Syria: Lực lượng nổi dậy tiếp tục tiến quân, tổng thống Assad tìm kiếm đồng minh hỗ trợ Sau khi chiếm được toàn bộ Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria, các lực lượng nổi dậy hôm nay, 02/12/2024, tiếp tục mở rộng chiến dịch tấn công ở tỉnh Idleb ở miền bắc và Hama ở miền trung. Tổng thống Syria Bachar al-Assad đang nỗ lực tìm kiếm hậu thuẫn của các đồng minh sau khi mất quyền kiểm soát Aleppo. Các cuộc giao tranh đã làm hơn 410 người thiệt mạng.
<!>
Đây là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra nội chiến ở Syria vào năm 2011, chính quyền Damas, một đồng minh của Iran và Nga, hoàn toàn mất quyền kiểm soát thành phố Aleppo ở miền bắc sau các cuộc tấn công của liên minh các lực lượng nổi dậy do các nhóm thánh chiến cầm đầu đầu. Theo thông tín viên RFI tại khu vực Paul Khalifeh, các lực lượng thánh chiến và nổi dậy đã gần như kiểm soát hoàn toàn tỉnh Idleb và hiện tiếp tục tiến quân ở phía nam tỉnh Aleppo. Tại đây, phiến quân đã chiếm một phi trường quân sự và một sân bay quốc tế.
Quân đội Syria và đồng minh Nga đã tăng cường tuyến phòng thủ tại Hama, ở miền trung. Tổng tư lệnh quân đội Syria hôm qua đã trực tiếp tới mặt trận trong vùng này và khẳng định quân chính phủ đã chặn được cuộc tấn công của lực lượng thánh chiến nổi dậy, đồng thời đã chiếm lại được một số vị trí.
Từ ngày Chủ nhật (01/12), không quân Nga đã tiến hành hàng chục cuộc không kích, cố ngăn chặn đà tiến của lực lượng thánh chiến và liên quân chống Damas. Quân đội Nga, có căn cứ không quân lớn tại tỉnh duyên hải Lattaquié, đang tích cực hỗ trợ quân đội Syria.
Hôm qua, tại Damas, tổng thống Syria đã tiếp ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ông Assad nhấn mạnh “sự hậu thuẫn của các đồng minh và bạn bè để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố được nước ngoài yểm trợ là vô cùng quan trọng”. Sau Damas, ngoại trưởng Iran tối qua đã tới Ankara để thảo luận với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ gặp tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Hôm qua, trong một thông cáo chung, Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi “giảm leo thang căng thẳng” tại Syria, đồng thời khẳng định cuộc xung đột càng cho thấy phải cấp tốc tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.
Tổ chức phi chính phủ Đài quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) cho biết các cuộc giao tranh bùng lên từ thứ Tư tuần trước đã làm hơn 410 người thiệt mạng, trong đó 214 người thuộc lực lượng nổi dậy, 137 người thuộc quân chính phủ và 61 thường dân. Sau vụ đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2011, Syria đã rơi vào nội chiến kéo dài gần chục năm làm gần nửa triệu người chết.
Thủ tướng Đức thăm Kiev, hứa viện trợ thêm 650 triệu euro cho Ukraina
Giữa lúc đang diễn ra chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn tại Đức, thủ tướng Olaf Scholz hôm nay, 02/12/2024 đã đến thăm Kiev và hứa một khoản viện trợ quân sự trị giá 650 triệu euro cho Ukraina.
Chuyến thăm bất ngờ của thủ tướng Đức, đồng minh chủ chốt của Kiev tại châu Âu, diễn ra trong lúc quân đội Ukraina đang gặp nhiều khó khăn trên mặt trận và đặc biệt là gần đến ngày ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ, với viễn cảnh nguồn viện trợ của Mỹ sẽ bị cắt.
Chuyến đi Kiev lần này của ông Olaf Scholz nhằm “bày tỏ tình đoàn kết” của chính phủ Đức với Ukraina, một ngày sau khi tân lãnh đạo ngoại giao của Liên Âu và tân chủ tịch Hội Đồng Châu Âu tới thăm Kiev. Ngay khi đến Kiev hôm nay, thủ tướng Olaf Scholz thông báo Đức sẽ viện trợ quân sự 650 triệu euro bổ sung cho Kiev. Khoản viện trợ này sẽ được giao ngay trong tháng này.
Từ đầu cuộc xâm lược của Nga tại Ukraina, Đức là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ 2 cho Kiev, chỉ sau Hoa Kỳ. Ông Olaf Scholz cam kết Đức “sẽ vẫn là nước hậu thuẫn chủ chốt cho Ukraina tại Châu Âu”.
Thế nhưng, mặc dù tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhiều lần đề nghị, thủ tướng Đức vẫn từ chối cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa Taurus để có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Đức cũng là một trong số các đồng minh cho rằng thủ tục để thâu nhận Ukraina vào NATO là quá sớm vào thời điểm này. Trong cuộc gặp các lãnh đạo Châu Âu hôm qua (01/12), tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraina cần thêm nhiều vũ khí và sự bảo đảm an ninh của NATO trước khi đàm phán với Nga, nếu đàm phán diễn ra.
Pháp: Đảng cực hữu dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của thủ tướng Barnier
Đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc (RN) hôm nay, 02/12/2024, tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu chính phủ Barnier không điều chỉnh dự luật An sinh xã hội PLFSS và nếu chính phủ sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Hạ Viện.
Dự thảo luật PLFSS sẽ được đưa ra thảo luận lần cuối tại Hạ Viện kể từ 15 giờ chiều hôm nay. Vì không có đa số quá bán tại Hạ Viện, chính phủ của thủ tướng Michel Barnier có thể sử dụng điều 49.3 để luật được thông qua. Sáng hôm nay, chủ tịch đảng RN, Jordan Bardella, khẳng định đảng này sẽ vẫn bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, « trừ khi có phép lạ vào phút cuối, tức là ông Barnier xét lại dự thảo trước 15 giờ ».
Việc đảng cực hữu RN cùng các đồng minh, với hơn 140 ghế tại Hạ Viện, quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm chắc chắn sẽ khiến chính phủ bị đổ, bởi liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới, với gần 200 ghế dân biểu, cho biết sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua với đa số quá bán, tương đương 289 dân biểu, đây sẽ là lần đầu tiên tại Pháp kể từ năm 1962, một chính phủ bị các dân biểu lật đổ.
Theo AFP, cũng có khả năng dự thảo luật PLFSS không được Hạ Viện thông qua, nếu đa số dân biểu bỏ phiếu thuận cho một kiến nghị bác bỏ mà đảng Xã Hội dự định sẽ đưa ra trước phiên họp 15 giờ chiều này. Dân biểu đảng Xã Hội Jérôme Guedj ủng hộ giải pháp này, vì như vậy các bên sẽ có thể thương lượng lại dự luật. Về triển vọng này, trên BFMVV/RMC, phó chủ tịch đảng RN Sébastien Chenu cảnh báo : « Trên thực tế, chính phủ Barnier cũng chỉ kéo dài thêm hai tuần. Và mọi chuyện rốt cuộc sẽ phải kết thúc với điều 49.3 ».
Cuối tuần qua, bộ trưởng Tài Chính Công Laurent Saint-Martien cho biết không thể điều chỉnh dự thảo luật về An sinh xã hội, đã được ủy ban hỗn hợp Hạ Viện và Thượng Viện thông qua, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 6,1% 2024 xuống còn 5% vào năm tới.
Người phát ngôn của chính phủ Maud Bregeon, trên CNews hôm nay, cảnh báo : Nếu các đảng đối lập quyết định lật đổ chính phủ, « nước Pháp phải mất nhiều tháng, thậm chí phải nhiều năm mới gượng dậy được ». Bộ trưởng Kinh Tế Antoine Armand cũng nhấn mạnh « bất ổn chính trị khiến nước Pháp rơi vào bất ổn về cả kinh tế và tài chính »
Phiên tòa lịch sử về khí hậu: Gần 100 nước và 12 tổ chức tham gia
Có công lý cho khí hậu hay không ? Những nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm tổn hại đến khí hậu Trái đất có bị trừng phạt về tài chính hay không ? Trong phiên tòa mở ra hôm nay 02/12/2024, tại La Haye, Hà Lan,Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ), sẽ phải đưa ra phán quyết về vấn đề này.
Tổng cộng 98 quốc gia và 12 tổ chức tham gia phiên tòa kéo dài đến ngày 13/12, một con số đông chưa từng có, theo AFP.
Vanuatu, tiểu quốc đảo ở Thái Bình Dương, có nguy cơ bị nước biển dâng cao nhấn chìm, do khí hậu trái đất nóng lên, là nước đi đầu trong sáng kiến đưa vấn đề ra trước cơ quan pháp lý cao nhất của Liên Hiệp Quốc. Đặc phái viên Stéphanie Maupas tường trình từ La Haye :
“Thay những hứa hẹn chính trị bằng các nghĩa vụ pháp lý là thách thức chủ yếu của phiên tòa này. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, thuộc nhóm “các nước phương Nam”, hy vọng một phán quyết như vậy sẽ giúp củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán tương lai.
Một phán quyết giúp tái cân bằng tương quan lực lượng. Đây là điều mà đặc phái viên của Vanuatu về biến đổi khí hậu Ralph Regenvanu nhấn mạnh: “Chúng ta cần đến một hành động khí hậu mạnh mẽ hơn, chúng ta phải cắt giảm khí thải, các quốc gia có nhu cầu nhất phải được cung cấp tài chính cho khí hậu. Đây là toàn bộ những điều mà tất cả các nước đã đồng ý ở Paris, với Hiệp định Paris. Đây không phải là điều gì mới mẻ. Các nước đã chấp thuận nhưng lại không thực thi. Vì vậy, chúng tôi cần Tòa án quốc tế khẳng định về mặt pháp lý, các vị có nghĩa vụ thực thi việc này và điều đó sẽ giúp chúng tôi trong các cuộc đàm phán.”
Họ hy vọng rằng một phán quyết như vậy có thể thay đổi cán cân quyền lực, mang lại vũ khí cho các thẩm phán trên khắp thế giới trong việc xét xử các vụ kiện về khí hậu, và yêu cầu những bên gây ô nhiễm phải trả tiền, nếu họ từ chối thực thi các cam kết.
Ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế không mang tính cưỡng chế, nhưng các nước công nghiệp hóa nhất đều hiểu rõ vấn đề. Các luật sư của Bắc Kinh, Washington và Ryiad, cũng như của liên minh các quốc gia dầu mỏ OPEC rõ ràng có ý định bảo vệ lợi ích của họ trước các thẩm phán. »
Phiên tòa tại La Haye diễn ra ít ngày sau hội nghị khí hậu COP29 tại Azerbaidjan kết thúc với thỏa thuận « ít nhất 300 tỉ đô la/năm từ đến 2035 » cho tài chính khí hậu. Các nước nghèo nhất, cũng là các nước có nguy cơ tổn thất nhiều nhất do biến đổi khí hậu, đã cực lực lên án các nước giàu về khoản tiền quá ít so với dự kiến ban đầu là hơn 1.000 tỉ đô la/năm, theo thẩm định của chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Thỏa thuận của COP29 cũng bị chỉ trích vì không khẳng định mục tiêu hướng tới từ bỏ năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính khiến Trái đất bị hâm nóng. Lượng khí thải tiếp tục phá kỉ lục bất chấp các cam kết cắt giảm mạnh, theo báo cáo của các nhà khoa học thuộc Global Carbon Project, được công bố tại COP29.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét