Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2024

ĐIỂM TIN 13/06/2024 - Long Đỗ


G7 muốn dùng tiền lãi từ tài sản của Nga bị phong tỏa để huy động tín dụng cho Ukraina Thượng đỉnh G7 khai mạc hôm nay 13/06/2024 tại Borgo Egnazia, gần Bari, miền nam Ý, trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng. Theo nhận định của Reuters, trong ba ngày họp, các nhà lãnh đạo G7 tìm cách tăng cường hỗ trợ Ukraina trong cuộc chiến chống quân Nga xâm lược và khẳng định một mặt trận thống nhất trước các tham vọng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
<!>
Thượng đỉnh G7 tại Borgo Egnazia, miền nam Ý, ngày 13/06/2024 AP - Christopher Furlong
Thùy Dương
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp tổng thống Ukraina Zelensky tham dự thượng đỉnh G7. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo của khối G7 (Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada và Nhật) hướng tới thỏa thuận dùng tiền lãi từ tài sản của Nga hiện đang bị quốc tế phong tỏa để huy động tín dụng cho Kiev, nhưng thách thức hiện nay là phương thức tiến hành.

Từ Paris, đặc phái viên Aabla Jounaïdi gửi về bài tường trình:
« Làm cách nào để Kiev có thể dùng tiền lời từ tài sản của Nga bị phong tỏa trong vòng hai năm qua? Từ suốt nhiều tháng nay, chủ đề này vẫn gây chia rẽ các nhà lãnh đạo phương Tây. Tổng cộng, tính trên toàn thế giới, khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Nga sở hữu nhưng không được phép tiếp cận là 300 tỷ đô la. Một số quốc gia như Đức, thậm chí cả Pháp và Ý, lo ngại về các hệ quả pháp lý và thậm chí là về sự ổn định của thị trường châu Âu trong trường hợp số tài sản nói trên bị tịch thu hoàn toàn.

Tuần trước, khi được hỏi tại Pháp, tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đã tìm ra một giải pháp. Hoa Kỳ đề xuất từ nay đến cuối năm cấp khoản vay 50 tỷ đô la cho Kiev. Khoản tiền hoàn trả số vay nói trên sẽ được lấy từ tiền lời có được từ tài sản của Nga ở châu Âu. 50 tỷ đô la là một khoản tiền lớn, có thể bảo đảm cho Kiev có tiền phục vụ nỗ lực chiến tranh cho năm 2025, ngoài khoản tài trợ của Liên Âu lấy từ quỹ hòa bình gồm 11 tỉ euro.

Các nguyên thủ quốc gia đã đạt được thỏa thuận, vấn đề còn lại là phương thức tiến hành trên thực tế khoản cho vay 50 tỷ đô la. Và đây sẽ là nội dung thảo luận của các vị bộ trưởng tài chính của khối G7, theo một nguồn tin từ phủ tống thống Pháp ».

Về phía Luân Đôn, AFP cho biết phủ thủ tướng Anh tối hôm qua 12/06/2024 loan tin thủ tướng Rishi Sunak sẽ thông báo tại thượng đỉnh G7 về khoản tài trợ mới cho Kiev, có thể lên tới 242 triệu bảng Anh (286,5 triệu euro).

Hoa Kỳ ký thỏa thuận an ninh với Ukraina
Tổng thống Ukraina cho biết hôm nay, 13/06/2024, sẽ ký một thỏa thuận an ninh “chưa từng có” với Hoa Kỳ, bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 tại Ý.


Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và tổng thống Mỹ Joseph Biden (P) tại Nhà Trắng, Washington, ngày 12/12/2023. AFP - MANDEL NGAN
Chi Phương
Theo báo Mỹ Washington Post, thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraina, phát triển lực lượng vũ trang, củng cố khả năng răn đe quân sự về lâu về dài, trên các lĩnh vực khác nhau, trên không, trên biển và an ninh mạng.

Thỏa thuận không nêu rõ số tiền viện trợ cho Ukraina, và cũng không yêu cầu quân đội Hoa Kỳ can thiệp trong trường hợp Ukraina bị tấn công, như trong hiệp ước phòng thủ chung với NATO, nhưng Washington có trách nhiệm tổ chức các cuộc tham vấn cấp cao với Kiev trong vòng 24 giờ nếu Ukraina bị tấn công lần nữa trong tương lai.

Trả lời báo chí trước khi lên máy bay đến dự hội nghị G7 ở Ý, cố vấn an ninh của Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định rằng “thỏa thuận này sẽ gửi cho Nga một tín hiệu, thể hiện quyết tâm của Hoa Kỳ. Nếu Vladimir Putin cho rằng Nga có thể tồn tại lâu hơn liên minh hỗ trợ Kiev thì ông ta đã nhầm”.

Bên lề hội nghị G7, Ukraina cũng sẽ ký một thỏa thuận an ninh song phương với Nhật Bản. Trên thực tế, nhóm G7 – các nước công nghiệp phát triển nhất - đã đưa ra một tuyên bố chung vào tháng 7 năm ngoái, cho biết sẽ thực hiện các cuộc đàm phán song phương với Ukraina để thiết lập các cam kết và thỏa thuận an ninh dài hạn. Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai nước cuối cùng trong nhóm này ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraina.

Theo Reuters, các thỏa thuận về an ninh này nhằm tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và an ninh, hỗ trợ phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraina, đào tạo binh sĩ của Kiev, cũng như chia sẻ và hợp tác thông tin tình báo, hỗ trợ về an ninh mạng.

Bắc Kinh sẵn sàng đáp trả việc Liên Âu tăng thuế nhập khẩu xe ô tô điện Trung Quốc

Ngay sau khi Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc Bắc Kinh « bảo hộ » và thông báo ý định tăng thuế « đến 25% » (hiện là 10%) đối với xe ô tô điện Trung Quốc kể từ tháng 07/2024, Bắc Kinh cho rằng biện pháp này chỉ « gây tổn hại » cho lợi ích của châu Âu.


Ảnh minh họa : Tại một cuộc hội chợ về xe hơi tại Bắc Kinh tháng 9/2020. Trong ảnh là xe hơi điện Lynk & Co, chi nhánh của tập đoàn Trung Quốc Geely. Noel CELIS / AFP
Thu Hằng
Ngày 12/06, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) cáo buộc biện pháp của Liên Hiệp Châu Âu « đi ngược với những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và quy định trong thương mại quốc tế, làm suy yếu hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất ô tô toàn cầu ».

Trung Quốc cũng chuẩn bị một loạt biện pháp đáp trả, theo nhận định của thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh :

« Trung Quốc đã chuẩn bị trước những biện pháp trừng phạt bằng một đạo luật được thông qua vào tháng 04 vừa qua nhằm tăng cường khả năng đáp trả của nền kinh tế thứ hai thế giới. Cho dù hiện tại, Bắc Kinh vẫn tìm cách làm các nước Liên Hiệp Châu Âu thay đổi ý kiến bằng cách đánh vào những điểm yếu và nhắm đến những lĩnh vực trọng điểm.

Cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các loại rượu mạnh đe dọa chủ yếu các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp chẳng hạn, hoặc vào tuần trước, nhiều doanh nghiệp thực phẩm nông nghiệp Trung Quốc đã khiếu nại việc trợ cấp của châu Âu đối với các sản phẩm sữa.

Nhưng trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc hiện giờ có thêm cả Đức. Tại triển lãm ô tô ở Thượng Hải gần đây, các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài khó bắt kịp thị trường Trung Quốc trước sự trỗi dậy kinh ngạc của xe ô tô điện « Made in China ». Ví dụ như chỉ mới 5 năm trước đây, taxi ở Bắc Kinh còn chạy bằng xe ô tô Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng hiện giờ chỉ toàn xe Trung Quốc hoặc gần như vậy, ngoại trừ các loại xe sang trọng. Dòng xe du lịch bốn chỗ duy nhất trên đường phố Bắc Kinh là xe của Đức. Đến lượt những chiếc xe này sắp bị đánh thêm thuế để gây sức ép đối với Đức trước kỳ họp của Hội Đồng Châu Âu. Dù sao đó là lập luận mà một số nhà phân tích tại Trung Quốc đưa ra ».

Đức lo ngại nguy cơ « chiến tranh thương mại »
Ngay sau thông báo của Liên Âu, bộ Giao Thông Đức đã lo ngại nguy cơ « chiến tranh thương mại » với Bắc Kinh và các doanh nghiệp Đức bị tác động trực tiếp. Trên mạng X ngày 12/06, bộ trưởng Volker Wissing nhấn mạnh, biện pháp giúp xe ô tô rẻ hơn là « tăng cường khả năng cạnh tranh, các thị trường mở và tạo điều kiện gây dựng sản xuất ở Liên Hiệp Châu Âu ».

Tàu của hải quân Nga ghé cảng La Habana Cuba

Bốn tàu của hải quân Nga, trong đó có một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đã ghé Cuba vào hôm qua, 13/06/2024, và dừng tại đây 5 ngày. Chuyến thăm Cuba diễn ra vài ngày sau khi tổng thống Vladimir Putin tuyên bố có thể « cung cấp vũ khí cho nước thứ ba để tấn công các mục tiêu phương Tây » do một số nước đồng minh của Ukraina cho phép Kiev sử dụng vũ khí được viện trợ để tấn công các mục tiêu ở Nga.


Tàu Admiral Gorshkov của hải quân Nga : Ảnh chụp năm 2018. © Wikimedia Commons
Chi Phương
Theo AFP, khoảng 8 giờ sáng, theo giờ Cuba, ngày hôm qua, tàu chở dầu Pashin và tàu kéo Nikolai Chiker, mang cờ Nga, đã cập cảng La Habana đầu tiên, theo sau là khinh hạm « Admiral Gorshkov ». Tàu ngầm hạt nhân Kazan, có thể được nhìn thấy từ cảng của thủ đô.

Trang Courrier International cho biết thêm là tàu Admiral Gorshkov có khả năng bắn tên lửa siêu thanh. Tàu ngầm Kazan K-561, có thể bắn các tên lửa tầm xa. Còn tàu Pashin có thể chở nhiên liệu lên đến 9000 tấn.

Cuba cách bang Florida Hoa Kỳ 144 km. Chuyến thăm chính thức Cuba của các tàu Nga được xem là một cuộc phô trương lực lượng của Nga trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Nga và Hoa Kỳ. Trước đó, phát ngôn viên của Nhà Trắng John Kirby đã tuyên bố là Hoa Kỳ theo dõi tình hình nhưng không cho rằng các tàu này đe dọa đến an ninh Hoa Kỳ. Tuần trước, Bộ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Cuba (bộ Quốc Phòng) cũng khẳng định « không có tàu nào mang theo vũ khí hạt nhân, do đó, các tàu có chặng dừng ở Cuba không phải là mối đe dọa cho khu vực ».

Phía Nga coi Cuba là đối tác chiến lược và đã tăng cường quan hệ song phương từ cuối năm 2022, nhân cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, trong bối cảnh chiến tranh Ukraina.

Từ năm 2008, các tàu của Nga đã nhiều lần ghé thăm cảng của nước đồng minh chiến lược từ thời Chiến Tranh Lạnh. Vào năm 2015, một tàu trinh sát của Nga đã cập cảng của La Habana mà không báo trước, vào thời điểm mà các quan chức Mỹ và Cuba bắt đầu đàm phán, nối lại quan hệ ngoại giao. Một tàu của hải quân Nga cũng đã ghé thăm Cuba vào năm 2019, giữa lúc quan hệ giữa Cuba và Hoa Kỳ căng thẳng sau khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng (2017-2021).

Nhiều tàu Trung Quốc đến vùng biển của Philippines trước ngày quy định hải cảnh bắt người có hiệu lực

Hôm qua 12/06/2024 Philippines cho biết Trung Quốc trong tuần này đã gia tăng số lượng tàu ở vùng Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Thông báo của Hải quân Philippines được đưa ra ít ngày trước khi quy định của Bắc Kinh cho phép hải cảnh bắt giữ công dân nước ngoài được cho là xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 15/06/2024.


Tàu BRP BAGACAY của tuần duyên Philippines bị tàu của Trung Quốc phun vòi rồng khi đang đến gần bãi cạn Scarborough, Biển Đông, ngày 30/04/2024. © AP/Philippine Coast Guard
Thùy Dương
Theo South China Morning Post, phát ngôn viên Hải quân Philippines, Commodore Roy Vincent Trinidad, hôm qua cho biết 146 tàu Trung Quốc, trong đó có 22 tàu chiến, đã bị phát hiện trong tuần này ở vùng "Biển Tây Philippines" (Biển Đông), so với 125 tàu vào tuần trước. Ông Trinidad cho biết hải quân Philippines đã tăng cường tuần tra trong khu vực và đang phối hợp với các đối tác an ninh trước khi chính sách bắt giữ của Trung Quốc được triển khai.

Hôm thứ Hai, 10/06, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho rằng quân đội Philippines cần chuẩn bị đối phó với “các mối đe dọa từ bên ngoài” tại Biển Đông. Nhà phân tích chính trị Edmund Tayao, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Các nhà nghiên cứu và chiến lược kinh tế chính trị, nhìn nhận lời cảnh báo của tổng thống Philippines Marcos Jr. là “lời kêu gọi sẵn sàng cho mọi tình huống”, bao gồm cả xung đột vũ trang.

Theo giới quan sát, Trung Quốc có những hành động hung hăng tại Biển Đông và áp dụng chiến thuận kích động để các quốc gia khác là bên “nổ súng đầu tiên”.

Thăm dò bầu cử Quốc Hội Pháp : Đảng cực hữu về đầu, vượt xa đảng của tổng thống tại vòng một

Tại Pháp, theo kết quả thăm dò ý kiến do công ty tư vấn Elabe công bố hôm 12/06/2024, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) về đầu trong kỳ bầu cử lập pháp trước thời hạn với 31% số phiếu trong vòng 1 ngày 30/06, bỏ xa đảng của tổng thống (18%). Về nhì là liên đảng cánh tả (28%).


Lãnh đạo đảng Tập hợp Dân tộc - RN Marine Le Pen (T) và Jordan Bardella (P), đứng đầu danh sách tranh cử Nghị Viện Châu Âu của RN, trong cuộc tranh cử, Paris, 02/06/2024. REUTERS - Christian Hartmann
Thùy Dương
Trong vòng 2, tổ chức vào ngày 07/07, vẫn theo cuộc thăm dò này, đảng cực hữu RN, đứng đầu là Jordan Bardella, có thể giành được đa số không quá bán tại Hạ Viện Pháp.

Cuộc thăm dò của Elabe thực hiện cho BFMTV và La Tribune Dimanche, đa phần được thực hiện qua mạng internet, trước khi có cuộc họp báo của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trưa hôm qua.

Trong khi đó, đảng cánh hữu truyền thống Những Người Cộng Hòa (LR),theo thăm dò của Elabe, chỉ được 6,5% cử tri ủng hộ, rơi vào khủng hoảng sau khi chủ tịch đảng này, ông Eric Ciotti, thỏa thuận liên minh với đảng cực hữu RN. Chiều hôm qua, ban lãnh đạo đảng LR đã họp, quyết định khai trừ đảng và bãi miễn chức vụ chủ tịch đảng của ông Ciotti. Đương sự tuyên bố không thừa nhận quyết định nói trên và cho biết sẽ khởi kiện. Sáng nay, ông Ciotti vẫn đến trụ sở đảng LR tại Paris.

Nhìn sang phe cực hữu, đảng cực hữu Reconquête của ông Eric Zemmour cũng ghi nhận một “cơn địa chấn chính trị” : Chỉ ít giờ sau khi chỉ trích đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) không chịu liên minh với đảng cực hữu Reconquête, bà Marion Maréchal, người đứng đầu danh sách tranh cử của đảng Reconquête trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa qua, bất ngờ quay ra phản đối chủ tịch đảng Eric Zemmour và kêu gọi cử tri ủng hộ cho đảng RN. Ngay lập tức, Marion Maréchalđã bị khai trừ khỏi Reconquête, đảng mà bà đã gia nhập từ kỳ bầu cử tổng thống 2022 sau khi rời khỏi đảng RN.

Về phía Mặt trận Bình dân mới, bao gồm các đảng cánh tả và cực tả, Xã Hội, Cộng Sản, Nước Pháp bất khuất và đảng Xanh, tối qua, đã đạt được đồng thuận về số ứng viên của mỗi đảng. Các bên liên quan đang tiếp tục thương lượng để có được một chương trình tranh cử chung.

Không có nhận xét nào: