)
-Hôm 1/12/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ phẫn nộ trước việc Hoa Kỳ vừa thông qua một hợp đồng bán thiết bị quân sự mới cho Đài Loan và Tổng thống Đài Loan được tiếp đón trọng thể tại Hawaii trong vòng công du nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương.
Thông tấn xã AFP trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 1/12 khẳng định sẽ "quyết liệt đối phó" trước việc Bộ Quốc phòng Mỹ vừa phê duyệt kế hoạch bán thiết bị quân sự cho Đài Loan, trị giá hợp đồng 385 triệu Mỹ kim. Theo thỏa thuận này Đài Loan được phép mua linh kiện cần thiết cho việc bảo trì máy bay tiêm kích F-16 và hệ thống radar mua của Mỹ.
Bắc Kinh xem hợp đồng vũ khí giữa Hoa Kỳ và Đài Loan là một "tín hiệu sai lệch" và kêu gọi Hoa Thịnh Ðốn "lập tức ngừng trang bị vũ khí cho Đài Loan, ngừng khuyến khích và ủng hộ các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, ngừng tăng cường khả năng quân sự (cho hòn đảo này) vì mục tiêu đó". Trung Quốc nhấn mạnh "sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ và quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ". Hãng tin Pháp nhắc lại, không chính thức thiết lập bang giao với Đài Bắc, nhưng Hoa Thịnh Ðốn là nguồn cung cấp vũ khí "lớn nhất" cho Đài Loan.
Trung Quốc phẫn nộ không chỉ vì hợp đồng quân sự vừa nêu, mà còn vì việc Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức được tiếp đón trọng thể tại Hawaii, trên lãnh thổ Mỹ nơi ông dừng lại hai đêm trên hành trình công du nhiều quốc đảo ở vùng Thái Bình Dương. Trong một thông cáo thứ nhì cùng ngày 1/12 Bộ Ngoại giao Trung Quốc "mạnh mẽ lên án việc tổ chức để ông Lại Thanh Đức dừng chân" trên lãnh thổ của của Hoa Kỳ. Thật vậy, hôm 30/11 tại Honolulu, thủ phủ Hawaii, thống đốc Jos Green và Giám đốc văn phòng đại diện của Mỹ tại Đài Bắc, bà Ingrid Larson (tương đương với Ðại sứ Hoa Kỳ tại Đài Bắc) đã tiếp đón trọng thể Tổng thống Lại Thanh Đức. Chủ tịch viện nghiên cứu American Institute tại Đài Bắc, bà Laura Rosenberger đánh giá "mối đối tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan vững như bàn thạch".
Lãnh đạo Đài Loan đã viếng thăm tượng đài tử sĩ USS Arizona, nơi các chiến binh trong trận đánh Trân Châu Cảng năm 1941 yên nghỉ. Tại đây ông Lại Thanh Đức nhắc lại "Hòa bình là vô giá và chiến tranh không bao giờ có bên thăng cuộc. Chúng ta cần sát cánh, tránh để chiến tranh nổ ra".
Trong một phát biểu khác, Tổng thống Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn nước Mỹ giúp ông thực hiện vòng công du các đảo quốc ở Thái Bình Dương. Ngoài Hawaii, Tổng thống Đài Loan sẽ dừng lại trên đảo Guam trên lộ trình đến thăm quần đảo Marshall, Tuvalu và Palau.
Hải Quân Miến Ðiện Nổ Súng Vào Tàu Đánh Cá Thái Lan, Bắt Giữ 31 Ngư Dân
(Ảnh AP, tư liệu: Một tàu đánh cá Thái Lan.)
-Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Thái Lan cho hay hôm thứ Bảy (30/11/2024), Hải quân Miến Ðiện đã nổ súng vào một nhóm tàu đánh cá Thái Lan, khiến 1 ngư dân chết đuối và bắt giữ 31 ngư dân của một trong những chiếc tàu đó.
Hai trong số 15 tàu đánh cá Thái Lan đã bị bắn, khi các tàu này hoạt động ở khoảng 4-5,7 hải lý (7,4-10,6 cây số) bên trong lãnh hải của Miến Ðiện, phát ngôn viên Thanatip Sawangsang cho biết trong một tuyên bố.
Ba ngư dân đã nhảy xuống nước trong sự việc, một trong số họ đã chết đuối, còn hai người kia được Hải quân Thái Lan cứu, ông Thanatip cho biết.
Một trong những chiếc tàu với 31 ngư dân đã bị Hải quân Miến Ðiện bắt giữ trong cuộc chạm trán, ông Thanatip cho biết, đồng thời nói thêm rằng Hải quân Thái Lan đang thương lượng để phía Miến Ðiện thả các ngư dân.
Chính quyền quân sự Miến Ðiện không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận qua điện thoại.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết cơ quan này cũng đang phối hợp với nhà chức trách Miến Ðiện để tìm cách thả các ngư dân này và đánh giá xem có bất kỳ hành vi vi phạm luật pháp quốc tế nào xảy ra hay không.
Sở thủy sản tỉnh Ranong ở miền Nam Thái Lan, nơi có chung đường biên giới trên biển với Miến Ðiện, đã kêu gọi các tàu đánh cá Thái Lan cẩn thận khi di chuyển gần ranh giới.
Những Bước Đột Phá Trong Phương Pháp Điều Trị Down, Parkinson và Alzheimer
-Báo Le Point có bài viết quan tâm đến những tiến bộ về phương pháp chữa trị hội chứng Down, Parkinson và Alzheimer.
Hãng dược phẩm Aelis Farma ở Bordeaux, đã thông báo về một bước tiến toàn cầu: thuốc thử nghiệm AEF0217 đã cho thấy tác dụng tích cực đối với các vấn đề nhận thức và hành vi liên quan đến hội chứng Down, sau cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 29 người trưởng thành (18-35 tuổi). Không có tác dụng phụ nguy hiểm nào được ghi nhận, và loại thuốc này đã giúp cho các bệnh nhân tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong giao tiếp và tương tác xã hội.
AEF0217 cũng cho thấy sự cải thiện về khả năng linh hoạt nhận thức, tức là khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Các phân tích cũng cho thấy não bộ được bớt gánh nặng đối với những việc cần đến trí nhớ.
Những thử nghiệm đã được tiến hành ở Tây Ban Nha, và Aelis Farma dự định mở rộng thử nghiệm vào năm 2025 với nhiều bệnh nhân hơn ở các quốc gia Âu Châu khác. AEF0217 tác động đến các thụ thể CB1, giúp điều hòa nhiều chức năng trong cơ thể như trí nhớ và tâm trạng mà không làm gián đoạn hoạt động bình thường của chúng.
Những người mắc hội chứng Down có thể không phải là những bệnh nhân duy nhất được hưởng lợi từ phương pháp điều trị mới này. Aelis Farma đã thu thập được số liệu cho thấy về tính hiệu quả của AEF0217 đối với rối loạn nhận thức hoặc các rối loạn liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như trong giai đoạn đầu của bệnh Alzheimer. Hãng dược phẩm hiện đang tiến hành các nghiên cứu tiền lâm sàng để xác định những tác dụng mới, chẳng hạn như đối với rối loạn nhận thức trong bệnh Parkinson hay tâm thần phân liệt.
Mỹ: Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump Chọn Tân Giám Đốc Cục Điều Tra Liên Bang
(Hình AP - Ross D. Franklin: Ông Kash Patel phát biểu trong cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump tại tiểu bang Arizona, Mỹ ngày 13/10/2024.)
-Hôm thứ Bảy (30/11/2024), Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã chọn Kash Patel, một người trung thành với ông, và cũng là người tích cực diệt trừ điều mà ông Trump gọi là "Nhà nước ngầm", để lãnh đạo Cục Điều tra Liên bang (FBI).
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) có nhiệm kỳ 10 năm. Như vậy, thông báo của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trên mạng xã hội Truth Social của ông hàm ý Giám đốc đương nhiệm của Cục Điều tra Liên bang, Christopher Wray, được bổ nhiệm hồi năm 2017, sẽ bị cắt chức hoặc phải từ chức mà không cần đợi đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ 10 năm.
Thông tấn xã AFP nhắc lại là dưới sự lãnh đạo của Christopher Wray, FBI đã trở thành mục tiêu bị các chính trị gia bảo thủ chỉ trích thô bạo vì FBI đã điều tra cựu Tổng thống Donald Trump. Bản thân ông Trump cũng không tiếc lời lên án Cục Điều tra Liên bang.
Về Kash Patel, người được chọn thay cho chức Giám đốc FBI của Christopher Wray, ông Donald Trump phát biểu: "Kash là một luật gia, nhà điều tra và chiến binh xuất sắc cho "Nước Mỹ là trên hết", người đã dành sự nghiệp của mình để vạch trần tham nhũng, bảo vệ công lý và bảo vệ nhân dân Mỹ". Ông Trump khen ngợi Kash Patel đã làm tốt công việc một cách khó tin trong nhiệm kỳ đầu ông làm Tổng thống (2017-2021). Kash Patel, xuất thân từ một gia đình di dân Ấn Độ, đã đảm nhiệm một số chức vụ quan trọng, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia và thậm chí là chánh văn phòng Ngũ Giác Đài.
Là người luôn trung thành với nhà tỉ phú, Kash Patel từng viết một cuốn sách về "Nhà nước ngầm", một học thuyết được phổ biến rộng rãi trong giới ủng hộ Donald Trump, theo đó các viên chức trong chính phủ Mỹ đang hoạt động trong bóng tối để chống lại ông Trump.
Một nhân vật khác mới được Tổng thống đắc cử bổ nhiệm: Charles Kushner, bố của Jared Kushner, con rể và cũng là cựu Cố vấn của Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ 1, được ông Trump chọn làm Ðại sứ Mỹ tại Pháp. Trên Truth Social, ông Trump ca ngợi Charles Kushner là một "lãnh đạo doanh nghiệp tài năng" và "một nhà thương lượng giỏi".
Điều không được Donald Trump nhắc đến: Charles Kushner từng bị giam 1 năm trong nhà tù liên bang vì tội gian lận thuế, giả mạo nhân chứng và đóng góp bất hợp pháp cho các chiến dịch bầu cử, nhưng đã được Trump ân xá vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ nhất. Đây là một "vết gợn" Tư pháp có thể đặt ra đối với việc bổ nhiệm một nhà ngoại giao Mỹ. Theo báo New York Times, Charles Kushner, 70 tuổi, là một trong những người đóng góp nhiều tiền nhất cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump.
Chỉ Riêng Hoa Kỳ, Huy Động 57 Triệu Mỹ Kim Trùng Tu Nhà Thờ Đức Bà Paris!
(Hình AP - Christophe Petit Tesson: Notre Dame de Paris sau 5 năm trùng tu "tỏa sáng trở lại".)
-Sau dân Pháp, người Mỹ là những nhà hảo tâm đóng góp nhiều nhất cho công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris. Chủ tịch Hiệp hội Friends of Notre Dame de Paris cho biết trong 5 năm vừa qua, hội đã quyên góp được 57 triệu Mỹ kim để lại được trông thấy Nhà Thờ Đức Bà Paris tỏa sáng, để lại được nghe tiếng chuông quen thuộc của Notre Dame de Paris.
Michel Picaud, Chủ tịch hội Friends of Notre Dame de Paris, cho biết năm 2019, hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy đã khiến công luận Hoa Kỳ bàng hoàng. 45.000 người đã liên lạc với hội, tặng những món tiền tối thiểu là 50 Mỹ kim. Hào phóng nhất là 2 quỹ Star Foundation và Marie Josee & Henry Kravis Foundation: Mỗi quỹ đã nhanh chóng giải ngân 10 triệu Mỹ kim vì "tình yêu dành cho Paris" và công trình cổ kính ra đời 600 năm trước Tháp Eiffel.
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong một lần đến thăm Paris đã dừng lại nơi có huyền thoại Chàng gù Nhà Thờ Đức Bà yêu thầm nàng Esmeralda. Ông mệnh danh Notre Dame de Paris là "một trong những kho tàng quý giá nhất của nhân loại". Giáo sư Meredith Cohen chuyên về nghệ thuật kiến trúc Thời Trung Cổ, thuộc Đại học California ghi nhận đối với người Mỹ, Nhà thờ Đức Bà Paris "là biểu tượng của lịch sử Âu Châu tiền hiện đại, là một thời kỳ không thể có được trên đất Mỹ". Bên cạnh đó, phải kể đến công lao của văn hào Victor Hugo. Nhờ ông mà Notre Dame de Paris nổi tiếng khắp thế giới, tựa như cuốn tiểu thuyết khác cũng của Victor Hugo, Những Kẻ Khốn Cùng – Les Misérables, đã quá thành công trên sân khấu ở Broadway mấy chục năm liên tiếp và qua phim ảnh.
Năm 1923, bộ phim câm Le Bossu de Notre Dame đã làm người Mỹ mê hoặc. Rồi năm 1956, khi nam diễn viên gạo cội Anthony Quinn nhập vai chàng gù Quasimodo, hay phim hoạt họa của Walt Disney năm 1996 để lại nơi người xem nhiều hình ảnh đẹp về Nhà Thờ Đức Bà Paris. Ngoài ra, còn phải kể đến một danh sách rất dài những bộ phim mà hình ảnh Notre Dame de Paris luôn ẩn hiện từ Charade đến Midnight in Paris hay Ratatouille....
Ngày 15/4/2019, khi Notre Dame de Paris bị thần hỏa đến thăm, tất cả các đài truyền hình lớn của Mỹ đã đảo lộn chương trình, lập tức gửi các phóng viên đến hiện trường. Michael Davis, chuyên gia về nghệ thuật gothic của Pháp kết luận: "Nếu như có một nhà thờ gothic mà hàng triệu người Mỹ đã tham quan, đó chắc chắn phải là Notre Dame de Paris".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét