Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :07/02/2024 - Mỹ Loan

Gaza : Tổng thống Macron tưởng niệm các nạn nhân Pháp trong vụ tấn công 07/10 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 07/02/2024, chủ trì lễ tưởng niệm các nạn nhân người Pháp trong vụ tấn công đẫm máu của tổ chức Hamas vào Israel ngày 07/10/2023, gây ra cuộc xung đột hiện vẫn tiếp diễn ở dải Gaza. Lễ tưởng niệm tại Paris ngày 07/02/2024 : Lính Vệ Binh Cộng Hòa của Pháp diễu hành với chân dung của 42 công dân Pháp thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 07/10/2023. REUTERS - GONZALO FUENTES -Phan Minh
<!>
Lễ tưởng niệm tại sân chính của điện Invalides được tổ chức đúng 4 tháng sau cuộc tấn công của phong trào Hồi Giáo Palestine, khiến hơn 1.160 người thiệt mạng, bị bắn chết, thiêu sống…, phần lớn là thường dân, theo dữ liệu chính thức của Israel.

Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 42 người là công dân Pháp hoặc song tịch Pháp-Israel, 3 người vẫn mất tích và được cho là bị Hamas bắt làm con tin, 4 người được thả và 6 người bị thương. Đây là thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng đối với công dân Pháp kể từ vụ tấn công khủng bố ở Nice vào ngày 14/07/2016 (86 người chết và hơn 400 người bị thương).

Trong bài phát biểu tại lễ tưởng niệm, tổng thống Macron nhận định cuộc tấn công ngày 07/10 của Hamas là « vụ thảm sát chống Do Thái lớn nhất thế kỷ 21 ». Ông Macron nhấn mạnh : « Chúng ta, 68 triệu người dân Pháp đau buồn vì vụ tấn công khủng bố ngày 07/10, 68 triệu người mà trong đó 42 đã bỏ mạng, 6 người bị thương, 4 người bị ám ảnh suốt đời sau nhiều ngày bị giữ làm con tin và 3 người vẫn bị cầm giữ. Chúng ta đang nỗ lực mỗi ngày để tìm cách giải cứu họ. »

Trên khu vực khán đài dành cho gia đình các nạn nhân, có 3 chiếc ghế để trống, tượng trưng cho 3 công dân Pháp còn bị Hamas cầm giữ.

Đối với gia đình các nạn nhân, sự hiện diện tại buổi lễ của một số quan chức thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), những người đã từ chối lên án vụ tấn công của Hamas là « hành động khủng bố », là điều « không thể diễn tả », thậm chí « không thể chấp nhận được ».

Pháp là quốc gia có cộng đồng Do Thái lớn nhất ở châu Âu, với khoảng 500.000 người sinh sống. Pháp cũng có gần 100.000 công dân sống ở Israel, đa số là những người mang hai quốc tịch Pháp-Israel.

Theo chính quyền Israel, tổng cộng 132 con tin vẫn đang bị giam cầm ở Gaza, trong đó 29 người được cho là đã chết. Khoảng một trăm con tin đã được thả vào cuối tháng 11/2023 sau khi hai bên đạt được lệnh hưu chiến.

Theo hãng tin AFP, điện Elysée dự trù cũng sẽ có một lễ tưởng niệm các nạn nhân người Pháp trong các vụ oanh kích của Israel vào Gaza, nhưng ngày giờ và địa điểm chưa được ấn định.

Biển Đông: Philippines tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực đối diện với Đài Loan
Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines hôm qua 06/02/2024 ra lệnh tăng số quân đồn trú tại các đảo ở khu vực cực bắc Philippines, đối diện với Đài Loan. Manila đẩy mạnh khả năng phòng thủ trên bộ, phát triển cơ sở hạ tầng tại quần đảo Batanes, cách bờ biển Đài Loan khoảng 200 km.


Các chiến đấu cơ Philippines tham gia tập trận chung với Hoa Kỳ ở vùng lân cận Batanes, bắc Philippines, ngày 21/11/2023. via REUTERS - PHILIPPINE AIR FORCE
Thanh Hà
Theo hãng tin Anh Reuters, trong chuyến thị sát những cơ sở của Hải Quân tại các điểm ở cực bắc lãnh thổ của Philippines, bộ trưởng Quốc Phòng Gilberto Teodoro nhấn mạnh: « Kể từ năm 2024, khả năng tác chiến của Quân Đội Philippines sẽ được nâng cao hơn ». Theo ông Teodoro, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng quần đảo Batanes, do đây là « điểm đầu của các căn cứ phương bắc của Philippines ». Hải Quân Philippines cho biết chuyến viếng thăm của bộ trưởng Quốc Phòng tại khu vực phía bắc này là một « bước ngoặt trong nỗ lực (của Manila) bảo vệ lãnh thổ trên bộ và tăng cường an ninh quốc gia ».

Trong bối cảnh tình hình eo biển Đài Loan hiện đang căng thẳng và Trung Quốc nhắc đi nhắc lại mục tiêu thôn tính hòn đảo này, Manila đặc biệt chú trọng đến khu vực Eo biển Ba Sĩ ( Bashi ) giữa quần đảo Batanes của Philippines với Đài Loan. Đây là một cửa ngõ quan trọng trong các hoạt động giao thông đường biển giữa phía tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Chính quyền Đài Loan ghi nhận tàu chiến và máy bay quân sự của Trung Quốc thường xuyên đi qua eo biển này.

Tháng 11/2023 Philippines và Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc tuần tra chung ngoài khơi các hòn đảo thuộc khu vực cực bắc của Philippines. Trước đó, các giới chức quân sự Mỹ đã đàm phán với Manila về một dự án xây dựng cảng dân sự trên quần đảo Batanes, để Hoa Kỳ tiếp cận dễ dàng hơn một vùng biển « chiến lược » ngay đối diện với Đài Loan. Quần đảo Batanes từng là nơi diễn ra một cuộc tập trận chung Mỹ - Phi mang tên « Balikatan», huy động đến 17.000 binh lính.

Ngoại trưởng Mỹ trở lại Israel bàn về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza
Ngày 07/02/2024, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trở lại Israel để thảo luận với chính quyền Netanyahu về thỏa thuận ngừng bắn trên lãnh thổ Gaza. Thỏa thuận này bao gồm việc trả tự do cho các con tin đổi lấy viện trợ nhân đạo cho thường dân Palestine. Càng lúc càng có nhiều tín hiệu cho thấy phong trào Hồi Giáo Hamas đồng ý về một đợt hưu chiến thứ nhì.


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel, ngày 6/2/2024. via REUTERS - POOL
Thanh Hà
Ngoại trưởng Blinken đến Jerusalem vào lúc, theo như ghi nhận của các phóng viên hãng tin AFP, quân đội Israel tiếp tục chiến dịch quân sự tại Khan Younès ở miền nam Gaza. Nhiều nguồn tin thông thạo dự đoán « Rafah sẽ là mục tiêu kế tiếp của quân đội Israel ». Do vậy hôm nay, trên nguyên tắc, bộ trưởng Quốc Phòng Israel Yoav Gallant cũng sẽ có cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ.

Trước khi thảo luận với thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm nay, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến Ai Cập và Qatar, hai nhà trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas.

Về phía Hamas, không đi sâu vào chi tiết nhưng phong trào Hồi Giáo Palestine này cho biết họ « đánh giá tích cực » đề xuất về một lệnh ngừng bắn mà « Mỹ, Qatar và Ai Cập » cùng tán đồng. Đề xuất đó đã được đưa ra hồi cuối tháng 1/2024 tại Paris.

Thủ tướng Qatar tỏ ra « lạc quan » về hồ sơ này. Theo hãng tin AFP, những đòi hỏi cụ thể từ phía Hamas đã được chuyển đến cơ quan tình báo đối ngoại của Israel. Văn phòng thủ tướng Netanyahu yêu cầu các giới chức liên quan « xem xét kỹ » những đề xuất của tổ chức Hamas.

Hiện vẫn còn 132 con tin Israel bị cầm giữ tại Gaza. Từ sau loạt tấn công của Hamas ngày 07/10/2023, cuộc can thiệp quân sự của Israel vào Gaza đã khiến hơn 27.000 người Palestine thiệt mạng, đa số là thường dân, theo thống kê từ phía chính quyền Hamas.

Hà Lan cáo buộc Trung Quốc xâm nhập hệ thống mạng quân sự
Các cơ quan tình báo Hà Lan hôm qua, 06/02/2024, thông báo đã phát hiện một phần mềm gián điệp của Trung Quốc trong mạng tin học mà quân đội Hà Lan sử dụng.


Ảnh minh họa về an ninh mạng. © Business Wire
Phan Minh
Theo hãng tin Anh Reuters, đây là lần đầu tiên Hà Lan công khai tố cáo những hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng về an ninh quốc gia đang gia tăng giữa hai nước. Bộ trưởng Quốc Phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết : “Điều quan trọng là phải công khai thông tin để công chúng biết đến hoạt động gián điệp kiểu này của Trung Quốc, vì điều này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ đối với những hoạt động đó.”

Các cơ quan tình báo Hà Lan (MIVD và AIVD) cho biết tin tặc Trung Quốc đã đặt phần mềm gián điệp vào hệ thống mạng của quân đội Hà Lan mà 50 nhân viên sử dụng cho những hoạt động nghiên cứu của bộ Quốc Phòng. Họ nhấn mạnh sự việc này nằm trong khuôn khổ hoạt động gián điệp rộng lớn của Trung Quốc chống lại Hà Lan và các đồng minh của Hà Lan.

Tuy vậy, báo cáo hôm qua của tình báo Hà Lan không nêu rõ tin tặc đã tìm cách lấy những thông tin gì. Báo cáo cũng cho biết Hà Lan không chịu thiệt hại nặng nề, bởi hệ thống này tách biệt với hệ thống mạng chính của bộ Quốc Phòng. Trong một báo cáo khác vào tháng 04/2023, cơ quan MIVD cho biết Trung Quốc đang tìm cách mua lại công nghệ vũ trụ của Hà Lan một cách bất hợp pháp.

Bắc Kinh hôm nay, 07/02, khẳng định không có liên quan đến hoạt động gián điệp mạng nói trên, xem những cáo buộc của Amsterdam là “vô căn cứ”.

Phnom Penh cám ơn Bangkok « không dung túng » các nhà đối lập Cam Bốt ở Thái Lan
Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet công du Thái Lan hôm nay, 07/02/2024, với trọng tâm « thắt chặt quan hệ song phương », tăng cường hợp tác kinh tế. Lãnh đạo chính phủ Phnom Penh đặc biệt cảm ơn Bangkok « không dung túng » các nhà đối lập Cam Bốt trên lãnh thổ Thái Lan.


Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet (T) và thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin (P) trong lễ tiếp đón tại trụ sở chính phủ Thái Lan, Bangkok, ngày 07/02/2024. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Thanh Hà
Trong cuộc đối thoại đầu tiên với đồng cấp Thái Lan Srettha Thavisin, ông Hun Manet đã « cảm ơn chính quyền Bangkok không dung túng trên lãnh thổ Thái Lan các hoạt động làm khuynh đảo chính trị nội bộ » xứ Chùa Tháp, sau khi cách nay vài ngày cảnh sát Thái Lan bắt giữ ba nhà ly khai Cam Bốt.

Ông Hun Manet đồng thời cam kết sẽ có hành động « tương tự » đối với những công dân Thái Lan bị xem là có thể gây phương hại đến ổn định chính trị tại Bangkok. Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Thái Lan, thủ tướng Cam Bốt lưu ý những cam kết này giúp thúc đẩy « ổn định và lòng tin » giữa hai nước láng giềng sát cạnh.

Các nhà đấu tranh nhân quyền từ lâu tố cáo Phnom Penh sách nhiễu và truy bức các nhà đối lập, đồng thời chỉ trích Bangkok bắt giữ các nhà đối lập Cam Bốt trên đất Thái Lan. Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc HCR năm 2021 đã lên án Thái Lan trục xuất ba người tị nạn Cam Bốt về Phnom Penh.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, cựu thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đưa con trai lên kế vị sau gần 4 thập niên điều hành đất nước với một bàn tay sắt. Trong thời gian cầm quyền, Hun Sen đã lần lượt loại trừ hết mọi đối thủ chính trị. Phó giám đốc đặc tránh khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, chỉ trích Bangkok tiếp tay với Cam Bốt bịt miêng đối lập. Theo ông, đây là một « vết nhơ » trong nhiệm kỳ thủ tướng của ông Srettha Thavisin. Đây cũng là một tín hiệu mạnh Phnom Penh gửi đến những gương mặt đối lập hiếm hoi trên lãnh thổ Cam Bốt hay ở hải ngoại.

Bên cạnh hợp tác ngăn chận những hoạt động có thể làm khuynh đảo chính quyền của nước láng giềng, kinh tế và thương mại là hồ sơ quan trọng khác trong chuyến công du Thái Lan của ông Hun Manet lần này. Theo thông cáo của Bangkok, đôi bên sẽ tập trung vào « những hợp tác kinh tế song phương, đặc biệt là tại các vùng giáp ranh giữa Cam Bốt và Thái Lan, đẩy mạnh đầu tư và thương mại hai chiều, phát triển du lịch, …». Ngoài buổi làm việc với thủ tướng Srettha Thavisin, ông Hun Manet còn dự trù hội kiến quốc vương Maha Vajiralongkorn và dự diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Cam Bốt.

Không có nhận xét nào: