Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :17/02/2024 - Mỹ Loan


Bà Yulia Navalnaya tại Hội nghị Munich về an ninh - Mẹ của Navalny: Con trai tôi vẫn khỏe mạnh và vui vẻ khi tôi gặp nó vào thứ Hai Mẹ của người lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny được báo Nga Novaya Gazeta dẫn lời, nói rằng con trai bà “còn sống, khỏe mạnh và hạnh phúc” khi bà gặp con lần cuối vào ngày 12/2. Tờ Novaya Gazeta đưa tin rằng, bà Lyudmila Navalnaya viết trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Sáu (16/2): “Tôi không muốn nghe bất kỳ lời chia buồn nào. Chúng tôi nhìn thấy con trai tôi ở tù vào ngày 12 tháng 2, trong một buổi gặp mặt. Lúc đó nó vẫn sống, khỏe mạnh và hạnh phúc.”
<!>

Bà Lyudmila Navalnaya,

Phương Tây đồng loạt lên án Nga về cái chết của nhà đối lập Navalny 

Từ hôm qua, 16/02/2024, các nước phương Tây đồng loạt lên án Matxcơva về cái chết của nhà đối lập hàng đầu ở Nga Alexei Navalny. Theo nhà chức trách Nga, ông Navalny đã chết trong một nhà tù ở vùng Bắc Cực trong hoàn cảnh mờ ám.
Nhà đối lập Nga Alexandre Navalny chết trong tù ngày 16/02/2024. AP - Michael Probst
Thanh Phương


Trong một thông cáo ngắn gọn hôm qua, nhà chức trách Nga chỉ báo cho biết là họ đã cố hết sức để cấp cứu cho ông Navalny, nhưng đã không thể cứu sống nhà đối lập mà tình trạng sức khỏe đã suy yếu nhiều sau vụ ông bị đầu độc vào năm 2020 và sau đợt tuyệt thực trong tù vào năm 2021.

Ngay từ tối qua, chính phủ Anh Quốc đã triệu các nhà ngoại giao của sứ quán Nga ở Luân Đôn lên để nói rõ chính Matxcơva "phải chịu trách nhiệm hoàn toàn" về cái chết của ông Navalny. Chính phủ Anh Quốc còn yêu cầu tiến hành "một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch". Đây cũng là yêu cầu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cáo buộc tổng thống Nga Vladimir Putin "có trách nhiệm về cái chết của Navalny", mà ông xem là "một tiếng nói mạnh mẽ của sự thật". Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định cái chết của Navalny thể hiện "sự yếu đuối của điện Kremlin và nỗi sợ các nhà đối lập". Tổng thống Zelensky thì cho rằng nhà đối lập Nga "đã bị sát hại như hàng ngàn người khác, chỉ vì một người duy nhất, Putin".

Liên Hiệp Châu Âu đã lên án chế độ Nga về cái chết của Navalny. Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 17/07/2024 cũng có phản ứng tương tự.

Riêng nước Đức, nơi mà nhà đối lập Navalny từng được chữa trị sau khi bị đầu độc, phản ứng như thế nào về cái chết của ông ? Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình:

"Đối với nước Đức, tin về cái chết của Alexeï Navalny gây ra cú sốc kép, bởi vì Berlin đã từng đón tiếp nhà đối lập, lúc đó là nạn nhân của một vụ đầu độc ở Nga và chính các bác sĩ Berlin đã cứu sống ông trước khi ông Navalny vài tháng sau đó quyết định trở về nước.

Là người đã cam kết chữa trị cho nhà đối lập Nga, cựu thủ tướng Angela Merkel đã vào bệnh viện để thăm ông. Hôm qua, bà Merkel cho biết “bị chấn động rất mạnh”, cho rằng “một tiếng nói can đảm đã bị dập tắt bằng những phương pháp kinh khủng”.

Đối với đương kim thủ tướng Đức Olaf Scholz, Alexeï Navalny “rất có thể đã trả giá bằng mạng sống cho sự can đảm của ông”. Trong một thông cáo, tổng thống Đức Steinmeier viết : “Ông ấy đã dấn thân hết sức mình cho một tương lai dân chủ của nước Nga. Một tương lai mà chế độ Putin muốn ngăn cản bằng quyền lực tàn bạo của ông ta”.

Tại Berlin, nơi mà Navalny đã được chữa trị, hàng trăm người biểu tình đã đến tưởng niệm ông trước sứ quán Nga với biểu ngữ như “Putin là một kẻ sát nhân”. Ngay cả các nhật báo của Đức, bình thường tỏ ra chừng mực, cũng đăng những bình luận tố cáo thẳng thừng “Navalny đã bị sát hại. Putin là kẻ sát nhân”, trên tờ Tagesspiegel của Berlin. Nhật báo Frankfurter Allgemeine thì xem đây là “một vụ án mạng chính trị”.

Ngoài Đức, tại nhiều nước châu Âu khác cũng như tại Hoa Kỳ, tối qua, hàng trăm người đã tập hợp để tưởng niệm nhà đối lập Nga và lên án chế độ Putin.

Hội nghị An ninh Munich: Tổng thống Ukraina cố vận động các lãnh đạo phương Tây

Sau khi ký với Pháp và Đức các hiệp định an ninh, hôm nay, 17/02/2024, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky trở lại Đức dự Hội nghị An ninh Munich để cố vận động các nhà lãnh đạo phương Tây tiếp tục yểm trợ Kiev trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.


Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội Nghị An Ninh Munich, Đức. Ảnh ngày 17/02/2024. AP - Matthias Schrader
Thanh Phương

Tổng thống Zelensky dự hội nghị Munich, vừa khai mạc hôm qua trong bối cảnh lực lượng Ukraina đang bị quân Nga tấn công dồn dập ở miền đông và Kiev đã phải rút quân khỏi Avdiivka, để thành phố này lọt vào tay quân Nga. Trong khi đó, khoản viện trợ 60 tỷ đôla của Mỹ vì bị chặn lại ở Quốc Hội vào lúc quân đội Ukraina vừa thiếu binh lính, vừa thiếu vũ khí, đạn dược.

Trong bài phát biểu tại Munich, ông Zelensky nhấn mạnh việc quân đội Ukraina thiếu vũ khí tầm xa và thiếu đạn pháo đã tạo điều kiện cho quân Nga tiến mạnh trong chiến dịch tấn công hiện nay.

Tiếp lời tổng thống Ukraina, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Hoa Kỳ phải cung cấp "những gì đã hứa với Ukraina", ám chỉ khoản viện trợ 60 tỷ đô la đang bị chặn lại ở Quốc Hội Hoa Kỳ.

Bên lề hội nghị Munich, trong ngày 17/02, tổng thống Ukraina sẽ gặp phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris và thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Hôm qua, ông Zelensky đã ký với Đức và Pháp hai hiệp định nhằm bảo đảm sự yểm trợ lâu dài cho Kiev trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga.

Cụ thể, trong hiệp định ký với Ukraina có thời hạn 10 năm, Pháp cam kết sẽ cấp cho Kiev các khoản viện trợ bổ sung "lên tới 3 tỷ euro" trong năm 2024, đồng thời tăng cường "hợp tác trong lĩnh vực pháo binh". Về phần nước Đức thì thông báo 7 tỷ euro viện trợ cho Ukraina. Trong hiệp định ký với Kiev, Berlin dự trù sau khi chấm dứt chiến tranh sẽ tiếp tục yểm trợ Ukraina để nước này có được một quân đội hiện đại đủ sức chống trả các cuộc tấn công của Nga trong tương lai.

Biển Đông: Manila cáo buộc hải cảnh Trung Quốc chặn đường tàu tiếp liệu Philippines

Hôm nay, 17/02/2024, Manila cáo buộc các tàu của hải cảnh Trung Quốc đã có những thao tác « nguy hiểm », khi nhiều lần ngăn chận một tàu của Philippines đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho các ngư dân Philippines trên Biển Đông.


Ảnh minh họa: Một tàu tuần duyên Philippines (P) đang làm nhiệm vụ bị các tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tại Bãi Cỏ Mây ngày 10/11/2023. AP - Joeal Calupitan
Thanh Phương
Theo hãng tin AFP, các vụ này xảy ra trong hai ngày 15 và 16/02/2024 tại khu vực gần bãi cạn Scarborough hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Các phóng viên của AFP và các phóng viên của nhiều cơ quan truyền thông Philippines đã có mặt trên chiếc tàu Datu Tamblot của Philippines trong chuyến đi 3 ngày để tiếp tế lương thực và nhiên liệu cho các ngư dân Philippines để họ có thể ở trên biển lâu hơn. Các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã bốn lần chặn đường khi tàu tiếp liệu của Philippines tiến gần đến bãi cạn Scarborough.

Theo lời phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Philippines khu vực Biển Đông trong cuộc họp báo tại Manila hôm nay, những hành động nói trên của hải cảnh Trung Quốc là « rất nguy hiểm », vì có thể « gây các vụ va chạm ». Tuy bị ngăn chận nhiều lần, cuối cùng, tàu của Philippines vẫn giao được nhiên liệu và lương thực cho các tàu cá của nước này.

Bãi cạn Scarborough vẫn là điểm gây căng thẳng giữa hai nước kể từ khi bị Trung Quốc chiếm của Philippines vào năm 2012.

Vào tháng 12/2023, một tàu của Philippines và một tàu của hải cảnh Trung Quốc đã va chạm nhau tại khu vực Bãi Cỏ Mây ( Second Thomas ), nơi có một đội quân của Philippines đang trú đóng. Hai bên đã đổ trách nhiệm cho nhau về vụ này.

Không gian: Nhật Bản phóng thành công tên lửa H3

Sau hai lần thất bại vào năm ngoái, hôm nay, 17/02/2024, Nhật Bản đã phóng thành công lên không gian tên lửa hạng nặng mới H3. Đây là một bước tiến mới giúp cho Tokyo duy trì mức độ tự chủ và sức cạnh tranh trong lĩnh vực không gian.


Không gian: Nhật Bản phóng thành công tên lửa H3. Ảnh ngày 17/02/2024 AP
Thanh Phương
Hãng tin AFP trích dẫn một quan chức cơ quan không gian Nhật Bản JAXA, tên lửa H3 đã cất cánh đúng như dự kiến vào lúc 9 giờ 23, giờ địa phương, từ căn cứ không gian Tanegashima ở miền tây nam Nhật Bản và vài phút sau đó đã được đặt trên quỹ đạo.

Có chiều cao 63 mét và nặng 475 tấn, tên lửa H3 trên nguyên tắc sẽ giúp Nhật Bản thực hiện các chuyến bay không gian thường xuyên hơn ( khoảng 6 lần/năm ) và ít tốn kém hơn để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài như tên lửa Falcon 9 của công ty tư nhân Mỹ SpaceX. Nhu cầu trên thế giới về các chuyến bay không gian giá rẻ đang tăng mạnh và trong thị trường này, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đây là thành công mới của ngành không gian Nhật Bản, sau khi phi thuyền SLIM ( Smart Lander for Investigating Moon ) đáp được với độ chính xác rất cao trên Mặt Trăng vào tháng trước, một kỳ công mang tính lịch sử đối với quốc gia này.

Theo cơ quan JAXA, tên lửa H3 giúp cho Nhật Bản tiếp tục duy trì mức độ tự chủ trong không gian, bởi vì tên lửa hạng nặng H-2A, được sử dụng từ năm 2001, nay phải được thay thế.

Có khả năng chuyên chở đến 6 tấn hàng, H3 có thể phục vụ cho nhiều lĩnh vực từ vệ tinh viễn thông, khí tượng, cho đến nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, Nhật Bản có thể sử dụng tên lửa này cho quốc phòng, trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tăng cao, nhất là do các vụ thử hạt nhân và tên lửa cũng như vệ tinh của Bắc Triều Tiên.

Không chỉ được phóng thử nghiệm, tên lửa H3 hôm nay còn chở theo 2 vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất.

Tưởng niệm nhà đối lập Navalny, hàng trăm người dân Nga bị bắt

Theo số liệu mới nhất của tổ chức nhân quyền OVD-Info, tính đến sáng nay 17/02/2024, đã có hơn 200 người bị bắt ở 21 thành phố, chủ yếu là các trung tâm đô thị lớn, do tham gia các hoạt động tưởng niệm nhà đối lập Alexei Navalny vừa chết trong tù.


Cảnh sát Nga bắt giữ những người đến đài tưởng niệm, đặt hoa tưởng nhớ nhà đối lập Alexei Navalny tại Saint Petersburg, Nga, ngày 16/02/2024. AP
Minh Phương
Dù chính quyền thủ đô Matxcơva đã yêu cầu không tập hợp « trái phép », vào buổi tối, người dân vẫn xếp hàng dài để đặt hoa bên tượng đài tưởng niệm những nạn nhân của các đợt đàn áp chính trị thời Liên Xô. Tại Nga, bất kỳ hình thức phản kháng công khai nào đều có thể bị phạt tù.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình :

Những phương tiện truyền thông đầu tiên đưa tin về cái chết của ông Navalny là những cơ quan truyền hình có tính chính đáng nhất. Chẳng hạn như trên kênh số 1, trong suốt bản tin 45 phút, đài truyền hình này chỉ dành vỏn vẹn 28 giây đưa tin ông Alexeï Navalny đã qua đởi. Đó là 28 giây để đọc thông cáo báo chí của ban quản lý nhà tù.

Sáng hôm nay, không một chữ nào trên trang nhất của các tờ báo Nga Komsomolskaya Pravda hay Rossiskaya Pravda. Trang web của họ cũng tuyệt đối không đề cập đến thông tin này. Các phương tiện truyền thông khác hầu như cũng chỉ trích dẫn thông cáo báo chí từ cơ quan quản lý nhà tù và điện Kremlin, đang nổi dóa trước phản ứng của dư luận quốc tế. Matxcơva xem những cáo buộc của phương Tây về trách nhiệm của Nga về cái chết của Alexeï Navalny là « không thể chấp nhận được ».

Chỉ có những tờ báo độc lập và hoạt động ở nước ngoài mới viết về cái chết của nhà đối lập Alexeï Navalny, đồng thời nhấn mạnh ông Navalny đã bị biệt giam tổng cộng 27 lần. Trong tổng số 1126 ngày bị giam giữ, ông đã chịu hình phạt này đến một phần ba quãng thời gian.

Đêm qua, nhiều cuộc tập hợp đã diễn ra trên khắp nước Nga, chủ yếu là những người lặng lẽ đến đặt hoa, thường là tại tượng đài tưởng niệm những nạn nhân bị đàn áp chính trị. Những cuộc tập hợp đó đã nhanh chóng kết thúc. Vào tối khuya vẫn có rất nhiều cảnh sát giải tán tất cả những người còn nán lại gần những địa điểm đó.

Đêm qua tại Matxcơva, Saint Petersburg, Krasnodar, đặc biệt tại Vladivostok, người ta nhìn thấy nhân viên, mặc áo trùm đầu, nhặt những bông hoa còn sót lại và bỏ vào túi rác. Tại Khabarovsk ở vùng Viễn Đông, một phương tiện truyền thông độc lập đã cho biết « giờ chỉ còn sót lại dấu vết của những ngọn nến ».

Cũng trong đêm qua, ở Matxcơva một số người cứng đầu vẫn mang hoa cẩm chướng đỏ đến đặt ở « hòn đá Solovki », đài tưởng niệm các nạn nhân bị Liên Xô đàn áp ở trung tâm thủ đô. Sáng sớm, trong cơn tuyết rơi dày đặc những ngày gần đây, tượng đài và hoa được các cảnh sát túc trực canh gác.

Ngoại trưởng Mỹ-Trung thảo luận bên lề Hội nghị An ninh Munich

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm qua, 16/02/2024, đã có cuộc gặp bên lề Hội Nghị An Ninh ở Munich, Đức. Các chủ đề chính được thảo luận trong cuộc gặp lần này bao gồm sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga trong cuộc chiến Ukraina, duy trì hoà bình ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc.


Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) bắt tay đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị An Ninh Munich, Đức, ngày 16/02/2024. AP - Wolfgang Rattay
Minh Phương
Hai bên cho biết đã có một cuộc « đối thoại thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng ». Cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Mỹ-Trung là một phần trong nỗ lực ổn định mối quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc, sau cuộc hội đàm trước đó giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào tháng 11/2023 tại California.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, Matthew Miller, trong cuộc gặp này ông Blinken đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc « duy trì hòa bình ở vùng eo biển Đài Loan » và lên án các mục tiêu bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông đồng thời nhắc lại mối quan ngại của Washington « về những hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraina, bao gồm cả việc hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga ».

Về phía Bắc Kinh, ông Vương Nghị nhắc lại quan điểm đã được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập : Hai bên nên hợp tác để thúc đẩy phát triển mối quan hệ song phương « lành mạnh, ổn định và bền vững ». Ngoại trưởng Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ « dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp đối với các công ty và cá nhân Trung Quốc, chấm dứt các hành vi quấy rối và thẩm vấn không chính đáng công dân Trung Quốc ».

Sau giai đoạn đặc biệt căng thẳng vào đầu năm ngoái, liên quan đến sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc thâm nhập không phận Mỹ, Washington và Bắc Kinh đang cố chứng tỏ « có trách nhiệm » và hướng tới cải thiện quan hệ song phương.

Trước đó, Nhà Trắng cũng đã bày tỏ quan ngại về khả năng Nga đang phát triển vũ khí hạt nhân có thể phá hủy các vệ tinh nhân tạo trong không gian, nhưng Washington nhấn mạnh đây không phải là « mối đe dọa trước mắt ».

-

Không có nhận xét nào: