Ô. Hải đứng sau TS. Trần Văn Khê
Tuần rồi đi dự họp mặt CLB Người Yêu Sách tại Gò Vấp, tôi gặp một tay phó nhòm kiêm viết văn làm thơ, năm nay 75 tuổi, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và vui tính. Ông tên Trần Quốc Hải, người tỉnh Bắc Ninh thuộc nhiều thơ, văn, ca dao, tục ngữ và ăn nói rất hoạt bát. Trong lúc ngồi giải lao trên băng ghế dưới bóng cây cerise trước sân tại khuôn viên thư viện quận, ông bàn chuyện về nhiếp ảnh với tôi. Ông nói làmcái nghề này bạc bẽo lắm, giống như làm dâu trăm họ, ông nhái thơ Tú Xương than thở:
Cái nghề nghệ thuật nghĩ mà kinh
Một thằng mở miệng chín thằng khinh
Phen này ông quyết đi buôn lợn
Vừa bán vừa rao đỡ bực mình.
Nói vậy chứ ông vẫn không đoạn tuyệt được với cái kiếp phó nhòm, ông mê nó như mê một người tình, ông vừa chụp nghệ thuật vừa chụp dịch vụ để kiếm cơm. Đặc biệt ông này chỉ chụp bằng hai cái máy du lịch, một cái là Sony T70 và một cái là Canon Powershot G12. Ông chê máy chuyên nghiệp vì nó cồng kềnh và nặng nề mang theo lôi thôi lếch thếch.
Phải công nhận ông ta sử dụng cái G12 thật nhuần nhuyễn, hình đẹp làm tôi ngẩn ngơ. Ông luôn luôn chụp không sử dụng đèn flash, trừ khi nào chụp tại cái mini studio của ông tại nhà thì ông sử dụng mấy cái đèn compact mà ông chế biến ra thành đèn floodlight. Tôi chưa chỉnh được cái Nikon D90 để chụp những hình trong nhà thiếu sáng hoặc contre soleil (backlit) như ông (dù rằng cái D90 đắt gấp 2 - 3 lần cái Canon PS G12).
Chính ông làm tôi băn khoăn về cái máy chuyên nghiệp và cái máy du lịch cao cấp của Canon.
Nói chán về nhiếp ảnh ông quay qua nói chuyện tiếu lâm nghề nghiệp. Ông kể có lần trong một cuộc họp mặt, nghe danh ông chụp hình đẹp, một chị sồn sồn nhờ ông chụp mấy tấm. Vì thấy hình trong monitor chị ta thích lắm. Hôm sau chị ta nhắn tin cho ông qua điện thoại di động. Không biết máy của chị ta có cài tiếng Việt hay không, hoặc có mà chị ta không biếtcách bỏ dấu. Cái message chị ta nhắn như sau: ANH NHO RUA LON CHO EM Mở máy ra đọc tin nhắn, ông ta tá hoả, không tin vào mắt mình, tưởng đọc lầm. Mấy giây sau, định thần ông biết rằng chị ta nhắn là ANH NHỚ RỬA LỚN CHO EM. Thật là một phen hú hồn.
Câu chuyện ông kể làm mọi người ngồi nghe chung quanh được dịp cười vỡ bụng. Tiếng Việt thiếu dấu nhiều khi thật tai hại. Hết nói về nhiếp ảnh, ông lại nói về thơ và ca dao. Ông nói
chưa có nước nào mà ca dao hay các thi sĩ làm thơ ca tụng cái soutiene của phụ nữ như ở Việt Nam. Đó cũng là một nét văn hoá đặc thù của dân tộc mình.
Trước cảnh thiên nhiên thì
Con cò đậu cọc cầu ao
Phất phơ đôi giải yếm đào gió bay
(Ca dao)
Hoặc như nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp tả cô bé đi chùa Hương:
Nho nhỏ cái đuôi gà cao
Em đeo cái giải yếm đào
Một câu ca dao xứ Thanh thật lãng mạn và tình tứ:
Thuyền anh mắc cạn ở đây
Mượn đôi giải yếm làm dây kéo thuyền
(Hò sông Mã)
Lại thêm một câu ca dao nữa:
Ước gì sông rộng tày gang
Bắc cầu giải yếm để chàng sang chơi.
Theo nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì:
Quân tử có thương thì bóc yếm
Hoặc:
Yếm đào để trễ dưới nương long
Nhà thờ Huy Trứ (tôi chưa nghe danh bao giờ) cũng góp phần:
Nàng là Mầu Thị đa đoan
Đã yêu cởi yếm chẳng toan tính gì
Còn Hoàng Cầm trong bài Bên Kia Sông Đuống sáng tác năm 1948:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
........
Và đến đây, ông ngâm và diễn luôn chứ không đọc nữa, một đoạn trên một tờ báo tường, tác giả vô danh, mà ông "chôm" được.
Mỏng manh tấm áo vải mềm
Tuổi thơ tôi để trong diềm yếm nâu
Yếm người nào có rộng đâu
Mà sao như khoảng đất giàu mênh mông
Ở đây cũng thể thành đồng
Ở đây cũng thể anh hùng nước non
Yếm vuông cho giọt sữa tròn
Đọng trong mỗi bước chân con tháng ngày
Ngâm xong, mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Không khí thật là vui.
Mấy câu thơ trên mộc mạc, nghe cảm động quá phải không các bác? Nó nói lên được cái mênh mông của công ơn, nghĩa mẹ giành cho con, một nơi dựa không lấy gì so sánh được.
Cuối cùng ông kể qua một giai thoại vui về nhà văn Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là một người rất sành ăn uống. Đặc biệt nghệ thuật uống trà của ông ít ai bì kịp.
Một hôm nhà văn Đoàn Giỏi (1926- 1989) đến thăm Nguyễn Tuân (1910-1987). Đứng về phương diện tuổi tác và trình độ thì Đoàn Giỏi chỉ đáng đàn em của Nguyễn Tuân. Vì là chỗ thân tình trong lúc Nguyễn Tuân đang bận tìm một cuốn sách trong tủ sách, thì Đoàn Giỏi tự động đi rửa ấm pha trà. Cái ấm đối ẩm nhỏ xíu lâu ngày cáu vàng bám đầy thành và miệng ấm. Đoàn Giỏi nghĩ Nguyễn Tuân ở dơ và làm biếng không rửa, bèn lấy dao cạo sạch đi. Sau khi pha trà xong Đoàn Giỏi mời Nguyễn Tuân uống.
Mới nhắp một chút, Tuân bỏ ngay tách xuống, chép chép cái miệng, thấy hương vị trà nay sao hơi lạ. Mọi lần khi đạy nắp ấm thì nó cộm lên vì lớpcáu ghét lâu ngày đóng thành tầng, dầy lên làm nắp đạy không khít. Nay thấy gọn gàng sạch sẽ quá, Nguyễn Tuân tá hoả tam tinh khi thấy lớp cáu ghét bị cạo sạch. Ông tiếc ngẩn ngơ vì phải mất bao năm tháng mới tích luỹ được. Chính nhờ lớp cáu đó mà trà mới có hương vị đậm đà. Nay không còn nữa thì mất đi một nửa cái ngon là phải rồi. Tuân trong bụng hơi bực, nhưng ngoài miệng cố cười gượng hỏi:
- Này chú, chú có biết nhà văn đương đại nổi tiếng của Trung Quốc là ai không?
- Thưa bác đó là Tào Ngu.
Chỉ chờ có thế, Nguyễn Tuân bèn tung một "chưởng" cho hả cơn giận:
- Ở bên Tàu có Tào Ngu, tưởng ngu hoá giỏi. Ở Việt Nam có Đoàn Giỏi, tưởng giỏi hoá... ngu.
Nói rồi chủ và khách cười xoà, cùng nhau nâng tách coi như không có việc gì xảy ra, và câu chuyện giữa hai người lại tiếp tục.
Cũng nhờ chuyện này mà Đoàn Giỏi học thêm được một bài học kinh nghiệm.
Đến đây mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. "Diễn giả" vừa dứt thì cũng là lúc chuông reo báo hiệu hết giờ giải lao. Mọi người lục đục vào hội trường, trong lòng còn ngẩn ngơ tiếc nuối dư âm của câu chuyện vừa qua và mong một ngày nào đó sẽ được ông Hải tiếp tục.
Hà Sgn
2014
PS: Nhân vật TQH trong câu chuyện mới chết cách đây 1 năm (2020 vì tuổi già.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét