Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

NGÀY XUÂN, ĐỌC LẠI MỘT CHUYỆN CŨ CỦA THỦY


(*) THỦY là đạo diễn Trần Văn Thủy, tác giả của những bộ phim tài liệu : Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Phản bội... Ông cũng là tác giả của các cuốn : Nếu đi hết biển, Chuyện nghề của Thủy, Trong đống tro tàn. Bài dưới đây được đạo diễn Trần Văn Thủy viết trên báo Xuân Giáp Thìn 2024 của báo Người đô thị. Ông tâm sự ở dòng phi lộ : "Tết là phải vui nhưng tôi chẳng có chuyện nào vui cả, mong bạn đọc lượng thứ cho phép tôi kể một chuyện cũ vậy" - chúng ta tưởng đọc lại một chuyện cũ, như mùa xuân mỗi năm trở lại... CPTB xin được trích giới thiệu tới các anh chị và các bạn:
<!>
Giữa năm 2002, William Joiner Center (WJC) thuộc Đại học Massachusetts ngỏ ý mời tôi sang Mỹ tham gia chương trình “Nghiên cứu về cộng đồng người Việt” do Rockefeller tài trợ. Tôi cảm ơn và từ chối vì đơn giản là tôi không biết và cũng không thích “nghiên cứu”. Làm một cái việc rất mất thì giờ, mất nhiều công sức, kết quả là một xấp giấy được bỏ vào ngăn kéo, may ra một năm được vài ba người đọc - theo tôi đó là chuyện vớ vẩn.

Tháng 8.2002, WJC nhắc lại lời mời, tôi rất cảm ơn và vẫn từ chối. Cuối cùng họ chân tình cho biết nhiều người ở Mỹ muốn gặp tôi. Tôi vui vẻ “Thank you very much” và bay qua Mỹ. Nhận 6 tháng lương, các loại vé bay nội địa và một cái thẻ lưu trú.

Ngày 1.10.2002 tới Boston, mấy ngày sau tôi tới văn phòng của WJC trong khuôn viên Đại học Massachusetts để chào mọi người, “nhận việc” với ông Kevin Bowen, giám đốc Trung tâm. Sau một hồi trao đổi về những băn khoăn của tôi trước lời mời và những việc tôi sẽ làm, các bạn ở WJC hóm hỉnh bảo: “Đây là nước Mỹ... có nghĩa là ông muốn làm gì thì làm, ông muốn đi đâu thì đi, muốn viết lách hoặc làm phim gì tùy ông. Nếu không hứng thú làm cái gì cả, tiêu hết tiền thì ông về Việt Nam”. Xin nói thêm rằng sau này tôi có dịp trở lại nước Mỹ nhiều lần với những hội thảo xã hội học, vấn đề chất độc da cam, liên hoan phim thế giới và mọi chi phí trong các chuyến đi ấy đều do người Mỹ hào phóng đứng ra bảo trợ. Người Mỹ thật là vui tính. Tôi nói với các bạn Mỹ ở WJC: "Nước Mỹ của các ông thật tuyệt! Nếu không làm được gì thì tôi đi chơi. Ông biết không, trước khi lên máy bay, một bạn trẻ dặn tôi rằng "Già rồi, làm thế đủ rồi, chơi đi! Không chơi thì cũng chết!”. Nó nói rất thật lòng và có ý thương tôi".

Thế là tôi đi chơi. Một nhà thơ mới quen biết, anh Hoàng Chính Nghĩa đã đưa tôi đi Las Vegas. Lần khác, một cô gái Mỹ rất sành điệu lái xe đưa tôi đi Hollywood; cô ấy rất tốt, có lúc hai đứa dừng xe, ngồi trên đồi cao, ngắm toàn cảnh vùng Hollywood... Rồi mấy bạn trẻ từ Việt Nam sang du học rủ tôi đi xem lá vàng, mùa thu vàng ở vùng Đông Bắc, tiểu bang Vermont... Thiên nhiên nước Mỹ, bầu trời, rừng cây, sóng biển, màu nắng quả là hấp dẫn trong mắt một người làm phim như tôi.

Nhưng, tựa như một ma lực, một định mệnh, tôi bắt gặp nhiều hoàn cảnh, nhiều câu chuyện trong bà con người Việt mà tôi tiếp xúc. Vui thì tôi chóng quên, buồn thì tôi bị ám ảnh, ám ảnh nhiều lắm, nhất là chuyện vượt biên, vượt biển, cải tạo, tù tội...

Bất giác trong tôi, mơ hồ một mặc cảm tội lỗi...

Rồi một lần đi trên xa lộ mênh mông với hơn chục làn đường, dài hun hút, ngước nhìn bầu trời, những đàn chim bay rất cao về phương Nam, bên phải là Đại Tây Dương sóng đập ầm ầm vào vách đá tung bọt trắng xóa. Tôi chợt rùng mình, như thấy một sự mách bảo từ rất cao, từ rất xa, rằng: Trời Phật đang cho ngươi một cơ hội để làm một việc có ích! Tôi lặng người...

Từ đó tôi không đi chơi nữa, tôi quyết định toàn tâm toàn ý vào một công việc rất mơ hồ và không rõ cái đích ở đâu, chỉ đinh ninh là nó sẽ có ích.Tôi không rong chơi được nữa, dù lời người bạn trẻ vẫn văng vẳng bên tai: “Già rồi! Làm thế đủ rồi! Chơi đi! Không chơi thì cũng chết!”.

Tôi đặt bút viết những trang đầu, rồi cố gắng viết ra được khoảng năm sáu mươi trang, suôn sẻ. Do có thói quen “đội mũ kim cô ô-tô-ma-tích” (trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam không ít người chỉ cần nghĩ khác cấp trên là tự nhiên thấy đau đầu), tôi luôn nghĩ đến người đọc, người đọc trong nước và đặc biệt là người đọc ở Mỹ. Tôi bị khựng lại hoàn toàn. Tôi không thể viết được, dù cố gắng, dù có tấm lòng, dù chân thực, dù khách quan thì những gì tôi viết ra vẫn sẽ bị săm soi, mổ xẻ, suy diễn bởi một điều đơn giản: Tôi từ Việt Nam sang! Có biết bao điều cần nhắn gửi, cần tỏ bày, cần suy ngẫm, nhất là tôi đi nhiều tiểu bang, gặp nhiều người, thăm nhiều gia đình, lắng nghe và nói chuyện đến gần một trăm buổi ở các đại học danh tiếng nước Mỹ.

Hoàn cảnh xui khiến, nghề nghiệp mách bảo, có một cách làm khả dĩ hơn, người đời dễ cảm thông hơn, đó là "đè" mấy ông bạn văn chương, trí thức, cởi mở để trao đổi, trò chuyện về chính cuộc sống và suy nghĩ của người Việt ở đây. Ôi đó là thượng sách, khỏi phải đau đầu, khỏi phải viết, chỉ việc ghi chép trung thực và cam đoan với nhau: Nếu công bố thì phải “y như bản chính”. Tôi nhẹ cả người. Nhưng cũng mất nhiều công sức lắm, bàn thảo với các anh chị ấy nhiều lắm, cuối cùng thì toàn bộ bản thảo được chỉnh lý, đánh máy đóng bìa, chốt lại trên 200 trang để nộp cho WJC, hai tuần trước khi tôi rời nước Mỹ.

Thế rồi, “trời xui đất khiến” thế nào, bỗng dưng bố Nguyên Ngọc lù lù tới Boston, ở cùng nhà, đi dạo, chuyện trò, thăm hỏi linh tinh: “Thủy, cậu sang đây làm gì?”... “Thế à? Viết xong chưa? Đưa tớ đọc chơi được không?”...

Bố Nguyên Ngọc đọc ba đêm, sáng dậy chưa ngồi vào bàn ăn, mắt còn đỏ vì thức khuya, đặt tay lên tập bản thảo và nhìn vào mắt tôi: “Thủy! Cái này nó rất cần và có ích”. Tôi không tin ở tai mình, hỏi lại: “Anh bảo sao?”. Nguyên Ngọc nhắc lại: “Cái này rất cần và có ích”. Tôi nóng ran cả người. Bố này mà đã nói là tôi tin, nhưng chẳng lẽ cái “công trình nghiên cứu” dơi chẳng ra dơi, chuột không ra chuột này mà lại cần và có ích sao? Một người bạn đứng bên nghe chuyện, anh không khen chê, không bình luận mà chỉ thủng thẳng: “Tập này mà in thì cậu không về nước được! Về nước thì không bao giờ có chuyện in. Chưa có thằng nào qua đây in sách kiểu này mà dám vác mặt về nước”. Chỉ vài giây im lặng, tôi nói rành rọt với nhà văn Nguyên Ngọc: “Nếu anh bảo cái này nó cần và có ích thì chắc chắn tôi in ngay và tôi cũng sẽ về nước ngay”.

Ngay hôm sau, tôi bay từ Boston qua Las Vegas đến Los Angeles. Đón tôi ở sân bay là nhà văn Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy… Cuốn Nếu đi hết biển ra đời lòng vòng là vậy. Chẳng có âm mưu gì đáng ngại, chẳng có tài cán gì đáng nể...

Như trên tôi đã thưa: Tất cả là chuyện cũ! Cả đời tôi làm phim, đi trên con đường độc đạo. Từ tháng 9.2011 đến tháng 3.2012, giáo sư Michael Ronov, Hiệu phó Trường Điện ảnh North Carolina và TS. Dean Wilson đã sang Việt Nam làm bài phỏng vấn tôi. Ngày cuối cùng các ông ấy hỏi tôi:
- Động cơ nào giúp ông đi đến tận cùng trên con đường làm nghề như thế?

Tôi đã trả lời ngay, không một giây suy nghĩ:
- Tôi yêu đất nước này! Tôi có một tấm lòng tha thiết với xứ sở đã sinh ra mình và tôi muốn góp phần làm cho đất nước này trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao cho cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hy sinh. Đó là xuất phát điểm của tôi trong mọi hành xử.

Giờ đây, cũng như số đông các cụ già yếu cùng thế hệ đã hứng chịu bom đạn, đói rét, ngạt hầm, cơ cực và cả những phi lý trong quá vãng, chúng tôi chẳng mấy vui mừng mỗi độ Tết đến Xuân về.

Không sao đâu. Vạn sự trên đời này tất cả rồi sẽ qua đi mà..

Không có nhận xét nào: