Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:10/6/2024 - Duke Nguyen

Mỹ sẽ khai triển võ khí nguyên tử để tự vệ trước nhiều hiểm họa đối địch 
Hoa Kỳ có thể buộc phải khai triển thêm võ khí nguyên tử chiến lược trong những năm tới để ngăn chặn mầm mống hiểm họa ngày càng gia tăng từ Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác, một viên chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc cho biết hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Sáu được Reuters ghi nhận. Pranay Vaddi, viên chức kiểm soát võ khí hàng đầu thuộc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, đưa ra bình luận trong phần phát biểu về “cách thức tiếp cận cạnh tranh hơn” trong lãnh vực kiểm soát võ khí, nêu rõ sự thay đổi chính sách nhằm gây sức ép buộc Moscow và Bắc Kinh ngừng phản đối lại việc Hoa Kỳ kêu gọi đàm phán hạn chế kho khí tài quân sự.
<!>
Hoa Kỳ hiện đang tuân thủ số lượng giới hạn 1,550 đầu đạn nguyên tử chiến lược được khai triển theo hiệp ước New START năm 2010 thỏa thuận với Nga mặc dù Moscow “tạm đình hoãn” thỏa thuận vào năm ngoái do Hoa Kỳ tương trợ Ukraine, Washington gọi hành động này là “không có hiệu lực về mặt pháp lý.”

Một năm trước khi Vaddi phát biểu, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan cũng nói với Hiệp Hội Kiểm Soát Võ Khí ACA rằng Hoa Kỳ không cần phải tăng cường khai triển võ khí nguyên tử chiến lược để chống lại kho võ khí của Nga và Trung Quốc, thời điểm đó ông đề nghị đàm phán “mà không cần điều kiện tiên quyết.”

Chính quyền Tổng Thống Joe Biden vẫn cam kết giữ vững các chính sách quốc tế về kiểm soát võ khí và không phổ biến võ khí được hoạch định nhằm hạn chế không cho võ khí nguyên tử bành trướng, Vaddi cho biết.

Tuy nhiên, Vaddi cho biết, Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn “đều đang hun đúc và đa dạng hóa kho võ khí nguyên tử với tốc độ chóng mặt, chẳng màng tới việc kiểm soát võ khí, hoặc có chăng thì cũng không đáng kể.”

Ba quốc gia nêu trên và Iran “ngày càng cố kết và phối hợp với nhau theo những cách thức đi ngược lại hòa bình và ổn định, đe dọa Hoa Kỳ và đồng minh, làm căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng,” Vaddi cho biết.

Nga, Trung Quốc, Iran và Bắc Hàn đang chuyền tay nhau kỹ nghệ hỏa tiễn và máy bay không người lái tân tiến, Vaddi cho biết, trích dẫn việc Moscow khai triển máy bay không người lái của Iran, pháo binh và hỏa tiễn của Bắc Hàn ở Ukraine, kèm theo đó là sự tiếp tay của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Tổng Thống Vladimir Putin cho biết hôm Thứ Tư rằng Nga có thể khai hỏa tên lửa thông thường trong phạm vi tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu nếu họ cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga bằng võ khí tầm xa do Tây Phương cung ứng. Nhưng Putin cho biết hôm Thứ Sáu rằng Nga không cần dùng tới võ khí nguyên tử cũng đủ bảo đảm chiến thắng tại Ukraine, nơi đang bị Moscow xâm lược.

Học thuyết nguyên tử của Hoa Kỳ, Vaddi cho biết, là dùng võ khí nguyên tử để ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù “nhắm vào nước Mỹ và các đồng minh và đối tác,” đồng thời vẫn cam kết với Anh Quốc và Pháp về “sự minh bạch” trong các chính sách và lực lượng nguyên tử.

Nhưng nếu các thành phần đối địch với Hoa Kỳ ngày càng phụ thuộc vào võ khí nguyên tử, “Mỹ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc sửa đổi chính sách và năng lực nhằm duy trì sức mạnh răn đe và ổn định,” Vaddi nói.

Vaddi cho biết chính quyền Tổng Thống Biden đang thực hiện “các bước thận trọng” hướng tới mục tiêu tự vệ, trong đó có cả hiện đại hóa kho võ khí của Hoa Kỳ.

Đồng thời, chính quyền Biden cũng cam kết ngăn chặn bành trướng võ khí nguyên tử, gồm có cả việc củng cố Hiệp Ước Không Phổ Biến Võ Khí Nguyên Tử, nền tảng của chế độ kiểm soát võ khí toàn cầu, Vaddi cho biết.

Tuy nhiên, Vaddi cho biết, Moscow nhiều lần từ chối đàm phán gia hạn hiệp ước kế nhiệm New START, vốn là hiệp ước kiểm soát võ khí chiến lược cuối cùng giữa các cường quốc nguyên tử hùng mạnh nhất thế giới, sẽ hết hạn năm 2026.

Mặt khác, Trung Quốc từ chối thảo luận với Hoa Kỳ về việc manh nha làm giàu kho võ khí nguyên tử, Vaddi cho biết

Bầu cử châu Âu : Nghị Viện chuyển sang cánh hữu


Ngày 09/06/2024 là ngày cuối cùng và cũng là ngày quan trọng nhất của cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu : cuộc bỏ phiếu diễn ra tại 21 nước. Tổng cộng, 359 triệu cử tri Liên Âu đi bầu 720 nghị sĩ. Nghị Viện Châu Âu mới được cho là thiên về cánh hữu và sẽ có thêm nhiều nghị sĩ theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa và hoài nghi châu Âu.

Các đảng cực hữu chiếm ưu thế ở nhiều nước, như đảng Tập Hợp Dân Tộc (FN) có khả năng về đầu tại Pháp, tương tự là đảng Fratelli d’Italia tại Ý, đảng Tự do (FPO) tại Áo. Tại Ba Lan, đảng Luật Pháp và Công Lý - PiS theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa được dự báo nhận được số phiếu ngang với liên minh cánh trung ủng hộ châu Âu của thủ tướng Donald Tusk, tiếp theo đó là đảng cực hữu Konfederacja…

Theo AFP, sự trỗi dậy của các đảng cực hữu có thể tác động đến nhiều hồ sơ quan trọng : chính sách phòng thủ chống sự bành trướng của Nga, chính sách nông nghiệp, mục tiêu về khí hậu 2040, các biện pháp bảo vệ môi trường…

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tại Bruxelles nhận định tình hình :

« Theo các cuộc thăm dò thiên về một tập hợp đa dạng - từ những người ủng hộ chủ quyền quốc gia đến cực hữu hay cực kỳ bảo thủ - phe dân túy cánh hữu có thể giành tới 200 trong tổng số 720 ghế. Những đảng này, vốn bài trừ hay hoài nghi châu Âu, một mặt muốn thắt chặt chính sách di cư, mặt khác muốn phá hoại chính sách ủng hộ Ukraina của Liên Hiệp Châu Âu.

Nhưng trước mắt, họ sẽ phải tìm cách liên minh để thành lập các nhóm trong Nghị Viện Châu Âu. Đây là việc cần thiết để nhận được các nguồn tài trợ cũng như để giữ chức chủ tịch các ủy ban hoặc có nhiều thời gian phát biểu. Đàm phán lập liên minh có thể diễn ra với các đảng Fidesz của thủ tướng Hungary Viktor Orban và đảng Fratelli d’Italia của thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Kết quả mà hai đảng này nhận được sẽ mang tính quyết định.

Nhưng khả năng thành lập một tập thể lớn cho tất cả các đảng cánh hữu có lẽ khó đạt được, cũng như việc thành lập một liên minh để điều hành Nghị Viện. Và điều này tạo thuận lợi cho kịch bản một đa số được hình thành dựa trên cánh trung hữu và xã hội. Liên minh này có thể trụ được, nhưng các đồng minh cánh trung và sinh thái của họ sẽ bị mất trọng lượng ».

Nghị Viện Châu Âu có vai trò như thế nào ?

 
Cùng với Hội Đồng Châu Âu, tập hợp nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của các nước thành viên và Ủy Ban Châu Âu, vốn được xem là cơ quan hành pháp của Liên Âu, chuyên đề xuất các dự luật và thực thi các điều luật, Nghị Viện Châu Âu là cơ quan có quyền lập pháp, xem xét và biểu quyết các dự thảo luật và ngân sách của Liên Hiệp, cũng như kiểm soát bộ máy hành pháp của Liên Âu.

Nghị Viện Châu Âu là định chế duy nhất của Liên Âu mà các thành viên được bầu dưới hình thức phổ thông đầu phiếu và tại từng nước thành viên trong khối. 720 nghị viên, đại diện cho công dân 27 nước thành viên, có nhiệm kỳ 5 năm. Vai trò của Nghị Viện Châu Âu được phát triển trong quá trình xây dựng Liên Âu và thông qua các hiệp ước. Hiện nay, Nghị Viện Châu Âu, trụ sở chính ở Strasbourg, nắm giữ ba quyền hành cơ bản.

Trước tiên, về lập pháp, Nghị Viện Châu Âu không phải định chế đưa ra các đề xuất, nhưng có vai trò xem xét và biểu quyết các dự thảo luật. Nói cách khác, sau khi Ủy Ban Châu Âu đệ trình dự thảo luật, các dân biểu châu Âu sẽ thảo luận và biểu quyết. Nghị Viện Châu Âu có quyền sửa đổi các dự luật. Nếu dự luật được thông qua ở Nghị Viện Châu Âu, các văn bản sau đó phải được Hội Đồng Châu Âu, gồm các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của 27 quốc gia thành viên, thông qua.

Tiếp theo, Nghị Viện Châu Âu có quyền kiểm soát ngân sách : Chính định chế này thông qua các dự thảo ngân sách mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất. Theo trang tin Vie Publique, Nghị Viện Châu Âu quyết định mọi khoản chi tiêu của Liên Hiệp, cùng với Hội Đồng Châu Âu thiết lập ngân sách hàng năm của Liên Âu.

Và cuối cùng, Nghị Viện Châu Âu có quyền kiểm soát cơ quan hành pháp châu Âu vì chính Nghị Viện bầu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, việc chỉ định các ủy viên châu Âu - thành viên của Ủy Ban Châu Âu với nhiệm kỳ 5 năm, cũng phải được sự tán thành của Nghị Viện Châu Âu. Nghị Viện có thể thành lập các ủy ban điều tra và có quyền giải tán Ủy Ban Châu Âu thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được 2/3 số phiếu tán thành, Ủy Ban Châu Âu phải giải thể để lập Ủy Ban mới.

Ukraina lần đầu tiên bắn hạ chiến đấu cơ Su-57 tàng hình trên lãnh thổ Nga


Ukraina tiếp tục tấn công vào các mục tiêu quân sự quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Ngày 08/06/2024, « lần đầu tiên trong lịch sử », chiến đấu cơ tàng hình Su-57, đời mới nhất của Nga, đậu ở sân bay Akhtubinsk, vùng Astrakhan, cách biên giới 60 km, đã bị bắn hạ.

Cơ quan tình báo Ukraina - GUR đăng hai hình ảnh chụp ngày 07 và 08/06 từ vệ tinh, trước và sau vụ tấn công, cho thấy thiệt hại của vụ tấn công nhưng không nêu rõ cách tiến hành và cũng không nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, một nguồn tin ẩn danh trong GUR cho AFP biết chính GUR tiến hành vụ tấn công bằng drone được chế tạo tại Ukraina.

Chiến đấu cơ tối tân Su-57 được đưa vào biên chế của Không Quân Nga từ năm 2020, thay thế cho các máy bay Su-27, Mig-29 từ thời Liên Xô. Blogueur quân sự Nga Flighterbomber xác nhận vụ tấn công, nhưng cho biết không thể xác định được liệu chiến đấu cơ bị bắn còn hoạt động được hay không.

Trước đó, ngày 08/06, Nga cho biết hệ thống phòng không đã phá vỡ môt vụ tấn công bằng drone của Ukraina nhắm vào một sân bay quân sự ở Bắc Ossetia, vùng Kavkaz, cách biên giới Ukraina đến 1.000 km.

Phía Nga cũng không ngừng tấn công Ukraina, đặc biệt nhắm vào các công trình hạ tầng năng lượng. Trả lời báo chí ngày 07/06, thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal cho biết chỉ còn 27% các nhà máy nhiệt điện trên cả nước có khả năng hoạt động bình thường. Tổng giám đốc công ty điện lực quốc gia Ukrenergo nhấn mạnh là năm 2024, các nhà máy điện chịu thiệt hại nhiều hơn so với năm ngoái.

Seoul nối lại cuộc chiến tuyên truyền bằng loa phóng thanh


Chính quyền Hàn Quốc thông báo, từ hôm nay, 09/06/2024, sẽ mở lại chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh hướng qua biên giới phía bắc. Seoul tố cáo Bắc Triều Tiên hôm qua gây « leo thang » căng thẳng khi gởi tiếp 330 quả bóng bay chứa rác thải.

Trong thông cáo, phủ tổng thống Hàn Quốc khẳng định hôm nay 09/06 « cho lắp lại các loa phóng thanh nhắm hướng Bắc Triều Tiên và bắt đầu phát sóng » tuyên truyền. Thông cáo khẳng định « trách nhiệm gây leo thang căng thẳng giữa hai miền hoàn toàn thuộc về phía Bắc ». Cũng theo Seoul, biện pháp lần này của Hàn Quốc « sẽ chuyển đi các thông điệp mang lại hy vọng cho quân đội và người dân Bắc Triều Tiên ».

Hôm qua, quân đội Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động do việc Bình Nhưỡng lại gởi qua biên giới phía nam gần 330 quả bóng bay mang theo đầy rác thải, nhằm trả đũa việc các nhà đấu tranh Hàn Quốc đã gởi sang phía bắc nhiều truyền đơn tuyên truyền và các ổ USB di động lưu nhạc K-Pop cũng như phim truyền hình nhiều tập.

Thông cáo của quân đội Hàn Quốc cho biết khoảng 80 bóng bay đã rơi xuống lãnh thổ. Các phân tích cũng cho thấy chúng « không chứa các loại hóa chất nguy hiểm ». Dù vậy, quân đội nước này cũng cảnh báo người dân nên « tránh xa những quả bóng bay và báo động với giới chức sự hiện diện của chúng. »

Hồi cuối tháng Năm, Bắc Triều Tiên bắt đầu gởi sang nước láng giềng phương Nam hàng trăm bóng bay mang đầy rác, đầu thuốc lá và phân thải.

Trả lời AFP, Cheong Seong Chang, giám đốc về Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược cho bán đảo Triều Tiên, Viện Sejong, cảnh báo : « Có nhiều khả năng việc nối lại tuyên truyền bằng loa phóng thanh dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang » và «Bắc Triều Tiên sẽ lại nổ súng trên biển Hoàng Hải cũng như nhắm bắn các bóng bay nếu như Hàn Quốc lại gởi chúng » sang phía bắc.

Không có nhận xét nào: