Công nghệ : Phương Tây có nguy cơ bị Trung Quốc soán ngôiTrung Quốc phát triển vượt bậc về công nghệ, Syria thời hậu Bachar al-Assad, chiến tranh Ukraina là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm hôm nay, 13/12/2024. Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc (trên) và cờ Mỹ. AP - Andy Wong Trang nhất và bài xã luận của tờ Les Echos nói về việc Trung Quốc, vốn là một quốc gia giá rẻ, giờ đã trở thành một nhà vô địch về công nghệ cao. Từ một nhà máy của thế giới, giờ đã trở thành phòng thí nghiệm của hành tinh. Trong một số lĩnh vực, như ngành năng lượng mặt trời, sản phẩm "Made in China" đã đánh bại tất cả các đối thủ.
<!>
Trong những lĩnh vực khác, mối đe dọa từ Bắc Kinh ngày càng hiện hữu. Các nhà sản xuất xe hơi phương Tây thừa nhận ô tô điện do Trung Quốc sản xuất gần như không thua kém sản phẩm phương Tây. Tương tự như tàu siêu tốc hay các lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực điện tử, mặc dù hứng chịu những lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, được ban hành trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Donald Trump, các đại tập đoàn từ Thâm Quyến đã vượt qua mọi khó khăn. Doanh thu của Hoa Vi (Huawei) đã vượt qua mức 100 tỷ đô la và tập đoàn này vẫn là nhà cung cấp viễn thông số một thế giới, ngày càng ít phụ thuộc vào các linh kiện và phần mềm của Mỹ.
Trong ngành dược phẩm và công nghệ sinh học, hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo và năng lượng hạt nhân, Bắc Kinh chưa dẫn đầu, nhưng những thành công của TikTok, Alibaba hay Bách Độ (Baidu) đã cho thấy họ có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Silicon Valley, và phương Tây không còn độc quyền về đổi mới sáng tạo.
Công thức của Bắc Kinh rất đơn giản. Sản phẩm của họ trước đây chỉ rẻ, nay vừa rẻ lại vừa hiệu quả hơn. Để thành công trong việc nâng cấp chất lượng, Trung Quốc, vốn bị cho là nhà vô địch hàng giả, trên thực tế đã sao chép Nhật Bản trong những năm 1970-1980 và Hàn Quốc trong các thập kỷ tiếp theo.
Nhật báo kinh tế cũng nhấn mạnh bí quyết giúp Bắc Kinh thành công, đó là họ không dàn trải, mà chỉ tập trung làm tốt trong những lĩnh vực chiến lược, cho dù cuộc khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng đến nhiều nơi trong nước hay tỷ lệ thanh niên thất nghiệp gia tăng là những yếu tố đang đè nặng lên chủ tịch Tập Cận Bình.
Les Echos kết luận đây là thời điểm mà châu Âu, đang tụt lại phía sau, phải thức tỉnh, không bao giờ được đánh giá thấp Trung Quốc, và chính Bắc Kinh đang ngần ngại chuyển giao công nghệ quan trọng cho lục địa già.
Syria : Thái độ đạo đức giả của phương Tây
Nhìn sang Trung Đông, nhật báo Le Monde dành trang nhất và bài xã luận cho Syria thời hậu Bachar al-Assad. Một số quốc gia châu Âu đã phản ứng rất nhanh sau khi chế độ này sụp đổ hôm 08/12. Chỉ 24 giờ sau, Đức, nước tiếp nhận chính di dân Syria, chạy trốn cuộc chiến tranh khốc liệt, tàn phá đất nước từ năm 2011, đã thông báo tạm dừng xử lý các đơn xin tị nạn, trong khi có khoảng 47.000 hồ sơ đang chờ được giải quyết. Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Ý cũng đã có hành động tương tự. Văn phòng bảo vệ người tị nạn và người không quốc tịch của Pháp (Ofpra) cũng thông báo sẽ "hoãn" xem xét những đơn xin tị nạn này.
Trong bối cảnh bầu cử Quốc Hội Đức diễn ra ngày 23/02/2025, một số nhân vật cánh hữu và cực hữu đã đề xuất đưa những người tị nạn trở về Syria, hoặc ít nhất là không tiếp nhận thêm những di dân mới. Jens Spahn, dân biểu thuộc đảng CDU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo), đã đề xuất tổ chức các chuyến bay đặc biệt để đưa người Syria về nước với khoản hỗ trợ 1.000 euro cho mỗi người. Áo cũng đã thông báo một chương trình hồi hương và trục xuất.
Le Monde nhận định sự vội vàng này là điều gây sốc. Thuần túy về mặt pháp lý, sự sụp đổ đột ngột của chế độ Bachar al-Assad có thể giải thích cho việc các nước tạm dừng những thủ tục tiếp đón di dân, song vẫn còn quá sớm để biết lực lượng chính trị nào sẽ xuất hiện ở Damas. Hơn nữa, không ai có thể khẳng định lực lượng đang chiếm thế thượng phong sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân Syria.
Thái độ đạo đức giả của các nước châu Âu trở nên rõ ràng khi vào tháng 07/2023, mười quốc gia, trong đó có Áo và Ý, đã kêu gọi bình thường hóa quan hệ với Syria, khi tưởng rằng chế độ Bachar al-Assad vững như bàn thạch. Mục đích của những nước này là "tạo điều kiện thuận lợi cho người Syria tự nguyện trở về một cách an toàn". Tuy nhiên, cảnh tượng địa ngục trần gian trong các nhà tù Syria, được tiết lộ gần đây, khiến người ta nghĩ rằng các nước châu Âu sẵn sàng đang tâm đẩy người Syria, muốn chạy trốn khỏi sự tàn bạo của chế độ, vào một hoàn cảnh thảm khốc, điều mà nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã khẳng định.
Không ai có thể phủ nhận làn sóng di dân Syria tràn vào châu Âu vào giữa những năm 2010 đã khiến tư tưởng bài ngoại gia tăng và giúp tiếng nói của những đảng cực hữu ngày càng có trọng lượng, đồng thời thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn đối với vấn đề nhập cư, cho dù các quốc gia láng giềng của Syria, như Thổ Nhĩ Kỳ hay Liban, đã tăng cường việc tiếp nhận di dân chạy loạn.
Le Monde kết luận ý định bình thường hóa quan hệ với một chế độ khát máu, không thể cải cách, là một sai lầm chính trị không thể chối cãi. Giờ đây, tất cả các quốc gia châu Âu đều phải tìm cách giúp cho sự ổn định xuất hiện trở lại ở thủ đô Damas cũng như trên toàn quốc. Chính sự ổn định đó sẽ giúp những người tị nạn có thể trở về nước.
Phương Tây lo ngại quân đội Ukraina "sụp đổ"
Về chiến tranh Ukraina, trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa phương Tây lo ngại trước sự "sụp đổ" của quân đội Ukraina.
Vài ngày trước, thông báo về việc Nga đóng không phận gần căn cứ Kapustin Yar đã khiến giới chuyên gia quân sự thân Ukraina lo ngại. Chính tại căn cứ này, vào cuối tháng 11, Nga đã phóng tên lửa Orechnik vào Ukraina. Mặc dù về mặt kỹ thuật, vụ thử tên lửa này không có gì nổi bật, nhưng đây là thông điệp cho thấy khả năng và quyết tâm của Nga trong việc phá vỡ mọi hệ thống phòng thủ. Giới quân sự phương Tây, bao gồm cả Lầu Năm Góc, đã cảnh báo Nga có thể tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công nhằm làm tê liệt Ukraina.
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mark Rutte, tuần trước đã cảnh báo năm nay Kiev có thể sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất kể từ năm 2022, đặc biệt do những bước tiến đáng kể của quân đội Nga. Từ vài tuần qua, tình hình trên chiến trường đã thay đổi, quân đội Nga đã gia tăng cường độ các cuộc tấn công và đạt được những chiến thắng đáng kể. Đặc biệt, họ đã tiến gần đến khu vực ngoại ô của Pokrovsk, một thành phố chiến lược đối với Ukraina.
Ở phía Bắc, tại khu vực Kursk, Nga tuyên bố đã "giải phóng" Novoivanovka, tiếp tục giành lại những khu vực đã để mất vào tay Ukraina mùa hè vừa qua. Nga cũng tiếp tục tiến về phía Kramatorsk ở miền đông Ukraina và đang tìm cách vượt sông Oskil. Matxcơva cũng có thể sẽ phát động một cuộc tấn công mới ở phía Nam, cụ thể là Robotyne. Theo một chuyên gia quân sự của Pháp, điện Kremlin đang làm mọi cách để Ukraina phải phân tán lực lượng để có thể hiện diện ở mọi mặt trận. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ, quân đội Nga có thể tiến hành đến 30 cuộc oanh kích mỗi ngày ở khu vực Pokrovsk. Nếu tình hình này tiếp diễn, tuyến phòng thủ của Ukraina có thể sẽ sụp đổ, tạo cơ hội cho Nga tiến thêm vài cây số.
Mặc dù chiến dịch của quân đội Nga rất tốn kém về nhân mạng, với con số lên tới 1.500 lính Nga thiệt mạng hay bị thương mỗi ngày trong tháng 11, Matxcơva vẫn có thể huy động khoảng 30.000 binh sĩ mỗi tháng, đủ để duy trì áp lực trên chiến trường. Tổn thất của quân đội Ukraina được cho là thấp hơn, nhưng con số chính xác vẫn chưa được tiết lộ. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề cập đến con số 40.000 người chết kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Giờ đây, quân đội Ukraina chỉ có thể phản ứng bằng những cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa hay drone nhắm vào các căn cứ quân sự và cơ sở năng lượng của Nga. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực và lo ngại leo thang xung đột, Kiev dường như không thể giành lại thế công. Trong tuần này, lãnh đạo Ukraina lại kêu gọi các đối tác cung cấp thêm hệ thống phòng thủ Patriot và tìm kiếm những bảo đảm an ninh để có thể hướng đến một thỏa thuận ngưng bắn trong tương lai.
Pháp : Những thách thức đối với tân thủ tướng
Về thời sự nước Pháp, tờ Libération dành trang nhất chú ý đến những thách thức mà thủ tướng tương lai sẽ phải đối mặt. Bài xã luận của nhật báo thiên tả chạy tựa "Địa ngục", ngụ ý rằng điện Matignon (dinh thủ tướng) giờ đây đã trở thành nơi không chính khách nào muốn làm chủ.
Việc bổ nhiệm thủ tướng mới, ban đầu dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 48 giờ, đã bị trì hoãn thêm. Sự kéo dài này cho thấy nhiệm vụ khó khăn của tổng thống Emmanuel Macron trong việc tìm một nhân vật có thể làm vừa lòng tất cả các chính đảng. Vấn đề không chỉ là tìm một cái tên, mà là liệu tân thủ tướng có thể giúp đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị mà chủ nhân điện Elysée đã gây ra hay không.
Chủ nhân tương lai của điện Matignon sẽ có nhiều hồ sơ phải giải quyết nhanh chóng như vấn đề ngân sách, khủng hoảng nông nghiệp... Tuy nhiên, theo Libération, nhiệm vụ chính của người được chọn là tìm lại một sự ổn định chính trị tối thiểu, tránh để xảy ra hiện tượng hỗn loạn dân chủ.
Vấn đề quan trọng hơn là tái thiết lập sự liên kết giữa người dân Pháp với giới chính trị. Một phần lớn đã mất niềm tin từ lâu và ngay cả những người trước đây quan tâm đến chính trị cũng bắt đầu "ngán ngẩm". Tờ báo thiên tả kết luận, hơn bao giờ hết, chính quyền cần khôi phục niềm tin cho giới trẻ, ngày càng xa rời chính trị.
Cúm gia cầm gây lo ngại trở lại
Về lĩnh vực y tế, nhật báo Công Giáo La Croix có bài viết về việc Hoa Kỳ đã ghi nhận một số trường hợp cúm gia cầm ở người mà không tiếp xúc với động vật. Virus này, sau khi đột biến và lây lan giữa các đàn bò sữa, có khả năng lây lan sang người cao hơn, khiến các chuyên gia hết sức lo ngại.
Tại Pháp, mức độ rủi ro đã tăng từ "vừa phải" lên "cao". Cúm H5N1 đã gây tử vong cho gần một nửa số ca bệnh ở người. Việc tiêm vac-xin bắt buộc cho vịt ở Pháp đã cho thấy kết quả tích cực và các chuyên gia nhấn mạnh phải theo dõi chặt chẽ sự lây lan của virus và cải thiện hệ thống chăn nuôi, để ngăn chặn các dịch bệnh trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét