Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI : 30/12/2024 - Loan My


UNICEF : 2024 là "một năm bi thảm" với trẻ em sống tại các vùng xung đột
Theo báo cáo của Unicef công bố hôm qua, 28/12/2024, hơn 473 triệu trẻ em, tức có đến hơn một phần 6 trẻ em trên thế giới, sống trong vùng xung đột. Tỷ lệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1990. Tại Gaza, trung bình cứ 10 phút, một em nhỏ bị giết, hoặc bị thương. Trả lời RFI, tổng giám đốc UNICEF, Ann Avril, cho biết hơn 14.000 trẻ em bị giết riêng tại dải Gaza từ ngày 07/10/2023. Một phần tư trong số người bị thương là trẻ em, tức gần 25.000 em nhỏ.
<!>
Trẻ em sống ở các vùng xung đột đặc biệt dễ bị tổn thương. Báo cáo của UNICEF nêu chi tiết những hậu quả đối với trẻ em, như việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế bị cản trở, trẻ bị suy dinh dưỡng, phải bỏ học… Tổng cộng hơn 52 triệu em đã phải nghỉ học. Ví dụ như trẻ em tại Sudan hay dải Gaza hoàn toàn không được đến trường. Trường học nhiều nơi bị phá hủy, khiến rất đông trẻ em bị thiếu phương tiện học tập.

Càng bị suy dinh dưỡng, trẻ em càng dễ mắc các bệnh, như sởi. Khoảng 40% trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột. Báo cáo của UNICEF ghi nhận tình trạng trầm cảm, gặp ác mộng, rối loạn giấc ngủ, sức khỏe tinh thần của trẻ em bị ảnh hưởng do tiếp xúc với bạo lực.

Bạo lực khiến 47 triệu người phải di dời cuối tính đến cuối năm 2023. Năm nay, việc gia tăng xung đột đã khiến tình trạng sơ tán, tị nạn gia tăng, đặc biệt là ở Haiti và Sudan.

Máy bay chở khách Hàn Quốc gặp nạn: Hơn 170 người chết


Tai nạn xảy ra khoảng hơn 9 giờ, giờ địa phương hôm nay, 29/12/2024, tại sân bay Muan, cách Seoul khoảng 300 cây số về phía tây nam. Chiếc phi cơ Boeing 737-800 của hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc Jeju Air, chở 181 người, đã bốc cháy sau khi buộc phải hạ cánh khẩn cấp.

Thông tín viên Camille Ruiz tường trình từ Seoul :

« Theo chính quyền, máy bay đã cố gắng hạ cánh lần đầu tiên vào lúc 9 giờ sáng. Tuy nhiên, dường như bộ phận càng máy bay bị trục trặc khiến nỗ lực đầu tiên bất thành.

Các phi công đã buộc phải chọn cách hạ cánh khẩn cấp. Trong lần thử tiếp đất thứ hai, máy bay đã rời khỏi đường băng với tốc độ rất cao và đâm thẳng vào một bức tường bao sân bay, khiến máy bay bốc cháy.

Phi cơ nói trên trở về từ Bangkok. Hành khách và phi hành đoàn gồm tổng cộng 181 người. Đa số là người Hàn Quốc và có hai là người Thái Lan.

Quyền tổng thống Hàn Quốc, vừa nhậm chức cách nay hai hôm, đã yêu cầu chính quyền triển khai mọi biện pháp cần thiết để cứu nạn. Tổng cộng gần 180 binh sĩ, nhiều xe cứu hỏa và xe cấp cứu đã được điều đến đây. Khoảng 10 giờ, đám cháy đã được dập tắt.

Một cuộc điều tra được mở ra để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn. Theo chính quyền, hai phụ nữ có thể đã được cứu sống. Hiện tại, họ đã được chuyển đến bệnh viện. »

Đây là tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử Hàn Quốc, không kể vụ không quân Liên Xô bắn rơi một máy bay chở khách Hàn Quốc năm 1983 trên biển Nhật Bản, khiến 246 hành khách và 23 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Tổng thống Azerbaijan cáo buộc Nga cố gắng che giấu nguyên nhân gây ra thảm kịch máy bay


Hôm nay, 29/12/2024, tổng thống Ilham Aliyev đã cáo buộc Matxcơva “rõ ràng muốn che giấu” nguyên nhân vụ tai nạn máy bay của hãng Azerbaijan Airlines và kêu gọi phía Nga “nhận tội, xin lỗi và thông báo cho công chúng về việc này”. Tuyên bố được ông Aliyev đưa ra trong bối cảnh người đồng cấp Nga Vladimir Putin, chiều 28/12, đã gửi lời xin lỗi và chia buồn về vụ cháy máy bay nhưng không xác nhận liệu vụ tai nạn có phải do tên lửa Nga gây ra hay không.

Theo Điện Kremlin, ông Putin đã gửi lời xin lỗi và chia buồn tới tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev "vì sự kiện bi thảm này xảy ra trong không phận Nga". Tổng thống Nga cũng đồng thời nói thêm rằng khi đó "các thành phố Grozny, Mozdok và Vladikavkaz đang bị các drone của Ukraina tấn công, và các hệ thống phòng không của Nga đã đẩy lùi các cuộc tấn công này", nhưng không đưa ra thêm chi tiết. Còn tổng thống Azerbaijan nhấn mạnh rằng "các lỗ hổng trên thân máy bay, các vết thương mà hành khách và phi hành đoàn phải chịu, (...) cũng như lời khai của các tiếp viên hàng không và hành khách sống sót đều là bằng chứng cho thấy có sự can thiệp từ bên ngoài".

Tổng thống Ukraina lên án Nga, Liên Âu kêu gọi khẩn trương điều tra
Về phía Kiev, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã trực tiếp cáo buộc vai trò của Matxcơva trong vụ lần này. Thông tín viên RFI Emmanuelle Chaze tại Kiev cho biết :

"Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã gửi lời chia buồn tới người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và nhấn mạnh cần phải tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines. Ông cho biết, các hình ảnh và video về vụ việc cho thấy rõ là do một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga gây ra. Đúng là lúc đó hệ thống phòng không của Nga đang hoạt động tại Grozny, Chechnya, nơi máy bay cố gắng hạ cánh. Thành phố này đã bị các drone tầm xa của Ukraina tấn công trong những tuần gần đây.

Nếu vụ tấn công này được xác nhận, đây có lẽ không phải là lần đầu tiên một tên lửa của Nga bắn trúng máy bay dân sự. Ngày 17/07/2014, 298 người trên chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã thiệt mạng khi một tên lửa địa đối không của Nga bắn trúng máy bay này. Chiếc máy bay đã rơi xuống khu vực Donetsk do lực lượng ly khai Ukraina kiểm soát, và một cuộc điều tra quốc tế sau đó đã xác nhận vai trò của Nga trong vụ việc.

Nếu những gì mà Kiev, Washington và Baku nghi ngờ là đúng, tức là vụ tai nạn mới này là do tên lửa của Nga gây ra, Matxcơva sẽ phải chịu trách nhiệm về một tội ác mới vi phạm các công ước quốc tế".

Cũng trong ngày 28/12, Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế "nhanh chóng và độc lập" về vụ tai nạn này. Bruxelles nhấn mạnh rằng thông tin cho thấy vụ tai nạn có thể do tên lửa Nga, nhắc đến vụ "tai nạn thảm khốc" của chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines, từng bị một tên lửa của lực lượng ly khai thân Nga bắn hạ trên bầu trời Ukraina vào năm 2014.

Người tù chung thân gặp dân biểu: Hé mở hy vọng hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurdistan


Nhà sáng lập tổ chức tranh đấu vũ trang của người Kurdistan, Abdullah Öcalan, 74 tuổi, bị cầm tù từ một phần tư thế kỷ, vừa có cuộc gặp hai dân biểu Thổ Nhĩ Kỳ, hôm qua, 28/12/2024, trong nhà tù. Hôm nay, 29/12, ông Öcalan khẳng định « kiên quyết » tham gia vào tiến trình hòa bình và nhấn mạnh việc xích lại với nhau là « trách nhiệm lịch sử » của người Thổ và người Kurdistan.

Theo AFP, hai dân biểu vào nhà tù gặp Ocalan hôm qua thuộc đảng cánh tả DEM (đảng vì bình đẳng giữa các dân tộc và nền dân chủ), thân người Kurdistan, chiếm khoảng 10% số ghế tại Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc gặp được tổ chức sau khi liên minh cầm quyền của tổng thống Erdogan mời người tù chung thân Abdullah Öcalan ra phát biểu trước Quốc Hội, tuyên bố chấm dứt các hoạt động « khủng bố », giải tán PKK.

Đây là lần đầu tiên kể từ 10 năm nay (tức từ tháng 4/2015), đảng DEM, được coi là kế tục đảng HDP, được phép tiếp xúc với nhà sáng lập PKK. Năm 2015 cũng là năm mà đối thoại giữa PKK và chính quyền Thổ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình thất bại, xung đột tiếp diễn đặc biệt tại vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đa số dân là người Kurdistan. Ocalan từng nhiều năm thúc đẩy các đàm phán giữa người Kurdistan và Ankara.

Sau cuộc gặp, đảng DEM ra một thông cáo khẳng định nhà sáng lập PKK tuyên bố ủng hộ sáng kiến của liên minh cầm quyền. Người tù Abdullah Öcalan tuyên bố : « Củng cố tình huynh đệ Thổ Nhĩ Kỳ - Kurdistan không chỉ là trách nhiệm lịch sử, mà còn là mục tiêu khẩn cấp đối với tất cả các bên ». Theo đồng chủ tịch đảng DEM, Tuncer Bakirhan, tuyên bố của người tù chung thân đã « mở ra một cơ hội lịch sử cho phép xây dựng một tương lai chung ».

Người Kurdistan, với tổng số khoảng 60 triệu, cư trú chủ yếu tại bốn quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Irak và Iran. Người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có nhiều liên hệ mật thiết. Phong trào vũ trang của đảng PKK (đảng Lao động Kurdistan), tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ giữa những năm 1980, là đối thủ không đội trời chung của Ankara. Cuộc nổi dậy vũ trang và các đàn áp khiến hàng chục nghìn người chết. Các lực lượng người Kurdistan tại Syria và Irak bị Ankara tấn công. PKK bị Mỹ, Liên Âu và Anh xếp vào danh sách tổ chức khủng bố.

Chính quyền Erdogan cũng coi lực lượng Kurdisan FDS (Các lực lượng Dân chủ Syria) hiện tại ở Syria, đối tác hàng đầu của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống Thánh Chiến tại khu vực, là bàn tay nối dài của PKK. Theo nhiều nhà quan sát, việc chế độ độc tài Assad ở Syria bị lật đổ để ngỏ viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp sâu hơn vào Syria, chống lại người Kurdistan.

Theo AFP, trước khi các lực lượng nổi dậy Hồi giáo lật đổ chế độ Assad, các phe phái chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu với PKK.

Không có nhận xét nào: