Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :20/02/2024 - Mỹ Loan


Kiev bi quan về tình hình quân sự « vô cùng khó khăn » Nga mở 5 mặt trận trên chiến trường đông nam Ukraina và tiếp tục các cuộc tấn công ban đêm. Ngày 20/02/2024, Kiev cho biết đã bắn hạ 23 drone Shahed của Nga. Ngoài ra, Nga cũng phóng hai tên lửa S-300/S-400 từ vùng biên giới Belgorod và một tên lửa Kh-31. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình chiến sự « vô cùng khó khăn ». Một xe tăng của quân đội Ukraina, ở gần mặt trận Avdiïvka, Ukraina. Ảnh chụp ngày 11/02/2024. AFP - GENYA SAVILOV Thu Hằng Tổng thống Zelensky đã đến thăm binh sĩ Ukraina ở vùng Koupiansk ngày 19/02. 
<!>
Trong buổi điểm tin hàng ngày, được AFP trích dẫn, ông cho biết « tình hình vô cùng khó khăn trên nhiều khu vực chiến tuyến, nơi quân Nga đang tập trung tối đa lực lượng, tận dụng sự chậm trễ trong viện trợ cho Ukraina ». Vẫn theo ông Zelensky, Ukraina đang thiếu pháo, cần hệ thống phòng không trên chiến tuyến và vũ khí tầm xa.

Ukraina từ thế phản công chuyển sang thế thủ nhưng khó chống lại được quân Nga khi không nhận được viện trợ quân sự từ các nước đồng minh. Trong khi đó, Nga đang tiến hành cùng lúc 5 mặt trận ở miền đông và nam Ukraina : Kreminna, Bakhmout, Avdiivka, Marinka, Robotybe và sẽ tìm cách chiếm thêm đất sau khi « kiểm soát hoàn toàn » Avdiivka.

Viện trợ quân sự cho Ukraina

Trong khi đó, khoản viện trợ lớn của Washington cho Ukraina vẫn bị chặn ở Hạ Viện Mỹ. Về phía Ukraina, sau khi ký hai thỏa thuận quân sự với Pháp và Đức vào tuần trước, Ukraina sẽ nhận được viện trợ từ Hà Lan và Canada. Ngày 19/02, bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết « gửi nhiều drone cho Ukraina » nhưng « không thể tiết lộ số lượng chính xác ». Hà Lan nằm trong liên minh do Latvia điều phối để cung cấp công nghệ tân tiến về drone quân sự cho Ukraina. Còn Canada thông báo sẽ chuyển cho Ukraina 800 drone SkyRanger R70.

Ngược lại, Ecuador từ bỏ ý định giao nhiều vũ khí thời Liên Xô cho Ukraina thông qua Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld trấn an trước Quốc Hội rằng « Ecuador sẽ không gửi bất kỳ thiết bị quân sự nào cho một nước can dự vào một cuộc xung đột quốc tế ». Tuy nhiên, quyết định rút lui của quốc gia Nam Mỹ này có thể là do tác động từ Nga. Matxcơva đã rất tức giận và ra lệnh cấm nhập khẩu chuối của Ecuador ngay sau lời hứa của Ecuador chuyển vũ khí cho Ukraina.

Liên Âu triển khai lực lượng hải quân ở Hồng Hải nhằm bảo vệ tự do lưu thông

Liên Hiệp Châu Âu ngày 19/02/2024 chính thức thông báo triển khai lực lượng hải quân ở Hồng Hải nhằm « tái lập và bảo vệ tự do lưu thông hàng hải » trong khu vực.


(Ảnh minh họa chụp Languedoc, tàu chiến của Pháp, ngày 27/03/2023) - Chiến hạm Languedoc đã hạ drone của lực lượng Huthi nhắm vào một tàu dầu của Na Uy tại Hồng Hải hôm 11/12/2023. AFP - JACK GUEZ
Minh Anh
Theo Reuters, « chiến dịch an toàn hàng hải » này có tên gọi là « Aspides ». Trong thông cáo, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, tuyên bố « Liên Hiệp Châu Âu phản ứng một cách nhanh chóng trước sự cấp bách tái lập an toàn đường biển và tự do lưu thông tại một hàng lang hàng hải mang tính chiến lược cao ».

Ngoài việc nhấn mạnh đến tính chất « phòng thủ » của nhiệm vụ, ông Josep Borrell còn lưu ý rằng mục tiêu là nhằm hộ tống và bảo vệ tầu thuyền đối phó với các nguy cơ bị tấn công ở Hồng Hải. Tuy nhiên, ông không nêu rõ các phương tiện vật chất nào được huy động cho nhiệm vụ này.

Theo nhiều nhà ngoại giao châu Âu, trả lời Reuters gần đây, dường như ba tầu chiến do ba nước Pháp, Đức, Ý điều động, đã được đặt dưới sự chỉ huy của châu Âu trong khuôn khổ chính sách an ninh và phòng thủ chung của khối 27 nước.

Thông báo này được đưa ra vào lúc phe nổi dậy người Houthi tại Yemen, được Iran hậu thuẫn, từ nhiều tháng qua, đe dọa giao thông đường biển ở Hồng Hải khi liên tiếp tấn công những tầu hàng nhằm thể hiện sự hậu thuẫn đối với người Palestine trong cuộc xung đột giữa Israel và phe Hamas ở dải Gaza.

Úc đầu tư 6,7 tỷ euro nhằm tăng cường sức mạnh hải quân

Hôm nay 20/02/2024, chính phủ Úc vừa công bố khoản đầu tư trị giá 6,7 tỷ euro trong 10 năm tới, để tăng cường năng lực phòng thủ và tác chiến của lực lượng hải quân nước này. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Nga liên tục tăng cường hỏa lực trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Canberra có tham vọng xây dựng một hạm đội lớn nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.


(Ảnh minh họa) - Một tàu sân bay trực thăng của Hải quân Úc, với máy bay trực thăng AH-1Z Viper, trong một buổi diễn tập năm 2022 tại Thái Bình Dương. © Petty Officer 3rd Class Isaak Martinez/Australian Defense Force via AP
Minh Phương
Từ Sydney, thông tín viên Grégory Plesse cho biết cụ thể :

"Hôm nay, chính phủ của thủ tướng Albanese tuyên bố tăng số lượng tàu chiến của hải quân Úc để lực lượng này có hạm đội lớn nhất kể từ khi thế chiến thứ hai kết thúc.” Ông Richard Marles, bộ trưởng Quốc Phòng Úc, nhấn mạnh tính chất đặc biệt của khoản đầu tư này vào hải quân Úc, với mục tiêu tăng số lượng tàu mà nước này sở hữu từ 11 lên thành 26 chiếc.

Chính phủ Úc cũng có kế hoạch cho đóng thêm 11 khinh hạm, 3 tàu khu trục cũng như 6 tàu tự hành (không cần thủy thủ đoàn), để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trong hải quân Úc. Đồng thời, hải quân nước này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh hỏa lực về tên lửa, đặc biệt là trang bị cho một số tàu chiến tên lửa Tomahawk tầm xa.

Những thông báo này được đưa ra sau khi bản đánh giá chiến lược được công bố, cho thấy năng lực hiện tại của hải quân nước này không đủ để đối mặt với các thách thức địa chiến lược ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và Canberra nên chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm ẩn trong khu vực".

Không quân Philippines và Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông

Hoa Kỳ và Philippines đã tổ chức tuần tra chung trên không phận Biển Đông ngày 19/02/2024, nhằm thể hiện « một liên minh quốc phòng mạnh mẽ hơn » giữa hai nước. Ngay tối hôm qua, bộ chỉ huy Chiến Khu Nam Bộ Trung Quốc đã chỉ trích Philippines « tuần tra trên không » với các nước bên ngoài khu vực, đồng thời khẳng định « tình hình nằm trong tầm kiểm soát ».

Ảnh minh họa : Tàu sân bay USS Ronald Reagan và hải đội tác chiến cùng oanh tạc cơ B-52 của Không Quân và chiến đấu cơ F/A 18 của Hải Quân, trên biển Philippines, trong cuộc tập trận Valiant Shield 2018 ngày 17/09/2018. U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Erwin
Thu Hằng
Trên mạng Facebook, Không Quân Philippines đăng một số hình ảnh và video về cuộc tuần tra chung trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, cách 90 hải lý về phía tây thành phố Candon, trên đảo Luzon. Ba chiến đấu cơ FA-50 của Philippines và oanh tạc cơ B-52H Mitchell của Lực lượng Không Quân Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tham gia cuộc tuần tra.

Trang Inquirer dẫn lời đại tá Xerxes Trinidad, người phát ngôn quân đội Philippines, cho biết mục đích của cuộc tuần tra là « nhằm tăng cường hợp tác, củng cố khả năng tương tác giữa không quân hai nước », cũng như « củng cố khả năng hoàn thành nhiệm vụ của quân đội và duy trì sự hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ». Hoạt động này nằm trong khuôn khổ « Hoạt động hợp tác hàng hải ở Biển Đông » (MCA) giữa Mỹ và Philippines lần thứ ba, được khởi động ngày 09/02. Hai đợt trước diễn ra vào tháng 11/2023 và tháng 01/2024.

Trung Quốc cử hai tầu chiến theo dõi sát sao cuộc tuần tra trên không ở Biển Đông của Mỹ và Philippines. Trên mạng xã hội Weibo, Chiến Khu Nam Bộ Trung Quốc chỉ trích hoạt động của Philippines và Mỹ là « phô trương », đồng thời khẳng định bảo vệ toàn vẹn chủ quyền. Bắc Kinh cũng cáo buộc Manila « làm xáo trộn trật tự ở Biển Đông khi lôi kéo các nước bên ngoài khu vực ».

Các cuộc tuần tra của hai nước đồng minh Philippines và Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông. Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc cản trợ hoạt động tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên con tầu hỏng ở Bãi Cỏ Mây (Thomas Shoal), được Philippines sử dụng để đánh dấu chủ quyền.

Nhiều phái đoàn Bắc Triều Tiên công du Nga, mở rộng hợp tác song phương

Trong những ngày qua, các phái đoàn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Bắc Triều Tiên đã sang Nga trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Matxcơva nỗ lực mở rộng hợp tác song phương.


(Ảnh minh họa) - Tổng thống V.Putin (thứ 2 từ trái) cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un( thứ 2 phải) trong chuyến thăm một cơ sở công nghiệp không gian Nga trong vùng Amour, Nga, ngày 13/09/2023. AP - Artyom Geodakyan
Minh Phương
Theo hãng thông tấn trung ương Bắc Triều Tiên (KCNA), hôm qua 19/02, bộ trưởng Thông Tin và Thương Mại, Ju Yong-il, dẫn đầu một phái đoàn, đã rời Bình Nhưỡng sang Nga tham dự diễn đàn Công nghệ Thông tin Á-Âu Eurasia IT, với chủ đề “chủ quyền kỹ thuật số làm cơ sở cho hợp tác quốc tế lâu dài”, được tổ chức trong hai ngày, 20 và 21/02/2024, tại Matxcơva

Trước đó, một phái đoàn do thứ trưởng bộ Thủy Sản, Son Song-kuk, dẫn đầu đã khởi hành tới Nga để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, thứ trưởng bộ Thể Thao, O Kwang-hyok, cũng tới Nga để tham dự lễ ký thỏa thuận hợp tác về thể dục thể thao năm 2024 giữa hai nước. Ngoài ra, ông Kim Su-gil, uỷ viên dự khuyết của bộ chính trị đảng Lao Động Triều Tiên, cũng đã có cuộc gặp với phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko và các chính trị gia khác của nước này.

Vẫn theo KCNA, tổng thống Nga Putin đã gửi tặng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un một xe hơi hạng sang do Nga sản xuất, như một món quà thể hiện“mối quan hệ đặc biệt giữa hai nhà lãnh đạo”.

Sau khi nhận được thông tin trên, Hàn Quốc đã ngay lập tức yêu cầu Nga, với tư cách là một quốc gia thành viên, phải tuân thủ đầy đủ các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên, trong đó bao gồm “các lệnh cấm cung cấp, bán hoặc chuyển giao trực tiếp và gián tiếp tất cả các phương tiện vận tải tới Bắc Triều Tiên, bất kể nguồn gốc, (…) bao gồm cả xe hơi hạng sang”.

Bắc Triều Tiên và Nga đã mở rộng phạm vi hợp tác sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra vào tháng 09/2023.

Philippines xem xét khả năng kiện Trung Quốc, Việt Nam đánh cá bằng xyanua

Ngày 19/02/2024, phát ngôn viên Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Đông) cho biết Manila có thể khởi kiện Bắc Kinh và Hà Nội trong bối cảnh có cáo buộc đánh bắt cá bằng chất xyanua tại bãi cạn Scarborough, Biển Đông.


(Ảnh minh họa) - Hải quân Philippines kiểm tra tàu cá Trung Quốc, ở khu vực bãi cạn Scarborough, 10/04/2012. REUTERS/Philippine Army Handout
Minh Anh
Trang mạng thông tin GMA Network, dẫn lời ông Jonathan Malaya, cho biết thêm, chính phủ Manila sẽ điều tra các cáo buộc do Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) đưa ra hồi cuối tuần qua, phát hiện đầm phá tại bãi cạn Scarborough đã bị hư hại nặng nề. Cơ quan này nghi ngờ có thể là do ngư dân Trung Quốc và Việt Nam đã dùng xyanure để đánh bắt cá.

Dù vậy, theo ông Jonathan Malaya, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), tỏ ra thận trọng về những cáo buộc trên, đề nghị BFAR thu thập tài liệu, bằng chứng và lời khai. Nếu sự việc được xác nhận, hồ sơ sẽ được chuyển đến bộ Tư Pháp (DOJ) và Văn phòng Chưởng lý (OSG) để có thể nộp đơn kiện lên tòa án.

Bắc Kinh hôm qua đã có phản ứng, cho rằng những lời cáo buộc trên của Philippines là hoàn toàn bịa đặt. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh trong cuộc họp báo còn nhắc rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham Đảo.



Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cảnh báo các cơ quan liên quan của Philippines xử lý vấn đề hàng hải « một cách nghiêm túc » và « hợp tác » với phía Trung Quốc trong việc « bảo vệ quan hệ song phương cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông. »

Không có nhận xét nào: