Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Mừng Lễ Hiền Phụ 2024! (Happy Father’s Day!) Giới Thiệu Sinh Hoạt và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải



LỜI CHÚC:
KÍNH CHÚC CÁC NGƯỜI CHA TRONG GIA ĐÌNH, MỘT NGÀY LỄ CHA VUI VẺ, NHÀN NHÃ, NGHỈ NGƠI! (KHÔNG PHẢI SỬA XE, LÀM VƯỜN, ĐỔ RÁC, COI CHÁU!) TRÀN ĐẦY HẠNH PHÚC, BÊN CÁC CON CÁI THÂN YÊU CỦA MÌNH. HAPPY FATHER’S DAY!
<!>

Nhóm Mõ Nhân Ái Mang Không Khí Ấm Áp Ngày Lễ Hiền Phụ 2024 (Happy Father’s Day) Đến Với Khách Không Nhà (Homeless), An Ủi Những Mảnh Đời Khốn Khổ! Bị Gạt Ra Khỏi Bên Lề Xã Hội.


Trong bữa cơm nóng hổi, mà Nhóm Mõ Nhân Ái, đã phục vụ bền bỉ, trên cả chục năm qua. Hôm kia, Thứ Năm, ngày 14 tháng 16, Nhóm đã có chút sinh hoạt, với đầy đủ tiết mục Mừng Ngày Lễ Cha.
Việt Nam có câu “của cho, không bằng cách cho!” Nhóm Mõ Nhân Ái, coi Khách Không Nhà, như người trong Gia Đình, ngoài phục vụ, giúp đỡ nhu cầu ăn uống, vật dụng cần thiết, Nhóm còn cố gắng, mang không khí tất cả Ngày Lễ quan trọng đến với họ. Đây là món quà Tinh Thần an ủi quý báu, không gì vật chất nào có thể so sánh!
Nhiều người tâm sự: “chỉ có Nhóm Mõ Nhân Ái, mới đối xử với chúng tôi, đầy Gia Đình, Tình Người ấm áp như thế!” Cái hay không phải một năm, mà bền bỉ biết bao nhiêu năm nay.

Sau đây là một vài hình ảnh buổi sinh hoạt Mừng Father’s Day:


-Giây phút sửa soạn trang trí bữa ăn Mừng Ngày Hiền Phụ


-Nhóm Mõ Nhân Ái trong tư thế sửa soạn phục vụ, đàng sau là cả một ban hòa tấu, người Hàn Quốc với cả hàng chục nhạc công!


-phục vụ như khách quý, có bàn ghế để ngồi dùng bữa.


-Có bong bóng, to như người thật, ca tụng Người Cha là Số Một!


-Anh Trưởng Nhóm, còn lì xì tiền mặt đến từng Người Cha không nhà!


-Sau bữa ăn, ê hề nhận thực phẩm khô, để dùng trong tuần.


San Jose: 2 Sinh Hoạt Đáng Tham Dự Nhất Trong Ngày Lễ Hiền Phụ Năm Nay:


Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19/6:
Chủ Nhật ngày mai! ngày 16 tháng 6/2024, lúc 10 giờ 30 sáng, tại Tiền đình Quận Hạt Santa Clara. 70 W Hedding, San José. Do Liên Hội Cựu Quân Nhân VNCH Bắc Cali tổ chức.



Chiều Nhạc: Tình Cha, Tình Lính!

Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, (ngày mai) ngày 16 tháng 6 năm 2024. Tại Quán Cà phê Lover, 1855 Aborn Rd, San José.
*Vào cửa tự do, nước giải khát hoàn toàn miễn phí! Phút vinh danh người Cha, còn có nhiều mục vui, có thưởng!


Lời Mời
-Kính thưa Quý Vị, nước Mỹ có một tuần kỳ lạ, đó là tuần lễ Mừng Ngày Hiền Phụ, cũng hay trùng vào Mừng Ngày Quân Lực VNCH 19/6!

Chính vì lý do này, nên năm nào, người Lính LVH và Bạn Hữu, cũng tổ chức một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc biệt cho 2 dịp lễ, chung một tuần này. Năm nay là lần thứ 6! Lần nào, khán thính giả cũng tham dự đông đảo, Câu lạc bộ Mây Bốn Phương, hay Quán cà phê Lover, cũng không còn đủ chỗ ngồi!
Hy vọng năm nay cũng thế, ngoài phần văn nghệ sẽ đặc sắc hơn nhiều, vì có thêm Đoàn Du Ca Bắc Cali, là Nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn, đồng Trưởng Ban Tổ Chức, nên chắc chắn phải là buổi nhạc độc đáo, hay hơn nhiều các năm trước.
Nên Trân Trọng Kính Mời Tham Dự:

Chiều Nhạc: Tình Cha, Tình Lính!
Lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2022. Tại Quán Cà phê Lover, 1855 Aborn Rd, San José.
*Vào cửa tự do, nước giải khát hoàn toàn miễn phí! Còn có nhiều mục vui, có thưởng!
*Phần văn nghệ hùng hậu, đặc sắc với những giọng ca: Phương Lan, Hoàng Vinh, Kim Thư, Hoài Hương, Lê Thu, Trần Hà, Bạch Yến, Thi Cúc, MyMy, MC Vân Yến, Âm thanh, Organ Larry Hồ
*Đây cũng là dịp Hội Ngộ hiếm có của những Người Lính Năm Xưa, vừa là người Cha thương yêu của Gia đình, vừa ôm con, vừa đánh giặc, trước 75! Nên những Quý Vị nào vừa là Cha, vừa là Lính, sẽ có giây phút vinh danh và được BTC tặng một món quà đặc biệt!


TRUYỆN NGẮN CẢM ĐỘNG: NGƯỜI CHA YÊU DẤU!
(Trần Quốc Anh).


Một ngày, anh hẹn chị ra quán cà phê trước nhà ga chính của thành phố Bremen. Câu đầu tiên khi gặp anh, chị nói trong sự cáu gắt: Ông lại bán xe rồi hay sao mà đi tàu lên đây?
- Anh cúi đầu trả lời lí nhí trong hổ thẹn: Ừ thì bán rồi, vì cũng không có nhu cầu lắm!
- Chị sầm mặt xuống: Ông lúc nào cũng vậy, suốt đời không ngóc đầu lên được. Hẹn tôi ra đây có chuyện gì vậy?
Khó khăn lắm anh mới mở lời nhờ. Chị cũng không dễ dàng khi chối: Nhưng mà gia đình tôi đang yên lành, nếu đưa con bé về e sẽ chẳng còn được bình yên nữa!
- Anh bối rối năn nỉ: Con bé đã đến tuổi dậy thì, anh là đàn ông, không thể gần gũi và dạy dỗ chu đáo cho nó được. Anh chưa bao giờ cầu xin em điều gì, chỉ lần này thôi. Chỉ cần nửa năm hay vài ba tháng gì cũng được. Em là phụ nữ em gần nó, em hướng dẫn và khuyên bảo nó trong một thời gian để nó tập làm quen với cuộc sống của một thiếu nữ, sau đó anh sẽ lại đón nó về.
- Chị thở dài: Ông lúc nào cũng mang xui xẻo cho tôi. Thôi được rồi, ông về đi, để tôi về bàn lại với chồng tôi đã. Có gì tôi sẽ gọi điện thông báo cho ông sau.
Anh nhìn chị với ánh mắt đầy hàm ơn. Anh đứng dậy, đầu cúi xuống như có lỗi. Tiễn chị ra xe rồi lầm lũi bước vào nhà ga đáp tàu trở lại Hamburg.

Anh và chị trước kia là vợ chồng. Họ yêu nhau từ hồi còn học phổ thông. Chị theo học Ðại học Sư phạm rồi về làm giáo viên cấp 3. Anh đi lao động xuất khẩu ở Ðức. Khi đã có giấy tờ cư trú hợp lệ, anh về làm đám cưới với chị, rồi làm thủ tục đón chị sang Ðức. Thấy bạn bè anh ai cũng thành đạt, có nhà hàng, hay cửa tiệm buôn bán, còn anh vẫn còn đi làm phụ bếp thuê cho người ta. Chị trách anh vô dụng. Anh không nói gì, chỉ hơi buồn vì chị không hiểu: Ðể có đủ tiền bạc và điều kiện lo thủ tục cho chị sang đây, anh đã vất vả tiết kiệm mấy năm trời. Anh đã không dám mạo hiểm ra làm ăn. “Ðồ cù lần, đồ đàn ông vô dụng...”. Đó là câu nói cửa miệng chị dành cho anh. Giông tố thực sự bắt đầu nổi lên khi bé Hương ra đời. Bé Hương sinh thiếu tháng, bị thiểu năng bẩm sinh phải nuôi lồng kính đến hơn nửa năm. Khi đó: Chị trách anh, đến một đứa con cũng không làm cho ra hồn thì hỏi làm được gì chứ. Anh ngậm đắng nuốt cay nhận lỗi về mình và dồn hết tình thương cho đứa con gái xấu số.

Bé Hương được 3 tuổi vẫn chưa biết nói, chị muốn ly dị. Chị nói, ông buông tha cho tôi, sống với ông đời tôi coi như tàn. Anh đồng ý vì anh biết chị nói đúng. Anh là người chậm chạp, không có chủ kiến và không có chí tiến thân, sống an phận thủ thường. Nếu cứ ràng buộc sẽ làm khổ chị. Chị cũng rất thương con, nhưng vì bận bịu làm ăn nên nhường quyền nuôi dưỡng con bé cho anh khi làm thủ tục ly hôn.


Ly dị được gần 1 năm thì chị tái giá và có thêm một bé trai. Thành phố Bremen nhỏ, người Việt ở đó hầu như đều biết nhau. Chị cảm thấy khó chịu khi thỉnh thoảng bắt gặp cha con anh đi mua sắm trên phố. Chị gặp và nói với anh điều đó. Cha con anh liền chuyển về Hamburg sinh sống.
Chị không phải là người vô tâm. Thỉnh thoảng vẫn gửi tiền nuôi dưỡng và gửi quà cho con bé những dịp năm mới hay Noel. Thấm thoát đó mà giờ đây con bé đã sắp trở thành một thiếu nữ.
Con bé gặp vấn đề trong giao tiếp, phải đi học trường khuyết tật. Nhưng con bé rất ngoan. Nó bị bệnh thiểu năng, trí tuệ hạn chế, phát âm khó khăn. Tuy vậy nó vẫn biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân. Thậm chí nó còn biết giúp anh một số công việc lặt vặt trong nhà...
Chồng chị đồng ý cho đón con bé về sống cùng vài tháng, với điều kiện anh không được ghé thăm. Chị cảm thấy hổ thẹn khi phải tiếp xúc với vẻ mặt đần đần dài dại của anh. Vợ chồng chị đã mua 1 căn nhà rộng, nên con bé được ở phòng riêng. Chị xin cho con bé theo học tạm thời ở một trường khuyết tật gần nhà. Con bé tự đi đến trường và tự về nhà. Ði học về, nó cứ thui thủi một mình trong phòng. Ðứa em trai cũng như mẹ và bố dượng rất ít khi quan tâm đến nó. Niềm vui duy nhất của nó là chờ điện thoại của bố. Nó phát âm không chuẩn và nói rất khó khăn, nên hầu như nó chỉ nghe bố nói chuyện. Bố dặn dò nó rất nhiều và thỉnh thoảng còn hát cho nó nghe.

Nhà mẹ nó có cái đàn piano rất đẹp để ở phòng khách cho em trai nó chơi. Có lần nó sờ và bấm bấm vài nốt. Mẹ mắng nó không được phá đàn của em. Từ đó nó không dám đụng đến nữa.
Có hôm anh gọi điện thoại cho con, nó nghèn nghẹn nói lõm bõm: “... đàn... klavia... con muốn...”. Anh thở dài và hát cho con nghe. Tháng đầu, hầu như ngày nào anh cũng gọi điện thoại cho con. Rồi thưa dần, thưa dần. Cho đến một ngày anh không gọi cho con nữa. Sau một tuần anh không gọi điện thoại, Con bé bỏ ăn và nằm bẹp ở nhà không đi học. Chị không biết gì cứ mắng nó giở chứng.


Một đêm, chị bỗng bật choàng dậy khi nghe tiếng đàn piano vang lên. Chị chạy ra phòng khách, thấy con bé đang ngồi đánh đàn say sưa. Nó vừa đánh vừa hát thì thầm trong miệng. Chị cứ há hốc mồm ra kinh ngạc. Chị không thể tưởng tượng nổi là con bé chơi piano điêu luyện như vậy. Chị chợt nhớ ra, đã có lần anh nói với chị, con bé ở trường khuyết tật có học đàn piano, cô giáo khen con bé có năng khiếu. Chị tưởng anh kể chuyện lấy lòng nên chị không quan tâm. Chị đến gần sau lưng nó, và lặng lẽ ngắm nhìn nó đánh đàn. Chị cúi xuống và lắng nghe con bé hát thầm thì cái gì... Và chị sởn cả da gà, khi chị nghe con bé hát rõ ràng từng tiếng một, mà lại là hát bằng tiếng Việt hẳn hoi: “... Nhớ những năm xa xưa ngày cha đã già với bao sầu lo... sống với cha êm như làn mây trắng... Nhớ đến năm xưa còn bé, đêm đêm về cha hôn chúng con... với tháng năm nhanh tựa gió... Ôi cha già đi, cha biết không...”.


Chị vòng tay ra trước cổ nó và nhẹ níu, ôm nó vào lòng. Lần đầu tiên chị ôm nó âu yếm như vậy. Chị thấy tay mình âm ấm. Nó ngừng đàn đưa tay lên ôm riết tay mẹ vào lồng ngực. Nó khóc. Chị xoay vai nó lại, nhìn vào khuôn mặt đầm đìa nước mắt của nó. Nó chìa cho chị một tờ giấy đã gần như nhàu nát. Chị cầm tờ giấy và chăm chú đọc, rồi thở hắt ra nhìn nó hỏi, con biết bố con bị ung thư lâu chưa. Nó chìa bốn ngón tay ra trước mặt mẹ. Chị hỏi, bốn tháng rồi hả. Nó gật đầu.
Chị nhìn chăm chăm vào tờ giấy, và từ từ ngồi thụp xuống nền nhà. Con bé hốt hoảng đến bên mẹ, ôm mẹ vào lòng, vuốt mặt mẹ, rồi vừa ấp úng nói vừa ra hiệu cho mẹ đại ý là:
- Bố ở trên Thiên Ðường rồi! Mẹ yên tâm, con đã xin vào nội trú ở trường dưới Hamburg. Ngày mai con sẽ về dưới đó, con không ở lại đây lâu để làm phiền mẹ và em đâu. Con về ở tạm đây là vì bố muốn thế. Bố muốn mình ra đi được nhẹ nhàng và yên tâm là có mẹ ở bên con...”.


Chị ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai nó và nói: con gái ngoan của mẹ. Ngày mai nếu mẹ sắp xếp được công việc, mẹ sẽ đưa con về Hamburg...


Tin Buồn: Ngôi Sao Sáng, Thần Tượng Francoise Hardy – Biểu Tượng Âm Nhạc, Thời Trang Của Giới Trẻ Saigon Thập Niên 60, Vừa Lịm Tắt!


(Hình: Có ai còn nhớ tới Françoise Hardy không?)
-Là nữ diễn viên, ca sĩ người Pháp, cô rất thành công với dòng nhạc pop vào thập niên 60 của thế kỷ trước củng như gu phong cách thời trang của cô có sự ảnh hưởng to lớn đến nhiều người, kể cả nhà thiết kế Nicolas Ghesquière và người mẫu Alexa Chung sau này, những ai sinh ra và lớn lên tại Saigon những năm 60’s có thể thấy Françoise Hardy thường mặc áo cổ lọ, váy ngắn, đeo kính có kích thước lớn và đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng dệt kim, cô ít khi trang điểm đậm, vì vậy nếu tình cờ bắt gặp Hardy, bạn sẽ thấy ngay nét đẹp tự nhiên của cô, có thể nói Françoise Hardy là hình mẫu tiêu biểu của thời trang Pháp du nhập vào giới trẻ Saigon vào thập niên 60’s


Sơ lược về “Francoise Hardy”
Sinh năm 1944 tại thủ đô Paris, Françoise Hardy từ nhỏ có một cuộc sống khá buồn tẻ. Cha mẹ cô ly thân từ thời Françoise còn nhỏ, cho nên cô lớn lên với mẹ và em gái. Thời niên thiếu, cô học trường nội trú, nên ba mẹ con lại càng ít sống gần gũi với nhau.


Trong bầu không khí trống trải tẻ nhạt ấy, cô bé sống nhiều với nội tâm, thích mơ mộng, viết nhật ký, nghe nhạc, chơi đàn. Françoise Hardy ngẫu nhiên bước vào thế giới sáng tác mà không hề ý thức, sau khi đậu bằng tú tài, Françoise Hardy theo học khoa ngoại ngữ ở trường đại học Sorbonne. Ngoài giờ học, cô còn ghi tên theo học lớp dạy thanh nhạc của bà Mireille, nơi đào tạo nhiều ca sĩ mầm non của làng nhạc Pháp thời bấy giờ. Một ngày kia cô đọc được một tin ngắn trên báo, theo đó một hãng đĩa đang tuyển lựa ca sĩ mới.
Françoise Hardy xin hẹn gặp rồi đến hát thử, nhưng rốt cuộc không được giữ lại. Mãi đến lần thứ tư cô mới ký được một hợp đồng ghi âm (với hãng đĩa Vogue) vào tháng 11 năm 1961,đĩa hát đầu tay của Françoise Hardy được phát hành vào tháng 4-1962.
Trong số các sáng tác đầu đời kể cả nhạc và lời, cô rất ưng ý với nhạc phẩm Tous les garçons et les filles mà nhạc sĩ Phạm Duy sau đó chuyển dịch thành Những nụ tình xanh. Nhưng vào lúc bấy giờ, hãng đĩa nhà chỉ muốn cô ghi âm những bài hát của tác giả có tên tuổi, đã từng soạn nhạc cho Johnny Hallyday, vì họ quan niệm rằng: Françoise Hardy còn non tay nghề, cô có lẽ sẽ thành công dễ dàng hơn khi hát nhạc của người khác, thay vì trình bày sáng tác của chính cô, phải chăng do lòng tự ái của tuổi trẻ bồng bột, hay là do linh cảm nhất thời, dù gì đi nữa, cô ca sĩ trẻ tuổi nhất quyết đòi hãng đĩa phải cho ra mắt bài hát Tous les garçons et les filles.


Bằng không thì cô sẽ không đi lưu diễn hay tham gia một chương trình truyền hình nào cả. Ngay cả Françoise Hardy cũng không ngờ rằng quyết định táo bạo này lại giúp cho cô thành công. Với hơn hai triệu bản bán chạy chỉ trong vòng 6 tháng, nhạc phẩm này nói về nỗi khát khao tình yêu, mộng ban đầu cuả lứa tuổi mới lớn, là viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho một sự nghiệp.


Những ai từng sống ở miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước, chắc không ai là không biết tới bài hát “Le temps des souvenirs” với giai điệu ru kỷ niệm, khi ấy, thời gian 1963-1965, phong trào nghe các ca khúc phương Tây bùng nổ qua các buổi tổ chức khiêu vũ tại gia, các danh ca của Mỹ như Paul Anka, Elvis Presley, The Platters… của Anh như Cliff Richard, The Shadows, The Beatles, The Rolling Stones… của Pháp như Johnny Halliday, Sylvie Vartan, Françoise Hardy, Christophe, Dalida… trở thành thần tượng của giới trẻ Sài Gòn thời ấy, đầu những năm 1960 thì nhạc trẻ trở thành một hiện tượng của âm nhạc Miền Nam Việt Nam, những ban nhạc trẻ kích động như ” The Peanuts Company,C.B.C., The Dreamers, The Uptight, The Blue Jets, The Spotlights” (sau đổi thành Strawberry Four với Tùng Giang, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane) và một số ca sĩ Việt thích kèm theo tên ngoại quốc bên cạnh tên Việt như Elvis Phương, Pauline Ngọc, Prosper Thắng, Julie Quang, Carol Kim… nổi danh với các bạn nhạc ngoại quốc hát bằng lời Anh hoặc Pháp, nhiều bản nhạc ngoại quốc nổi tiếng được các nhạc sĩ Phạm Duy, Quốc Dũng, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Hải… đặt lời Việt. và trong đó, có nhiều nhạc phẩm tái bản lần này ở Le temps des souvenirs của Françoise Hardy.


Ca khúc từng làm say mê giới trẻ Saigon thời điểm đó sau khi được nhạc sỹ Phạm Duy dịch lại lời Việt On se dit qu’à vingt ans – On est le roi du monde – Et qu’éternellement – Il y aura dans nos yeux – Tout le ciel bleu (Đời đẹp nhất tuổi đôi mươi – Thơm ngát muôn hoa hồng tươi – Tình đầu đến giữa hồn nhiên – Trong sáng giấc mơ thần tiên – Sức sống vô biên… Phạm Duy phổ lời Việt, ca khúc Mùa tình yêu).. đó chính là bài “Le Temps de l’amour (Mùa tình yêu)”sáng tác cuả Jacques Dutronc do Francoise Hardy trình bày, cả hai đều là ca sĩ và họ gặp nhau nhờ làm việc chung khi ghi âm bài hát này. Nhiều thập niên sau ngày lập gia đình rồi có con (Thomas Dutronc), hai người hiện vẫn còn chung sống với nhau.
Thời kỳ lập gia đình cũng là lúc mà Francosie Hardy quyết định ngưng biểu diễn trên sân khấu từ cho tới nay.
Năm 2023, tạp chí Rolling Stone đã xếp Hardy ở vị trí thứ 162 trên bảng xếp hạng những ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Bà là nghệ sĩ người Pháp duy nhất có mặt trong danh sách. Cây bút Will Hermes đã viết rằng Hardy “là hình ảnh thu nhỏ của sự tươi mát của Pháp với một giọng hát đầy sức sống, thoang thoảng như làn khói của xứ Gauloise”. Hermes nhận định hàng chục album đã phát hành của bà “khiến chủ nghĩa hiện sinh nghe có vẻ tao nhã đến mức không thể tưởng tượng được”.

Bà vừa từ trần ngày 11 tháng 6, 2024 ở tuổi 80.


Kinh hoàng! Việt kiều Mỹ bị đánh đập, cấm nhập cảnh vì đưa tin đa chiều về lãnh tụ cộng sản!

 

(Hình: Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh và hai con)
-“Về lý do chúng tôi không được nhập cảnh, họ chỉ nói chung chung là do vấn đề an ninh. Họ không giải thích lý do an ninh là gì và tôi bảo rằng, tôi chẳng làm gì nguy hại đến an ninh của Việt Nam; tôi không làm gì ảnh hưởng đến an ninh Mỹ thì tại sao lại cấm tôi nhập cảnh. Họ chỉ trả lời là thời điểm này tôi chưa được nhập cảnh Việt Nam,” bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cho hay.
Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, từng là một nhà giáo dạy Văn, được biết đến với việc giúp học sinh tìm hiểu thông tin trên mạng để có kiến thức đa chiều về lãnh tụ cộng sản. Bà kết hôn với nhà hoạt động Thái Văn Tự và định cư tại Hoa Kỳ. Bà cho biết, ba mẹ con bà đã bị an ninh sân bay Tân Sơn Nhất đánh đập và nhốt trong phòng kín, khi bà không chịu rời Việt Nam ngay khi bị từ chối nhập cảnh, vì con bà đang bệnh suyễn nặng cần cấp cứu. Vài ngày sau khi bà về lại Mỹ, bà Hạnh kể:

Đêm 7 tháng 6 năm 2024, tôi cùng với con trai, một cháu 12 tuổi và một cháu 4 tuổi đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc 11 giờ để nhập cảnh vào Việt Nam sau 28 tiếng đồng hồ với 3 chặng bay.
Khi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, tôi đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam để nhân viên an ninh kiểm tra thì tôi chờ một lúc, họ hướng dẫn chúng tôi đi vào một nơi khác và họ đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam của chúng cho một nhân viên an ninh khác kiểm tra. Tôi phải chờ khoảng 30 phút. Lúc đó con nhỏ 4 tuổi của tôi rất mệt vì đang bị hen suyễn nặng và phổi gần như bị nghẹn, khó thở. Tôi giục họ giải quyết nhanh để tôi có thể lấy thuốc cho con tôi hoặc hít bình khí dung. Nhưng họ không cho nhập cảnh và yêu cầu mẹ con tôi phải trở về Mỹ trong vòng 20 phút nữa. Tức là lên máy bay quay trở lại Hàn Quốc, rồi từ đó mới về lại Mỹ.

Tôi xin họ là không thể bay trở lại Hàn Quốc ngay vì con tôi đã bay một chặng quá dài và hiện tại con tôi đang trong tình trạng cấp cứu. Điều đầu tiên là cứu người, còn tất cả những chuyện khác thì sẽ tính sau. Nhưng họ không đồng ý. Tôi xin hãy cho tôi một bác sĩ kiểm tra sức khỏe của con tôi để chứng minh điều tôi là đúng. Họ cũng đưa một bác sĩ đến nhưng bác sĩ đó chỉ đứng nhìn và không làm gì cả. Tôi phải mở vali lấy thuốc cho con tôi đem từ Mỹ về và lấy máy trợ thở cho con tôi.
Khi đó điện thoại của tôi cũng không hoạt động được, tôi nói con trai lớn tôi lại cửa hàng Viettel để mua một cái sim điện thoại, nhưng tôi cũng không liên lạc được với chồng tôi. May lúc đó có một du khách nước ngoài thấy sự việc gia đình tôi như vậy thì cho tôi có mượn điện thoại để gọi điện thoại về Mỹ báo cho chồng tôi. Đó là cuộc liên lạc duy nhất tôi có thể thực hiện được lúc đó vì ngay sau đó họ cướp cái điện thoại của tôi. Họ bắt tôi ra máy bay, khống chế tôi bằng cách bẻ tay, bẻ chân tôi và khiêng tôi đi. Họ giật con tôi khỏi tay tôi và đưa cho người khác giữ.

Khi đó hàng chục nhân viên an ninh ở sân bay đã khống chế tôi bằng cách bẻ tay tôi, bóp cổ chân của tôi và họ đánh tôi, lôi tôi đi sềnh sệch. Tôi giãy giụa một lúc thì tôi kiệt sức và ngất xỉu. Lúc đó tôi không biết chuyện gì xảy ra trong khi tôi ngất xỉu. Khi tôi tỉnh lại thì điều đầu tiên tôi hỏi là con tôi đâu rồi, trả lại con cho tôi, thì khi đó họ đưa lại con cho tôi và họ thả tôi nằm dưới sàn nhà.
Sở dĩ họ đánh tôi vì tôi không chịu lên máy bay trở về Mỹ ngay theo yêu cần của họ. Họ đẩy tôi trở lại máy bay bằng mọi cách trong khi tôi cầu xin họ là tôi sẽ rời khỏi đây, nhưng hãy cứu chữa cho con tôi trước vì con tôi cần cấp cứu, nhưng họ không quan tâm và họ bằng mọi cách bắt mẹ con tôi phải lên máy bay trở về Hàn Quốc. Về lý do chúng tôi không được nhập cảnh, họ chỉ nói chung chung là do vấn đề an ninh. Họ không giải thích lý do an ninh là gì và tôi bảo rằng, tôi chẳng làm gì nguy hại đến an ninh của Việt Nam; tôi không làm gì ảnh hưởng đến an ninh Mỹ thì tại sao lại cấm tôi nhập cảnh. Họ chỉ trả lời là thời điểm này tôi chưa được nhập cảnh Việt Nam. Họ chỉ nói như vậy và không giải thích gì thêm mà bắt ba mẹ con tôi phải trở về Hàn Quốc trong đêm hôm đó.

Khi chúng tôi không đồng ý lên máy bay vì con tôi cần cấp cứu, họ không đẩy mẹ con tôi lên máy bay trong đêm hôm đấy nữa và họ bắt tôi, khiêng tôi và nhốt vào một căn phòng. Trong căn phòng đó chỉ có một ô cửa rất nhỏ để nhìn ra phía ngoài. Tôi gõ cửa xin nước thì họ không cho nước, tôi ra lấy nước thì họ đánh tôi. Họ đánh cả con tôi, ném thằng bé xuống dưới sàn nhà. Họ nhốt chúng tôi trong căn phòng đó suốt hai ngày hai đêm và không cho bất cứ đồ ăn thức uống gì cả.
Khi tôi hỏi, khi các anh đã nhốt chúng tôi vào đây thì các anh phải có trách nhiệm giữ gìn mạng sống của chúng tôi, thì họ bảo rằng họ không có nghĩa vụ phải cung cấp đồ ăn thức uống cho tôi và cho con của tôi. Tôi nói rằng vì con tôi cần uống sữa và sữa thì nằm trong vali. Họ cho người mang các kiện hành lý của tôi lên và tôi có thể lấy sữa cho con uống để cháu không bị đói.
Họ nhốt chúng tôi lại và không cách gì chúng tôi mở cửa được. Tôi phải gõ cửa cả tiếng đồng hồ họ mới mở. Đã có lúc tôi sợ rằng con tôi bị chết trong cái phòng đó. Thật là một trải nghiệm kinh khủng mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.

Có rất nhiều nhân viên an ninh làm việc với tôi nhưng có những người họ không mặc sắc phục, họ chỉ mặc thường phục cho nên tôi không biết tên. Nhưng tôi nhớ một nhân viên tên Hải làm việc với tôi trong ngày đầu và ngày hôm sau nữa, khi họ đã nhốt chúng tôi lại.
Tôi cũng không biết chức vụ của anh ta là gì ở sân bay Tân Sơn Nhất. Còn một người nữa cũng làm việc với tôi nhưng tôi không nhớ tên. Lúc đầu anh ta nói chuyện nhẹ nhàng nhưng sau đó thì họ chửi tôi, xúc phạm tôi. Có một người mà tôi không bao giờ quên được tên và mặt. Anh ta tên là Trịnh Đình Luận. Anh này là người rất là hống hách và độc ác. Khi con tôi đang dùng máy trợ thở thì anh ta chính là người giật cái ổ cắm ra khỏi cái máy thở để con tôi không thể dùng máy thở được nữa. Còn rất nhiều người khác tôi không biết tên.
Chúng tôi được rời căn phòng đó để trở về Hoa Kỳ là do có sự can thiệp thiệp của lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn. Sự can thiệp của lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn bắt nguồn từ việc liên lạc của chồng tôi với lãnh sự quán. Chồng tôi gọi điện liên tục và báo mất tích người. Đến ngày thứ ba thì họ thay đổi thái độ. Hành động họ không còn độc ác của chúng tôi nữa; không còn la hét, đánh đập chúng tôi nữa và họ tỏ ra rất thân thiện với chúng tôi. Tôi biết rằng đã có sự can thiệp của lãnh sự quán Mỹ.

Buổi chiều hôm đó lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn có gọi điện thoại cho tôi để hỏi thăm sức khỏe cũng như tình trạng của mẹ con tôi. Tôi cũng nói với lãnh sự quán Mỹ rằng chúng tôi bị nhốt ở đây ba ngày rồi; bị bỏ đói bỏ khát, bị đánh đập, bị sỉ nhục, hăm dọa và nguy hiểm nhất là con tôi không được tiếp cận y tế. Con tôi không được tiếp cận bác sĩ để được chăm sóc về mặt y tế. May mà có một bác sĩ tốt sau đó cho con tôi mượn máy trợ thở và hết ca trực thì ông có viết lại cái note dặn người sau cho con tôi mượn máy.
Tôi thật sự ngạc nhiên và bất ngờ khi họ không cho tôi nhập cảnh Việt Nam đợt này, tại vì sáu tháng trước đó tôi có về Việt Nam thăm mẹ tôi trong vòng một tháng. Mọi chuyện diễn ra rất là bình thường. Khi tôi đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam thì họ đóng dấu cho tôi vào Việt Nam. Nhưng khi tôi về Nghệ An thì tôi bị công an tên Hoàn, yêu cầu tôi phải ra công an làm việc, nhưng tôi bảo tôi không có việc gì phải làm việc với anh cả. Tôi về thăm mẹ của tôi.
Tôi phải đưa hộ chiếu Mỹ và visa Việt Nam cho công an quản lý hộ khẩu tại địa phương. Lúc đó anh ta nói rằng, chị cứ về Việt Nam thoải mái. Chúng tôi tạo điều kiện cho chị về thăm mẹ. Lần này mẹ tôi ốm nặng, đã 89 tuổi cho nên tôi mới đưa con tôi về thăm. Tôi rất ngạc nhiên và bất ngờ khi họ giữ tôi tại sân bay Tân Sơn Nhất với lý do họ nói là an ninh.


Tin Quốc Tế
Quân Đội Mỹ Nói Đã Diệt Tàu Tuần Tra và Máy Bay Không Người Lái của Houthi


(Hình AP: Bản đồ Yemen và khu vực Biển Đỏ.)
-Thông tấn xã Reuters đưa tin cho hay hôm 13/6/2024, quân đội Hoa Kỳ cho biết họ đã diệt hai tàu tuần tra của Houthi, một tàu nổi không có người điều khiển và một máy bay không người lái trên Biển Đỏ trong nỗ lực mới nhất nhằm làm suy giảm khả năng của nhóm được Iran hậu thuẫn,.
Nhóm Houthi, lực lượng kiểm soát các khu vực đông dân nhất của Yemen, đã nhắm mục tiêu vào tàu Verbena ở Biển Ả Rập cũng như hai tàu Seaguardian và Athina ở Biển Đỏ, phát ngôn viên quân sự của nhóm liên kết với Iran Yahya Saree nói trong một bài phát biểu trên truyền hình trước đó trong cùng ngày 13/6.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho hay cuộc tấn công vào tàu chở hàng Verbena treo cờ Palau đã gây ra hỏa hoạn và làm một người trong thủy thủ đoàn bị thương nặng.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ nói rằng các phiến quân đã phóng 2 phi đạn-đạn đạo chống hạm từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen vào Biển Đỏ, đồng thời nói thêm rằng không có thiệt hại hay thương tích nào từ những phi đạn đó.
Lực lượng dân quân Houthi tổ chức các cuộc tấn công vào các tàu thuyền ở vùng biển ngoài khơi đất nước kể từ tháng 11 để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine phải chịu các cuộc tấn công của Do Thái ở Gaza, tại đó, gần như toàn bộ dân số 2,3 triệu người trên vùng đất hẹp ven biển phải di dời và xảy ra nạn đói cũng như đâu đâu cũng thấy cảnh tàn phá.

Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết họ "sẽ tiếp tục hành động với các đối tác để buộc nhóm Houthi phải chịu trách nhiệm và làm suy giảm khả năng quân sự của họ".
Chiến dịch của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các công ty phải định tuyến lại với các hành trình dài hơn và tốn kém hơn vòng qua miền Nam Phi Châu.
Hoa Kỳ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi để đáp trả các cuộc tấn công vào tàu bè.
Cuộc tấn công của Do Thái vào Gaza đã dẫn đến cáo buộc diệt chủng mà Do Thái phủ nhận. Chiến dịch của Do Thái diễn ra sau khi các chiến binh Hamas người Palestine tấn công vào Do Thái vào ngày 7/10 khiến 1.200 người thiệt mạng, theo thống kê của Do Thái.


G7 Cảnh Báo Iran Về Việc Tiếp Tục Leo Thang Chương Trình Nguyên Tử


(Hình AP: Một người phụ nữ đi ngang qua biểu ngữ có hình phi đạn đang được phóng, ở phía Bắc Tehran, thủ đô của Iran, hôm 19/4/2024. Iran bị G7 cảnh báo vì làm giàu hạt nhân không cho mục đích dân sự.)
-Hôm 14/6/2024, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 cảnh báo Iran không được thúc đẩy chương trình làm giàu hạt nhân và cho biết họ sẽ sẵn sàng thực thi các biện pháp mới nếu Tehran cung cấp phi đạn-đạn đạo cho Nga, theo một dự thảo thông cáo.
"Chúng tôi kêu gọi Tehran ngừng và đảo ngược leo thang hạt nhân, đồng thời dừng các hoạt động làm giàu uranium đang diễn ra mà không có lý do dân sự đáng tin cậy nào", tuyên bố mà thông tấn xã Reuters được xem cho biết.

Một báo cáo của Cơ quan Nguyên Tử năng Quốc tế (IAEA) cho biết hôm 13/6 rằng Iran đã nhanh chóng lắp đặt thêm các máy ly tâm làm giàu uranium tại địa điểm Fordow và bắt đầu lắp đặt các máy ly tâm khác.
Theo đánh giá của IAEA, Iran hiện đang làm giàu uranium tới độ tinh khiết lên tới 60%, gần đến mức 90% – tức cấp độ vũ khí – và có đủ nguyên liệu được làm giàu đến mức đó, nếu được làm giàu thêm, cho 3 quả bom hạt nhân.
"Iran phải tham gia đối thoại nghiêm túc và đưa ra những bảo đảm thuyết phục rằng chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình, hợp tác đầy đủ và tuân thủ cơ chế giám sát và xác minh của IAEA, bao gồm cả nghị quyết của Hội đồng Thống đốc ngày 5/6", nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới nói trong thông cáo.
Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Các nhà lãnh đạo cũng cảnh báo Iran về việc ký kết thỏa thuận cung cấp phi đạn-đạn đạo cho Nga để giúp nước này xâm lược Ukraine, đồng thời cho biết họ sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp quan trọng nếu điều đó xảy ra.
"Chúng tôi kêu gọi Iran ngừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và không cung cấp phi đạn-đạn đạo cũng như kỹ thuật liên quan, vì điều này sẽ thể hiện sự leo thang vật chất đáng kể và là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh châu Âu", các lãnh đạo G7 nói.


Hoa Kỳ Ký Thỏa Thuận An Ninh Với Ukraine


(Hình AFP - Mandel Ngan: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joseph Biden (phải) tại Tòa Bạch Ốc, Hoa Thịnh Ðốn, ngày 12/12/2023.)
-Hôm 13/6/2024, Tổng thống Ukraine cho biết sẽ ký một Thỏa thuận An ninh "chưa từng có" với Hoa Kỳ, bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Ý Ðại Lợi.
Theo báo Mỹ Washington Post, thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine, phát triển lực lượng vũ trang, củng cố khả năng răn đe quân sự về lâu về dài, trên các lĩnh vực khác nhau, trên không, trên biển và an ninh mạng.

Thỏa thuận không nêu rõ số tiền viện trợ cho Ukraine, và cũng không yêu cầu quân đội Hoa Kỳ can thiệp trong trường hợp Ukraine bị tấn công, như trong Hiệp ước Phòng thủ chung với Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), nhưng Hoa Thịnh Ðốn có trách nhiệm tổ chức các cuộc tham vấn cấp cao với Kyiv trong vòng 24 giờ nếu Ukraine bị tấn công lần nữa trong tương lai.
Trả lời báo chí trước khi lên máy bay đến dự hội nghị G7 ở Ý Ðại Lợi, Cố vấn An ninh của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan khẳng định rằng "thỏa thuận này sẽ gửi cho Nga một tín hiệu, thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ. Nếu Vladimir Putin cho rằng Nga có thể tồn tại lâu hơn liên minh hỗ trợ Kyiv thì ông ta đã nhầm".
Bên lề hội nghị G7, Ukraine cũng sẽ ký một thỏa thuận an ninh song phương với Nhật Bản. Trên thực tế, nhóm G7 – các nước công nghiệp phát triển nhất - đã đưa ra một tuyên bố chung vào tháng 7 năm 2023, cho biết sẽ thực hiện các cuộc đàm phán song phương với Ukraine để thiết lập các cam kết và thỏa thuận an ninh dài hạn. Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai nước cuối cùng trong nhóm này ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine.
Theo Reuters, các thỏa thuận về an ninh này nhằm tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và an ninh, hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, đào tạo binh sĩ của Kyiv, cũng như chia sẻ và hợp tác thông tin tình báo, hỗ trợ về an ninh mạng.


G7 Muốn Dùng Tiền Lãi Từ Tài Sản của Nga Bị Phong Tỏa Để Huy Động Tín Dụng Cho Ukraine


(Hình AP - Christopher Furlong: Thượng đỉnh G7 tại Borgo Egnazia, miền Nam Ý Ðại Lợi, ngày 13/6/2024.)
-Thượng đỉnh G7 khai mạc hôm 13/6/2024 tại Borgo Egnazia, gần Bari, miền Nam Ý Ðại Lợi, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng. Theo nhận định của Reuters, trong 3 ngày họp, các nhà lãnh đạo G7 tìm cách tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược và khẳng định một mặt trận thống nhất trước các tham vọng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Tổng thống Ukraine Zelensky tham dự thượng đỉnh G7. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo của khối G7 (Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý Ðại Lợi, Gia Nã Ðại và Nhật) hướng tới thỏa thuận dùng tiền lãi từ tài sản của Nga hiện đang bị quốc tế phong tỏa để huy động tín dụng cho Kyiv, nhưng thách thức hiện nay là phương thức tiến hành.

Từ Bari, đặc phái viên Aabla Jounaïdi của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:
"Làm cách nào để Kyiv có thể dùng tiền lời từ tài sản của Nga bị phong tỏa trong vòng hai năm qua? Từ suốt nhiều tháng nay, chủ đề này vẫn gây chia rẽ các nhà lãnh đạo phương Tây. Tổng cộng, tính trên toàn thế giới, khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Nga sở hữu nhưng không được phép tiếp cận là 300 tỉ Mỹ kim. Một số quốc gia như Đức, thậm chí cả Pháp và Ý Ðại Lợi, lo ngại về các hệ quả pháp lý và thậm chí là về sự ổn định của thị trường Âu Châu trong trường hợp số tài sản nói trên bị tịch thu hoàn toàn.
Tuần trước, khi được hỏi tại Pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đã tìm ra một giải pháp. Hoa Kỳ đề xuất từ nay đến cuối năm cấp khoản vay 50 tỉ Mỹ kim cho Kyiv. Khoản tiền hoàn trả số vay nói trên sẽ được lấy từ tiền lời có được từ tài sản của Nga ở Âu Châu. 50 tỉ Mỹ kim là một khoản tiền lớn, có thể bảo đảm cho Kyiv có tiền phục vụ nỗ lực chiến tranh cho năm 2025, ngoài khoản tài trợ của Liên Hiệp Âu Châu lấy từ quỹ hòa bình gồm 11 tỉ Euro.
Các nguyên thủ quốc gia đã đạt được thỏa thuận, vấn đề còn lại là phương thức tiến hành trên thực tế khoản cho vay 50 tỉ Mỹ kim. Và đây sẽ là nội dung thảo luận của các vị Bộ trưởng tài chính của khối G7, theo một nguồn tin từ phủ tống thống Pháp".
Về phía Luân Đôn, AFP cho biết phủ Thủ tướng Anh tối hôm qua 12/6/2024 loan tin Thủ tướng Rishi Sunak sẽ thông báo tại thượng đỉnh G7 về khoản tài trợ mới cho Kyiv, có thể lên tới 242 triệu bảng Anh (286,5 triệu Euro).


Tàu của Hải quân Nga Ghé Cảng Havana Cuba


(Hình Wikimedia Commons - chụp năm 2018: Tàu Admiral Gorshkov của Hải quân Nga.)
-Bốn tàu của Hải quân Nga, trong đó có một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, đã ghé Cuba vào hôm 12/6/2024, và dừng tại đây 5 ngày. Chuyến thăm Cuba diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố có thể "cung cấp vũ khí cho nước thứ ba để tấn công các mục tiêu phương Tây" do một số nước đồng minh của Ukraine cho phép Kyiv sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công các mục tiêu ở Nga.
Theo thông tấn xã AFP, khoảng 8 giờ sáng, theo giờ Cuba, ngày 12/6, tàu chở dầu Pashin và tàu kéo Nikolai Chiker, mang cờ Nga, đã cập cảng Havana đầu tiên, theo sau là khinh hạm "Admiral Gorshkov". Tàu ngầm nguyên tử Kazan, có thể được nhìn thấy từ cảng của thủ đô.

Trang Courrier International cho biết thêm là tàu Admiral Gorshkov có khả năng bắn phi đạn siêu thanh. Tàu ngầm Kazan K-561, có thể bắn các phi đạn tầm xa. Còn tàu Pashin có thể chở nhiên liệu lên đến 9000 tấn.
Cuba cách tiểu bang Florida Hoa Kỳ 144 cây số. Chuyến thăm chính thức Cuba của các tàu Nga được xem là một cuộc phô trương lực lượng của Nga trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ. Trước đó, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc John Kirby đã tuyên bố là Hoa Kỳ theo dõi tình hình nhưng không cho rằng các tàu này đe dọa đến an ninh Hoa Kỳ. Tuần trước, Bộ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba (Bộ Quốc phòng) cũng khẳng định "không có tàu nào mang theo vũ khí nguyên tử, do đó, các tàu có chặng dừng ở Cuba không phải là mối đe dọa cho khu vực".

Phía Nga coi Cuba là đối tác chiến lược và đã tăng cường quan hệ song phương từ cuối năm 2022, nhân cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.
Từ năm 2008, các tàu của Nga đã nhiều lần ghé thăm cảng của nước đồng minh chiến lược từ thời Chiến tranh Lạnh. Vào năm 2015, một tàu trinh sát của Nga đã cập cảng của Havana mà không báo trước, vào thời điểm mà các viên chức Mỹ và Cuba bắt đầu đàm phán, nối lại quan hệ ngoại giao. Một tàu của Hải quân Nga cũng đã ghé thăm Cuba vào năm 2019, giữa lúc quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ căng thẳng sau khi Donald Trump trở thành chủ nhân Tòa Bạch Ốc (2017-2021).


NATO Nói Đang Biến Kho Vũ Khí Nguyên Tử của Mình Thích Ứng Với Các Đe Dọa An Ninh


(Hình: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12/6/2024 gọi vũ khí nguyên tử là "bảo đảm an ninh cuối cùng" của NATO và là phương tiện để gìn giữ hòa bình.)
-Trong một đề cập hiếm hoi về kho vũ khí nguyên tử của phương Tây, ngày 12/6/2024, người đứng đầu Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh những nỗ lực của liên minh nhằm điều chỉnh khả năng của mình trước các mối đe dọa an ninh hiện tại, lưu ý đến các cuộc diễn tập và luận điệu nguyên tử mới nhất của Nga.
Trao đổi với các phóng viên trước cuộc họp kéo dài 2 ngày của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (thủ đô của Bỉ), trong đó sẽ bao gồm cuộc họp của nhóm lập kế hoạch nguyên tử của liên minh, ông gọi vũ khí nguyên tử là "bảo đảm an ninh cuối cùng" của NATO và là phương tiện để gìn giữ hòa bình.
Mặc dù ai cũng biết rằng Mỹ đã khai triển bom nguyên tử tới một số địa điểm ở Âu Châu nhưng NATO hiếm khi nói về những vũ khí này một cách công khai.

Thảo luận về cái mà ông gọi là "sự thích ứng đang diễn ra" với kho vũ khí nguyên tử của NATO, ông Stoltenberg cho biết Hòa Lan hồi tháng 6 đã tuyên bố các máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên sẵn sàng mang vũ khí nguyên tử và cho biết Mỹ đang hiện đại hóa vũ khí nguyên tử ở Âu Châu.
Ông nói: "Những gì chúng ta đã thấy trong những năm tháng vừa qua là lời lẽ nguyên tử nguy hiểm từ phía Nga…. Chúng ta cũng thấy một số cuộc tập trận, diễn tập nguyên tử khác từ phía Nga".
Hôm 11/6, Nga cho biết quân đội của họ đã bắt đầu giai đoạn hai của cuộc tập trận nhằm thực hành khai triển vũ khí nguyên tử chiến thuật cùng với quân đội Belarus sau những gì Mạc Tư Khoa cho là mối đe dọa từ các cường quốc phương Tây.
Kể từ khi xua hàng ngàn quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố Mạc Tư Khoa có thể sử dụng vũ khí nguyên tử để tự vệ trong những tình huống cực đoan.
Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh Âu Châu đang đẩy thế giới đến bờ vực đối đầu nguyên tử bằng cách cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng tỉ Mỹ kim, một số trong số đó đang được sử dụng để chống lại lãnh thổ Nga.
Ông Stoltenberg cũng đề cập đến việc hiện đại hóa vũ khí nguyên tử của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh dự kiến sẽ tăng số lượng phi đạn nguyên tử trong vòng vài năm tới và nhiều phi đạn trong số đó sẽ có thể vươn tới lãnh thổ NATO.


Thăm Dò Bầu Cử Quốc Hội Pháp: Đảng Cực Hữu Về Đầu, Vượt Xa Đảng của Tổng Thống Tại Vòng I


(Hình REUTERS - Christian Hartmann: Lãnh đạo đảng Tập hợp Dân tộc - RN Marine Le Pen (trái) và Jordan Bardella (phải), đứng đầu danh sách tranh cử Nghị Viện Âu Châu của RN, trong cuộc tranh cử, Paris, 2/6/2024.)
-Tại Pháp, theo kết quả thăm dò ý kiến do công ty tư vấn Elabe công bố hôm 12/6/2024, đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) về đầu trong kỳ bầu cử Lập pháp trước thời hạn với 31% số phiếu trong vòng 1 ngày 30/6, bỏ xa đảng của Tổng thống (18%). Về nhì là liên đảng cánh tả (28%).
Trong vòng 2, tổ chức vào ngày 7/7, vẫn theo cuộc thăm dò này, đảng cực hữu RN, đứng đầu là Jordan Bardella, có thể giành được đa số không quá bán tại Hạ Viện Pháp.
Cuộc thăm dò của Elabe thực hiện cho BFMTV và La Tribune Dimanche, đa phần được thực hiện qua mạng internet, trước khi có cuộc họp báo của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trưa 12/6.

Trong khi đó, đảng cánh hữu truyền thống Những Người Cộng hòa (LR),theo thăm dò của Elabe, chỉ được 6,5% cử tri ủng hộ, rơi vào khủng hoảng sau khi Chủ tịch đảng này, ông Eric Ciotti, thỏa thuận liên minh với đảng cực hữu RN. Chiều 12/6, ban lãnh đạo đảng LR đã họp, quyết định khai trừ đảng và bãi miễn chức vụ Chủ tịch đảng của ông Ciotti. Đương sự tuyên bố không thừa nhận quyết định nói trên và cho biết sẽ khởi kiện. Sáng nay, ông Ciotti vẫn đến trụ sở đảng LR tại Paris.
Nhìn sang phe cực hữu, đảng cực hữu Reconquête của ông Eric Zemmour cũng ghi nhận một "cơn địa chấn chính trị": Chỉ ít giờ sau khi chỉ trích đảng Tập hợp Dân tộc (RN) không chịu liên minh với đảng cực hữu Reconquête, bà Marion Maréchal, người đứng đầu danh sách tranh cử của đảng Reconquête trong kỳ bầu cử Nghị Viện Âu Châu vừa qua, bất ngờ quay ra phản đối Chủ tịch đảng Eric Zemmour và kêu gọi cử tri ủng hộ cho đảng RN. Ngay lập tức, Marion Maréchal đã bị khai trừ khỏi Reconquête, đảng mà bà đã gia nhập từ kỳ bầu cử Tổng thống 2022 sau khi rời khỏi đảng RN.
Về phía Mặt trận Bình dân mới, bao gồm các đảng cánh tả và cực tả, Xã hội, Cộng sản, Nước Pháp Bất khuất và đảng Xanh, tối 12/6, đã đạt được đồng thuận về số ứng viên của mỗi đảng. Các bên liên quan đang tiếp tục thương lượng để có được một chương trình tranh cử chung.


Bầu Cử Quốc Hội Pháp: Cánh Tả Thành Lập Mặt Trận Bình Dân Mới Chống Cực Hữu


(Hình: Đại diện của Đảng Xã Hội PS, đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI, Đảng Sinh Thái EELV và Đảng Cộng sản PCF thông báo thành lập Tân Mặt trận Bình hân chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội Pháp. Ảnh ngày 13/6/2024.)
-Cánh tả Pháp thở phào sau 4 ngày đàm phán căng thẳng giữa các chính đảng. Mặt trận Bình dân mới (Nouveau Front populaire) được hình thành tối 13/6/2024 và bốn đảng lớn thông báo đạt đồng thuận về "chương trình chính phủ" để đồng hành với "các ứng viên duy nhất" của liên minh cánh tả.
Trên mạng X, bí thư thứ nhất đảng Xã hội Olivier Faure ca ngợi "một trang Sử Pháp đang được viết", lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon hoan nghênh "một sự kiện chính trị quan trọng ở Pháp". Bí thư đảng Cộng sản Fabien Roussel cho rằng "sự thay đổi đang diễn ra", còn theo bà Marine Tondelier, đứng đầu đảng Sinh thái, "kỳ vọng lớn lao về đoàn kết đã được thể hiện".

Mặt trận Bình dân mới, tập hợp đảng Cộng sản (PCF), Nước Pháp Bất Khuất (LFI), đảng Sinh Thái (EELV) và đảng Xã Hội (PS), sẽ đề cử những ứng cử viên duy nhất tại 577 đơn vị bầu cử trong kỳ bầu cử Quốc Hội Pháp ngày 30/6 và 7/7, cụ thể đảng LFI có 229 ứng viên, đảng Xã Hội 175, đảng Sinh Thái 92, đảng Cộng sản 50. Số còn lại sẽ được phân bổ sau.
Chương trình tranh cử của liên minh cánh tả được công bố trưa 14/06 cam kết "áp dụng ngay 20 hành động đoạn tuyệt" nếu giành thắng lợi. Ngoài ra, còn có nhiều chủ trương cải cách khác như ấn định chỉ số lương và lương hưu theo lạm phát để tăng sức mua, bãi bỏ cải cách thất nghiệp, luật bảo hiểm thất nghiệp, luật nhập cư….
Lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon khẳng định : "Nếu cánh tả lên nắm quyền, những người trên 62 tuổi sẽ nghỉ hưu ngay lập tức".
Theo kết quả thăm dò do viện Elabe tiến hành cho báo La Tribune Dimanche và đài truyền hình BFMTV ngày 12/06, liên minh cánh tả (gồm 4 đảng PCF, LFI, EELV và PS) có thể nhận được 28% số phiếu trong kỳ bầu cử Quốc Hội, đứng sau đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) với 31% số phiếu nhưng vượt đảng Phục Hưng (Renaissance) của Tổng thống Macron và các đồng minh (18%).


Bộ Chỉ Huy Liên Hiệp Quốc Điều Tra Vụ Lính Bắc Hàn Vượt Giới Tuyến Liên Triều


(Hình AP - Jung Yeon-Je: Khu vực Bàn Môn Điếm, giới tuyến liên Triều, nhìn từ phía Nam Hàn. Ảnh chụp ngày 27/7/2017 nhân dịp kỷ niệm 64 năm Thỏa thuận Đình chiến.)
-Ngày 13/6/2024, Bộ Chỉ huy Liên Hiệp Quốc (UNC) cho biết đang điều tra về loạt sự việc xảy ra trong những ngày gần đây ở biên giới liên Triều, trong đó có vụ quân nhân Bắc Hàn vượt qua đường ranh giới trong khu vực phi quân sự trong thời gian ngắn và việc Nam Hàn tái khởi động tuyên truyền bằng loa phóng thanh.
Theo Yonhap News, Bộ Chỉ huy Liên Hiệp Quốc (UNC) là cơ quan giám sát những hoạt động tại khu vực phi quân sự DMZ để bảo đảm tuân thủ lệnh ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cơ quan này cho biết đang tiến hành điều tra "kỹ lưỡng" và cố gắng làm giảm căng thẳng để bảo đảm hòa bình và an ninh trong vùng.
Khoảng 20 quân nhân Bắc Hàn đã vượt qua đường ranh giới vào lúc 12 giờ 30 ngày 9/6 và chỉ lùi bước, sau khi quân đội Nam Hàn phát thông điệp cảnh cáo và bắn chỉ thiên. Sự việc diễn ra vào lúc Bình Nhưỡng thả hơn 1.600 bóng bay chở phân, rác sang Nam Hàn từ ngày 28/05, Hán Thành đáp trả bằng cách mở lại giàn loa phóng thanh tuyên truyền, phát nhạc K-pop sau 6 năm đình chỉ.

Nam Hàn, hiện là Chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cũng đưa các vụ vi phạm nhân quyền ở Bắc Hàn ra thảo luận tại Hội Đồng Bảo An ngày 12/6. Trung Quốc và Nga bỏ phiếu chống thể thức thông qua chương trình nghị sự về nhân quyền ở Bắc Hàn, nhưng vấn đề này vẫn được đưa ra thảo luận với sự ủng hộ của 12 thành viên của Hội Đồng Bảo An.
Mạc Tư Khoa tăng cường hợp tác song phương với đồng minh Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây, đỉnh điểm là chuyến công du Bắc Hàn "trong những ngày tới" của Tổng thống Vladimir Putin. Ngày 13/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Hàn Lim Soo Suk kêu gọi "các cuộc trao đổi và hợp tác giữa Nga và Bắc Hàn phải được tiến hành nhằm góp phần cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và tôn trọng những nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".


Thủ Tướng Trung Quốc Công Du Châu Đại Dương Để Mở Rộng Hợp Tác Thương Mại


(Hình AP: Thủ tướng Trung Quốc Li Cường (giữa) và Thủ tướng Tân Tây Lan Christopher Luxon (trái) tại Wellington, thủ đô của Tân Tây Lan, ngày 13/6/2024.)
-Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Wellington, trong chuyến công du 7 ngày đến châu Đại Dương, hôm 13/6/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại với New Zeland trong bối cảnh Bắc Kinh lo ngại New Zeland, đối tác thương mại chủ chốt của Trung Quốc, có thể xích lại gần Hoa Kỳ.
Theo thông tấn xã AFP, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Lý Cường và đồng nhiệm Tân Tây Lan Christopher Luxon, hai bên đã ký các thỏa thuận về thương mại và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Thủ tướng Lý Cường cho biết sẽ đưa Tân Tây Lan vào danh sách các nước mà Bắc Kinh đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch.

Về phần mình, Wellington sẽ hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Hoa, tăng cường trao đổi văn hóa thông qua các Viện Khổng Tử ở nước này. Theo Tân Hoa Xã, Bắc Kinh cũng tính đến việc nâng quan hệ với Tân Tây Lan lên cấp Đối tác chiến lược toàn diện.
Trung Quốc vốn là đối tác thương mại hàng đầu của Tân Tây Lan, nhập cảng thịt, rượu vang, hay sữa từ nước này. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai nước lên đến 22 tỉ Mỹ kim. Tuy nhiên, Tân Tây Lan gần đây muốn cân bằng giữa lợi ích giữa một bên là các mối lợi trong hợp tác kinh tế với Bắc Kinh và bên kia là mối quan ngại về an ninh khi Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Phát biểu trước báo giới hôm 13/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định rằng "việc hai bên không phải lúc nào cũng tìm được đồng thuận là lẽ tự nhiên, nhưng không nên để các quan điểm khác biệt hiện nay tạo ra một vực thẳm, ngăn cản quan hệ hợp tác, trao đổi giữa hai nước".
Chính phủ mới của Tân Tây Lan gần đây đã thắt chặt quan hệ với Úc Ðại Lợi và Mỹ, thậm chí còn tính đến việc tham gia liên minh quân sự AUKUS (gồm Úc Ðại Lợi, Mỹ và Anh). Theo Bắc Kinh, AUKUS đe dọa an ninh của Trung Quốc, và vi phạm các luật về không phổ biến vũ khí nguyên tử.
Trong chuyến công du 7 ngày (từ 13 đến 20/6/2024), Thủ tướng Trung Quốc sẽ đến Úc Ðại Lợi vào thứ Bảy (15/6) này, đánh dấu nỗ lực bình ổn quan hệ song phương sau nhiều năm nguội lạnh. Nhân vật quyền lực thứ hai của Trung Quốc cũng sẽ đến thăm Mã Lai Á, dự lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.


Bắc Kinh Sẵn Sàng Đáp Trả Việc Liên Hiệp Âu Châu Tăng Thuế Nhập cảng Xe xe hơi Điện Trung Quốc


(Ảnh AFP/Noel Celis - minh họa: Tại một
cuộc hội chợ về xe hơi tại Bắc Kinh tháng 9/2020. Trong ảnh là xe hơi điện Lynk & Co, chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc Geely.)
-Ngay sau khi Liên Hiệp Âu Châu (EU) cáo buộc Bắc Kinh "bảo hộ" và thông báo ý định tăng thuế "đến 25%" (hiện là 10%) đối với xe hơi điện Trung Quốc kể từ tháng 7/2024, Bắc Kinh cho rằng biện pháp này chỉ "gây tổn hại" cho lợi ích của Âu Châu.
Ngày 12/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cáo buộc biện pháp của Liên Hiệp Âu Châu "đi ngược với những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và quy định trong thương mại quốc tế, làm suy yếu hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu, cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất xe hơi toàn cầu".

Trung Quốc cũng chuẩn bị một loạt biện pháp đáp trả, theo nhận định của thông tín viên Stéphane Lagarde của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Bắc Kinh:
"Trung Quốc đã chuẩn bị trước những biện pháp trừng phạt bằng một đạo luật được thông qua vào tháng Tư vừa qua nhằm tăng cường khả năng đáp trả của nền kinh tế thứ hai thế giới. Cho dù hiện tại, Bắc Kinh vẫn tìm cách làm các nước Liên Hiệp Âu Châu thay đổi ý kiến bằng cách đánh vào những điểm yếu và nhắm đến những lĩnh vực trọng điểm.
Cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các loại rượu mạnh đe dọa chủ yếu các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp chẳng hạn, hoặc vào tuần trước, nhiều doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp Trung Quốc đã khiếu nại việc trợ cấp của Âu Châu đối với các sản phẩm sữa.
Nhưng trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc hiện giờ có thêm cả Đức. Tại triển lãm xe hơi ở Thượng Hải gần đây, các nhà sản xuất xe hơi ngoại quốc khó bắt kịp thị trường Trung Quốc trước sự trỗi dậy kinh ngạc của xe hơi điện "Made in China". Ví dụ như chỉ mới 5 năm trước đây, taxi ở Bắc Kinh còn chạy bằng xe hơi Nam Hàn hoặc Nhật Bản nhưng hiện giờ, chỉ toàn xe Trung Quốc hoặc gần như vậy, ngoại trừ các loại xe sang trọng. Dòng xe du lịch 4 chỗ duy nhất trên đường phố Bắc Kinh là xe của Đức. Đến lượt những chiếc xe này sắp bị đánh thêm thuế để gây sức ép đối với Đức trước kỳ họp của Hội Đồng Âu Châu. Dù sao đó là lập luận mà một số nhà phân tích tại Trung Quốc đưa ra".
Ngay sau thông báo của Liên Hiệp Âu Châu, Bộ Giao thông Đức đã lo ngại nguy cơ "chiến tranh thương mại" với Bắc Kinh và các doanh nghiệp Đức bị tác động trực tiếp. Trên mạng X ngày 12/6, Bộ trưởng Volker Wissing nhấn mạnh, biện pháp giúp xe hơi rẻ hơn là "tăng cường khả năng cạnh tranh, các thị trường mở và tạo điều kiện gây dựng sản xuất ở Liên Hiệp Âu Châu".


Trung Quốc Kêu Gọi Phi Luật Tân Đóng Cửa Các Công Ty Cờ Bạc Trực Tuyến



(Hình REUTERS: Máy đánh bạc tại Solaire Casino-Resort ở thành phố Pasay, Metro Manila.)
-Hôm 14/6/2024, Trung Quốc kêu gọi Phi Luật Tân dập tắt hoạt động điều hành cờ bạc ở ngoại quốc, một ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến mà Bắc Kinh mô tả là "bệnh xã hội" vốn khuyến khích các tội ác như bắt cóc, buôn người và giết người.
Các viên chức cấp cao của chính phủ Phi Luật Tân đã bày tỏ lo ngại về sự hiện diện bất hợp pháp liên tục của các Công ty điều hành cờ bạc ở ngoại quốc tại Phi Luật Tân (POGO), một số trong đó do các công ty Trung Quốc quản lý. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. vào tháng trước nói rằng những công ty này có thể gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia và một thượng nghị sĩ đã đưa ra dự luật kêu gọi loại bỏ vĩnh viễn ngành công nghiệp này, nhưng số phận của chúng hiện chưa rõ ràng.
Ngành công nghiệp cờ bạc trực tuyến nổi lên ở Phi Luật Tân vào năm 2016 và phát triển theo cấp số nhân khi các nhà điều hành tận dụng luật cờ bạc trực tuyến tự do để nhắm mục tiêu vào khách hàng ở Trung Quốc, nơi đánh bạc bị cấm.

Tuy nhiên, Manila đã trấn áp các POGO bất hợp pháp, mà cơ quan quản lý trò chơi trực tuyến Pagcor hôm 13/6 cho biết số lượng đã lên tới 250 đến 300, so với 46 nhà khai thác được cấp phép. Trong năm qua, Trung Quốc đã giúp Phi Luật Tân đóng cửa 5 trung tâm POGO và hồi hương một nghìn người Trung Quốc.
"Chúng tôi kêu gọi Phi Luật Tân sớm cấm POGO để giải quyết tận gốc căn bệnh xã hội này", Tòa Ðại sứ Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.
"POGO có hại cho cả lợi ích và hình ảnh của Phi Luật Tân và Trung Quốc cũng như mối quan hệ Trung Quốc-Phi Luật Tân", cơ quan này nói và cho biết thêm rằng hầu hết nạn nhân của POGO đều là người Trung Quốc. Đồng thời, Tòa Ðại sứ Trung Quốc bác bỏ những ý kiến cho rằng POGO gây ra mối đe dọa an ninh cho Phi Luật Tân, khiến mối quan hệ chung đang trở nên căng thẳng.
Mặc dù số lượng POGO được cấp phép đã giảm từ mức đỉnh điểm là 300, phần lớn là do đại dịch và các quy định thuế chặt chẽ hơn, Pagcor nghi ngờ nhiều tổ chức đã hoạt động ngầm.
Không có bình luận ngay lập tức từ cơ quan quản lý Phi Luật Tân về lời kêu gọi của Trung Quốc, nhưng người đứng đầu cơ quan này nói với Reuters hôm 13/6 rằng họ sẵn sàng tuân thủ mọi quyết định của chính phủ, có thể bao gồm cả việc cấm hoàn toàn ngành này.


Nhiều Tàu Trung Quốc Đến Vùng Biển của Phi Luật Tân Trước Ngày Quy Định Hải cảnh Bắt Người Có Hiệu Lực


(Hình AP/Philippines Coast Guard: Tàu BRP BAGACAY của Tuần duyên Phi Luật Tân bị tàu của Trung Quốc phun vòi rồng khi đang đến gần bãi cạn Scarborough, Biển Đông, ngày 30/4/2024.)
-Hôm 12/6/2024 Phi Luật Tân cho biết Trung Quốc trong tuần này đã gia tăng số lượng tàu ở vùng Biển Đông thuộc Vùng đặc quyền Kinh tế của Manila. Thông báo của Hải quân Phi Luật Tân được đưa ra ít ngày trước khi quy định của Bắc Kinh cho phép Hải cảnh bắt giữ công dân ngoại quốc được cho là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 15/6/2024.
Theo South China Morning Post, phát ngôn viên Hải quân Phi Luật Tân, Commodore Roy Vincent Trinidad, hôm 12/6 cho biết 146 tàu Trung Quốc, trong đó có 22 chiến hạm, đã bị phát giác trong tuần này ở vùng "Biển Tây Phi Luật Tân" (Biển Đông), so với 125 tàu vào tuần trước. Ông Trinidad cho biết Hải quân Phi Luật Tân đã tăng cường tuần tra trong khu vực và đang phối hợp với các đối tác an ninh trước khi chính sách bắt giữ của Trung Quốc được khai triển.

Hôm 10/6, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. cho rằng quân đội Phi Luật Tân cần chuẩn bị đối phó với "các mối đe dọa từ bên ngoài" tại Biển Đông. Nhà phân tích chính trị Edmund Tayao, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của tổ chức nghiên cứu Các nhà Nghiên cứu và Chiến lược Kinh tế-Chính trị, nhìn nhận lời cảnh báo của Tổng thống Phi Luật Tân Marcos Jr. là "lời kêu gọi sẵn sàng cho mọi tình huống", bao gồm cả xung đột vũ trang.
Theo giới quan sát, Trung Quốc có những hành động hung hăng tại Biển Đông và áp dụng chiến thuận kích động để các quốc gia khác là bên "nổ súng đầu tiên".


Tư Lệnh Quân Đội Phi Luật Tân Kêu Gọi Ngư Dân Lờ Đi Quy Định Mới của Hải cảnh Trung Quốc


(Hình AFP: Một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đi ngang qua một tàu đánh cá Phi Luật Tân gần Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát, trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông hôm 15/2/2024.)
-Người đứng đầu quân đội Phi Luật Tân kêu gọi ngư dân Phi Luật Tân tiếp tục đánh cá trong Vùng đặc quyền Kinh tế của nước này ở Biển Đông, bất chấp các quy định mới của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc vốn cho phép họ bắt giữ những người xâm phạm mà không cần xét xử có hiệu lực vào ngày 15/6/2024.
Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông – bao gồm các khu vực mà Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền – đã ban hành các quy định mới nhằm thực thi luật năm 2021 cho phép lực lượng Hải cảnh của họ sử dụng vũ lực có thể gây sát thương đối với các tàu ngoại quốc trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.
"Đó là thông điệp của chúng tôi gửi đến ngư dân của chúng tôi, để họ đừng sợ hãi mà cứ tiếp tục các hoạt động bình thường trong Vùng đặc quyền Kinh tế của chúng tôi", người đứng đầu Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân Romeo Brawner nói với các phóng viên hôm 14/6.
"Chúng tôi có quyền khai thác tài nguyên trong khu vực nên ngư dân của chúng tôi không có lý do gì phải sợ hãi", ông nói thêm.

Các quy định mới cho phép Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ những người bị tình nghi xâm phạm trái phép trong 60 ngày mà không cần xét xử, đã làm dấy lên lo ngại quốc tế, trong đó Phi Luật Tân mô tả những quy định này là "đáng lo ngại" và là một "sự khiêu khích".
Lực lượng Hải cảnh Đài Loan cho biết trong một tuyên bố hôm 14/6 rằng "họ sẽ tăng cường các nhiệm vụ bảo vệ đánh bắt, kiên quyết bảo vệ sự an toàn cho hoạt động của ngư dân chúng tôi và bảo đảm quyền và lợi ích của việc vận chuyển bằng đường biển cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Lực lượng này cũng kêu gọi Trung Quốc "không sử dụng lý do này để biện minh cho các hành động đơn phương phá hoại hòa bình khu vực".
Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan được quản trị dân chủ, nơi mà Bắc Kinh coi là lãnh thổ của mình. Nước này cũng đang trong tình trạng đối đầu ngày càng gay gắt với Phi Luật Tân ở Biển Đông đầy tranh chấp.
Phản hồi những lo ngại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho biết các quy định mới là nhằm bảo vệ trật tự hàng hải và không cần phải lo lắng nếu không có hành vi bất hợp pháp nào của các cá nhân và tổ chức liên quan.


UN Hoan Nghênh Thái Lan Phê Chuẩn Công Ước Bảo Vệ Mọi Người Khỏi Bị Cưỡng Bách Mất Tích

-Thông cáo báo chí phát đi từ thủ đô Vọng Các của Thái Lan ngày 13/6/2024 của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tại khu vực Đông Nam Á cho biết Văn phòng hoan nghênh Thái Lan phê chuẩn Công ước Quốc tế Bảo vệ Tất cả Mọi người Khỏi bị Cưỡng bách Mất tích (ICPPED).
Đại diện khu vực của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tại Khu vực Đông Nam Á, bà Cynthia Veliko, nêu rằng: "Bằng việc thông qua ICPPED, Thái Lan khẳng định cam kết được đưa ra trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) vừa qua nhân dịp kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nhằm bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bách mất tích và loại bỏ những tội ác ghê tởm vi phạm hàng loạt quyền con người gây nên tổn thương lâu dài không thể xóa được đối với thân nhân và cộng đồng".
Việc phê chuẩn ICPPEP của Chính phủ Thái Lan được tiến hành 1 năm, sau khi nước này có luật ngăn cấm tra tấn và cưỡng bách mất tích. Luật này được đánh giá là một mốc quan trọng trong lĩnh vực hình sự của Xứ Chùa Vàng.
Theo Văn Phòng Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền khu vực Đông Nam Á, tính đến tháng 8 năm 2023, tại Thái Lan có 77 trường hợp bị cưỡng bách mất tích mà Nhóm Làm việc Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực này đang xem xét.
Theo bà Cynthia Veliko thân nhân và cộng đồng của những trường hợp này đang phải sống trong cảnh bất an không thể chịu đựng được; một số trường hợp kéo dài nhiều thập niên.


Chính Phủ Hoa Kỳ Sẽ Cấp Tới 500 Triệu Mỹ Kim Cho Các Nghiên Cứu Về Vaccine Covid Dạng Uống và Xịt


(Hình Joe Burbank/Orlando Sentinel via AP: Vaccine COVID dạng tiêm của Pfizer/BioNTech.)
-Hôm 13/6/2024, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) cho biết họ sẽ cung cấp tới 500 triệu Mỹ kim cho các thử nghiệm ở giai đoạn giữa đánh giá vaccine được sử dụng dưới dạng thuốc xịt mũi hoặc thuốc viên để bảo vệ chống lại các triệu chứng của COVID-19.
Khoản tài trợ này là một phần của Project NextGen (Dự án Thế hệ Kế tiếp), một sáng kiến trị giá 5 tỉ Mỹ kim do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA) đứng đầu, nhằm thúc đẩy một hệ thống vaccine và phương pháp điều trị mới, cải tiến, nhằm cung cấp khả năng bảo vệ rộng hơn và lâu dài hơn chống lại bệnh COVID-19.
BARDA, cơ quan giúp các công ty phát triển các mặt hàng y tế để giải quyết các mối nguy đối với sức khỏe cộng đồng, là một bộ phận trong HHS.

Dự án sẽ trao số tiền lên tới 453 triệu Mỹ kim cho hãng Vaxart, phục vụ một nghiên cứu sẽ đánh giá vaccine ngừa COVID dạng uống của họ. Cổ phiếu của hãng đã tăng hơn gấp đôi lên 1,78 Mỹ kim sau khi thị trường đóng cửa.
Dự án cũng sẽ cấp tiền 2 hãng đầu tư tư nhân Castlevax và Cyanvac lần lượt là khoảng 34 triệu Mỹ kim và 40 triệu Mỹ kim để phát triển các vaccine xịt mũi chờ được duyệt.
Mỗi cuộc thử nghiệm sẽ cần đến 10.000 tình nguyện viên và so sánh hiệu quả và độ an toàn của vaccine đang nghiên cứu với vaccine đã được FDA cấp phép.
"Vaccine ngừa Covid-19 hiện được phê duyệt là dạng vaccine tiêm bắp và mặc dù cực kỳ hiệu quả nhưng lại bị hạn chế về khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở các vùng niêm mạc như miệng, mũi và ruột, nơi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể trước tiên", HHS nhận xét.

Không có nhận xét nào: