Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Mùa Của Tình Yêu Thương, Mang Không Khí Giáng Sinh Đến Những Mảnh Đời Khốn Khổ! (Homeless!) và Kính Chuyển Tin Thế Giới & Việt Nam Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


San Jose: Hôm Qua, Ông Già Noel, Đại Diện Nhóm Mõ Nhân Ái, Mang Không Khí Giáng Sinh Đến Những Mảnh Đời Khốn Khổ! (Homeless!) Bị Gạt Ra Khỏi Bên Lề Xã Hội. Cùng Nhau Vui Vẻ, Trong Không Khí Tưng Bừng Của Mùa Lễ!
<!> 

-Trong bữa cơm nóng hổi, mà “đội quân” của Nhóm Mõ Nhân Ái, phục vụ bền bỉ, trên hàng chục năm nay. Hôm qua, Thứ Năm, ngày 13 tháng 12, dù ngoài trời mưa gió, thình lình có Ông Già Noel “nhảy dù!” (vì ngoài trời, không có ống khói!) từ trời xuống đất! cùng sinh hoạt Giáng Sinh vui vẻ với tất cả mọi người! Khi thấy, ai cũng ngạc nhiên thích thú! vỗ tay, la lớn Ông Già Noel đến kìa! hay “Santa Clause come to town!”


Việt Nam có câu “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm Mõ Nhân Ái, coi Khách Không Nhà, như người trong Gia Đình, ngoài phục vụ, giúp đỡ nhu cầu ăn uống, cúng cấp những vật dụng cần thiết, còn cố gắng, mang không khí Ngày Lễ quan trọng trong năm đến với họ. Đây là món quà Tinh Thần an ủi quý báu, không gì vật chất có thể so sánh! Nhiều người ôm Ông Già Noel tâm sự: “chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái, mới đối xử với chúng tôi, đầy Tình Gia Đình, Tình Người, Tình Thương, Tình Mến như thế!” Cái hay không phải một năm, mà bền bỉ đã qua đoạn đường 30 năm, riêng với Nhóm Mõ Nhân Ái, trên 10 Năm!

Sau đây là một vài hình ảnh buổi sinh hoạt Mừng Giáng Sinh hôm qua:


-Nhóm Mõ Nhân Ái và Ông Già Noel trong tư thế sẵn sàng phục vụ

-Đội quân hùng hậu, bền bỉ phục vụ, trên10 năm nay!


-Ông Già Noel còn chút lì xì, có chút tiền mặt, tiêu trong ngày Lễ.




Đông Đến! Giáng Sinh Về! Với “Thực Đơn Thân Ái” Đánh Dấu 30 Năm! Xin Đồng Hành Với Nhóm Mõ Nhân Ái. Giúp Đỡ Người Không Nhà (Homeless)

Thưa Quý Ân Nhân,
Bình thường, người nghèo đã khổ, bị đẩy ra khỏi sinh hoạt xã hội khổ hơn, không thân nhân, không chốn ở, không nơi nương tựa, lại vào mùa …Mùa Dông!
*Đây là thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm, ngoài trời thì giá lạnh (nhiều khi dưới o độ.) Đói rét, co ro, trong căn lều vải, không lò sưởi, tỏa hơi ấm, không thực phẩm, dạ dày cồn cào trong cơn giá lạnh. Đau thương thiếu thốn nào kể xiết!
*Đã thế, đây là là mùa nhiều lễ hội lớn nhất trong năm, nào Giáng Sinh, Tết Tây, Tết Ta,….cô đơn không một người thân thuộc trên cõi đời này, nghèo thể chất còn chịu đựng được, nhưng sự cô đơn thì không, rất nhiều người đã chọn cái chết ở thời điểm này, vì quá tuyệt vọng!
Đây là lúc họ cần bàn tay nhân ái giúp đỡ của chúng ta nhất!
Nhóm Mõ Nhân Ái, đã qua 30 năm bền bỉ giúp đỡ người không nhà. (Homeless) Vài năm gần đây, gia tăng hoạt động, phục vụ qua những bữa ăn trong tuần, thực đơn nóng hổi đầy tình người. Ngoài các bữa ăn, còn biếu các vật dụng cần thiết trong đời sống, mền, áo lạnh mùa đông, chưa kể chút tiền mặt mua sắm khi cần thiết.
“Một miếng khi đói, bằng gói khi no! Thương người như thể thương thân!” hay như lời Chúa phán “phúc thay, những ai, Ta đói đã cho Ta ăn, Ta khát đã cho Ta uống! Ta trần truồng, đã cho áo mặc!”
Nếu Quý Ân Nhân có lòng, xin gởi chi phiếu yểm trợ về: 918 S. First St, San Jose, Ca 95110. Tên: Mõ Nhân Ái. Memo: Giúp đỡ Homeless. (408) 297-0545.
“Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người!” Xin Trời Cao đổ muôn ơn lành, trả công bội hâu cho tấm lòng tốt của Quý Vị.
Chân thành cảm tạ.
Thay mặt Nhóm Mõ Nhân ái. 
Lê Văn Hải


Tin Quốc Tế
Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ "Không Cho Phép" Syria Lại Bị Chia Rẽ


(Hình REUTERS / Pilar Olivares: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro, Ba Tây, ngày 19/11/2024.)
-Hai ngày sau khi chế độ Bachar al-Assad sụp đổ, chính quyền Ankara đang tìm mọi cách để không đánh mất những lợi thế đạt được từ sự kiện này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 10/12/2024, khẳng định sẽ "không cho phép" Syria một lần nữa bị chia rẽ.
Từ thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, thông tín viên Anne Andlauer của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết cụ thể:
"Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước hưởng lợi, ít nhất là trong ngắn hạn, nhờ sự sụp đổ của chế độ Bachar al-Assad, mà Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng đối thoại từ 13 năm qua và quay sang hỗ trợ phe đối lập vũ trang. Ưu tiên của Tổng thống Erdogan là duy trì lợi thế này và gặt hái lợi ích chính trị, chiến lược và kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ và cho bản thân ông. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông cần một nước Syria ổn định và yên bình.

Kể từ 8/12, chính quyền Ankara đã kêu gọi xúc tiến một "quá trình chuyển tiếp êm thắm", thành lập một "chính phủ mở ra cho tất cả các lực lượng" và một "Syria mới" mà "không đe dọa các quốc gia láng giềng". Hôm 10/12, ông Recep Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không "cho phép Syria bị chia rẽ một lần nữa" hoặc "biến thành một chiến trường". Nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh "không chấp nhận bất kỳ sự khiêu khích nào, bất kỳ biện pháp nào cản trở những người anh em Syria trở về quê hương".
Lập trường này giải thích cho các cảnh báo của Ankara nhắm vào lực lượng người Kurdistan ở Syria, mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn đuổi khỏi biên giới của mình hơn bao giờ hết, cũng như những chỉ trích nhắm vào Do Thái, quốc gia mà Ankara lên án, xin trích, "có tư tưởng chiếm đóng" sau các cuộc không kích vào Syria và cuộc xâm nhập vào vùng đệm Golan".
Tổng thống Erdogan cũng đã thông báo mở lại một cửa biên giới với Syria, đóng cửa từ năm 2013, để tạo điều kiện thuận lợi cho di dân Syria trở về. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất thế giới, với hơn 3 triệu người Syria.


Bộ Ngoại Giao Nga Nói Mạc Tư Khoa Không Sẵn Sàng Nhượng Bộ Về Vấn Đề Ukraine


(Hình AFP: Bức ảnh do hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik công bố cho thấy Tổng thống Vladimir Putin phát biểu với báo chí, sau khi tham dự cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 28/11/2024.)
-Hôm 11/12/2024, Bộ Ngoại giao Nga cho biết rằng Mạc Tư Khoa không sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề Ukraine và rằng các đề xuất của chính Tổng thống Vladimir Putin về cách chấm dứt xung đột cần phải được thực hiện.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra bình luận này trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức cũng như đàm phán giữa Ukraine và Nga để chấm dứt "sự điên rồ".
Bà Zakharova nói rằng Nga đã sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Hoa Kỳ về vấn đề Ukraine, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ phương án nghiêm túc và khả thi nào để giải quyết những gì bà cho là mối quan ngại an ninh hợp pháp của Nga và những lo ngại về quyền của người dân nói tiếng Nga tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy, người đã thúc đẩy mạnh mẽ để đất nước của mình được mời tham gia Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã đáp lại lời kêu gọi của ông Trump bằng cách nói rằng Kyiv cần có sự bảo đảm an ninh hiệu quả.
Nhưng bà Zakharova cho biết bất kỳ ai nghĩ rằng Nga sẽ nhượng bộ về Ukraine đều đã nhầm.
"Đầu tiên, Nga đang hành động. Thứ hai, nếu ai đó mong đợi Nga sẽ nhượng bộ một số điều, thì rõ ràng những người này có trí nhớ ngắn hạn và không đủ hiểu biết về vấn đề này", bà nói.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết rằng các đề xuất của Tổng thống Putin về hòa bình cần phải được thực hiện.
Người đứng đầu Ðiện Cẩm Linh đã nói rằng Ukraine không được gia nhập NATO và Nga cần có toàn bộ lãnh thổ của bốn khu vực Ukraine mà ông Putin cho rằng hiện đã là một phần của Nga nếu muốn có hòa bình.


Tổng Thống Pháp Macron Hứa Bổ Nhiệm Tân Thủ Tướng Trước Ngày 12/12/2024


(Hình AP / Michel Euler: Điện Matignon, nơi làm việc của Thủ tướng Pháp. Ảnh chụp ngày 10/12/2024, Paris, thủ đô của Pháp.)
-Ngày 10/12/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo bổ nhiệm tân Thủ tướng trước thứ Năm (12/12).
Tuyên bố của Macron được đưa ra sau cuộc họp hơn 2 tiếng đồng hồ với lãnh đạo các chính đảng, trừ đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) và đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN), để chọn tân Thủ tướng kế nhiệm ông Michel Barnier vừa bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tuần trước, dẫn đến việc chính phủ bị giải tán chỉ sau khoảng 3 tháng hoạt động.
Trong cuộc họp với lãnh đạo các đảng, Tổng thống Pháp hôm 10/12 lưu ý cần có "sự nhất trí giữa các lực lượng chính trị để không còn bị lệ thuộc vào đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc". Trong khi đó, theo thông tấn xã AFP, cánh trung và cánh hữu cũng nói tương tự về đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất.

Nhận thấy các đảng không mặn mà với việc thành lập một "chính phủ đoàn kết dân tộc", Tổng thống Macron hy vọng sẽ tìm ra một hình thức đồng thuận mới để hướng tới một thỏa thuận nhằm tránh khả năng tân Thủ tướng được bổ nhiệm lại sớm bị bất tín nhiệm. Mục đích là bảo đảm chính phủ trong tương lai sẽ tồn tại ổn định, lâu dài, không sớm bị giải tán như chính phủ Barnier.
Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh là cho đến hết nhiệm kỳ 2027, ông không muốn một lần nữa phải giải tán Quốc hội.
Sáng 11/12, chính phủ từ nhiệm của Thủ tướng Barnier họp Hội đồng Bộ trưởng cuối cùng tại phủ Tổng thống trước khi nước Pháp có Thủ tướng mới, có thể là trong ngày hôm nay hoặc muộn nhất là ngày 12/12. Theo thông tấn xã AFP, hiếm khi nào có cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng của một chính phủ bị giải tán.
Nội dung chính của cuộc họp là Dự luật Tài chánh Đặc biệt để bảo đảm bộ máy nhà nước có thể vận hành trong khi chờ một ngân sách mới cho năm 2025, sẽ được thông qua vào năm tới. Dự luật Tài chánh Đặc biệt phải được thông qua tại Hạ viện vào ngày 16/12 và tại Thượng viện ngày 18/12.


Donald Trump Xem Gia Nã Ðại Là Tiểu Bang Thứ 51 của Hoa Kỳ?


(Hình AP - Frank Augstein: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau gặp nhau bên lề một cuộc họp của Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày 4/12/2019.)
-Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump những ngày qua thích trêu cợt Gia Nã Ðại. Hôm 10/12/2024, trên mạng xã hội Social Truth của ông, Donald Trump đã bông đùa, trao chức "Thống đốc" một tiểu bang của Mỹ cho Thủ tướng Gia Nã Ðại Justin Trudeau.
Cách nay 10 ngày, nhân bữa dạ tiệc tại Mar-a-Lago, ông Trump cũng đã đề nghị Justin Trudeau một phương pháp chắc chắn hiệu nghiệm để tránh chịu mức thuế quan 25% mà ông dọa sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập từ Gia Nã Ðại, đó là Gia Nã Ðại chỉ cần trở thành tiểu bang thứ 51 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Các Dân biểu Gia Nã Ðại không thích thú gì với kiểu bông đùa này. Từ Québec, thông tín viên đài Pascale Guericolas của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Cảm giác khó chịu hiện rõ trong chính phủ của Thủ tướng Trudeau, bởi vì bản sắc Gia Nã Ðại là một điểm nhạy cảm. Trả lời giới báo chí về những lời đùa cợt của Donald Trump đánh đồng Gia Nã Ðại với tiểu bang thứ 51 của Mỹ, nữ Phó Thủ tướng Gia Nã Ðại phát biểu, "Tôi hiểu rõ là tôi may mắn dường nào khi là người Gia Nã Ðại".
Đồng nghiệp của bà, chuyên trách về dịch vụ công, thì nói rằng, "chúng ta biết rõ tính cách ông ấy", trong khi Bộ trưởng Di trú mỉa mai hơn. Theo ông, phát biểu này giống với phim hoạt hình South Park, rất nổi tiếng nhờ vào những câu chuyện hài về Gia Nã Ðại. Tóm lại, giới lãnh đạo Gia Nã Ðại dường như không muốn mắc câu của Donald Trump, nhân vật mà nhiều cây bút thời luận ví như là kẻ hay bắt nạt ở sân trường và mọi người nên phớt lờ.
Tuy nhiên, đề nghị của Tổng thống đắc cử biến Gia Nã Ðại thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ không hoàn toàn bị bác bỏ. Theo một thăm dò trên mạng, khoảng 13% người dân Gia Nã Ðại, nhất là những người ủng hộ đảng Bảo Thủ, dường như tán đồng việc đất nước họ thành một sao nữa trên lá cờ Mỹ".


Nam Hàn: Văn Phòng Tổng Thống Yoon Suk Yeol Bị Khám Xét


(Hình AP - Ahn Young-joon: Văn phòng Tổng thống Nam Hàn tại thủ đô Hán Thành, ngày 11/12/2024.)
-Sáng 11/12/2024, Cơ quan Điều tra Quốc gia (NOI) của Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn đã điều 18 cảnh sát đến khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Theo hãng tin Yonhap, hiện vẫn chưa biết là khi văn phòng bị khám xét, Tổng thống Nam Hàn có mặt tại phủ Tổng thống hay không. Dựa vào những tang vật thu giữ được và lời khai của những người liên quan đến vụ thiết quân luật, cảnh sát nghi ngờ Tổng thống Yoon Suk Yeol là nhân vật chính trong vụ phản quốc nghiêm trọng này. Cơ quan Điều tra Quốc gia (NOI) cũng đã khám xét trụ sở Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nam Hàn (KNPA), Cơ quan Cảnh sát Hán Thành (SMPA) và Cơ quan An ninh Quốc hội.

Về phía xã hội dân sự, hơn 1.500 tổ chức hôm nay đã thành lập một mặt trận thống nhất để kêu gọi phế truất ngay lập tức Tổng thống Yoon Suk Yeol, bắt giữ và xử phạt những người tiếp tay cho Tổng thống "làm loạn", thực thi quyền làm chủ của nhân dân và cải cách xã hội.
Trong khi đó, Bộ Tư pháp Nam Hàn hôm 11/12 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng bị cách chức Kim Yong Hyun, hiện đang trong trại tạm giam ở Hán Thành, đêm 10/12 đã toan tự sát, nhưng được phát giác kịp thời, nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
Về phía Cộng sản Bắc Hàn, theo hãng tin Yonhap, hôm 11/12, lần đầu tiên truyền thông Bình Nhưỡng nói đến khủng hoảng chính trị tại Nam Hàn. Hãng tin nhà nước KCNA nhận định việc bất ngờ ban hành thiết quân luật cho thấy "nỗi tuyệt vọng" của "con rối Yoon Suk Yeol, có nguy cơ bị truất phế" và vụ này đã gây "hỗn loạn" khắp miền Nam của Ðại Hàn.


Trung Quốc Tăng Cường Sự Hiện Diện Quân Sự Quanh Đài Loan


(Hình ảnh do Cảnh sát Biển Đài Loan đăng tải ngày 10/12/2024, cho thấy Trung Quốc tăng cường hiện diện quanh hòn đảo.)
-Cuộc phô trương sức mạnh của Trung Quốc với Đài Loan bước sang ngày thứ hai. Hôm 11/12/2024, Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh hòn đảo, với hàng chục chiến hạm và khoảng 50 máy bay. Chính quyền Đài Bắc thông báo đã phát giác tổng cộng 53 máy bay và 19 chiến hạm, đồng thời lên án Trung Quốc là "kẻ gây rối" và khẳng định những hành động của Bắc Kinh tạo ra nhiều rủi ro và bất ổn trong khu vực.
Còn chính quyền Trung Quốc hôm 11/12 tuyên bố thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ chủ quyền quốc gia và sẽ không dung thứ cho các hoạt động "ly khai".
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ làm mọi điều có thể để ngăn chặn mọi sự thay đổi nguyên trạng tại eo biển Đài Loan, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan tự vệ trước mọi hành động gây hấn.

Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại và nhà nghiên cứu cộng tác với INALCO, giải thích mục đích những cuộc tập trận của Bắc Kinh:
Tất cả những cuộc thao dượt của Trung Quốc, thực chất là cuộc huấn luyện nhằm mô phỏng các điều kiện để phong tỏa Đài Loan trên thực tế. Điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục đạt tiến bộ trong việc kết hợp các lực lượng Hải quân, Không quân và dĩ nhiên là phi đạn-đạn đạo. Tóm lại, đó là một tiến bộ với việc Trung Quốc không ngừng gia tăng quân số xung quanh Đài Loan nhằm gia tăng áp lực với hòn đảo, để nếu cần thiết, trong một tương lai gần hoặc trung hạn, tiến hành một cuộc phong tỏa trước khi xâm lược.
Sự phối hợp giữa nhiều máy bay và chiến hạm trong các cuộc tập trận trước đây, đi kèm với những đe dọa của Bắc Kinh về việc phóng phi đạn, rõ ràng là một yếu tố tác động vào tâm lý tầng lớp lãnh đạo chính trị, những người ra quyết định ở Đài Loan, cũng như đối với dư luận hòn đảo.
Vì vậy, ngoài những cuộc huấn luyện mô phỏng thực tế, còn có một yếu tố tâm lý và nhận thức. Theo thời gian, Trung Quốc gia tăng áp lực mạnh mẽ từ nhiều mặt như quân sự, thông tin, không gian mạng và tâm lý.


Mỹ Trừng Phạt 8 Doanh Nghiệp Trung Quốc, Nga và Miến Điện Vì Vi Phạm Nhân Quyền


(Ảnh AP - Kiichiro Sato - minh họa: Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc.)
-Hôm 10/12/2024, Hoa Kỳ thông báo biện pháp hạn chế thương mại nhắm vào 8 doanh nghiệp, trong đó có 2 công ty Trung Quốc, 2 công ty Miến Điện và 4 công ty Nga, vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền. Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm cho các công ty ngoại quốc có tên trong danh sách nói trên.
Trong thông cáo, Vụ trưởng Thương mại, Công nghiệp và An ninh, ông Alan Estevez tuyên bố: "Các vi phạm nhân quyền đi ngược lại lợi ích của chính sách đối ngoại của Mỹ" và việc thêm các doanh nghiệp này vào danh sách các thực thể bị hạn chế thương mại là nhằm "bảo đảm rằng kỹ thuật Mỹ không bị sử dụng để phục vụ các hành vi vi phạm nhân quyền".

Thông tấn xã AFP cho biết, 1 trong 2 doanh nghiệp Trung Quốc bị nhắm tới là công ty kỹ thuật Chiết Giang (Zhejiang) Uniview Technologies, bị chính quyền Mỹ cáo buộc cho phép vi phạm nhân quyền, ví dụ giám sát người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số khác. Một doanh nghiệp khác của Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ nêu đích danh là tập đoàn kỹ thuật an ninh Beijing Zhongdun Security Technology Group. Đây là công ty đã phát triển và bán các sản phẩm để giúp các cơ quan công an vi phạm nhân quyền. Thông tấn xã AFP đã tìm cách liên lạc với hai công ty này nhưng đều không nhận được hồi đáp.
Về phía Trung Quốc, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hôm nay lên án lệnh trừng phạt này của Mỹ là "một sự đàn áp công khai và không sợ hãi nhắm vào các công ty kỹ thuật Trung Quốc dưới chiêu bài bảo vệ nhân quyền". Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Mao Ninh nhấn mạnh "điều này một lần nữa cho thấy sự dối trá của Hoa Kỳ, tuyên bố bảo vệ nhân quyền nhưng thực ra là tước đi quyền tiến bộ của người dân Trung Quốc".
Lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ cũng nhắm vào hai doanh nghiệp tại Miến Điện và Nga do vai trò cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện để tập đoàn quân sự cầm quyền tiến hành các vụ không kích vào thường dân.
Hai doanh nghiệp khác, cũng của Nga, thì bị cáo buộc cung cấp kỹ thuật nhận diện gương mặt cho Mạc Tư Khoa để xác định danh tính người biểu tình ôn hòa, mà Mỹ xem là một phần trong bộ máy của chính quyền Nga giám sát công chúng.


Mỹ Trừng Phạt Công Ty An Ninh Mạng Trung Quốc Vì Hoạt Động 'Độc Hại'

-Ngày 10/12/2024, Hoa Kỳ áp đặt chế tài lên một công ty an ninh mạng Trung Quốc và một nhân viên của công ty này, với cáo buộc xâm nhập hơn 80.000 tường lửa trong một cuộc tấn công tin tặc năm 2020.
Bộ Tài chánh Hoa Kỳ cho biết trừng phạt công ty Sichuan Silence Information Technology và một nhân viên tên Guan Tianfeng vì cuộc tấn công tin tặc hồi tháng 4 năm 2020, nhắm vào tường lửa trên toàn thế giới, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng tại Hoa Kỳ.
Trong 3 ngày, Guan đã khai thác một lỗ hổng trong sản phẩm tường lửa và khai triển nhu liệu điện toán độc hại nhắm vào khoảng 81.000 doanh nghiệp trên toàn cầu. Mục đích là ăn cắp dữ liệu, bao gồm tên đăng nhập và mật khẩu, đồng thời cố gắng cài nhu liệu điện toán độc hại vào các máy điện toán, theo Bộ Tài chánh Mỹ.
Hơn 23.000 tường lửa bị ảnh hưởng là ở Hoa Kỳ, trong đó có 36 tường lửa bảo vệ các hệ thống thuộc các công ty cơ sở hạ tầng quan trọng, cơ quan này cho biết.
"Hành động hôm nay nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc phơi bày những hoạt động mạng độc hại... và buộc những kẻ đứng sau chịu trách nhiệm về hành vi của họ", ông Bradley Smith, Quyền Thứ trưởng Bộ Tài chánh phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chánh, tuyên bố.

Ông cho biết Bộ Tài chánh Mỹ "sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ của mình để phá vỡ các nỗ lực của các tác nhân mạng độc hại nhằm làm suy yếu cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta".
Cùng với các lệnh trừng phạt vừa kể, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố một bản cáo trạng chống lại Guan và rao thưởng lên đến 10 triệu Mỹ kim cho ai cung cấp thông tin về nhân viên này hoặc về công ty này, theo Bộ Tài chánh.


Giám Đốc FBI Loan Báo Sẽ Từ Chức Khi Tổng Thống Biden Mãn Nhiệm


(Hình AP: Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray.)
-Ngày 11/12/2024, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI), ông Christopher Wray tuyên bố sẽ từ chức khi Tổng thống Joe Biden mãn nhiệm vào tháng 1/2025. Loan báo này được đưa ra một tuần rưỡi sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố ý định đề cử ông Kash Patel làm Giám đốc FBI.
Tại cuộc họp toàn thể với nhân viên của Cục Điều tra Liên bang, ông Wray cho biết ông sẽ rời nhiệm sở "sau nhiều tuần suy nghĩ kỹ lưỡng".
Ý định của ông không phải là điều bất ngờ, khi ông Trump đã chọn ông Patel đảm nhận vai trò này trong chính quyền mới của mình.

Như vậy, ông Wray sẽ rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ 10 năm. Ông được ông Trump bổ nhiệm vào năm 2017.
Trên nền tảng mạng xã hội Truth Social của mình, ông Trump nói việc ông Wray từ chức là "một ngày tuyệt vời cho nước Mỹ".
Vài tuần qua, ông Trump đã xây dựng đội ngũ các viên chức cho tân Nội các, tập hợp một lực lượng sẵn sàng thực hiện hai ưu tiên lớn nhất của ông: trả thù những đối thủ chính trị và tái cấu trúc toàn bộ chính phủ Mỹ.
Ông Patel, người đang chờ được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận, chưa bao giờ làm việc tại FBI. Ông có ba năm làm việc tại Bộ Tư pháp. Nếu được chuẩn nhận, ông cam kết sẽ đóng cửa trụ sở FBI ở Hoa Thịnh Ðốn và tái định nghĩa hoàn toàn vai trò của cơ quan này với việc thu thập tình báo.
Ông nói với thông tấn xã Reuters: "Tôi sẽ sẵn sàng phục vụ người dân Mỹ ngay ngày đầu tiên".


Tin Việt Nam
HRW Kêu Gọi CSVN Hủy Bỏ Điều Luật Có Hại Cho Internet


(Ảnh AFP - Nhac Nguyen, minh họa: Ứng dụng Zalo được sử dụng ở Việt Nam.)
-Hôm 10/12/2024, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) đã ra thông cáo kêu gọi nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hủy bỏ một Nghị định mới siết chặt việc quản lý sử dụng mạng Internet và luật An ninh mạng 2018. Văn bản này, mà theo HRW có thể gây tác động tiêu cực đến quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Thông cáo của HRW nhắc lại, vào tháng 11 vừa qua, chính phủ Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị định 147, với mục đích kiểm soát việc cung cấp các dịch vụ và thông tin trực tuyến. Nghị định này mở rộng quyền kiểm soát của chính quyền đối với việc tiếp cận thông tin trên Internet, viện dẫn các lý do "mơ hồ" như "an ninh quốc gia", "trật tự xã hội" và ngăn ngừa những vi phạm về "đạo đức", "thuần phong mỹ tục" của Việt Nam. Theo HRW, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thường xuyên lợi dụng các lý do này để đàn áp những tiếng nói bất đồng.

Nghị định yêu cầu các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu của người dùng và cung cấp các thông tin đó khi có yêu cầu từ chính quyền. Đồng thời, các nền tảng này cũng phải gỡ bỏ mọi nội dung mà chính quyền cho là "vi phạm pháp luật" trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc ban Á Châucủa Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: "Nghị định 147 mới ban hành và các điều luật an ninh mạng khác của Việt Nam không bảo vệ người dân trước những mối lo về an ninh mạng, mà còn không tôn trọng các quyền cơ bản của con người".
Nghị định 147 còn yêu cầu "các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngoại quốc" phải xác thực tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, điều này có thể khiến những người bất đồng chính kiến, vốn thường xuyên đăng tải những bài viết ẩn danh để tránh bị bắt giữ, dễ dàng bị lộ diện.


Việt Nam Cần 54.000 Tỉ đồng Khắc Phục Hậu Quả Bão Yagi


(Hình AFP: Cảnh tàn phá của bão Yagi ở Quảng Ninh.)
-Cơ quan thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới cho biết rằng Việt Nam cần gần 54.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả bão Yagi, trong đó việc xây lại nhà ở, hạ tầng phục vụ cộng đồng cần hơn 13.700 tỉ đồng.
VnExpress đưa tin rằng hôm 10/12/2024, hai cơ quan trên đã công bố báo cáo đánh giá đa ngành về việc phục hồi sau bão Yagi, trong đó chỉ ra nhu cầu khắc phục sau bão từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đơn vị lập báo cáo khuyến nghị Việt Nam phục hồi theo ba trụ cột, trong đó có việc khôi phục kinh tế cộng đồng và sinh kế của người dân cũng như tăng cường khả năng chống chịu của chính phủ và cộng đồng trước thiên tai tương tự, theo VnExpress.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp được dẫn lời đánh giá ngoài hỗ trợ tiền mặt và trang thiết bị ngay sau bão thì việc xây dựng báo cáo "sẽ giúp thiết lập kế hoạch phục hồi dài hạn và toàn diện cho các địa phương bị ảnh hưởng".

Theo Văn phòng Điều phối viên Thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, hoạt động đánh giá được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh đại diện cho khu vực ven biển, trung du và miền núi và đã phân tích các thiệt hại, tổn thất, nhu cầu khôi phục của 15 ngành chính, gồm giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại...
Cơ quan này cho biết rằng "các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà ở và cơ sở hạ tầng cộng đồng, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, văn hóa và du lịch, và giao thông-vận tải".
Văn phòng Điều phối viên Thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng báo cáo "nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc biến các bài học kinh nghiệm thành các chiến lược thực tiễn nhằm tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam trước các thiên tai liên quan đến khí hậu trong tương lai".
Bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9, sau đó gây mưa lũ toàn miền Bắc làm 320 người chết, 25 người mất tích, ảnh hưởng đến 3,6 triệu người và hơn 322.000 ngôi nhà bị hư hỏng, theo VnExpress.
Tin cho hay, cơn bão này gây thiệt hại kinh tế hơn 88.700 tỉ đồng, bằng 0,62% GDP năm 2023 và làm giảm khoảng 0,24% GDP năm 2024.


ADB Nâng Dự Báo Tăng Trưởng Kinh Tế Việt Nam


(Hình REUTERS - minh họa: Công nhân tại một xường giày ở Sài Gòn.)
-Hôm 11/12/2024, Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) công bố báo cáo "Triển vọng Phát triển châu Á", trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay và năm sau.
Theo ADB, dự báo tăng trưởng của Việt Nam được nâng lên mức 6,4% so với dự báo trước đây là 6,0% trong năm 2024, và trong năm 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ mức 6,2% lên 6,6%.
Liên quan tới lạm phát, Ngân hàng Phát triển Á Châu dự báo rằng lạm phát của Việt Nam sẽ giảm xuống 3,9% từ mức dự báo là 4,0% trong năm 2024, và giữ nguyên ở mức 4,0% trong năm 2025.

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, từng nhận định rằng "nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp những bất ổn trên toàn cầu" và rằng "sự phục hồi ổn định này được thúc đẩy nhờ sản xuất công nghiệp được cải thiện và thương mại phục hồi mạnh mẽ".
Theo báo cáo "Triển vọng Phát triển Á Châu" công bố hôm 11/12, tăng trưởng kinh tế của khu vực Á Châu và Thái Bình Dương "sẽ vẫn ổn định trong năm nay và năm sau", nhưng dự kiến những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump "có khả năng tác động tới triển vọng dài hạn của khu vực".
ADB dự báo rằng các nền kinh tế đang phát triển của Á Châu và Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng 4,9% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo 5,0% của ADB hồi tháng Chín. Dự báo tăng trưởng năm tới giảm từ 4,9% xuống còn 4,8%, chủ yếu do triển vọng yếu hơn của nhu cầu trong nước ở Nam Á.

Ngân hàng Phát triển Á Châu cho rằng những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và nhập cư của Hoa Kỳ trong thời gian tới "có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát ở Á Châu và Thái Bình Dương", nhưng "vì những thay đổi chính sách quan trọng này dự kiến sẽ mất thời gian và được khai triển dần dần, nên tác động đối với khu vực nhiều khả năng sẽ diễn ra từ năm 2026".
"Tác động có thể được nhận thấy sớm hơn nếu các chính sách được thực hiện sớm hơn và nhanh hơn dự kiến, hoặc nếu các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ tiến hành nhập cảng trước để tránh thuế quan tiềm tàng", ADB cho biết.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng Tư đưa ra nhận định trong một bản cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam rằng kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này "đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau". Báo cáo của tổ chức này dự báo rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam "sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025"

Không có nhận xét nào: