Hoa Kỳ định ngày quốc tang cố Tổng thống Jimmy Carter
Tổng thống Joe Biden tuyên bố một ngày quốc tang cố Tổng thống Jimmy Carter vào ngày 9 tháng 1 năm 2025. Ông cũng đã ra lệnh treo cờ rủ trong 30 ngày tại các cơ sở quân sự và trên các tòa nhà liên bang. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter cầm một cuốn sách do ông viết, có tên “Faith:Gia đình của ông Carter yêu cầu mọi người thay vì đặt hoa tưởng niệm, hãy quyên góp cho Trung tâm Carter có trụ sở tại Atlanta để giúp đỡ công việc của tổ chức phi chính phủ này trong các lĩnh vực sức khỏe, hòa bình và nhân quyền toàn cầu.
<!>
Các nghi lễ tưởng niệm cố Tổng thống Carter dự kiến sẽ diễn ra trong sáu ngày tại tiểu bang Georgia và thủ đô Washington, D.C.
Theo lịch trình do quân đội Hoa Kỳ công bố hôm thứ Hai (30/12), một lễ kỷ niệm quốc gia theo truyền thống dành cho các nguyên thủ quốc gia, bắt đầu vào thứ Bảy (4/1) với các nghi lễ tại tiểu bang Georgia, quê hương của ông Carter.
Những khoảnh khắc chính
Một đoàn xe sẽ đưa thi hài ông Carter đi qua quê hương Plains, Georgia và Atlanta, với các điểm dừng tại Tòa nhà Quốc hội và sau đó là Trung tâm Tổng thống Carter. Thi hài của ông Carter được để tại đây cho đến khi được đưa bằng máy bay tới Washington D.C vào ngày thứ Năm (9/1).
Tại Washington D.C, thi hài của ông Carter sẽ được đặt ở Khu Rotunda, phần chính giữa và mái vòm của Toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ. Ông George H.W. Bush là tổng thống Hoa Kỳ cuối cùng được đặt ở Khu Rotunda trước khi diễn ra lễ quốc tang, một truyền thống có từ thời Tổng thống Abraham Lincoln.
Lễ tang sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Quốc gia Washington vào ngày 9 tháng 1. Tổng thống Joe Biden năm ngoái cho biết ông Carter đã đề nghị ông đọc điếu văn tại lễ tang.
Sau lễ tang tại Washington D.C, thi hài cố Tổng thống Carter sẽ được đưa trở lại tiểu bang Georgia và được chôn cất trong một buổi lễ riêng ở thị trấn quê nhà Plains.
Mỹ công bố khoản viện trợ quân sự gần 6 tỷ USD cho Ukraine
Hôm 30/12 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Biden đã công bố gói viện trợ quân sự và khoản ngân sách bổ sung trị giá 5,9 tỷ USD cho Ukraine – động thái triển khai gấp rút và chỉ trước 3 tuần so với thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức lên nắm quyền.
Trong đó, Tổng thống Biden công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ USD cho Ukraine. Ông Biden cho hay: “Theo chỉ đạo của tôi, Mỹ sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực để giúp tăng cường vị thế của Ukraine trong cuộc chiến này suốt thời gian còn lại trong nhiệm kỳ của tôi”.
Khoản viện trợ nêu trên được Tổng thống Biden công bố được lấy từ 2 nguồn là 1,25 tỷ USD từ kho dự trữ của Mỹ và 1,22 tỷ USD từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI).
Theo USAI, thiết bị quân sự viện trợ cho Ukraine được mua từ ngành công nghiệp quốc phòng hoặc các đối tác, thay vì lấy từ kho dự trữ của Mỹ. Điều này có nghĩa là Ukraine sẽ có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới có thể tiếp nhận và đưa vào sử dụng trên chiến trường.
Theo Tổng thổng Biden, khoản viện trợ mới sẽ cung cấp cho Ukraine “một nguồn năng lực ngay lập tức mà nước này có thể tiếp tục sử dụng hiệu quả trên chiến trường cũng như nguồn cung cấp dài hạn cho hệ thống phòng không, pháo binh và các hệ thống vũ khí quan trọng khác”.
Theo Lầu Năm Góc, Washington đã cung cấp riêng khoảng 61,4 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Tổng tống Biden cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang trong quá trình cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn quả tên lửa và hàng trăm xe bọc thép để tăng cường sức mạnh cho Ukraine khi nước này bước vào mùa đông.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng cho biết nước này cung cấp 3,4 tỷ USD viện trợ ngân sách bổ sung nhằm cung cấp cho Ukraine các nguồn lực quan trọng trong bối cảnh Nga gia tăng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen cho biết khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp, được cung cấp thông qua sự phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ và Bộ Ngoại giao, đánh dấu khoản giải ngân cuối cùng theo Đạo luật bổ sung An ninh Ukraine năm 2024.
Một quan chức Mỹ cho biết khoản tài trợ này nâng tổng số viện trợ ngân sách của nước này cho Ukraine lên hơn 30 tỷ USD kể từ khi cuộc chiến nổ ra từ tháng 2/2022. Hầu hết các khoản tiền đó được dùng để duy trì hoạt động của chính phủ Ukraine bằng cách trả lương cho giáo viên và các nhân viên nhà nước khác.
Bà Yellen cho biết việc tiếp tục viện trợ kinh tế cho Ukraine là rất quan trọng để cho phép nước này duy trì các dịch vụ của chính phủ và tiếp tục bảo vệ chủ quyền của mình. Bà nói: “Thành công của Ukraine nằm trong lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ. Chúng ta không được lùi bước trong nỗ lực này”. Bà cũng nêu rằng nước Mỹ cam kết sẽ tiếp tục gây sức ép với Moskva thông qua các lệnh trừng phạt và giúp Ukraine đạt được hòa bình công bằng.
Gần 3 năm sau khi cuộc chiến nổ ra, Washington đã cam kết viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định dưới thời Chính quyền Trump 2.0, những khoản viện trợ trên có được tiếp tục duy trì với tốc độ hiện nay hay không khi ông Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.
Trước đó, ông Trump cho biết muốn chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump đã đặt câu hỏi về mức độ tham gia của Mỹ vào cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine, cũng như cho rằng các đồng minh châu Âu cần bỏ ra chi phí nặng tài chính lớn hơn.
Tòa án Hàn Quốc ra lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol
Vào sáng thứ Ba (31/12), một tòa án Hàn Quốc đã phê chuẩn lệnh bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ông Yoon trước đó đã bị luận tội và đình chỉ quyền lực vì quyết định áp đặt thiết quân luật vào ngày 3 tháng 12, Reuters dẫn tin từ các cơ quan điều tra Hàn Quốc.
Văn phòng Điều tra tham nhũng dành cho các Quan chức Cấp cao (CIO) Hàn Quốc xác nhận Tòa án quận phía Tây Seoul đã phê chuẩn lệnh bắt giữ mà các điều tra viên yêu cầu đối với Tổng thống Yoon.
Theo truyền thông địa phương, đây là lệnh bắt giữ đầu tiên được ban hành đối với một tổng thống đương nhiệm ở Hàn Quốc.
Lệnh bắt giữ hiện tại có hiệu lực cho đến ngày 6 tháng 1 năm 2025 hoặc sau khi được thực hiện. Ông Yoon dự kiến sẽ bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Seoul, hãng thông tấn Yonhap dẫn tuyên bố của CIO.
Tòa án quận phía Tây Seoul đã ban hành lệnh này vì có khả năng ông Yoon sẽ không tuân thủ lệnh triệu tập nếu không có lý do chính đáng và cũng có lý do chính đáng để nghi ngờ ông Yoon phạm tội, theo Yonhap.
Ông Yoon đã không phản hồi lệnh triệu tập thẩm vấn của các điều tra viên ba lần kể từ khi ông ban bố thiết quân luật vào ngày 3 tháng 12.
Ông Yoon đang phải đối mặt với cuộc điều tra hình sự về cáo buộc rằng ông là người lãnh đạo một cuộc nổi loạn. Nổi loạn là một trong số ít cáo buộc mà tổng thống Hàn Quốc không được miễn trừ.
Không rõ lệnh bắt giữ ông Yoon sẽ được thực hiện khi nào và bằng cách nào. Cơ quan an ninh tổng thống Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố vào thứ Ba (31/12) rằng họ sẽ xử lý lệnh bắt giữ theo đúng trình tự.
Tòa án cũng đã phê duyệt lệnh khám xét nơi ở của ông Yoon, theo CIO.
Trước đó, cảnh sát khi thực hiện quy trình điều tra đã cố gắng nhưng không thành công trong việc đột kích văn phòng tổng thống, do cơ quan an ninh tổng thống chặn lối vào.
Quyền lãnh đạo của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của Hàn Quốc, ông Kweon Seong-dong, nói vào thứ Ba (31/12) rằng việc cố gắng bắt giữ một tổng thống đương nhiệm là không phù hợp.
Ông Kim Yong-min, một nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ đối lập (DP) nắm giữ đa số trong quốc hội và đã đưa ra cuộc bỏ phiếu luận tội ông Yoon, tuyên bố rằng “quá trình thực hiện lệnh bắt giữ và điều tra có thể rất khó khăn“, đồng thời kêu gọi các nhà điều tra thực hiện lệnh bắt giữ ngay lập tức
Tổng thống Nga Putin ký lệnh quy định hạn chót cho người nhập cư bất hợp pháp
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Hai (30/12) đã ký sắc lệnh yêu cầu những người di dân nhập cư bất hợp pháp phải hợp pháp hóa tình trạng của họ hoặc phải rời khỏi đất nước trước ngày 30 tháng 4 năm 2025. Lệnh này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Putin nhằm thắt chặt chính sách nhập cư của Nga.
“Công dân nước ngoài và những người không quốc tịch đang ở trong lãnh thổ Liên bang Nga, có nghĩa vụ phải rời tự chủ khỏi Liên bang Nga hoặc giải quyết tình trạng pháp lý từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 4 năm 2025”, sắc lệnh của Tổng thống Putin quy định.
Những người nhập cư bất hợp pháp muốn ở lại phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt, bao gồm gửi dữ liệu sinh trắc học, trải qua kiểm tra y tế về ma tuý, bệnh truyền nhiễm và HIV, và vượt qua các bài kiểm tra về ngôn ngữ, lịch sử và hệ thống pháp lý của Nga. Họ cũng được yêu cầu giải quyết mọi khoản nợ chưa thanh toán và đảm bảo đầy đủ các giấy tờ tuỳ thân, chẳng hạn như giấy phép làm việc hoặc giấy phép cư trú, vẫn còn hiệu lực. Các trường hợp ngoại lệ được áp dụng cho các công dân nước ngoài không có giấy tờ đang có hợp đồng đã ký với quân đội, cho phép họ tránh bị trục xuất.
Năm 2024, Nga đã ban hành các luật mới để theo dõi những người nhập cư bất hợp pháp thông qua sổ đăng ký “những người được kiểm soát”. Từ ngày 5 tháng 2 năm 2025, các nhà chức trách Nga sẽ có quyền trục xuất người nước ngoài không có giấy tờ mà không cần quyết định của tòa án.
Ngoài ra, việc tổ chức di cư bất hợp pháp đã được phân loại là một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng tại Nga. Các hình phạt cho hành vi phạm pháp này có bao gồm tịch thu tiền và tài sản có được từ việc tạo điều kiện buôn bán người. Biện pháp này nhằm tước đi của tội phạm các ưu đãi tài chính và phá vỡ các hoạt động của các mạng lưới đó.
Các biện pháp nêu trên được ban hành sau một cuộc tấn công khủng bố tại Trung tâm thương mại Crocus City Hall gần Moskva vào tháng Ba, đã giết chết 145 người và làm bị thương khoảng 500 người. Các nhà điều tra đã xác định thủ phạm là một người nước ngoài. Vụ việc đã khiến Tổng thống Putin kêu gọi xem xét lại các chính sách nhập cư trong một bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg vào tháng Sáu. Tại đây, ông Putin cũng nhấn mạnh sự cân bằng giữa việc giải quyết các mối quan tâm an ninh và duy trì lực lượng lao động.
“Chúng ta không thể giả vờ vấn đề này không tồn tại”, ông Putin nói, đồng thời cũng lưu ý đến sự phụ thuộc của nước Nga vào lực lượng lao động nhập cư do thất nghiệp thấp và những thách thức về nhân khẩu.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov gần đây đã lặp lại tình giọng điệu của tổng thống, nói rằng nước Nga chào đón người di cư lao động cho sự phát triển năng động của đất nước, nhưng cũng cho rằng các biện pháp nhập cư phải đảm bảo an ninh và tuân thủ luật pháp.
Những thay đổi lập pháp gần đây tại Nga cũng bao gồm ban hành mới một luật yêu cầu trẻ em di cư vượt qua các bài kiểm tra ngôn ngữ Nga trước khi đăng ký vào các trường học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét