Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Tân Giám Sát Betty Dương Của Quận Hạt Santa Clara, Hôm Qua, Đã Tuyên Thệ Nhậm Chức và Bắt Đầu Phục Vụ Ngay! Vận Động Cho Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Tuần Tới, Thứ Ba, Ngày 10 Tháng 12 Năm 2024 và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Tân Giám Sát Betty Dương Của Quận Hạt Santa Clara Tuyên Thệ Nhậm Chức! Làm Việc Ngay Sau Đó! -Hôm qua, Hội đồng giám sát đã bỏ thống nhất, bổ nhiệm Giám sát viên đắc cử Betty Duong, để phục vụ phần còn lại của nhiệm kỳ của cựu Giám sát viên Cindy Chavez. Duong đã tuyên thệ nhậm chức và bắt đầu phục vụ ngay sau đó.
<!>


Cô nói: "Gửi đến Hội đồng Giám sát, các đồng nghiệp trong quận, người dân và cộng đồng của Quận Hai, cảm ơn vì vinh dự được phục vụ này. Quận đã chào đón cha mẹ và cộng đồng của tôi cách đây gần 50 năm, với tư cách là khách hàng của chương trình, tái định cư người tị nạn. Tôi sinh ra tại bệnh viện quận, tại VMC. Anh chị em tôi và tôi được nuôi dưỡng, bằng các dịch vụ và chương trình của quận. Quận Santa Clara, đã định hình tôi, nuôi dưỡng tôi và truyền cảm hứng cho cam kết của tôi, đối với dịch vụ công.
Gửi đến tất cả các cá nhân trong quận, đã nghỉ hưu và hiện tại, những người đã xây dựng hệ thống, để tiếp nhận người nhập cư và người tị nạn, gửi đến các nhà lãnh đạo và thành viên cộng đồng, đã làm việc không biết mệt mỏi, để tạo ra một ngôi nhà mới cho chính họ và cho nhau, gửi đến những người hàng xóm của chúng ta, cam kết tạo ra một môi trường và cộng đồng chào đón cho tất cả mọi người, tôi hy vọng hôm nay sẽ khiến các bạn tự hào.
Được phục vụ các bạn, là một vinh dự và vinh dự. Tôi cam kết rằng công việc của tôi, tại Hội đồng Giám sát, sẽ là sự hợp tác với người dân, doanh nghiệp và cộng đồng của Quận Hai và toàn bộ Quận Santa Clara"
- Giám sát viên Betty Duong

Thư Cám ơn đã hiện diện trong buổi họp của Hội Đồng Giám Sát ngày 3 tháng 12 năm 2024

Kính gửi
Quý Vị Đại Diện Cộng Đồng Việt Mỹ,
các Tổ Chức, Hội Đoàn,
Quý Cơ Quan Truyền Thanh, Truyền Hình và Báo Chí,
Quý Anh Chị Thiện Nguyện Viên,
Quý Đồng Hương và
các Nhóm Bạn,
-Trước tiên, Betty xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị đã dành thời giờ quý báu để tham dự buổi lễ nhậm chức của Betty, thay thế cho người tiền nhiệm, bà Cindy Chavez. Từ thời điểm này đến cuối tháng 12, địa hạt 2 sẽ có người chính thức đảm trách công việc phục vụ cư dân, và Betty cam kết sẽ cống hiến hết sức mình cho trọng trách này.
Ngày 10 tháng Giêng năm 2025 (từ 5 giờ chiều-8 giờ tối), Betty sẽ có buổi lễ ra mắt cộng đồng sau khi chính thức nhậm chức. Sau khi mọi việc được xếp đặt xong, Betty sẽ thông báo các chi tiết về buổi lễ này đến quý vị.

Kính thưa quý vị, đây là một cột mốc đầy ý nghĩa không chỉ với riêng Betty mà còn đối với cộng đồng, khi lần đầu tiên có một người Việt Nam được bầu vào Hội đồng Giám sát Hạt Santa Clara. Betty vô cùng tự hào và sẽ nỗ lực không ngừng để xứng đáng với niềm tin yêu của quý vị.
Betty rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn, và yêu thương của quý vị trong suốt nhiệm kỳ này.
Với tất cả lòng tri ân và sự trân quý,

Betty Dương
Giám Sát Viên
Hạt Santa Clara, Khu Vực 2


Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền: Báo cáo viên đặc biệt LHQ, kêu gọi CS Việt Nam cho phép thị sát, nhấn mạnh thực trạng vi phạm nhân quyền đáng lo ngại nhất, trong các Quốc gia thẳng tay đàn áp Quyền Làm Người!


Trong nước, Cộng Sản bịt miệng, Chúng ta phải “lên tiếng! đừng im tiếng!”


-Trong một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội X ngày 27/11, bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Người bảo vệ nhân quyền, đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn được trở lại Việt Nam. Phát biểu trước Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, bà Lawlor vừa chân thành, vừa tỏ ra giận dữ:
“Việt Nam, hãy mời tôi. Tôi rất muốn được trở lại Việt Nam! Nhưng quý vị biết không, quý vị đến đây và nói tất cả những thứ này, rồi không cho bất kỳ ai trong chúng tôi vào, thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì quý vị nói?”


Tình trạng từ chối tiếp cận của Việt Nam với các báo cáo viên LHQ


Bà Mary Lawlor không phải là trường hợp duy nhất bị từ chối thị sát dù đã nhiều lần gửi đề nghị đến chính phủ CS Việt Nam. Theo thông báo của Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền của LHQ hôm 27/11, trong năm 2024, CS Việt Nam đã từ chối hai đề nghị thăm quốc gia của Báo cáo viên đặc biệt về Xu hướng tính dục và Bản dạng giới, cùng với Báo cáo viên đặc biệt về Chất độc và Nhân quyền.


Ngoài ra, Hà Nội cũng chưa đưa ra lời mời thường trực cho Nhóm công tác về Giam giữ tùy tiện, dù nhóm này đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm và lên kế hoạch thăm Việt Nam vào năm 2025. Từ năm 2020 đến 2023, sáu Báo cáo viên đặc biệt khác, chuyên trách về các lĩnh vực như người bản địa, buôn bán trẻ em, nô lệ, buôn người, bảo vệ nhân quyền, và các vụ hành quyết ngoài tư pháp, cũng đã bị từ chối tiếp cận.
Những Báo cáo viên đặc biệt này là các chuyên gia độc lập của LHQ, chịu trách nhiệm điều tra và báo cáo về tình hình nhân quyền tại các quốc gia, hoặc theo dõi những vấn đề chuyên môn cụ thể. Công việc của họ bao gồm giải quyết các trường hợp khẩn cấp và thực hiện những chuyến thị sát để đánh giá thực trạng vi phạm nhân quyền.


Việt Nam trước áp lực quốc tế

Trong khi chính phủ Việt Nam thường tuyên bố cam kết với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, việc từ chối tiếp cận với các chuyên gia của LHQ đã đặt ra nhiều câu hỏi. Phóng viên đã gửi đề nghị bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi nào.
Báo cáo viên đặc biệt gần đây nhất được phép thăm Việt Nam là ông Surya Deva, chuyên trách quyền phát triển. Trong chuyến công tác kéo dài 10 ngày vào tháng 11/2023, ông Deva đã gặp các quan chức chính phủ và thăm một số địa phương.
Tuy nhiên, ông chỉ gặp trực tuyến với một số gia đình tù nhân lương tâm, trước khi đến Việt Nam, thay vì tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại nước này.

Tình trạng tù nhân lương tâm và lời kêu gọi của bà Mary Lawlor
Bà Mary Lawlor cũng nhấn mạnh một thực trạng đáng báo động khi cho rằng Việt Nam là quốc gia có nhiều nhà bảo vệ nhân quyền, phải thụ án hơn 10 năm tù nhất trên thế giới. Bà khẳng định mình có đầy đủ thông tin về vấn đề này và tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam hợp tác:


“Bất cứ khi nào tôi nói về việc có ai đó bị bắt vì bảo vệ nhân quyền, quý vị đều trả lời bằng cùng một câu trả lời. Nếu quý vị muốn tham gia với tôi, thì hãy làm ơn thực hiện, bởi vì tôi rất muốn làm như vậy.”
Lời kêu gọi của bà Mary Lawlor phản ánh áp lực ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế, đối với tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Trong bối cảnh Hà Nội muốn khẳng định vị thế trên trường quốc tế, các hành động như từ chối tiếp cận các báo cáo viên LHQ, đang khiến nhiều tổ chức và cá nhân lo ngại về sự minh bạch và cam kết của chính phủ Việt Nam đối với quyền con người.


Kính gửi đến quý vị để kính tường và ký tên.
Bản KN sẽ được nộp cho UB NQ Liên Hiệp Quốc nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền


KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM TRONG NƯỚC & HẢI NGOẠI V/V ‘VẬN ĐỘNG NHÂN QUYỀN, TỰ DO DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM’ NHÂN NGÀY QUỐC TẾ NHẬN QUYỀN LẦN THỨ 76



XÉT RẰNG,
1- Kể từ ngày 30/4/1975, nhà cầm quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị bởi đảng Cộng Sản Việt Nam. Các quyền tự do căn bản của công dân đều bị tước đoạt, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo v.v…


2- Hệ thống tư pháp hoàn toàn do đảng CSVN kiểm soát. Các vụ án đều được xét xử một cách bất công, thiếu tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều vụ bắt bớ, giam cầm, xét xử các bloggers, các nhà văn, nhà báo, các chức sắc và tín đồ tôn giáo một cách tùy tiện. Hiện nay có trên 200 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ vì những hoạt động ôn hòa đòi dân chủ.
Các thẩm phán, chánh án, nhân sự tư pháp đều do đảng chỉ định, thiếu khả năng về luật pháp. Các luật sư bị đe dọa, đàn áp, nhiều người đã phải trốn ra nước ngoài vì bào chữa cho các thân chủ bị oan ức.
3- Nhà cầm quyền đã cấu kết với cán bộ đảng viên, công khai tham nhũng, thâm lạm và cướp đoạt tài sản công và của dân, ngân sách quốc gia cạn kiệt, xã hội suy đồi, văn hóa biến chất, giáo dục, y tế xuống dốc, đời sống nhân dân gặp khó khăn.


4- Nhà cầm quyền tịch thu tài sản và các cơ sở tôn giáo kể từ năm 1975 mà vẫn chưa hoàn trả; tiếp tục đóng cửa các trường học, tu viện, cơ quan từ thiện; Nhà nước thành lập các tổ chức tôn giáo quốc doanh, đàn áp các tôn giáo chơn truyền; phá bỏ Chùa Liên Trì và các cơ sở thờ phượng của Phật giáo Việt Nam Thống Nhất; cướp đoạt tài sản của giáo hội Công Giáo tại Hà Nội và nhiều nơi khác; tịch thu Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh, Phú Yên…; tịch thu tài sản và đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo ở Miền Tây, Tin Lành sắc tộc ở Tây Nguyên và nhiều nơi khác…
5- Nhà cầm quyền đã xem thường những khuyến cáo và lên án của các tổ chức nhân quyền quốc tế hoặc của chính phủ các nước tự do về những vi phạm nhân quyền của đảng cộng sản Việt Nam.
Vì những lý do trên, nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 76 năm 2024, Người Việt trong nước và tại hải ngoại:


1-Cực lực phản đối nhà cầm quyền CSVN đã vi phạm nhân quyền trầm trọng, đàn áp thô bạo người dân tại Việt Nam.
2-Thỉnh cầu Quốc tế và Liên Hiệp Quốc áp lực buộc nhà cầm quyền CSVN phải:
a-Tôn trọng bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, các Công Ước Quốc Tế về quyền tự do chính trị và dân sự của LHQ mà chính họ đã cam kết thi hành khi gia nhập;
b-Bảo đảm các quyền tự do căn bản của công dân, chấp nhận các tổ chức xã hội dân sự hoạt động;.


c-Trả lại các tài sản của các giáo hội đã bị cướp đoạt trước đây. Phải để cho các tôn giáo được tự do hành đạo không có sự can thiệp của chính quyền.
d-Chấp nhận và thi hành một hệ thống tư pháp độc lập, hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Thả ngay các tù nhân chính trị, tôn giáo, các ký giả, các nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ cách phi pháp
e-Bãi bỏ điều 4 hiến pháp, điều khoản phi dân chủ được xử dụng để thống trị nhân dân, hoàn toàn trái ngược với tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền
f-Tổ chức bầu cử tự do thật sự với sự giám sát của quốc tế.


Toàn thể người dân Việt Nam trong và ngoài nước khẩn khoản thỉnh cầu cơ quan Liên Hiệp Quốc và các quốc gia dân chủ tự do trên thế giới hỗ trợ nhân dân Việt Nam được hưởng nền dân chủ, thịnh vượng, nhân quyền được tôn trọng, đời sống được hạnh phúc như các quốc gia khác trên thế giới.
Trân trọng cám ơn và kính chào.
Làm tại New York ngày 6 tháng 12 năm 2024
Đồng ký tên:

• Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại VN: HT Thích Không Tánh, BS Võ Đình Hữu, BS Đỗ Văn Hội
•Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam: HT Thích Không Tánh; CTS Hứa Phi; LM Nguyễn Văn Lý; Ô. Lê Văn Sóc; MS Nguyễn Hoàng Hoa
•Chánh Trị Sự Nguyễn Kim Lân, Chánh Trị Sự Nguyễn Bạch Phụng: Tộc Đạo Châu Thành Vĩnh Long
•Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ: Ô. Lê Thanh Liêm, TT Lê Đình Yên Phú, Ô. Jason Lý và các Cộng Đồng Thành Viên.
•Khối 8406 Hải Ngoại: Ô. Vũ Hoàng Hải, đại diện.
•Liên Hội Người Việt Tự Do Cộng Hòa Liên Bang Đức: BS Hoàng Thị Mỹ Lâm.
•Cộng Cồng Người Việt Tự Do Montreal, Canada: Dr Nguyen Ngoc Nga
•Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VN: Ô. Huỳnh Công Ánh, Ô. Nguyễn V. Vui.
•Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa: BS Phạm Đức Vượng.
•Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam: TS Nguyễn Bá Tùng
•Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam: Ô. Phạm Trần Anh
•Phong Trào Yểm Trợ Tự Do Tôn Giáo & Nhân Quyền Việt Nam: Cao Xuân Khải
•Văn Phòng Liên Lạc Hải Ngoại / Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam: BS Đỗ Văn Hội
•Alliance for Vietnam’s Democracy
•Vietnam Democracy Center: Nhat Thien
•Minh Van Foundation, Minh Tran, President
•Ủy Ban Nhân Quyền Helsinki: Trần Tử Thanh
•Ủy Ban Yểm Trợ Dân Chủ Toronto, Canada.
•Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Jacksonville: Lê Đình Yên Phú
•Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia New Hampshire: Cao xuân Khải, Nguyên Chủ Tịch
•Cao Thái Hải, Alliance for Democracy in VietNam.
•Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam New Jersey: Nguyễn tường Thược
•Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị VN New Orleans: Nguyễn Văn Vui, Quách Gia Tịnh, Đinh Vũ Bình
•Khu Hoi Cựu Tù Nhân Chinh Trị Canada - Nguyễn như Thành
(còn tiếp)

Ký tên vào Kiến Nghị xin gửi về:

•BS Võ Đình Hữu: drhuu vo <drhvo@yahoo.com>
•BS Đỗ Văn Hội: hoi do <hoivando@gmail.com>,
•Ô. Lê Thanh Liêm: Anthony Le <anthonyle65@gmail.com>,
--
Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Hải Ngoại Việt Nam
United Council of Vietnamese in Homeland and Overseas (UCVHO)
Liên Kết Trong Ngoài tạo sức mạnh
Tranh Đấu Cho Tự Do Dân Chủ,
Vẹn Toàn Lãnh Thổ của Việt Nam
Liên lạc: UCVHO
10495 Bolsa Ave, Suite 206, Westminster, Ca 92683
Điện thoại: 909-802-6717
Website: LienketQnHn.org
Check xin đề UCVHO gửi về địa chỉ ở trên.


Tại Sao Quốc tế ít chú ý đến nhân quyền Việt Nam, dù liên tục bị xếp hạng gần chót “không có tự do!” Vì các tổ chức quốc tế, thường sẽ ưu tiên chú ý đến, những vấn đề nóng trên thế giới hơn!


-Năm nay Việt Nam bị xếp vào nhóm "không có tự do" với 19/100 điểm. Freedom House
Tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam ít được quốc tế chú ý đến trong bối cảnh thế giới có quá nhiều biến động như bầu cử thế giới, Hoa Kỳ, chiến tranh… Điều đó có thể dẫn đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một tệ hơn.
Liên tục vào nhóm gần chót “Không có tự do!”
Freedom House tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm “không có tự do”, cả về quyền chính trị lẫn các quyền tự do dân sự. Tổng điểm số về tự do của đất nước hình chữ S này chỉ khiêm tốn ở mức 19/100, bằng điểm số từ năm 2021 cho đến năm 2023.

 
Báo cáo xếp hạng chỉ số Tự do toàn cầu thường niên của Freedom House vừa được công bố vào sáng ngày 29/2/2024 (giờ miền Đông Hoa Kỳ). Năm nay, báo cáo này xem xét và chấm điểm tình trạng tự do và dân chủ của 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ, đồng thời xếp các quốc gia này vào ba nhóm, gồm “tự do, tự do một phần hoặc không có tự do.”
Chỉ số tự do chính trị của Việt Nam năm 2024 là 4/40, trong khi chỉ số tự do dân sự là 15/60. Với 19/100 điểm, Việt Nam cùng với 74 quốc gia khác bị xếp vào nhóm “không có tự do”.
Đánh giá về điểm số của Việt Nam trong năm nay, tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch BPSOS, một tổ chức chuyên vận động cho nhân quyền Việt Nam nhận định


“Tình hình không có gì thay đổi cả. Có đôi chỗ có thay đổi một tí. Ví dụ như là minh bạch hơn trong lĩnh vực chống tham nhũng, nhưng đổi lại nó lại đi giật lùi trong chuyện một số nhà đấu tranh cho quyền công lý về môi sinh bị bắt bớ về tội trốn thuế… Thành ra Việt Nam bây giờ vẫn đứng như cũ, chỉ số tổng hợp vẫn là 19/100.”
Chỉ số về Tự do Internet của Việt Nam cũng chỉ đạt 22/100, xếp loại “không có tự do” vì chính quyền có những hành vi ngăn chặn quyền truy cập Internet và hạn chế về nội dung của người dùng.
Nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng chính quyền bóp nghẹt mọi tiếng nói bày tỏ quan điểm trên không gian mạng:


“Trong những năm vừa qua thì họ bắt hết những người sử dụng các trang mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, chính kiến. Kể cả những người bức xúc do những chính sách sai lầm của chế độ, họ chỉ muốn bày tỏ bức xúc thôi nhưng cũng đã bị xử theo điều 331 rồi, thì đó là việc họ (chính quyền - PV) bóp nghẹt dư luận.”
Báo cáo chi tiết về tình hình tự do của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ được Freedom House công bố vào tuần tới.
Không được quốc tế chú ý?
Dù liên tục bị đứng vào nhóm chót bảng xếp hạng về chỉ số tự do trong nhiều năm liền, Việt Nam vẫn không phải là cái tên được chú ý trong báo cáo chung do Freedom House công bố mới đây.


Điều này, theo ông Thắng, là vì tình hình tự do, nhân quyền ở Việt Nam luôn luôn tệ hại, không có bất kỳ thay đổi nào để Freedom House có thể chú ý, làm nổi bậc trong báo cáo chung:
“Thường thường khi mà họ cập nhật thì họ chỉ ra những diễn tiến quan trọng trong năm trước. Bản báo cáo năm nay, do là tình hình nhân quyền trong năm 2023 không có gì thay đổi hết và nó bị xấu đến gần như là tột cùng rồi, không thể xấu hơn được nữa cho nên không có gì nhiều để làm nổi bật lên trong bảng báo cáo chung.”


 
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, các tổ chức quốc tế thường sẽ ưu tiên chú ý đến những vấn đề nóng trên thế giới trong năm qua như cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vào đầu năm 2022, rồi sau đó đến cuộc chiến của Israel với Hamas ở Trung Đông… Tuy nhiên, theo ông Đài, không được nhắc tới không có nghĩa là nhân quyền Việt Nam không đáng quan ngại:
“Có quá nhiều sự kiện mà các tổ chức quốc tế họ cần phải quan tâm, trong khi đó thì Việt Nam trong suốt nhiều năm đều như vậy, cho nên trong giai đoạn gần đây thì họ cũng bớt đi sự quan tâm phần nào đối với tình trạng nhân quyền Việt Nam. Điều đó cũng dẫn đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày một tệ hơn.”


Báo cáo của Freedom House cũng cho thấy ở khu vực Đông Nam Á, có năm quốc gia nằm trong nhóm không có tự do, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Brunei. Chỉ số tự do của Việt Nam chỉ xếp trên quốc gia do quân đội lãnh đạo Myanmar với tám điểm.
Năm quốc gia tự do một phần ở khu vực này bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines và Thái Lan. Chỉ có một nước được xếp vào nhóm có tự do là Đông Timo với 72 điểm.
Ngoài ra, chỉ số tự do toàn cầu đã suy giảm năm thứ 18 liên tiếp vào năm 2023, khi các quyền chính trị và tự do dân sự bị suy giảm ở 52 quốc gia, chiếm 1/5 dân số thế giới. Sự sụt giảm vừa lan rộng vừa nghiêm trọng, làm lu mờ những cải thiện được quan sát thấy ở 21 quốc gia khác.
Theo Freedom House, thao túng bầu cử, chiến tranh và tấn công vào chủ nghĩa đa nguyên - sự chung sống hòa bình của những người có tư tưởng chính trị, tôn giáo hoặc bản sắc dân tộc khác nhau - là những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái toàn cầu.


Hiện nay, gần 38% người dân thế giới đang sống ở các quốc gia bị xếp hạng “không có tự do”, 42% sống ở các quốc gia “tự do một phần” và chỉ 20% dân số sống ở các quốc gia tự do.



Tin Quốc Tế Đó Đây
Phiên Tòa Lịch Sử Về Khí Hậu: Gần 100 Nước và 12 Tổ Chức Tham Gia


(Hình AP - Peter Dejong: Phái đoàn Vanuatu và Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế về khí hậu ở The Hague, Hòa Lan, ngày 2/12/2024.)
-Có công lý cho khí hậu hay không? Những nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm tổn hại đến khí hậu Trái đất có bị trừng phạt về tài chánh hay không? Trong phiên tòa mở ra hôm 2/12/2024, tại The Hague (Hòa Lan),Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ), sẽ phải đưa ra phán quyết về vấn đề này.
Tổng cộng 98 quốc gia và 12 tổ chức tham gia phiên tòa kéo dài đến ngày 13/12, một con số đông chưa từng có, theo thông tấn xã AFP.
Vanuatu, tiểu quốc đảo ở Thái Bình Dương, có nguy cơ bị nước biển dâng cao nhấn chìm, do khí hậu trái đất nóng lên, là nước đi đầu trong sáng kiến đưa vấn đề ra trước cơ quan pháp lý cao nhất của Liên Hiệp Quốc. Đặc phái viên Stéphanie Maupas của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ The Hague:
"Thay những hứa hẹn chính trị bằng các nghĩa vụ pháp lý là thách thức chủ yếu của phiên tòa này. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, thuộc nhóm "các nước phương Nam", hy vọng một phán quyết như vậy sẽ giúp củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán tương lai.

Một phán quyết giúp tái cân bằng tương quan lực lượng. Đây là điều mà đặc phái viên của Vanuatu về biến đổi khí hậu Ralph Regenvanu nhấn mạnh: "Chúng ta cần đến một hành động khí hậu mạnh mẽ hơn, chúng ta phải cắt giảm khí thải, các quốc gia có nhu cầu nhất phải được cung cấp tài chánh cho khí hậu. Đây là toàn bộ những điều mà tất cả các nước đã đồng ý ở Paris, với Hiệp định Paris. Đây không phải là điều gì mới mẻ. Các nước đã chấp thuận nhưng lại không thực thi. Vì vậy, chúng tôi cần Tòa án quốc tế khẳng định về mặt pháp lý, các vị có nghĩa vụ thực thi việc này và điều đó sẽ giúp chúng tôi trong các cuộc đàm phán".
Họ hy vọng rằng một phán quyết như vậy có thể thay đổi cán cân quyền lực, mang lại vũ khí cho các Thẩm phán trên khắp thế giới trong việc xét xử các vụ kiện về khí hậu, và yêu cầu những bên gây ô nhiễm phải trả tiền, nếu họ từ chối thực thi các cam kết.
Ý kiến của Tòa Công lý Quốc tế không mang tính cưỡng chế, nhưng các nước công nghiệp hóa nhất đều hiểu rõ vấn đề. Các Luật sư của Bắc Kinh, Hoa Thịnh Ðốn và Riyadh, cũng như của liên minh các quốc gia dầu mỏ OPEC rõ ràng có ý định bảo vệ lợi ích của họ trước các Thẩm phán".
Phiên tòa tại The Hague diễn ra ít ngày sau hội nghị khí hậu COP29 tại Azerbaidjan kết thúc với thỏa thuận "ít nhất 300 tỉ Mỹ kim/năm từ đến 2035" cho tài chánh khí hậu. Các nước nghèo nhất, cũng là các nước có nguy cơ tổn thất nhiều nhất do biến đổi khí hậu, đã cực lực lên án các nước giàu về khoản tiền quá ít so với dự kiến ban đầu là hơn 1.000 tỉ Mỹ kim/năm, theo thẩm định của chuyên gia Liên Hiệp Quốc.
Thỏa thuận của COP29 cũng bị chỉ trích vì không khẳng định mục tiêu hướng tới từ bỏ năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính khiến Trái đất bị hâm nóng. Lượng khí thải tiếp tục phá kỷ lục bất chấp các cam kết cắt giảm mạnh, theo báo cáo của các nhà khoa học thuộc Global Carbon Project, được công bố tại COP29.


Chống Suy Thoái Đất Do Hạn Hán: Khai Mạc Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Tại Xứ Sở Sa Mạc


(Ảnh RFI / Sarah Tétaud, minh họa: Phá rừng là nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái đất.)
-Từ ngày 2 đến ngày 13/12/2024, tại Riyadh, thủ đô của Ả Rập Saudi, diễn ra hội nghị của Liên Hiệp Quốc về sa mạc hóa và suy thoái đất. Khoảng 1,5 tỉ hecta đất trên Trái đất - tương đương khoảng 45 lần diện tích của Việt Nam - bị suy thoái do khô hạn, do phá rừng, do các hoạt động gây ô nhiễm. Đời sống của khoảng 1,8 tỉ dân cư bị ảnh hưởng, trong đó 85% là dân các nước nghèo.
Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành của Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống sa mạc hóa (UNCCD), và Johan Rockstrom, Giám đốc của Viện Nghiên cứu Khí hậu Potsdam, cảnh báo: "Chúng ta đang đứng bên bờ vực thẳm và phải quyết định xem nên lùi lại và thực hiện các biện pháp chuyển đổi hay tiếp tục con đường thay đổi môi trường không thể đảo ngược này".
Một ngày trước khi hội nghị COP16 khai mạc, các nhà khoa học của UNCCD ra một báo cáo mới nêu bật gánh nặng ghê gớm của xu thế suy thoái đất đối với nông nghiệp thế giới. Theo ông Ibrahim Thiaw, vấn đề đặt ra tại COP16 lần này là tìm được một thỏa thuận nhằm gia tăng việc phục hồi các vùng đất bị suy thoái, và phát triển một cách tiếp cận chủ động để chống nạn hạn hán. Theo thư ký điều hành của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống sa mạc hóa, thế giới đã "mất gần 40% đất", do suy thoái.

Chuyên gia Matthew Archer, Phó Giáo sư tại Đại học Maastricht ở Hòa Lan, bày tỏ sự hoài nghi đối với các cuộc thương lượng về sa mạc hóa. Trả lời thông tấn xã AFP, chuyên gia này cho biết "không thể trông đợi COP16 sẽ đưa ra một giải pháp khả thi cho tình trạng sa mạc hóa", các hội nghị này "hoàn toàn không có khả năng xác lập hành động chính trị tương thích với các cuộc khủng hoảng sinh thái xã hội hiện nay". Vào đầu tháng 11/2024 tại Colombia, Hội nghị về Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc COP16 rút cục đã không đạt được một thỏa thuận về nguồn tài chánh về bảo vệ thiên nhiên.
Còn tại hội nghị COP29 về khí hậu ở Azerbaidjan vừa qua, Ả Rập Saudi - nhà xuất cảng dầu mỏ chủ yếu của thế giới - đã bị cáo buộc đã ngăn cản việc đưa mục tiêu thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch vào trong thỏa thuận cuối cùng. Theo thông tấn xã AFP, dù sao việc hội nghị sa mạc được tổ chức tại chính Ả Rập Saudi, quốc gia đang bị nạn sa mạc hóa đe dọa nghiêm trọng, cũng có thể là một cơ hội thúc đẩy các đàm phán nghiêm túc hơn về chủ đề mang tính sống còn với nhân loại này.


Mỹ Không Giao Trả Vũ Khí Nguyên Tử Cho Ukraine


(Hình REUTERS, minh họa: Nga và Belarus diễn tập vũ khí nguyên tử chiến thuật.)
-Hôm 1/12/2024, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết Mỹ không xem xét hoàn trả lại cho Ukraine vũ khí nguyên tử mà họ đã từ bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ông Sullivan có phát biểu như vậy khi được hỏi về bài báo của New York Times hồi tháng trước trong đó đưa tin rằng một số viên chức phương Tây giấu tên đã gợi ý Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể cung cấp vũ khí nguyên tử cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở.
"Điều đó không được xem xét, không. Những gì chúng tôi đang làm là tăng cường những năng lực thông thường đa dạng cho Ukraine để họ có thể tự vệ hiệu quả và chiến đấu với người Nga, chứ không phải cung cấp cho họ năng lực nguyên tử", ông nói với kênh ABC.
Tuần trước, Nga cho biết ý tưởng này là 'hoàn toàn điên rồ' và một trong những lý do khiến Mạc Tư Khoa đưa quân vào Ukraine là ngăn chặn kịch bản như vậy xảy ra.
Kyiv được thừa hưởng vũ khí nguyên tử từ Liên Xô sau khi nước này sụp đổ hồi năm 1991 nhưng đã từ bỏ chúng theo một thỏa thuận năm 1994 được gọi là Bản ghi nhớ Budapest để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Nga, Mỹ và Anh.


Thủ Tướng Đức Đến Kyiv, Cam Kết Viện Trợ Quân Sự Cho Ukraine



(Hình AP: Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine, ông Zelenskyi.)
-Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứa sẽ viện trợ quân sự 680 triệu Mỹ kim cho Ukraine khi ông cam kết hỗ trợ nước này trong chuyến thăm Kyiv hôm 2/12/2024.
Thủ tướng Scholz cho biết Ukraine có thể dựa vào Đức và chuyến thăm của ông nhằm củng cố cam kết đó.
Ông cho biết các thiết bị quân sự mới sẽ được chuyển giao cho Ukraine trong tháng này.
Chuyến thăm của ông Scholz diễn ra trong bối cảnh có nghi ngờ về viện trợ của phương Tây cho Ukraine trong tương lai với việc Mỹ sẽ thay đổi lãnh đạo vào tháng 1/2025.
Quân đội Ukraine hôm 2/12 cho biết họ đã bắn hạ 52 trong số 110 máy bay không người lái mà quân Nga đã phóng lên trong các cuộc tấn công trong đêm.
Các vụ bắn hạ xảy ra tại các khu vực Cherkasy, Chernihiv, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Khmelnytskyi, Kyiv, Poltava, Sumy, Vinnytsia và Zhytomyr, Không quân nước này cho biết.

Viacheslav Negoda, người đứng đầu chính quyền quân sự vùng Ternopil, cho biết trên Telegram rằng các cuộc tấn công của Nga đã giết chết một người và làm bị thương một số người khác.
Các viên chức ở Cherkasy cho biết các mảnh vỡ từ máy bay không người lái rơi xuống đã làm hư hại một số công trình dân cư.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ 15 máy bay không người lái của Ukraine. Cơ quan này cho biết họ đã phá hủy máy bay không người lái tại các khu vực Kursk, Bryansk và Belgorod, và trên bầu trời bán đảo Crimea do Nga chiếm đóng.


Syria: Lực Lượng Nổi Dậy Tiếp Tục Tiến Quân, Tổng Thống Assad Tìm Kiếm Đồng Minh Hỗ Trợ


(Hình AP / Ghaith Alsayed: Một chiến binh đối lập Syria bắn chỉ thiên mừng chiến thắng ở trung tâm thành phố Aleppo, Syria, ngày 30/11/2024.)
-Sau khi chiếm được toàn bộ Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria, các lực lượng nổi dậy hôm 2/12/2024, tiếp tục mở rộng chiến dịch tấn công ở tỉnh Idleb ở miền Bắc và Hama ở miền Trung. Tổng thống Syria Bachar al-Assad đang nỗ lực tìm kiếm hậu thuẫn của các đồng minh sau khi mất quyền kiểm soát Aleppo. Các cuộc giao tranh đã làm hơn 410 người thiệt mạng.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi nổ ra nội chiến ở Syria vào năm 2011, chính quyền Damascus, một đồng minh của Iran và Nga, hoàn toàn mất quyền kiểm soát thành phố Aleppo ở miền Bắc sau các cuộc tấn công của liên minh các lực lượng nổi dậy do các nhóm thánh chiến cầm đầu đầu. Theo thông tín viên Paul Khalifeh của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại khu vực, các lực lượng thánh chiến và nổi dậy đã gần như kiểm soát hoàn toàn tỉnh Idleb và hiện tiếp tục tiến quân ở phía Nam tỉnh Aleppo. Tại đây, phiến quân đã chiếm một phi trường quân sự và một phi trường quốc tế.

Quân đội Syria và đồng minh Nga đã tăng cường tuyến phòng thủ tại Hama, ở miền Trung. Tổng tư lệnh quân đội Syria hôm 1/12 đã trực tiếp tới mặt trận trong vùng này và khẳng định quân chính phủ đã chặn được cuộc tấn công của lực lượng thánh chiến nổi dậy, đồng thời đã chiếm lại được một số vị trí.
Từ ngày Chủ Nhật (1/12), Không quân Nga đã tiến hành hàng chục cuộc không kích, cố ngăn chặn đà tiến của lực lượng thánh chiến và liên quân chống Damascus. Quân đội Nga, có căn cứ Không quân lớn tại tỉnh duyên hải Lattaquié, đang tích cực hỗ trợ quân đội Syria.
Hôm 1/12, tại Damascus, Tổng thống Syria đã tiếp Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ông Assad nhấn mạnh "sự hậu thuẫn của các đồng minh và bạn bè để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố được ngoại quốc yểm trợ là vô cùng quan trọng". Sau Damascus, Ngoại trưởng Iran tối qua đã tới Ankara để thảo luận với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Hôm 1/12, trong một thông cáo chung, Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Anh đã kêu gọi "giảm leo thang căng thẳng" tại Syria, đồng thời khẳng định cuộc xung đột càng cho thấy phải cấp tốc tìm một giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.
Tổ chức phi chính phủ Đài quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) cho biết các cuộc giao tranh bùng lên từ thứ Tư tuần trước đã làm hơn 410 người thiệt mạng, trong đó 214 người thuộc lực lượng nổi dậy, 137 người thuộc quân chính phủ và 61 thường dân. Sau vụ đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 2011, Syria đã rơi vào nội chiến kéo dài gần chục năm làm gần nửa triệu người chết.


Tổng Thống Gruzia: Phong Trào ủng Hộ Gia Nhập Liên Hiệp Âu Châu "Không Suy Yếu"


(Hình AP - Zurab Tsertsvadze: Tổng thống Gruzia, bà Salomé Zourabichvili phát biểu trong một cuộc biểu tình của phe đối lập phản đối kết quả bầu cử Quốc hội ở thủ đô Tbilisi của Gruzia, ngày 28/10/2024.)
-Hôm 2/12/2024, Tổng thống thân phương Tây của Gruzia, bà Salomé Zourabichvili tuyên bố phong trào ủng hộ tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU) không có "dấu hiệu suy yếu", sau khi đảng Giấc mơ Gruzia, cầm quyền từ năm 2012, bị phe đối lập cáo buộc có xu hướng độc tài thân Nga. Phe này đã khởi xướng làn sóng biểu tình mới từ hôm 28/11 do chính phủ hoãn đến năm 2028 các cuộc đàm phán gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Từ Tbilisi, thông tín viên Régis Genté của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Giữ vững khí thế, phong trào phản đối việc đóng băng quá trình hội nhập Liên Hiệp Âu Châu của Gruzia đã làm thay đổi xu hướng vào cuối tuần qua. Phong trào đã gây ra những rạn nứt chưa từng có trong chế độ của nhà tài phiệt Bidzina Ivanishvili, và tạo cơ hội cho Tổng thống Salomé Zourabichvili chuyển sang thế công.

Với lợi thế đó, Tổng thống đã từ chối từ chức, muốn thành lập một hội đồng chuyển tiếp, có nhiệm vụ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội mới, với mục tiêu đưa Gruzia trở lại con đường hội nhập Liên Hiệp Âu Châu.
Sự kiện này làm cho những người biểu tình ủng hộ Âu Châu cảm thấy hài lòng, như Nikoloz,18 tuổi. Anh nói: "Tôi nghĩ Zourabichvili là một trong những Tổng thống quan trọng nhất lịch sử của chúng tôi, vì bà đã chọn đứng về phía nhân dân chứ không phải về phía chính phủ. Đúng là bà ấy không chọn phe ngay từ đầu, nhưng tôi nghĩ rằng thà chọn muộn còn hơn là không bao giờ".
Mặc dù còn trẻ, cậu học sinh này vẫn nhớ vị Tổng thống đương nhiệm đã được bầu lên nhờ sự hậu thuẫn của đảng cầm quyền Giấc mơ Gruzia và người sáng lập Bidzina Ivanishvili, nhân vật mà giờ đây bà đang đối đầu. Và bà có thể đóng một vai trò thiết yếu, giúp tập hợp một phe đối lập bị chia rẽ xung quanh một đồng thuận tối thiểu, đó là chọn hướng về Âu Châu...".


Tổng Thống Pháp Thăm Ả Rập Saudi: Trọng Tâm Là Tránh Leo Thang Căng Thẳng Khu Vực


(Ảnh AP - Yoan Valat, tư liệu: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman họp báo tại Điện Elysee ở Paris, Pháp, ngày 10/4/2018.)
-Hôm 2/12/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du Ả Rập Saudi. Trong tâm của chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày là tăng cường hợp tác giữa Paris và Riyadh nhằm giảm căng thẳng và tránh xung đột lan rộng tại khu vực Trung Cận Đông.
Theo thông cáo của Điện Elysée, trong chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Ả Rập Saudi từ gần 20 năm nay, lãnh đạo hai bên sẽ chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên thành "Đối tác Chiến lược".
Điện Elysée cũng cho biết Tổng thống Macron sẽ thảo luận với Thái tử Ả Rập Saudi về phương thức hậu thuẫn quân đội Lebanon, hiện đang được tái khai triển tại vùng biên giới phía Nam, giáp với Do Thái, sau khi Do Thái và lực lượng Hezbollah thân Iran đạt Thỏa thuận Hưu chiến hôm 27/11, nhờ các thúc đẩy của Mỹ và Pháp.

Paris dự kiến cung cấp thiết bị tháo dỡ bom mìn và phương tiện cho lực lượng công binh Lebanon. Theo một người thông hiểu về hồ sơ này tại Paris, với việc lực lượng Hezbollah thân Iran suy yếu, Ả Rập Saudi có thể quyết định "tiếp tục tài trợ cho quân đội Lebanon và nền kinh tế nước này".
Tổng thống Pháp và lãnh đạo Ả Rập Saudi cũng sẽ bàn về xung đột Gaza và quan hệ với Iran. Theo chuyên gia Camille Lons, Hội đồng Âu Châu về Quan hệ Quốc tế (ECFR), tại Paris, nước Pháp có thể dựa vào quan hệ giữa Ả Rập Saudi với Iran để giúp làm dịu tình hình trên toàn khu vực, do "Riyadh duy trì một kênh ngoại giao khá quan trọng với Teheran" kể từ khi hai nước tái lập bang giao đầu năm 2023.
Hợp tác kinh tế là một vế khác trong chuyến công du Ả Rập Saudi của Tổng thống Pháp. Lãnh đạo của khoảng 50 tập đoàn lớn (như Total, EDF, Veolia...) và của các start-up trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và vật lý lượng tử của Pháp (như Pasqual Alan, Mistral...) tháp tùng Tổng thống Macron. Nhiều doanh nghiệp Pháp dự kiến ký hợp đồng với doanh nghiệp Ả Rập Saudi trong lĩnh vực năng lượng Mặt trời.
Ngày thứ Tư (27/11), Tổng thống Pháp có kế hoạch viếng thăm vùng ốc đảo trên sa mạc Al-Ula, cùng các địa điểm khảo cổ học ở đây, nơi Ả Rập Saudi đang muốn biến thành một trung tâm du lịch và văn hóa quốc tế, đặc biệt nhờ sự hỗ trợ của Paris, với đại dự án 20 tỉ Mỹ kim.


Pháp: Đảng Cực Hữu Dọa Bỏ Phiếu Bất Tín Nhiệm Chính Phủ của Thủ Tướng Barnier


(Hình AFP - Ian Langsdon: Phiên chất vấn chính phủ tại Quốc Pháp, Paris, ngày 12/11/2024 trước cuộc bỏ phiếu về phần đầu của Dự thảo Luật tài chánh 2025.)
-Hôm 2/12/2024, Đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc (RN) tuyên bố sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu chính phủ Barnier không điều chỉnh Dự luật An sinh xã hội PLFSS và nếu chính phủ sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện.
Dự thảo luật PLFSS sẽ được đưa ra thảo luận lần cuối tại Hạ viện kể từ 3 giờ chiều 2/12/2024. Vì không có đa số quá bán tại Hạ viện, chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier có thể sử dụng điều 49.3 để luật được thông qua. Sáng 2/12, Chủ tịch đảng RN, Jordan Bardella, khẳng định đảng này sẽ vẫn bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, "trừ khi có phép lạ vào phút cuối, tức là ông Barnier xét lại Dự thảo trước 3 giờ chiều".
Việc đảng cực hữu RN cùng các đồng minh, với hơn 140 ghế tại Hạ viện, quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm chắc chắn sẽ khiến chính phủ bị đổ, bởi liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới, với gần 200 ghế Dân biểu, cho biết sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua với đa số quá bán, tương đương 289 Dân biểu, đây sẽ là lần đầu tiên tại Pháp kể từ năm 1962, một chính phủ bị các Dân biểu lật đổ.

Theo thông tấn xã AFP, cũng có khả năng Dự thảo luật PLFSS không được Hạ viện thông qua, nếu đa số Dân biểu bỏ phiếu thuận cho một kiến nghị bác bỏ mà đảng Xã hội dự định sẽ đưa ra trước phiên họp 3 giờ chiều này. Dân biểu đảng Xã hội Jérôme Guedj ủng hộ giải pháp này, vì như vậy các bên sẽ có thể thương lượng lại Dự luật. Về triển vọng này, trên BFMVV/RMC, Phó Chủ tịch đảng RN Sébastien Chenu cảnh báo: "Trên thực tế, chính phủ Barnier cũng chỉ kéo dài thêm hai tuần. Và mọi chuyện rốt cuộc sẽ phải kết thúc với điều 49.3".
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chánh Công Laurent Saint-Martien cho biết không thể điều chỉnh Dự thảo luật về An sinh xã hội, đã được ủy ban hỗn hợp Hạ viện và Thượng viện thông qua, với mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách từ 6,1% 2024 xuống còn 5% vào năm 2025 tới.
Phát ngôn viên của chính phủ Maud Bregeon, trên CNews hôm 2/12, cảnh báo: Nếu các đảng đối lập quyết định lật đổ chính phủ, "nước Pháp phải mất nhiều tháng, thậm chí phải nhiều năm mới gượng dậy được". Bộ trưởng Kinh tế Antoine Armand cũng nhấn mạnh "bất ổn chính trị khiến nước Pháp rơi vào bất ổn về cả kinh tế và tài chánh"


Tàu Ngầm Nga Nổi Lên ở Biển Đông Khiến Tổng Thống Phi Luật Tân Lo Ngại


(Hình AFP: Bức không ảnh được Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) chụp hôm 28/11/2024 cho thấy tàu ngầm lớp Kilo UFA 490 của Nga nổi lên mặt biển cách đảo Mindoro 80 hải lý về phía Tây ở Biển Đông.)
-Hôm 2/12/2024, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết rằng sự hiện diện được báo cáo của một tàu ngầm Nga trong Vùng đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân ở Biển Đông là "rất đáng lo ngại".
Tờ nhật báo Inquirer của Phi Luật Tân trích dẫn các nguồn tin an ninh cho biết hôm thứ Hai rằng một tàu ngầm tấn công của Nga đã nổi lên bên trong EEZ của Manila vào tuần trước. Ông Marcos nói với các phóng viên:
"Điều đó rất đáng lo ngại. Bất kỳ sự xâm phạm nào vào Biển Tây Phi Luật Tân (Biển Đông - PV), EEZ của chúng tôi, các đường cơ sở của chúng tôi, đều rất đáng lo ngại".

Tổng thống Marcos không nói rõ về sự hiện diện của tàu ngầm, nói rằng ông sẽ để quân đội thảo luận về vấn đề này.
Thông tấn xã Reuters không thể xác nhận ngay lập tức báo cáo. Tòa Ðại sứ Nga tại Manila không thể liên lạc ngay để bình luận
Trong cùng ngày 2/12, Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân (AFP) tổ chức họp báo, cung cấp các hình ảnh về chiếc tàu ngầm Nga nổi lên trên mặt biển được máy bay do thám chụp lại vào ngày 28/11.
Hãng tin AFP dẫn thông tin từ cuộc họp báo cho hay, tàu ngầm mang số hiệu UFA 490 chạy bằng dầu diesel-điện lớp Kilo II của Hải quân Nga.
Tàu lần đầu tiên được phát giác cách Mũi Calavite, tỉnh Occidental Mindoro 148 cây số của Phi Luật Tân về phía Tây vào ngày 28/11.
Hải quân Phi Luật Tân đã ngay lập tức khai triển các phương tiện để theo dõi và thiết lập liên lạc vô tuyến với tàu ngầm.
Tàu ngầm của Nga cho biết đang chờ đợi thời tiết trên biển tốt hơn trước khi tiến đến cảng Vladivostok của Nga, trong khi đó Lực lượng vũ trang Phi Luật Tân tiếp tục hộ tống và giám sát chiếc tàu này.


Mỹ: Chung Quanh Chuyện Tổng Thống Joe Biden Ân Xá Cho Chính Con Trai Hunter!


(Hình AP - Susan Walsh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đi dạo cùng con trai Hunter Biden trên bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ, ngày 26/7/2024.)
-Vài tuần trước khi rời Tòa Bạch Ốc, hôm 1/12/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định ân xá cho con trai Hunter Biden, bị kết án vì tội gian lận thuế và sở hữu vũ khí bất hợp pháp.
Chủ nhân Tòa Bạch Ốc trước đó đã nhiều lần khẳng định sẽ không ân xá cho con trai. Quyết định của Tổng thống Biden làm dấy lên những câu hỏi mới về tính độc lập của hệ thống Tư pháp Mỹ. Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

Đối với hai tội danh này, Hunter Biden có thể lãnh án 17 và 25 năm tù. Tuy nhiên, ông đang trong quá trình thương lượng với cơ quan thuế, và đặc biệt, các Luật sư của Hunter nhấn mạnh ông bị Tư pháp nhắm tới chỉ vì là con trai của Tổng thống Mỹ.
Đó cũng là điều mà Joe Biden đã khẳng định tối qua trong một thông cáo. Ông nói đây là vụ truy tố có chọn lọc và không công bằng, cáo buộc những đối thủ chính trị của ông ở Quốc hội đã khởi xướng quá trình tố tụng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn 50 ngày nữa là Biden rời Tòa Bạch Ốc sau khi dã cố duy trì một nhiệm kỳ không tỳ vết, việc ông thay đổi lập trường càng làm giảm uy tín của chức vụ Tổng thống, cũng như tính độc lập của hệ thống Tư pháp Hoa Kỳ.
Donald Trump Jr., con trai Tổng thống đắc cử, đã chế giễu sự bất nhất của Joe Biden, cho rằng chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã đợi đến khi các cuộc bầu cử kết thúc mới sử dụng quyền ân xá của Tổng thống.

Không có nhận xét nào: