Gần 50 năm. Năm tới là 50 năm. 50 năm quốc hận, 50 năm mất nước. 50 năm. Việt Nam Cộng Hòa đã thua chiến tranh vì cái gì? Vì giới truyền thông Mỹ, vì vài tấm hình: Ngài Thích Quảng Đức tự thiêu, ông sĩ quan Cộng Hòa bắn lính Cộng Sản bị bắt vào năm 68. Hình ảnh từ tháng tư 75: lính VN Cộng Hòa cởi đồng phục lính, chiếc trực thăng trên mái nhà, xe tăng đốt cháy trong đường phố Sài Gòn. Sau đó thì gì nữa? Mình đã thấy cờ Việt Nam Cộng Hòa hiện ra ở đâu?
Trong giới truyền thông Mỹ thì mới hiện ra vào năm 1999, trong đoàn người biểu tình trước cửa tiệm phim ông Trần Trường, trong khu Sài Gòn nhỏ. Và cuối cùng vào năm 2021, trên đài truyền hình, ở thủ đô Hoa Kỳ, trong nhóm người đã giương cờ vàng, cố đảo ngược kết quả bầu cử, muốn đảo chánh chính phủ Hoa Kỳ.
Chính tôi là thầy dạy môn lịch sử, nên tôi biết là để tìm hiểu về một dân tộc nào đó bằng cách này rõ ràng là không đúng, không đủ. Mà người dân thường thì đa số không phải là thầy giáo về lịch sử. Ngắm lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trong số người đã thử, cố tình đảo chánh chính phủ Hoa Kỳ, họ sẽ nghĩ sao về lá cờ đó? Dù mình muốn tránh xa, không nói về chuyện đó, nhưng tiếng Anh có câu ngạn ngữ “một tấm hình bằng hàng ngàn chữ”. Dù tôi có khuyên những người trẻ khác, hay khẳng định rằng ngay cả trong cộng đồng người Việt hải ngoại, trong thế hệ già, không phải ai cũng ủng hộ hoặc đồng ý với chuyện đảo chánh, nó vẫn không nhằm nhò gì khi bao nhiêu triệu người Mỹ khác đã thấy trên đài truyền hình, trên điện thoại của họ, và trên các trang mạng.
Tôi tới hôm nay để thưa với thế hệ trước tôi, và nói về ứng cử viên Derek Trần. Trong 50 năm nay, ý kiến của đa số người Mỹ đã thay đổi từ sau 1975 đến giờ – rằng dân Mỹ thời xưa, thời phản chiến, đã có cái nhìn rất đúng, rằng: “Việt Nam Cộng Hòa nhục quá, tham nhũng quá và Đảng Cộng Sản đã tranh đấu để chống chế độ thực dân!” Chúng ta đều biết đây không phải là sự thật, nhưng mà sự thật thì lại không ăn nhằm gì đến ý kiến con người. Thế hệ trẻ người Mỹ trong thập niên 60-70 khi xưa nay đã trở thành thế hệ già. Và đương nhiên họ không chịu tự chửi chính họ đâu. Nhưng cùng một lúc, điều đó có nghĩa là đối với thế hệ trẻ sau này- trong đó có những người Mỹ gốc Việt, sinh trưởng ở Mỹ – những ai còn vinh danh Việt Nam Cộng Hòa là đi ngược lại ý kiến của phần lớn xã hội nước Mỹ. Trong những sinh hoạt thường ngày, những người trẻ này nói xấu và ra vẻ khinh khi Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng anh Derek Trần đã quyết định không làm như vậy.
Đây không phải là cơ hội cuối cùng cho địa hạt này chọn ứng cử viên đảng Dân chủ. Tôi cũng biết chắc chắn rằng đây không phải là cơ hội cuối cùng để bỏ phiếu cho ứng cử viên người Mỹ gốc Việt. Nhưng tôi muốn thưa với quý vị – từ góc nhìn của một người trẻ – đây có thể là cơ hội cuối cùng quý vị có để bỏ phiếu cho một người muốn vinh danh cờ Việt Nam Cộng Hòa một cách rõ ràng.
Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ là gì? Đã mang ý nghĩa gì, đã lo cho người dân như thế nào? Cờ VN Cộng Hòa có đồng nghĩa với việc chống lại chế độ dân chủ hay không? Có chống nhân quyền hay không? Có ủng hộ chế độ độc tài hay không? Trong quá khứ thì không, nhưng nếu chỉ nhìn vào những tấm hình chụp lại tại thủ đô Hoa Kỳ, ngày 6 tháng 1, 2021, thì làm sao người ta có thể có thể có ấn tượng nào khác được? Bộ chỉ những người theo đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ mới có quyền làm người đại diện cho cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản hay sao?
Trong cuộc bầu cử sắp tới cộng đồng mình có cơ hội chọn. Mình có cơ hội bỏ phiếu cho ứng cử viên để cờ VNCH trong tên của ảnh. Và trên hết, là người hiểu được những kinh nghiệm cộng đồng chúng ta là gì. Không cần người dịch giùm, không cần người giải thích. Chính anh đã sinh trưởng trong một bối cảnh bị ám ảnh bởi những tội ác Cộng Sản. Chúng ta hết còn phải xem tuồng, khỏi phải nhìn cảnh người đại diện mình, đến từ nước ngoài, nghe câu truyện cộng đồng mình, rồi giả bộ như họ hiểu, như họ thông cảm. Đó cũng không phải hoàn toàn lỗi họ, vì đâu có ai có đủ lời để diễn tả những vết thương của chính chúng ta? Bằng tiếng Việt, hay bằng tiếng Anh, ai có thể diễn tả được những đau thương trong đêm, hoặc khi có người ngừng lại mọi việc, nước mắt tuôn tràn, và người ấy không giải thích chuyện gì đang xảy ra.
Có ai có đủ lời để diễn tả được cái cảm giác trở lại Việt Nam, thấy căn nhà, khu dân cư cũ bị xóa đi, và trong lịch sử thời mới, một xã hội “hoàn hảo” bây giờ đã được chế ra, để viết lại lịch sử, để nói là sau 1975, không có ai buồn bực, không ai bị tổn thương, không ai bị ám ảnh, không ai thức nửa đêm nhìn bốn vách tường, và mơ thấy người yêu chết trên biển trong chiêm bao. Không ai có cảm giác như vậy đâu, chỉ có ma thôi. Ma ngụy.
Người Mỹ không biết được điều này. Ngay cả dân tộc khác, họ có lịch sử riêng của họ, mà khi nói về người đại diện, trong chế độ dân chủ, không gì bằng nếu có được một người đại diện đã từng sống với cùng hoàn cảnh của mình.
Có người nói rằng dù anh đó có là đồng bào hay không, nhưng nếu ứng cử cho đảng dân chủ, thì đó là một điều không chấp nhận được. Đối với ý kiến này tôi sẽ trả lời như sau:
Có một cộng đồng nào mà đã trung thành với đảng Cộng Hòa hơn cộng đồng người Việt không? Người Mễ bầu cho dân chủ, người này người kia bầu theo ý cộng đồng họ, mà người Việt nào giờ vẫn cứ luôn bầu cho đảng Cộng Hòa. Và dù chúng mình trung thành trong bao nhiêu năm qua, cộng đồng mình đã nhận được cái gì? Người đại diện hiện giờ là vợ của một người lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng Hòa Hoa Kỳ. Và nếu tôi là người thực tế, tôi có thể nói là có một người đại diện lớn mạnh như vậy mới lợi cho cộng đồng mình. Nhưng mà quyền lợi đó đi đôi với điều kiện. Bà này – dù có cố tình muốn ủng hộ cộng đồng chúng ta đến cỡ nào – bà ấy cũng sẽ không bao giờ đi ngược ý của đảng, vì ông chồng bà ta là lãnh đạo trong đảng Cộng Hòa. Và mỗi khi cộng đồng mình cần gì, mình cần phải có thông dịch viên để dịch giùm. Và dịch đúng hay sai, không quan trọng bằng liệu họ có hiểu được những cảm giác, những ký ức của mình không?
Gần 50 năm trời rồi. Gần 50 năm trung thành với đảng Cộng Hòa, mà đảng cứ vẫn bảo, “hãy đợi tới phiên mình người Việt ơi. Không có gì là quan trọng (dù đây là trung tâm người Việt hải ngoại lớn nhất trên toàn thế giới), không quan trọng vì bao nhiêu năm nay khi cần, mình đã nhờ thông dịch viên dịch tới dịch lui cho ông này bà kia, năn nỉ họ nghe, năn nỉ họ hiểu, mong họ thông cảm. Đừng lo, vì dù sao cũng sẽ có một ngày nào đó đảng (CH) sẽ cho người Việt đại diện người Việt.”
Trong khi có một người trẻ, không những chỉ thành công, mà còn biết nghe lời cha mẹ đến độ quay ngược với những suy nghĩ của phần lớn xã hội nước Mỹ và quyết định vinh danh Việt Nam Cộng Hòa, trong lúc những người thuộc đảng Cộng Hòa vẫn nói, “hãy tin về đảng đi, đừng đòi hỏi nhiều quá”
Quý vị ơi, gần tới 50 năm rồi. Bao nhiêu người từng sống trong thời Việt Nam Cộng Hòa đã được chôn rồi? Bao nhiêu người trẻ sinh trưởng ở đây không dám treo cờ VN Cộng Hòa vì họ sợ ý kiến của bạn bè họ, chưa kể đến chuyện họ đi ứng cử. Bao nhiêu người đã có cái ấn tượng cuối cùng về Việt Nam Cộng Hòa, qua lá cờ vàng đứng chung với những người cố gắng phá tan đi cái nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới?
Mình có muốn cho thế giới chỉ nhớ tới VNCH như vậy không? Cho họ nghĩ là chúng mình đã hy sinh tất cả để chỉ làm đĩ cho Mỹ thôi, rằng mình đã chỉ muốn có chế độ độc tài do chính mình làm chủ? Rằng mình là kẻ ác, và mình chấp nhận chuyện thế giới chửi hết ông cha mình sao?
Tôi nghĩ rằng trong tương lai không ai dám vinh danh Cộng Hòa như anh Derek nữa đâu. Đây là cơ hội cuối cùng cho cộng đồng mình: mình có thể chọn tiếp tục trung thành với một đảng – cái đảng chưa bao giờ cho người Việt tự đại diện đến cấp này – hay mình có thể ủng hộ một người con của cộng đồng. Đây cái cơ hội của chúng ta trong cuộc bầu cử sắp tới. Quý vị hãy tự hỏi: mình có tin về đảng Cộng Hòa hơn là mình tin về đồng bào mình không? Không phải chỉ đồng bào đến từ Việt Nam nói riêng, mà cả đồng bào con cháu người tị nạn nói chung? Hay mình chỉ thuộc về đảng thôi, và sẽ từ chối thay đổi, vì mình chỉ muốn tiếp tục đợi đến phiên mình?
Lê Võ Duy Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét