Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

Hai sự kiện đáng nhớ của Văn Học Mỹ - Trần Quang Nghĩa


Trên văn đàn Hoa Kỳ đầu thập niên 50 và 60 xuất hiện hai tác phẩm gây sôi nổi và có cuộc sống lâu dài trong lòng độc giả. Đó là tác phẩm The Catcher in the Rye (Bắt Trẻ Đồng Xanh) xuất bản vào năm 1951, và To Kill a Mockingbird (Giết Con Chim Nhại) vào năm 1960. Cả hai đều là những câu chuyện được kể với nhân vật chính là vị thành niên vào tuổi mới lớn, chuẩn bị bước vào đời, và một bé gái ngắm nhìn thế giới người lớn giả đạo đức, đầy thành kiến với những cảm xúc lẫn lộn. Độc giả có thể tải về bản dịch đầy đủ của hai tác phẩm trên dưới đây.Bắt Trẻ Đồng Xanh (BatTreDongXanh) Giết Con Chim Nhại (GietConChimNhai)
<!>
Cuốn tiểu thuyết The Catcher in the Rye (Bắt Trẻ Đồng Xanh) tác giả J.D. Salinger xuất bản năm 1951. Cuốn tiểu thuyết kể về hai ngày trong cuộc đời của Holden Caulfield, 16 tuổi sau khi cậu bị đuổi khỏi trường dự bị, đi lang thang trong thành phố, trải nghiệm và chứng kiến thế giới giả tạo của người lớn . Bối rối và vỡ mộng, Holden tìm kiếm sự chân thật hồn nhiên và chỉ trích “sự rởm đời” của thế giới người lớn. Cuối cùng cậu kiệt sức, nhuốm bệnh và phải điều trị chứng rối loạn cảm xúc.

Jerome David Salinger sinh ra tại thành phố New York vào năm 1919. Là con trai của một nhà nhập cảng phô mai giàu có, Salinger lớn lên trong vùng lân cận sang trọng ở Manhattan và trải qua thời thiếu niên chuyển qua lại giữa các trường tiểu học trước khi cha mẹ ông cuối cùng định cư tại Viện Quân Sự Valley Forge vào năm 1934. Ông tốt nghiệp Valley Forge năm 1936 và từng theo học một số trường đại học, kể cả Đại Học Columbia, nhưng không tốt nghiệp ở đâu cả.

Khi học ở Columbia, Salinger tham dự khóa dạy viết sáng tạo trong đó ông đạt điểm xuất sắc, làm vững chắc thêm niềm say mê viết lách mà ông hằng theo đuổi từ những năm niên thiếu.

Salinger có truyện ngắn đầu tiên được in năm 1940; ông tiếp tục viết khi tham gia quân đội và chiến đấu tại châu Âu trong chiến tranh lần II. Sau khi giả từ quân ngũ và trở về Mỹ vào năm 1946, Salinger viết thêm nhiều truyện nữa, và xuất bản trong nhiều tạp chí có uy tín. Năm 1951, Salinger cho xuất bản tiểu thuyết dài duy nhất, The Catcher in the Rye, và tác phẩm này đã đưa tên tuổi ông lên tầm quốc gia.

Nhiều biến cố trong cuộc đời của Salinger xuất hiện trong The Catcher in the Rye. Chẳng hạn, Holden Caulfield chuyển từ trường này đến trường khác, bị dọa phải vào học trường quân sự, và có quen với một sinh viên Columbia lớn tuổi hơn. Trong tiểu thuyết, những chi tiết tự thuật như thế được chuyển vào bối cảnh thời hậu chiến. The Catcher in the Rye được xuất bản vào một thời điểm khi nền kinh tế và kỹ thuật Mỹ đang đâm chồi, làm hưng thịnh đất nước và củng cố những định chế xã hội nhằm ấn định những điều luật tuân phục dành cho thế hệ trẻ. Vì Salinger đã sử dụng tiếng lóng và tiếng chửi thề trong nguyên tác và vì ông luận bàn về tình dục thanh thiếu niên một cách phóng khoáng và phức tạp, nhiều độc giả thấy bị xúc phạm, và The Catcher in the Rye làm vấy lên sự tranh cãi ồn ào về quyển sách. Một vài nhà phê bình biện bác rằng quyển sách không phải là một văn phẩm nghiêm túc, bằng chứng là cách kể chuyện quá chân chất và thân mật. Tác phẩm đã – và tiếp tục sẽ – bị cấm trong một số cộng đồng, và kết quả là nó đã được lôi ra làm trung tâm tranh luận về quyền kiểm duyệt, và tính đồi trụy trong văn chương.
Advertisement

Mặc dù gây tranh cãi, tiểu thuyết hấp dẫn với nhiều người. Nó đã từng là sách bán chạy nhất và thành công nhất. Cách viết của Salinger hình như đã khơi dậy tình cảm của độc giả theo một cách chưa từng biết đến. Một cuộc nổi dậy có tính phản kháng văn hóa bắt đầu lớn mạnh vào những năm 1950 và 1960,

The Catcher in the Rye thường được đọc như là một câu chuyện của một con người bị tha hóa trong một thê giới vô tâm. Holden hình như đại diện cho thế hệ trẻ ở mọi nơi, cảm thấy mình bị bao vây tứ phía bởi những áp lực buộc phải trưởng thành và sống theo khuôn khổ, tách mình khỏi mối dây liên hệ nhân bản đầy ý nghĩa, và phải kiềm chế những bản sắc của riêng mình để o ép sống theo một chuẩn mực văn hóa trống rỗng. Nhiều độc giả xem Holden Caulfield là hiện thân của một cá nhân thuần khiết, không bị xiềng xích trong môi trường của sự áp bức văn hóa.

Trong cùng năm khi The Catcher in the Rye xuất hiện, Salinger cho in một truyện ngắn trong tạp chí The New Yorker có tựa “Một Ngày Hoàn Hảo của Bananafish,” được thử nghiệm như là truyện đầu tiên trong một loạt truyện nói về gia đình Glass hư cấu. Qua một thập niên, những truyện “Glass” khác lần lượt ra mắt trong cùng một tạp chí. “Franny,” “Zooey,” và “Raise the Roof-Beam, Carpenters.” Những truyện này và những truyện khác được tập hợp lại trong một số tuyển tập như : Nine Stories (1953), Franny and Zooey (1961), và Raise High the Roof-Beam, Carpenters và Seymour: An Introduction (1963).

Mặc dù Nine Stories nhận được lời khen ngợi của giới phê bình, những cuốn sau bị phê phán gay gắt. Các nhà phê bình nói chung cho rằng các cuốn tiếp theo về dòng dõi Glass là non nớt và thiển cận đến mức khôi hài và không chịu được.

Kể từ những năm đầu của thập niên 1960, khi tiếng tăm của ông đã bắt đầu giảm xuống, Salinger cho xuất bản ít hơn và sống tách mình khỏi xã hội.

Năm 1965, sau khi in một truyện Glass khác (“Hapworth 26, 1924”) bị đông đảo giới phê bình chỉ trích gay gắt, ông rút lui gần như hoàn toàn khỏi đời sống cộng đồng, cho tận đến khi qua đời vào ngày 27/1/2010. Sự rút lui này, mỉa mai thay, lại càng làm ông nổi tiếng hơn nữa, biến ông thành một nhân vật huyền thoại.

Đến một mức độ nào đó, huyền thoại của Salinger vô tình đã làm lu mờ, hay ít nhất làm lạc màu nhiều nhận thức của độc giả về tác phẩm của ông. Là một ẩn sĩ, Salinger, đối với nhiều người, là hiện thân của những nhân vật bị tổn thương và non nớt của ông, và nhiều độc giả coi tác giả và nhân vật của ông là một. Đọc tác phẩm của Salinger theo kiểu như thế rõ ràng đã đơn giản hóa quá trình viết tiểu thuyết và những mối liên hệ giữa tác giả và những nhân vật mà mình sáng tạo. Nhưng, nếu cho thái độ của Salinger là báng bổ, quan điểm chung đều đồng ý xem Salinger chính là Holden Caulfied bằng xương bằng thịt là điều có thể hiểu được. Đặc biệt, khi lui về sống trong vùng rừng núi gần Cormish, tách mình khỏi cộng đồng, ông đã thực hiện được ước mơ của Holden Caulfied, nhân vật chính trong The Catcher in the Rye, là tự dựng lên “một túp lều nhỏ đâu đó bằng tiền tôi kiếm được và sống ở đó cho đến cuối đời .”

Lời phát biểu công khai ngắn ngủi mà Salinger gửi gắm trước khi mất vào năm 2010 cho biết ông vẫn đang tiếp tục viết, gợi ý là phần lớn các tác phẩm của ông có thể chỉ ra mắt sau khi ông mất. Trong lúc này, độc giả có thể hy vọng đón nhận những trước tác sau này của Salinger, và biết đâu The Catcher in the Rye một ngày kia có thể được coi là một phần trong một toàn tập văn chương lớn lao hơn.

Tác phẩm The Catcher in the Rye đã được Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch cách đây hơn nửa thế kỷ, và sau đó được một số dịch giả trẻ dịch lại.

Đúng như Phùng Khánh, Phùng Thăng đã nói, tác phẩm nầy được dành riêng cho những trái tim thơ trẻ , những tâm hồn cỏ mượt, những người không chịu xiềng xích bởi nhãn hiệu, không chịu trói thúc bởi những khuôn mẫu, những con người thực sự tự do, khao khát hướng đến sự bàng bạc của hư vô.

Tóm tắt cốt truyện

Từ nơi được cho là viện điều dưỡng, Holden, người kể chuyện và nhân vật chính, kể câu chuyện về cuộc phiêu lưu của mình trước lễ Giáng sinh. Câu chuyện bắt đầu với việc Holden từ trường dự bị Pencey trên đường đến nhà giáo viên dạy sử của mình, Spencer, để chào tạm biệt. Cậu tiết lộ với người đọc rằng mình đã bị đuổi học vì trượt hầu hết các môn học. Sau khi đến thăm Spencer, cậu gặp người bạn cùng phòng, Ward Stradlater, người đã nhờ Holden viết một bài luận cho môn tiếng Anh của mình trong khi hắn lại hẹn hò với người bạn gái lâu năm của Holden. Sau khi đồng ý, Holden viết về chiếc găng tay bóng chày của em trai mình, Allie, em đã chết vì bệnh bạch cầu. Khi Stradlater quay lại, hắn nói với Holden rằng bài luận không hay, và Holden tức giận khi Stradlater từ chối cho biết liệu hắn có quan hệ tình dục với bạn gái của mình hay không. Điều này khiến Holden quyết định rời Pencey đến Thành phố New York sớm hơn vài ngày so với dự định cho ngày nghỉ Giáng sinh. Khi đến New York, cậu không thể về nhà vì bố mẹ cậu vẫn chưa biết rằng cậu đã bị đuổi học. Thay vào đó, cậu thuê một căn phòng tại khách sạn Edmont, nơi cậu chứng kiến ​​​​một số cảnh tượng gợi dục qua cửa sổ các phòng khác. Sau đó, sự cô đơn khiến cậu tìm kiếm sự tương tác giữa con người với nhau, thế là cậu xuống hộp đêm của khách sạn. Sau khi giao lưu với một số phụ nữ ở đó, cậu đến một hộp đêm khác, chỉ rời đi sau khi gặp bạn gái cũ của anh trai mình. Khi trở về khách sạn, cậu cho gọi một cô gái điếm đến phòng mình, chỉ để đấu láo với cô ta cho đỡ buồn. Tình huống này kết thúc bằng việc cậu bị đấm vào bụng và bị moi thêm tiền.

Sáng hôm sau, Holden gọi cho Sally Hayes, cô bạn gái cũ của cậu. Họ dành cả ngày bên nhau cho đến khi Holden đưa ra một nhận xét thô lỗ khiến cô ấy khóc và giận dỗi bỏ đi. Sau đó Holden gặp lại người bạn học cũ, Carl Luce, tại một quán bar, nhưng Luce rời đi sớm vì cảm thấy khó chịu trước những lời nhận xét thiếu chín chắn của Holden. Holden ở lại và say khướt một mình. Sau khi rời đi, cậu lang thang trong Công viên Trung tâm cho đến khi cái lạnh đẩy cậu về căn hộ của gia đình mình. Cậu lẻn vào, vẫn chưa chuẩn bị đối mặt với bố mẹ và tìm thấy em gái 10 tuổi của mình, Phoebe. Cô bé rất buồn khi biết tin Holden lại bị đuổi học lần nữa và buộc tội anh trai thất bại vì không thích bất cứ điều gì. Holden thổ lộ là mình thích đóng vai “người bắt trẻ đồng xanh”, lấy cảm hứng từ một bài hát mà anh nghe một cậu bé hát. Rồi họ nghe tiếng bố mẹ đã về nhà sau khi dự tiệc ở ngoài, và Holden lẻn đi ra khỏi nhà. Cậu đến thăm giáo viên tiếng Anh cũ của mình, ông Antolini, ông nói với Holden rằng cậu có thể nghỉ đêm ở căn hộ của mình. Holden ngủ quên trên chiếc ghế dài của Antolini và tỉnh dậy khi Antolini vuốt ve trán cậu, điều mà Holden nhận ra là một hành vi biến thái về tình dục. Cậu ngay lập tức xin lỗi và vội vã bỏ ra đi đến Nhà ga Trung tâm, nơi cậu dự định sẽ nghỉ qua đêm ở đó. Khi tỉnh dậy, cậu bỗng chợt quyết định bỏ nhà ra đi, nên đến trường của Phoebe và để lại lời nhắn nói với em rằng mình muốn gặp em lần cuối và hẹn em tại bảo tàng vào giờ ăn trưa. Đúng hẹn, cô bé đến chỗ hẹn với một chiếc túi hành lý và nhất quyết muốn đi cùng cậu. Thay vào đó, cậu đưa em gái mình đến sở thú, nơi cậu sung sướng nhìn ngắm em gái cưỡi băng chuyền dưới cơn mưa như trút nước, và hồi ức kết thúc trong niềm hạnh phúc trẻ thơ của Holden. Cuốn tiểu thuyết khép lại với việc Holden giải thích rằng sau đó mình ngã bệnh và đang trải qua một đợt điều trị tâm lý, nhưng dự kiến ​​sẽ đến trường mới vào mùa thu.

The Catcher in the Rye coi việc mất đi sự trong trắng là mối quan tâm hàng đầu. Holden muốn trở thành “người bắt trê đồng xanh ” – người đứng giữa đồng lúa, tượng trưng cho tâm hồn thanh khiết của tuổi vào đời, trông chừng các em bé đùa giỡn, bắt giữ chúng lại khi chúng chạy quá đà có thể rơi xuống vách đá gần đó, có thể hiểu là phép ẩn dụ cho việc bước vào tuổi trưởng thành.

Holden rất muốn được sống chân thật và ngây thơ trong một thế giới đầy rẫy “những kẻ rởm đời”, như cậu nói. Salinger từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng cuốn tiểu thuyết này là bán tự truyện của ông.

Sau khi xuất bản cuốn The Catcher in the Rye, Salinger trở thành một người sống ẩn dật. Khi được yêu cầu quyền chuyển thể nó cho nhà hát kịch Broadway hoặc hãng phím Hollywood, ông đã dứt khoát từ chối. Ông rất có ác cảm với nghệ thuật trình diễn, nhất là phim ảnh, giống như nhân vật Holden của mình. Mặc dù Holden chưa bao giờ xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào sau đó trong tiểu thuyết của Salinger, nhưng nhân vật này đã có ảnh hưởng lâu dài, tiếp cận hàng triệu độc giả, trong đó có hai nhân vật đặc biệt khét tiếng. Năm 1980, Mark David Chapman đồng cảm hoàn toàn với Holden đến mức y tin rằng việc giết John Lennon, trưởng nhóm nhạc trẻ lừng danh thế giới The Beatles, sẽ biến y thành nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. The Catcher in the Rye cũng có liên quan đến vụ John W. Hinckley ám sát Tổng thống Hoa Kỳ của Ronald Reagan năm 1981. Cuốn tiểu thuyết vẫn có ảnh hưởng đến thế kỷ 21; thực sự, nhiều trường trung học ở Mỹ đã đưa nó vào trong chương trình giảng dạy văn học. Cuốn tiểu thuyết đã bị cấm nhiều lần vì ngôn ngữ mặn mà và nội dung được cho là khiêu dâm.
Advertisement


Chân dung J. D. Salinger trên bìa tạp chí Time

To Kill a Mockingbird
Harper Lee bắt đầu viết Giết con chim nhại vào giữa những năm 1950. Nó được xuất bản vào năm 1960, ngay trước đỉnh cao của phong trào dân quyền ở Mỹ. Những phản hồi phê bình ban đầu đối với cuốn tiểu thuyết là lẫn lộn khen chê. Nhiều nhà phê bình ca ngợi Lee vì cách thể hiện tinh tế của bà đối với quá trình nhận thức của một đứa trẻ về nạn phân biệt chủng tộc và thành kiến ​​ở miền Nam nước Mỹ. Tuy nhiên, những người khác lại chỉ trích xu hướng thuyết giáo của cuốn tiểu thuyết. Một số nhà phê bình cho rằng giọng kể chuyện thiếu thuyết phục. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết vẫn rất được khán giả đương thời yêu thích. To Kill a Mockingbird phổ biến mạnh mẽ trong môi trường phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960. Trong năm đầu tiên nó bán được khoảng 500.000 bản. Một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết, Lee được trao giải Pulitzer danh giá cho thể loại tác phẩm hư cấu năm 1961.

To Kill a Mockingbird lần lượt được dịch sang khoảng 40 thứ tiếng, bán được hơn 40 triệu bản trên toàn thế giới và là một trong những tiểu thuyết được giảng dạy nhiều nhất trong các trường học ở Mỹ.


Bìa tác phẩm Giết Con Chim Nhại


Một cảnh trong phim Giết con chim nhại do Robert Mulligan đạo diễn.

To Kill a Mockingbird vừa là câu chuyện tuổi mới lớn của một bé gái vừa là một bộ phim đen tối về nguồn gốc và hậu quả của sự phân biệt chủng tộc và thành kiến, thăm dò xem thiện và ác có thể cùng tồn tại trong một cộng đồng hoặc một cá nhân như thế nào. Những lời chỉ trích về xu hướng thuyết giáo của cuốn tiểu thuyết đã được đáp ứng bằng những lời khen ngợi về cái nhìn sâu sắc và hiệu quả về văn phong của nó.

Giết con chim nhại diễn ra tại thị trấn hư cấu Maycomb, Alabama, trong thời kỳ Đại suy thoái. Nhân vật chính là Jean Louise (“Scout”) Finch, một bé gái thông minh trước tuổi nhưng tính khí khác thường, từ sáu đến chín tuổi trong suốt quá trình của cuốn tiểu thuyết. Cô lớn lên cùng với anh trai mình, Jeremy Atticus (“Jem”), cùng người cha góa vợ của chúng, Atticus Finch. Ông là một luật sư nổi tiếng chính trực, người khuyến khích các con mình phải luôn thông cảm và công bằng. Đặc biệt, ông ấy dạy hai con rằng việc giết một con chim nhại là “tội lỗi”, ám chỉ thực tế rằng những con chim này vô tội và vô hại.

Phần I của câu chuyện mở ra với bối cảnh là khu dân cư già nua nơi bọn trẻ sinh sống. Chúng bắt đầu diễn vở kịch tự biên của riêng mình dựa vào tin đồn mà chúng nghe được về Arthur (“Boo”) Radley, một người hàng xóm có quá khứ đáng thương, và từ lâu bị người thân buộc phải chọn lối sống ẩn dật đầy bí hiểm. Chúng có những tưởng tượng quái đản về hành tung của y phát triển qua lời kể thêu dệt của lối xóm và không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của việc xâm phạm khu đất của nhà Radley để tìm hiểu sự thật về cuộc sống riêng tư của y. Biết chuyện, Atticus đã khiển trách chúng và dạy chúng phải tôn trọng thế giới riêng tư của những người khác và hãy đứng trong gan ruột họ để thông cảm cho họ. Boo thể hiện sự hiện diện của mình một cách lén lút thông qua một loạt hành động tốt bụng đối với bọn trẻ.

Phần II nổ ra với vụ án Tom Robinson. Khi Tom Robinson, một trong những cư dân da màu của thị trấn, bị buộc tội cưỡng hiếp Mayella Ewell, một phụ nữ da trắng, Atticus đồng ý nhận biện hộ cho anh ta bất chấp những lời đe dọa từ cộng đồng da trắng đầy thành kiến. Tại một thời điểm, phải đối mặt với một đám đông quá khích có ý định lôi thân chủ mình từ nhà giam toà án ra treo cổ, Atticus nhất quyết liều mình chặn đứng, không hèn nhát bỏ rơi bị can đáng thương. Bọn trẻ xen vào và Scout vô tình làm tình hình trở nên hòa dịu. Mặc dù trước tòa Atticus đưa ra lời bào chữa đầy thuyết phục, trình bày hợp lý về sự thật đã xảy ra dựa vào bằng chứng và lập luận lôgic – rằng Mayella thực ra đã quyến rũ Tom và bị cha mình, Bob Ewell, trông thấy và ra tay đánh đập tàn nhẫn, Tom vẫn bị kết án và sau đó anh bị bắn hạ khi cố gắng trốn thoát khỏi nơi giam giữ của mình tại nhà tù thị trấn. Tom là nhân vật mà cái chết của mình tượng trưng cho “sự tàn sát vô nghĩa những con chim nhại”, như câu nói của Atticus về việc bắn giết những con chim vô tội

Đoạn kết là sự hợp nhất đầy xúc động giữa hai phần, mở ra nút thắt còn dang dở của mối quan hệ giữa Boo Radley và bọn trẻ.


Gregory Peck trong phim Giết con chim nhại
Lee được cho là đã xây dựng nhân vật Atticus Finch dựa trên hình ảnh của cha bà, Amasa Coleman Lee, một luật sư và biên tập viên báo chí đầy lòng nhân ái và tận tâm. Cốt truyện của Giết con chim nhại một phần được lấy cảm hứng từ việc ông bào chữa không thành công vào năm 1919 cho hai người đàn ông Mỹ gốc Phi bị kết tội giết người, vụ án hình sự duy nhất mà ông từng tham gia.

Một nhân vật trong tiểu thuyết, Charles Baker (“Dill”) Harris, bạn lối xóm của anh em Scout, được xây dựng dựa trên nhà văn danh tiếng Truman Capote, bạn của tác giả từ thời thơ ấu và là hàng xóm cạnh nhà ở Monroeville, Alabama. Lee từng là hình mẫu của nhân vật chính là cô bé nghịch ngợm Idabel Thompkins trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Capote, Other Voices, Other Rooms (1948). Vào mùa đông năm 1959–60, ngay trước khi Giết con chim nhại được phát hành, Lee đã hành trình đến Kansas cùng với Capote và giúp anh nghiên cứu cách viết “cuốn tiểu thuyết phóng sự” In Cold Blood, kể về những diễn biến tâm lý của thủ phạm trong vụ sát hại bốn thành viên trong gia đình Clutter gây chấn động. Hiện tượng thành tựu phi thường sau khi cuốn Giết con chim nhại ra mắt độc giả và việc Lee không có thêm tiểu thuyết nào nữa khiến một số người nghi ngờ rằng chính Capote mới là tác giả thực sự của tác phẩm của Lee. Tin đồn đã bị dập tắt khi, vào năm 2006, một lá thư năm 1959 của Capote gửi cho dì của anh đã được tìm thấy, nói rằng anh đã đọc và thích bản thảo của cuốn Giết con chim nhại mà Lee đã cho anh xem nhưng không đề cập đến bất kỳ vai trò nào của mình trong việc viết ra tác phẩm ấy.

Cuốn tiểu thuyết gây cảm hứng cho một số các tác phẩm chuyển thể, trong đó nổi bật nhất là bộ phim kinh điển năm 1962 với sự tham gia của tài tử gạo cội Gregory Peck trong vai Atticus. Vai diễn này giúp ông đoạt giải Oscar và trở thành một di sản lâu dài của lịch sử điện ảnh. Bộ phim cũng đoạt giải Oscar về đạo diễn và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Aaron Sorkin đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành một vở kịch Broadway ra mắt vào năm 2018.

Năm 2015, Lee phát hành cuốn tiểu thuyết thứ hai: Go Set a Watchman, được viết ngay trước To Kill a Mockingbird nhưng lấy bối cảnh 20 năm sau với Scout trong vai một phụ nữ trưởng thành sống ở Thành phố New York, cô trở về ngôi nhà thời thơ ấu ở Alabama để thăm cha mình. Mặc dù một số người cho rằng Go Set a Watchman là bản thảo trước đó của To Kill a Mockingbird, nhưng thực ra đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Lee, hoàn thành vào năm 1957. Lee sau đó bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết thứ hai kết hợp những truyện ngắn dựa trên thời thơ ấu của cô. Lee được người đại diện Maurice Crain khuyến khích hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ hai và không cố gắng hợp nhất hai cuốn sách. Tuy nhiên, sau thành công vang dội của Giết con chim nhại, Lee đã gạt Go Set a Watchman sang một bên, và bản thảo hoàn chỉnh của cuốn tiểu thuyết đó đã bị cất giữ trong một hộp ký gửi an toàn ở Monroeville trong nhiều thập kỷ.

Harper Lee được đã được tổng thống George W. Bush trao Huân chương Tự do Tổng thống Hoa Kỳ), huân chương cao quý nhất dành cho công dân Hoa Kỳ, vì những đóng góp của bà cho văn học Mỹ.

Không có nhận xét nào: