Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Món quà của nhà thông thái! - Đoàn Xuân Thu


The Last Leaf (Chiếc lá cuối cùng)Mục sư Luke Beidler và vợ là bà Dorothy Beidler, thuộc Hội thánh Tin Lành Mennonite, từ Hoa Kỳ đến Việt Nam truyền giáo từ năm 1966 đến 1975. Tại Cần Thơ, nơi ông bà Beidler gắn bó trong gần một thập kỷ. Ông bà Beidler tổ chức các hoạt động xã hội đầy ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người ở Tây đô, thủ phủ của Miền Tây. Ngoài ra thầy cô Beidler mỗi ngày chạy xe đạp sóng đôi đến dạy Anh ngữ tại Trường Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Cần Thơ. Đến năm 1975, trước khi Sài Gòn thất thủ, gia đình thầy cô Beidler rời Việt Nam và tiếp tục hành trình truyền giáo cũng như công tác nhân đạo tại Indonesia
<!>
Năm 1971, tui theo học môn Reading Comprehension, 4 tín chỉ, do thầy Beidler giảng dạy. Môn học nầy rèn luyện cho sinh viên kỹ năng đọc hiểu từ truyện ngắn, bài báo, đến các tài liệu học thuật. Reading Comprehension không chỉ giúp nâng cao vốn ngữ vựng (vocabulary) và củng cố văn phạm (grammar); môn học còn phát triển khả năng tư duy phân tích, giúp sinh viên nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh một cách toàn diện.

Ngoài giờ giảng dạy tại trường, thầy cô Beidler còn mở thêm lớp tiếng Anh miễn phí dành cho sinh viên của thầy tại ngôi nhà khang trang, mang phong cách kiến trúc Victoria, nằm trong Khu Văn Hoá, gần Đại học Khoa học Cần Thơ đầu đường Tự Đức phía bên tay trái. Thầy cô có hai đứa con: một gái, một trai. Em gái chừng 7 tuổi dịu dàng, đầy nữ tính. Em trai chừng 5 tuổi năng động vui đùa như các bé trai cùng tuổi khác. Tụi tui thường chơi đá banh trong sân trước nhà thầy; nó cho tui cơ hội thực tập nói tiếng Anh với thằng bé.

Căn phòng trước nhà thầy cô chia làm hai phòng nhỏ. Phòng bên trái là một cái lab (laboratory) đơn sơ, có dụng cụ thính thị (audio-visual aids) là hai cái máy cassette hiệu Sony của Nhựt Bổn với các cuồn băng C90 dài 90 phút thâu mỗi bài 10 câu đố “Yes hay No” (trúng hay sai) để sinh viên thực tập nghe tiếng Anh. Căn bên phải là một thư viện bỏ túi với vài trăm cuốn sách đa phần bằng tiếng Anh kể cả Từ điển Webster của Mỹ (Merriam-Webster Dictionary) và Từ điển Oxford của Anh (Oxford English Dictionary) giúp cho sinh viên tra cứu.

Tui làm quen với Mark Twain và O. Henry qua Ladder Books từ 1,000 tới 3,000 chữ, viết lại từ các tác phẩm văn học cổ điển với vốn từ giản dị, câu cú ngắn gọn, giúp người học dễ đọc, dễ dàng hiểu được nội dung câu chuyện. Tui rất thích O. Henry một tác giả người Mỹ nổi tiếng với những truyện ngắn kết thúc đầy bất ngờ và ý nghĩa sâu sắc.

O. Henry, tên thật là William Sydney Porter, sinh ngày 11 tháng 9 năm 1862 tại Greensboro, Bắc Carolina, và qua đời ngày 5 tháng 6 năm 1910 tại New York. O. Henry là bậc thầy trong việc miêu tả cuộc sống thường nhật qua ngòi bút giản dị với phong cách viết dí dỏm và thông minh nhưng thường kết thúc bằng những tình huống bất ngờ đầy sức lay động.

Một số truyện ngắn của ông thường gắn liền với mùa Giáng Sinh, trong đó nổi bật nhất là: The Last Leaf (Chiếc lá cuối cùng). Câu chuyện kể về Sue và Johnsy, hai nữ họa sĩ trẻ sống tại Greenwich Village. Mùa đông New York về đêm trời âm độ, tuyết rơi và gió lạnh. Johnsy mắc bệnh pneumonia (viêm phổi) nặng. Johnsy tuyệt vọng tin rằng mình sẽ qua đời khi chiếc lá cuối cùng trên cây nho ngoài khung cửa sổ rơi xuống. Một họa sĩ già đã vẽ lên bức tường đối diện chiếc lá cuối cùng không bao giờ rơi giữa đêm trời bão tuyết. Ông hy sinh mạng sống của mình để mang lại hy vọng cho cô gái trẻ.

The Cop and the Anthem (Tên cớm và bản Thánh ca): Câu chuyện về Soapy, một người ‘homeless’ (vô gia cư) ở thành phố New York xa hoa hào nhoáng. Mùa đông ở thành phố New York, nhiệt độ đêm về có thể xuống tới -2°C. Trời tuyết rơi, gió thường rất lạnh. Soapy (Soap là xà bông cho dù người vô gia cư ít bao giờ được tắm) cố gắng mọi cách để được bị bắt vào tù nhằm tránh rét mùa đông. Anh ném đá vào kính cửa hiệu, ăn quỵt trong nhà hàng, chọc gái, nhưng không một ai bắt anh. Cuối cùng, khi nghe bản thánh ca từ một nhà thờ, Soapy quyết định thay đổi. Nhưng trớ trêu thay, khi anh định làm lại cuộc đời, anh lại bị cảnh sát bắt tống anh vào tù vì nghi ngờ anh gây rối.

The Gift of the Magi – liesbeth-zwerger

The Gift of the Magi (Món quà của nhà thông thái) xuất bản lần đầu ngày 10 tháng 12 năm 1905 trên tạp chí New York Sunday World. Đây là câu chuyện về tình yêu và sự hy sinh giữa hai vợ chồng trẻ, Jim và Della Dillingham Young.

Della, với chỉ 1.87 đô la trong tay, đã bán đi mái tóc dài óng ả của mình được 20 đô la hầu mua dây đeo đồng hồ bằng bạch kim để tặng cho chồng vào dịp lễ Giáng Sinh … Trong khi đó, Jim bán chiếc đồng hồ vàng, gia bảo quý giá của gia đình, để mua một bộ lược đồi mồi cho mái tóc của Della. Khi họ trao nhau quà tặng, cả hai đều nhận ra món quà của mình giờ đây trở nên vô ích.

O. Henry so sánh Jim và Della với các Magi những nhà thông thái đã mang quà tặng đến cho Chúa Hài Đồng trong câu chuyện Giáng Sinh. Mặc dù hành động của họ có vẻ không khôn ngoan, nhưng chính sự hy sinh và tình yêu đã khiến họ trở thành những người thông thái nhất.

“Món Quà của Nhà Thông Thái” là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa về giá trị thực sự của tình yêu. Trong cuộc sống hiện đại, khi vật chất đôi khi lấn át những giá trị tinh thần, câu chuyện của O. Henry như một hồi chuông đánh thức, giúp ta nhận ra rằng món quà ý nghĩa nhất không phải là thứ đắt tiền, mà là sự chân thành và tấm lòng dành cho nhau. Chính trong sự giản dị ấy, câu chuyện mang lại cảm giác ấm áp, nhất là trong những ngày đông giá lạnh. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, đôi khi, món quà quý giá nhất không nằm trong gói quà, mà chính là tình cảm chân thành và sự hy sinh vì người mình yêu thương.

Merry Christmas!

ĐXT

Không có nhận xét nào: