Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

Bênh Bồng Như Mây – ĐỖ DUNG

Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo vang. Sáu giờ sáng, trời mùa đông Cali tối đen. Hôm nay tôi phải có mặt tại nhà thương Stanford trước tám giờ để làm thử nghiệm. Bác sĩ sẽ luồn một ống thật nhỏ qua tĩnh mạch chính ở chân, ống sẽ theo dòng máu dẫn lên để thông tim, khám phổi. Trời thật lạnh, mặc áo len, khoác áo ngoài mà vẫn không đủ ấm. Hai vợ chồng tôi ra xe, im lặng, không nói một lời và hình như cả hai cùng trĩu nặng âu lo. Trong lòng xe được sưởi ấm, tiếng hát Ý Lan vang lên nhẹ nhàng tha thiết: “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên…”

<!>

Đầu óc tôi bềnh bồng trở về những ngày tháng cũ xám xịt, thê lương. Những nhục nhằn, khổ đau của những người đàn bà còn ở lại, phải đối phó với những kẻ đang vênh vang thắng thế, phải đương đầu với những hoàn cảnh khắt khe.

Căn nhà mẹ tôi mua ở Long Thành để có nơi chốn hồi hương cho khỏi bị lùa đi kinh tế mới. Ao rau muống nước đục ngầu mà thằng bé con rơi tòm xuống tưởng chết. Những luống khoai mì ốm yếu xiêu vẹo vì không người bón tưới thường xuyên. Căn nhà thấp lè tè, tối om chỉ nhỏ như một cái buồng, mái tranh, vách lá, nền đất nện… Mẹ tôi ở đó một mình, như bị đầy đọa, ra vào im lìm như cái bóng.

– Mẹ ơi, Mẹ lấy sẵn cho Bố tiền qua cầu!

Tiếng nói của nhà tôi lôi tôi về thực tại. Bầu trời đã loãng ra, trắng nhờ nhờ và mưa lất phất.

– Mẹ đừng lo, chỉ mấy tiếng đồng hồ là xong ngay mà. (Chúng tôi quen xưng hô với nhau như thế sau khi sanh thằng bé út).

Thấy tôi ngồi yên lặng, chắc lòng anh cũng đang hoang mang, lo lắng. Anh nói trấn an vợ hay để tự làm yên lòng mình.

Sau thủ tục nhập viện, đường đến nơi thử nghiệm hơi xa nên nhà tôi lấy xe lăn cho tôi. Mọi khi ngồi trên chiếc “wheelchair” cho chồng đẩy tôi luôn miệng đùa cợt, trêu chọc bác phu xe:

– Thiên bất dung gian nhé! Lấy vợ trẻ để mong về già được hầu, bây giờ phải đẩy xe cho vợ… hihihi…

– Hà hà…có anh giáo gian tưởng được vợ đấm lưng ai dè phải đấm lưng cho vợ!

Hôm nay tôi cười không nổi. Nhìn bóng in vào những cửa kính khi đi ngang, anh đã mang nét lụ khụ, lưng hơi còng xuống chứ không phưỡn ngực như thời trai trẻ, như những ngày chúng tôi mới quen nhau.

Ngày ấy cô nữ sinh mười tám tuổi cắp sách đi thi Tú Tài hai. Ông bố đã sửa soạn sẵn cho con gái chiếc áo dài trắng nội hóa sạch sẽ, thơm tho, phẳng phiu và buổi sáng đã hò hét bảo con em sửa soạn xe sẵn để đưa chị. Cô thí sinh cả đêm không ngủ, đọc nguyên cuốn Luận Lý Học dày cộm như đọc tiểu thuyết, không dám nói một lời, chỉ sợ những chữ mới nhét vào đầu sẽ rớt ra. Đến trường Gia Long, lần theo bản đồ chỉ dẫn, lần theo số báo danh, cô thí sinh đi tìm chỗ. Giờ đầu tiên là giờ thi Triết. Chỗ ngồi thi ngay đầu bàn nhất, phía bàn giáo sư, y như chỗ ngồi của cô trong lớp nhất A1 ở Trưng Vương. Đề thi vừa được viết trên bảng, con nhỏ thiếu điều rú lên vì… trúng tủ. Giở gói ô mai để ngay trước mặt và con nhỏ bắt đầu phóng bút.

– Thưa Thầy cho con xin thêm tờ giấy!

Con nhỏ đã viết lấp đầy tờ giấy thứ nhất. Thầy giáo coi thi đưa thêm tờ thứ hai, vuốt thẳng và trịnh trọng để trên bàn. Thỉnh thoảng con nhỏ nhón cục ô mai cắn một miếng rồi lại cắm cúi viết, đâu biết rằng người thầy giáo coi thi ấy đang chăm chú nhìn và cứ tủm tỉm cười.

Cái thuở ban đầu, cái buổi gặp gỡ đầu tiên chỉ giản dị như thế.

– Bà Nguyễn, mời bà theo tôi vào đây! Người y tá trẻ vui vẻ ra đón.

Sau khi thay y phục nhà thương, tôi lên giường nằm, bịch thuốc treo trên cao nhỏ từng giọt vào mạch máu, mũi được cắm ống Oxygen. Từng đợt y tá đến, đo máu, lấy máu, gắn máy đo nhịp tim. Nhà tôi vẫn được phép ngồi cạnh tôi, chưa phải ly cách.

Bác sĩ Z, người vẫn săn sóc tôi đến cùng hai bác sĩ trẻ, một nam một nữ. Cả hai đều chưa đến ba mươi. Cô gái xinh xắn, người tầm thước, tóc vàng, da trắng nõn, cặp mắt mở to trong veo màu hạt dẻ. Cô ta tự giới thiệu tên M, giải thích tiến trình và cho biết cô sẽ là người trực tiếp thực hiện cuộc thử nghiệm này. Một thoáng ngần ngừ, tôi nhớ lời dặn dò của một người bạn: “Mổ xẻ hay thử nghiệm quan trọng mi phải yêu cầu bác sĩ chính làm, mi đừng để sinh viên thực tập. Có chuyện gì là hối không kịp đó”. Bác sĩ Z người Ấn Độ, trưởng phân khoa phổi. Mặt ông thật tươi, hai tai dài, đẹp. Mỗi lần đến khám bệnh tôi thường gọi đùa ông là Ông Phật, ông chỉ mỉm cười. Nếu tôi từ chối, cô bác sĩ trẻ này sẽ buồn và nếu ai cũng từ chối thì làm sao sinh viên có cơ hội thực tập. Ý nghĩ lướt nhanh trong đầu và tôi vui vẻ trả lời là tôi rất hân hạnh được cô lo cho tôi. Như đọc được tư tưởng tôi bác sĩ Z nói:

– Bà Nguyễn, tôi sẽ có mặt trong suốt tiến trình này. Bà sẵn sàng chưa?

– Dạ sẵn sàng, thưa bác sĩ.

Nhà tôi nắm nhẹ tay tôi, cúi xuống nói nhỏ, giọng bùi ngùi:

– Bố ngồi ở phòng đợi, họ đưa Mẹ ra là Bố vào ngay.

Khẽ gật đầu, mắt tôi cũng cay cay.

Người y tá đẩy tôi qua một hành lang dài hun hút. Tôi thật sự cô đơn. Như mấy lần thử nghiệm trước, tôi sẽ được chích thuốc mê, tôi sẽ được đưa vào cơn chết tạm và khi tôi tỉnh dậy thì mọi sự đã xong. Nếu lần này tôi không dậy nữa… hình ảnh các người thân của tôi hiện ra, mặt mẹ tôi rõ nét, rồi đến chồng tôi, mấy đứa con, mấy đứa cháu bé bỏng, chị em, bạn bè… Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Và như phản xạ từ tiềm thức, tôi niệm Phật.

Hai người y tá nhẹ nhàng chuyển tôi sang chiếc bàn dài phủ giấy trắng dưới chụp đèn trắng sáng, màu trắng sáng chói lòa. Căn phòng trắng lạnh lẽo. Mấy người xúm lại làm những sửa soạn cuối cùng, lại đo máu, đo nhiệt độ, đo Oxygen, lại lằng nhằng những dây cùng nhợ.  Bác sĩ Z và hai bác sĩ trẻ đến, họ đã đội mũ và mang khẩu trang, chỉ còn hở cặp mắt. Tiếng dụng cụ khua chạm lanh canh. Tôi yên lặng tập trung tinh thần niệm Quan Thế Âm Bồ Tát.

Một y tá đưa tôi ly nước và viên thuốc:

– Bà Nguyễn, thuốc này sẽ làm bà thanh thản, thuốc làm bà thoải mái thôi, không phải thuốc mê.

– Tôi không bị mê, tôi vẫn tỉnh à?

– Đây là loại thuốc an thần, bà sẽ cảm thấy êm dịu, nhẹ nhàng, không phải thuốc mê. Nào, bà sẵn sàng chưa, chúng ta bắt đầu nhé!

Tiếng bác sĩ Z dịu dàng giải thích.

Bác sĩ M đến bên nói tiếp:

– Chúng tôi sẽ làm tê ngay chỗ đưa ống thử vào người, bà sẽ không cảm thấy đau đớn gì đâu.

Bấy giờ tôi mới quan sát quanh phòng, ngoài chiếc màn hình ghi nhịp tim và nồng độ oxygen trong máu ngay đầu giường còn một màn hình to bằng chiếc TV 52 inches treo trên tường.

Uống viên thuốc được một lát người tôi lâng lâng, chơi vơi như những cụm mây trắng và tôi chìm dần trong vùng mây trắng bềnh bồng trôi.

Mây bay, mây cứ bay… một thảm cỏ xanh hiện ra rồi đến khu vườn đầy hoa trước biệt thự nằm trên đường Cộng Hòa Đà Lạt.  Một đám trẻ nô đùa, hái hoa, bắt bướm, chạy đuổi nhau, những tiếng cười khanh khách, giòn tan. Bồn hoa Quỳ, Hướng Dương đầy hoa vàng tươi đang chào nắng, những cánh Pensée mỏng manh rung rinh và những vạt hoa cúc vàng, cúc trắng nở rộ như reo cười. Hàng rào song sắt bao quanh biệt thự như được bọc bằng những khóm hoa hồng đủ màu sắc… Hình ảnh chị em tôi thời thơ ấu, mỗi năm được lên nhà bác ở Đà lạt nghỉ hè. Rồi như khúc phim được chuyển cảnh, tôi như đang nhìn thấy tôi với chàng tay trong tay trong khu rừng thông ven Hồ Than Thở, những cội thông già vươn cao, thẳng tắp. Tiếng lá reo vi vu. Khung cảnh thật tịch lặng. Nắng hanh hanh, gió se lạnh, tôi như đắm chìm trong hạnh phúc êm đềm và như quyện mình trong hơi ấm mới quen của người chồng mới cưới.

Chợt đau nhói, tôi vùng mình ú ớ.

– Bà Nguyễn, bà có sao không?

Tiếng bác sĩ Z.

Tôi nhẹ lắc đầu trở về thực tại. Tôi đang nằm trên chiếc bàn trắng trong bệnh viện, đang ở trong trạng thái chập choạng mơ màng, nửa mê, nửa tỉnh và tôi đã được trở về một quá khứ đẹp đẽ xa xưa.

Ngước nhìn lên màn hình, quả tim tôi đang đập phập phồng và hai lá phổi hiện ra với những đường chằng chịt như rễ cây. Tôi không phải soi vào nội tâm mà tôi đang nhìn vào bên trong thân xác và tôi thấy thật rõ một đường nhỏ giống như sợi chỉ đang luồn lách.

Tôi lại chìm đắm… tôi nhìn thấy người thiếu phụ trẻ trong bộ đồ đen bế thằng bé con chưa đầy một tuổi. Tôi lại nhìn thấy tôi trong Sài Gòn sau ngày mất nước. Tôi bế thằng bé đến một căn nhà ở đường Gia Long, căn nhà được tiếp thu để làm văn phòng ban cải tạo phường thuộc quận một. Tầng dưới kê một bàn giấy, mấy người ngồi làm việc. Tôi được chỉ lên tầng trên. Một căn phòng trống trơn, mắc độc một chiếc võng. Một người đàn ông khoảng năm mươi, cởi trần mặc chiếc quần dài bộ đội đang nằm toòng teng, một chân trên võng, một chân thả xuống đất để đu đưa. Tôi dợm mình quay xuống cầu thang.

– Chị kia, phải chị tới khiếu nại không? Chị vào đây!

Nhận ra ông ta là người đã lên lớp giảng chính sách của nhà nước về kinh doanh bữa trước tại thương xá Tam Đa, tôi bồng con quay lại, rón rén ngồi xuống ngay ngạch cửa. Cũng may khi được gọi đi, mẹ tôi đã cẩn thận dặn bế thằng bé theo để nếu có bề gì người ta phải trả thằng bé về nhà và mẹ tôi biết đường mà đi kiếm.

– Đâu, có chuyện gì chị nói đi!

– Thưa ông…

– Khỏi, chị khỏi gọi tôi bằng ông.

Tôi ngập ngừng:

– Thưa bác… Thưa chú…

Thấy ông ta yên lặng tôi nói tiếp:

– Thưa chú, cháu làm thợ may ở thương xá Tam Đa.

– Chị là chủ hay chị làm công?

– Dạ, cháu mướn tiệm, nhận may gia công.

– Rồi sao?

– Cán bộ đến nhà kiểm kê tịch thu của cháu cái máy may, máy vắt sổ và mấy xấp vải của khách đưa may.

– Chị là chủ tiệm, họ tịch thu là đúng rồi, mai mốt các cửa tiệm vào quốc doanh hết, các chị sẽ vào tập thể, nếu làm thợ may chị có máy của cơ quan, chị đâu cần máy riêng.

Nỗi uất dâng lên tới đỉnh đầu, tôi ráng dằn lòng nhỏ nhẹ:

– Thưa chú, nhà nước nói rõ là chỉ tịch thu những tư liệu kinh doanh, không tịch thu tư liệu sản xuất. Máy để cháu may mướn. Cháu đâu có bán máy may!

Ông ta gườm gườm nhìn tôi:

– Ai nói chị điều đó?

Tôi điềm tĩnh trả lời:

– Chú! Chính chú đã giảng điều đó. Cháu nhớ rất rõ. Cháu đã chăm chú nghe vì chú giảng hay lắm. Chú nói hay lắm.

Ông ta châm một điếu thuốc và rít một hơi dài nhìn tôi đăm đăm. Tôi lạnh cả gáy đợi phán quyết.

– Được rồi, chị để giấy tờ đây, chị về đi tôi sẽ cứu xét trường hợp của chị.

Đặt thằng bé vào chiếc ghế con gắn sau ghi đông chiếc xe đạp mini. Tôi đạp xe đi mà muốn òa lên khóc. Khóc cho vơi đi những ấm ức, những tủi nhục phẫn uất. Những con đường Sài Gòn che phủ bởi những hàng cây sao cao vời vợi, tiếp đến những con đường ngợp lá me xanh… Tôi chẳng còn thấy gì thơ mộng, nghĩ đến chồng đang trong trại tù cải tạo, tôi nhớ quay quắt và cùng cực trong nỗi cô đơn.

Màu trắng của mây lại bềnh bồng và tôi lại thấy tôi đang ngụp lặn trong màu xanh bát ngát của biển, từng đợt sóng nhấp nhô, nhấp nhô tung bọt trắng xóa vào bờ. Tôi đang ở bãi biển Galang. Tôi đang thở hít không khí tự do. Đầu óc thật thanh thản và hân hoan nghĩ đến tương lai tốt đẹp ở vùng đất hứa. Tôi dẫm chân lên cát ấm và chạy tung tăng trong gió. Gió quấn quít quanh tôi. Tôi ưỡn ngực hít một hơi thật dài.

Choàng tỉnh giấc, tôi mở mắt ra, chạm vào khuôn mặt bác sĩ M đang cúi xuống:

– Bà Nguyễn, bà tỉnh dậy nào. Mọi việc xong rồi. Bà là bệnh nhân thật tốt. Chúc bà mau bình phục.

Mấy người y tá xúm lại tháo dây, lau chùi và mặc áo lại cho tôi. Ba bác sĩ chào tôi và hẹn sẽ cho biết kết quả vào kỳ khám bệnh tới.

Họ lại chuyển tôi sang chiếc giường khi nãy và đẩy tôi về phòng hồi sức. Tôi phải nằm yên trong một tư thế, cứ một lát lại có người đến khám vết thương và ấn thật mạnh để khỏi tụ máu bầm. Sau ba giờ, chiếc nệm cứng dưới lưng khiến tôi mỏi mệt rã rời, người anh ách nước, miệng khô đắng và bụng thì đói meo.

Hai người khán hộ đến giúp tôi làm những vệ sinh cá nhân, nâng đầu tôi dậy cho uống nước, bón tôi từng thìa canh, tôi cảm thấy yếu đuối như trẻ con. Tôi mệt mỏi ngủ thiếp một giấc dài không mộng mị. Thức dậy, cô y tá đẩy tôi sang phòng cũ nơi tôi nằm chờ khi sáng và tôi lại nhìn thấy khuôn mặt thật thân quen.

Đỗ Dung

Không có nhận xét nào: