Hôm Nay: Cả Nước Mỹ Mừng Ngày Tổng Thống 2024
-Vào thứ Hai thứ ba của tháng Hai, Hoa Kỳ kỷ niệm Ngày Tổng thống. Ngày nay, lễ kỷ niệm vinh danh mọi tổng thống từ quá khứ cho đến hiện tại, đặc biệt là George Washington và Abraham Lincoln, hai cố tổng thống có sinh nhật chỉ cách nhau 10 ngày: ông Washington ngày 22 tháng 2, và ông Lincoln ngày 10 tháng 2.Tuy nhiên, những lễ kỷ niệm đầu tiên và sau đó là việc chính thức công nhận ngày lễ này vào năm 1971 chưa bao giờ đổi tên Ngày sinh nhật của ông Washington thành Ngày Tổng thống, cũng như không kỷ niệm sinh nhật của Tổng thống Lincoln. Như mọi khi, đây là ngày tạ ơn và ghi nhận vị tổng thống đầu tiên của đất nước, George Washington.
Hồi đó, một nhóm người chơi trống và thổi sáo đã biểu diễn âm nhạc mừng sinh nhật trước khu nhà của ông. Tổng thống Washington sau đó nói rằng lễ kỷ niệm "bắt đầu như một sự coi thường đối với Vua George."
Tổng thống Washington không phải là người tìm cách để cho mình được ca tụng và tôn vinh, nhưng ông hiểu sự cần thiết của một cá nhân có thể đoàn kết mọi người, một cá nhân có thể tập hợp người dân và truyền cảm hứng để họ cùng nhau làm việc vì lợi ích của đất nước mới.
Người Mỹ tổ chức sinh nhật của ông Washington một cách không chính thức trong những năm sau khi ông qua đời vào năm 1799. Tháng Hai trở thành ngày lễ quốc gia vào năm 1879 và luật chuyển lễ kỷ niệm sang ngày thứ Hai thứ ba của tháng Hai có hiệu lực vào năm 1971.
Tổng thống Washington đã đặt ra tiền lệ cho tất cả những người kế vị ông ở chức vụ cao nhất đất nước. Ông đã đặt đất nước vào một nền tảng tài chính vững chắc và lãnh đạo Hợp chủng quốc Hoa Kỳ non trẻ vượt qua những thách thức và khó khăn ban đầu để nhanh chóng hình thành nên một chính phủ ổn định, dân chủ và hợp pháp. Bằng cách tự nguyện rời nhiệm sở sau hai nhiệm kỳ bốn năm, và bằng việc đảm bảo chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho nhà lãnh đạo được bầu kế nhiệm, George Washington đã đặt ra một tiền lệ quan trọng cho tất cả các tổng thống tương lai.
Bình luận thời cuộc, nhân ngày Mừng Tổng Thống Hoa Kỳ
Năm 2024, bầu cử tổng thống: Tuổi tác hay chính sách?
(Hiếu Chân/NV)
-Cuộc tái đấu giữa hai ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump chẳng gây được hứng thú cho cử tri Mỹ đang mong đợi một luồng gió mới thổi vào nền chính trị u ám và chia rẽ sâu sắc của quốc gia.
(Hình: Tổng Thống Joe Biden (trái) và cựu Tổng Thống Donald Trump.)
Ở tuổi 81, ông Biden là tổng thống cao niên nhất trong lịch sử nước Mỹ; nếu tái đắc cử ông sẽ cầm quyền tới năm 86 tuổi, vượt xa cái mốc mà thi sĩ Đỗ Phủ đời Đường gọi là “cổ lai hy” (xưa nay hiếm). Ông Trump chỉ kém chút xíu, năm nay 77 tuổi, nếu đắc cử sẽ cầm quyền tới năm 82 tuổi, hơn cả tuổi ông Biden hiện nay. Hiến Pháp Hoa Kỳ không giới hạn tuổi tác của nhà lãnh đạo quốc gia. Tuổi già có lợi thế về kinh nghiệm và sự từng trải, nhưng trong một thời đại mọi việc thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện nay thì lợi thế đó chưa hẳn đã tốt.
Tuổi tác có thể không là vấn đề nhưng người dân lại âu lo về một yếu tố liên quan tới tuổi tác. Đó là trí nhớ, hay rộng hơn là khả năng phán đoán, năng lực trí óc nói chung. Câu chuyện nhớ nhớ quên quên của ông Biden mấy hôm nay bỗng rộ lên sau khi ông Robert K. Hur, công tố viên đặc biệt điều tra vụ ông Biden thủ đắc tài liệu mật của chính phủ Mỹ, công bố báo cáo trong đó nói ông Joe Biden là một “ông già đứng đắn với trí nhớ kém.”
Có không ít ví dụ cho thấy ông Biden nhiều lần lẫn lộn ngày tháng và họ tên các nhân vật nổi tiếng. Ông Hur nói, Tổng Thống Biden không nhớ mình làm phó tổng thống năm nào, thậm chí quên cả năm mà người con trai lớn của ông qua đời. Trong các cuộc họp báo gần đây, ông Biden nhầm tên của tổng thống Ai Cập và Mexico khi nói tới chiến cuộc ở Gaza, nhầm tổng thống Pháp hiện nay là ông Emmanuel Macron với cố Tổng Thống Francois Mitterrand, người đã qua đời năm 1996. Thứ Tư tuần trước, ông Biden hai lần nói tới cuộc gặp gỡ năm 2021 với Thủ Tướng Helmut Kohl của Đức dù ông Kohl đã mất năm 2017 còn người gặp ông Biden là cựu Thủ Tướng Angela Merkel.
Các cố vấn tranh cử của ông Trump ngay lập tức nắm lấy nhận định của ông Hur để hạ uy tín ông Biden. Nhưng bên tám lạng bên nửa cân, ông Trump xem ra cũng “lẩm cẩm” không kém nếu không nói là trầm trọng hơn. Trước công chúng, ông Trump đã nhầm Thủ Tướng Viktor Orban của Hungary là nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nhầm Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn là lãnh đạo quốc gia 1.4 tỷ dân và tệ hại hơn nữa, ông nhầm bà Nikki Haley – người duy nhất đang thách thức ông trong cuộc đua giành tư cách đại diện đảng Cộng Hòa tranh cử chức tổng thống – với bà cựu Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, dù cả hai vị nữ lưu này đều là những gương mặt quen thuộc với công chúng Mỹ. Thật khó tin, nhưng ông Trump có lần đã nhìn tấm hình bà E. Jean Carroll – người được tòa tuyên án ông Trump phải bồi thường $83.3 triệu vì tội phỉ báng – mà bảo đó là người vợ cũ Marla Maples của chính ông!
Xem ra trí nhớ của cả ông Biden và ông Trump đều có vấn đề như nhau. Tuổi già thường bị lẩm cẩm, âu cũng là lẽ thường. Cái khó của ông Biden là ở chỗ từ khi ông tuyên bố tái tranh cử vào cuối năm nay, công chúng Mỹ – kể cả nhiều người thuộc đảng Dân Chủ – cảm thấy lo ngại vì tuổi tác của ông. Nhận định của công tố viên Robert Hur một lần nữa củng cố mối hoài nghi đã có về năng lực trí tuệ của ông Biden – một thảm họa chính trị cho chiến dịch tranh cử của ông Biden dù ông Hur chỉ là một luật sư, không phải là bác sĩ, không phải là người có chuyên môn và thẩm quyền đánh giá sức khỏe tâm thần của người khác.
Thế là cử tri Mỹ phải phải chọn một trong hai ứng cử viên lẩm cẩm gần như nhau. Căn cứ tốt nhất để suy nghĩ có lẽ là chính sách của hai ông. Có chỗ thuận lợi là cả ông Trump và ông Biden đều đã hoặc đang là chủ nhân Tòa Bạch Ốc nên cử tri có điều kiện so sánh thành tích của mỗi người qua thực tế điều hành đất nước và kết quả đạt được.
Kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của cử tri dù chính phủ Mỹ có vai trò giới hạn trong sự vận động của nền kinh tế theo thị trường tự do. Nhưng như chúng tôi đã trình bày trong một bài trước, bức tranh kinh tế qua các số liệu thống kê đang hiện ra với gam màu sáng nhưng lại được người dân cảm nhận khá u ám.
Nhìn lại thời gian đầu cầm quyền của ông Trump (2017-2019) kinh tế Mỹ có bước phát triển khá tốt mà nhiều kinh tế gia cho rằng đó là sự tiếp nối xu thế tăng trưởng thời cựu Tổng Thống Barack Obama. Nhưng rồi đại dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020, doanh nghiệp đóng cửa, hoạt động kinh doanh đình đốn. Tính chung trong bốn năm nhiệm kỳ của ông Trump (2017-2020), theo tổng hợp của factcheck.org, kinh tế Mỹ có nhiều điểm sáng cho đời sống người dân như tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát, với mức lương tăng thực sự là 8.7%; thu nhập trung vị của hộ gia đình Mỹ tăng 6% có phần nhờ những gói giải cứu, trợ cấp thất nghiệp khá hào phóng của chính phủ. Số người mới mua nhà tăng 2.1% dù giá nhà ở bình quân tăng 27.5%, tỉ lệ nghèo khó giảm được 1.3%. Về kinh doanh, lợi tức sau khi đóng thuế của doanh nghiệp tăng 8.5%, đặc biệt là các công ty lớn hưởng lợi rất nhiều từ luật giảm thuế mà ông Trump ban hành Tháng Giêng, 2018, thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới, chỉ số S&P 500 tăng tới 67.8% trong bốn năm.
Tuy vậy, cũng có không ít điểm tối. Tăng trưởng GDP giảm 3.4%, thị trường lao động nước Mỹ mất đi 2.8 triệu việc làm, tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm 6.3%, đỉnh điểm là Tháng Tư, 2020 có đến 14.7% lực lượng lao động bị mất việc, thâm hụt thương mại tăng 40.5%, nợ công quốc gia tăng gấp rưỡi, từ $14,400 tỷ lên $21,600 tỷ.
Tiếp quản chính quyền từ ông Trump đầu năm 2021, ông Biden phải đối mặt với dự báo ảm đạm của giới chuyên gia rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, thậm chí sụp đổ, trước khi tình hình được cải thiện. Di hại của đại dịch COVID-19 như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa và năng lượng toàn cầu, rồi cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine Tháng Hai, 2022, đẩy giá cả hàng hóa tăng vọt, lạm phát lên đến đỉnh vào Tháng Sáu, 2022 ở mức 9.1%, cao nhất hơn 40 năm qua, làm cho hầu hết người tiêu dùng Mỹ “méo mặt” khi đổ xăng, vào chợ mua sắm hoặc đi ăn nhà hàng.
Nhưng kinh tế Mỹ chẳng những không suy thoái như nhiều nền kinh tế phát triển khác mà còn tăng trưởng vững chắc. Năm 2023 vừa qua, GDP của Mỹ tăng tới 3.1%, tạo thêm 2.9 triệu việc làm mới (tính chung trong ba năm cầm quyền của ông Biden kinh tế Mỹ có thêm 14 triệu việc làm, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3.7%), lạm phát được kiểm soát và đưa về mức gần 2%, một số mặt hàng như xăng dầu đã giảm xuống mức $3 mỗi gallon, cao hơn một chút so với thời trước đại dịch, theo số liệu của Bộ Năng Lượng Mỹ. Thu nhập thực tế của người lao động trung lưu Mỹ, sau khi trừ lạm phát, tăng thêm 2.8% trong khi thu nhập của người dân các nước G-7 đứng yên hoặc suy giảm.
Một số đạo luật lưỡng đảng do Tổng Thống Biden đề nghị và được Quốc Hội thông qua đã đặt nền tảng vững chắc cho sự khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ của quốc gia, khôi phục ngành công nghiệp chế tạo các sản phẩm tân tiến như chip bán dẫn, xe điện, tạo ra nhiều cơ hội làm việc với mức lương cao cho người lao động. Tuy vậy, trong đoản kỳ, các đạo luật đó chưa mang lại sự thay đổi đáng kể cho cuộc sống người dân.
Chính sách kinh tế của ông Biden cũng có nhiều điểm tối. Lạm phát được kiềm chế nhưng thâm hụt thương mại vượt qua ngưỡng $1,000 tỷ mỗi năm (năm 2023 là $1,065 tỷ), nhiều hơn đáng kể so với mức $850-900 tỷ thời ông Trump. Nợ công của Mỹ hiện ở mức $34,230 tỷ, tăng thêm $12,630 tỷ so với cuối thời ông Trump gây lo ngại cho sự bền vững của ngân sách quốc gia và bất đồng quan điểm giữa Dân Chủ và Cộng Hòa trong Quốc Hội về chi tiêu ngân sách đã đôi lần dẫn tới nguy cơ chính phủ liên bang phải đóng cửa.
Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định nhưng do những mảng sáng tối đan xen như vậy, người dân chưa thật sự yên tâm và chỉ có 35% cử tri đánh giá cao thành tích điều hành kinh tế của chính phủ.
Làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam – đề tài tấn công của đảng Cộng Hòa – đã không được chính quyền Biden giải quyết một cách rốt ráo, một phần do sự cản trở của đảng Cộng Hòa nắm đa số Hạ Viện. Chính quyền Biden đã nỗ lực giải quyết vấn đề từ gốc như hỗ trợ phát triển kinh tế cho các nước nghèo ở Trung và Nam Mỹ để kéo giảm số người ra đi tìm cơ hội ở Mỹ, mở thêm những con đường nhập cư vào Mỹ một cách hợp pháp nhưng cách làm đó không hiệu quả. Gần đây Trung Quốc chẳng hạn đã nổi lên thành nguồn cung cấp nhiều người vượt biên vào Mỹ nhất dù Trung Quốc chẳng phải là nước nghèo và nằm cách xa nửa vòng trái đất. Không thể ngăn chặn người nhập cư một cách tàn nhẫn như cách làm của ông Trump nhưng cũng không thể thả lỏng như hiện nay. Chính quyền Biden nhất thiết phải thay đổi chính sách nhập cư và giải quyết khủng hoảng an ninh biên giới.
Về đối ngoại, ông Biden có công vực dậy các liên minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á, ngăn ngừa và chặn đứng mưu toan bành trướng của các nhà độc tài Vladimir Putin và Tập Cận Bình. Tuy vậy, sự ủng hộ vô điều kiện của chính quyền Biden cho chính phủ cực hữu Israel của Thủ Tướng Benjamin Netanyahu – kẻ đang gây thảm họa nhân đạo khủng khiếp cho thường dân Palestine – đang hủy hoại uy tín của ông Biden trong các cộng đồng người Ả Rập, người Hồi Giáo ở Mỹ và cả thành phần cử tri trẻ, cấp tiến ngay trong đảng Dân Chủ. Nếu ông Trump đang cầm quyền thì sự ủng hộ của Mỹ cho nhà nước Israel có thể còn mạnh hơn ông Biden nhiều nhưng ít ai để ý điều đó.
Tóm lại, về phương diện chính sách, có nhiều điều thú vị để so sánh giữa ông Biden và ông Trump. Một điểm lợi cho ông Trump là nhiều người Mỹ mau quên những thảm họa đã qua như đại dịch COVID-19 làm hơn 1.1 triệu người thiệt mạng – một phần do cách ứng phó lúng túng và bất nhất của chính quyền. Từ đó, người ta coi nhẹ mối nguy mà ông Trump đặt ra cho nền dân chủ. Thêm nữa, công luận trong xã hội dân chủ, nhất là giới trí thức và truyền thông, có thói quen soi mói, phê phán nhà cầm quyền và đứng về phe đối lập. Đây lại là một điểm bất lợi cho ông Biden. Mấy ngày qua công chúng và truyền thông tập trung chú ý quá mức vào tuổi già của ông mà có phần coi nhẹ tuổi tác của ông Trump là một ví dụ tiêu biểu.
Chỉ còn hơn tám tháng nữa cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử cần sự suy nghĩ thấu đáo. Vấn đề quan trọng không phải là tuổi tác của ứng cử viên mà ai là người có tư cách, có các chính sách tốt để duy trì nền dân chủ, vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và làm cho đất nước tốt đẹp hơn.
Tin Quốc Tế Đó Đây
Thủ Tướng Do Thái Quyết Tâm Tiến Vào Rafah, Hy Vọng Hưu Chiến Lùi Xa
(Hình: Một tòa nhà tại Rafah, dải Gaza, bị Do Thái oanh kích ngày 16/2/2024.)
-Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu không từ bỏ ý định đưa quân vào thành phố Rafah, miền Nam dải Gaza, nơi có 1,4 triệu người tị nạn Palestine. Trả lời họp báo ngày 17/2/2024 tại Tel Aviv (thủ đô cũ của Do Thái), ông cho rằng không tiến hành chiến dịch ở Rafah là “thua cuộc chiến” chống Hamas, đồng thời bác bỏ ý tưởng công nhận một Nhà nước Palestine.
Thông tín viên Michel Paul của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Jérusalem, thủ đô mới của Do Thái, cho biết thêm:
“Ông Benjamin Netanyahu tuyên bố: “Chừng nào Hamas từ bỏ những yêu sách điên rồ thì các cuộc đàm phán thả con tin mới có thể tiến triển”. Đối với Thủ tướng Do Thái, cần tiếp tục gây sức ép quân sự kể cả khi đạt được thỏa thuận với nhóm vũ trang người Palestine Hamas.
Ông nói: “Do Thái sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn. Đúng, việc này bao gồm cả chiến dịch ở Rafah. Những người muốn ngăn cản chúng tôi hành động ở Rafah nói với chúng tôi kiểu: “Bại trận đi”. Tôi sẽ không cho phép chuyện này xảy ra”.
Vẫn theo Thủ tướng Do Thái, việc giải quyết xung đột chỉ có thể được tiến hành thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ áp lực nào. Dưới quyền lãnh đạo của tôi, Do Thái sẽ tiếp tục phản đối mọi sự công nhận đơn phương một Nhà nước Palestine”.
Thủ tướng Netanyahu đưa ra những tuyên bố trên vào lúc vài chục ngàn người Do Thái biểu tình tối thứ Bẩy (17/2) ở Tel Aviv và nhiều thành phố khác để chống chính phủ và đòi thả con tin”.
Ngày 18/2, Tổng thống Pháp và đồng nhiệm Ai Cập đã hội đàm qua điện thoại. Theo thông cáo của điện Elysée, hai nhà lãnh đạo đã thể hiện sự “phản đối mạnh mẽ” cuộc tấn công vào Rafah theo dự kiến của Do Thái, cũng như mọi “ép buộc thường dân” rời sang Ai Cập vì những biện pháp đó đều “vi phạm nhân quyền”.
Theo thông tấn xã AFP, Algérie đã yêu cầu bỏ phiếu tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một Dự thảo Nghị quyết “từ chối ép thường dân Palestine di tản” và yêu cầu thả tất cả con tin bị đưa sang Gaza trong vụ tấn công này 7/10/2023. Cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 20/2 nhưng Hoa Kỳ đã đe dọa chặn Dự thảo Nghị quyết này.
Do Thái Tức Giận Sau Khi Tổng Thống Ba Tây Ví Chiến Tranh Gaza Với Cuộc Diệt Chủng Người Do Thái
(Hình: Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva.)
-Hôm 18/2/2024, Do Thái cáo buộc Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva tầm thường hóa cuộc diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc xã và xúc phạm người Do Thái, sau khi ông ví cuộc chiến của Do Thái chống lại phiến quân Hamas ở Gaza với nạn diệt chủng của Đức Quốc xã trong Ðệ nhị Thế chiến.
“Những gì đang xảy ra với người Palestine ở Dải Gaza không hề có sự tương đồng trong những thời điểm lịch sử khác. Trên thực tế, nó đã tồn tại khi Hitler quyết định giết người Do Thái”, ông Lula nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Phi Châu lần thứ 37 ở Addis Ababa.
Bộ Ngoại giao ở Jerusalem cho biết họ sẽ triệu tập Ðại sứ Ba Tây để khiển trách về những nhận xét mà Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu mô tả là “đáng hổ thẹn và nghiêm trọng”.
“Đây là một sự tầm thường hóa cuộc diệt chủng và là một nỗ lực tấn công người Do Thái cũng như quyền tự vệ của Do Thái. Việc so sánh giữa Do Thái với Đức Quốc xã và Hitler là vượt qua lằn ranh đỏ”, ông Netanyahu nói trong một tuyên bố.
Dinh Tổng thống và Bộ Ngoại giao Ba Tây đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trong một tuyên bố, Liên đoàn người Do Thái gốc Ba Tây nói rằng phát biểu của ông Lula là “sự bóp méo thực tế” và “xúc phạm ký ức về các nạn nhân cuộc diệt chủng và con cháu của họ”, đồng thời cáo buộc chính phủ của ông có lập trường “cực đoan và không cân bằng” về cuộc xung đột.
Trước đó hôm 18/2, ông Lula cũng lên án việc đình chỉ viện trợ nhân đạo cho Cơ quan Tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA), kêu gọi một cuộc điều tra về sai sót mà không cắt nguồn tài trợ để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi cái mà ông gọi là “nạn diệt chủng”.
Ông nói: “Đây không phải là cuộc chiến giữa binh lính và binh lính, mà là cuộc chiến giữa quân đội được chuẩn bị kỹ càng với phụ nữ và trẻ em”.
UNRWA đang phải đối mặt với căng thẳng tài chánh sau khi Do Thái khẳng định rằng 12 trong số 13.000 nhân viên của họ ở Gaza có liên quan đến cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas vào Do Thái.
Mỹ Tiến Hành 5 Cuộc Tấn Công Tự Vệ Tại Các Khu Vực Do Houthi Kiểm Soát ở Yemen
(Ảnh: Các chiến binh Houthi.)
-Hôm 18/2/2024, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết Mỹ đã tiến hành 5 cuộc tấn công tự vệ tại các khu vực của Yemen do lực lượng dân quân Houthi được Iran hậu thuẫn kiểm soát.
Họ cho biết đã bắn trúng 3 phi đạn liên lục địa chống hạm di động, 1 thiết bị không người lái dưới nước và 1 tàu trên mặt nước không người lái hôm 17/2.
“Đây là lần đầu tiên quan sát thấy Houthi sử dụng UUV (thiết bị không người lái dưới nước) kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 23 tháng 10”, CENTCOM cho biết trong một bài đăng trên X.
Bộ Tư lệnh Trung tâm cho biết đã xác định phi đạn và tàu là mối đe dọa sắp xảy ra đối với các tàu Hải quân và tàu hàng Hoa Kỳ trong khu vực.
Các cuộc tấn công của Houthi ở khu vực Biển Đỏ là một trong những dấu hiệu cho thấy xung đột đang lan rộng ở Trung Đông kể từ khi chiến tranh nổ ra giữa Do Thái và Hamas sau cuộc tấn công chết người của nhóm phiến quân Palestine vào Do Thái vào ngày 7/10/2023.
Houthi, lực lượng kiểm soát những khu vực đông dân nhất ở Yemen, cho biết các cuộc tấn công của họ nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với người Palestine khi Do Thái tấn công Gaza.
Nhưng Hoa Kỳ và các đồng minh mô tả chúng là các cuộc tấn công bừa bãi và là mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu.
Đối mặt với tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng ở Biển Đỏ, các hãng vận tải lớn phần lớn đã từ bỏ tuyến đường thương mại quan trọng để chuyển sang các tuyến đường dài hơn quanh Phi Châu.
Điều này đã làm tăng chi phí, gây lo ngại về lạm phát toàn cầu trong khi làm sụt giảm doanh thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập từ các chủ hàng đi qua Kênh đào Suez đến hoặc đi từ Biển Đỏ.
Iran Muốn Trở Thành Nhà Xuất Cảng Vũ Khí Giá Rẻ
(Hình: Các loại drone và vũ khí khác do Iran chế tạo trưng bày tại một cuộc triển lãm tại thủ đô Tehran, ngày 23/8/2024.)
-Ngày 17/2/2024, Iran công bố hai hệ thống phòng không mới, gồm hệ thống chống phi đạn-đạn dạo Arman và lá chắn phòng không Azarakhsh, do chuyên gia của Bộ Quốc phòng chế tạo.
Trước đó 3 ngày, chính quyền Tehran thông báo đã thử hai phi đạn-đạn đạo có tầm bắn 1.700 cây số phóng từ một chiến hạm ở Ấn Độ Dương. Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal, Iran đang tăng cường năng lực quân sự để trở thành nhà xuất cảng vũ khí giá rẻ, trong đó có các loại drone. Thông tín viên Siavosh Ghazi của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tại Tehran cho biết thêm:
“Những năm gần đây, Iran đã phát triển ngành công nghiệp quân sự giúp nước này trở thành một nhà xuất cảng vũ khí trước sự bất lực của Mỹ. Từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra, các loại drone tự sát Shahed 136 của Iran trở nên nổi tiếng vì được Nga sử dụng rộng rãi. Tehran cũng phát triển một loại drone mới - Shahed 238 - mạnh hơn và nhanh hơn những thế hệ drone trước.
Dù các hợp đồng bán vũ khí là bí mật quốc gia nhưng theo nhiều nguồn tin khác nhau, Tehran đã bán nhiều drone cho một số nước đồng minh như Syria hoặc Venezuela và chuyển giao kỹ thuật cho một số đồng minh trong vùng, trong đó có các lực lượng Hezbollah Liban, Houthi ở Yemen hoặc lực lượng dân quân theo hệ phái Shiite ở Iraq.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo tham gia tích cực vào quá trình phát triển ngành công nghiệp quân sự này. Một số nước Phi Châu như Sudan, Niger, Mali có quan hệ với Tehran cũng nằm trong số các khách hàng tiềm năng”.
Nga Mời Các Phe Phái Palestine Tới Nhóm Họp Vào Ngày 26/2
(Hình: Thủ tướng Palestine, ông Mohammad Shtayyeh.)
-Hôm 18/2/2024, Thủ tướng Palestine, ông Mohammad Shtayyeh nói rằng Nga đã mời các phe phái Palestine tới gặp nhau tại Mạc Tư Khoa vào ngày 26/2, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền Palestine đã sẵn sàng hợp tác với Hamas.
“Nga đã mời tất cả các phe phái Palestine tới nhóm họp vào ngày 26 tháng này tại Mạc Tư Khoa. Chúng tôi sẽ xem liệu Hamas có sẵn sàng đến với chúng tôi hay không”, ông Mohammad Shtayyeh phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.
“Chúng tôi sẵn sàng tham gia. Nếu Hamas không [tham gia] thì đó là một câu chuyện khác. Chúng tôi cần sự đoàn kết của người Palestine”, ông cho biết và nói thêm rằng để trở thành một phần của sự đoàn kết đó, Hamas cần phải đáp ứng một số điều kiện tiên quyết.
Được thành lập như một phần của Hiệp định Hòa bình Oslo năm 1993 giữa Do Thái và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), vốn làm dấy lên hy vọng về tư cách Quốc gia của người Palestine, chính quyền Palestine đã chứng kiến tính hợp pháp của mình dần dần bị suy yếu bởi việc xây dựng khu định cư của Do Thái ở Vùng Tây Ngạn bị chiếm đóng.
Nhiều người Palestine hiện nay coi chính quyền này có tham nhũng, phi dân chủ và lạc lõng.
Nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas đã cai trị ở Dải Gaza trong 17 năm sau khi trục xuất các cơ quan an ninh trung thành với chính quyền Palestine khỏi vùng đất này. Các cuộc tấn công chết người của Hamas vào ngày 7/10/2023 nhằm vào Do Thái đã gây ra cuộc chiến của Do Thái chống lại nhóm này ở Gaza.
Phương Tây và một số quốc gia Ả Rập đã nói rõ rằng họ muốn thấy chính quyền Palestine hồi sinh - mà Tổng thống Mahmoud Abbas đã điều hành từ năm 2005 - sẽ chịu trách nhiệm ở Gaza sau khi xung đột kết thúc, thống nhất chính quyền với vùng Tây Ngạn.
“Palestine đã sẵn sàng. Chúng tôi có các thể chế, khả năng, nhưng vấn đề nghiêm trọng của chúng tôi là chúng tôi đang bị chiếm đóng”, ông Shtayyeh nói. “Chúng tôi đang bị Do Thái chiếm đóng và chúng tôi cần nó chấm dứt”.
Vợ của Ông Navalny Sẽ Tới Hội Đồng Đối Ngoại EU Vào Ngày 19/2
(Hình: Bà Yulia Navalnaya tại Munich hôm 16/2/2024.)
-Vợ của nhà đối lập với Ðiện Cẩm Linh, Alexey Navalny, người đã chết tại khu trại giam ở Bắc Cực hôm 16/2/2024, sẽ tới Hội đồng Đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu (EU) vào ngày 19/2, người đứng đầu chính sách đối ngoại của khối, ông Josep Borrell, cho biết hôm 18/2.
“Vào hôm thứ Hai, tôi sẽ chào đón Yulia Navalnaya tại Hội đồng Đối ngoại EU. Các Bộ trưởng EU sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ, ủng hộ những người đấu tranh cho tự do ở Nga và tôn vinh ký ức” của ông Alexey Navalny, ông Borrell nói trong một tuyên bố trên X.
Trong một diễn biến liên quan, góa phụ của ông Navalny hôm 18/2 đăng câu “em yêu anh” bênh cạnh một bức ảnh hai người chụp chung với nhau trên mạng xã hội, hai ngày sau khi người được coi là đối thủ nổi bật nhất của Tổng thống Nga Putin ở trong nước chết trong trại giam.
Đây là bài đăng đầu tiên của bà trên Instagram kể từ khi chồng bà qua đời. Bức ảnh đăng kèm cho thấy hai người đứng cạnh nhau, chạm đầu vào nhau khi xem một buổi biểu diễn.
Nó mang dấu ấn cá nhân về sự mất mát mà bà bày tỏ một cách chính thức hơn tại Hội nghị An ninh Munich, chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi cái chết của chồng bà được cơ quan quản lý nhà tù Nga thông báo.
Cơ quan quản lý nhà tù cho biết, ông Navalny (47 tuổi) bất tỉnh và qua đời hôm 16/2, sau khi đi dạo tại trại giam có tên “Polar Wolf” [Sói Bắc Cực] ở Bắc Cực, nơi ông đang thụ án 30 năm tù. Vẫn còn rất ít chi tiết về lý do tại sao ông qua đời.
Vào chiều 16/2, vợ ông xuất hiện trước khán giả gồm các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao và các viên chức khác tại Hội nghị An ninh Munich, và nói rằng bà đã cân nhắc việc xuất hiện trên sân khấu hoặc rời đi ngay lập tức để ở bên hai con của ông bà là Daria và Zakhar. Bà nói rằng chồng bà sẽ muốn bà lên tiếng.
Nếu tin ông ấy qua đời là sự thật, người phụ nữ 47 tuổi nói: “Tôi muốn Putin, toàn bộ đoàn tùy tùng của ông ta, bạn bè của Putin, chính phủ của ông ta biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm với đất nước chúng tôi, với gia đình tôi, với chồng tôi”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây do Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng đầu đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lòng dũng cảm của ông Navalny và cáo buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về cái chết, nhưng không đưa ra bằng chứng. Anh cho biết sẽ có hậu quả đối với Nga.
Tổng Thống Ba Tây: Cái Chết của Ông Navalny Nên Được Điều Tra Trước Khi Có Các Cáo Buộc
(Hình: Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva.)
-Hôm 18/2/2024, Tổng thống Ba Tây Luiz Inacio Lula da Silva nói rằng cần tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về cái chết của người chỉ trích Ðiện Cẩm Linh, ông Alexey Navalny, trước khi đưa ra bất kỳ cáo buộc nào.
Bình luận của ông trái ngược hoàn toàn với những lời chỉ trích mạnh mẽ và nhanh chóng của các nhà lãnh đạo phương Tây đối với Nga về cái chết của ông Navalny tại khu giam giữ ở Bắc Cực hôm 16/2. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và “những kẻ côn đồ của ông ta” phải chịu trách nhiệm.
Phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh Dmitry Peskov bác bỏ những cáo buộc như vậy là không thể chấp nhận được.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Phi Châu (AU) ở Addis Ababa (thủ đô của Ethiopia), ông Lula nói rằng việc kiềm chế đưa ra lập trường về cái chết vào thời điểm này là điều “lẽ thường” phải làm.
“Một công dân đã chết trong tù, tôi không biết ông ta có bị bệnh hay có vấn đề gì không”, ông Lula nói. “Việc đưa ra các cáo buộc là sự tầm thường hóa. Tôi hy vọng rằng nhân viên điều tra sẽ đưa ra lời giải thích tại sao cá nhân đó lại chết, thế thôi”.
Bình luận của ông Lula phản ánh việc các quốc gia ngoài phương Tây đã không cùng phương Tây trong nỗ lực mạnh mẽ cô lập ông Putin về cuộc xâm lược Ukraine và các vấn đề khác.
Ông Lula đã nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine và nói rằng lẽ ra Nga không nên xâm lược. Nhưng ông nói rằng Hoa Kỳ đã kéo dài cuộc chiến một cách không cần thiết.
Mẹ của ông Navalny được thông báo hôm 17/2 rằng con trai bà đã chết vì bị “hội chứng đột tử” và thi thể của ông sẽ không được giao cho gia đình cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất, nhóm của ông cho biết.
10 Năm Sau Cách Mạng Maidan, Ukraine Vẫn Nỗ Lực Chiến Đấu Chống Nga
(Ảnh: Quảng trường Maidan, tại thủ đô Kyiv của Ukraine, ngày 14/2/2023.)
-Chỉ vài ngày nữa, Ukraine sẽ đánh dấu 2 năm chiến tranh tổng lực chống lại cuộc xâm lăng của Nga, nhưng cuộc chiến chống Mạc Tư Khoa và những ảnh hưởng của nước này thực sự đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nổi bật là cuộc Cách mạng Maidan. Tuần này sẽ là dấu mốc kỷ niệm 10 năm cuộc Cách mạng lịch sử mà Tổng thống Zelensky từng gọi là “thắng lợi đầu tiên” trong cuộc chiến chống Nga.
Từ thủ đô Kyiv của Ukraine, thông tín viên Emmanuelle Chaze của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) cho biết thêm thông tin:
Tuần này không chỉ đánh dấu 2 năm Nga tiến hành xâm lược Ukraine trên quy mô lớn, mà còn là dịp kỷ niệm sự kiện diễn ra cách đây 10 năm, điểm khởi đầu của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Điều khiến cuộc chiến tranh bùng nổ chính là quyết tâm của người Ukraine muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Nga.
Đúng mười năm trước, từ ngày 19 đến ngày 24/2/2014, các cuộc biểu tình chống lại chế độ thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych. Phong trào phản kháng, vốn đã bắt đầu từ tháng 11/2013, ngày càng lan rộng trên khắp Ukraine, và cùng với đó là việc cảnh sát gia tăng đàn áp biểu tình.
Trong tuần đó, hàng chục người Ukraine đã thiệt mạng và hơn một ngàn người khác bị thương. Nhưng sự phản kháng của người dân chống chính quyền thân Nga đã chiến thắng: Ngày 22/2, Viktor Yanukovych đã phải bỏ trốn khỏi thủ đô Ukraine và chế độ của ông đã bị lật đổ.
Cũng trong tuần đó, Nga đã đáp trả bằng việc sáp nhập trái phép bán đảo Crimea, đồng thời lực lượng ly khai thân Nga, trong các vùng Luhansk và Donetsk, được Mạc Tư Khoa hỗ trợ, đã bắt đầu cuộc chiến mới ở miền Đông: Cuộc chiến tranh Donbass. Mười năm sau sự kiện Maidan, cuộc cách mạng vì một Ukraine tự do, thoát khỏi kiềm tỏa của Mạc Tư Khoa, vẫn mang vị đắng vì Nga vẫn nỗ lực xâm phạm chủ quyền của đất nước này.
Chiến Tranh Ukraine: Nga Tuyên Bố “Kiểm Soát Hoàn Toàn” Avdiivka
(Ảnh: Quân đội Ukraine tại một vị trí trong thành phố Avdiivka, vùng Donetsk, ngày 18/8/2023.)
-Ngày 17/2/2024, ngay sau khi Ukraine thông báo rút hết quân khỏi Avdiivka, tỉnh Donbass, Nga khẳng định đã “kiểm soát hoàn toàn” thành phố nằm ở vị trí chiến lược. Tổng thống Vladimir Putin, được Bộ trưởng Quốc phòng Serguei Shoigu báo cáo, đã hoan nghênh một “chiến thắng quan trọng”.
Trong thông cáo được truyền thông Nga trích dẫn, phát ngôn viên Ðiện Cẩm Linh cho biết ông Shoigu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Avdiivka, được coi là “nút thắt phòng thủ mạnh của lực lượng vũ trang Ukraine. Tổng thống (Putin) đã hoan nghênh quân nhân và những người tham gia chiến đấu vì thắng lợi quan trọng này”.
Quyết định rút quân khỏi Avdiivka, bị tàn phá hoang tàn sau thời gian dài giao tranh ác liệt, được Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky giải thích tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) là nhằm “cứu nhiều mạng sống nhất có thể”. Trước đó, tướng Ukraine Oleksandre Tarnavsky, tư lệnh nhóm tác chiến - phụ trách khu vực, cho biết “vào lúc kẻ thù giẫm trên xác chết chính những người lính của họ và có gấp 10 lần đạn pháo”, rút lui “là quyết định đúng đắn duy nhất”.
Tuy nhiên, “chiến thắng mang ý nghĩa biểu tượng” đối với Ðiện Cẩm Linh cũng cho thấy những hạn chế của quân Nga. Trả lời Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) ngày 17/2, tướng Jérôme Pellistrandi, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Pháp, phân tích:
“Quân Nga chiếm được một đống đổ nát hoang tàn. Họ từng cố chiếm Avdiivka năm 2014 nhưng thất bại. Quyết định rút quân chiến thuật của Ukraine cho phép quân Nga cắm cờ tại trung tâm thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn. Việc này chắc chắn sẽ phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của Tổng thống Putin. Nhưng sự tuyên truyền đó cũng sẽ không gây nhiều tác động ngoài công luận Nga, mà chúng ta biết là vẫn bị ảnh hưởng từ những tuyên truyền của Ðiện Cẩm Linh.
Việc chiếm được những gì còn lại ở Avdiivka cũng cho thấy quân đội Nga có rất ít khả năng khai thác lợi thế này. Có nghĩa là theo dòng chiến sự, đúng là Pháo binh Nga mạnh hơn Pháo binh Ukraine, dù vậy Ðiện Cẩm Linh không có phương tiện để tung ra một cuộc tấn công lớn trong những tuần tới, như họ đã làm gần 3 năm trước”.
Cũng tại miền Đông Ukraine, quân Nga oanh kích thành phố Kramatorsk ngày 17/2 khiến hai người thiệt mạng. Trong đêm 17 qua ngày 18/2, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 12 drone của Nga, một phi đạn liên lục địa Kh-59 và một oanh tạc cơ SU-34. Thông tấn xã Reuteurs chưa kiểm chứng được một cách độc lập thông tin trên.
Tổng Thống Zelenskyy Sắp Ký Thỏa Thuận An Ninh Song Phương Với Bá Linh và Paris
(Hình: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 5/10/2023.)
-Đức và Pháp sẽ ký các thỏa thuận song phương về cam kết an ninh với Ukraine vào ngày 16/2/2024 trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy, tới 2 thủ đô Bá Linh và Paris, cả hai chính phủ cho biết hôm 15/2.
Ông Zelenskyy sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Bá Linh vào gần trưa ngày 16/2, Thủ tướng Đức cho hay trong một tuyên bố.
“Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm này, một thỏa thuận song phương về bảo đảm an ninh và hỗ trợ lâu dài sẽ được ký kết”, theo bản tuyên bố. Ngoài ra, ông Zelenskyy sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung với ông Scholz trước cuộc gặp với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Sau đó Tổng thống Ukraine dự kiến sẽ bay tới Paris để bảo đảm các cam kết an ninh song phương thêm nữa với Pháp.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông sẽ “tái khẳng định quyết tâm của Pháp trong việc tiếp tục cung cấp, về lâu dài và với tất cả các đối tác của mình, sự hỗ trợ vững chắc cho Ukraine và người dân Ukraine”.
Vào lúc Kyiv muốn xin gia nhập Liên minh Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chống lại cuộc xâm lược kéo dài hai năm của Nga, các nhà ngoại giao nói rằng ông Zelenskyy sẽ ký kết các bảo đảm an ninh song phương với Pháp và Đức trong tuần này sau khi bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 7.
Văn phòng của ông Macron cho biết rằng chi tiết về Thỏa thuận này sẽ được đưa ra trong một cuộc họp báo.
Hiệp định với Pháp dự kiến sẽ phác thảo một khuôn khổ viện trợ nhân đạo và tài chánh dài hạn, hỗ trợ tái thiết và hỗ trợ quân sự. Theo hai nhà ngoại giao am tường về cuộc đàm phán, Pháp dự định cấp một khoản ngân quỹ trị giá 200 triệu Euro cho các dự án dân sự do các công ty Pháp thực hiện.
Cũng hôm 15/2, văn phòng của ông Zelenskyy cho hay rằng sau khi đến thăm Bá Linh và Paris, ông Zelenskyy dự kiến sẽ tới Munich, nơi ông dự định sẽ diễn thuyết hôm 17/2.
Tổng Thống Zelenskyy Ký Hiệp Ước An Ninh Với Pháp, Sau Khi Đã Ký Với Đức
(Hình: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy ở Paris, 16/2/2024.)
-Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy ký một Hiệp ước An ninh dài hạn mới với Pháp hôm thứ Sáu (16/2/2024), sau khi đạt được một Thỏa thuận tương tự và khoản viện trợ từ Đức.
Ông Zelenskyy đang thăm Đức và Pháp để kêu gọi thêm các khoản trợ giúp quân sự vào một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống lại Nga, cùng lúc quân đội Ukraine đang cố gắng ngăn cản các lực lượng Nga đang tiến sát thị trấn Avdiivka ở miền Đông, và Hoa Kỳ đang loay hoay trong việc thông qua gói viện trợ quân sự hàng tỉ Mỹ kim “rất quan trọng” dành cho Ukraine.
“Đây là một thỏa thuận an ninh đầy tham vọng và rất thực chất”, ông Zelenskyy nói với các phóng viên khi họp báo cùng với Tổng thống Emmanuel Macron. “Đây không phải là sự thay thế cho Hoa Kỳ. Tất cả chúng ta sát cánh cùng nhau và liên minh này là điều cần thiết để đánh bại Nga”, vẫn lời Tổng thống Ukraine.
Ông Macron phát biểu rằng Hiệp ước An ninh 10 năm với Pháp bao gồm các cam kết của Paris về cung cấp thêm vũ khí, huấn luyện binh lính và cấp viện trợ quân sự lên tới 3 tỉ Euro (3,2 tỉ Mỹ kim) cho Ukraine vào năm 2024. Ông Macron cũng nhắc lại rằng Paris đã trợ giúp 1,7 tỉ Euro hồi năm 2022 và 2,1 tỉ Euro vào năm 2023.
“Cam kết của chúng tôi với Ukraine sẽ không suy yếu”, ông Macron nói trong cuộc họp báo chung, đồng thời nói thêm rằng “chế độ Ðiện Cẩm Linh” đã bước vào một giai đoạn mới và giờ đây rõ ràng đang thể hiện sự hung hăng hơn đối với các nước Âu Châu.
Ông Macron phát biểu: “Bằng cách giúp đỡ đối tác Ukraine, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của mình”.
Hiệp ước An ninh của Ukraine với Đức, sẽ kéo dài trong 10 năm, bao gồm cam kết là Đức sẽ trợ giúp quân sự cho Ukraine và trừng phạt Nga cũng như kiểm soát xuất cảng, đồng thời bảo đảm rằng tài sản của Nga vẫn bị phong tỏa.
Bá Linh cũng đã chuẩn bị một gói trợ giúp tức thời khác trị giá 1,13 tỉ Euro tập trung vào Phòng không và Pháo binh.
Ông Zelenskyy nói rằng khoản viện trợ này rất quan trọng vì nguồn tiếp liệu quân sự từ các đối tác khác đã giảm trong khi Nga có lợi thế về Pháo binh ở tiền tuyến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét