Thông Báo: Dời Ngày Tổ Chức!
-Tiệc “50 Năm Tình Huynh Đệ Chi Binh” ngày 2 tháng 1 năm 2025, tại Nhà hàng Cao Nguyên, xin đươc dời ngày tổ chức! Vì lý do vào ngày lễ, nhiều nhân viên nghỉ lễ, không đủ để đảm trách một bữa tiệc, bất ngờ tăng nhiều bàn như thế. Nếu tổ chức, sẽ có nhiều thiếu sót. Nên BTC quyết định dời vào ngày khác thuận tiện hơn (có thể vào Tết Ta) BTC Chân thành cáo lỗi, vì sự bất tiện này. Xin được Kính Báo.
<!>
Ủy Ban Thúc Đẩy Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ Thông Báo
Kính mời Quý Cựu Quân, Quý Đồng Hương, sau khi tham dự 2 lễ Thượng Kỳ đầu năm Dương Lịch 2025, tại Vườn Truyền Thống Việt.
-Một vào ngày: Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025
Giờ: 9:00 Sáng
Địa điểm: Vườn Truyền Thống Việt (1499 Roberts Ave, San Jose, CA 95112)
Do Cộng Đồng Việt Mỹ Bắt California thực hiện
-Hai vào ngày: Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2025
Giờ: 10:00 Sáng
Địa điểm: Vườn Truyền Thống Việt (1499 Roberts Ave, San Jose, CA 95112)
Do Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức/QLVNCH thực hiện
Xin dành chút thời giờ, bước qua tượng đài, thắp một nén nhang, tưởng nhớ đến hàng trăm ngàn Chiến Sĩ VNCH đã nằm xuống, “vì dân mà chiến đấu, vì nước mà hy sinh!” bảo vệ miền Nam tự đo trên 20 năm.
-Năm 2024, trên 10 năm đeo đuổi, thúc đẩy dự án, chúng ta mới có một tượng đài ý nghĩa, nơi thành phố có đông người Việt cư ngụ nhất hải ngoại này.
-Năm mới 2025, đánh dấu 50 năm (1975-2025) nửa thế kỷ, người Việt tị nạn CS, lại thêm một cái Tết Tây tha hương! vì kẻ ác vẫn còn thống trị.
-Đây là thời điểm đáng nhớ, đen tối, đã thay đổi vận mệnh của đất nước, của tất cả chúng ta.
Thắp nén hương trong giây phút đặc biệt này, là một nghĩa cử ý nghĩa nhất, trong những giây phút thiêng liêng đầu năm mới 2025.
Trân Trọng Kính Mời.
-UB có thiết lập bàn thờ trang trọng.
-Chưa kể sau khi thắp hương, Quý vị sẽ được thành viên của UB, kính tặng một bao lì xì, chút quà Xuân, như chút “lộc” lấy hên cho đầu Năm Mới!
Đầu Năm thắp một nén hương tưởng niệm, 50 năm (1975-2025) người Việt Tị Nạn lại thêm một mùa Xuân xa xứ, nhưng vẫn mãi nhớ ơn người Lính Cộng Hòa đã nằm xuống!
-Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày Miền Nam Tự Do mất vào tay Cộng Sản Quốc Tế, trong khi các chính trị gia và nhà lãnh đạo, từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, cho đến Tổng Thống Dương Văn Minh và Đại Tướng Cao Văn Viên, không nhiều thì ít, đều bị người dân miền Nam và dư luận quốc tế coi là những kẻ phải chịu trách nhiệm, làm sụp đổ chính quyền miền Nam và quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng phải nói rằng, có rất ít người hay dư luận quốc tế, đổ cái lỗi đó cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù ai cũng thấy quân đội này bỗng dưng không đánh mà tan! cứ rút lui hoài từ Cao Nguyên Trung Phần xuống tới duyên hải Vùng I và Vùng II Chiến Thuật, và sau cùng là Vùng III, để rồi lại bỏ luôn thủ đô Sài Gòn, mặc dù Vùng IV vẫn còn nguyên vẹn trước ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Người lính Cộng Hòa không làm mất nước
Rõ ràng là các chiến sĩ Cộng Hòa, vị thần hộ mạng của dân chúng Miền Nam Tự Do, không thể nào bị coi là làm cho phần đất dân chủ, tự do ở phương Nam phải mất vào tay chế độ Cộng Sản độc tài, sau hai thập niên anh dũng chiến đấu, đổ ra biết bao nhiêu là xương máu trong cuộc chiến tranh tự vệ chống lại kẻ thù xâm lược từ miền Bắc tiến xuống.
Lịch sử cho thấy số phận của phần lớn các quốc gia nhược tiểu tại Á Châu, Trung Đông, Phi Châu, Trung và Nam Mỹ sau Đệ Nhị Thế Chiến – đặc biệt là những nước vừa ra khỏi thời thuộc địa – không phải do chính các dân tộc đó định đoạt, mà nằm trong tay các cường quốc ở hai bên bờ chiến tuyến thù địch nhau trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, khởi đầu từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho tới khi Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu tan rã hồi năm 1991.
Vậy thì, chuyện miền Nam Việt Nam bị mất vào tay Cộng Sản hồi năm 1975, không thể nào chỉ đơn giản là do các chính trị gia hoặc quân đội tại miền Nam Việt Nam gây ra, nếu không nói là do các cường quốc bên ngoài quyết định, bên thắng cuộc hay bên thua cuộc gì cũng thế. Nói như vậy để thấy rằng rõ ràng là người lính Cộng Hòa không hề làm mất nước, cho dù là vào tay Cộng Sản Việt Nam hay Cộng Sản Trung Hoa cũng thế.
Người chiến sĩ Cộng Hòa có thừa dũng khí
Các tài liệu lịch sử cho thấy Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Cộng Sản Bắc Việt) được thành lập hồi năm 1944, tức là cách nay 78 năm, trong khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà tiền thân là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, ra đời năm 1950, tức là chỉ một năm sau ngày Quốc Gia Việt Nam được thành lập, khi thực dân Pháp đồng ý trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương thuộc Pháp, là Việt, Cambodia và Lào.
So với Quân Đội Cộng Sản tại Bắc Việt, Quân Đội Cộng Hòa tại miền Nam vừa non trẻ hơn vừa không có mấy kinh nghiệm chiến trường như Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt, kẻ từng thành công cướp chính quyền từ tay Vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim hồi năm 1945. Sau đó, quân đội này đã đánh thắng quân Pháp tại một số mặt trận tại miền trung du và biên giới ở Bắc Việt, rồi lên cao điểm là chiến thắng các lực lượng Liên Hiệp Pháp tại Điện Biên Phủ hồi Tháng Năm, 1954, dẫn đến Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước Việt Nam, mặc dù mới đây, Cộng Sản Trung Hoa tiết lộ họ đã đưa hàng trăm ngàn chí nguyện quân và vô số võ khí sang giúp Việt Nam trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
Những cuộc chạm trán đầu tiên giữa Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1965 cho thấy phía quân đội miền Nam lúc bấy giờ (chỉ được trang bị bằng súng trường Garand M1 và Carbine M1) không thể sánh được với quân đội miền Bắc (được võ trang bằng tiểu liên AK-47), tiêu biểu là trong các trận đánh lớn tại Ấp Bắc (Tháng Giêng, 1962), Bình Giả (Tháng Mười Hai, 1964), Đồng Xoài (Tháng Sáu, 1965), và Ba Gia (Tháng Bảy, 1965).
Trong những năm từ 1966 cho đến 1968 (năm diễn ra trận Tết Mậu Thân), Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khởi sự hùng mạnh lên nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các cuộc hành quân hỗn hợp với các lực lượng Hoa Kỳ – đã đổ bộ vào miền Nam Việt Nam từ Tháng Ba, 1965, để trực tiếp tham gia các trận bộ chiến với quân Cộng Sản tại miền Nam và oanh tạc các căn cứ của Cộng Sản tại miền Bắc.
Kể từ cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 trở đi, nhờ người lính Việt Nam Cộng Hòa thuộc các quân, binh chủng (kể luôn cả Địa Phương Quân và Nghĩa Quân) đều được trang bị bằng súng liên thanh M-16, trọng pháo 155 ly, chiến xa M-141 và M-148, hỏa tiễn chống chiến xa M.72, cùng các phản lực cơ B-57 Canberra và F-5 Freedom Fighter.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dần dà mạnh hẳn lên và đánh thắng quân Cộng Sản trong nhiều trận chiến lớn như tại mặt trận ngoại biên ở Cambodia (năm 1970-1971), trận Quảng Trị (năm 1972), trận An Lộc (năm 1972), trận Tống Lê Chân (năm 1973), trận Thường Đức (năm 1974), trận Xuân Lộc (năm 1975)…
Trong mọi trận chiến và trong mọi hoàn cảnh, dù rất nặng nợ gia đình và triệt để tôn trọng tính mạng và tài sản của thường dân, người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thường là những chiến binh dũng cảm, thiện chiến và có tinh thần kỷ luật cao, bất kể họ thuộc các lực lượng tổng trừ bị (như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân) hoặc các đơn vị bộ binh (như Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 18…), hoặc họ là các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân cũng thế, tiêu biểu là trong trận Dak Seang hồi Tháng Tư, 1970.
Nước mất, nhà tan, người chiến sĩ Cộng Hòa lấy cái chết để tạ lỗi cùng quốc dân
Trong và sau ngày 30 Tháng Tư , 1975, các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, như Nguyễn Khoa Nam (tư lệnh Quân Đoàn IV), Lê Văn Hưng (tư lệnh phó Quân Đoàn IV), Lê Nguyên Vỹ (tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh), Trần Văn Hai (tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh), và Phạm Văn Phú (tư lệnh Quân Đoàn II) cùng với Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long đã tự sát để tạ lỗi cùng quốc dân, mặc dù họ không trực tiếp chịu trách nhiệm về việc Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào tay quân Cộng Sản.
Tại Vùng IV Chiến Thuật, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Lê Phó đã không chịu đầu hàng và tiếp tục chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng để rồi bị Cộng Sản đem ra xử bắn.
Cũng trong và sau cái ngày định mệnh đó của đất nước, một số sĩ quan trung cấp cùng với nhiều binh sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Cảnh Sát Quốc Gia cũng đã tự sát để bảo toàn danh dự người chiến sĩ Quốc Gia, và họ được coi là những người anh hùng không tên tuổi, luôn can đảm và tận tình giúp nước.
“Gặp thời thế, thế thời phải thế”…
2025, nửa thế kỷ đã trôi qua. Thời gian tuy dài nhưng không bao giờ người Việt Quốc Gia đang lưu lạc trên khắp thế giới có thể quên được cái ngày định mệnh của dân tộc, theo đó phần lỗi để xảy ra cái ngày đó chắc chắn không phải là vì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu bổn phận và trách nhiệm với đất nước mà ra.
Khi tác giả Trần Lý, trong một bài viết trên trang mạng Dòng Sông Cũ (ngày 16 Tháng Ba, 2021), cho rằng “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn súng nhưng… hết đạn!” thì phải hiểu rằng quân đội đó thua trận không phải vì họ không chịu chiến đấu – khi so sánh với quân và dân Ukraine ngày nay. Nhưng là vì người bạn đồng minh chính yếu của họ (một cường quốc) đã thôi không cung cấp võ khí và tiền bạc để cho một nước nhược tiểu như họ có thể tiếp tục chiến đấu, trong khi đối phương vẫn nhận được đầy đủ sự yểm trợ cả về nhân lực lẫn vật lực để đạt được thắng lợi sau cùng trong cuộc chiến tranh giành độc quyền cai trị đất nước Việt Nam, núp dưới chiêu bài đẹp đẽ,cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc.”
Câu nói “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” của danh sĩ Ngô Thời Nhiệm thời Tây Sơn có lẽ ứng với vận nước của miền Nam Việt Nam, khi Hoa Kỳ nhất quyết đem thí mạng Việt Nam Cộng Hòa để đổi lấy thị trường đông hơn một tỉ người của Cộng Sản Trung Hoa.
Thế nhưng, lợi đâu chưa kịp thấy, chỉ chừng mấy mươi năm sau, cuộc giao thương là Trung Quốc đã “phất lên” và trở thành mối đại họa cho nhân loại ngày nay, khiến Hoa Kỳ chỉ biết vừa giả điếc, làm ngơ trước những hành động hung hăng của Bắc Kinh đối với các lân quốc, vừa năn nỉ ỉ ôi Hà Nội, để mong sao Cộng Sản Việt Nam rời bỏ đàn anh Trung Quốc, mà về phe với mình, đặng hợp lực ngăn chặn mộng độc chiếm Biển Đông và bá chủ hoàn cầu của Trung Nam Hải.
Thay lời kết
Dù ánh sáng vẫn chưa thấy, le lói cuối đường hầm! “ngày về quê xa lắc lê thê!” (mà phải được hiểu là ngày chế độ Cộng Sản không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam nữa) chỉ vì thế giới đã “trót nghe theo lời u mê” – phát ra từ guồng máy tuyên truyền của phe Cộng Sản rằng, chính nhân dân miền Nam đã nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, đặng thoát khỏi sự kềm kẹp của “bọn Mỹ-Diệm” và “bọn Mỹ-Thiệu” – để rồi những kẻ phản chiến tại Hoa Kỳ và Âu Châu cùng hùa nhau mà “đánh hội đồng” chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi Sài Gòn sụp đổ vào tay Cộng Sản hồi Tháng Tư, 1975.
Đau xót quá cho cả một vận mệnh đất nước nói chung và Quân Lực VNCH nói riêng!
Ngày đầu năm, xin thắp một nén nhang tưởng nhớ!
Lời Chúc Đầu Năm Mới 2025
-Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta cùng nhau tạm biệt năm cũ 2024, hân hoan đón chào năm mới 2025! Với niềm hy vọng, mơ ước mong rằng năm nay, đến với tất cả Quý Vị và Gia Đình, sẽ là một năm của thành công, sức khỏe, hạnh phúc và những giấc mơ trọn vẹn! mọi điều tốt đẹp như ý!
Đặc biệt năm nay, Người Việt Tị Nạn Cộng Sản, đánh dấu 50 năm, lại ăn cái Tết xa xứ! (1975-2025), Trong giây phút thiêng liêng của Ngày Đầu Năm, chúng ta cùng nguyện cầu, cùng nhau đấu tranh, để Quê Hương, chóng có Tự Do Dân Chủ!
Vài Tin Đón Mừng Năm Mới 2025
Dự báo thế giới 2025: Vài sự kiện đáng được mong chờ trong năm 2025!
-Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm đầy biến động, với những thay đổi sâu sa trong chính trị toàn cầu, văn hóa và thể thao, mở ra những thách thức và cơ hội mới. Theo bình chọn từ hãng tin AFP, dưới đây là vài sự kiện nổi bật không thể bỏ qua trong năm sau.
Nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cầm quyền trong nhiệm kỳ 2016-2020, đã có màn trở lại đầy ấn tượng với chiến thắng thuyết phục trong trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 5/11. Ngay sau chiến thắng của mình, ông Trump đã bắt đầu đề cử một số nhân vật chủ chốt cho các vị trí quan trọng trong nội các, trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1.
(Ông Donald Trump.)
Danh sách nội các tương lai gồm có ông Robert F. Kennedy Jr., một nhà hoạt động nổi bật với quan điểm hoài nghi về vaccine, được chỉ định làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HSS). Bên cạnh đó, tỷ phú Elon Musk sẽ đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) được thành lập mới, với nhiệm vụ đảm bảo hoạt động chính phủ đạt hiệu quả tối ưu trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump.
Với chiến thắng lần này, ông Trump sẽ trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất trong lịch sử vào cuối nhiệm kỳ 4 năm của mình.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Năm 2025 có thể là năm quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trung Quốc, quốc gia chiếm tới 30% lượng khí thải toàn cầu, sẽ chỉ có lượng khí thải carbon dioxide từ nhiên liệu hóa thạch tăng nhẹ trong năm 2025.
Tuy nhiên, mối lo về ô nhiễm carbon vẫn tiếp tục, do đây là nguyên nhân chính gây ra những hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng nguy hiểm. Theo chuyên gia Glen Peters từ Dự án Carbon Toàn cầu, tổng lượng CO2 thải ra từ việc đốt than, dầu và khí đốt trên toàn thế giới có thể đạt đỉnh trong vài năm tới, đòi hỏi các quốc gia phải duy trì nỗ lực giảm thiểu tác động và hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.
(Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại New Delhi, Ấn Độ.)
“Cơn sốt” bóng đá toàn cầu
Năm 2025 sẽ chứng kiến lịch thi đấu bóng đá dày đặc hơn bao giờ hết, với các giải đấu quốc tế lớn như FIFA Club World Cup mở rộng, Champions League kéo dài và đặc biệt là World Cup 2026 với số lượng đội tham gia tăng lên.
Ngoài ra, những tranh cãi xung quanh công nghệ VAR hứa hẹn sẽ là chủ đề gây tranh luận sôi nổi trong cộng đồng thể thao.
(Ảnh: Internet)
Lễ hội Kumbh Mela tại Ấn Độ
Lễ hội Kumbh Mela - một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới - sẽ được tổ chức tại Ấn Độ vào đầu năm 2025, dự kiến thu hút hàng chục triệu tín đồ hành hương tham gia các nghi lễ tắm rửa thiêng liêng tại các sông Ganges và Yamuna. Lễ hội sẽ diễn ra tại thành phố Prayagraj ở phía Bắc. Lần cuối cùng lễ hội diễn ra ở đây là vào năm 2013, thu hút 120 triệu người.
Diễn ra 3 năm/lần, sự kiện này không chỉ là biểu tượng của tín ngưỡng Hindu mà còn là một trong những sự kiện văn hóa hoành tráng nhất trên thế giới, được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể.
Ít khi nào dân Mỹ trông chờ, tin tưởng một tương lai tươi sáng vào năm mới, 2025, hơn là năm cũ, 2024!
– Chỉ còn vài ngày nữa là bước qua năm 2025 và dân Mỹ đang phấn chấn, hy vọng tốt đẹp hơn là nản lòng, và nhiều hơn so với thời điểm chào đón năm 2024.
Dường như tình hình chính trị trong năm vừa qua đang ảnh hưởng tới triển vọng to lớn hơn vào năm tới.
Trong số những người nói rằng họ hy vọng về năm 2025 thì lý do hàng đầu là việc Tổng Thống Donald Trump đắc cử, theo CBS.
Trong số những điều khiến người dân cảm thấy hy vọng về năm 2025, gồm có triển vọng về các mối quan hệ cá nhân và tình hình tài chánh, thì nhiệm kỳ tổng thống thứ nhì của Trump thậm chí còn quan trọng hơn.
Những người tỏ ra hy vọng gồm có các thành viên Đảng Cộng Hòa, dường như nhấn mạnh mức độ quan trọng của chính trị trong triển vọng nói chung.
Và trong số những người Mỹ cho biết nhìn chung là họ chán nản về năm 2025 thì có một nhóm gồm có nhiều thành viên Đảng Dân Chủ, trong đó lý do hàng đầu là việc Trump chuẩn bị đặt chân vào Tòa Bạch Ốc lần thứ nhì.
Tuy nhiên, năm 2025 có thể không ghi nhận quá nhiều người Mỹ thực hiện những thay đổi cho cá nhân. Chỉ hơn một phần ba người dân đưa ra các mục tiêu cho năm mới, phần lớn trong số đó là những điều thường thấy mỗi năm khi đề ra các mục tiêu, chẳng hạn như các ý tưởng liên quan tới cải thiện sức khỏe và siêng năng tập thể dục hơn.
Với phần lớn dân Mỹ, tham gia chính trị nhiều hơn không phải là một trong số các mục tiêu. Và phần lớn đều lảng tránh không muốn nhắc tới chính trị trong dịp lễ.
Hiện nay thứ hạng của nền kinh tế quốc gia gần bằng tháng trước và khoảng một nửa dân Mỹ cho biết tình hình tài chánh đang thuận lợi.
Riêng những người nói rằng mọi thứ đang tệ hại, thì câu chuyện tiễn đưa năm 2024 cũng tương tự như nhiều năm trước: lạm phát và giá cả đang ảnh hưởng tới suy nghĩ đó.
Những suy tư về nền kinh tế cũng ảnh hưởng tới việc nhìn nhận công lao của Tổng Thống Joe Biden trong phần lớn nhiệm kỳ cũng như vị trí của ông trong lòng người dân khi gần mãn nhiệm kỳ vẫn ở mức không mấy tốt lành, quanh quẩn cũng chỉ bấy nhiêu trong một thời gian dài. Từng có phản ứng không hay nhắm vào quyết định ân xá cho con trai ông, Hunter Biden, và điều đó cho thấy rõ tính chất đảng phái tại Hoa Kỳ.
Từ lâu, người ta đã nhận thấy tính chất đảng phái quan trọng ra sao trong các đánh giá kinh tế, và ngay lúc này, người dân đang trực tiếp chỉ ra điều đó. Trong số (tương đối ít) các thành viên Đảng Cộng Hòa nói rằng nền kinh tế đang tiến triển, thì câu trả lời hàng đầu mà họ đưa ra là việc Tổng Thống Donald Trump đắc cử. Còn những thành viên Đảng Cộng Hòa nói rằng nền kinh tế ì ạch, thì câu trả lời hàng đầu là do Joe Biden làm tổng thống.
Một số khía cạnh kinh tế có triển vọng thuận lợi nhưng cũng có tính chất đảng phái. Một số thành phần người Mỹ ảnh hưởng từ phần lớn thành viên Đảng Cộng Hòa, nghĩ rằng các chính sách của Trump sẽ làm các mặt hàng thực phẩm giảm giá, hơn là làm giá cả đội lên.
Theo tỷ lệ hai trên một, nhiều người Mỹ cho rằng các chính sách của Trump sẽ giúp Hoa Kỳ đạt được nhiều tiến bộ kỹ nghệ hơn.
Tuy nhiên, chính sách thuế quan mới do Trump đề nghị lại cho thấy tính chất đảng phái rõ rệt, khía cạnh này được nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ quyết liệt nhưng không được phần lớn phe độc lập hay các thành viên Đảng Dân Chủ chấp nhận. Tính từ Tháng Mười Một, phần trăm những người nghĩ rằng thuế quan sẽ làm giá cả đội lên có gia tăng đôi chút.
Người Mỹ cũng cho rằng các chính sách của Trump có thể duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới, hơn là gây ra chiến tranh.
Phản ứng từ người dùng mạng xã hội sau vụ ám sát tổng giám đốc công ty bảo hiểm y tế UnitedHealthcare Brian Thompson cũng được lưu tâm. Phần lớn dân Mỹ cho biết họ từng nhìn thấy hoặc nghe thấy người ta bàn tán điều gì đó liên quan tới phản ứng trên mạng xã hội cũng như có nhiều người đọc được những bình luận dường như là phản ứng tung hô.
Cuộc khảo sát được CBS News thực hiện, hợp tác với YouGov, với mẫu đại diện trên toàn nước Mỹ gồm có 2,244 người trưởng thành tại Hoa Kỳ được phỏng vấn từ 18 tới 20 Tháng Mười Hai 2024. Mẫu đại diện được điều chỉnh để thay mặt cho người trưởng thành trên toàn Hoa Kỳ theo giới tính, độ tuổi, chủng tộc và trình độ học vấn, dựa trên Khảo Sát Cộng Đồng Hoa Kỳ và Khảo Sát Dân Số Hiện Tại do Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ thực hiện, cũng như đợt bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Khoảng cách sai số là cộng trừ 2.4 điểm.
CSVN khoe: Khúc ruột ngàn dặm’ gửi trên $16 tỷ kiều hối về Việt Nam năm 2024!
– Lượng kiều hối do Việt kiều, người Việt đi lao động tại các nước gửi về Việt Nam trong năm 2024 lên tới $16 tỷ, theo lời ông Bùi Thanh Sơn, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam.
Theo báo VNExpress hôm 27 Tháng Mười Hai, ông Sơn nhận định rằng số tiền nêu trên, cộng với hơn 421 dự án FDI có tổng số vốn ghi danh $1.72 tỷ “là những nguồn lực rất quan trọng cho sự phát triển của đất nước.”
Mức kiều hối này được ghi nhận “tương đương năm 2023,” thời điểm kiều hối gửi về Việt Nam “cao kỷ lục” sau thời gian tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Bùi Thanh Sơn nói thêm rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách và pháp luật, “tạo điều kiện để bà con kiều bào gắn kết hơn với trong nước…”
Đáng lưu ý, hầu hết trong số $16 tỷ kiều hối là được cộng đồng người gốc Việt cũng như người Việt đi lao động ở ngoại quốc gửi về Sài Gòn.
Hồi giữa Tháng Mười, báo Nhân Dân xác nhận, lượng kiều hối về Sài Gòn trong chín tháng đầu năm đạt gần $7.4 tỷ.
Trước nguồn kiều hối tăng đều đặn sau mỗi năm, nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy họ muốn “thúc đẩy” và gia tăng kiểm soát đối với nguồn tiền này.
Một bản tin của báo VOV hôm 16 Tháng Mười Hai cho hay, Ủy Ban Nhân Dân TP thông qua “đề án phát huy nguồn lực kiều hối.”
Theo đó, chính quyền muốn “nắn” dòng tiền kiều hối để “bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tiền này.”
Bản tin dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh Sài Gòn: “Kiều hối về bản chất là nguồn tiền của kiều bào cho, tặng thân nhân, người thụ hưởng hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng để chi tiêu, sửa chữa nhà cửa, mua phương tiện và tích lũy. Những việc này cũng là nguồn lực tốt cho xã hội, nhưng rõ ràng nếu định hướng tập trung được nguồn kiều hối nhỏ lẻ vào một dự án đầu tư phát triển nào đó thì hoàn toàn mang lại hiệu quả nhanh và to lớn hơn.” Hầu hết số tiền này, chui vào trong túi các đảng viên cao cấp!
Tin Quốc Tế Đó Đây
Syria: Cộng Đồng Alaouite Xô Xát Với Lực Lượng An Ninh của Chính Quyền Mới
(Hình AP - Omar Sanadiki: Các chiến binh của lực lượng nổi dậy hô các khẩu hiệu chống chế độ cũ Bachar al-Assad, Damascus, Syria, ngày 25/12/2024.)
-Ngày 25/12/2024, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Bashar Al Assad, xuất thân từ sắc tộc Alaouite, bị lật đổ, hàng ngàn người thuộc cộng đồng này đã biểu tình ở nhiều thành phố sau khi một đoạn video được loan tải trên mạng xã hội cho thấy "các chiến binh tấn công" một chính điện bị đốt cháy ở Aleppo (miền Bắc Syria), 5 người gác đền bị chết. Theo tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria (OSDH), một người biểu tình đã chết vì trúng đạn.
Bộ Nội vụ của chính quyền mới khẳng định đoạn video đó "cũ", có từ lúc các lực lượng nổi dậy chiếm thành phố Aleppo ngày 1/12. Theo họ, mục đích của việc "tuyên truyền những hình ảnh như vậy là nhằm gây bất hòa trong dân tộc Syria".
Cuộc biểu tình đã thu hút vài ngàn người, theo nhiều nhân chứng và tổ chức OSDH, tập trung ở các thành phố Tartus, Banias, Jableh, Lattakia (miền Tây) nơi có đông đảo cộng đồng Alaouite sinh sống, cũng như ở Homs, để phản đối việc "đốt phá các thánh đường và phân biệt tôn giáo", kêu gọi "một Syria tự do".
Rami Abdel Rahman, Giám đốc OSDH cho thông tấn xã AFP biết "một người biểu tình đã chết và 5 người bị thương sau khi lực lượng an ninh ở Homs nổ súng để giải tán đám đông". Lệnh giới nghiêm đã được ban hành ở Homs và Jableh.
Ngoài ra, nhiều vụ đụng độ cũng đã xảy ra trong ngày 25/12 ở Tartus giữa những người có vũ trang và lực lượng an ninh tìm cách bắt một sĩ quan của chế độ Bashar Al Assad. Theo thông cáo của tân Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Abdel Rahman, 17 người đã thiệt mạng, trong đó có 14 thành viên của Bộ Nội vụ, và 10 người khác bị thương,
Alaouite là một nhánh của Hồi giáo hệ phái Shiite, khác với hệ phái Sunni của các lực lượng nổi dậy vừa chiếm được chính quyền ở Syria. Do nhà độc tài Bashar Al Assad xuất thân từ sắc tộc này nên người Alaouite bị xem là "cận vệ" của chế độ cũ. Theo nhà chính trị học Fabrice Balanche, ở Syria có khoảng 1,7 triệu người Alaouite, chiếm khoảng 9% dân số.
Chính Quyền Mới ở Syria Tuyên Bố Đàn Áp Trong Khi Căng Thẳng Bùng Phát ở Vùng Duyên Hải
(Hình AP: Bản đồ Syria có tỉnh Tartous, vốn là nơi sinh sống của nhiều thành viên giáo phái Alawite của ông Assad.)
-Ngày 26/12/2024, chính quyền mới của Syria đã phát động một cuộc đàn áp an ninh tại một khu vực ven biển, nơi 14 cảnh sát đã thiệt mạng một ngày trước đó.
Họ tuyên bố sẽ truy quét "những tàn dư" của chính quyền Bashar al-Assad đã bị lật đổ, vốn bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công, theo truyền thông nhà nước đưa tin.
Bạo lực ở tỉnh Tartous, một phần của khu vực duyên hải là nơi sinh sống của nhiều thành viên giáo phái Alawite của ông Assad, đã cho thấy thách thức gây chết chóc nhất từ trước đến nay đối với chính quyền do người Hồi giáo Sunni lãnh đạo, vốn đã lật đổ ông Assad vào ngày 8 tháng 12.
Các lực lượng an ninh của chính quyền mới đã phát động chiến dịch nhằm "kiểm soát an ninh, ổn định và hòa bình dân sự, và truy quét tàn dư của lực lượng dân quân Assad trong rừng và trên đồi" ở các vùng nông thôn của Tartous, hãng thông tấn nhà nước SANA đưa tin.
Các thành viên của nhóm thiểu số Alawite, một nhánh của Hồi giáo Shi'ite, đã nắm giữ ảnh hưởng to lớn ở Syria trong thời kỳ ông Assad lãnh đạo, thống trị lực lượng an ninh mà ông sử dụng để chống lại những người đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và đàn áp những người bất đồng chính kiến trong nhiều thập kỷ bị nhà nước cảnh sát của ông đàn áp đẫm máu.
Hayat Tahrir al-Sham, cựu chi nhánh của al Qaeda đã lãnh đạo chiến dịch nổi dậy lật đổ ông Assad, đã nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, những người lo sợ nhóm cai trị mới có thể tìm cách áp đặt một hình thức chính phủ Hồi giáo bảo thủ.
SANA đưa tin rằng Mohammed Othman, Thống đốc mới được bổ nhiệm của vùng ven biển Latakia giáp với khu vực Tartous, đã gặp các giáo sĩ của Alawite để "khuyến khích sự gắn kết cộng đồng và hòa bình dân sự trên vùng duyên hải của Syria".
Bộ thông tin Syria đã thông báo lệnh cấm về điều họ mô tả là "việc lưu hành hoặc xuất bản bất kỳ nội dung thông tin hoặc tin tức nào có giọng điệu giáo phái nhằm mục đích gây chia rẽ" trong người dân Syria.
Mạc Tư Khoa Tuyên Bố Phá Vỡ Nhiều Âm Mưu của Ukraine Sát Hại Sĩ Quan Nga
(Ảnh REUTERS / Sergei Karpukhin, minh họa: Trụ sở của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) ở trung tâm Mạc Tư Khoa, Nga, ngày 10/11/2015.)
-Ngày 26/12/2024, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc lực lượng tình báo Ukraine đã lập nhiều kế hoạch ám sát sĩ quan Nga cùng với gia đình họ. Tuy nhiên, những kế hoạch này đều bị phá vỡ.
FSB khẳng định "đã phá vỡ một loạt âm mưu ám sát sĩ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng (Nga)", "bốn công dân Nga liên quan đến quá trình chuẩn bị những vụ tấn công này đã bị bắt".
Theo FSB, những nghi phạm này được tình báo Ukraine chiêu mộ, trong đó một người đã bị bắt ở Mạc Tư Khoa khi đang lấy một quả bom được ngụy trang thành bình điện. Theo kế hoạch, quả bom này sẽ được cài vào xe hơi của một viên chức Bộ Quốc phòng Nga. Còn một người đàn ông khác được giao nhiệm vụ theo dõi nhiều viên chức khác trong Bộ Quốc phòng Nga. FSB cũng nêu lên âm mưu giao một quả bom được ngụy trang thành sổ kẹp tài liệu.
Theo thông tấn xã Reuters, những thông tin nói trên được FSB công bố sau vụ ám sát tướng Igor Kirillov, chỉ huy Lực lượng Bảo vệ Nguyên tử, Sinh học và Hóa học của quân đội Nga. Ông và tài xế riêng đã thiệt mạng trong một vụ nổ giữa trung tâm thủ đô Mạc Tư Khoa vào sáng sớm 17/12 do bom cài trong xe trotinette dựng gần lối ra vào tòa nhà nơi ông sống.
Một nguồn tin từ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết chính Kyiv đã thực hiện vụ ám sát này. Nga đã lên án vụ ám sát và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả.
Công Ty Nga: Tàu Chở Hàng Bị Đắm Trên Địa Trung Hải Là Do "Khủng Bố"
(Hình AP / Handout: Tàu chở hàng Ursa Major của Nga ngoài khơi Bồ Đào Nha. Ảnh được công bố ngày 22/12/2024.)
-Tàu chở hàng Ursa Major của Nga đã bị "tấn công khủng bố" đánh chìm trên Địa Trung Hải.
Công ty Oboronlogistika trực thuộc Bộ Quốc phòng và chủ quản tàu đã khẳng định như trên trong một thông cáo ra hôm 25/12/2024, nhưng không nêu chi tiết về động cơ cũng như thủ phạm của sự việc. Thông tín viên Jean-Didier Revoin của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Mạc Tư Khoa cho biết thêm thông tin:
Theo Oboronologistika, công ty sở hữu tàu chở hàng Ursa Major của Nga, tàu đã bị chìm ngày 23/12 ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha và Algerie là do một cuộc tấn công khủng bố.
Căn cứ vào lời khai của các thuyền viên được cứu sống, chủ tàu cho biết 3 vụ nổ liên tiếp ở đuôi tàu đã khiến tàu tròng trành mạnh, đến mức nước tràn vào khiến tàu bị chìm.
Công ty nói rõ rằng Ursa Major, một trong những tàu chở hàng khô lớn nhất của Nga, không bị quá tải. Hàng trên tàu là 806 tấn trong khi trọng tải tối đa của tàu tới 9.500 tấn. Vào thời điểm bị chìm, trên tàu có 16 thuyền viên, đều là công dân Liên Bang Nga. Lực lượng cấp cứu đã di tản được 14 người trong khi hai người vẫn mất tích.
Công ty Nga không nói đến những người có thể đã chỉ đạo vụ tấn công này. Người ta chỉ biết rằng chiếc tàu đã rời cảng Saint-Petersburg ngày 11/12 để đến Vladivostok, nơi mà lẽ ra tàu sẽ cập bến vào ngày 22/1/2025 tới. Chiếc tàu chở một cần cẩu lớn cho cảng và những tấm nắp hầm nặng 45 tấn để đóng các tàu phá băng mới.
Á Châu Tưởng Niệm 20 Năm Trận Sóng Thần Kinh Hoàng Năm 2004
(Ảnh AP / Dita Alangkara, tư liệu: Một người đàn ông đi lang thang trong đống đổ nát ở Banda Aceh, Nam Dương, sau trận sóng thần tàn khốc, ngày 29/12/2004.)
-Hôm 26/12/2024 là đúng kỷ niệm 20 năm xảy ra trận sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử, khiến hơn 220.000 người thiệt mạng ngày 26/12/2004, một ngày sau lễ Giáng sinh. Các hoạt động tưởng niệm nạn nhân của thiên tai đã được tổ chức ở nhiều nước Á Châu.
Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi bờ biển phía Tây-Bắc đảo Sumatra của Nam Dương đã gây ra những đợt sóng khổng lồ cao tới 30 mét ập vào đất liền với tốc độ 800 cây số/giờ, tàn phá khắp một vùng rộng lớn từ Nam Dương, Sri Lanka, Ấn Độ đến Thái Lan cũng như 9 quốc gia khác ở Ấn Độ Dương kể Somali của Phi Châu.
Các hoạt động tưởng niệm được bắt đầu tại tỉnh Aceh của Nam Dương, nơi có 100 ngàn người thiệt mạng vì trận sóng thần. Lễ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Baiturrahman lớn nhất tỉnh được bắt đầu bằng một hồi còi kéo dài 3 phút đúng vào thời điểm xảy ra thảm họa.
Theo thông tấn xã AFP, đông đảo người dân đã tập trung bên khu mộ tập thể Ulee Lheure, nơi 14.000 người bị sóng thần vùi lấp, để tưởng niệm các nạn nhân. Các hoạt động tưởng niệm cũng diễn ra khắp các làng trong tỉnh. Có những làng, cả một cộng đồng dân cư bị sóng thần cuốn trôi.
Hàng loạt các hoạt động tôn giáo và thắp nến tưởng niệm các nạn nhân của trận sóng thần hôm 26/12 cũng diễn ra ở Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.
Tại Thái Lan, trận sóng thần đã làm 5.000 người chết, trong số này có tới một nửa là du khách đến từ nhiều nước và 3.000 người mất tích. Các hoạt động tưởng niệm bắt đầu từ sáng sớm ở Ban Nam Khem, làng bị thiệt hại nặng nề nhất. Thân nhân của những người xấu số, nước mắt rưng rưng, đã đến đặt hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân sóng thần.
Tại một khách sạn ở tỉnh Phang Nga, một cuộc triển lãm về sóng thần đã được tổ chức và một bộ phim tài liệu về thảm họa sóng thần 2004 được trình chiếu, trong khi các viên chức chính phủ và Liên Hiệp Quốc phát biểu về việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa.
Tại Sri Lanka, nơi có hơn 35.000 người thiệt mạng, các buổi lễ cầu nguyện theo nghi thức Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Thiên Chúa giáo đã diễn ra khắp nơi.
Trận Động Đất Sóng Thần 2004 Như "Ngày Tận Thế"
(Ảnh AP - Eranga Jayawardena, tư liệu: Một phụ nữ rơi nước mắt trước ngôi nhà bị sóng thần phá hủy ở vùng ven biển thủ đô Colombo của Sri Lanka, ngày 26/12/2004.)
-Trận động đất với cường độ lên tới 9,1° Richter cách đây đúng 20 năm, ngày 26/12/2004, từ một nơi cách phía Tây đảo Sumatra của Nam Dương khoảng 160 cây số, đã gây ra cơn sóng thần tang thương nhất trong lịch sử, khiến hơn 220.000 người chết ở khoảng 15 nước vùng Ấn Độ Dương.
Thảm họa xảy ra vài giây trước 7 giờ 59 phút sáng 26/12/2004, giờ địa phương. Nguyên nhân là vùng hút chìm (subduction zone) ở đường đứt gãy dài đến 1.200 cây số giữa hai mảng kiến tạo Ấn Độ và mảng Andaman bị sụt, gây ra động đất. Trận động đất giải phóng năng lượng tương đương 23.000 lần sức mạnh của quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Nước biển ban đầu chỉ là một cơn sóng nhỏ đánh vào bờ, sau đấy là những đợt sóng cao tới 30 mét, cuốn trôi nhà cửa, xe cộ, nhấn chìm nhiều khu dân cư ven biển, tổng cộng 226.408 người thiệt mạng, theo cơ sở dữ liệu EM-DAT, chuyên thống kê số liệu về thiên tai. Khu vực bị nặng nhất là miền Bắc đảo Sumatra, với khoảng 120.000 người chết trên tổng số 165.708 nạn nhân ở Nam Dương, quốc gia thường xuyên bị động đất và núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương".
Thông tấn xã AFP nhắc lại những đợt sóng cao, có lúc di chuyển gần 800 cây số/giờ, cũng lan khắp Ấn Độ Dương chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, đánh vào Sri Lanka (hơn 35.000 người chết), Ấn Độ (16.389 người), Thái Lan (hơn 5.000 người), Maldives (khoảng 100 người), Somalia ở Phi Châu (hơn 300 người chết).... Hơn 1,5 triệu người đã phải di tản, 14 tỉ Mỹ kim đã được cộng đồng quốc tế huy động hỗ trợ khẩn cấp, theo Liên Hiệp Quốc. Hai mươi năm sau, thành phố Banda Aceh, cực Bắc của đảo Sumatra, đã gần như được tái thiết hoàn toàn. Hơn 100.000 ngôi nhà đã được xây mới chỉ riêng ở tỉnh Aceh, Nam Dương.
Trận sóng thần lịch sử gây thiệt hại về nhân mạng lớn chưa từng có trước tiên là do lỗi của con người. Không có bất kỳ cảnh báo, báo động nào được khai triển trong vùng khi xảy ra sóng thần, theo ghi nhận của chuyên gia Bernardo Aliaga, thuộc Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO, khi trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 26/12/2024:
"Điều cần lưu ý là sai lầm trong sự hợp tác giữa các cơ quan, nhất là giữa kiến thức về khoa học và quản lý thiên tai còn rất yếu vào thời điểm đó. Năm 2004, không có gì ở Ấn Độ Dương, không có gì ở Địa Trung Hải và không có gì ở vùng Caribbean. Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương đã thúc đẩy quá trình hợp tác này. Không chỉ có sự hợp tác nhân đạo quốc tế được khai triển mà còn có cả hợp tác to lớn về khoa học và chính trị với việc các bộ hoàn toàn ủng hộ việc hợp tác, công bố dữ liệu, tự do trao đổi dữ liệu với mục tiêu cao cả là cứu mạng sống".
Trong 20 năm qua, thế giới nay có thể đối phó với sóng thần tốt hơn nhờ hàng triệu Mỹ kim đầu tư vào các hệ thống cảnh báo, hơn 1.400 trạm quan sát đã được lập trên toàn cầu để có thêm vài phút quý báu cảnh báo sau khi sóng thần được hình thành.
Nam Hàn: Phe Đối Lập Đệ Trình Kiến Nghị Phế Truất Quyền Tổng Thống
(Hình AFP / Handout: Quyền Tổng thống, Thủ tướng Han Duck Soo tại Quốc hội Nam Hàn ở Hán Thành, ngày 17/12/2024.)
-Hôm 26/12/2024, phe đối lập Nam Hàn thông báo đã đệ trình một kiến nghị phế truất Quyền Tổng thống Han Duck Soo vì ông đã từ chối bổ nhiệm các vị trí trống tại Tòa Bảo Hiến, cơ quan sẽ quyết định có bãi nhiệm Tổng thống Yoon Suk Yeol hay không. Nếu kiến nghị được thông qua, Bộ trưởng Tài chánh Choi Sang Mok sẽ thay thế ông Han.
Theo thông tấn xã AFP, trả lời báo chí, Nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập Park Sung Joon cho biết: "Chúng tôi đã đệ trình kiến nghị ngay trước phiên họp toàn thể của Quốc hội, (...) và kiến nghị sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày mai (27/12)". Phe đối lập cáo buộc ông Han từ chối bổ nhiệm ba vị trí trống tại Tòa Bảo Hiến, cơ quan sẽ thông qua hay bác bỏ việc bãi nhiệm Tổng thống Yoon Suk Yeol trong thời hạn 6 tháng tới. Theo quy định, 3 Thẩm phán mới lẽ ra phải được bổ nhiệm vào thứ Năm. Những người này được lựa chọn từ danh sách ứng viên do Quốc hội đề xuất. Quốc hội Nam Hàn thì lại đang do phe đối lập kiểm soát.
Về phần mình, ông Han Duck Soo, viên chức kỳ cựu 75 tuổi, cho rằng chức vụ Quyền Tổng thống của ông hiện giờ không cho phép ông bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, bao gồm việc bổ nhiệm các Thẩm phán cho Tòa Bảo Hiến. Theo hãng tin Yonhap, ông Han đã yêu cầu việc lựa chọn Thẩm phán phải có sự đồng thuận giữa đảng Quyền lực Nhân Dân PPP cầm quyền và phe đối lập trong Quốc hội.
Nếu các vị trí nói trên vẫn bị để trống trước khi kết thúc tiến trình xem xét kiến nghị phế truất, 6 Thẩm phán còn lại sẽ phải đạt được đồng thuận tuyệt đối thì mới có thể loại bỏ ông Yoon khỏi chiếc ghế Tổng thống. Chỉ cần 1 phiếu chống là ông Yoon sẽ tự động được khôi phục chức vụ. Phiên tòa đầu tiên xem xét việc bãi nhiệm ông Yoon sẽ được tổ chức vào ngày 27/12.
Squid Game Mùa 2: Bức Tranh Thu Nhỏ Về Xã Hội Ðại Hàn Khắc Nghiệt
(Hình AP / Chris Pizzello / Invision: Những quản giáo mặc trang phục của phim "Squid Game" tại buổi ra mắt mùa 2 ở Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ, ngày 12/12/2024.)
-Mùa 2 của bộ phim Squid Game, từng là hiện tượng toàn cầu năm 2021, đã chính thức được ra mắt hôm 26/12/2024, trên nền tảng Netflix.
Bộ phim xoay quanh những nhân vật tuyệt vọng vì nợ nần, nên đã quyết định tham gia vào một trò chơi mà chỉ một người có thể chiến thắng và thoát ra. Nếu thắng, người chơi sẽ lãnh toàn bộ số tiền thưởng khổng lồ giúp họ đổi đời, nhưng nếu thua, cái giá phải trả là mạng sống của chính họ.
Điều thú vị là bộ phim phản ánh thực tế khắc nghiệt ở Nam Hàn, nơi con người bị trói buộc trong hệ thống đẳng cấp và địa vị xã hội. Từ thủ đô Hán Thành của Nam Hàn, thông tín viên Camille Ruiz của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) giải thích:
Mọi yếu tố trong bộ phim Squid Game đều nhằm phê phán xã hội Nam Hàn khắc nghiệt. Điều này đặc biệt được thể hiện qua cách xưng hô của người chơi trong phiên bản gốc. Trong tiếng Hàn, có nhiều cấp độ ngôn ngữ khác nhau tùy thuộc vào địa vị của người mà mình nói chuyện. Điều này làm tăng thêm cảm giác là các nhân vật thuộc về một tầng lớp nhất định: Người nghèo, người già, phụ nữ, giống như một hệ thống đẳng cấp khuôn mẫu mà họ không thể thoát ra. Tuy nhiên, những nhân vật trong Squid Game chỉ có một mục tiêu: Giành được số tiền thưởng khổng lồ được hứa hẹn cho người chiến thắng. Và để đạt được điều đó, họ sẽ phải lao vào một "đấu trường" sinh tử.
Ở Nam Hàn, sự cạnh tranh hiện diện khắp nơi từ khi đứa trẻ còn rất nhỏ. Có một câu nói để miêu tả một người hoàn hảo, không thể sánh bằng: Eomma chingu adeul, nghĩa là "con trai của bạn mẹ". Đây là phương pháp mà các bà mẹ thường áp dụng để khiến con mình phải cố gắng, bằng cách so sánh chúng với con của người khác.
Mặc dù là một bức tranh miêu tả thực tại tối tăm, Squid Game đã trở thành một biểu tượng và góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng của "hallyu" – làn sóng văn hóa Nam Hàn với thế giới.
Trả lời phỏng vấn thông tấn xã AFP, đạo diễn của bộ phim cho biết phần 2 lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về vụ đụng độ đẫm máu giữa các công nhân nhà máy Ssangyong ở tỉnh Pyeongtaek với lực lượng cảnh sát vào năm 2009. Công nhân đã đình công và chiếm đóng nhà máy trong 77 ngày vì tòa đã ra các phán quyết có lợi cho chủ nhà máy. Phong trào sau đó kết thúc bằng một vụ bạo lực chưa từng có, các công nhân đã dùng máy bắn đá và ống thép để đáp trả lực lượng cảnh sát, được trang bị đạn cao-su, súng điện và trực thăng phun hơi cay xuống đám đông. Sau sự kiện này, hơn 200 công nhân bị truy tố và gần 100 người bị bỏ tù. Theo lãnh đạo công đoàn của công ty, tính đến nay khoảng 30 người từng tham gia phong trào đã tự tử hoặc qua đời vì các vấn đề tâm lý.
Trung Quốc: Thêm Hai Tướng "Ngã Ngựa" Vì Chiến Dịch Chống Tham Nhũng của Tập Cận Bình
(Hình AP - Li Gang: Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tại một cuộc họp ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 8/3/2023.)
-Hôm 25/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông báo bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của 2 tướng cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội.
Theo thông báo, hai nhân vật cấp cao này bị nghi ngờ "vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật", cụm từ mà đảng Cộng sản Trung Quốc thường dùng để ám chỉ hành vi tham nhũng.
Về hồ sơ của 2 tướng bị bãi miễn, Trung tướng Vưu Hải Đào (You Haitao), 66 tuổi, là cựu Phó Tư lệnh Lục quân từ đầu năm 2016. Trước đó, ông từng là Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh và được thăng hàm Trung tướng vào năm 2014. Còn Trung tướng Lý Bằng Trình (Li Pengcheng), 61 tuổi, từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như Tham mưu phó Hạm đội Bắc Hải của Hải quân Trung Quốc, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trang bị Hải quân, và Tham mưu trưởng Hạm đội Đông Hải. Ông đảm nhiệm vai trò Tư lệnh Hải quân Chiến khu Nam Bộ, sau khi người tiền nhiệm Cửu Tân Xuân bị cách chức vào tháng 12/2023.
Cũng trong năm 2024, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc là Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc đã bị khai trừ khỏi đảng và đang bị điều tra vì tham nhũng.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, cuộc điều tra về hai cựu viên chức cấp cao này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tập trung vào các cấp lãnh đạo quân đội, nhằm siết chặt kiểm soát đồng thời củng cố sự trung thành tuyệt đối của quân đội đối với đảng Cộng sản.
Trung Quốc Trừng Phạt 7 Công Ty Quân Sự Vì Bán Vũ Khí Cho Đài Loan
(Hình AP: Cơ sở của hãng Raytheon ở Woburn, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.)
-Hôm 27/12/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh vừa trừng phạt 7 công ty công nghiệp quân sự và các Giám đốc điều hành cấp cao của họ do Hoa Kỳ hỗ trợ vũ khí và bán vũ khí cho Đài Loan.
Công ty con của Boeing là Raytheon Canada và Raytheon Australia, cũng như Hudson Technologies Co. nằm trong số các công ty bị Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa vào danh sách trừng phạt trong một tuyên bố.
Gần đây Hoa Kỳ đã phê duyệt khoản chi 571,3 triệu Mỹ kim để hỗ trợ quốc phòng cho Đài Loan, sau khi bật đèn xanh cho phép bán vũ khí trị giá khoảng 385 triệu Mỹ kim cho hòn đảo này.
Hoa Kỳ có nghĩa vụ theo luật là phải cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, bất chấp việc Hoa Thịnh Ðốn và Đài Bắc không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc sẽ đóng băng tài sản của các công ty và Giám đốc này ở Trung Quốc và cấm các tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc giao dịch hoặc hợp tác với họ, Bộ Ngoại giao cho biết.
Động thái của Hoa Kỳ 'làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc', một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 27/12.
Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ tuân thủ nguyên tắc 'Một Trung Quốc' và ngừng vũ trang cho Đài Loan, phát ngôn nhân Mao Ninh nói, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ 'thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết' để bảo vệ an ninh và lợi ích của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét