Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2024

Cô Giáo Về Hưu - Sương Lam


Đây là bài số bảy trăm mười lăm (715) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo. Học sinh thuộc Sở Học Chánh Portland sắp được nghỉ hè vào 14 Tháng 6 năm 2024 vì ngày 20 Tháng 6 là ngày đầu tiên của mùa hè tại nước Mỹ. Ngày xưa ở Việt Nam tôi có mộng trở thành cô giáo vì tôi rất quý yêu thầy cô giáo của tôi nên sau khi tốt nghiệp trường nữ trung học Gia Long năm 1956, tôi hăng hái nộp đơn thi tuyển vào các trường sư phạm 2 năm, sư phạm 4 năm với hy vọng sẽ trở thành cô giáo được học trò kính yêu như thầy cô giáo của tôi nhưng tôi đều bị "trợt vỏ chuối" hết ráo.
<!>
Thế là tôi phải ghi danh vào học Đại Học Văn Khoa với hy vọng nếu có bằng Cử Nhân Văn Khoa thì tôi có thể xin đi dạy ở các trường tư nhân cũng được. Tôi nghĩ thế.

Tôi cũng hăng hái nộp đơn thi tuyển vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh với hy vọng sẽ "đem tất cả sở tài làm sở dụng" thực hiện lý tưởng phục vụ quần chúng. Hồi còn trẻ mới làm "cô Tú Hai" nên tôi có nhiều mộng lớn mộng bé ngon lành lắm.

Nữ sinh được trúng tuyển vào Học Viện QGHC thời đó không phải là chuyện dễ đâu nhé vì làm sao tôi có thể tranh tài được với quý anh, nhất là quý anh gốc Bắc, gốc Trung, đa số thích làm quan Đốc sự, còn tôi chỉ là cô bé Nam Kỳ 18 tuổi, tiểu thư nhà Nguyễn Hữu, được cha mẹ cưng chiều từ lúc nhỏ, ăn chưa no lo chưa tới, sức mấy mà thắng nổi quý anh "thích làm quan" đó.

Nhưng tất cả đều là "Ý Trời", tôi lại được trúng tuyển vào Ban Đốc Sự Khóa 12 năm 1964 Học Viện QGHC và tốt nghiệp năm 1967, ra trường làm việc ở Bộ Xã Hội 8 năm thì bị đuổi về nhà làm "bà mẹ quê" kể từ ngày 30 tháng 4. Sống trong “thiên đường Cộng Sản” 5 năm thì gia đình chúng tôi lên đường tìm tự do sang đất Mỹ năm 1981.



Sang đất Mỹ, tôi trở lại học đường "học đại" đại học trường làng "Portland Community College (PCC) sang "đại học trường tỉnh" Portland State University (PSU).

Trong khi đang đi học PSU thì được Sở Học Chánh Portland tuyển dụng làm phụ giáo cho chương trình ESL, đặc biệt làm việc với chương trình Head Start dành cho những gia đình có lợi tức thấp một thời gian. Tôi tà tà vừa đi học vừa đi làm nên cũng ra trường “đại học trường tỉnh PSU” năm 1991.



Thế là thêm một lần nữa "Ý Trời" đã cho tôi được làm Cô Giáo Xứ Mỹ cho đến ngày tôi xin về hưu sớm năm 2003 tính đến nay là 21 năm rồi. Phúc thay! Vui thay!

Người viết còn nhớ cách đây mấy chục năm khi tôi còn làm việc ở một trường tiểu học công lập Portland, tôi đã thấy có một vị phụ huynh học sinh Việt Nam mặc bộ "pyjama" đến đón con đi học về. Có lẽ ông phụ huynh này mới đến xứ Mỹ và chưa hiểu những nét khác nhau về văn hóa trong cách ăn mặc giữa Mỹ Và Việt Nam khi ra đường chăng?

Úi chào! Biết nói làm sao đây để ông cha hiền lành này biết rõ sự việc tế nhị này. Người viết đã phải vận dụng “mười phần công lực” nhẹ nhàng giải thích sự khác nhau giữa hai nền văn hóa Mỹ Việt với “nội tướng” của ông ấy để bà về nhà nói lại cho ông chồng là không nên mặc áo pyjama đến trường học đón con về nữa. Quả nhiên, những ngày sau đó, tôi không thấy chiếc áo "pyjama "xuất hiện ở sân trường tiểu học này nữa. Cám ơn bà xã của ông cha hiền lành giản dị thật thà này. Smile!

Cũng chính vì sự không hiểu luật lệ và văn hoá nơi chốn mà mình đến định cư mà tôi nhiều lần phải “uốn lưỡi bảy lần” để giải thích cho các phụ huynh học sinh rõ để họ hiểu rõ luật lệ xứ người.

Có lẽ quí bạn cũng đã biết con nít ở xứ Mỹ là "Number One", kế đến là chó mèo, hoa cảnh, quí bà và chót hết mới là quí vị "anh hùng mày râu" (Xin lỗi quí ông nhé, tôi không dám "phạm thượng" đến quí ông đâu, tôi chỉ "nghe sao viết vậy" mà thôi, xin quí ông "đại xá" cho tôi nhé. Cám ơn quí ông).

Con nít xứ Mỹ thì dễ thương lắm vì lanh lợi, mập tròn, trắng trẻo, nhưng … (lại chữ Nhưng xuất hiện, mèn ơi!), các bạn cần phải "kính nhi viễn chi" vì nếu các bạn "thương yêu" chúng theo kiểu Việt Nam ôm hôn chúng, vỗ đầu vỗ đít chúng tùm lum, thì Bạn sẽ bị "rắc rối" với luật lệ "sexual abuse" ngay đấy.

Khi các "đấng học trò" này làm một màn "Tarzan nổi giận" la hét um sùm khi không hài lòng chuyện gì hay khi nghịch ngợm quá sức, Bạn cũng không được quyền “uýnh" các vị nhi đồng đó nhé, vì như vậy là Bạn đã phạm vào luật lệ "physical abuse" rồi và Bạn sẽ được mấy ông cảnh sát đến "hỏi thăm sức khỏe" của Bạn đấy! Nếu đứa trẻ phạm lỗi, Bạn chỉ được quyền "đôi lời tâm sự" giải thích lỗi phải cho chúng hiểu để chúng "tự sửa sai" chứ Bạn không được áp dụng chiến lược "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi " như kiểu Việt Nam đâu nhé! Bởi thế, khi trong lớp học có nhiều học sinh quá nghịch ngợm, không nghe lời hướng dẫn của cô giáo, tôi chỉ đành "mở miệng cười duyên", nhỏ nhẹ khuyên bảo chúng chứ không dám dùng thước kẻ khẻ tay chúng hay bắt quỳ gối như thầy cô giáo ngày xưa của tôi đã làm. Bởi thế, học trò xứ Mỹ không biết sợ thầy cô giáo gì cả và thầy cô giáo cũng không dám rầy la học sinh nhiều vì khi mấy "Ông học trò" này "nổi giận" thì thầy cô giáo và các học sinh khác sẽ được dịp thưởng thức "viên đạn đồng đen" vào một ngày "không đẹp trời" nào đó vì ở xứ Mỹ này chuyện mua súng và tàng trữ vũ khí thì lại dễ như "ăn cơm sườn" vậy.

Có nhiều phụ huynh cứ tà tà đánh con ở nhà khi con có lỗi và tà tà cạo gió cho con khi con bị bịnh, để lại nhiều vết bầm trên tay, trên cổ, trên vai các “cô cậu tí hon, đang lúc tuổi còn non” này. Các thầy cô giáo người Mỹ thấy những dấu tích đó, lập tức nhờ tôi mời phụ huynh học sinh đến trường để được giải thích rõ ràng và khuyến cáo phụ huynh không nên làm như thế nữa, nếu không, sẽ bị “rắc rối cuộc đờì” ngay. Tôi lại phải một phen trình bày và giải thích sự khác biệt văn hóa Đông Tây để cho cả nhà trường và phụ huynh cùng hiểu và cùng cảm thông với nhau.

Nhiều phụ huynh Việt nam không biết rằng cũng không thể để con cái dưới 12 tuổi ở nhà một mình vì không an toàn theo luật lệ của Mỹ. Thế mà vẫn có nhiều bà mẹ đi làm giao cho con cái, đứa lớn trông chừng đứa nhỏ hoặc là giao cho bà nội bà ngoại ở nhà trông cháu. Câu chuyện thương tâm đã xảy ra ở Texas mấy chục năm về trước khi bà ngoại khoá cửa nhốt hai cháu nhỏ ở nhà để đi mua đồ ở ngôi chợ gần đó. Ở nhà, hai cháu nhỏ chơi nghịch với que diêm làm cháy nhà nhưng không thể nào thoát ra ngoài được vì cửa bị khóa nên phải bị chết cháy trong biển lửa. Thật là đau lòng và đáng thương vô cùng.

Người Mỹ thường mướn các người giữ trẻ (babysitter) trông chừng nhà cửa và các con nhỏ tuổi mỗi khi họ cần phải ra ngoài dự tiệc tùng ban đêm hay đi công chuyện ban ngày. Các nhân viên làm việc ở các nhà giữ trẻ phải học qua các lớp học cần thiết về vệ sinh, về ẩm thực, về an toàn và phải có giấy phép hành nghề mới được.

Người viết đã có một thời gian làm việc ở các trường học công lập tại Portland, đã có ít nhiều kinh nghiệm làm việc với phụ huynh và học sinh nên xin được chia sẻ những điều cần thiết về luật lệ của Mỹ cho những người mới hội nhập vào xã hội Mỹ.

Tôi là một cô giáo làm việc có lãnh lương của chính phủ, tôi cũng có tổ chức những sinh hoạt để giới thiệu và vinh danh Văn Hóa Việt Nam tại các trường học công lập nơi tôi làm việc vào dịp Tết, vào những ngày lễ quan trọng, nhưng sự hy sinh và tinh thần phục vụ công ích của tôi làm sao sánh được với những người mẹ, người cha, những thầy cô giáo, những người làm việc thiện nguyện tại các trường dạy Việt Ngữ cuối tuần hiện tại. Xin cám ơn quý vị đã có lòng gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa hay đẹp Việt Nam.

Bây giờ tôi đã về hưu sau 20 năm hành nghề cô giáo và bây giờ được tự do tự mình làm chủ lấy mình, muốn thức khuya dậy trễ gì cũng được. “Smile!”

Những cô cậu học trò bé tí ngày xưa của tôi bây giờ đã trưởng thành, có người đang còn học Đại Học, có người đã “tay bế tay bồng”, có người đã là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, luật sư v..v…thành công trên đường sự nghiệp và cũng có người đã đi về lòng đất lạnh dù tuổi đời còn thơ dại. Mỗi lần tôi có dịp gặp lại phụ huynh hoặc học trò cũ ngày xưa của tôi, họ vẫn còn nhận ra tôi là cô giáo cũ ngày nào dù đã bao nhiêu năm không gặp. Họ đến chào hỏi tôi một cách thân mật, lễ phép như xưa làm tôi rất cảm động.

Mời Bạn đọc tâm tình của Cô Giáo Về Hưu thay cho lời kết luận bài viết hôm nay nhé. Xin cảm ơn quý Bạn


Cô Giáo Về Hưu

Ồ thích quá! Hết phải còn dậy sớm
Hết vội vàng uống lẹ tách cà phê
Hết ngóng trông chờ mau đến giờ về
Hết cau mặt, nhướng mày và giận dữ

Hết theo dõi từng lời, từng nét chữ
Hết “Reading”, “Homework”, hết “Writing”
Hết nhân, chia, trừ, cộng, số toán hình
Hết những lúc “duty”, làm bổn phận

Hết thước kẻ, bảng đen và phấn trắng
Xếp lại trang sách vở, trả lại trường
Chỉ mang về ánh mắt với tình thương
Tuổi khờ dại, ngây thơ và hoa mộng

Tôi còn lại: những gì mình đang sống
Những sáng hồng, được dạo bước thảnh thơi
Ngắm hoa xinh, ngắm mây trắng lưng trời
Trưa hè vắng, nghe tiếng chim vui hót

Đã đến lúc thấm nhuần hương vị ngọt
Của câu kinh, tiếng kệ, mõ chuông chiều
Để sửa Tâm, lập Tánh tốt cho nhiều,
Trồng cội Phúc, gieo nhân Lành, mầm Thiện

Và tu tập mỗi ngày thêm tăng tiến
Giúp người vui, ta cũng được vui theo
Vì kiếp người như sợi chỉ mành treo:
Giữa Sanh, Tử! Sát na trong khoảnh khắc

Tâm thanh thản, an vui, không trói chặt
Với lợi danh, không, sắc cõi trần gian
Lắng tĩnh tâm tìm đến Ánh Đạo Vàng
Thập thiện đạo hướng về bờ bến Giác

Sương Lam

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 715=ORTB 1145-652024)

Sương Lam



https://www.pinterest.com/suonglamt/

Không có nhận xét nào: