Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

Hôm Nay Giao Thừa! (30 Tết!) Thời Khắc Thiêng Liêng Nhất Của Năm Cũ Và Năm Mới! và Kính Chuyển Tin Việt Nam Hôm Nay Theo Dòng Thời Sự (Cám Ơn và Chúc Mừng Năm Mới!) - Lê Văn Hải


Hôm Nay Giao Thừa! (30 Tết!) Thời Khắc Thiêng Liêng Nhất Của Năm Cũ Và Năm Mới! -Giao Thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Đây là một thời khắc thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới với những điều mới mẻ, may mắn. Tại Việt Nam, Giao Thừa được coi là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vào thời khắc Giao Thừa, mọi người đều cùng nhau sum vầy bên gia đình, thắp hương cúng tổ tiên và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.
<!>
Trước Giao Thừa, mọi người thường dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng tổ tiên và trang trí nhà cửa. Vào đêm Giao Thừa, đêm nay, mọi người thường quây quần bên nhau, cùng nhau trò chuyện, hát hò và đón chờ khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.


Trước 75, khi tiếng pháo hoa vang lên, nở dòn, báo hiệu năm mới đã bắt đầu, mọi người cùng nhau chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đây là thời khắc để mọi người quên đi những buồn phiền, khó khăn của năm cũ và bắt đầu một năm mới với những hy vọng, ước mơ mới.

Ý Nghĩa Giao Thừa
Giao Thừa cũng là dịp để mọi người thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương. Gia đình cùng nhau tụ hội, gửi nhau những lời chúc yêu thương với mong muốn sẽ có được một năm mới hạnh phúc và an lành.
Đối với ngày Giao Thừa Tết Nguyên Đán, người Việt còn có phong tục cúng Giao Thừa, thường có bánh chưng, bánh tét, gà luộc, rượu, hoa quả,... và các món ăn truyền thống khác. Đây là một nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân Việt Nam, đã được lưu truyền hàng ngàn năm, từ đời này sang đời khác!



Câu Đối 30 Tết (Giao Thừa)

-Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu. Ủa! Tết!
Sáng mồng một, vào nhà nghe lời chúc. Ồ! Xuân!

-Chiều ba mươi, đầu bù tóc rối, heo hắt tiễn năm tàn
Sáng mồng một, quần là áo lượt, phấn khởi mừng xuân mới.

-Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.



Ý nghĩa bữa cơm tất niên và cúng chiều 30 Tết
(Duy duong Nguyen)
-Bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt như khép lại một năm cũ và mở ra một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc.
Chiều 30 Tết người Việt Nam như chính thức ăn Tết cổ truyền, một nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay. Nhưng có lẽ hơn bao giờ hết một bữa cơm thịnh soạn cuối năm.
Người Việt cho rằng sau khi cúng tổ tiên hay còn gọi là “đặt giường”, tất cả thành viên trong gia đình gồm nhiều thế hệ như ông bà, bố, mẹ, con, cháu sẽ xum vầy bên bữa cơm cuối cùng trong năm.
Theo quan niệm xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn.
Cỗ cúng tất niên mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhất thiết phải có đủ bánh chưng, dưa, hành, giò, nem, thịt đông….
Trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu ngũ quả, các đồ lễ đều phải tố hảo, tươi tốt nhất. Tùy từng gia đình mà có thêm câu đối đỏ “gậy ông vải” (thường là 2 cây mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau để hai bên bàn thờ).
Ngày nay, tuy nhịp sống công nghiệp gấp gáp, nhưng mọi gia đình vẫn duy trì cúng cơm tất niên như một nghi thức tốt đẹp.
Việc mua sắm đồ lễ cũng nhanh gọn hơn. Có một thực tế là bên cạnh những người thực hiện nghi thức này theo đúng lệ xưa, đáng chê trách có nhiều người vẫn còn mua nhiều vàng mã đốt trong ngày lễ tất niên mà chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa của nghi thức đó, hoặc chọn những món ăn quá cầu kỳ tốn kém, không hợp khẩu vị và phong tục người Việt. Sự thành kính đâu cốt bởi đồ cúng lễ hay mâm cao cỗ đầy mà điều chính là phải ở tâm của mỗi người.
Sau khi mâm cỗ được sắp xếp đẹp mắt, con cháu cùng nhau kính cáo tổ tiên vừa là để tỏ lòng hiếu thảo, vừa là để mời gia tiên về ăn tết cùng gia đình.
Từ xưa đến nay, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ, mà không khí của bữa ăn còn có giá trị tinh thần rất lớn. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương nhau của các thành viên trong gia đình.
Tất cả vừa cùng nhau ăn, vừa cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một năm đã qua, những niềm vui và cả nỗi buồn, nhớ về người thân đã mất hoặc đang ở xa quê chưa về.
Đêm giao thừa của cái Tết Việt Nam mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là ý thức về nguồn. Chẳng có gia đình nào lại không có một bàn thờ gia tiên, người đang ở xa cũng ngóng về quê hương xứ sở.
Bữa cơm tất niên gia đình ấm áp yêu thương là thông điệp gửi đến tất cả các thành viên trong gia đình hãy trân trọng hơn nữa những phút giây quây quần, hạnh phúc bên nhau.


Lời Chúc Vui Giao Thừa, Đón Mừng Năm Mới, Tết Giáp Thìn 2024:

-Đến giờ Giao Thừa, đón mừng Năm Mới! Cung Chúc Tân Xuân! Người chuyển bài vở, tin tức khắp nơi, miệt mài cả năm! tên LVH, vòng tay kính chúc, Kính mến gởi tặng, Niên Trưởng Chiến Hữu, Gia Đình Người Thân, Bạn Bè Thân Hữu, Bạn Đọc xa gần:
Một năm sức khỏe, thân thể sung mãn, không còn đau nhức, sáng rên chiều lết, chơi khỏe như Rồng, cưỡi mây về gió! cầy cuốc như trâu, dẻo dai như cọp, khỏe mạnh…hơn voi! ăn hoài…không béo! cao mỡ cao máu, đường cao đường thấp, không dính thứ nào! Tim gan phèo phổi, bất cứ thứ gì, cũng ve ri gút! Đẹp trai xinh gái, mịn màng trắng trẻo, ai cũng thấy mê! Tuổi thật tám mươi, tưởng chừng mười tám! Tâm hồn phơi phới, không buồn không tức, vui vẻ yêu đời. Tiền vào thơm phức, lợi tức tuân trào, phúc rớt như mưa! tình chặt như keo, tràn đầy hạnh phúc, vợ đẹp con khôn, cháu chắt đầy đàn, gia đình êm ấm, công danh hoàn mãn, mọi việc hạnh thông, đẹp như ước muốn. Luôn luôn số một! nhất đủ mọi thứ! Ông Trời nóng máu, “thằng này chơi cha!” bạn bè phát tức, hàng xóm phát ghen! Giỡn chơi Bạn ơi, nổ chút cho vui, rồi banh…xác pháo! trong ba ngày Tết! Hy vọng lời chúc, là nụ cười Xuân, cho đời thêm vui!
Nếu mỗi lời chúc, là hoa tươi thắm, tặng Bạn ngàn đóa! Chúc mừng năm mới, Giáp Thìn Con Rồng, hai không hai bốn (2024), Happy New Year!


Truyền Thống Tốt Đẹp! Người Việt ở San Jose, Thường Đi Chùa Đón Giao Thừa: Ký ức Tết Quê Hương Ùa Về! Đậm Đà, Ý Nghĩa Nhất!
(Danh Toại)
-Năm nay, Giao Thừa Thứ Sáu, ngày mồng một Tết đúng vào Thứ Bảy cuối tuần, thời tiết tốt, nên chắc chắn số lượng Phật tử, du khách hành hương đến các chùa lễ Phật, vui Xuân nhiều hơn các năm. Đến những ngôi chùa ở San Jose như chùa An Lạc, chùa Đức Viên, chùa Liễu Quán, chùa Quán Thế Âm, chùa Thiên Trúc, tịnh xá Ngọc Hòa ... tràn ngập người và xe! Nơi chốn viếng thăm ý nghĩa nhất trong đêm Giao Thừa và Ngày Mồng Một Tết

(Sau đây là cảm nghĩ của một du khách đi Chùa Đức Viên trong ngày đầu Năm)
-Tiết trời lạnh buốt của những ngày mùa đông không làm chùn bước người Việt ở Mỹ đến chùa Đức Viên (Tại TP.San Jose, tiểu bang California) đón Giao thừa.
Lần đầu tiên đón Tết ta ở xứ người, gia đình tôi không khỏi háo hức tìm đến những nơi có đông người gốc Việt sinh sống ở San Jose với mong muốn được hòa chung trong bầu không khí nhộn nhịp ấm áp của Tết cổ truyền.


(Hình: Nhiều người Việt và gốc Việt đến chùa Đức Viên đón Giao thừa)


(Hình: Mọi người hân hoan chào đón năm mới)
Chúng tôi đến chùa Đức Viên là vào khoảng 23 giờ ngày 29 Tết và nhận thấy không khí đón Tết ở đây rất náo nhiệt. Tại khu vực gian hàng Tết, có rất nhiều quầy bán món ăn quê hương như bún riêu, bún bò Huế, bún mắm, phở, cháo nấm cùng các loại bánh kẹo và cả chè, trà sữa... Khung cảnh mua bán rất là tấp nập.
Tuy đông đúc là vậy song không hề có cảnh chen lấn hoặc xô đẩy. Mọi người đều xếp hàng ngay ngắn chờ đến phiên mình “order” (gọi món) các món ăn quê nhà.


(Hình: Gian hàng Tết có bán đầy đủ các món ăn quê hương)
Sau khi ăn cho “đã thèm” nhiều món ăn quê hương, gia đình tôi kéo sang các khu vực khác trong chùa để thưởng lãm. Tại khu vực ông đồ cho chữ, có thể thấy một hàng dài người kiên nhẫn chờ đến lượt mình xin chữ về treo trong nhà. Đây đó các hoạt cảnh xuân trong chùa cũng thu hút đông đảo người Việt đến quay phim, chụp ảnh.
Thời tiết ngày mồng một Tết ở các thành phố Bắc California rất đẹp, trời nắng ấm ! Các chùa đều có nhiều hoạt động để Phật tử đến lễ Phật, vui Xuân như: lễ Cầu an, giảng pháp, hái lộc, văn nghệ, múa lân, ẩm thực, tặng kinh sách và đĩa DVD, CD các bài kinh, bài pháp ... Nhiều Phật tử đến chùa là thanh thiếu niên, thiếu nhi, ấu nhi với trang phục đẹp, với những chiếc áo dài đỏ, vàng, xanh rực rỡ sắc Xuân. Đặc biệt, có khá nhiều Phật tử và khách người Mỹ cùng gia đình đến chùa lễ Phật, chụp ảnh và tham gia các sinh hoạt ở chùa. Nét mặt ai ai cũng hân hoan, tấm lòng ai ai cũng thành kính hướng về Tam Bảo cầu nguyện một năm mới vô lượng an lạc, vô lượng phước lộc đến mọi nhà, đến với gia đình và bản thân.


Văn Nghệ: Ngày 30 Tết! (Giao Thừa)
-Bà và mẹ bảo hôm nay là 30 Tết, Phượng phải dọn dẹp nhà cửa và lau chùi, sắp xếp bàn thờ cho sạch sẽ, gon ghẽ. Mẹ đã giở tờ lịch Việt Nam cho Phượng xem, đây này 30 Tết tức là đêm giao thừa đấy, ngày này thiêng liêng và quan trọng lắm, chúng ta phải cúng để tiễn năm cũ đi, đón mừng năm mới đến với thật nhiều ước vọng may mắn. Xem thì xem, nhưng những con số trên tờ lịch chẳng làm Phượng nhớ, chẳng chờ mong, và chẳng nôn nao khi Tết đến. Việc ấy đã có bà và mẹ lo.
Khi Phương thấy mẹ đi chợ Việt Nam về, mua những lá chuối, nếp, đậu rồi bà rửa lá, ngâm nếp… có nghĩa là Tết đấy, vì những ngày thường bận rộn quanh năm, chẳng ai muốn bày việc này ra làm gì. Nhiều khi bố thấy bà và mẹ bận rộn quá, nói mua bánh trái làm sẵn ở chợ cho tiện, nhưng bà cương quyết không chịu, mẹ cũng thế, nguyên liệu, thực phẩm ở Mỹ này rẻ quá, chỉ bỏ tí công là có đồ ăn tươi ngon và tiết kiệm được tiền, mình biết làm tội gì để cho họ ăn lời dễ dàng thế, nên hai người đàn bà này ra sức làm công việc bánh trái với tất cả lòng hăng say và yêu thích của họ.

Năm nào cũng vậy, bà gói bánh chưng, không cần khuôn, chỉ bằng tay thôi mà cái nào cái nấy vuông vức đều nhau, y như sản phẩm ra lò từ một khuôn mẫu có sẵn. Lần đầu thì luộc bánh bằng nồi to ở sau vườn với bếp củi, khói lửa lên nhiều quá, hàng xóm chạy sang phàn nàn, bố còn bảo coi chừng họ gọi 911 sở cứu hoả đến thì phiền. Nên từ năm sau trở đi bà gói bánh nhỏ lại và luộc bằng bếp gas trong garage.
Khi bánh vừa vớt ra, Phượng thích được nếm thử, gọi là nếm chứ cô xơi luôn một cái, nếp và đậu mềm nhuyễn, thơm phức mùi thịt mỡ hạt tiêu. Công việc của mẹ là xay lá gai (do mẹ trồng và hái lá để đông lạnh, tới dịp cần dùng thì mang ra) để nhồi với bột nếp làm bánh gai, nhân đậu xanh trộn với dừa non thái sợi vương vấn mùi nước hoa bưởi. Ban đầu nhìn thấy cái bánh màu đen nhánh Phượng sợ lắm, không dám ăn, nhưng khi ăn thử rồi Phượng thấy thích. Bà và mẹ đã tập cho Phượng ăn đủ thứ món ăn Việt Nam, có cái Phượng ăn được, có cái Phượng không thích, những lúc Phượng chê đồ ăn Việt Nam thì bà mắng: con này, mày đẻ tại Mỹ nên quên cả nguồn gốc rồi, Phượng biết nguồn gốc mình là người Việt Nam chứ, nhưng bắt Phượng ăn mắm tôm, ăn tương, ăn giò heo nấu giả cày của bà thì Phượng xin chịu thua, ghê quá!
Hôm nay là 30 Tết Việt Nam, bà và mẹ lại làm như mọi năm, bà gói bánh chưng (bà bảo cho đến khi nào già yếu quá, tay run lẩy bẩy không gói được thì sẽ nhường lại việc này cho mẹ) còn mẹ đang làm bánh gai.

Phượng giặt giũ quần áo, chăn gối xong thì lau bàn thờ, bà bảo năm mới mọi thứ trong nhà phải mới, cô vừa lau vừa hỏi bà:
- Bà ơi, ngày mai mồng một Tết chúng ta có tục lệ lì xì phong bao tiền, phải không?
Bà cười hiền hậu:
- Ông bà, cha mẹ sẽ lì xì tiền cho con cháu, để chúc con cháu được mọi sự tốt lành.
- Vậy bà nhớ lì xì cho cháu nhiều tiền vào nhé, tiền già của bà mỗi tháng vài trăm bà để dành làm gì?
Mẹ mắng Phượng:
-Con gái lớn rồi mà ăn nói như còn bé lắm ấy, tiền bà để dành cúng chùa, giúp đỡ những họ hàng nghèo khó ở Việt Nam và mới đây, bà đóng góp tiền giúp nạn nhân bão lụt đấy.
Bà chép miệng:
- Tội nghiệp! bao nhiêu nhà cửa đổ nát, người chết thảm thương, cháu đừng quên lời bà dặn nhé, hãy mở lòng ra với mọi người nghèo khó hơn mình, hay đang gặp hoạn nạn, khó khăn.
- Bà dặn cháu nhiều lần rồi, cháu không quên đâu, nhưng phải đợi cháu ra trường có việc làm đã, cháu lo thân cháu xong rồi muốn giúp ai thì giúp.
- Cháu bà ngoan quá, bà sẽ lì xì cho cháu nhiều nhất nhà. Nhưng ngày xưa, khi bà 20 tuổi bằng cháu bây giờ, bà đã có 3 mặt con rồi đấy.
Phượng nhẩy cẩng lên thích thú:
- A! cháu thích nghe chuyện ngày xưa của bà, sao ngày ấy bà lấy chồng sớm thế? Boyfriend của bà đòi cưới hay bà đòi cưới?
- Boyfriend là gì hở cháu?
- Là người yêu đó, anh ta yêu bà lắm phải không?
Mẹ cau mày mắng Phượng:
- Con ăn nói phải giữ lời, “anh ta“ nào thế? Ông ngoại của con đấy.
Phượng nũng nịu nắm tay mẹ phân trần:
- Trong tiếng Anh già trẻ, ông cháu gì thì cũng dùng từ như thế thôi, mẹ biết điều đó mà.
- Nhưng mẹ sợ bà không biết bà giận.
Bà đỡ lời:
- Không sao, các cháu nó nói tiếng Anh là chính, tiếng Việt nam thế là giỏi rồi, cháu cứ tự nhiên, vì lúc nào cháu cũng là cháu gái bé bỏng của bà.
Rồi bà kể tiếp:
- Thời xưa đâu có người yêu như bây giờ, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đó.
Phượng kêu lên:
- Bất công! Và tước đoạt quyền tự do của người con gái.
- Nhưng chả sao cả cháu ạ, người ta vẫn sống hạnh phúc êm đềm và sinh con đẻ cháu. Ai như bây giờ, tự do lựa chọn người mình yêu rồi một sớm một chiều đã li dị, con cái thì bơ vơ, xa mẹ vắng cha.
Phượng cười:
- Hên cho bà là anh ta đẹp trai, cháu đã nhìn thấy hình ông ngoại hồi trẻ rồi, nếu bà lấy người xấu thì cháu cũng xấu luôn, cháu sẽ bắt đền bà đấy.
Bà mơ màng trôi về quá khứ:
- Ông ngoại đẹp trai mà nghiêm lắm, bà nể sợ ông, không dám cãi một câu, ông vừa là người chồng vừa là người chủ của bà. Bà làm dâu, hàng ngày đã bận rộn làm lụng , mỗi lần Tết đến càng bận rộn thêm, vừa trông coi vừa làm, nào gói bánh chưng, bánh gai, bánh dày, nấu chè kho, muối dưa hành. Nào mổ lợn để làm giò lụa, nem chua, nấu thịt đông, xương thì nấu măng, nấu miến… cỗ bàn 3 ngày Tết không lúc nào ngơi tay.
Phượng ngạc nhiên:
- Bà khổ thế sao? Họ abuse bà đấy, nếu ở Mỹ thì họ đáng tội vào tù.
Mẹ giải thích:
- Chẳng ai hành hạ bà cả, bà hãnh diện và sung sướng được làm những công việc ấy, chứng tỏ mình là vợ đảm dâu hiền.
Phượng chặc lưỡi ngẩn ngơ:
- Thời xưa lạ nhỉ! bị hành hạ mà vẫn sung sướng. Thế 3 ngày Tết ăn uống nhiều thứ bà có sợ mập không? Sau Tết bà có diet cho xuống cân không?
- Ăn thì cứ ăn, chẳng sao cháu ạ.
Rồi bà chép miệng:
- Ngày xưa, phong tục lễ Tết rất nhiều, ngày nay càng ngày càng đơn giản đi, và sang đến Mỹ thì mất gần hết rồi, con cháu đẻ ra ở đây, chẳng biết ngày Tết quý giá và thiêng liêng thế nào. Ngày Tết xa xưa, bà ăn một miếng bánh chưng thơm mùi nếp mùi lá dong, bà nghĩ tới những cánh đồng lúa chín vàng, tới những giọt mồ hôi cày cấy của người nông dân…
Mẹ tiếp lời:
- Bây giờ chúng nó nhìn bánh chưng bằng đôi mắt dửng dưng hoặc tò mò hỏi cái gì đây rồi lắc đầu từ chối, ngay cả không thèm ăn thử lấy một miếng.

Phượng lý luận:
- Thì bà và mẹ cũng không thích ăn hamburger, có bao giờ ăn thử miếng nào đâu!
Mẹ hồi tưởng:
- Sống ở quê hương mình, trải qua những mùa mưa nắng, những lúc đói no, mới thấm được hương vị ngày Tết. Khi đất trời vào Xuân, có nắng vàng, có gió nhẹ thổi sạch những chiếc lá khô nhỏ trên hè phố, khi chợ búa bắt đầu đổi màu sắc, ngập tràn cam quýt chín vàng, dưa hấu chất từng đống giữa chợ… còn rau sao mà nhiều thế? Sà lách xanh, bông cải trắng, cà chua chín đỏ như hẹn nhau cùng mùa thu hoạch cho kịp Xuân về… Và khi người ta vội vã mua sắm đồ Tết làm như sẽ không còn dịp nào để mua sắm nữa. Những hình ảnh đó, cảm giác đó, người Việt Nam tha hương chẳng bao giờ quên.
Phượng ngừng tay lau chùi, quay lại nhìn bà và mẹ, hai thế hệ đã qua, mỗi người có một mùa Xuân đẹp theo ý họ, trông bà lưng còng tóc bạc, trông mẹ tuổi đã xế chiều Phượng khó có thể hình dung được họ đã từng có những mùa Xuân lộng lẫy trong đời, từng bâng khuâng xao xuyến khi thời tiết giao mùa, cây cối đơm hoa nẩy lộc. Bây giờ họ thích ôn lại kỷ niệm và kể cho con cháu nghe.
Phượng nghĩ vẩn vơ sau này mình già thì sẽ có kỷ niệm gì để kể cho con cháu nhỉ? Cô sẽ kể lại cái ngày 30 Tết này vậy, rằng là bà không biết gói bánh chưng, bánh gai, nên bà ngoại và mẹ của bà sai bà làm đủ thứ chuyện, mệt kinh hồn.
Mẹ nhìn vẻ đăm chiêu của cô và hỏi:
- Con đang nghĩ gì mà ngẩn người ra thế? Lại đây mẹ chỉ cách gói bánh gai, sau này làm cho các con nó ăn.
Phương dẫy nẩy lên:
- Các con của con sẽ không thích ăn bánh này đâu.
- Con chỉ lười thôi, mấy món bánh đơn giản này mà cũng không chịu học.
Bà than thở:
- Tôi đã nói rồi mà, càng ngày con cháu ở xứ người càng quên đi mọi thứ liên quan đến cội nguồn của nó, chẳng biết tới đời con, đời cháu nó có còn biết nếm cái mùi vị ngon của bánh chưng, bánh gai, hay dưa hành ngày Tết không?
Mẹ nói như an ủi bà:
- Cũng phải thế thôi, biết sao bây giờ? Mình đâu có sống đời mà hướng dẫn chỉ bảo chúng nó được.
Bà đã gói bánh xong, gọi Phượng vào thu dọn, rồi mang bánh chưng và nồi ra garage để nấu bánh, chưa hết, bà còn giao cho Phượng một công việc nữa là đêm nay chở bà đi chùa đón Giao thừa. Bà rất chăm đi chùa, có lần Phượng đã hỏi bà :
- Bà ơi, đi chùa có vui không? Sao tuần nào bà cũng đòi đi?
Bà âu yếm mắng cháu:
- Chùa là chốn tôn nghiêm, đâu phải chỗ giải trí mà vui, nhưng có niềm vui của tâm hồn, được bình an, được thanh thản.
Tuần nào không đi được bà buồn hẳn ra, cứ than thở là già cả ở Mỹ này chỉ trông vào con cháu chở đi chùa vào dịp cuối tuần, thế mà đôi khi cũng không xong, khi vui nó chở, khi buồn thì không.
Bà nói đúng quá, những hôm bận Phượng chẳng muốn chở bà đi chùa, hay có chở thì cũng vùng vằng, kém vui. Biết sự cần thiết của bà Phượng làm tới, cô hay năn nỉ bà kể chuyện ngày xưa cho cô nghe, nếu bà không kể cháu “cúp” luôn không chở bà đi chùa nữa. Và bao giờ Phượng cũng được vừa ý.

Thường thường Phượng chở bà đến chùa và hẹn giờ đến đón, một hôm cao hứng Phượng ở lại lễ chùa với bà, cô tò mò xem có gì hấp dẫn mà tuần nào bà cũng đi như những người yêu nhau không bao giờ lỗi hẹn, cô ngồi cạnh bà, cũng quỳ, cũng lạy, nhưng cô không biết tụng kinh, chỉ biết ngồi im nghe, người ta đọc hết trang này đến trang khác làm cô sốt cả ruột hỏi bà chừng nào xong? Bà nói tụng hết cuốn kinh Pháp Hoa này, cô nhìn cuốn kinh dày cộp thở dài ngao ngán, tự trách mình lỡ dại trót ngồi đây rồi bỏ ra về giữa chừng sao được!
Từ đó, Phượng chẳng bao giờ vào chùa đọc kinh nữa và thầm phục bà mỗi tuần ngồi cả giờ đọc đi đọc lại những câu kinh ấy, những sách kinh ấy mà không chán, mà vẫn sốt sắng khăn áo đến chùa. Sau này dù Phượng có già, cũng không thể làm như bà được.
Bánh chưng và bánh gai đang được nấu trên bếp nên mọi người cảm thấy rảnh rang, bà quay ra kể chuyện đi chùa đón giao thừa, nghe tiếng chuông chùa báo hiệu năm mới vừa sang rồi ra vườn chùa hái lộc. Phượng hỏi:
- Hái lộc là gì hở bà?
- Cháu hái bất cứ một cành lá nào, gọi là hái lộc đầu năm để cầu ước mọi điều trong năm mới sẽ được tốt tươi như cành lộc ấy.
Mắt Phượng sáng long lanh:
- Cháu muốn được hái lộc, tối nay cháu vào chùa với bà.
Bà nghi ngờ:
- Nhưng đừng có chóng chán đòi về nhé?
Cô cương quyết:
- Cháu sẽ ở bên bà từ đầu đến cuối, bà biết không? Cháu sẽ cầu ước nhiều thứ lắm: bà khoẻ mạnh sống lâu, bố mẹ cháu cũng thế và cháu thì học hành khá hơn… Phượng ngừng không nói tiếp những ý nghĩ còn trong đầu là cô sẽ gặp một người tình vừa ý như mơ, điều ấy cô biết một mình là đủ rồi.
Lòng hớn hở, vui vẻ, Phượng dặn bà:
- Tối nay đi chùa bà nhớ mặc nhiều áo ấm vào, Tết của người Việt Nam, mùa Xuân của người Việt Nam, nhưng ở Mỹ này là mùa Đông đấy, bà hãy cẩn thận kẻo cảm lạnh bà nhé.


Truyện Ngắn Mùa Xuân: Người tù binh đêm Giao thừa!
(Phạm Hồng Ân)
I
Tôi nhấc cái bao cát Mỹ lên cao, trút tất cả gia tài vào khoảnh quần trây-di túm ống của thằng Đực. Từ lọ dầu nhị thiên đường, thẻ bài cạo gió đến bọc ớt khô, đường chảy, thuốc rê, mắm ruốc, v.v…
Thằng Đực vừa cột ống quần, vừa đưa tay đuổi ruồi. Những con ruồi xanh mất dạy, ốm tong teo – cứ chực chui vào mũi, vào tai, vào miệng… đám tù binh rách nát. Có con cả gan bu thẳng lên mu tay thằng Đực. Chúng nhao nhao kêu tíu tít, chổng đít giành nhau hút chất bầy nhầy trong các mụn ghẻ, làm thằng Đực trân mình… muốn són đái.
Tôi đứng bám vào hàng rào kẽm gai. Hàng rào ngăn ngang, chia hai khu vực giam giữ khác nhau. Bên này: tù chính trị. Bên kia: tù hình sự. Thằng Đực thuộc tù hình sự. Nó bị bắt từ năm 1976 đến nay. Án: tập trung cải tạo, không ghi thời hạn. Bởi tội danh: hành hung nhân viên công lực. Khi hỏi, tại sao đánh cán bộ? Nó lầm lì ngước mặt lên mây xanh, như nói chuyện với đất trời. Mẹ, tại y cà chớn, tui quánh cho bõ ghét…
Tôi thương thằng Đực, vì nó thường chui rào qua khu chính trị, tìm tôi để xin thuốc. Nhiều lúc, tôi cũng đói meo, nhờ nó tiếp tế cho một ít. Xin qua xin lại nhiều lần, riết rồi thân nhau, coi nhau như anh em ruột thịt. Thằng Đực hút thuốc như ống khói tàu. Nó vừa được vợ thăm nuôi tuần trước, vài tuần sau, người ta thấy nó cầm bọc nilon đi lượm tàn thuốc khắp nơi. Tàn thuốc lượm về, nó ngắt bỏ chỗ đã hút, rồi trút phần thuốc còn lại vào túi. Chịu khó như thế, chẳng bao lâu nó được một túi thuốc lá tổng hợp rất ngon lành. Từ thuốc rê, xuân lộc, hoa mai, đà lạt, tam đảo… đến bến thành, sài gòn giải phóng…, rồi có cả samit, đân-hiu, ba số, v.v… Trời ơi, hương vị đậm đà! Mặc tình cho thằng Đực phun hơi nhả khói.

Chiều nay, chiều hai tám Tết. Chốc nữa, tôi và mười chín bạn tù khác sẽ được cách ly, để ngày mai trở về với gia đình. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ thôi, khi cánh cửa các lán tù khép chặt lại, tôi sẽ thật sự xa thằng Đực, không biết bao giờ mới gặp lại. Chốn thâm sơn cùng cốc này, dẫy đầy chướng khí.
Mấy tháng đầu đến đây, tôi đã trải qua cơn sốt rét rừng tàn khốc. Thằng Đực phải đào tìm một loại rễ cây rừng, về bó vào tay tôi để chặn cữ rét. Buổi chiều, khi hết giờ lao động, nó nhảy ùm xuống dòng sông Đrây, lặng lẽ bơi ra xa, trầm ngâm đưa những mụn ghẻ toang hoác ra nhử cá. Chất lầy nhầy tanh tanh của ghẻ lở, vậy mà lôi cuốn được đám cá đói lạc loài nào đó. Chúng đến rỉa mồi, và thằng Đực trân mình chịu đau… cho đến khi lòn tay phía dưới, bắt dính các chú cá mới thôi. Lần đó, nó nấu cho tôi nồi cháo giải cảm tuyệt vời, ngon nhất trần đời.
Trại tù Xuyên Mộc là một trong những trại tù nổi tiếng khắc nghiệt ở miền Nam. Hằng ngày, bọn tôi phải vào sâu trong rừng lao động nặng nhọc. Bữa ăn chính chỉ có loe hoe vài lát khoai mì chua lè, hoặc dăm trái bắp đá nhai muốn rụng răng. Đói quá, bọn tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng đến mâm cao cỗ đầy trên bàn tiệc, để nuốt chúng vào bụng. Nhưng càng nuốt, chúng càng dội ra, nóng ran cả cổ họng. Đói quá, bọn tôi quơ luôn cả cỏ dại cây hoang cho vào nồi. Có đứa ăn nhầm nấm độc, ói mửa suốt đêm, rồi nằm xuôi tay chờ tử thần đến mang đi.
Thằng Đực may mắn hơn tôi, nó được vợ thăm nuôi đều đặn theo mỗi chu kỳ. Quà thăm nuôi của nó chẳng nhiều, chỉ quanh đi quẩn lại khô, mắm ruốc, đường chảy, nước tương, thuốc hút… Nhưng, theo nó, tình nghĩa của con Út (tên vợ nó) tràn trề. Quan trọng ở chỗ thương yêu với nhau, lúc sa cơ thất thế như thế này.
Tôi bất hạnh hơn nó. Ngày nào cũng nằm chèo queo, ngó ra cổng trại giam, trông tin vợ từng phút từng giây. Càng trông vợ, càng nghĩ quẩn. Tôi nghĩ đến những mối tình gãy gánh giữa đàng. Những người đàn bà nhẹ dạ, đành tâm sang ngang, từ chồng bỏ con trong cảnh lao lung. Tôi nghĩ đến Tuyết, vợ tôi, đang chới với giữa dòng đời khốn khổ. Liệu nàng có đứng vững được bằng đôi chân hiền thục, trước phong ba phũ phàng của thời cuộc?
Chiều xuống dần. Mặt trời vắt ngang trên các ngọn bằng lăng, chiếu ánh sáng gay gắt xuống trại tù. Thằng Đực gãi háng sột soạt. Những mụn ghẻ tượng mủ xanh, chực vỡ ra, lầy nhầy một cách xót xa. Chợt, nó lần xuống đáy quần, lôi ra lá thư chi chít chữ. Như một con sóc ranh mãnh, nó lẹ làng dúi vào túi áo tôi.
-Anh về, nhớ ghé nhà em. Tắm một chập cho sạch sẽ, mát mẻ. Đây là địa chỉ. Nhớ qua thẳng cầu chữ Y. Quẹo bến Phạm Thế Hiển. Nhà em ở cuối bến. Có con hẻm đi vào…
Tôi ờ ờ, rít hơi thuốc lá thật sâu, rồi ém khói lại trong buồng phổi. Tôi muốn thâu ngắn hình ảnh thằng Đực vào tim, vào lòng. Tôi muốn giữ kỷ niệm với nó. Những kỷ niệm đầy ắp tình thương, đầy ắp cay đắng ngọt bùi.
Tiếng còi bỗng vang lên. Tiếng gã trật tự quát tháo ầm ĩ. Tù binh nhốn nháo khắp nơi. Họ chạy vội ra sân, ngơ ngác nhìn xung quanh. Gã trật tự chấp hai bàn tay lại, đưa lên ngang mồm, làm loa:
-Hai mươi tù sắp trả tự do, tập họp. Chuẩn bị, chuyển trại.
Thằng Đực bỗng nẩy người lên, dang rộng đôi tay, nhào thẳng vào lòng tôi. Nó ôm tôi cứng ngắc, như sợ mất nhau. Nước mắt nó tuôn ra, lăn dài xuống má tôi, miệng tôi… mằn mặn.
-Về Bến Tre, nếu thất nghiệp. Anh nhớ lên con Út, vợ em. Con Út có vựa trái cây ở Phạm Thế Hiển. Nó sẽ bày anh cách mần ăn, kiếm sống.
Tôi ờ ờ, tìm cách đẩy nó ra, chạy vội đến gã trật tự. Tôi không thèm quay đầu nhìn lại thằng Đực. Bởi tôi sợ tôi mềm lòng. Rồi sẽ tệ hơn nó, khóc rống lên như một đứa con nít.

II.
Bến Phạm Thế Hiển tấp nập và dọc ngang những túp lều ổ chuột. Con hẻm vào nhà Út rối rắm như hang mối, chằng chịt những lối đi chia năm xẻ bảy. Tôi phân vân trước những lối đi. Lối nào cũng chật hẹp, tối tăm và ẩm ướt một cách nhớp nhúa. Tôi lật lá thư ra, hỏi thăm từng người. Cuối cùng, anh bán vé số dạo tình nguyện dắt tôi đến một khoang xe cũ, phía trước có vô số vỏ chai ngổn ngang.
-Đấy! Nhà cô Út đấy! Vào đi. Khom lưng xuống! Coi chừng, đụng cái trần cửa nghe cha nội!
Nhà Út là một khoang xe đò cũ lâu đời. Vòm thấp, lỗ chỗ dấu mục nát. Chủ nhà phải che thêm vài tấm cạc-tông để tránh mưa gió.
Tôi chui vào khoang xe. Khoang xe như một hang động mù mờ. Nếu không có ngọn đèn dầu leo lét trên bàn, tôi sẽ vấp ngã lung tung, bởi những đồ vật nằm vô trật tự trên sàn nhà.
Một bà già đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm, chào tôi.
-Thưa bác, cháu muốn gặp cô Út.
Bà già chỉ chiếc ghế trống.
-Cậu là khách quen của con Út ư? Ngồi chơi, chờ chút. Nó mắc… đi khách.
Tôi lúng túng, nhìn vào phía trong. Tấm ri-đô màu cứt ngựa chắn ngang. Những cử động kỳ quái nào đó… đằng sau, dồn dập. Tiếng đàn bà lầu bầu, lẫn với tiếng quần áo loạt soạt, tiếng cài khuy áo…

Rồi, tiếng gã đàn ông cười khoái trá. Giọng cười như xé toạc không gian, bay vút vào đầu tôi, khiến tôi choáng váng, quay cuồng. Tôi vội đứng dậy như lò xo, lấy lá thư ra, buông xuống mặt bàn.
-Có thư gởi cho cô Út.
Tôi chỉ nói có bấy nhiêu lời. Xong, cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng ra khỏi con hẻm. Tôi không muốn nhìn thấy Út. Không muốn nhìn thấy người đàn bà hiền thục mà thằng Đực luôn mang ấn tượng đẹp đẽ trong lòng. Bây giờ, nàng đang làm cái nghề tệ hại nhất, xót xa nhất của một kiếp người.


(minh họa)

III.
Cồn Dơi hiện ra trong ánh sáng nhá nhem cuối ngày. Mùi trái cây thoang thoảng. Mùi hương cau thơm thơm, làm khứu giác của tôi chùng xuống, nôn nao một cách lạ kỳ. Chỉ còn khoảng đê ngắn nữa, tôi sẽ tới nhà. Sẽ gặp lại Tuyết, gặp lại con thơ, gặp lại hình ảnh thân yêu ngày nào. Rồi, việc gì xảy ra? Tuyết vẫn còn nguyên vẹn như xưa? Hay như con đò tách bến sang sông? Hay như dòng nước bỏ nguồn ra biển?
Tôi lại nhớ đến con Út. Nhớ cái vựa trái cây tưởng tượng của thằng Đực. Nhớ giọng cười khoái trá của gã đàn ông dâm đãng. Nhớ từng điếu thuốc thơm, từng keo mắm ruốc, từng con cá sặc mặn mòi. Nhớ những bữa cơm “huy hoàng” ăn ké với thằng Đực. Bữa cơm đẫm giọt mồ hôi, đẫm giọt nước mắt tủi nhục của con Út.
Chỉ còn khúc quanh, chừng mươi bước nữa, tôi sẽ đứng trước cây vú sữa ở sân nhà. Tôi sẽ gặp lại túp lều nhỏ bé quen thuộc. Túp lều do chính tay tôi đẽo từng lỗ đủng đỉnh, chuốt từng mảnh cau tươi, và hì hục dựng lên đường hoàng – trước khi khăn gói vào tù. Túp lều được chị vợ tôi thương tình cho phép cất tạm, trên bờ đất ngoằn ngoèo những rễ cây chôm chôm.
Tôi đứng nép vào cây vú sữa, hồi hộp nhìn vào sân nhà. Thôi rồi! tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Túp lều thân yêu ngày xưa, giờ không còn nữa. Thay vào đấy, là mái nhà khang trang, vách ván kín đáo. Và trời ơi! một gã đàn ông xa lạ nào đó, đang ngồi tỉnh queo, hút thuốc trước cửa. Gã mặc áo thun, quần đùi – chừng như có vẻ quen thuộc với căn nhà, từ lâu, rất lâu. Nghĩa là… không còn gì nói nữa. Tôi đã thua. Và đã thua một cách thảm hại.
Sẽ không còn nguyên do nào để ở đây, để nhìn thấy nỗi đau vô cùng đang thấm dần vào gan ruột. Tôi phải đi. Đi khỏi đây. Về phương trời xa lạ nào khác dung thân, sống chuỗi ngày tàn. Nhưng, trước khi bỏ đi, tôi phải gặp người chị vợ, chân thành nói lời cám ơn, từ tạ. Phải gặp con tôi, đặt vào gò má thương yêu của nó một nụ hôn cuối cùng.
Băng qua đoạn mương cụt đầy lá khô, tôi quyết định bước vào nhà chị vợ. Vừa tới cửa, chị tôi mừng rỡ reo to, rồi ôm chầm lấy tôi, nghẹn ngào.
-Em mới về đấy ư? Sao? Có khổ lắm không? Lao động có cực không?
Tôi đẩy chị ra xa, lạnh lùng như kẻ xa lạ:
-Tôi muốn gặp con tôi lần cuối, trước khi tôi rời khỏi nơi đây…
Chị trợn mắt nhìn tôi. Nhìn tôi từ đầu tới chân.
-Hả? Đi Đâu? Mày muốn bỏ vợ con hử?
-Ai bỏ ai thì tự biết lấy. Vậy chớ… thằng cha nội nào ngồi bên nhà tôi đó?
Tôi gằn giọng:
-Chị nói đi… Thằng cha nội nào?
Chị vểnh môi, ngạc nhiên. Rồi… nhào đến ôm chầm lấy tôi, cười khà khà:
-Thằng quỷ! Đó là Hai Lộc. Anh ruột con Tuyết. Nó từ thành phố dọn về đây gần ba năm nay. Nó cất nhà, thờ ông bà. Cái chòi đủng đỉnh của vợ chồng mày đã mục từ lâu, sập mẹ rồi!
Tôi há to mồm, nuốt từng lời chị. Những lời chị tuôn ra, lúc này, giống những ngọn roi quất vào lòng tôi, khiến tôi bật khóc lên như đứa con nít.
-Hai Lộc? Hai Lộc hả? Trời ơi! mười năm rồi, không gặp nhau. Ảnh lạ quá! Nhìn không ra. Còn vợ tôi? Con tôi? Hiện tại, ở đâu?
-Trời ơi! Em không được thư của mấy đứa cháu sao?
-Có được thư từ chi đâu? Sao? Chị cứ nói đi…
-Con Tuyết bịnh nặng hơn sáu tháng qua. Nó bị trụy tim, nằm bệnh viện khá lâu. Nó đang nghỉ tạm nơi nhà cô bảy ở Mỹ Tho.
Nghe được bấy nhiêu lời. Tôi phóng thật nhanh ra sân, xách vội chiếc xe đạp của Hai Lộc đang dựng bên gốc vú sữa. Tôi đạp lia lịa, băng qua khu vườn tối om om, chạy thẳng ra Bến Tre, rồi nhảy xuống phà Rạch Miễu, vượt qua sông Tiền mênh mông, để về Mỹ Tho gặp Tuyết, kịp giờ đón Giao thừa.
Tuyết nằm trên giường, xanh xao vàng vọt như một tàu lá rũ. Cơn bệnh vật ngã nàng, làm thay đổi toàn diện nhan sắc. Nhưng, nó đã không thể vật ngã được, không thể thay đổi được lòng thủy chung của nàng. Tôi sà xuống, ôm nàng hôn như mưa bão điên cuồng. Tuyết cười rạng rỡ, nụ cười tràn đầy nước mắt. Thứ nước mắt của hạnh phúc vô cùng.
Đêm đó, tôi dìu Tuyết thức dậy cùng đón Giao thừa. Chúng tôi như sống lại những ngày đầu tiên vừa mới quen nhau, những ngày hạnh phúc nhất trên đời.
Và đêm đó, tôi đã ngủ một giấc thật say sưa. Trong giấc ngủ, tôi chợt thấy thằng Đực hiện ra. Nó hiện ra với thân thể đầy mụn ghẻ tanh hôi, nhưng tay vẫn khư khư ôm lấy cái bọc nilon nhàu nát. Và cứ thế, nó lang thang khắp các lán tù, nhặt tàn thuốc vụn để quên đời…


Tin Cộng Ðồng

Điệp Khúc Cũ Rích, Đảng Hát Mỗi Dịp Tết Về! Kiều Bào Trước Lời Kêu Gọi Hằng Năm Nhân Dịp Xuân Về: Đóng Góp Xây Dựng Đất Nước!
(Diễm Thi)


(Hình: Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos (trái) và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thương (thứ 2 từ trái) xem làm bánh chưng ở Hà Nội vào ngày 30/1/2024.)
-Hôm 2 tháng 2 năm 2024, báo Chính phủ đăng nguyên văn bài phát biểu của ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng sản Việt Nam, tại Chương trình "Xuân Quê hương 2024" diễn ra tại thành phố Sài Gòn.
Theo ông Thưởng, người Việt Nam ở ngoại quốc, dù thuộc thế hệ nào, ở bất cứ nơi đâu, đã là con Lạc-cháu Hồng đều luôn là một phần máu thịt, một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc, luôn hiện hữu trong trái tim, tình cảm của đất nước, dân tộc Việt Nam. Ông Thưởng đồng thời kêu gọi "kiều bào hãy đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc vào mục tiêu đi tới của dân tộc, cùng chung tay xây đắp cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước, để Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta vững vàng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu".

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái ở Hoa Kỳ nêu quan điểm của ông với Ðài Á Châu Tự Do (RFA) về lời kêu gọi này:
"Cá nhân tôi thì tôi không tin vào lời kêu gọi của ông Võ Văn Thưởng, bởi từ ngày những người Cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc trước năm 1975, và toàn cõi Việt Nam sau 1975 cho thấy, tất cả những lời kêu gọi đó chỉ vì quyền lợi của đảng của họ, quyền lợi đất nước thì không nhiều.
Trong thời qua có những người Việt Nam nghe lời kêu gọi của lãnh đạo Hà Nội trở về nước làm ăn. Khi về Việt Nam họ chung tay tiếp sức để xây dựng cơ đồ như cách nói của ông Võ Văn Thưởng. Sau đó họ hoàn toàn thất vọng bởi họ thấy cách mà những người điều hành ở Việt Nam bây giờ. Có người họ thành công thì sau đó họ bị những biện pháp của nhà nước chiếm đoạt thành quả của họ khiến họ phải tìm cách ra đi lần nữa".
Ông Thái nhắc lại câu chuyện ông Trịnh Vĩnh Bình, một triệu phú ở Hòa Lan đã đem hơn 3 triệu Mỹ kim về Việt Nam làm ăn và đầu tư trong nước vào cuối năm 1987. Đến năm 1999, ông bị tịch thu tài sản và lãnh án 11 năm tù. Ông đã bị tạm giữ 18 tháng và trong khi được tại ngoại, ông Bình đã tìm cách trốn thoát khỏi Việt Nam.

Trước khi kêu gọi người Việt Nam ở ngoại quốc về chung tay xây dựng đất nước, ông Võ Văn Thưởng nói rằng: "Dù ở bất cứ nơi đâu, trong điều kiện nào, lứa tuổi nào, quốc tịch nào, là người mang dòng máu Việt Nam, là người Việt Nam yêu nước thì đều có thể đóng góp cho Tổ quốc theo cách riêng của mình. Bởi tình yêu Tổ quốc là một điều giản dị, gần gũi và tự nhiên, một nhu cầu, khao khát tự nhiên và chính đáng".
Bà Phương Diên ở Úc Ðại Lợi nói với RFA:
"Thể chế chính trị của Việt Nam là độc đảng, chỉ có một đảng cai trị. Khi đảng Cộng sản quyết định mọi thứ thì không bao giờ có sự công bằng, không có chuyện trở về xây dựng đất nước. Đơn giản vậy thôi!
Nếu có đa đảng thì mới có sự cạnh tranh thì đất nước mới tốt đẹp lên được. Chừng nào có sự công bằng, bình đẳng trong xã hội thì chúng tôi mới trở về xây dựng đất nước. Cái đảng này họ chỉ muốn quyền lợi cho họ thôi. Họ muốn có thêm quyền lực trong tay. Họ không xây dựng đất nước đâu. Họ chỉ xây dựng đảng của họ thôi. Do đó, khi kiều bào về xây dựng uy tín cho đất nước, là họ xây dựng uy tín cho đảng cầm quyền àm thôi. Chúng tôi về đóng góp xây dựng đất nước là chỉ xây dựng cho đảng của họ thêm lớn mạnh thôi".
Hôm 3 tháng 2 năm 2024, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" được truyền thông nhà nước đăng tải.
Trong bài viết, ông Trọng trước hết ca ngợi những thành tích đạt được nhờ vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng. Sau cùng, ông Trọng thừa nhận những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt.
Chẳng hạn như thị trường tài chánh-tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn; hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn; vốn ngoại quốc đầu tư đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm; tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng….
Ông Trọng không quên nhắc nhở "các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ chúng ta nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta".


(Hình: Chủ tịch CSVN Võ Văn Thưởng.)
Với lời kêu gọi của ông Võ Văn Thưởng, nhà báo Song Chi ở Anh Quốc nhận định:
"Tại sao đảng phải kêu gọi như thế? Thứ nhất là vấn đề tiền, là khó khăn về kinh tế. Rõ ràng là sau đại dịch COVID19 và những chiến tranh trên thế giới, những nước còn nghèo và kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng và đầu tư của ngoại quốc, cộng thêm quản lý kém và nạn tham nhũng nặng nề như Việt Nam thì khó khăn càng lớn.
Thứ hai nữa, năm vừa qua là một năm nhân quyền Việt Nam rất u ám. Họ bắt cả những người hoạt động môi trường, những youtuber, những facebooker… là những người không đáng bị bắt. Như vậy, câu hỏi cho tất cả những người muốn về làm ăn, đóng góp xây dựng đất nước, liệu có làm việc được trong một môi trường luật pháp như Việt Nam không? Họ phải đút lót, phải hối lộ, phải vi phạm pháp luật, rồi một ngày nào đó nếu nhà nước muốn bắt thì sẽ bắt bằng bất cứ cớ nào.
Ai cũng muốn đóng góp cho đất nước, ai cũng muốn đất nước mình giàu mạnh. Nhưng trước hết phải nhìn vào cái chính sách, cái tư tưởng, cái đường lối, luật pháp ở Việt Nam để thấy họ không thay đổi. Đó là điều mọi người cần suy nghĩ khi quay trở về đóng góp cho đất nước".
Nhà báo Trần Ngọc Tuấn ở Cộng hòa Séc thì cho rằng, muốn người Việt ở ngoại quốc chung tay xây dựng đất nước, việc đầu tiên là những người lãnh đạo phải thấy những sai lầm của họ khi đối xử với những người từng ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Ông nói tiếp:
"Vào nghĩa trang Biên Hòa xem họ đối xử với những người đã mất ra sao. Với những người lên tiếng phản biện mong đất nước tốt đẹp hơn, họ đối xử ra sao? Những người phản biện này cũng xây dựng đất nước đấy. Có lẽ không cần phải dẫn chứng những người đang ở trong tù. Xây dựng dất nước không có nghĩa phải mang tiền về.

Phải làm sao thay đổi tận gốc đường lối quản trị. Hay nói thẳng ra là phải thay đổi cả mô hình về chính trị. Tất cả sự bất công, tất cả những cái xấu ngáng trở sự tiến lên của đất nước là từ thể chế chính trị mà ra. Tôi nghĩ rằng, khi Việt Nam thực sự thay đổi thì không cần các ông ấy kêu gọi, rất nhiều người Việt trên thế giới sẽ bỏ trí tuệ, công sức và vật chất về xây dựng đất nước tốt đẹp hơn".
Không chỉ vào mỗi dịp Xuân về, khi nào đất nước rơi vào tình huống khó khăn, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Hà Nội lại khơi gợi lòng yêu nước của người dân và đồng bào ở hải ngoại đóng góp cho sự tồn vong, phồn vinh của quê hương, đất nước.
Đơn cử như trong dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Phạm Minh Chính hô hào mọi người đóng góp để Chính phủ mua vắc-xin chích ngừa cho người dân. Khoản đóng góp cho quỹ này tính đến cuối tháng 6 năm 2021 gần 8.000 tỉ đồng.


Ngày Xuân Lẩy Kiều: Kiều Bào Giận Cụ Nguyễn Du!
(Nguyễn Nhơn)


(Hình: Một phụ nữ được đưa về phi trường Vân Đồn, Quảng Ninh, từ tâm dịch COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc, hôm 10/2/2020.)
-Chứ còn sao nữa? Mấy năm gần đây, kiều bào giận cụ kịch liệt. Ai bảo cụ qua đời hơn hai thế kỷ mà sấm truyền để lại chính xác đến từng chữ từng câu, ám vào đời các "kiều" đến sợ hãi.
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ "kiều" chữ "sứ" rõ là ghét nhau
Trải qua lắm cuộc… gì đâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì cái thói quan ông
Xưa nay hễ thấy hơi đồng là mê
Đời nàng Kiều xưa lênh đênh vạn dặm, xa lìa người thân, rơi vào đáy sâu cuộc đời, khi hy vọng tràn trề tin tưởng được cứu giúp thì nào ngờ gặp phải hết Mã Giám sinh, Tú bà, lại đến Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến. Đời các Kiều (bào) ngày nay, hết gặp phải các thể loại "sứ" thì đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Hết "Chuyến bay giải cứu" lại đụng phải các trại cách ly điều kiện ăn ở tệ hơn ký túc xá sinh viên nghèo nhưng hét giá phải cỡ khách sạn năm sao trở lên.
Năm 2022, khi dịch COVID-19 lên đỉnh điểm ở nhiều nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam có chủ trương giải cứu kiều bào và người Việt Nam ở ngoại quốc về nước tránh dịch. Đây là chủ trương nhân đạo, nhưng phải phụ thuộc vào quyền phê duyệt của một số cơ quan, một số người cụ thể. Khiến (như thông lệ), doanh nghiệp tổ chức chuyến bay và kiều bào cần được giải cứu phải chạy rất nhiều tiền mới được tổ chức chuyến bay hoặc được mua vé về nhà.
Cách đây hơn 200 năm còn lộc cộc đi ngựa nhưng Nguyễn Du đã tiên đoán được sau này sẽ có các chuyến bay giải cứu:
Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong cõi hồng trần như bay
Nhưng:
Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền
Từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay giải cứu, bà bầu Hồng Hạnh (25 tuổi, quê Bắc Ninh) mua vé 20 triệu đồng, đắt gấp 3 bình thường. Nhưng cô còn may, vì sinh viên Đức Trung (Hà Nội) phải chi đến 54 triệu đồng.
Phải mau may túi ba gang
Một phen này hẳn ngàn vàng chẳng ngoa
Một đằng nhỏ giọt vé ra
Kiều bào kiều bọt ắt là đua nhau.
Hẳn vài chục triệu kém đâu
Vốn thì chẳng mất, còn đâu toàn lời.
Miếng ngon kề đến tận nơi
Không ăn còn bị chúng cười là ngu!
Cựu Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Nhật Bản đã nhận tiền của một doanh nghiệp để giúp họ bán vé và đưa công dân về nước cách ly tại khách sạn của doanh nghiệp này luôn. Qua 6 chuyến bay, công ty này lãi 18 tỉ đồng, họ khai chia cựu Ðại sứ gần 2 tỉ đồng.


(Hình: Công dân Việt Nam mặc đồ bảo hộ đợi lên máy bay ở Tân Gia Ba để về nước thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 hôm 7/8/2020).
Hồng Hạnh bị kẹt lại Nhật Bản khi dịch bùng phát năm 2021. Cô tự nhận là "lao động chui", phải làm bốc vác trong công ty thực phẩm, lương từ 25 triệu-30 triệu đồng. Nhưng cô phải gửi về nhà phần lớn thu nhập, chỉ dám chi tiêu khoảng 8 triệu đồng cho bản thân. Khi dịch lên cao điểm, hoạt động kinh tế ở Nhật bắt đầu tê liệt, Hạnh mất việc, không có tiền để dành, bị chủ trọ đuổi khỏi nhà. Cô vét túi mua vé đến một địa phương khác ở nhờ người thân rồi xin lên chùa để được cưu mang cơm ăn, chốn ở. Suốt nhiều ngày, cô mang tấm biển chỉ có 9 chữ màu đỏ "Tôi đang mang thai, xin cho tôi về nước" đến chờ chực trước Tòa Ðại sứ cùng với nhiều người khác,
Sự tình như khóc như than
Khiến người ngoài cuộc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng Việt Nam đồng
Quan tham cười tủm, người dân khóc òa.
Thế rồi bị phát giác, điều tra, ra tòa:
Dưới tòa, còng mới mở ra
Chính danh thủ phạm tên là... (một dây).
Thoạt trông liêm chính đủ đầy
Nào ngờ tham nhũng đã dầy bao năm.
Cựu Giám đốc công ty Vijasun khai ông nhiều lần gặp khó khăn khi xin cấp phép các chuyến bay và bị ép phải đưa tiền.
Rằng: Xin giấy phép chuyến bay
Lót tay xin dạy cỡ dày mấy gang?
Quan rằng: Đáng giá ngàn vàng
Đầy người đứng cửa xếp hàng chờ xin.
Cò kè bớt chục thêm ngàn
Giờ lâu ngã giá cục tiền gãy chân.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, 32 lần nhận hối lộ 25 tỉ đồng của tám cá nhân đại diện doanh nghiệp nhưng không nhớ nhận của ai, tiền đã tiêu hết nhưng cũng không nhớ đã tiêu vào việc gì:
Ngoại giao có một chị Lan
Nuốt 25 tỉ không màng nhớ tên.
Cùng trong một cánh làm tiền
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường
Chung lưng bóp nặn doanh thương
Quanh năm buôn nước… quỳnh tương đã rành!
(Quỳnh tương: nước bọt (châm biếm)
Đều là các viên chức cao cấp "phương diện quốc gia", khi còn tại chức:
Nghênh ngang một cõi sơn hà
Thiếu gì doanh nghiệp, huống là người dân
Hoạnh tiền ai dám phân vân
Bao năm bóp nặn thành thần, thành ma.
Nhưng đến khi ra tòa, thì từ Thứ trưởng, Cục trưởng, Lãnh sự, Trưởng phòng…:
Xe công chở đến pháp đường
Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ run
"Ăn năn" "xin lỗi" huyên thiên
Nào trên xin Đảng, dưới liền xin dân:
- Chúng em chẳng quản tấm thân
Một lòng vì nước vì dân nhiệt tình
Oan này thật khó thanh minh
Người ta cứ tự vác tiền đến cho
Mình không nhận, họ càng lo!
Khi bị chất vấn, vạch tội thì:
Phong lôi nổi trận bời bời
Nặng lòng xảo quyệt tính bài phân chia
Quyết ngay biện bạch một bề
Rằng valy đó chẳng hề đựng đô.

Từ ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Bộ trưởng Bộ Y tế đến bà Cục trưởng Cục Lãnh sự đều lôi công lao thành tích chống dịch, thậm chí gia cảnh khó khăn mẹ già con dại, gia đình liệt sĩ… ra để xin giảm tội:
Trên vì nước, dưới vì nhà
(Một là đắc lợi, hai là đắc danh)
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nói doanh nghiệp xin gặp thì gặp để lắng nghe, giải quyết khó khăn. Khi doanh nghiệp hoàn thành chuyến bay thì đến gặp để báo cáo kết quả, họ đưa quà là quà cảm ơn thôi chứ không biết như thế là hối lộ. Có 21,5 tỉ chứ mấy!
Một chàng vừa trạc trung niên
Thông minh vầng trán đắt tiền áo khăn
Nghĩ rằng cũng mặt quan nhân
Ra tòa mới biết là thằng vô tri
Bộ to nắm chức nhất nhì
Ăn hối lộ chứ làm gì sai đâu!
Cựu Phó cục trưởng Cục quản lý Xuất-nhập cảnh Trần Văn Dự nhận 7,6 tỉ đồng, tự bào chữa "Không ai nói với tôi đó là tiền hối lộ" "nhận hối lộ nhưng vô tình, không phải biết mà vẫn nhận. Cũng là số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước, không sao cả". Quả là Sở Khanh tái thế:
Tiền trao, Dự gật gật đầu
Ta đây nào phải ai đâu mà rằng!
Tòa đà biết đến ta chăng
Thanh liêm chính trực ai bằng xưa nay!
Rằng hay thì thực là hay
(Không hay thì lại đổ ngay cho người!)
Cũng có chút ít hả dạ khi bọn tham quan dắt nhau vào lò:
Kiều bào từ lúc mở tòa
Ngồi xem chăm chú thật là vui thay
Bao nhiêu uất ức xưa rày
Hôm nay trả hận cũng đầy no gan
Khinh thay một lũ làm quan
Hút máu dân để làm tàn che thân!
Một hôm nào đó kiều bào được gọi là khúc ruột ngàn dặm ở xa tổ quốc. Nghe thật da diết yêu thương. Được đảng, chính phủ ca ngợi và đi thăm mỗi mùa Xuân về. Nhưng chẳng khác gì với nàng Kiều, tình thâm nghĩa trọng đấy nhưng phu thê chỉ là tiếng hão. Những hạnh phúc thật sự của một cuộc đời phụ nữ bình thường, Kiều chỉ có thể đứng bên nhìn. Còn chính bản thân Kiều, thâm tình với Kim Trọng chỉ còn:
Khi chén rượu, lúc cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.
Hóa ra Kiều nào cũng thế, cuộc tình với người cũ bề ngoài rực rỡ đầy hoan hỉ nhưng bên trong trống rỗng.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do (RFA).
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.


Đi Đâu Mang Tiếng Xấu Đến Đó, Nam Úc Dừng Nhận Học Sinh 3 Tỉnh của Việt Nam!


(Hình: Một du học sinh Á Châu tại Úc Ðại Lợi.)
-Sở Giáo dục Nam Úc tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình vào các trường phổ thông công lập (lớp 1-12) sau khi một số học sinh bị mất liên lạc.
VnExpress hôm 5/2/2024 dẫn lời Sở Giáo dục khu vực này cho biết rằng họ đưa ra quyết định trên sau khi xem xét quê quán của một số ít học sinh "rời nhà trọ mà không được phép".
Báo điện tử này dẫn lời phát ngôn viên Sở Giáo dục Nam Úc nói rằng "quyết định này phù hợp với đạo luật về Dịch vụ giáo dục dành cho du học sinh, nhằm duy trì tính toàn vẹn của hệ thống thị thực Úc Ðại Lợi".
Phát ngôn viên này được dẫn lời cho biết tiếp rằng các đơn đăng ký khác từ Việt Nam vẫn được xem xét bình thường.
Quyết định này được đưa ra khoảng một tháng sau khi bốn du học sinh Việt Nam được coi là mất liên lạc ở Nam Úc.

Cảnh sát vùng Nam Úc cuối tháng trước nói rằng một số em "có thể đã đi du lịch xuyên bang và vẫn ở đó".
Một phát ngôn viên của cảnh sát Nam Úc được tờ Daily Mail dẫn lời nói rằng các cuộc điều tra không cho thấy các du học sinh này "đang gặp nguy hiểm" và "dường như đang chủ động trốn tránh cảnh sát".
Theo tờ báo này, cảnh sát Nam Úc cho biết họ đã liên lạc được với gia đình các du học sinh ở Việt Nam, và những người thân này "không chia sẻ bất kỳ mối lo ngại nào" về hiện trạng của các du học sinh này.
VnExpress đưa tin, tính đến tháng 10/2023, hơn 31.600 du học sinh Việt ở Úc Ðại Lợi, xếp thứ 6 về số sinh viên quốc tế, và số này bao gồm sinh viên hệ phổ thông, Đại học, Cao đẳng, các chương trình học nghề hay tiếng Anh.
Theo báo điện tử này, Sở Giáo dục Nam Úc cho hay, tiểu bang này khai triển chương trình giáo dục quốc tế từ năm 1989. Du học sinh Việt Nam là một trong những nhóm đông nhất.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Cơ Quan Bảo Vệ Tác Quyền Cáo Buộc Việt Nam Là "Thiên Đàng" Vi Phạm Trên Mạng


(Hình: Một cửa hàng DVD và CD ở Hà Nội năm 2004.)
-Liên minh Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (IIPA) và nhiều nhóm thuộc ngành kỹ thuật giải trí cáo buộc Việt Nam là thiên đàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng.
Mạng TorrentFreak chuyên loan tin về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực tác quyền giải trí, phim ảnh vào ngày 5/2/2024 loan tin vừa nêu. Theo đó, Việt Nam bị xem là nhà xuất cảng hàng đầu thế giới các dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; quốc gia này là "nhà" của những nền tảng "tội phạm" như Fmovie, AniWave, 123movies, và 2embed.
Những nền tảng gồm Fmovies, AniWave, 123 movies, BestBuyIPTV, 2embed, và Y2mate được nói mỗi tháng thu nhiều triệu Mỹ kim từ người dùng khắp nơi trên thế giới.
Trong những năm gần đây các nhóm chuyên bảo vệ tác quyền để ý chặt chẽ đến ngày càng tăng các dịch vụ vi phạm tác quyền có mối liên kết với Việt Nam.

Hiệp hội Điện ảnh (MPA) và Liên minh Sáng tạo & Giải trí (ACE) do IIPA đại diện từng đến tại Việt Nam để thảo luận vấn đề này với phía cơ quan chức năng Việt Nam. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như thế từng được cảnh báo; thế nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa thể áp dụng biện pháp hình sự đối với những đối tượng vi phạm.
IIPA kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải tiến hành biện pháp cáo buộc hình sự đối với hành động vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì mới có thể giải quyết vấn nạn đó.
Nhằm củng cố cho kêu gọi phía Việt Nam phải có biện pháp đối với nạn ăn cắp, vi phạm tác quyền, IIPA thúc giục Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hỗ trợ cho liên minh thông qua khuyến nghị đưa Việt Nam vào Danh sách Ưu tiên Theo dõi năm 2024.
Cũng theo thống kê của IIPA, ngoài vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phim ảnh, giải trí, hai phần ba (tương đường 66%) người Việt Nam được khảo sát từ 16 đến 44 tuổi đều thừa nhận ăn cắp bản quyền âm nhạc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều mức trung bình toàn cầu.


Thị Trường Thiết Bị Bay Không Người Lái của Việt Nam Dự Kiến Tăng 16,80% Trong Giai Đoạn 2024-2030


(Hình: Một máy bay không người lái dùng cho quân sự tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế ở Hà Nội hôm 8/12/2022.)
-Thị trường thiết bị bay không người lái (drone) của Việt Nam được dự kiến tăng 16,8% từ giai đoạn 2024 đến 2030. Tập đoàn IMARC chuyên nghiên cứu thị trường công bố báo cáo với dự kiến như vừa nêu.
Một số căn cứ cho dự kiến tăng trưởng vừa nêu dựa vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, lĩnh vực mở rộng cơ sở hạ tầng và thăm dò.
Nền nông nghiệp hiện đại sử dụng thiết bị bay không người lái để giúp người nông dân theo dõi mùa vụ, đánh giá tình trạng đất đai và tối ưu hóa thủy lợi. Vào khi Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh đến biện pháp gia tăng năng suất, thiết bị bay không người lái sẽ là động lực phát triển chính để đạt mục tiêu này.
Hiện Việt Nam cũng đang mở rộng cơ sở hạ tầng và thiết bị bay không người lái sẽ giúp cho công tác thăm dò, lập bản đồ, giám sát công trường/công trình; cũng như cung cấp dữ liệu chính xác, kịp thời cho công tác quản trị kế hoạch.
Chính phủ Hà Nội được nhận định đang có những sáng kiến và quy định nhằm định hình thị trường thiết bị bay không người lái. Do nhận thức được những lợi ích của thiết bị bay không người lái trong nhiều lĩnh vực, nên Chính phủ Hà Nội được cho biết đang thực hiện những bước để tạo ra khung pháp lý bảo đảm việc sử dụng thiết bị bay không người lái một cách an toàn và có trách nhiệm.


Công Ty Đầu Tư Tân Gia Ba Nhận Thêm Vốn Để Cung Cấp Vốn Vay Cho Các Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ ở Việt Nam


(Hình: Một người bán hàng đứng tại cửa hàng bán đồ trang trí của mình ở Hà Nội hôm 29/12/2023.)
-Công ty đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật tài chánh Validus có trụ sở tại Tân Gia Ba mới đây cho biết hãng này đã nhận được khoản đầu tư mới từ một hãng của Nhật Bản có tên Reazon Holdings để hỗ trợ cho hoạt động cho vay ở Việt Nam. Khoản đầu tư mới này không được hãng cho biết cụ thể là bao nhiêu, trang tin Techinassia dẫn nguồn tin từ Validus cho biết.
Validus cho Techinasia biết Reazon Holdings quyết định đầu tư vào Validus Vietnam vì lý do "tiềm năng thị trường cao".
Reazon Holdings cho biết khoản đầu tư này sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của Validus Vietnam bao gồm việc thu hút vốn từ bên ngoài cho hãng thông qua mạng lưới của hãng.
Trên trang web của hãng tại Việt Nam, Validus cho biết hãng là một công ty Fintech hàng đầu ở Đông Nam Á được đầu tư bởi Quỹ Vertex của Chính phủ Tân Gia Ba. Công ty tài trợ tăng trưởng tài chánh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á và hiện hoạt động tại bốn quốc gia là Nam Dương, Tân Gia Ba, Thái Lan và Việt Nam.
Hồi tháng 12/2023, Validus đã nhận 20 triệu Mỹ kim đầu tư từ 01Fintech, một quỹ đầu tư tư nhân thuộc một cựu lãnh đạo của Ant Group. Cho đến nay, Validus đã thu hút được khoảng 90 triệu Mỹ kim kể từ khi thành lập vaò năm 2015.


Khởi Tố Nhóm Mua, Bán Thận Thu Lời Hàng Tỉ đồng!


(Hình: Nguyên và Ân tại cơ quan công an.)
-Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can bốn đối tượng trú về tội "Mua bán bộ phận cơ thể người" theo điều 154 Bộ luật Hình sự.
Những người bị khởi tố được truyền thông loan trong ngày 6/2 gồm: Từ Công Nguyên (trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) - cầm đầu đường dây mua, bán thận; Đặng Hoàng Bích Ân (trú tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Trường Sơn (trú tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); Nguyễn Ngọc Diễm (trú tại quận Gò Vấp, Tp. HCM).
Các đối tượng trên, theo Công an, đều là những người từng bán thận của mình nên biết các thủ tục và nhu cầu tìm người bán, người mua thận ở các bệnh viện.
Để thực hiện hành vi phạm tội, nhóm này thường xuyên lên mạng tìm người có nhu cầu bán thận bằng cách đăng thông tin "Cần người hiến thận nhóm máu A, B, O; sau phẫu thuật hiến thận được bồi dưỡng từ 380 triệu đồng đến 450 triệu đồng" trên trang "Hội nhóm hiến thận nhân đạo". Khi tìm được người bán thận, họ đề nghị người bán tới Hà Nội để làm xét nghiệm máu, đồng thời hướng dẫn họ làm các thủ tục pháp lý để hợp thức hóa việc mua, bán thận.
Sau đó nhóm bốn người trên lên mạng tìm người mua thận và thỏa thuận với giá từ 700 triệu đến gần 1 tỉ đồng. Sau khi chốt giá, nhóm của Nguyên đưa người bán, người mua tới bệnh viện để làm thủ tục, thực hiện ca phẫu thuật cắt, ghép thận tại bệnh viện.
Với thủ đoạn trên, Công an cho biết, nhóm của Nguyên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ môi giới mua, bán thận, thu về hàng tỉ đồng. Hiện, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, khai thác mở rộng vụ án, làm rõ các đối tượng liên quan khác.


Tp. HCM: Triệt Phá Đường Dây Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy, Khởi Tố 16 Bị Can


(Hình: Tang vật vụ án được Công an thu giữ.)
-Trong ngày 6/2/2024, Đại diện Phòng Tham mưu Công an Tp. HCM cho truyền thông hay 2 đường dây vận chuyển, bào chế, mua bán trái phép chất ma túy với số tang vật khủng vừa bị Công an Tp. HCM triệt phá.
Theo Phòng tham mưu, trước đó, Công an quận Bình Thạnh và Công an quận 8 phát giác băng nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ, lưu hành tiền giả do Phạm Ngọc Đức (biệt danh "Đức khỉ", 35 tuổi) cầm đầu và Nguyễn Ngọc Tiền (30 tuổi, cùng ngụ quận Bình Thạnh) giữ vai trò giúp sức. Mở rộng điều tra, Công an phát giác Lê Ngọc Thành cầm đầu, là đối tượng đấu tranh Chuyên án của Công an quận 8.
Qua khám xét khẩn cấp 11 địa điểm là chỗ ở, nơi nhóm này sử dụng làm kho cất giấu ma túy, Công an phát giác, thu giữ gần 10 kg ma túy tổng hợp các loại, hơn 200 viên thuốc lắc, 2 khẩu súng quân dụng, 1 khẩu súng thể thao, 30 viên đạn các loại cùng 4,8 kg bột hóa chất phụ gia phục vụ quá trình bào chế, đóng gói ma túy thành phẩm.
Qua chứng cứ thu được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp. HCM đã khởi tố đối với 16 bị can, tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, lưu hành tiền giả và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Hôm đầu tháng 1/2024, Công an Tp. HCM cũng đã phối hợp công an các tỉnh, thành, Bộ Công an triệt phá đường dây vận chuyển ma túy từ Lào sang Việt Nam, thu giữ 290kg ma túy các loại. Có 26 người trong đường dây này bị Công an Tp. HCM bắt giữ.


Cảnh Sát Biển Việt Nam, Trung Quốc Lần Đầu Tiên Tuần Tra Chung Vùng Giáp Ranh Quảng Ninh-Quảng Tây


(Ảnh: Các tàu, xuồng Việt Nam, Trung Quốc tuần tra chung hôm 5/2/2024 ở vùng biển giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây.)
-Lực lượng Cảnh sát Biển của Việt Nam và Trung Quốc vào hôm 5/2 tổ chức cuộc tuần tra chung đầu tiên ở vùng biển giáp ranh giữa thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, và thành phố Đông Hưng, Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Các trang tin của Thông tấn xã Việt Nam, VOV, Người Lao Động và Báo Quảng Ninh cho biết vùng biển nêu trên là nơi có nhiều hoạt động xuất-nhập cảng, trao đổi hàng hóa giữa hai nước Cộng sản láng giềng.
Mặt khác, nơi này cũng thường bị nhiều người lợi dụng để tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật như buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên, nhập cảnh trái phép bằng đường biển, vẫn theo Thông tấn xã Việt Nam, VOV, Người Lao Động và Báo Quảng Ninh.
4 cơ quan báo chí trong nước tường thuật rằng lực lượng bên phía Việt Nam trong chuyến tuần tra chung đầu tiên thuộc loại này có 2 tàu và 1 xuồng của Cảnh sát Biển, bên Trung Quốc có 1 tàu Hải cảnh và 3 xuồng.
Tiếp sau hoạt động mở đầu này, kể từ năm 2024, Cảnh sát Biển hai nước sẽ tiến hành tuần tra chung trên vùng biển giáp ranh mỗi quý một lần nhằm thường xuyên duy trì an ninh, trật tự, bảo đảm việc chấp hành pháp luật của người dân hai nước, Thông tấn xã Việt Nam, VOV, Người Lao Động và Báo Quảng Ninh đưa tin.
Việc tuần tra chung này được hai bên xem là sẽ góp phần giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc nói chung và giữa lực lượng Cảnh sát Biển của Việt Nam và Trung Quốc nói riêng, 4 trang tin viết.


Báo Tân Gia Ba: Thao Dượt Quân Sự Trung Quốc-ASEAN Đạt Mức Kỷ Lục


(Hình: Binh sĩ Hải quân Trung Quốc diễu binh tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước, tại Bắc Kinh, ngày 1/10/2019.)
-Hôm 6/2/2024, hãng tin Tân Gia Ba CNA có bài nhận định về số lượng các cuộc thao dượt quân sự chung trên biển của Trung Quốc với các quốc gia thành viên khối Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2023. Theo các nhà quan sát, việc Bắc Kinh gia tăng diễn tập trên biển chung với các nước ASEAN vừa nhằm mục tiêu giảm bớt hình ảnh về "mối đe dọa quân sự" Trung Quốc, vừa giúp Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ.
Trong năm vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức tổng cộng 14 cuộc thao dượt chung với các nước ASEAN, theo chuyên gia cao cấp Ian Storey, Viện ISEAS-Yusof Ishak. Chín cuộc tập diễn ra trong 9 tháng đầu năm, và ba cuộc trong quý tư, bao gồm một cuộc thao dượt với Cảnh sát Biển Việt Nam, diễn tập trên bộ và trên biển với 5 quốc gia Đông Nam Á vào tháng 11, và diễn tập Hải quân với Cam Bốt vào tháng 12. Vào năm 2019, tức trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc tham gia bảy cuộc tập trận chung với nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Theo CNA, số lượng diễn tập chung với các nước ASEAN tăng vọt trong năm qua trước hết được coi là một nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh của Quân đội Trung Quốc, đang trở nên xấu đi do tham vọng gia tăng của Bắc Kinh tại một số điểm nóng trong khu vực như Biển Đông và eo biển Đài Loan. Tiến sĩ Hoo Tiang Boon, giảng viên Trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Kỹ thuật Nanyang của Tân Gia Ba cho biết: "Các hoạt động ngoại giao quốc phòng và các cuộc tập trận chung giúp giảm bớt những thảo luận về mối đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt là tại Đông Nam Á". Số lượng diễn tập quân sự gia tăng phần nào cũng để bù lại thời gian bị mất trong giai đoạn đại dịch.
Theo Tiến sĩ Hoo, quân đội Trung Quốc cũng được hưởng lợi nhiều với các cuộc diễn tập này, vì nhờ đó, họ có thể quan sát hoạt động của quân đội các nước khác trong khu vực để rút kinh nghiệm. Theo vị chuyên gia Đại học Kỹ thuật Nanyang của Tân Gia Ba, Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ để có được chỗ đứng lớn hơn "trên thị trường chiến lược" quân sự này cũng như "mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng tại Đông Nam Á".
Theo Tiến sĩ Huang Chin-Hao, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Tân Gia Ba, tần suất diễn tập quân sự gia tăng từ năm 2023 dường như cho thấy quân đội Trung Quốc ngày càng tự tin hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đẩy mạnh hiện đại hóa, đưa quân đội Trung Quốc đạt "đẳng cấp thế giới" vào năm 2050. Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên 1,55 ngàn tỉ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 225 tỉ Mỹ kim) vào năm 2023, tăng 7,2% và là đây là năm thứ tám liên tiếp.

Không có nhận xét nào: