Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :14/06/2024 - Duke Nguyễn


Thượng đỉnh G7 tập trung vào hồ sơ Trung Quốc trợ giá xuất khẩu Hôm nay, 14/06/2024, ngày làm việc thứ hai của thượng đỉnh G7 tại Ý, lãnh đạo của bảy cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới (Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nhật Bản), tập trung vào các biện pháp đối phó với việc Trung Quốc trợ giá hàng xuất khẩu.G7 tại Ý, trong ngày họp thứ nhì tập trung vào vế thương mại và Trung Quốc. Ảnh 13/06/2024 từ Borgo Egnazia. AP - Alex BrandonTrọng Thành
<!>
Liên Hiệp Châu Âu, tham dự thượng đỉnh G7 với tư cách là đối tác không chính thức, cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản đều lên tiếng tố cáo tình trạng ‘‘sản suất công nghiệp dư thừa’’ của Trung Quốc, do được Nhà nước trợ giá, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, như tấm pin mặt trời, ô tô điện, bình điện lithium.

Theo CNA (Channelnewsasia), hôm nay, tiếp xúc với báo giới trước thềm thượng đỉnh, ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, khẳng định: “Chúng tôi sẽ chống lại các chính sách phi thị trường của Trung Quốc đang dẫn đến các tác hại trên quy mô toàn cầu”.

Hoa Kỳ đang thúc đẩy một mặt trận G7 thống nhất để đối phó với Trung Quốc. Một nguồn tin chính phủ Nhật Bản nói với AFP : “Các nước G7 có cùng quan điểm về Trung Quốc” trong hồ sơ này. Bộ trưởng Tài Chính G7 trong cuộc họp hồi tháng trước cảnh báo sẽ xem xét lộ trình hành động để ‘‘bảo đảm bảo một sân chơi bình đẳng’’ cho tất cả các nước. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao cũng báo trước là châu Âu muốn tránh ‘‘một cuộc chiến tranh thương mại’’ với Trung Quốc.

Thượng đỉnh G7 cũng sẽ đề cập đến chính sách của Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các kim loại hiếm, như gallium, germanium, graphite, thiết yếu đối với ngành viễn thông hay điện tử.

G7 ‘‘sẽ phối hợp hành động’’ để ngăn chặn việc giúp Nga tiến hành chiến tranh

Trợ giúp của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quân sự Nga là một quan ngại khác của G7. Hôm 13/06, trong cuộc họp báo chung với đồng nghiệp Ukraina Volodymyr Zelensky, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định: G7 ‘‘sẽ phối hợp hành động’’ để chống lại việc Trung Quốc ‘‘cấp các phương tiện cần thiết cho cỗ máy chiến tranh Nga’’.

Hôm 12/06, Hoa Kỳ công bố một loạt các trừng phạt mới nhắm vào hơn 300 thực thể, trong đó có nhiều định chế tài chính Nga và các định chế nước ngoài có quan hệ với Nga, đặt tại Trung Quốc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Theo một phát ngôn viên Nhà Trắng, các thông báo trừng phạt mới được đưa ra trước thượng đỉnh G7 là một tín hiệu mạnh của tổng thống Mỹ gửi đến lãnh đạo Nga.

Anh, Mỹ ban hành trừng phạt mới, Nga đình chỉ giao dịch bằng euro và đô la

Luân Đôn ngày 13/06/2024, thông báo loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Sàn giao dịch chứng khoán Matxcơva cũng như « hạm đội tầu ma » của Nga nhằm lẩn tránh các lệnh cấm vận của phương Tây nằm trong số các đối tượng bị nhắm đến.


Đồng rúp của Nga. Ảnh minh họa. REUTERS/Ilya Naymushin
Minh Anh
Thông báo được đưa ra tại thượng đỉnh G7 được tổ chức ở Ý, một ngày sau khi Mỹ thông báo loạt trừng phạt mới nhắm vào hơn 300 thực thể, trong đó có thị trường tài chính Matxcơva, nhằm chặn những nguồn cung ứng còn lại giúp Nga có được các loại nguyên nhiên liệu và trang thiết bị trên trường quốc tế, theo như tuyên bố từ bộ trưởng Tài Chính Mỹ, Janet Yellen.

Theo AFP, ngay khi Mỹ thông báo trừng phạt, Ngân hàng trung ương Nga đêm thứ Tư 12/6, cho biết đình chỉ mọi giao dịch bằng đồng euro và đô la. Nếu như quyết định này của Ngân hàng trung ương chỉ liên quan đến sàn chứng khoán và người dân Nga vẫn có thể tiến hành các giao dịch bằng đô la và euro, thì thông báo của ngân hàng trung ương Nga ít nhiều gây ra một khoảnh khắc hốt hoảng ở tầng lớp bình dân Nga.

Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI, Anissa El Jabri, ghi nhận :

« Những hàng người dài trước các ngân hàng ở Matxcơva, Saint Petersburg, Novossibirsk. Người dân Nga trong nhiều giờ ồ ạt tìm cách mua đô la và euro, một phản xạ đã có từ những năm 1990. Tình trạng bất ổn và trượt giá liên tục của đồng nội tệ đẩy những ai có khả năng, tìm đến những đồng tiền có giá trị bảo toàn sau mỗi cú sốc.

Sáng thứ Năm, một số ngân hàng còn cho thấy có những cách biệt rất lớn, từ một đến hai lần, giữa giá mua và bán đồng đô la và euro. Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin đã trấn an rằng, xin trích, « Ngân hàng Trung ương có thể bình ổn các thị trường và đang thực hiện điều đó. »

Quả thực, tỷ giá hối đoái đã được ổn định nhiều giờ sau đó. Tuy nhiên, sự biến động các loại ngoại tệ phương Tây có thể sẽ kéo dài. Matxcơva cam kết có những biện pháp trả đũa nhưng không nêu rõ. Chỉ có điều, trong vòng hai năm, đồng tiền Trung Quốc đã khẳng định vị thế. Đồng nhân dân tệ kể từ giờ chiếm phần lớn các giao dịch trên sàn chứng khoán Matxcơva. »

Zelensky kỳ vọng thỏa thuận an ninh Mỹ-Ukraina mở đường gia nhập NATO

Ngày 13/06/2024, bên lề thượng đỉnh G7 tại Ý, nguyên thủ Mỹ và Ukraina đã ký thỏa thuận an ninh song phương có thời hạn 10 năm. Tổng thống Joe Biden đánh giá thỏa thuận là « một dấu hiệu mạnh mẽ cho sự ủng hộ (của Mỹ) đối với Ukraina », còn tổng thống Volodymyr Zelensky hoan ngênh « một ngày lịch sử » mở đường cho Ukraina gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.


Tổng thống Joe Biden (P) và đồng cấp volodymyr Zelensky sau lễ ký kết thỏa thuận an ninh Mỹ-Ukraina. Ảnh ngày 13/06/2024. AP - Alex Brandon
Thu Hằng
Toàn bộ thỏa thuận, gồm 11 điều, được đăng trên trang web của tổng thống Ukraina. Theo điều II, liên quan đến hợp tác an ninh và quốc phòng, Hoa Kỳ cam kết giúp Kiev củng cố quân đội, đào tạo quân nhân và hợp tác với với tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraina. Ngoài ra, hai bên cam kết hợp tác về tái thiết kinh tế và cải cách (điều III), cải cách thể chế để thúc đẩy tiến trình hội nhập vào Liên Âu - Đại Tây Dương (điều IV)…

Trong buổi họp báo chung với tổng thống Joe Biden sau lễ ký kết, tổng thống Zelensky phát biểu thỏa thuận « cho thấy Hoa Kỳ ủng hộ Ukraina gia nhập NATO trong tương lai và công nhận rằng thỏa thuận an ninh (song phương) mở đường cho Ukraina hội nhập NATO ». Cùng ngày, Ukraina cũng ký thỏa thuận an ninh với Nhật Bản.

Tổng thống Ukraina là khách mời tại thượng đỉnh G7 do Ý tổ chức. Ngày làm việc đầu tiên (13/06) được dành thảo luận về việc sử dụng tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraina phòng vệ. Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về « khoản vay liên đới » 50 tỉ đô la và sẽ chuyển khoản tiền này cho Kiev «từ nay đến cuối năm », theo thủ tướng Ý Giorgia Meloni, để chuẩn bị ngân sách kháng chiến cho năm 2025. Tổng thống Zelensky hoan nghênh quyết định của G7 và cho rằng « Nga phải thanh toán là chuyện công bằng ».

Trên chiến trường, Ukraina tiếp tục bị Nga oanh kích. Không quân Ukraina thông báo bắn hạ 14 tên lửa (trong đó có 10 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555 được bắn từ oanh tạc cơ chiến lược Tu-95 MS) và 17 drone của Nga trong đêm 13-14/06. Phía Nga cũng cho biết đã bắn hạ 87 drone của Ukraina, tập trung chủ yếu vào các vùng biên giới Belgorod, Volgodrad, Voronej, Koursk, Rostov, Crimée.

Bầu cử Quốc Hội Pháp :Cánh tả thành lập Mặt trận Bình dân mới chống cực hữu

Cánh tả Pháp thở phào sau 4 ngày đàm phán căng thẳng giữa các chính đảng. Mặt trận Bình dân mới (Nouveau Front populaire) được hình thành tối 13/06/2024 và bốn đảng lớn thông báo đạt đồng thuận về « chương trình chính phủ » để đồng hành với « các ứng viên duy nhất » của liên minh cánh tả.


Đại diện của Đảng Xã Hội PS, đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI, Đảng Sinh Thái EELV và Đảng Cộng Sản PCF thông báo thành lập Tân Mặt Trận Bình Dân chuẩn bị cho bầu cử Quốc Hội Pháp. Ảnh ngày 13/06/2024. REUTERS - Stephane Mahe
Thu Hằng
Trên mạng X, bí thư thứ nhất đảng Xã Hội Olivier Faure ca ngợi « một trang Sử Pháp đang được viết », lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon hoan nghênh « một sự kiện chính trị quan trọng ở Pháp ». Bí thư đảng Cộng Sản Fabien Roussel cho rằng « sự thay đổi đang diễn ra », còn theo bà Marine Tondelier, đứng đầu đảng Sinh Thái, « kỳ vọng lớn lao về đoàn kết đã được thể hiện ».

Mặt trận Bình dân mới, tập hợp đảng Cộng Sản (PCF), Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đảng Sinh Thái (EELV) và đảng Xã Hội (PS), sẽ đề cử những ứng cử viên duy nhất tại 577 đơn vị bầu cử trong kỳ bầu cử Quốc Hội Pháp ngày 30/06 và 07/07, cụ thể đảng LFI có 229 ứng viên, đảng Xã Hội 175, đảng Sinh Thái 92, đảng Cộng Sản 50. Số còn lại sẽ được phân bổ sau.

Chương trình tranh cử của liên minh cánh tả được công bố trưa 14/06 cam kết « áp dụng ngay 20 hành động đoạn tuyệt »nếu giành thắng lợi. Ngoài ra, còn có nhiều chủ trương cải cách khác như ấn định chỉ số lương và lương hưu theo lạm phát để tăng sức mua, bãi bỏ cải cách thất nghiệp, luật bảo hiểm thất nghiệp, luật nhập cư…

Lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon khẳng định : « Nếu cánh tả lên nắm quyền, những người trên 62 tuổi sẽ nghỉ hưu ngay lập tức ».

Theo kết quả thăm dò do viện Elabe tiến hành cho báo La Tribune Dimanche và đài truyền hình BFMTV ngày 12/06, liên minh cánh tả (gồm 4 đảng PCF, LFI, EELV và PS) có thể nhận được 28% số phiếu trong kỳ bầu cử Quốc Hội, đứng sau đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) với 31% số phiếu nhưng vượt đảng Phục Hưng (Renaissance) của tổng thống Macron và các đồng minh (18%).

Hội nghị COP29: Nước chủ nhà Azerbaidjan bị tố cáo trấn áp giới tranh đấu khí hậu

Hôm qua, 13/06/2004, là ngày cuối cùng của đợt họp kéo dài 10 ngày tại Bonn, Đức, với sự tham gia của khoảng 8.000 nhà đàm phán, để chuẩn bị cho hội nghị khí hậu COP29, tháng 11/2024 tại Azerbaidjan. Nhân cuộc họp tại Bonn, giới bảo vệ nhân quyền báo động về tình trạng nước tổ chức COP29 gia tăng đàn áp giới tranh đấu khí hậu.


Azerbaïdjan được chọn để tổ chức Hội Nghị Khí Hậu COP29. © Anne-Cécile Bras/RFI
Trọng Thành
Trả lời RFI, bà Rachel Denber, phụ trách châu Âu và vùng Trung Á, của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW), cho biết 26 nhà tranh đấu thuộc xã hội dân sự đã bị bắt giữ từ một năm trở lại đây tại Azerbaidjan. Theo chuyên gia này, ‘‘để các cam kết chống biến đổi khí hậu đáng tin cậy, cần phải có sự giám sát của xã hội dân sự. Nếu không rất khó xem các cam kết như vậy là nghiêm túc’’.

Cô Zhala Bayramova, người Azerbaidjan, cho biết lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ cha cô, ông Gubad Ibadoghlu. Nhà tranh đấu môi trường, lên án ngành công nghiệp dầu mỏ quốc gia, ‘‘không được tiếp cận với nước sạch, khẩu phần ăn không bảo đảm, không được chăm sóc về y tế’’. Nhà tranh đấu hiện bị quản thúc tại gia, chỉ được thả ra sau 9 tháng giam giữ do áp lực quốc tế, đang chờ phải ra tòa, với án tù có thể lên tới 17 năm.

Để yêu cầu trả tự do cho ông Gubad Ibadoghlu và các tù nhân khác, các tổ chức phi chính phủ đã phóng hình ông lên tường các khu nhà ở thành phố Bonn, ngay trước nơi lưu trú của các quan chức Azerbaidjan tham dự đợt làm việc để chuẩn bị cho hội nghị COP29.

‘‘Núi công việc’’ còn lại trước COP29

Nội dung chính của COP29 năm nay là các tài trợ khí hậu. Mục tiêu tài trợ 100 tỉ đô la/năm kể từ năm 2022, mà các nước giàu đặt ra, rút cục đã được thực thi lần đầu tiên kể từ năm 2022.

Theo lãnh đạo cơ quan Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Simon Stiell, thư ký điều hành Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC / CCNUCC), COP29 sẽ phải đặt ra mục tiêu mới cho giai đoạn sau năm 2025, nhưng theo AFP, hiện chưa có bất cứ đồng thuận nào về tổng số tiền cũng như về các đối tượng được hưởng tài trợ hay các bên đóng góp. Lãnh đạo cơ quan Khí hậu của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là, cho dù đợt làm việc tại Bonn đã cho phép đạt ‘‘một số bước tiến’’, nhưng còn ‘‘quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết’’. Ông Simon Stiell cũng đặt hy vọng là thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Ý sẽ là một dịp để các nền kinh tế hàng đầu thế giới đưa ra các sáng kiến trong vấn đề tài trợ khí hậu.

Không có nhận xét nào: