Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Tin Thêm Về Tương Đài “Thank You Ammerica” , Giới Thiệu Sinh Hoạt Xuân Hội Đoàn Quân Đội: Tiệc Tân Niên Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức và Kính Chuyển Tin Thế Giới Đó Đây Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải


Buổi Gặp Gỡ Giới Chức Xây Cất Chính Quyền Thành Phố và Khu Vực 7, với Đại Diện Cộng Đồng Tham Khảo Quyết Định Vị Trí Cuối Cùng Của Tượng Đài, Thành Công Tốt Đẹp! -Chiều hôm Qua, Thứ Năm, ngày 22 tháng 2 năm 2024, lúc 2 giờ chiều tại Vườn Truyền Thống Việt, khoảng gần 10 viên chức thành phố, đã đã gặp gỡ đại diện cộng đồng, gồm nhiều đoàn thể, riêng Ủy Ban Thúc Đẩy Xây Dựng Tượng Đài có mặt đông đủ các thành viên. Sở dĩ có cuộc gặp gỡ này, vì nếu theo ý muốn của cộng đồng, có thể dự án phải dừng lại, vì thiếu ngân sách tài trợ. Thành phố đề nghị, nếu đặt tượng đài trước 3 cột cờ có sẵn, thì dủ ngân sách, Thành phố không phải bỏ tiền ra thêm để di chuyển 3 cột cờ đi theo tượng đài.
<!>
Sau khi tham khảo nhiều ý kiến nhân vật cộng đồng, đại diện Ủy Ban đưa ra quyết định chung cuối cùng, để thành phố biết ý mà thực hiện.
Giữ 3 cột cờ nguyên vị trí (TP không phải bỏ thêm chi phí di chuyển) tượng dài vẫn giữ vị trí đã muốn cũ, đối diện với cổng tam quan, ra vào.
Thành phố rất vui mừng quyết định này, vừa không phải bỏ tiền thêm cho dự án, vừa làm hài lòng ý muốn của cộng đồng, nên đồng ý, chấp nhận ngay! Mọi người cùng vỗ tay, mừng kết quả như ý, tốt đẹp!


Đây là những tiến trình giai đoạn cuối, thực hiện đế, để đặt tượng lên trên.
Chào Mừng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Thank You America) hầu như, chắc chắn sẽ được khánh thành trong năm nay, cuối Hè! Chúc mừng Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn CS tại San Jose!


Chủ Nhật Tuần Này: Tiệc Tân Niên Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức


-Thủ Đức gọi nhau về, trong không khí đầu Xuân Giáp Thìn 2024, để các bạn đồng môn có dịp nhìn lại nhau, hàn huyên tâm sự sau những năm xa cách, kể từ ngày mãn khóa, từ giã đồi Tăng Nhơn Phú để ra đơn vị. Thấm thoát mà đã hơn nửa thế kỷ! Giờ đây, được gặp lại nhau, qua những mái tóc bạc phơ trong tuổi xế chiều, lại càng thương nhau hơn trong tình huynh đệ chi binh, sống chết có nhau, tình người trên đất khách. Chưa kể Kỷ Niệm 21 Năm, chương trình phát thanh, tiếng nói của “Cư An Tư Nguy”
Lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật tuần này, ngày 25 tháng 2 năm 2024
Tại Nhà hàng New Sam Kee, 1942 Aborn Rd, San Jose.


Nhớ Lại Một Thời Trên Đồi Tăng Nhơn Phú!


Tăng Nhơn Phú ta sẽ về thăm lại
Đốt nén nhang thơm ta Đất Trời
Đã cho ta một thời hào sảng
Đã luyện cho ta thành sắt thành đồng
Nhập cuộc chơi có tên Sinh Tử
Giưã làn ranh nghiệt ngã chiến trường
Đã cho ta ngẩn cao đầu nhạo nghể
Thủ Đức làm người không hổ thẹn lương tâm
Tăng Nhơn Phú đồi xưa ta trở lại
Cắm ngọn cờ vàng rực rỡ trời Nam
Ta sẽ về dù nương theo gió
Bởi thân tàn chí lớn vẫn còn nguyên

(Tăng Nhơn Phú Túy Hà)

*Tiệc Tân Niên Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức
Lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật tuần này, ngày 25 tháng 2 năm 2024
Tại Nhà hàng New Sam Kee, 1942 Aborn Rd, San Jose.


Nhớ Chủ Nhật Tuần Này: Thủ Đức Gọi Nhau Về!


49 năm phiêu bạt, kể từ 75, Thủ Đức gọi nhau về để hoài niệm quá khứ của đồng đội, có những tuần lễ huấn nhục và những buồn vui trong quân trường, để nhớ lại những tháng ngày sinh tử có nhau trong các đơn vị, trên các chiến trường và để xem ai còn, ai mất. Đồng thời cũng để nhớ lại những đắng cay tủi nhục trong các trại tù ‘cải tạo,’ những mất mát trong các cuộc mạo hiểm đi tìm tự do.”
*Tiệc Tân Niên Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức
Lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật tuần này, ngày 25 tháng 2 năm 2024
Tại Nhà hàng New Sam Kee, 1942 Aborn Rd, San Jose.


Nhân Đây, Xin Giới Thiệu Ít Nét về Trường Bộ Binh Thủ Đức
-“Trường Bộ Binh Thủ Đức là một trong những quân trường lớn của VNCH. Cho đến cuối Tháng Tư, 1975, trường đã đào tạo trên 70,000 sĩ quan ưu tú cho tất cả Quân, Binh Chủng QLVNCH đã từng tham dự khắp chiến trường trên bốn vùng chiến thuật tại miền Nam Việt Nam, trong số đó có nhiều sĩ quan đã lên cấp tướng. Cho nên chúng tôi rất hãnh diện là một sĩ quan được xuất thân từ Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức.”
Tôi rất mong trong một ngày nào đó, đất nước của chúng ta sẽ thay đổi để trở thành một quốc gia có tự do và dân chủ thật sự, để không phụ công ơn các chiến sĩ trong Quân Lực VNCH đã hy sinh thân xác và mạng sống của mình cho quê hương đất nước.”
Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Liên trường Võ khoa Thủ Đức hay còn gọi là Trường Bộ binh Thủ Đức (đầu tiên ở Thủ Đức, đến năm 1974 thì chuyển về Long Thành) là một trong bốn trường đào tạo Sĩ quan cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ba trường kia là Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Trường Huấn luyện Không Quân Nha Trang và Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Trường Thủ Đức hoạt động từ năm 1951 đến năm 1975.


LƯỢC SỬ:
Sau khi ký Hiệp Ước Pháp–Việt ngày 5-6-1948 tại vịnh Hạ Long, công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, Quốc Trưởng Bảo Đại đã ký hiệp ước ngày 8-3-1949 tại điện Elysée với Tổng thống Pháp Vincent Auriol, theo đó, Pháp sẽ giúp Việt Nam thành lập Quân Đội Quốc Gia.
Ngày 23-12-1950, Pháp-Mỹ-Việt ký hiệp Định hỗ tương, phòng thủ và viện trợ quân sự; theo đó, Mỹ viện trợ cho Quốc Gia Việt Nam 2 tỷ Mỹ kim trong bốn năm, từ 1950 đến 1954 để trang bị cho quân đội. Cùng ngày, Nghị Định thành lập hai trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định và Thủ Đức được ban hành, nhằm đào tạo Sĩ quan ngạch Trừ bị cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 5-5-1951, Bộ Quốc phòng mới thật sự được thành lập bằng những cơ cấu tiên khởi đã được phác họa và tạm sắp xếp từ thời chính phủ Trung ương Lâm thời Nguyễn Văn Xuân.
Do Sắc Lệnh của Quốc Trưởng Bảo Đại ký dụ số 12 ngày 15-7-1951, gọi Tổng động viên thanh niên tuổi từ 18 đến 28 đều phải nhập ngũ. Việc động viên thành phần Sĩ quan nhắm vào tư nhân, công tư chức, học sinh, sinh viên có bằng từ Cao đẳng Tiểu học hay trung học đệ nhất cấp hoặc tương đương trở lên. Trong đợt động viên đầu tiên, vào năm 1951, có nhiều Sinh viên Sĩ quan đã đậu bằng tú tài hay cử nhân, đặc biệt tại trường Sĩ quan Nam Định có 197 SVSQ (55.33%) trong số 356 SVSQ có bằng tú tài trở lên, riêng Sinh viên Sĩ quan Nguyễn Phú Đức đã có bằng tiến sĩ Luật Khoa.

Nhưng vì dự án xây cất trường ốc trên đồi Tăng Nhơn Phú chưa hoàn tất nên khóa 1 Sĩ quan Trừ bị đã được khai giảng tại hai địa điểm ở Bắc và Nam Việt, đó là Nam Định và Thủ Đức.
Khóa Sĩ quan Trừ bị đầu tiên khai giảng cùng một ngày 9-10-1951 tại Nam Định và Thủ Đức. Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định huấn luyện Sinh viên Sĩ quan thuộc các tỉnh từ Quảng Trị ra Bắc.
Tại Nam Định, trường sử dụng một số phòng ốc trong Camp Carreau làm nơi huấn luyện. Camp Carreau là một căn cứ quân sự của Bộ chỉ huy Quân đội Viễn chinh Pháp tại miền Nam, nằm trong khuôn viên nhà máy sợi Nam Định. Vấn đề động Viên sĩ quan lúc đầu cũng gặp một vài trở ngại như tại Nam Định có một số khóa sinh, sau khi hết phép vào dịp Tết Nguyên Đán, đã trở về đơn vị trễ hay bỏ học, không trở lại trường. Vì vậy cho nên có một số Sinh viên Sĩ quan trong trường hợp nói trên đã bị bắt giữ, nhưng sau lại được thả ra và đưa vào Thủ Đức tiếp tục học khóa 1 hay được phép thi vào trường Võ Bị Đà Lạt.


Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định chỉ đào tạo được một khóa rồi đóng cửa vĩnh viễn vào năm 1952 vì tại Thủ Đức, trường lúc đó đã được xây dựng xong, đủ chỗ cho cả khóa. Sinh viên khóa 2 Nam Định được đưa vào Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Trường tọa lạc trên khu đồi Tăng Nhơn Phú, cách chợ Thủ Đức khoảng hai cây số. Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định được bàn giao lại cho trường Võ Bị Nam Định vào khoảng cuối năm 1952.
Tại Thủ Đức, để có đủ quân số khẩn thành lập các đơn vị khinh quân thay thế quân Pháp rút khỏi các đồn bót, lệnh Tổng động viên đã được ban hành vào ngày 1-4-1953. Theo kế hoạch dự trù thì việc động viên được chia làm 4 đợt, mỗi đợt 10,000 người trong tháng, kể từ tháng 7-1953. Các thành phần trước đây đã phục vụ trong quân ngũ, nay cũng bị tái ngũ. Ngoài ra, 60,000 thanh niên Việt Nam cũng được lệnh nhập ngũ để thụ huấn hai tháng về căn bản quân sự, sau khi mãn khóa, họ được trở về với gia đình để chờ lệnh. Sự thực thì vấn đề động viên binh sĩ lúc bấy giờ chỉ là một nhu cầu chính trị.

Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức huấn luyện Sinh viên Sĩ quan trình diện nhập ngũ thuộc các tỉnh từ Huế trở vào Nam. Ban đầu trường tạm dựng những dãy nhà mái lá, vách phên tre làm chỗ cho Sinh viên Sĩ quan tạm trú.
Chương trình huấn luyện Sĩ quan Trừ bị cũng tương tự như chương trình đào tạo các Sĩ quan hiện dịch. Thời gian huấn luyện dài khoảng 6 tháng, không kể thời gian thực tập. Tính đến cuối năm 1953, Quân Đội Quốc Gia gồm có 198,000 người, trong đó 151,000 (76.27%) là chính quy và 47,000 (23.73%) là phụ lực quân.
Ngày 12-8-1954, dụ số 12 ký ngày 15-7-1951 và các nghị định liên quan đến dụ trên đều tạm đình chỉ cho đến khi có lệnh mới. Lệnh động viên được tạm ngưng nhưng các quân nhân Trừ bị vẫn được lưu giữ.
Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức hoạt động tới cuối tháng 4-1975, lúc đó mang tên là Trường Bộ Binh.
Từ khóa 1 đến khóa 5, hơn 4,000 Sĩ quan được đào tạo tốt nghiệp với cấp bực Thiếu úy, không tốt nghiệp thì tùy theo số điểm sẽ mang cấp Chuẩn úy hay Hạ sĩ quan.
Thiếu úy sau 2 năm được đương nhiên thăng Trung úy và Chuẩn úy sau 1 năm được đương nhiên thăng Thiếu úy.
Từ khóa 6 trở về sau, tốt nghiệp với cấp Chuẩn úy.



TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG SĨ QUAN TRỪ BỊ TRẢI QUA BA GIAI ĐOẠN:

Giai đoạn 1951-1955:
Để đáp ứng nhu cầu cán bộ chỉ huy các đơn vị tân lập cho kế hoạch bình định lãnh thổ và để thay thế các Sĩ quan Pháp hiện đang chỉ huy đơn vị Việt Nam, trường Sĩ quan Trừ bị được thành lập vào khoảng đầu năm 1951 và khởi sự huấn luyện từ tháng 10-1951.

Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị khai giảng vào ngày 16-10-1951. Tại Nam Định, sĩ số là 356 Sinh viên Sĩ quan, mãn khóa vào ngày 1-6-1952, được đặt tên là Khóa Lê Lợi. Tại Thủ Đức, sĩ số khoảng 250 Sinh viên Sĩ quan, mãn khóa vào ngày 31-5-1952, được đặt tên là khóa Lê Văn Duyệt. Tổng cộng cả hai khóa Lê Lợi và Lê Văn Duyệt có 580 tân Sĩ quan gồm 495 Thiếu úy và 85 Chuẩn úy. Thủ khoa khóa Lê Lợi là Thiếu úy Nguyễn Duy Hinh và thủ khoa khóa Lê Văn Duyệt là Thiếu úy Phạm Kim Quy. Cấp hiệu thiếu úy, dập theo cấp bậc của quân đội Pháp, là một gạch vàng hay trắng bằng kim tuyến, nằm trên hai cầu vai. “Lon” mầu trắng dành cho các Sĩ quan thuộc binh chủng Thiết Giáp, Quân Cụ và Thông Vận Binh. Cấp hiệu mầu vàng dành cho Bộ binh và các binh chủng khác.
Chỉ huy trưởng đầu tiên người Việt là Đại tá Phạm Văn Cảm, xuất thân Trường Thiếu Sinh quân. Trong Giai đoạn 1951-1954, các Sĩ quan tốt nghiệp mang cấp bậc Thiếu úy và có thể chọn ở lại Bộ binh hay chuyển sang các quân chủng Không quân, Lục quân hoặc binh chủng Nhảy Dù.

Nhằm tăng cường cho biện pháp động viên, ngày 12-4-1954, thủ tướng Bửu Lộc đã quyết định động viên tập thể mọi thanh niên sinh từ 1-1-1929 đến 31-12-1933. Hầu hết số người trong hạng tuổi này, khoảng 1,250 người đủ điều kiện học vấn, đã trình diện các Bộ Tư lệnh Quân khu để theo học khóa khóa 4 (Khóa Cương Quyết và Cương Quyết 2 gồm 1,250 Sinh viên Sĩ quan. 900 Sinh viên Sĩ quan, khai giảng vào ngày 25-3-1954 tại Trường Thủ Đức (Khóa Cương Quyết), số 350 sinh viên còn lại được chuyển lên Đà Lạt thụ huấn (Cương Quyết 2), nhưng đến ngày mãn khóa, 1-10-1954, người ta ghi nhận chỉ còn lại 160 thiếu úy và 99 chuẩn úy tốt nghiệp, gần 100 sinh viên khác không hội đủ điều kiện nên đã bị loại sau kỳ khảo hạch giai đoạn 1. Thủ khoa Cương Quyết 2 tại Đà Lạt là Thiếu úy Ngô Văn Lợi. Thời gian huấn luyện dành cho khóa 4 là 6 tháng nhưng khóa Cương Quyết tại Thủ Đức mãn khóa sau khóa Cương Quyết 2 tại Đà Lạt đúng một tuần.
Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức đã đào tạo hơn 4,000 Sĩ quan (từ khóa 1 đến khóa 5).
Sau khi hoàn tất việc huấn luyện khoá 5 Sĩ quan Trừ bị, Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức tạm ngưng đào tạo Sĩ quan Trừ bị trong một thời gian khoảng 2 năm do ảnh hưởng của Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954 trong điều kiện giảm trừ quân bị.


Vào cuối năm 1955, các lớp huấn luyện chuyên môn như Quân Cụ, Quân Chánh, Thông vận binh, Thiết giáp binh, Pháo binh, Công binh, Truyền tin... lần lượt trở thành các Trường chuyên môn, phụ trách huấn luyện cán bộ các cấp, từ hàng binh sĩ cho đến sĩ quan, thuộc binh sở hay binh chủng. Nhưng các trường hay lớp huấn luyện chuyên môn này vẫn được đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Chỉ Huy Trường Sĩ quan Trừ bị. Do đó, vào đầu năm 1957 trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức được cải danh thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức gồm các quân trường:

Trường Bộ Binh,
Trường Thiết Giáp,
Trường Pháo Binh,
Trường Công Binh,
Trường Truyền Tin,
Trường Quân Cụ,
Trường Thông Vận Binh,
Trường Quân Chính.

Riêng hai trường Pháo Binh và Công Binh tuy thống thuộc Liên trường nhưng trú đóng tại Bình Dương và Khoá 6 sĩ quan trừ bị được tiếp tục huấn luyện ngày 25-3-1957. Khoá 6 là khóa sĩ quan trừ bị đầu tiên kể từ ngày nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc tại vĩ tuyến thứ 17 bởi Hiệp Dịnh Genève, do Pháp và Việt Minh cùng thỏa thuận ký kết vào ngày 21 tháng 7, năm 1954. Đại úy Nguyễn Viết Thanh, sau này là Thiếu tướng Tư Lệnh Quân Đoàn IV, được chỉ định làm giám đốc “Trường Sĩ quan Trừ bị” này. Tổng số Sinh viên Sĩ quan khóa 6 gồm khoảng 600 người kể cả 200 khóa sinh thuộc Bảo An đoàn. Đặc biệt khóa này được huấn luyện trong thời gian 11 tháng để các tân sĩ quan có đủ khả năng chỉ huy một đơn vị cao hơn cấp trung đội khi cần.
Cũng kể từ khóa 6 Sĩ quan Trừ bị, Sinh viên Sĩ quan sau khi tốt nghiệp được mang cấp bậc Chuẩn úy thay vì Thiếu úy như 5 khóa trước áp dụng quy chế của quân đội Pháp. Chuẩn úy Phạm Văn Vĩnh Thủ khoa khóa 6.
Giai đoạn 1955-1963:
Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức được đổi tên thành Liên trường Võ khoa Thủ Đức, ngoài Sĩ quan Bộ binh, trường còn đào tạo Sĩ quan Thiết vận, Quân chính, Quân cụ, Quân nhu, Quân y, Dược, Truyền tin, Công binh, Thông vận binh (xa binh). Thời gian huấn luyện: 38 tuần.
Từ 1955 đến 1961, Liên trường Võ khoa Thủ Đức cung cấp:
2/3 tổng số Sĩ quan Bộ Binh,
80% cán bộ (Sĩ quan và chuyên viên Quân Nhu),
89% cán bộ Quân Cụ,
95% cán bộ Thiết Giáp và Truyền Tin,
97% cán bộ Pháo Binh,
90% cán bộ Công Binh.
Kể từ Khóa 10 (tháng 6-1960), các khóa sinh có bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp phải qua một kỳ thi tuyển để theo học vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị.

Tháng 10-1961, một số trường chuyên môn được tách ra. Liên Trường Võ khoa Thủ Đức chỉ còn ba Trường là Bộ Binh, Thiết Giáp, Vũ thuật và Thể Dục Quân Sự.
Đầu năm 1962, Bắt đầu từ Khóa 13 điều kiện theo học Trường Sĩ Quan Trừ Bị là phải có bằng tú tài 1 trở lên. Các khóa sinh Bảo An kể từ khóa này cũng phải qua kỳ thi tuyển.
Từ tháng 10 năm 1962, Liên Trường phụ trách huấn luyện những Sĩ Quan Lục Quân (Bộ Binh) về theo học lớp Đại Đội Trưởng Bộ Binh (theo chương trình học khi tốt nghiệp được văn bằng tốt nghiệp Đại Đội Trưởng hay Bộ Binh Cao Cấp)


Ngày 1 tháng 8, năm 1963 (giữa khóa 15) Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức đổi tên thành Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và chỉ đảm trách việc đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho toàn thể Lục Quân Việt Nam. Mỗi năm, Trường có ba khóa huấn luyện.
Sau cách mạng (đảo chánh) 1-11-1963, Bảo An cải danh thành Ðịa Phương Quân.
Ngày 1 tháng 7, năm 1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được đổi lại danh xưng Trường Bộ Binh cho đến năm 1975.
Tháng 4, năm 1964, Trường được giao phó thêm việc huấn luyện lớp Tiểu Đoàn Trưởng Bộ Binh.
Từ năm 1951 đến 1967, mỗi năm chỉ có một khóa, đánh số từ 1 đến 27. Đến năm 1968, một năm có nhiều khóa, nên đánh số theo năm (1/68, 2/68...)

Giai đoạn 1964-1975:
Sau biến cố Tết Mậu Thân và sắc lệnh Tổng Động Viên ban hành ngày 19-6-1968, hàng năm Trường Bộ Binh Thủ Đức đào tạo 6 đến 8 khóa, do nhu cầu chiến trường. Chương trình huấn luyện chia thành hai giai đoạn: Trong giai đoạn 1, khóa sinh được gọi là Tân Khóa Sinh Dự bị Sĩ quan, thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, các Tân Khóa Sinh/Dự bị Sĩ quan đủ tiêu chuẩn được chuyển sang Thủ Đức học tiếp giai đoạn 2. Về sau, các Tân Khóa Sinh được huấn luyện giai đoạn 1 ngay tại Thủ Đức.
Trong giai đoạn này, vì số lượng SVSQ quá lớn, thiếu trường sở và huấn luyện viên, nhiều khóa Sĩ quan Trừ bị đã được đào tạo tại Trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế.
Các giai đoạn học của Sinh viên Sĩ quan:
Chương trình huấn luyện đào tạo sĩ quan chỉ huy Trung đội gồm có 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (18 tuần):
Bộ binh căn bản. Tác chiến cá nhân.
Cơ bản thao diễn, tác xạ, vũ khí cá nhân (Colt 45, Garand M1, tiểu liên Thompson, trung liên Bar, Carbine M1, M2, AR15, M16). Thủ lịnh các đội hình hàng dọc, hàng ngang, quả trám. Học cách chỉ huy tiểu đội.

Giai đoạn 2 (28 tuần):
Tập chỉ huy trung đội. Chiến thuật trung đội. Vũ khí cộng đồng. Chiến thuật đánh đêm, đánh ngày, bố trí hỏa lực, các đội hình di chuyển khi hành quân, khi phòng thủ, dừng quân, hành quân đổ trực thăng, tùng thiết Thiết giáp, vượt sông, phục kích, tao ngộ chiến, xa luân chiến...
Học Chiến tranh chính trị, Quân pháp, Lãnh đạo chỉ huy, giải tán biểu tình, bắt tù binh... Rèn luyện can đảm bằng bò hỏa lực bắn đạn thật, đi dây tử thần, tuột núi, vượt sông.
Vũ khí cộng đồng như: đại liên, súng cối 60ly, 81ly, súng phóng hỏa tiễn M72, M79...
Tuần lễ hành quân thực tập để ôn lại tất cả những môn học, được tổ chức bên ngoài các bãi tập.
Trong năm 1969-1970, mấy chục Sinh viên Sĩ quan đã chết trên những bãi tập do mìn thật của Cộng quân gài trên đường thực tập.
Quân sự là phương tiện của chính trị, Sinh viên Sĩ quan cũng được học về những điều sai lầm của Chủ nghĩa Cộng Sản.

Bắt đầu khoá 26, áp dụng phương pháp huấn luyện theo Bộ Binh Hoa Kỳ. Chương trình học vẫn nội dung cũ, chỉ khác biệt ở phần huấn luyện thể chất. Cụ thể là di chuyển bằng cách chạy. Vất vả nhiều cho Sinh viên Sĩ quan hơn. Theo kiểu Hoa Kỳ không nổi, vì thể chất của người Việt Nam nhỏ con hơn người Mỹ, do đó, có sự điều chỉnh cho hợp với thể trạng của người Việt Nam. Một sĩ quan cán bộ tốt nghiệp Fort Benning, anh Nguyễn Thượng Hà, sau một thời gian chạy theo đại đội, bị ngã gục vì kiệt sức. Giải ngũ.
Một số sĩ quan được gởi sang Mỹ học khoá Bộ Binh ở trường Fort Benning, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ, kéo dài 24 tuần lễ đã đào tạo hàng trăm sĩ quan làm cán bộ của Liên Đoàn Sinh viên Sĩ quan Trường Bộ Binh.
Tháng 4-1974 Trường Bộ binh Thủ Đức chuyển sang căn cứ huấn luyện mới tại Long Thành (doanh trại cũ của Quân Đội Thái Lan cũ).
Đến đầu tháng 4, năm 1975, Trường Bộ Binh lại dọn về Thủ Đức. Khóa cuối cùng là khoá 3/75.

Ngày 27-4-1975 trường lại được lệnh di tản chiến thuật về Tăng Nhơn Phú-Thủ Đức để nghênh cản địch quân dưới quyền điều động của Đại tá Liên đoàn trưởng Lộ Công Danh. Một trong những nhân chứng có mặt tại đồi Tăng Nhơn Phú vào giờ chót của ngày cuối cùng, ông Minh Tân Lê Quảng Trị, đã tường thuật đại để như sau: Vào lúc 8 giờ 15’ sáng 30-4-1975, từ xa lộ Biên Hòa, 4 chiến xa T-54 của CS Bắc Việt lồng lộn tiến nhanh về phía quân trường Thủ Đức, nhưng ba trong bốn chiến xa nói trên đã bị bắn cháy ngay tại bờ rào kẽm gai bởi pháo binh 105ly bố phòng trực xạ.
Chiếc chiến xa T-54 còn lại vượt thoát chạy thẳng vào trung tâm trường Thủ Đức, dùng đại liên 50 trên pháo tháp bắn sối xả vào lực lượng phòng thủ khiến Trung tá Ông Văn Tuyên, Trung sĩ I Nhân và 5 Sinh viên Sĩ quan tử thương, Thiếu tá Vương Bá Thuần và 9 người khác bị thương. Sau đó chiếc chiến xa này chạy thẳng ra cổng số 1, tìm đường tẩu thoát nhưng đã bị các tổ Sinh viên Sĩ quan sử dụng súng phóng hỏa tiễn M72 bắn đứt xích. Khi chiến xa lết ra tới Niệm Phật đường Quảng Đức, chợ Nhỏ, chúng quay pháo tháp vào Trường, tiếp tục bắn phá.
Trước tình trạng nan giải này, hai tân khóa sinh, mỗi người tình nguyện mang 4 trái lựu đạn lân tinh, bò ra ngoài để tiêu diệt chiến xa địch. Trong lúc chiếc T-54 đang nhả đạn vào Trường, hai khóa sinh nói trên đã leo lên chiến xa, thả lựu đạn lân tinh vào trong pháo tháp khiến chiến xa địch phát hỏa, đạn trong pháo tháp phát nổ tung.

Chiến tích dũng cảm của hai tân khóa sinh không những đã làm mọi người phải ngưỡng phục mà còn nói lên cái khả năng chiến đấu siêu việt cũng như ý chí bất khuất và quyết thắng của Sinh viên Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức.
Vào lúc 10 giờ 20 sáng ngày 30-4-1975, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống vài ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, đã ra lệnh cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa buông súng đầu hàng. Tất cả cán bộ cũng như sinh viên, khóa sinh, không ai bảo ai, đã lần lượt giã từ vũ khí, về với gia đình.


Phù Hiệu Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức:
Năm 1962, Phù hiệu của Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức gồm ngọn lửa hồng bao quanh thanh kiếm bạc trong nền xanh, được ghi thêm phương châm “Cư An Tư Nguy” trên phù hiệu, có nghĩa là muốn sống yên ổn thì phải nghĩ đến lúc hiểm nguy, suy rộng ra “Muốn Hòa Bình phải chuẩn bị Chiến Tranh” do sáng kiến của Đại tá Phan Đình Thứ, tự Lam Sơn, đương kim Chỉ Huy Trưởng Trường.
Nền xanh da trời: biểu hiện sự thanh khiết từ tư tưởng đến hành động, và ý chí cao cả của thanh niên đối với quê hương.
Ngọn Lửa Hồng: biểu hiện lòng dũng cảm, chí cương quyết, đức hy sinh.
Thanh Kiếm: biểu hiện cho Cấp Chỉ Huy.
Bốn chữ “Cư an tư nguy” sống yên (không quên) lo nguy, được ghi thêm vào theo đề nghị của Đại tá Lam Sơn trong thời gian ông làm Chỉ Huy Trưởng (1962). Câu này trích từ Hệ Từ Hạ của Khổng Tử:

Nguy giả an kỳ vĩ giả dã
Vong giả bảo kỳ tồn giả dã
Loạn giả hữu kỳ trị giả dã
Thị cố quân tử an nhi bất vong nguy, tồn nhi bất vong vong
Tri nhi bất vong loạn
Thị dĩ nhân an nhi quốc gia khả bảo gia

Nghĩa là:
Người bị nguy là bởi cứ yên vui nơi ngôi phận mình
Bị mất là bởi chỉ tới cái hiện có
Bị loạn bởi tin cậy cái trị có sẵn,

Bởi thế, người quân tử lúc sống yên không quên cái nguy, còn không quên lúc mất. Khi thịnh trị không quyên cảnh loạn suy, như vậy mới yên thân mà giữ được nước nhà.
Câu từ dài ấy được rút lại còn 8 chữ: “Cư an lự nguy, xử trị tư loạn” và gọn hơn nữa, 4 chữ: “CƯ AN TƯ NGUY”
Dây Biểu Chương Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức:
Trường Bộ Binh được tuyên dương công trạng hai lần trước quân đội. Được mang dây biểu chương màu Anh Dũng Bội Tinh.


Tiệc Tân Niên Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức

Giờ này, sau gần nửa thế kỷ, những người may mắn còn sống sót vẫn hằng năm gọi nhau về, mỗi dịp đầu Xuân, cùng ôn lại quá khứ hào hùng, và tưởng niệm những bạn đồng môn đã ra đi vĩnh viễn với niềm tiếc nuối khôn nguôi, qua những công lao xương máu của hàng hàng, lớp lớp đồng môn đã ngã xuống vì lá cờ vàng ba sọc đỏ và tự do, hạnh phúc cho đồng bào miền Nam Việt Nam hơn 20 năm, trước năm 1975
Lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật tuần này, ngày 25 tháng 2 năm 2024
Tại Nhà hàng New Sam Kee, 1942 Aborn Rd, San Jose.


Tin Quốc Tế Đó Đây

Hưu Chiến Tại Gaza: Mỹ Lại Phủ Quyết Dự Thảo Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc


(Hình: Hội Đồng Bảo An họp bàn về lệnh ngừng bắn ở dải Gaza tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 20/2/2024.)
-Bất chấp áp lực của quốc tế, một lần nữa, hôm 20/2/2024, Mỹ - đồng minh chủ chốt của Do Thái, lại phủ quyết Dự thảo Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một lệnh hưu chiến ngay lập tức tại dải Gaza và đề nghị một văn bản thay thế về khả năng tạm ngừng bắn khi có thể, nhưng không phải là ngay lập tức, và kèm theo một số điều kiện, chẳng hạn như phóng thích con tin.
Theo thông tấn xã AFP, Dự thảo Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, theo đó "một lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay tức khắc phải được tất cả các bên tuân thủ", đã đạt được lá phiếu ủng hộ của 13 thành viên thông qua, Anh Quốc vắng mặt. Phiếu chống duy nhất là của Mỹ. Kể từ khi chiến tranh Do Thái -Hamas nổ ra, đây là lần thứ ba Mỹ phủ quyết Dự thảo Nghị quyết của Hội Đồng Bảo An về lệnh ngừng bắn tại dải Gaza.
Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc ngay lập tức chỉ trích quyết định "vô trách nhiệm và nguy hiểm" của Mỹ, xem là Hoa Kỳ đã gửi đi thông điệp rằng "Do Thái có thể tiếp tục làm bất cứ điều gì mà không bị trừng phạt". Tổ chức Hamas cũng tố cáo Hoa Thịnh Ðốn đã bật "đèn xanh" để Do Thái tiến hành thêm nhiều vụ "thảm sát" tại Gaza.
Nhiều thành viên Hội Đồng Bảo An lấy làm tiếc về quyết định của Hoa Thịnh Ðốn. Nhiều nước Ả Rập cũng có phản ứng chỉ trích Mỹ, chẳng hạn Algérie, nước đã đệ trình Dự thảo lên Hội Đồng Bảo An.
Nga và Trung Quốc đương nhiên lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ. Theo Bắc Kinh, lá phiếu phủ quyết của Mỹ sẽ chỉ càng làm tình hình ở dải Gaza "thêm nguy hiểm".


Chiến Tranh Ukraine: Putin Khẳng Định Giành Thêm Một Chiến Thắng, Kyiv Bác Bỏ


(Hình: Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu ở Chelyabinsk, Nga, ngày 16/2/2024.)
-Hôm 21/2/2024, Quân đội Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của phía Nga cho rằng Kyiv đã mất quyền kiểm soát một ngôi làng bên bờ sông Dniepr ở miền Nam Ukraine.
Theo hãng tin AFP, hôm 20/2, Tổng thống Vladimir Putin cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đều tuyên bố Nga đã giành lại được quyền kiểm soát ngôi làng Krinky mà quân đội Ukraine đã chiếm được trong mùa Hè 2023 trong những điều kiện hết sức gian nan. Việc chiếm được ngôi làng có vị trí như một đầu cầu ở tả ngạn sông Dniepr bị Nga chiếm đóng là một trong những chiến thắng hiếm hoi của quân đội Ukraine trong chiến dịch phản công từ mùa Hè năm 2023. Tuy nhiên, đầu cầu này vẫn không giúp được lực lượng của Kyiv tiến thêm về phía Nam. Từ đó đến nay, quân Nga đã oanh kích ồ ạt vào khu vực này và làng Krinky đã bị phá hủy hoàn toàn.

Hôm 20/2, Tổng thống Putin đã xem việc chiếm được làng Krinky là thắng lợi lớn thứ hai sau khi chiếm được thành phố Avdiivka, miền Đông Ukraine. Nhưng trên các mạng xã hội hôm 21/2, Bộ Tư lệnh mặt trận miền Nam của quân đội Ukraine chính thức khẳng định những thông tin nói trên là "hoàn toàn sai lạc": "Lực lượng phòng thủ của miền Nam Ukraine vẫn trấn giữ các vị trí ở làng Krinky và gây những tổn thất nặng nề cho quân địch".
Quân Ukraine hiện đang bị quân Nga tấn công dồn dập tại mặt trận miền Đông lẫn mặt trận miền Nam, đồng thời bị oanh tạc liên tục trong lúc đang bị thiếu đạn pháo do viện trợ của phương Tây ngày càng ít đi, thậm chí viện trợ của Mỹ vẫn bị chặn lại ở Quốc hội.
Trong khi còn vài ngày nữa là bước sang năm thứ ba, Tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, chính Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai vừa qua đã thừa nhận là tình hình trên chiến trường hiện nay là "rất khó khăn".
Trong khi đó, theo một tổ chức phi chính phủ, Conflict Armament Research (CAR), các mảnh còn sót lại của một phi đạn-đạn đạo của Bắc Hàn được tìm thấy ở Ukraine có chứa những linh kiện điện tử được sản xuất tại Âu Châu và Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là Bình Nhưỡng đã lách được các biện pháp trừng phạt của quốc tế để mua được các linh kiện đó.


Hơn 600 Triệu Euro, Khoản Viện Trợ Quân Sự "Kỷ Lục" của Thụy Điển Cho Ukraine


(Hình: Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tại trụ sở NATO ở Brussels, thủ đô của Bỉ, ngày 15/2/2024.)
-Hôm 20/2/2024, ít ngày trước dịp tròn hai năm Nga tấn công Ukraine, chính quyền Thụy Điển thông báo cung cấp khoản viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Kyiv, trị giá 633 triệu Euro.
Đối với Thụy Điển, hỗ trợ Ukraine tự vệ trong cuộc kháng chiến chống Nga cũng chính là để tránh nguy cơ chiến tranh lan sang khu vực Bắc Âu. Thông tín viên Carlotta Morteo của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình từ thủ đô Stockholm của Thụy Điển:
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson tuyên bố khoản viện trợ quân sự cho Ukraine này "vừa là vấn đề nhân đạo, vừa là ứng xử phù hợp". Ông cho biết rõ là danh sách các phương tiện quân sự viện trợ đã được quyết định cùng với chính quyền Kyiv, nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tế trên chiến trường.
Ngoài hơn 30 xe tăng Stridsfordon 90, được Thụy Điển và Đan Mạch phối hợp chuyển giao cho Ukraine, Kyiv sẽ nhận được nhiều hệ thống phi đạn địa-đối-không. Đây cũng là lần đầu tiên Stockholm viện trợ tàu quân sự, trong đó có 10 chiến hạm và 20 tàu vận chuyển quân và phương tiện. Các tàu quân sự này được chế tạo để hoạt động tại các vùng nước nông, có thể được quân đội Ukraine sử dụng đặc biệt trong môi trường sông.
Một điểm mới khác là có một hệ thống phi đạn chống tăng trong khoản viện trợ này, cùng lựu đạn và xe cứu thương. Tất cả sẽ được chuyển đến Ukraine trong tuần lễ tới. Về mặt tài chánh, chính quyền Thụy Điển cũng đầu tư hơn 175 triệu Euro để sản xuất đạn pháo. Đây là loại đạn dược mà quân đội Ukraine đang thiếu nghiêm trọng.
Stockholm coi việc hậu thuẫn Kyiv là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đối với Thụy Điển, nếu Nga giành chiến thắng tại Ukraine, bước tiếp theo sẽ là trắc nghiệm mức độ vững chắc của Khối Minh ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại các khu vực kế cận với Nga, bằng cách tấn công các nước vùng Baltic hoặc Phần Lan. Nếu điều này xảy ra, Thụy Điển chắc chắn sẽ bị cuốn vào xung đột khu vực.


Phần Lan Chuẩn Bị Biện Pháp Mới Tăng Cường An Ninh ở Biên Giới Với Nga


(Hình: Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Mari Rantanen họp báo tại Helsinki, Phần Lan, ngày 11/1/2024.)
-Cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Phần Lan với Nga đã kéo dài khoảng 3 tháng, và với lý do tình hình đến nay vẫn chưa được cải thiện, chính phủ Phần Lan lại chuẩn bị những biện pháp mới để tăng cường an ninh ở vùng biên.
Phần Lan sẽ đóng cửa biên giới chung với Nga ít nhất đến ngày 14/4/2024. Theo thông tấn xã Reuters, Bộ Nội vụ Phần Lan hôm qua tuyên bố sẽ nhanh chóng khai triển các luật mới để củng cố an ninh ở biên giới và đối phó với việc Nga dùng di dân như công cụ chống Phần Lan.
Xin nhắc lại là hồi cuối năm 2023, chính quyền Helsinki tố cáo Mạc Tư Khoa đưa di dân không giấy tờ đến vùng biên để họ nhập cảnh trái phép vào Phần Lan nhằm gây bất ổn cho đất nước này, biện pháp mà Helsinki cho là đòn đáp trả của Nga về việc Phần Lan gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO). Helsinki vì thế đã cho đóng cửa biên giới với Nga từ giữa tháng 11/2023 để ngăn người nhập cư bất hợp pháp.

Hôm 20/2, trong buổi họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan, Mari Rantanen, báo động là chính phủ có những thông tin về việc hàng ngàn di dân đang chờ để vào Phần Lan từ Nga và đó là "một sự đe dọa đối với xã hội". Thế nhưng, theo Jussi Laine, một Giáo sư Đại học tại Phần Lan, chuyên gia về các vấn đề về biên giới, cho rằng tình hình trên thực tế khác xa với những gì chính phủ thông báo.
Trên đài RFI Pháp ngữ sáng 21/2, chuyên gia Jussi Laine giải thích: "Không có bằng chứng rõ ràng nào chứng minh điều đó. Những con số bà ấy (Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan) nói đến chỉ là ước tính chứ không phải số liệu đã được xác minh. Hiện giờ chỉ có một số ít di dân đang chờ để vượt biên giới sang Phần Lan".
Chính phủ Phần Lan có thể đang chuẩn bị tinh thần cho người dân về biện pháp thắt chặt các quy định tiếp nhận người tị nạn: di dân có thể sẽ bị giữ lại ở biên giới trong thời gian chính quyền Helsinki xem xét hồ sơ của họ. Nhưng đối với Giáo sư Jussi Laine, phản ứng của Helsinki như vậy là một thắng lợi cho phía Nga. Ông nhận định: "Rõ ràng là điều đó đã làm rung chuyển xã hội Phần Lan. Phản ứng của chính phủ đã rất mạnh. Nếu mục tiêu của Nga là gây bất ổn và làm rung chuyển xã hội Phần Lan, thì trong trường hợp này họ đã thành công. Nhưng rốt cuộc thì vấn đề không nằm ở di dân".


Khủng Hoảng Nông Nghiệp: 8.000 Nông Dân Hy Lạp Đổ Về Thủ Đô Biểu Tình


(Hình: Nông dân biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ở thủ đô Athens, ngày 20/2/2024.)
-Hôm 20/2/2024, khoảng 8.000 nông dân từ nhiều vùng tại Hy Lạp đổ về thủ đô Athens, tập hợp trước trụ sở Quốc hội, để phản đối các chính sách về nông nghiệp. Giá bán nông phẩm quá rẻ mạt và thuế xăng là hai trong số các phản đối chủ yếu của giới nông dân.
Các nông dân đã rời thủ đô sau cuộc tập hợp gần 24 tiếng đồng hồ. Phong trào phản kháng của nông dân Hy Lạp diễn ra từ hơn một tháng nay và còn tiếp tục, vào lúc giới nông dân nhiều nước Âu Châu cũng biểu tình, phản đối.
Về cuộc biểu tình hôm 20/2 tại Athens, thông tín viên Joël Bronner của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) từ thủ đô Hy Lạp gửi về bài phóng sự:

Ở quảng trường Syntagma, trung tâm thủ đô Athens, mùi đồ nướng lan tỏa có thể gợi nhắc đến món thịt nướng barbecue dân dã tại các vùng quê. Trên thực tế, đây là một cuộc tập hợp của những người lái xe gắn máy kéo và nông dân. Họ có mặt tại đây để nhắc nhở rằng nếu không có họ thì sẽ hoàn toàn không có thực phẩm.
Ông Thanassis Prasask, đại diện cho các nông dân vùng Thessallie, nơi vừa hứng chịu các đợt lũ lớn, vùng trồng hạt óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười, cũng như bông và ngô, cho biết: "Đến Athens, đối với chúng tôi là một cách để tỏ rõ quyết tâm. Chúng tôi muốn toàn nước Hy Lạp và toàn thể Âu Châu biết rằng chúng tôi sẽ phong tỏa mọi tuyến đường, trong vòng bốn tuần lễ, kể từ bây giờ. Chúng tôi có mặt tại đây bởi vì vấn đề của chúng tôi là rất lớn. Chúng tôi biết rõ những gì diễn ra giữa các cánh đồng nơi canh tác và các gian hàng tại các siêu thị. Chúng tôi thấy rõ là đã buộc phải bán các sản phẩm của mình dưới giá thành sản xuất, nhưng tiếp theo đó, các sản phẩm này đã được bán với giá đắt hơn từ 10 đến 12 lần".
Các nông dân có mặt tại đây nhất trí ở một điều: Vấn đề chủ yếu hiện nay là giá xăng. Điều mà họ đòi hỏi là bãi bỏ thuế xăng. Ông Dimitris Dalas nói: "Về xăng, thuế hiện nay là khoảng 50%. Hiện tại, chúng tôi được hưởng một chút bù giá cho khoản thuế này, nhưng điều mà chúng tôi muốn là xăng không phải chịu thuế".

Nông dân Hy Lạp hy vọng sẽ được bảo vệ tốt hơn để chống lại các cạnh tranh từ các nước khác, nơi mà lương của người lao động thấp hơn, và đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh và môi trường được kiểm soát lỏng lẻo hơn nhiều.
Thủ tướng Pháp Gabriel Attal sáng 21/2, khẳng định nông nghiệp bảo đảm "các lợi ích nền tảng" của đất nước, tương tự như an ninh và quốc phòng. Ông Attal cam kết đưa "mục tiêu bảo đảm chủ quyền về nông nghiệp và thực phẩm" vào Dự luật về nông nghiệp. Nghiệp đoàn số một của giới nông dân FNSEA hoan nghênh "một số bước tiến" của chính phủ, nhưng kêu gọi đưa ra lộ trình cụ thể.
Theo thông tấn xã AFP, đông đảo nông dân chờ đợi Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra các cam kết vào ngày khai mạc Hội chợ Nông nghiệp, 24/2 tới tại Paris. Nhiều hoạt động phản kháng vẫn tiếp diễn. Hôm 21/2, khoảng 70 cây số của xa lộ A62 bị đóng, do người biểu tình rải phân bón lên mặt đường. Nghiệp đoàn FNSEA và Nông gia Trẻ dự kiến tuần hành tối thứ Sáu 23/2 tại Paris ngay trước thềm Hội chợ Nông nghiệp.


Báo The Sun: Hệ Thống Phi Đạn Răn Đe Nguyên Tử của Anh Bị Trục Trặc Khi Thử Nghiệm


(Hình: Một phi đạn Trident II D5 không có vũ khí được phóng thử từ tàu ngầm phi đạn-đạn đạo lớp Ohio USS Nebraska của Hải quân Hoa Kỳ ngoài khơi bờ biển California, Hoa Kỳ, ngày 26/3/2018.)
-Hôm thứ Tư (21/2/2024), tờ The Sun đưa tin cho hay hệ thống răn đe nguyên tử Trident của Anh đã gặp trục trặc trong cuộc thử nghiệm hồi tháng trước, khi một phi đạn lao xuống biển ngoài khơi bờ biển Florida (Hoa Kỳ) gần tàu ngầm đã phóng nó.
The Sun nói rằng tầng đẩy sơ tốc của phi đạn có gắn đầu đạn giả đã không kích hoạt trong cuộc thử nghiệm ngày 30/1.
Bộ Quốc phòng cho biết đã xảy ra sự việc bất thường trong quá trình thử nghiệm nhưng lỗi này không ảnh hưởng gì đến hệ thống lớn hơn.
"Vì vấn đề an ninh quốc gia, chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, tuy nhiên chúng tôi tin tưởng rằng sự bất thường này chỉ mang tính chất cụ thể và do đó không có tác động nào đến độ tin cậy của các hệ thống phi đạn Trident và kho dự trữ lớn hơn", tuyên bố của Bộ Quốc phòng nói.
"Vấn đề răn đe nguyên tử của Vương quốc Anh vẫn an toàn, bảo mật và hiệu quả", tuyên bố nói thêm.

Thất bại của các cuộc thử nghiệm Trident có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại về khả năng sẵn sàng của Hải quân Anh trong trường hợp nước này bị lôi kéo vào một cuộc xung đột toàn diện.
Hệ thống răn đe nguyên tử tiêu tốn khoảng 3 tỉ bảng Anh (3,79 tỉ Mỹ kim) mỗi năm để vận hành, tương đương khoảng 6% tổng ngân sách quốc phòng của Vương quốc Anh. Quốc hội Anh năm 2016 đã thông qua kế hoạch đóng một lớp tàu ngầm mới, dự kiến đi vào hoạt động vào những năm 2030, với chi phí ước tính lần cuối là 31 tỉ bảng Anh.
Cuộc thử nghiệm hệ thống trước đó vào năm 2016 cũng kết thúc thất bại khi phi đạn được cho là đã chệch hướng.
Đầu tháng này, lực lượng tác chiến Hải quân Hoàng gia của Bộ Quốc phòng Anh đã phải rút hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth khỏi cuộc tập trận lớn nhất của Liên minh Phòng thủ Bắc Ðại Tây Dương (NATO) kể từ Chiến tranh Lạnh, sau khi các cuộc kiểm tra định kỳ xác định có vấn đề với khớp nối trên trục chân vịt bên mạn phải của tàu.


Pháp Đưa Kháng Chiến Quân Người Armenia Trong Ðệ Nhị Thế Chiến Vào Điện Panthéon


(Hình: Missak Manouchian (trái) và phu nhân Mélinée Manouchian.)
-Hôm 21/2/2024, Tổng thống Emmanuel Macron nhân danh nước Pháp tỏ lòng tri ân những người ngoại quốc đã chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến quân Pháp trong Đệ nhị Thế chiến, qua việc đưa chiến binh người Armenia, ông Missak Manouchian, Cộng sản, vô quốc tịch, và các đồng đội của ông vào điện Panthéon ở Paris, nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp.
Theo hãng tin AFP, vào đúng 6 giờ 30 chiều 21/2, linh cữu của ông Missak Manouchian và vợ là Mélinée, cũng là một kháng chiến quân, đặt trên vai của những người lính Lê Dương, sẽ được đưa vào điện Panthéon. Các đồng đội của Manouchian cũng sẽ được đưa vào đây một cách biểu tượng, với tên của họ được ghi trên một tấm bảng.
Buổi lễ sẽ kéo dài 1 tiếng rưỡi, trong đó nhiều hình ảnh về Manouchian sẽ được chiếu và các bài hát về kháng chiến quân người Armenia này sẽ được cất lên. Khoảng 2.000 người đã được mời đến dự buổi lễ, trong đó có các lãnh đạo đảng Cộng sản Pháp, Thủ tướng Nikol Pachinian của Armenia và nhiều đại diện của cộng đồng người Armenia ở Pháp cùng với 600 học sinh.
Sống sót sau vụ thảm sát người Armenia năm 1915 trong thời Đế quốc Ottoman, ông Missak Manouchian đã sang Pháp tị nạn vào năm 1925 và đã có thời gian làm việc trong các nhà máy của hãng xe hơi Citroen. Sau khi nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, ông Manouchian, tuy là một người không quốc tịch, đã tham gia lực lượng kháng chiến của đảng Cộng sản Pháp từ năm 1943.
Bị bắt vào đầu năm 1944, ông Missak Manouchian đã bị kết án tử hình và sau đó bị xử bắn vào năm 37 tuổi cùng với các đồng đội của ông ngày 21/2/1944 tại Mont-Valérien, ngoại ô Paris. Như vậy là đúng 80 năm sau, những người được mệnh danh "các chiến binh trong bóng tối", bị lãng quên trong một thời gian dài, được đưa vào điện Panthéon, nơi mà kháng chiến quân Pháp Jean Moulin và các chiến binh khác của tướng Charles de Gaulle đã được vinh danh từ thập niên 1960.


Hán Thành và Tokyo Lại Căng Thẳng Vì Hồ Sơ Lao Động Cưỡng Bách Thời Nhật Bản Chiếm Đóng


(Hình: Chánh Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, ngày 10/1/2024.)
-Căng thẳng giữa Nhật Bản và Nam Hàn lại gia tăng liên quan đến việc đền bù cho lao động cưỡng bách trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên cho đến năm 1945. Hôm 21/2/2024, Tokyo đã triệu Ðại sứ Nam Hàn lên để phản đối việc một công ty Nhật Bản trả tiền đền bù ngoài ý muốn.
Theo thông tấn xã AFP, sự việc lần này liên quan đến công ty đóng tàu Hitachi Zosen của Nhật Bản. Hôm 21/2, phát ngôn viên chính phủ Nhật, ông Yoshimasa Hayashi cho biết Tokyo đã triệu tập Ðại sứ Nam Hàn Yun Duk Min để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" về việc tư pháp Nam Hàn trong tuần này đã rút tiền từ khoản ký quỹ của Hitachi Zosen và chuyển cho gia đình một nạn nhân. Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản xem đây là việc "rất đáng tiếc".

Hồi tháng 12/2023, Tối cao Pháp viện Nam Hàn ra phán quyết Hitachi Zosen phải trả 50 triệu Won (gần 35.000 Euro) tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình một người Nam Hàn từng là nạn nhân của nạn lao động cưỡng bách thời Nhật Bản đô hộ Nam Hàn. Việc rút tiền ký quỹ trả cho nạn nhân là điều chưa từng và khiến Tokyo nổi giận, bởi theo chính quyền Nhật Bản, mọi tranh chấp với Hán Thành liên quan đến vấn đề lịch sử này đã được giải quyết bằng một Hiệp ước song phương ký hồi năm 1965.
Về phía công ty Nhật Bản, khi được thông tấn xã AFP hỏi, phát ngôn viên của Hitachi Zosen cũng tuyên bố tập đoàn không thay đổi quan điểm và cho là vấn đề này đã khép lại kể từ Hiệp ước song phương năm 1965.
Xin nhắc lại là xung khắc giữa hai nước thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây do những bất đồng về lịch sử, nhưng quan hệ song phương đã được cải thiện từ khi Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol lên nắm quyền hồi năm 2022. Tổng thống Yoon mong muốn xích lại gần hơn với Nhật Bản, đặc biệt để hai bên cùng nhau đối phó với những nguy cơ địa chính trị ở Á Châu, chẳng hạn liên quan đến Cộng sản Bắc Hàn.
Hồi năm 2023, Tổng thống Nam Hàn đã thông báo một cơ chế bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng bách lao động mà không có sự tham gia trực tiếp của phía Nhật Bản. Hán Thành chỉ kêu gọi các công ty Nhật Bản có liên quan tự nguyện đóng góp cho chương trình này, nhưng cho đến nay chưa có công ty Nhật Bản nào đáp ứng nguyện vọng của Nam Hàn. Hán Thành ước tính khoảng 780.000 người Nam Hàn đã bị cưỡng bách lao động trong suốt 35 năm xứ hoa anh đào chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, chưa kể đến những người phụ nữ bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Đệ nhị Thế chiến ở khắp Á Châu, và ngay cả ở Nam Hàn.


Tuần Duyên Đài Loan Đối Đầu Với Tàu Hải Cảnh Trung Quốc Tại Đảo Kim Môn


(Ảnh: Tàu Hải cảnh Trung Quốc ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 26/12/2023.)
-Căng thẳng tiếp tục tại khu vực xung quanh đảo Kim Môn (Kinmen) do Đài Loan kiểm soát, với việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động tuần tra tại đây, tiếp theo vụ 2 ngư dân Trung Quốc chết. Hôm 20/2/2024, Tuần duyên Đài Loan đã ngăn chặn một tàu Hải cảnh Trung Quốc xâm nhập khu vực sát đảo. Quân đội Đài Loan tuyên bố không can thiệp. Đài Bắc kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế.
Theo thông tấn xã Reuters, lực lượng Tuần duyên Đài Loan đã điều một tàu và sử dụng các phương tiện liên lạc vô tuyến để kêu gọi tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 8092 rời khỏi "khu vực cấm xâm nhập" của đảo Kim Môn, mà hai bên vẫn thường xuyên tuân thủ từ năm 1992. Tuần duyên Đài Loan khẳng định sẽ tiếp tục tuần tra xung quanh đảo Kim Môn.

Bên lề cuộc họp Quốc hội Đài Loan hôm 20/2, một viên chức chính phủ Đài Loan lên án hành động khám xét một tàu du lịch Đài Loan của Hải cảnh Trung Quốc hôm 19/2, khiến các du khách Đài Loan "hoảng sợ". Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan khẳng định quân đội sẽ không can thiệp "để tránh tình hình thêm trầm trọng", có thể dẫn đến chiến tranh, và kêu gọi "giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình".
Trả lời thông tấn xã Reuters, một viên chức an ninh kỳ cựu của Đài Loan, xin ẩn danh, nhận định Bắc Kinh không có ý định biến vụ 2 ngư dân chết vì tàu bị lật trong khi chạy trốn tàu Tuần duyên Đài Loan "thành một sự việc mang ý nghĩa quốc tế", mà chỉ muốn coi đây là cái cớ để gia tăng áp lực với chính quyền của tân Tổng thống Đài Loan, Lại Thanh Đức.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết theo "theo dõi sát các hành động của Bắc Kinh" tại khu vực đảo Kim Môn. Trả lời báo giới hôm 20/2, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Matthew Miller, "kêu gọi kiềm chế và không đơn phương thay đổi nguyên trạng, để bảo vệ hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, đã được duy trì từ nhiều thập niên".

Đảo Kim Môn, rộng hơn 150 cây số vuông với khoảng 140.000 dân, chỉ cách Hoa Lục khoảng 3 cây số. Vùng lãnh thổ do Đài Loan kiểm soát, nằm gần Trung Quốc nhất này, từng được coi là tiền đồn quân sự của Đài Loan. Trong những năm 1950, đảo Kim Môn liên tục bị Trung Quốc pháo kích. Vào lúc căng thẳng cao điểm, trên đảo Kim Môn đã từng có 100.000 binh sĩ Đài Loan trú đóng.
Từ nhiều thập niên trở lại đây, đại đa số cư dân đảo muốn duy trì nguyên trạng giữa hai bờ eo biển. Truyền thông Pháp ghi nhận việc không ít người dân Kim Môn mơ ước xây dựng một cây cầu nối liền Kim Môn với thành phố Hạ Môn (Trung Quốc). Tuy nhiên, đảng Dân Tiến của Tổng thống Lại Thanh Đức coi đây là một dự án "nguy hiểm", có thể biến hòn đảo trở thành "con ngựa thành Troy" của Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào: