Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Cô chăn vịt và cậu thư sinh - Trần Phố Hội


Hôm đó là ngày cuối của lớp Ba, ngày chia tay sau một niên học. Khác với hai lần chia tay của hai năm trước, lần này trở lại trường sau ba tháng Hè chỉ có con Duyên và thằng Vinh. Đời học sinh của con Thoa đến đây là hết, sau ngày này thì Thoa sẽ ở nhà phụ cha mẹ làm đủ thứ việc của một con bé nghèo ở thôn quê. Thoa là con bé xinh xắn, vui vẻ và thông minh, rất thông minh! Tất cả những câu hỏi của thầy nó đều trả lời được, có khi nó đặt câu hỏi thầy không trả lời nỗi. Thoa đứng nhất lớp suốt ba năm qua, Vinh thuộc loại học giỏi nhưng cố gắng lắm cũng chỉ đứng hạng nhì. Duyên thì thuộc loại trung bình trong lớp, nhưng cha mẹ của nó giàu nhất trong vùng nên chắc Duyên còn đi học lâu dài. Vinh thì có thể tiếp tục đến khi đậu trung học là cùng.
<!>
Đa số học trò thấy vui sướng khi được nghỉ Hè vì khỏi phải học bài và được rong chơi với bạn, nhưng Thoa thì không được như vậy, nó làm việc quần quật suốt ngày mà còn bị la rầy. Ngoài một ít việc nó đã biết như lượm củi, hái rau, nhổ cỏ ngoài ruộng, mót lúa… nay nó phải học những việc mới như nấu nước chè, nấu cơm, xắt chuối cây để nấu cám heo, cấy lúa, theo cha vào núi chặt củi. Nhiều người trong làng thấy nó cực như vậy thì thương xót lắm nhưng nó thì lúc nào cũng vui vẻ, có lẽ nó còn quá nhỏ để thấy cái khổ của cuộc đời.
Lên lớp Nhì thì Vinh và Duyên thân thiết hơn, ngày nào cũng đi về với nhau. Không có con Thoa nên Vinh đứng đầu lớp, và Duyên hay nhờ Vinh hướng dẫn bài vở. Rồi hai năm học qua nhanh, Vinh và Duyên không có dịp gặp lại Thoa và không còn nhớ đến Thoa nữa.
Vài tháng trước khi thi vào Đệ Thất thì Duyên hay đến nhà Vinh để hỏi bài, ông bà Phách (cha mẹ của Duyên) không hài lòng chuyện này, có lần bà Phách nói với chồng:
- Con Duyên hay qua nhà thằng Vinh như vậy coi không được!
- Nó qua hỏi bài để thi Đệ Thất, có sao đâu?
- Con gái mình thuộc loại lá ngọc cành vàng,thằng Vinh nên qua đây chỉ bài cho con Duyên mới đúng, hay ông nói với thằng Vinh coi sao, chắc hắn sẽ nghe lời ông.
- Hai đứa nó là bạn, con Duyên nói với thằng Vinh cũng được, cần gì người lớn dính vô.
Hai hôm sau, Duyên qua hỏi bài xong thì nói với Vinh:
- Lần sau Vinh qua nhà chỉ bài cho Duyên được không?
- Vinh bận phụ cha mẹ làm đủ thứ việc nên không có thì giờ qua nhà Duyên đâu, Duyên qua đây thì tiện cho Vinh hơn.
Nghe Duyên kể lại bà Phách tức lắm, bà cảm thấy bị xúc phạm nên tối đó bà nói với chồng:
- Ông với tôi phải giải quyết chuyện này.
- Tôi cũng điên cái đầu chứ đâu phải mình bà, tôi nghĩ mình nên nói chuyện với chị Hoa (chị bà Phách ở Tam Kỳ) để xin cho con Duyên thi vào trường Trần Cao Vân, mình không nên cho nó đi học chung trường với thằng Vinh ở Hội An. Hai đứa đó mà gần nhau hoài thì có ngày dính với nhau.
- Ông nói nghe phải đó, tôi không muốn con Duyên gần thằng Vinh nữa.
Lên Đệ Thất thì Vinh xuống Hội An học ở trường Trần Quý Cáp, còn Duyên thì vô Tam Kỳ học ở trường Trần Cao Vân. Từ đó, hai đứa không hề gặp nhau dù Tết và Hè khi hai đứa đều về quê.

Hết năm Đệ Ngũ thì Vinh về nhà nghỉ Hè, buổi sáng phụ cha mẹ làm việc như thường lệ, xế chiều thì đi câu. Năm trước, Vinh tìm được một khúc suối nở rộng như cái hồ nhỏ, nước chảy rất chậm, câu được nhiều cá; bờ suối có một cây sung nên đó là chỗ lý tưởng để ngồi câu. Vinh hăng hái đi tới đó. Gần đến nơi, Vinh thấy một cô gái đội nón lá đứng chỗ cây sung, một đàn vịt đang bơi lội trên đám ruộng nước giữa cô ta và Vinh, nhiều con chúi xuống nước tìm mồi. Cô ta chăm chú nhìn Vinh, khi hai bên thấy mặt nhau cô ta hỏi:
- Có phải Vinh đó không?
- Đúng là Vinh đây, cô là ai vậy?
Cô gái không trả lời, nàng lấy chiếc nón lá xuống. Vinh nhận ra liền reo lên:
- Thoa! Lâu quá không gặp, bây giờ khác hẵn!
Hai đứa mừng vui vô cùng khi gặp lại, Thoa và Vinh kể cho nhau cuộc sống của mình trong năm năm qua.
Những chuyện Thoa kể về cuộc sống sau khi nghỉ học thì Vinh không xa lạ gì. Chính Vinh cũng đã làm những công việc ấy trong những mùa Hè ở bậc tiểu học.
Những gì Vinh kể về cuộc sống ở Hội An ba năm qua thì Thoa rất ngạc nhiên, khi kể buổi tối bật cái công tắc (contact) lên thì đèn sáng trưng. Thoa hỏi:
- Bộ họ không thắp đèn hả?
- Ở ngoại ô thì nhiều nhà thắp đèn bằng dầu lửa chứ trong phố thì nhà nào cũng có điện.
- Điện là gì?
Vinh chịu thua, không giải thích vì biết có giải thích Thoa cũng không hiểu. Khi kể về nhà cửa dính liền với nhau chứ không có riêng biệt như ở thôn quê, thì Thoa không tin, nàng hỏi:
- Có thiệt không đó?
- Thiệt chứ.
- Thế họ có ruộng đất nhiều không?
- Ở thành phố không ai có ruộng đất cả.
- Vậy họ lấy gạo ở đâu mà ăn?
- Họ mua ở chợ.
- Vinh nói nhà cửa chung tường với nhau, không có đất trống, vậy họ đi cầu ở đâu?
- Họ có cầu tiêu ngay trong nhà.
Thoa nghe vậy liền bịt mũi, bụm miệng, rồi nói:
- Ghê quá! Vậy thì trong nhà hôi thúi chịu sao nỗi?
- Không hôi chút nào hết vì họ có cầu tiêu dội nước.
Câu chuyện tiếp tục về Hội An và Thoa hay cắt ngang:
- Có thiệt không đó, đừng thấy Thoa không biết rồi phịa chuyện nghe.
- Vinh kể toàn sự thật đó, không phịa đâu.

Đêm hôm đó Vinh thao thức mãi, nghĩ đến Thoa rồi nghĩ đến các cô nữ sinh ở trường. Nếu Thoa đi học chắc nàng sẽ là ngôi sao: xinh xắn, vui tính và rất thông minh như Thoa chắc có nhiều đàn anh trồng cây si.
Hôm sau, trở lại chỗ câu cá không thấy Thoa ở đó, mãi một hồi lâu thì Thoa đến. Vinh vui mừng lắm và say sưa kể chuyện đời học sinh ở phố Hội. Càng nghe, Thoa càng thấy buồn, rồi Thoa than thở:
- Ở dưới phố như thiên đàng còn ở đây cuộc sống đi đến bế tắc!
- Sao Thoa bi quan quá vậy? ở thôn quê thì sống như Thoa là bình thường.
- Cái khổ là người ta không thấy mà Thoa thấy.
- Bế tắc ở chỗ nào?
- Số người mỗi năm đều tăng mà đất đai thì ít lại, rồi một ngày nào đó sẽ không có đủ lúa gạo để ăn.
- Đất thì không gia tăng, nhưng đâu có giảm?
- Thế là Vinh cũng không thấy, số người tăng thì phải làm thêm nhà, và đất để trồng trọt sẽ giảm đi!
Vinh rất đau xót khi Thoa nói cuộc đời của nàng đi đến bế tắc và phân tích cho Vinh thấy điều đó. Đối với Vinh thì Thoa là một thôn nữ đẹp mặn mà, hiền dịu với một tâm hồn trong sáng, một trái tim chân thật và một trí thông minh tuyệt vời; nàng xứng đáng có một cuộc sống khả quan.
Lại thêm một đêm thao thức, và sau nhiều giờ nằm suy tư thìVinh tìm ra giải pháp cho Thoa rồi đi vào giấc ngủ.
Vinh hân hoan trở lại bờ suối, chàng đến sớm hơn hai ngày trước. Chờ rất lâu mà không thấy Thoa đến nên niềm hân hoan trở thành lo âu, ngồi câu mà cứ ngoảnh mặt về phía đồng lúa. Mãi cho tới khi hoàn toàn thất vọng thì Thoa đến. Vinh trách:
- Sao hôm nay đến trễ quá vậy?
- Định không đến nữa, sợ gặp Vinh nhiều sẽ mang nỗi khổ nhưng cuối cùng cũng muốn gặp.
Vinh cầm hai tay Thoa tỏ tình:
- Anh mong hai đứa mình sẽ sống với nhau, anh đã có dự tính rồi; sang năm xong trung học anh sẽ thi vào Sư Phạm một năm, sau đó ra dạy học. Lương giáo viên có bằng Sư Phạm sẽ đủ cho em và anh sống thoải mái, rồi em sẽ đi học để trở thành thầy giáo như anh, với hai đầu lương mình sẽ sống sung túc và có thể giúp cha mẹ hai bên. Đây là dự tính rất thực tế, nằm trong tầm tay, vấn đề là em có chờ được không?
Thoa rơi lệ vì vui mừng, nàng thỏ thẻ đáp:
- Em chờ mấy năm cũng được, chỉ sợ anh sống ở phố thị có nhiều cám dỗ không giữ được lời hứa với em.
Vinh siết nhẹ hai tay Thoa và cam đoan sẽ làm đúng dự tính, rồi hai đứa say sưa nói về cuộc sống trong tương lai cho đến khi có tiếng gọi lớn của ông Thiện (cha của Vinh):
- Vinh đâu? về ăn cơm, tối rồi.
Vinh vội vàng buông tay Thoa, nhặt cần câu và giỏ cá rồi lặng lẽ đi, không một lời từ giã với Thoa.
Trên đường về nhà ông Thiện buồn rầu nói:
- Tau với mẹ mi lo cho mi ăn học là để cho mi có một tương lai, không ngờ mi chẳng lo học hành gì cả mà chỉ lo theo gái.
Vinh phân trần:
- 3 năm rồi con chăm học chứ đâu có lêu lổng chơi bời nên năm nào cũng lên hạng, từ hạng sáu ở Đệ Thất lên hạng ba ở đệ Lục và lên hạng nhì ở Đệ Ngũ.
Ông Thiện liền to tiếng:
- Mi đừng tưởng tau với mẹ mi không biết rồi nói trời nói đất như thằng Bình con ông Thủ Tung, thi trung học rớt cả hai kỳ mà nói đậu bình thứ, cha hắn tưởng thiệt nên mừng lắm, làm tiệc lớn đãi bà con lối xóm, chắc mi học sách của hắn?
Về đến sân thì ông Thiện gọi lớn vào trong:
- Mẹ nó đâu?
Bà Thiện đang ở trong bếp vội vả đi ra và trả lời:
- Tui đây, có chuyện chi rứa?
- Ra đây mà coi thằng con bà.
- Nó làm sao?
- Tui với bà làm lụng cực khổ cho hắn đi học, hắn chẳng lo học mà chỉ biết mê gái, mới về đây có mấy ngày mà đã mê con chăn vịt, tôi bắt quả tang hắn cầm tay con đó tình tứ lắm.
Bà Thiện nhìn Vinh, thất vọng và buồn, bà không nói tiếng nào; bà rất thương Vinh nhưng không thể chấp nhận chuyện này được.

Sau bửa cơm tối mọi người đều buồn thiu, Vinh vô bên trong nằm vì muốn tránh ông Thiện. Trước khi đi ngủ ông Thiện gọi Vinh và bà Thiện ra bàn ăn rồi nói với Vinh “ngày mai mi xuống phố lấy hết đồ đạc về, từ nay mi ở nhà làm ruộng, không học hành nữa.”
Quyết định của ông Thiện làm tiêu tan những dự tính của Vinh, chàng biết ông Thiện không chấp nhận cho Vinh lấy Thoa, điều này làm cho Vinh vô cùng đau khổ.
Sáng hôm sau, Vinh dậy trễ vì mất ngủ, chàng xuống nhà bếp thì ông Thiện đã đi vô núi đốn củi, bà Thiện hối Vinh dùng điểm tâm ngay để đi về cho kịp trong ngày. Khi Vinh sắp sửa rời nhà thì bà Thiện cho Vinh tiền xe và ăn trưa, Vinh xin thêm 60 đồng, bà ngạc nhiên hỏi:
- Sao con cần nhiều vậy?
- Trả nợ cho bà chủ nhà trọ tiền con mượn mua mấy cuốn sách Đệ Tứ để học trước trong mùa Hè.
Đến Hội An thì Vinh đi ngay đến trường nhưng thấy cửa đóng, xem thông cáo mới biết trường chỉ mở cửa buổi sáng Thứ Hai và Thứ Năm, từ 10 giờ đến 12 giờ. Hôm sau trở lại, Thầy Giám Thị trực ngạc nhiên hỏi:
- Nghỉ Hè mà em đến trường có chuyện gì vậy?
- Thưa Thầy, cha mẹ em không đủ sức nuôi em học nữa nên em đến đây xin học bạ để mai sau nếu có cơ hội đi học lại thì có bằng chứng là đã xong lớp Đệ Ngũ.
- Thấy em nghỉ học thầy tiếc quá, thầy sẽ cấp học bạ cho em hôm nay và khi nào em trở lại học thì trường sẽ nhận em vào Đệ Tứ; em trở lại đầu niên học hay có trễ vài ba tháng thầy cũng giúp em được.
Vinh tự nhủ “với học bạ này thì mình có thể chứng minh chuyện học hành 3 năm qua và cha mẹ sẽ cho đi học tiếp nhưng sẽ không cho cưới Thoa,” vậy thì phải tự lực cánh sinh từ đây. Vinh thấy tương lai đen tối quá, 60 đồng mẹ cho chỉ đủ một tuần cơm tháng! Sau một tuần mà không có việc làm thì sẽ phải đi ăn xin nếu không muốn chết đói!

Vinh thức dậy thì mặt trời đã lên cao, chàng ăn mặc chỉnh tề và ra đi. Đến trước tiệm phở ông Giàu thì thấy còn khách lưa thưa, ngần ngừ một chút rồi chợt nhớ ra là mình phải sống ẩn dật, nếu bưng phở ở đây mỗi ngày thì thế nào bạn bè cũng biết.
Vinh nghĩ đến lò bánh mì của ông Bảy ở xóm mới, Vinh hay mua bánh mì để ăn điểm tâm nên quen với bà Bảy. Thấy Vinh, bà Bảy ngạc nhiên hỏi “ủa, sao nghỉ Hè mà cháu còn ở đây?” Vinh nói về tình trạng khó khăn của mình và xin được làm việc, chỉ cần cho ăn ở chứ không cần phải trả lương. Bà Bảy nghe xong bảo Vinh chờ chút. Bà vào bên trong rồi trở ra với ông Bảy.
Ông Bảy nhìn Vinh một cách thương hại rồi giải thích:
- Nói thiệt với cháu là lò bánh mì của bác cũng chỉ đủ sống thôi nên không cần thêm thợ, nhưng thấy hoàn cảnh quá khó khăn của cháu nên bác sẽ giúp, cháu ở đây phụ làm bánh mì, ăn uống với hai bác, chỗ ngủ là một chiếc ghế bố mà bác hay nằm nghỉ trưa ở ngoài hiên nhà. Trong lúc rảnh rỗi, cháu đi tìm việc khác được trả lương để có tiền ăn học.
- Xin chân thành cám ơn hai bác đã giúp cho cháu có chỗ sống qua ngày, thế hôm nay cháu dọn về đây được không thưa hai bác?
Ông Bảy nhìn bà Bảy như để hỏi ý kiến, rồi hai ông bà gật đầu.
Thoa lùa đàn vịt đến bờ suối, không thấy Vinh thì nàng nghĩ mình đến sớm nên đứng ở gốc cây sung chờ. Một hồi lâu cũng không thấy Vinh đến, nước mắt tuôn trào rồi Thoa khóc sướt mướt. Thoa vẫn tin Vinh thật lòng yêu nàng, nhưng chắc cha mẹ Vinh không cho Vinh gặp nàng nữa. Cái tương lai tươi sáng mà hai đứa say sưa bàn tính hôm qua nay đã tan thành mây khói!
Tối hôm đó Vinh không về, bà Thiện lo âu nói:
- Không biết nó có gặp tai nạn hay sao mà giờ này chưa về.
Ông Thiện chủ quan trả lời:
- Bà cho nó tiền thì nó ở lại tiêu cho hết rồi mới về.
Trưa hôm sau Vinh vẫn chưa về, linh tính báo cho bà Thiện chuyện không lành nên bà vô chỗ ngủ của Vinh lục xem, khi lật chiếc gối lên thì thấy một mảnh giấy ghi “Con xin lỗi cha mẹ, con sẽ tìm cách tự sinh sống để đi học, khi nào có nghề nghiệp và việc làm tử tế con mới về.” Cầm miếng giấy bà Thiện khóc ngất, bà nghĩ có chuyện gì oan ức nên Vinh mới ra đi như thế. Khi ông Thiện về bà liền đưa miếng giấy cho ông Thiện đọc rồi giục ông ngày mai xuống phố tìm Vinh. Ông Thiện rất ngạc nhiên về hành động của Vinh, nhưng vẫn tin Vinh sẽ về khi tiêu hết tiền.
Một tuần sau ông Thiện đạp xe xuống Hội An, tìm đến trường thì đã gần 12 giờ trưa. Ông nghĩ mình đi là cầu may thôi chớ nghỉ Hè thì chắc trường đóng cửa, không ngờ thấy cửa văn phòng mở nên ông rón rén vào. Thấy ông thầy Giám thị trực hỏi:
- Bác đến trường có việc gì vậy?
- Thưa thầy, tôi là cha của Lê Đình Vinh lớp Đệ Ngũ. Hắn bỏ nhà đi nên tôi đến trường nhờ giúp tìm hắn.
- Vinh có đến đây tuần trước để xin học bạ, Vinh nói cha mẹ không đủ sức cho đi học nữa nên xin học bạ để hy vọng ít năm sau có điều kiện đi học lại thì xin vào Đệ Tứ không gặp khó khăn. Vinh hiền lành và học giỏi, lên hạng liên tục ba năm liền nên tôi rất tiếc thấy Vinh phải nghỉ học, tôi có nói với Vinh là năm tới có ai đến nhờ trường tìm người dạy kèm thi tôi sẽ nhắn cho biết.
- Thằng Vinh có bồ bịch không thầy?
- Vinh lớn tuổi nhất trong lớp, nhưng hình như không bồ bịch, khác với mấy đứa nhỏ hơn Vinh mà lười học, hay theo phá nữ sinh trong lớp.
-T hầy có biết nhà trọ của thằng Vinh không thầy?
Mấy em trên quê xuống đây học thường ở trọ nhiều nơi khác nhau tuỳ theo tiền cơm tháng nên nơi cư ngụ trong hồ sơ chúng tôi ghi theo địa chỉ trên quê.
- Nếu thằng Vinh có trở lại trường nhờ thầy khuyên hắn về nhà, tôi vẫn thương hắn và sẵn sàng tha lỗi cho hắn.
Ông Thiện đạp xe về mà buồn rầu và ân hận, về đến nhà ông thở dài nói với bà Thiện:
- Tôi nghĩ bậy cho thằng con bà ơi, ông thầy ở trường khen hắn đủ điều, bây giờ biết tìm hắn ở đâu?
Vinh đếm ngày thì đã được một tuần, 60 đồng mẹ cho vẫn còn nguyên đó, lại có chỗ ăn ở để đi tìm việc khác có tiền lương nên thấy lên tinh thần và hy vọng sẽ thực hiện được dự tính đã hứa với Thoa.

Ông bà Bảy thương Vinh như con vì Vinh siêng năng, chịu học hỏi, chỉ mới một tuần mà đã thạo việc, khi rảnh rỗi thì tự tìm việc làm như quét nhà, lau bàn ghế, múc nước từ giếng đổ vào bồn hay đem sách toán đệ tứ ra làm; chẳng khi nào thấy Vinh đi chơi.
Sau một tháng Vinh đã học được nghề làm bánh mì nên xin phép ông bà Bảy nghỉ hai ngày ra Đà Nẳng tìm việc. Vinh lễ phép nói:
- Cháu xin cám ơn hai bác đã giúp cháu qua thời kỳ bỉ cực, nếu ra ngoài đó mà tìm được việc thì cháu sẽ không trở về đây, kính mong hai bác tha lỗi.
Bà Bảy bảo Vinh chờ một chút, bà vào bên trong chừng vài phút rồi trở ra đưa cho Vinh 50 đồng và nói:
- Bác có chút tiền cho cháu đi xe, chúc cháu may mắn.
Vinh đến lò bánh mì ông Lành ở gần chợ Cồn thì thấy một tấm carton treo trước cửa sổ ghi “Cần thợ làm bánh mì, lương hậu.” Mừng quá Vinh nói thầm “đúng là Trời thương.” Rồi Vinh tự nhắc nhở mình là đừng nói đến tình trạng bi đát của mình mà phải đóng vai một người thợ bánh mì có kinh nghiệm.
Vinh được nhận việc với mức lương 630 đồng một tháng, ông Lành hứa sau 3 tháng sẽ tăng lên 680 đồng nếu làm việc có tiến bộ. Ông nói tiếp:
- Cậu hên lắm đó, thằng thợ của tôi mới nghỉ việc tuần trước vì phải đi lính.
Nhờ ông Lành hướng dẫn Vinh tìm được chỗ ở trọ chỉ tốn 260 đồng / tháng. Làm việc được vài tuần thì Vinh đến trường Phan Châu Trinh xin ghi danh vào Đệ Tứ.
Thấy Vinh làm việc rất siêng năng và là học sinh nên ông Lành thương lắm, có lần ông trầm trồ với bà Lành “Con nhà ai mà hiền lành như vậy, tuổi thanh niên mà chẳng biết vui chơi, chỉ lo làm việc và học, cha mẹ nó thật là có phước.”
Khi việc làm và học yên ổn thì Vinh nhớ Thoa da diết, định tìm cách về thăm nhưng thấy chuyện đó quá nhiêu khê nên chần chừ; rồi Vinh nhớ lại câu hát “thương em mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua” nên Vinh quyết định về thăm Thoa.

Vinh mua một bộ bà ba đen và cái nón lá để giả dạng nông dân, xin phép ông Lành nghỉ 2 ngày.
Sáng hôm đó Vinh dậy thật sớm, trời trở lạnh vì gần Tết nhưng Vinh thấy khỏe và vui vì sắp gặp lại Thoa. Vào đến trạm Nam Phước Vinh mua hai ổ bánh mì thịt, ăn một ổ và đem theo một ổ để ăn tối.
Vinh về đến quê nhà khoảng xế trưa, trở lại bờ suối đứng thẩn thơ một hồi, bao nhiêu kỷ niệm với Thoa hiện về làm cho Vinh tự trách mình không về tìm Thoa sớm hơn. Sau khi đi qua vài cánh đồng có nhiều đám ruộng nước thì thấy Thoa, mừng lắm muốn chạy ngay đến Thoa nhưng Vinh kịp giữ bình tĩnh và đi bình thường vì sợ có người thấy.
Đồng vắng mà có một người đàn ông đi về phía mình nên Thoa thấy lo sợ, nàng tìm cách thủ thế. Khi Vinh đến gần nàng cũng không nhận ra, đến lúc cách nhau chừng 10 thước thì Vinh chạy đến Thoa và reo lên:
- Anh đây em! anh đây!
Thoa ôm Vinh, nước mắt tràn trề, nàng mếu máo nói:
- Em tưởng…
- Em tiều tụy quá! Xin em đừng nghĩ đến những chuyện bi đát, anh đã cố gắng để thực hiện dự tính của hai đứa mình và anh sẽ làm được. Anh đang làm và học ở Đà Nẵng, một năm rưởi nữa sẽ xong rồi hai đứa mình sẽ sống với nhau. Anh rất đau khổ phải để em chờ đến hôm nay.
- Anh về thì em sống lại, chứ tháng trước em trở lại bờ suối nơi anh buông tay em ra đi, rồi cầu nguyện anh linh thiêng về báo mộng để em đi theo anh ngay tại chỗ đó.
Nghe vậy Vinh rất xúc động, chàng ôm Thoa, vuốt ve an ủi rồi kể hết mọi chuyện từ khi ra đi, Thoa nghe xong dịu dàng nói:
- Em biết, em biết… nên đêm nào cũng nhớ thương anh.
- Gặp được em anh mãn nguyện rồi, bây giờ anh phải đi chứ ở lâu có hại cho em.
Vinh có đem theo lá thư ngắn viết cho mẹ, định nhờ Thoa tìm cách đưa cho mẹ nhưng nay thấy việc đó sẽ đặt Thoa vào tình huống rất khó xử và có thể làm cho mẹ giận vì biết mình về đến đây mà không ghé nhà. Vinh nghĩ cha mẹ đã biết dự tính của mình, nay chỉ chờ ngày mình về, hơn nữa có 2 người nên an ủi với nhau; còn Thoa lâu nay phải cam chịu nỗi khổ một mình.
Trở ra đến đường cái (tỉnh lộ) thì mặt trời sắp lặn, Vinh đi về phía trường Tiểu Học của chàng ngày xưa để ngủ lại đó. Gần đến nơi thì trời tối, chàng ăn ổ bánh mì rồi đến căn nhà gần đó xin nước uống. Ông chủ nhà ngạc nhiên hỏi:
- Anh ở đâu mà đến đây xin nước uống giờ này?
- Dạ cháu học ở Đà Nẵng, về thăm quê, ham nói chuyện nên ra tỉnh lộ bị trễ chuyến xe cuối.
Bà chủ nghe có người đến nên ra cửa xem, ông chủ hỏi tiếp:
-Học sinh mà sao mặc đồ như nông dân?
-Cha mẹ cháu bảo nên giả dạng nông dân khi về quê, chứ mặc đồ học sinh Việt Cộng thấy sẽ theo dõi và bắt vô núi.
Uống xong chén nước lạnh, Vinh cám ơn ông bà chủ rồi ra đi, ông chủ hỏi:
- Giờ anh đi đâu?
- Cháu đến trường tiểu học gần đây ngủ qua đêm, mai đón xe về sớm.
Bà chủ nghe vậy thì lên tiếng:
- Không được đâu, mùa này lạnh và gió lắm, có khi mưa nữa, ngủ ngoài hiên trường lạnh chết, thôi ngủ lại đây đi, bác không có giường nhưng có chiếc chiếu, trải tạm dưới đất ngủ cũng không lạnh đâu.

Vinh đậu trung học hạng bình thứ, sau đó thi đậu vào trường Sư Phạm Huế. Năm sau, Vinh tốt nghiệp sư phạm và được chọn về trường Tiểu Học Cẩm Lệ. Trong một năm học sư phạm, Vinh có học bổng đủ sống nên tiền đi dạy kèm 2 chỗ ở Huế và tiền để dành sau 1 năm làm việc đủ cho Vinh mua xe đạp và các thứ cần thiết cho đám hỏi.
Vào Đà Nẵng, Vinh ghé thăm ông bà Lành và biếu quà, rồi trở lại nhà trọ để đặt chỗ ăn ở cho Vinh và Thoa.
Vinh cũng vào Hội An thăm ông bà Bảy để biếu quà và bày tỏ lòng biết ơn hai ông bà đã giúp chàng trong những ngày đầu vô cùng bi đát của cuộc sống tự lập.
Trước khi về quê, Vinh mua hàng vải để may áo quần cho cha mẹ, cho Thoa; và mua hai hộp bánh LU để biếu cha mẹ một hộp và hộp kia làm đám hỏi.
Ông bà Thiện vô cùng sung sướng khi Vinh trở về, bà Thiện hay mắng yêu “cha mi, cái thằng to gan.” Vinh đưa cho cha mẹ xem sự vụ lệnh về dạy ở Cẩm Lệ, và cho biết đã lo chỗ ăn, ở cho Vinh và vợ trong tương lai. Nghe Vinh kể cuộc sống 2 năm qua hai ông bà rất khâm phục, và hoàn toàn đồng ý với dự tính của Vinh.
Hai ngày sau, Vinh làm đám hỏi và hơn một tháng sau thì làm đám cưới. Nghe tin này, bà Phách mỉa mai:
- Ngày trước con Duyên nhờ chỉ bài thì thằng Vinh làm phách, nói không có thì giờ; tưởng mình cao giá, nay cưới con chăn vịt, thật là xứng đôi vừa lứa.
Bà Thiện là người mẹ hiền và quảng đại, biết Thoa chỉ học tới lớp Ba rồi đi chăn vịt nhưng bà vẫn cưng quý và thương yêu như con ruột chứ không coi thường, Thoa cũng nhận biết điều này nên nàng thương bà Thiện vô cùng, có lần Thoa thủ thỉ với Vinh:
- Anh ơi, em lấy chồng mà không có mẹ chồng!
- Em nói vậy là sao?
- Bây giờ em có 2 bà mẹ ruột!
Vinh mỉm cười sung sướng. Thoa làm dâu rất được lòng bà Thiện, có lần bà tâm sự với ông Thiện “không ngờ con Thoa nó hiền, ngoan và đảm đang như vậy, thằng Vinh chọn đúng người đó ông.”
Mùa Hè 1965 Thoa đậu bằngTiểu Học, sau 1 năm sống với Vinh. Trước đó 4 tháng thì Mỹ đổ quân vào Đà Nẳng,tạo ra nhiều việc làm nênThoa muốn tìm việc làm, bỏ ý định đi học. Vinh bất bình chuyện này nên cự nự:
- Mình đã có dự tính cho tương lai và hai đứa đều đồng ý, sao nay em thay đổi?
Thoa giải thích:
- 3 năm trước anh dự tính tương lai cho hai đứa mình bên bờ suối ở thôn quê, nơi đó hầu hết người dân phải cày sâu cuốc bẫm quanh năm may ra mới đủ cơm ăn, ai khá giả một chút thì có được xe đạp hay có tiền cho con ăn học; nay mình đang sống ở một thành phố với đầy đủ tiện nghi, nhiều người đi làm việc thì được nghỉ ngày Chủ Nhật mà lương bổng đủ nuôi gia đình thoải mái, những người buôn bán không được nghỉ ngày Chủ Nhật thì giàu có hơn, đi xe gắn máy hay xe hơi… Mình nên thay đổi những dự tính 3 năm trước cho phù hợp với hoàn cảnh hôm nay.
Thấy Vinh chăm chú nghe nên Thoa nói tiếp:
- Những người cho con đi học thường có 2 mục đích: con có địa vị trong xã hội và có công việc nhàn nhã mà lương cao, như anh chẳng hạn; nay em là vợ anh nên hưởng được địa vị của anh, và em đi làm sở Mỹ thì lương cũng nhiều như anh, tại sao em phải đi học 5 năm nữa để đạt được những gì mà mình đang có?
- Anh là thầy giáo nên không muốn vợ đi làm sở Mỹ, người ta sẽ coi thường anh.
- Khi anh cưới em là một cô chăn vịt thì em nghĩ anh là người công minh, rộng lượng, sao nay anh lại có thành kiến với công nhân sở Mỹ? Họ khác gì công nhân hãng dệt, hay công nhân nhà máy điện?
Vinh thấy đuối lý nên tìm cách hoãn binh:
- Để anh suy nghĩ lại coi.

Thoa xin được việc làm ở Kho Tiếp Liệu quân đội Mỹ, lương gần bằng lương của Vinh, nàng liền ghi tên học Anh ngữ cấp tốc. 3 tháng sau Thoa được chọn làm trưởng toán (team leader) nhờ làm việc có hiệu quả, tiếng Anh lưu loát và bặt thiệp, lương cao hơn lương của Vinh.
Sau một lần về quê thăm cha mẹ hai bên Thoa biết tình hình trong quê bất an, Việt cộng xuất hiện ban đêm, tuyên truyền, quấy phá. Có 2 thiếu niên trong làng mới bỏ nhà vào núi, không biết hai đứa đó tự nguyện theo Việt cộng hay bị ép buộc. Ông bà Ngân (cha mẹ của Thoa) muốn gởi con Thy (em Thoa) ra Đà Nẵng cho yên thân nhưng sợ mang tiếng lợi dụng thằng rể. Thoa kể chuyện này thì Vinh sốt sắng nói:
- Em nên đem Thy ra đây càng sớm càng tốt, anh sẽ dạy Thy để kịp thi vào đệ thất ở trường Phan Châu Trinh vào Hè năm sau.
Thoa bông đùa:
- Anh không sợ ở gần em vợ sinh chuyện hả?
- Đừng nói tầm bậy
Tháng Năm, 1966, Thoa nói với Vinh:
- Em muốn xin nghỉ việc.
Vinh ngạc nhiên hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Gặp thằng “xếp” Mỹ nham nhở phải không? Nói thật cho anh biết đi.
- Không có chuyện đó đâu!
- Công việc ổn thỏa, lương cao, nay Thy đã ra đây đi học, sao em lại muốn bỏ việc? chắc phải có chuyện bất bình ở sở?
- Em muốn làm việc khác.
- Việc gì vậy?
- Buôn hàng PX.
Nhờ có sự quý mến của ông Thiếu Tá trưởng kho nên Thoa mua được những chuyến hàng rất giá trị, bán lại kiếm lời rất nhiều.Chỉ sau hơn 1 năm,Thoa đã xâyđược 1 căn nhà lầu ba tầng ở gần cầu De Lattre de Tassigni, xây 2 căn nhà bên An Hải để cho thuê, có tiền gởi trong ngân hàng, có tiền đô Mỹ và vàng giấu trong nhà.

Vinh là một nhà giáo rất tận tâm, soạn bài chu đáo, thật lòng thương học trò, những em học giỏi và nghèo thì Vinh giúp đở bằng cách cho sách, những em siêng năng nhưng học kém thì sau giờ học Vinh ở lại chỉ dẫn. Từ khi lên dạy lớp Nhất thì Vinh bận rộn hơn để soạn đề thi, nhờ vậy mà nhiều học trò của Vinh đậu vào trường Phan Châu Trinh. Chuyện dạy học thì Vinh rất tận tâm nhưng những chuyện trong nhà thì Vinh chẳng làm gì cả, một mình Thoa quán xuyến hết.
Thấy mình giàu có mà Vinh đi chiếc xe Gobel cà tàng nên Thoa đề nghị:
- Thấy xe gắn máy của anh cũ quá rồi mà nay mình cũng có tiền nhiều nên em tính mua cho anh chiếc xe hơi, bây giờ có nhiều xe Jeep quân đội họ tân trang lại nên giá cả cũng không đắc lắm.
- Không nên em à, anh không muốn họ thấy anh giàu, phiền phức lắm, mua cho anh 1 chiếc Vespa là quá lắm rồi.
Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 mà Việt Cộng vi phạm ngưng chiến trong dịp Tết, tấn công khắp nơi, sát hại biết bao dân lành vô tội thì Vinh bị động viên, đi Đồng Đế rồi ra đi tác chiến, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Nhiều người trong quê bỏ nhà cửa, ruộng vườn ra Đà Nẵng sinh sống, cha mẹ Vinh và Thoa cũng vậy. Thoa lấy lại 2 căn nhà cho thuê để cha mẹ hai bên ở, nàng định xin việc ở hãng RMK bên Sơn Trà cho cha và ông Thiện nhưng thấy hai ông cha đã lớn tuổi, sợ vô làm thợ cực khổ nên Thoa rút hết tiền trong ngân hàng và bán tiền đô Mỹ để mở hai trạm xăng nho nhỏ cho cha và ông Thiện có phương tiện sinh sống. Vừa lo cho chồng đi chinh chiến vừa lo cho cha mẹ hai bên nhưng Thoa vẫn giữ vững tinh thần và chu toàn mọi việc.
Ông bà Phách cũng bỏ hết để chạy ra Đà Nẵng như bao người khác, họ xây 1 căn nhà “tole” nho nhỏ bên An Hải. Mùa Hè 1966 con Duyên đậu Tú Tài II, thi vô Đại Học Sư Phạm ở Sài Gòn nhưng không đậu nên xin dạy giờ ở trường Trần Cao Vân. Sau cuộc thảm sát Mậu Thân thì Duyên bị Việt cộng bắt đi, không biết sống chết ra sao.
Ông Phách được hãng RMK nhận vào làm thợ hàn, sau một thời gian ở An Hải thì bà Phách biết được gia đình Vinh rất giàu có nhờ Thoa buôn bán, cha mẹ hai bên đều có nhà ở tử tế, lại có cây xăng để sinh sống, khỏi phải làm thợ; bà thấy cuộc đời sao quá đắng cay đối với gia đình bà, chỉ sau gần 4 năm mà mọi thứ đảo ngược, bây giờ bà là người nghèo khổ, cơ cực và mất cô con gái duy nhất.
Dịch vụ buôn bán hàng PX sa sút rất nhanh sau Mậu Thân nên Thoa bỏ nghề, nàng dùng tầng trệt của căn nhà mở gian hàng bán radio, cassette, băng nhạc và đồng hồ; dịch vụ mới này kiếm lời rất khá; Thy về ở với Thoa, một phần giúp chị bớt cô đơn, một phần phụ chị trông coi gian hàng.

Tháng Chín, 1970 thì Vinh được biệt phái về dạy lại ở trường cũ, Thoa vui mừng lắm và từ đó Thoa thấy mình có hạnh phúc trọn vẹn. Tháng Năm, 1972 thì Thoa sanh được bé trai, đặt tên là Lê Đình Quang; mọi người đều vui mừng, nhất là Thoa và hai bà Nội, Ngoại.
Vinh và Thoa sống yên vui, hạnh phúc với đứa con trai đầu lòng không bao lâu thì Đà Nẵng thất thủ vào cuối Tháng Ba, 1975. Đa số những gười giàu có bỏ nhà cửa, cơ sở làm ăn chạy vào Vũng Tàu, Sài Gòn. Thoa thúc giục Vinh:
- Mình phải tìm đường chạy vào Sài Gòn ngay chứ để trễ không đi được đâu.
- Sao lại chạy vào Sài Gòn? Chiến tranh bao nhiêu năm mình vẫn sống ở Đà Nẵng, nay chiến tranh chấm dứt thì bỏ Đà Nẵng, chuyện vô lý.
Thoa thất vọng với nhận định của Vinh nhưng nàng vẫn dịu dàng giải thích:
- Trong chiến tranh mình sống với chính phủ miền Nam, nay ở lại Đà Nẵng thì bị Cộng sản Bắc Việt cai trị, sống sao nỗi?
- Dĩ nhiên chính sách của họ khác chính phủ mình nhưng họ cũng là người Việt như mình, đâu phải thực dân, đế quốc?
- Nhưng tiếng Việt của họ khác với của mình.
- Sao có chuyện đó? họ cũng nói những tiếng như mình, viết những chữ như mình.
- Nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
- Khác chỗ nào? chứng minh cho anh xem.
- Anh giải thích hai chữ “giải phóng” cho em nghe đi!
Vinh nhìn Thoa như muốn tìm hiểu Thoa nói thật hay đùa, thấy Thoa thật tình muốn biết Vinh hiểu hai chữ “giải phóng” như thế nào nên chàng giải thích:
- Giải phóng là đem lại cho con người những quyền mà họ bị tước đoạt, ví dụ như một người muốn theo đạo Công Giáo mà bị chính quyền cấm, hay một người muốn đi từ nơi này đến nơi khác ở trong nước mà bị ngăn chặn, hoặc là giúp người thoát khỏi cuộc sống bần hàn, bế tắc không có lối thoát …
-Vậy mà 20 năm qua CộngSản BắcViệt nói “giải phóng” miền Nam mà đâu có đem lại quyền lợi hay giúp gì cho dân; họ bắt đầu cuộc “giải phóng” bằng những truyền đơn nói xấu chính phủ, phá cầu, đặt mìn trên đường đi, ném lựu đạn vào chợ, pháo kích vào trường học, ám sát nhân viên chính phủ... những người đi “giải phóng” chỉ biết phá hoại và khủng bố. Nay họ nói tới hòa bình, thống nhất, tự do, dân chủ, biết đâu những thứ này còn kinh hoàng hơn “giải phóng?”
- Những gì em nói chỉ là nỗi lo sợ những gì có thể xảy ra nhưng biết đâu họ sẽ hòa hợp, tha thứ để cùng xây dựng đất nước.
- Qua những gì em thấy ở trong quê mình thì họ sẽ trả thù những người không theo họ, chống đối họ.
- Dĩ nhiên họ sẽ trả thù những người cầm súng chống họ như quân nhân, cảnh sát chứ anh đi dạy học thì họ sẽ không đối xử tàn ác với anh đâu.
- Anh có biết rằng Cộng Sản Bắc Việt đã đối xử tàn ác với chính những người của họ không?
- Làm gì có chuyện ngược đời đó, em có thấy không hay nghe người ta nói?
- Làng mình có ba gia đình tập kết, khi chồng ra Bắc thì bà Hai Lực ở lại với hai đứa con nhỏ không quá 3 tuổi, bà Năm Tẩn cũng vậy, và bà Mười Âm cũng ở lại với 3 đứa con không quá 5 tuổi. 3 gia đình đó sống rất cực khổ, mấy đứa nhỏ lớn lên chẳng được đi học. Tại sao Cộng sản Bắc Việt chỉ đem mấy ông ra Bắc, bỏ lại vợ con trong Nam? Cái chủ trương tập kết chi mà tàn ác như vậy, xé nát gia đình người ta, làm cho vợ xa chồng, con xa cha! Anh thấy có bất lương, tàn nhẫn không?
Vinh im lặng, chàng có cái ưu điểm là biết lắng nghe và chấp nhận ý kiến khác mình, chàng rất quý trọng sự thông minh của Thoa nhưng không ganh tị hay mặc cảm. Thoa đưa ra những dẫn chứng giúp Vinh biết rõ hơn về Cộng sản Bắc Việt, chàng thấy nên vào Sài Gòn lánh nạn trong lúc này để tìm hiểu thêm họ cai trị những vùng mới chiếm được ra sao. Vinh đề nghi:
- Mình nên hỏi ý kiến cha mẹ về chuyện ra đi.
- Dĩ nhiên rồi, nếu cha mẹ cũng muốn đi thì em phải tìm cách để tất cả cùng đi.
Ông bà Thiện và ông bà Ngân không muốn đi, lý do chính là không muốn làm gánh nặng cho gia đình Vinh.
Vũng Tàu khi ấy rất đông người,do dân miền Trung mới chạy vào và những nơi khác đến, kể cả người Sài Gòn. Hàng ngày Vinh, Thoa và bé Quang đi lang thang để nghe tin tức. Một ngày nọ ăn trưa, ngồi gần 1 gia đình cùng trang lứa, họ cũng có một đứa con trai nhỏ; trò chuyện mới biết họ ở Sài Gòn nênThoa ngạc nhiên hỏi:
- Sao anh dân Sài Gòn mà cũng ra đây?
- Tôi ra đây để sẵn sàng chạy qua Mỹ nếu Sài Gòn thất thủ.
- Anh có bà con bên đó, hay cơ sở làm ăn?
- Tôi đi du học bên đó năm 1964, chị biết không? tiền học bổng đâu có bao nhiêu mà tôi vẫn có dư để gởi về giúp gia đình, bạn tôi còn đi làm việc thêm ban đêm, bên đó rất dễ tìm việc.
- Người ngoại quốc cũng được làm việc ở Mỹ?
- Hầu như ai muốn làm việc cũng tìm được chỗ làm, nhiều người tị nạn cộng sản từ Âu Châu qua đều có việc làm vì họ hiểu và nói được tiếng Anh, ít tháng sau họ mua xe, ít năm sau họ mua nhà; tôi là dân du học, về nước làm việc gần 7 năm rồi mà nghĩ đến mua nhà thấy vô vọng!

Được biết tin chiến sự ngày càng bi đát, Vùng II cũng đã bị Cộng sản Bắc Việt chiếm, và Sài Gòn đang bị địch tấn công rất nguy kịch! Tối 28 Tháng Tư,1975, sau khi bé Quang ngủ, Vinh nói với Thoa:
- Mình lo thu xếp để trở về Đà Nẵng đi em, Sài Gòn mất thì mình ở đây làm chi?
Thoa bàng hoàng với ý kiến của Vinh, nó cho thấy Vinh không hề có dự tính gì cho tương lai; nàng lấy lại bình tỉnh và thầm dặn lòng rằng đây không phải lúc để tranh cải mà là lúc phải quyết định một việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời, quyết định này phải được Vinh hiểu rõ và đồng ý. Thoa dịu dàng lên tiếng:
- Anh còn nhớ ngày anh bỏ nhà ra đi không? Sao khi ấy anh lại chọn con đường đầy chông gai đó?
- Vì yêu em, không muốn mất em; anh xuống Trường xin học bạ, trong đó có ghi đệ thất hạng sáu, đệ lục hạng ba, đệ ngũ hạng nhì, anh nghĩ rằng với học bạ tốt như vậy cha anh sẽ cho anh đi học tiếp nhưng chắc chắn ông không cho anh cưới em.
- Bây giờ mình lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy và mình phải chọn con đường đầy gian khổ, nhưng lần này không phải vì em mà vì thằng Quang. Những người thất học, suốt đời chỉ biết phá hoại và khủng bố, sẽ cai trị đất nước này, họ có toàn quyền định đoạt số phận của người dân, mình không muốn để họ quyết định cuộc đời thằng Quang nên phải đem nó ra ngoại quốc. Trên con đường gian nan sắp đến em sẽ chung sức với anh, và thằng Quang là động lực, anh không phải gánh vác một mình như khi anh bỏ nhà ra đi.
Vinh lắng nghe và chàng nhận thấy trách nhiệm đối với đứa con, Vinh nhìn thằng Quang đang ngủ say rồi nói với Thoa:
- Anh sẽ đưa thằng Quang đến một quốc gia văn minh, nhân bản và tự do cho nó được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo và tự quyết định cuộc đời của nó.
Vinh, Thoa và bé Quang nằm trong số những người Việt tị nạn Cộng sản đầu tiên đến định cư ở tiểu bang California năm 1975.

Trần Phố Hội
01/2024

Không có nhận xét nào: