Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 12 tháng 2, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :12/02/2024 - Mỹ Loan


Thượng Viện Mỹ tìm cách tháo gỡ bế tắc về viện trợ quân sự cho Ukraina
Chủ nhật 11/02/2024, Thượng Viện Hoa Kỳ thông báo tập hợp được 67 phiếu để thông qua một dự luật mới liên quan đến các khoản viện trợ cho Ukraina, Israel và Đài Loan. Vế thứ nhì trong văn bản liên quan đến chính sách tiếp nhận người nhập cư vào Mỹ đã bị rút bỏ. Chưa có thông tin về thời điểm Thượng Viện bỏ phiếu dự luật. Giới quan sát cho rằng văn bản này sẽ gặp nhiều trở ngại ở Hạ Viện.
<!>
Điện Capitol vào lúc Thượng Viện Mỹ chuẩn bị biểu quyết về gói viện trợ cho Ukraina, Israel và Đài Loan tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/02/2024. © Nathan Howard / Reuters
Thanh Hà
Vào lúc ngân sách viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraina đã cạn từ cuối 2023, Thượng Viện Hoa Kỳ khẩn trương tìm mọi giải pháp để thông qua gói viện trợ 60 tỷ đô la cho Ukraina. Tiếp tục hỗ trợ Kiev đối mặt với chiến tranh, 2 năm sau khi bị Nga xâm lược, là điều mà phe ủng hộ cựu tổng thống Trump bên đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện dứt khoát từ chối.

Đúng vào lúc mà cả nước Mỹ chỉ tập trung vào trận chung kết giải bóng bầu dục Super Bowl, Thượng Viện thông báo hội tụ được 67 phiếu để thông qua một dự luật mới về an ninh quốc gia. Văn bản này dự trù cấp cho Ukraina 60 tỷ đô la viện trợ quân sự, 14 tỷ đô la giúp Israel đối mặt với phe Hồi Giáo Palestine Hamas, và một khoản viện trợ giúp cho một đồng minh mang tính chiến lược là Đài Loan.

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện, lãnh đạo đa số Dân Chủ, thượng nghị sĩ Chuck Schumer cảnh báo « nếu Hoa Kỳ ngừng viện trợ cho Ukraina trên cơ sở dự luật mới về an ninh quốc gia, (tổng thống Nga) Vladimir Putin sẽ có nhiều cơ hội để thành công ». Lãnh đạo đảng Cộng Hòa, thiểu số ở Thượng Viện Mỹ, Mitch McConnell cũng đồng lòng khi tuyên bố : Cả thể giới đang nhìn về Thượng Viện Hoa Kỳ. Nước Mỹ không giúp đỡ Ukraina, Israel hay Đài Loan để lập công, mà đấy là vì « chính lợi ích quốc gia ».

Bên đảng Dân Chủ gần như hoàn toàn ủng hộ kế hoạch viện trợ cho Ukraina. Trái lại, phe Cộng Hòa đang bị chia rẽ sâu rộng giữa hai cánh. Một bên là phe diều hâu, chủ trương Washington cần can thiệp và phe này đứng về phía Ukraina, còn bên kia là những người đi theo đường lối của Donald Trump. Cựu tổng thống Hoa Kỳ chủ trương để mặc Kiev đương đầu với Nga trong cuộc chiến sắp bước vào năm thứ ba.

Châu Âu chỉ trích phát biểu của Donald Trump về NATO
Phát biểu « Mỹ không bảo đảm an ninh cho NATO » của cựu tổng thống Donald Trump tiếp tục bị chỉ trích gay gắt. Ngày 12/02/2024, trước cuộc họp của các ngoại trưởng, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell khẳng định NATO không thể là « một liên minh theo lựa chọn » vì theo ông « một liên minh quân sự không thể hoạt động tùy theo cảm hứng của tổng thống Mỹ ».


Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tại Kiev, Ukraina, ngày 07/02/2024. AP - Efrem Lukatsky
Thu Hằng
Ông Josep Borrell không « bình luận về những ý tưởng ngu xuẩn được đưa ra trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ », ý muốn nói đến những phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa hôm 10/02 khi nêu khả năng không bảo vệ các nước thành viên NATO thiếu đóng góp cho quốc phòng. Trước đó, trong một thông cáo, được AFP trích dẫn, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá phát biểu của ông Donald Trump « gây tổn hại cho an ninh của NATO, trong đó có Hoa Kỳ và đẩy quân nhân Mỹ và châu Âu vào rủi ro cao ».

Những phát biểu của ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa bị chủ nhân Nhà Trắng đánh giá trong một thông cáo là « thảm hại và nguy hiểm » vì « bật đèn xanh cho (tổng thống Nga) Putin gây thêm chiến tranh và bạo lực, để tiếp tục cuộc tấn công tàn bạo nhắm vào một Ukraina tự do và mở rộng cuộc xâm lược của Putin đối với dân tộc Ba Lan và các nước vùng Baltic ».

Về phản ứng của Ba Lan, nước ở cửa ngõ Liên Hiệp Châu Âu và sát sườn Ukraina, quốc gia đang bị Nga xâm lược, thông tín viên RFI Martin Chabal tại Vacxava cho biết thêm :

« Chính phủ Ba Lan đã thể hiện lo lắng ngay lập tức. Bộ trưởng Nội Vụ Ba Lan bày tỏ « Donald Trump kêu gọi trao thẳng châu Âu cho Putin ». Trong khi Liên Hiệp Châu Âu ngày càng lo về kịch bản khả năng Nga tấn công châu Âu, những lời phát biểu của ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa gieo rắc nghi ngại trong tâm trí những nước nằm sát cửa ngõ với Ukraina.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cố gắng trấn an mọi người. Ông hứa sẽ duy trì liên minh vững mạnh nhất có thể giữa Hoa Kỳ và Ba Lan, dù chủ nhân Nhà Trắng là ai. Ông cũng nhấn mạnh Ba Lan không bị những phát biểu của ông Donald Trump nhắm đến. Vacxava dành gần 4% GDP cho quốc phòng, đủ để Hoa Kỳ, trong trường hợp Donald Trump làm tổng thống, can thiệp trong trường hợp Ba Lan bị tấn công.

Nhưng Vacxava gắn bó với khẩu hiệu của NATO : « Một người vì mọi người, mọi người vì một người ». Và nếu Ba Lan nằm trong số học trò ngoan thì những trò ngoan này cũng lo cho các nước châu Âu láng giềng không chi đủ theo chỉ trích của Donald Trump, như Pháp và Đức chẳng hạn, hai nước lớn trong Liên Hiệp Châu Âu mà tân chính phủ Ba Lan đang tìm cách thắt chặt quan hệ sau thời gian đảng dân túy Pis nắm quyền. Những nước này có thể sẽ thảo luận về những phát biểu của ông Donald Trump ngay thứ Hai này (12/02), trong cuộc họp Tam giác Weimar, gồm ba nước Đức, Pháp và Ba Lan ».

Ngày 12/02, khi được hỏi về những phát biểu của ông Donald Trump, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov đã từ chối bình luận khi nói rằng ông « làm trợ lý báo chí cho tổng thống Putin, chứ không phải cho Trump ».

Thách thức an ninh thắt chặt quan hệ Pháp - Đức - Ba Lan
Thủ tướng Ba Lan, hôm nay 12/02/2024, công du Pháp và Đức trong bối cảnh châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức vì an ninh. Cùng ngày, ngoại trưởng ba nước họp tại ngoại ô Paris. Các bên thảo luận về chiến tranh Ukraina và tìm cách đối phó với chính sách tuyên truyền và bóp méo sự thật của Nga.


Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trả lời báo chí khi đến dự hội nghị thượng đỉnh Liên Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 01/02/2024. AP - Omar Havana
Thanh Hà
Vào lúc chiến tranh Ukraina sắp bước sang năm thứ ba và ứng viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dọa không bảo vệ các thành viên NATO, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gặp và hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Olaf Scholz. Paris, Berlin và Vacxava xem việc tăng cường hợp tác an ninh là điều « cần thiết hơn bao giờ hết ». Theo một nguồn tin từ chính quyền Ba Lan được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, « châu Âu cần cùng hành động để đối phó với kịch bản ông Trump đắc cử. Khối này không còn nhiều thời gian và đã đến lúc Liên Hiệp Châu Âu phải có một cỗ máy công nghiệp quốc phòng hùng hậu ». Liên Âu « phải gấp rút hợp lực để cùng sản xuất đạn dược » tránh « bị phụ thuộc vào các nguồn cung cấp khác ». Một nhà quan sát ghi nhận, giờ đây, Vacxava không còn xem chính sách tự chủ về quốc phòng của Liên Âu trái ngược và có thể gây mâu thuẫn với đường lối của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Ba Lan đang kỳ vọng thu hút đầu tư của Đức để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Bên cạnh các dự án tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Liên Âu, ngoại trưởng Pháp, Đức và Ba Lan hôm nay họp tại ngoại ô Paris để bàn về các biện pháp chống tin giả, chủ yếu xuất phát từ Nga. Paris coi đây là một mối đe dọa, gây bất ổn cho các quốc gia bị Nga nhắm tới. Các bên dự trù ra một thông cáo chung vào chiều nay sau cuộc họp.

Giới quan sát ghi nhận đây là thời điểm thuận lợi để Pháp, Đức và Ba Lan đẩy mạnh hợp tác nhằm đối phó một cách « hiệu quả với những thách thức đang đặt ra về mặt địa chính trị cho toàn khối ». Paris và Berlin là hai đầu tàu của Liên Âu. Còn Vacxava là một đối tác nặng ký, đại diện cho Trung và Đông Âu. Ba Lan là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng về mặt quân sự.

Bầu cử Phần Lan : Cựu thủ tướng Alexander Stubb, thuộc phe bảo thủ, đắc cử tổng thống
Sau một cuộc « so găng » sít sao, Alexander Stubb, cựu thủ tướng Phần Lan, thuộc phe bảo thủ đã về đầu trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 11/02/2024 khi giành được 51,6% số phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ của ông Pekka Haavisto, chủ trương tự do thuộc đảng Xanh.


Tân tổng thống Phần Lan Alexander Stubb tại Helsinki, Phần Lan, ngày 11/02/2024. © Emmi Korhonen / AP
Minh Anh
Trong bài phát biểu trên truyền hình, cựu thủ tướng Phần Lan tuyên bố thắng lợi bầu cử này là một « vinh dự to lớn » và đã cảm ơn các cử tri đã tham gia đông đảo cuộc bỏ phiếu lần này.

Reuters lưu ý, theo truyền thống, tổng thống Phần Lan có quyền hạn khá hạn chế, ngoại trừ các vấn đề trong lĩnh vực an ninh và đối ngoại, những lĩnh vực ngày càng chiếm một vị trí quan trọng kể từ khi Phần Lan gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, nhằm phản ứng trước việc Nga xâm lược Ukraina.

Từ Stockholm, thông tín viên đài RFI Carlotta Morteo tường thuật :

« Biết nhiều ngôn ngữ, theo chủ nghĩa tự do kinh tế, Alexander Stubb có một thời gian ngắn từng là thủ tướng, nhiều lần giữ chức bộ trưởng và từng làm việc tại Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Nếu ông tự nhận mình là một người "thực tế lạc quan", thì rõ ràng mối quan hệ giữa Phần Lan và Nga đã xuống đến mức thấp nhất kể từ khi quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO. Đường biên giới dài 1340 km với nước láng giềng lớn đã bị đóng từ mùa đông này sau vụ dòng người di cư bất hợp pháp tràn vào, với sự giúp đỡ của Matxcơva.

Alexander Stubb cam kết duy trì đường lối cứng rắn : Ông từ chối mọi trao đổi với Vladimir Putin chừng nào chiến tranh tại Ukraina vẫn tiếp diễn, và Phần Lan là nguồn hậu thuẫn kiên định của Kiev.

Nếu như ông không chịu trách nhiệm trong quan hệ với châu Âu, thì tân tổng thống Phần Lan sẽ là bên đối thoại chính của Mỹ - quốc gia mà Phần Lan gần đây có ký kết một thỏa thuận quốc phòng song phương quan trọng – những cũng cả với Trung Quốc. Ông sẽ đại diện đất nước tại Liên Hiệp Quốc và trong Hội đồng NATO.

Không giống như đối thủ trong suốt chiến dịch tranh cử - Pekka Haaviston cựu ngoại trưởng – Alexander Stubb tuyên bố ủng hộ, không chỉ việc triển khai thường trực các lực lượng đồng minh trên lãnh thổ Phần Lan, mà còn cả việc cho quá cảnh vũ khí nguyên tử nếu cần thiết.

Không có nhận xét nào: