Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Uống cà-phê ở Orange County, California - Nguyễn Tài Ngọc

Tôi, Thái và Quyền
Tuần vừa rồi, Thái ở Houston, Texas, bạn học của tôi thời Trung học Hùng Vương Sài-Gòn, sang Nam California chơi. Thái là con của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Trong đời sống, người nào cũng có bạn và theo bánh quay của Con Tạo, từng nhóm bạn bè khác nhau đến theo từng giai đoạn: bạn Tiểu học, bạn Trung học, bạn quân ngũ, bạn chung sở làm, bạn thể thao, bạn gặp nhau trên cruise, bạn láng giềng, bạn tình cũ.
<!>
 Ấy chết, xin lỗi tôi lầm: bạn tình cũ là người xa lạ không chân dung chứ không phải là bạn. Viết văn mà cứ viết sai kiểu này thì chắc chắn tôi sẽ bị đày mười đêm cấm cố ở chuồng heo.

Thái và bố, nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Tôi nghĩ hai nhóm bạn thân tình nhất là bạn Trung học và bạn trong quân ngũ. Bạn quân ngũ vì sống chết bên nhau, sống chết vì nhau. Bạn Trung học vì ở trong giai đoạn mơ mộng nhất ở tuổi mới lớn: bắt đầu cảm thấy thẹn thò rung động trước bạn học khác phái. Tha hồ mà hẹn hò tương tư vì không ai phải bươn chải tìm kế sinh nhai, không thấy thực tế khó khăn của mặt thật xã hội.

30 Tháng 4 / 1975 tôi rời Sài-Gòn khi vẫn còn học Trung học, chưa gia nhập quân đội. Kinh nghiệm gần chiến tranh nhất của tôi là tôi có một khẩu súng trường Carbine với một băng đạn 15 viên giữ ở nhà vì tôi là thành viên của nhóm Nhân Dân Tự Vệ (Nhiệm vụ của Nhân Dân Tự Vệ là “cầm chân Việt Cộng trong khi chờ đợi quân đội Việt Nam Cộng Hòa tiếp ứng”. Không có bạn trong quân ngũ, nhóm bạn học Trung học của tôi là thân tình nhất trong các nhóm bạn bè của đời sống.

Thái, rủ thêm Quyền, hẹn tôi đi uống cà-phê ở tiệm cà-phê Ilanet1 ở Orange County trên đường Brookhurst và Westminster.


Người Pháp khi rời Việt Nam sau một trăm năm, để lại hai thứ trở thành vĩnh viễn trong văn hóa chúng ta: bánh mì và ra tiệm ngồi uống cà-phê ngắm thiên hạ qua lại.

Ở bất cứ nơi nào, Paris hay Sài-Gòn, hay ở khu phố Bolsa, Orange County, hay ở khu Cabramatta, Sydney, quán cà-phê là nơi bạn bè gặp nhau để chuyện trò về cuộc sống, về công việc, về kỷ niệm xưa cũ. Bên ly cà-phê, mọi phiền toái cuộc đời biến mất. Bên ly cà-phê, tâm hồn bình thản lắng dịu mà không cần uống thuốc nhức đầu Búa bổ đầu người. Bên ly cà-phê, thời gian trôi qua không hay biết. Bên ly cà-phê, kỷ niệm êm đẹp xưa cũ trở nên sống động. Bên ly cà-phê, kiến thức trao đổi giữa bạn bè. Bên ly cà-phê, tình cảm giữa người và người kết nối, trở nên sâu đậm.

Nói thế không có nghĩa là đi uống cà-phê cần phải có bạn bè vì nếu một mình đơn độc đi uống cà-phê, cà-phê là người bạn đồng hành chia sẻ nỗi cô đơn với mình.

Tôi nói xoen xoét như Bắc Kỳ Hà Nội, nhưng sự thật là trong đời sống tôi hiếm khi đi uống cà-phê. Sống ở Sài-Gòn trước tháng 4/ 1975, nhà tôi không ai uống cà-phê, bố tôi chỉ uống trà. Tôi chưa bao giờ vào một tiệm cà-phê. Lý do là sau khi bố tôi mất năm tôi học Đệ Lục, tôi không còn được phát tiền ăn sáng cho đến khi rời Sài-Gòn tháng 4/ 1975.

Vì ở Sài-Gòn không uống cà-phê, sang Mỹ tôi cũng không uống. Khi lập gia đình thì vợ tôi chỉ uống nước lạnh -không uống cà-phê cũng chẳng uống nước ngọt, bia rượu- nên vì cả hai vợ chồng đều không uống, chúng tôi không bao giờ vào quán cà-phê.

Ở Mỹ, tôi thấy nhiều vợ chồng sáng sớm ngồi trong bếp hay vườn sau nhà cùng nhau hưởng thụ vị thơm ngon cà-phê. Nhà tôi thì vợ tôi nghĩ cà-phê là thuốc phá thai nên chúng tôi chẳng bao giờ cùng nhau họp Hội Nghị Diên Hồng bên ly cà-phê buổi sáng.

Chúng tôi đến quán cà-phê vào khoảng 8 giờ rưỡi sáng, một nửa bên ngoài đã đầy khách. Tiểu bang California cấm hút thuốc bên trong tiệm ăn nhưng bên ngoài thì tha hồ. Vì thế, khi đến gần quán cà-phê, tôi đã thấy khói thuốc như hỏa diệm sơn Mauna Loa ở Hawaii bộc phát.

Một điểm đặc biệt một người biết ngay là mình đã đến quán cà-phê Việt Nam: không cần loa phóng thanh đắt tiền, tôi đã nghe mấy ông Việt Nam nói tiếng ngoại quốc oang oang trôi chảy hơn người nội địa: đầu câu có chữ “Đ.M.”, giữa câu không những có một mà nhiều chữ “Đ.M.”, rồi cuối câu lại thêm một chữ “Đ.M.” nữa! Điều làm tôi ngạc nhiên là bàn uống cà-phê thì toàn là bạn bè với nhau. Thành ra khi một ông nói tiếng ngoại quốc thì ông ta “Đ.M.” ai? Chẳng lẽ ông ta “Đ.M.” chính ông ta? Hay là ông ta “Đ.M” mấy người bạn cùng bàn? Chửi nhau như thế mà không có chiến tranh đập nhau thì thật là hay!


Vào quán cà-phê Việt Nam thì dĩ nhiên tôi gọi một ly cà-phê sữa đá. Quý vị có biết là hạt cà-phê người Việt mình uống -Robusta (cà-phê vối)-, khác hẳn với hạt cà-phê thế giới uống -Arabica (cà-phê chè)- không?


Khi người Pháp mang cà-phê sang Việt Nam trồng vào khoảng thập niên 1850, loại hạt cà-phê họ mang sang là Arabica. Nhưng Arabica phải trồng ở đất cao độ 1000 mét trở lên và khí hậu lạnh, đưa đến việc trồng cà-phê rất khó khăn.

Vào đầu thập niên 1900, họ mang sang hạt giống cà-phê khác: Robusta. Hạt cà-phê Robusta nẩy nở ở đất cao độ thấp, từ 200 mét-700 mét, và có thể chịu đựng khí hậu nóng đến 29 độ C. Do đó, hạt cà-phê Robusta rất thích hợp với điều kiện đất đai trồng trọt ở Việt Nam vùng Tây Nguyên: Đà Lạt, Đắc-Lắc, Gia-Kai, Kontum. Theo trang mạng 43factory.coffee, hiện giờ 96% cà-phê sản xuất ở Việt Nam là loại hạt Robusta.

Sở dĩ thế giới uống loại cà-phê Arabica vì nó có phẩm chất hơn (vào trang mạng của Starbucks sau đây, Starbucks quảng cáo chỉ dùng hạt cà-phê Arabica: We only use 100% arabica beans, so you can enjoy the delicious, high quality coffee these beans help create. https://www.starbucksathome.com/ca/en-ca/story/why-arabica-beans)


Bao cà-phê Starbucks bên trái dưới cùng có in hàng chữ: “100% Arabica Coffee”.

Tôi nghĩ Việt Nam chỉ dùng hạt cà-phê Robusta vì không những trồng trọt dễ và rẻ tiền, vị cà-phê của Robusta đậm gấp đôi Arabica. Tôi có liệt kê hai trang mạng ở phần tham khảo cuối bài nếu ai muốn biết thêm về sự khác biệt của hai loại cà-phê này.

Tiệm cà-phê Việt Nam ở Mỹ không khác gì tiệm ở… Việt Nam: người ta đến gạ bán hàng. Một người Mễ cầm cam, đu đủ, trái bơ trong tay đến hỏi chúng tôi có muốn mua không?

Một lúc khác, trong khi tôi đang ngồi thì một anh Việt Nam đến kế bên hỏi: “Anh mua cháo lòng không anh?” Tôi quay đầu nhìn, nghĩ rằng anh ta là người làm việc cho nhà hàng, hỏi tôi có muốn ăn cháo lòng không, nhưng không phải: anh ta mang một cái khay plastic to bên trong có độ mười bao plastic cháo lòng, viết giá $9 dollars/1 bao.


Tôi cám ơn không mua, thầm nghĩ mình đang ngồi ở quán ăn, mua thức ăn của nơi khác thì kỳ, nhưng cách tôi vài bàn có người thật sự mua.

Chuyện cuối cùng này tôi mới thấy lạ: môt anh đến hỏi chúng tôi có muốn mua thuốc lá Việt Nam, giá một gói $5 dollars. So với giá một gói thuốc bán ở Mỹ $10 dollars thì rẻ hơn một nửa. Không biết họ nhập cảng lậu, hay người ở Mỹ về Việt Nam mang lậu vào không khai báo (chính thức thì mỗi người đem được một cây thuốc lá – 200 điếu), rồi người ta đem ra đây bán lẻ.



Về Việt Nam tôi thích vào chợ -chợ Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối, chợ An Đông, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Bến Thành- vì ở Mỹ không có. Chợ Việt Nam lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp, ăn món gì cũng có với giá bình dân.

Ngồi quán cà-phê ở phố Bolsa không những vừa uống cà-phê mà còn vừa được “chợ” đến thẳng buôn bán với mình, tôi rất thích. Chỉ có một điều tôi phàn nàn: khách khứa tất cả đều là đực rựa, thiếu vắng bóng hồng, mà nếu không có bóng hồng thì các anh giai chúng tôi không ai có can đảm thú nhận là cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa:

ba chàng đi uống cà-phê,
(chứ không đi bán lợn xề Lái Thiêu).
chung quanh khung cảnh tiêu điều:
bàn nào bàn nấy cũng đều đàn ông.
tôi nhìn: không một bóng hồng!
thế sao nam giới đồng lòng đến đây?
thế gian là cuộc tù đày,
nếu không có một giai nhân bên mình.
bận sau tôi muốn có tình,
đi Cà phê Lú, đắm mình trong mơ


Nguyễn Tài Ngọc
June 2024

Phụ lục:
Theo World Atlas, Việt Nam xuất cảng cà-phê nhiều thứ nhì trên thế giới, sau Brazil (thống kê 2019):


Bảng sau đây cho thấy nước nào xuất cảng và nhập cảng cà-phê:

Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào: