Ông Phát – Nguyễn Phúc Phát – Cái tên đọc lên nghe không êm tai, nhưng có ý nghĩa của sự ước mong “phúc đức” được phát triển. Nhưng xem ra cuộc đời ông Phát họa nhiều hơn phúc. Tôi kể lại câu chuyện đời ông để chúng ta cùng suy ngẫm.Thời thơ ấu ông theo cha ở nơi này một thời gian rồi đi nơi khác vì cha ông làm trong ngành hỏa xa. Lần này cha ông được thăng chức làm sếp ga (chef de gare) Quảng Ngãi – một nhà ga lớn thuộc tỉnh Quảng Ngãi – nên ông được ở đây suốt thuở thiếu thời. Ông vào học lớp Nhì (ngang với lớp Bốn bây giờ). Lớp này có khoảng ba mươi học sinh, đa số là dân địa phương, nói giọng Quảng Ngãi, xen vào năm ba đứa nói giọng Huế - đó là con của các công chức hay thầy giáo người Huế vào đây làm việc.
Đám học trò Quảng Ngãi hay nhại giọng Huế để cười chế nhạo. Những học trò Huế cũng không vừa, nhại lại giọng Quảng Ngãi: “eng khổng eng, tét đèng đi ngủ” (ăn không ăn, tắt đèn đi ngủ). Đó là những kỷ niệm thân thương của tuổi học trò. Sau này lưu lạc bất cứ phương mô, ông cũng thương về xứ Quảng.
Nhưng có một chuyện để mãi trong lòng ông một mặc cảm với cái tên Phúc Phát của mình từ khi còn học lớp Nhì: Hôm ấy, thằng lớp trưởng vắng mặt, thằng lớp phó lên thay, lấy sổ điểm danh từng đứa – đây là công việc thường ngày trước khi thầy giáo giảng bài. Thằng lớp phó nói giọng Huế, đến tên Nguyễn Phúc Phát hắn đọc: Nguyễn “Phục Phạt”. Mấy đứa học trò Quảng Ngãi nhao nhao bảo: - Hén bị “phoạt” ngoài tê không có mẹc trong ni mô (hắn bị phạt ngoài kia không có mặt trong này đâu). Phát đứng lên: - Tao nì! Cả lớp ồn ào cười ngây ngất…Thầy giáo bực mình phạt cả lớp quỳ nửa giờ. Đó là “cái họa” đầu tiên do cái tên “Phúc Phát”, nhưng chỉ là chuyện nhỏ - nhớ để mà vui… Sau đây mới là “cái họa” đau lòng: Ngày ấy, ông Phát bị nhốt ở trại tù Yên Bái.
Một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, không phải “lao động xã hội chủ nghĩa”- một ngày lý tưởng cho đám tù khốn khổ được rảnh rang ra ngoài nấu nướng linh tinh. Đám tù sửa soạn ca cóng… ngồi chờ tên cán bộ trực trại đến điểm danh, mở khóa buồng giam thì tên quản giáo xuất hiện. Hắn kêu anh buồng trưởng đến cửa, ra lịnh:
- Gọi anh Nguyễn Phục…
Hắn ngừng, ra chiều suy nghĩ (có lẽ quên chữ phát) nhưng chỉ một thoáng, hắn tiếp: - Phạt!
Nguyễn Phục nằm gẩn cửa nghe thế - tá hỏa! Cự nự:
- Tôi có làm gì đâu mà phạt.
Anh buồng trưởng ú ớ. Tên quản giáo nghe thấy, bèn giải thích:
- Không có phạt vạ chi mô (không có phạt vạ gì đâu) chỉ cần ba anh ra ngoài làng lấy xác anh Long đem đi chôn. Anh Long trốn trại bị du kích phát hiện, đánh chết ngoài nớ…
Hắn ra lịnh tiếp cho anh buồng trưởng:
- Gọi anh Nguyễn Phục Phạt (Phát) là một, anh Lê Văn Hượng (Hưởng) là hai, người thứ ba là Phạm Đ… (Đủ) - Nhưng thôi để anh Nguyễn Phục thay anh Phạm Đ...( Đủ) - Anh Phục đi theo phụ hai anh kia đào huyệt. Chốc nữa bảo ba anh này ra cổng gặp tôi.
Việc chôn xác tù, thường giao cho đám tù hình sự. Nhưng những trường hợp bị chết thảm như anh Long thì bọn quản giáo thường chọn các tù chính trị cứng đầu, bướng bỉnh thay thế, như một cách để răn đe. Nguyễn Phục, người trẻ nhất trong buồng, hiền lành, ít khi tỏ thái độ chống đối, nhưng thường bị vệ binh phạt ngoài hiện trường lao động vì cái tội “cải thiện linh tinh”. Lần này nằm trong buồng, chưa làm gì cả mà bị kêu tên ra phạt. Anh ta cảm thấy oan ức, nên mau mắn lên tiếng phản đối.
Trong nhà tù, khi phân công làm bất cứ việc gì, dù vô cùng chán nản tù nhân cũng không thể từ chối. Và việc đi chôn xác bạn tù, coi như một “tai họa”, vì luôn lưu lại trong lòng nỗi ám ảnh thê lương… Cho nên xong công việc chôn cất anh Long, Nguyễn Phục càm ràm với ông Phát:
- Cái tên của ông thiệt là ác ôn! Làm tôi mang họa lây…
- Do cái giọng Nghệ An nặng chình chịch cuả hắn, chứ đâu phải do cái tên của tao.
Ông Phát phân trần, rồi tiếp:
- Dòng họ nhà tao ai cũng mang hai chữ đầu Nguyễn Phúc sau đó cha mẹ muốn đặt tên gì thì thêm vào một chữ có ý nghĩa là thành tên như Nguyễn Phúc Lạc, Nguyễn Phúc Lộc, Nguyễn Phúc Thọ…v…v…Theo lời cha tao kể: “Khi sinh ra, mẹ tao muốn đặt cho tao cái tên Nguyễn Phúc Tài – mong sau này tao có nhiều tiền. Cha tao bảo: - Giàu chưa chắc đã sướng. Mẹ tao đề nghị tên khác: Nguyễn Phúc Lộc – mong cho tao sau này làm quan - được hưởng ơn vua lộc nước. Cha tao bảo: - Cái lộc nước bây giờ là ăn hối lộ bị dân chúng phỉ nhổ, nhục lắm! Mẹ tao đề nghị tiếp: Nguyễn Phúc Thọ - mong cho tao sống lâu. Cha tao bảo: - Sống chết có số, với lại sống lâu thêm khổ, thêm nhục chứ được tích sự gì?! Mẹ tao chán quá, không đề nghị nữa và nói: - Vậy ông muốn đặt cho nó tên gì? Cha tao bảo: - Ở đời phúc đức là quí nhất – có phúc đức mặc sức mà ăn - vậy nên phát triển cái phúc đức.” Thế là tao mang cái tên Nguyễn Phúc Phát.
Ông Phát tâm sự:
- Thế nhưng xem ra đời tao chẳng ra gì! Hồi còn nhỏ học hành kém cỏi, không hy vọng lấy được mảnh bằng Tú Tài. Cha tao dự tính nếu không đậu được Tú Tài thì sẽ gom góp mua một chiếc xe chuyên chở hành khách, chạy đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Như vậy cũng ấm thân. Dưới cái nhìn của cha tao: chuyên chở hành khách là một nhu cầu – không bao giờ thất nghiệp.
- May mắn, năm đó tao thi đậu Tú Tài I. Cha tao vui mừng bảo: “Cái phúc đức nhà ta đã phát”. Ông làm tiệc chiêu đãi tưng bừng... Ông hy vọng tao sẽ thành đạt trên đường học vấn và sẽ làm rạng rỡ gia phong. Nhưng sau đó tai họa lại đến: chiến tranh! Chiến tranh đã làm tiêu tan tất cả mọi ước mơ.
- Năm ngoái cha tao ra thăm nuôi, lợi dụng lúc tên cán bộ ra ngoài, ông buồn thảm than rằng: “Nếu con không đỗ Tú Tài để đi làm quan, thì đâu phải lâm vào vòng lao lý, khổ sở thế này…Nếu làm lính Địa phương quân, Nghĩa quân thì con đã là một anh tài xế, được khỏe tấm thân. Thời buổi bây giờ: “nhất tài xế, nhì tài công, thứ ba ông cán bộ.” Tài xế kiếm ăn được nhờ chở hàng lậu. Mấy ông tài công được người ta cầu khẩn như Lưu Bị cầu Khổng Minh để lái tàu vượt biển. Còn mấy ông cán bộ - biết rồi - khỏi nói! Nhưng ở đời phúc họa vô lường - phúc đức còn thì còn hy vọng con ạ”.
- Cha tao qua đời sau chuyến thăm nuôi năm đó, đau buồn không sao kể hết...và tao ghi nhớ mãi trong lòng lời nói của cha tao: “Phúc Đức còn thì còn hy vọng”.
Bóc hơn sáu quyển lịch, ông Phát được ra khỏi trại tập trung. Về nhà thấy cảnh vợ con nheo nhóc, đói khổ…ông Phát vô cùng thất vọng! Nhưng rồi cái “phúc” lại “phát”-- ông được đi định cư ở Hoa Kỳ theo chương trình HO.
Ông ra đi với vợ và hai đứa con nhỏ, để lại quê nhà thằng con cả, vì nó đã có gia đình và trên 21 tuổi, nên không được đi cùng. Đến vùng “đất hứa”, cái phúc tiếp tục phát – gia đình làm ăn khấm khá mua được nhà cửa khang trang, hai đứa con học hành giỏi giang, thành đạt.
Thời gian thấm thoát trôi qua, ông bà Phát đã đến tuổi về hưu. Hai đứa con đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, lương cao và đã lập gia đình, ra ở riêng. Hai vợ chồng già hủ hỉ bên nhau và có cùng mơ ước: Sẽ về Việt Nam ở chơi một tháng với vợ chồng thằng con cả và mấy đứa cháu nội. Sau đó sẽ đi du lịch đó đây để bù lại những tháng năm làm việc cật lực ở Mỹ -- ngày không thấy mặt trời, đêm về chẳng thấy trăng sao…
Một tháng ở Việt Nam, hai ông bà thấy nhiều người trong nước nhận tiền của thân nhân nước ngoài gởi về để sửa sang mộ phần ông bà, cha mẹ; giúp anh em, con cháu xây dựng nhà cửa và họ hàng đóng góp -- người góp của, kẻ góp công xây dựng nhà thờ Chi, nhà thờ Họ nguy nga tráng lệ… Sự việc đó trở thành phong trào. Người ta thi đua “vinh danh người chết, làm đẹp mặt người sống.” Ngôi mộ xây sau “hoành tráng” hơn ngôi mộ xây trước. Thâm chí nhiều ngôi mộ vừa xây xong, đập phá xây lại to đẹp hơn, cho “đẹp măt” với bà con, dòng họ. Cứ thế tiến lên… biến nhiều khu nghĩa trang trông xa như một thành phố. Có người đưa ra nhận xét: Trông toàn cảnh Việt Nam bây giờ: chùa chiền, nhà thờ, lăng tẩm của các ông lãnh đạo phát triển nhanh, mạnh, to lớn, nguy nga hơn nhà thương, trường học.
Theo phong trào đang lên, ông bà Phát dự trù rút tiền trong quỹ hưu trí 401k ra để xây mồ mả ông bà, cha mẹ hai bên nội, ngoại và sửa lại căn nhà cho thằng con cả để nơi thờ tự được “hoành tráng” như người ta. Ông Phát hứa với thằng con cả: “Về Mỹ, thu xếp tiền bạc, sang năm cha mẹ sẽ về cùng con lo công việc…”
Năm sau, ông Phát về một mình, bà Phát ở lại Mỹ. Bà bảo: “Việt nam nóng quá, về ở lâu bà không chịu nổi”. Đây là một sai lầm lớn dẫn đến những tai họa, không thể lường trước được.
Ngày trở lại quê hương với bao kỳ vọng, ông Phát suy nghĩ mông lung…Với số tiền mang về, có thể cứu giúp một số người qua cơn cùng khốn, nhưng ông Phát suy tính: lo cho người chết được “mồ yên mả đẹp” trước đã, người sống tính sau. Như vậy cũng được tiếng thơm là người không quên cội nguồn. Thế là ông Phát xúc tiến công việc xây mồ mả cho hai bên nội, ngoại.
Ở Việt Nam bây giờ có những nhà thầu chuyên môn xây mộ “bao trọn gói” - từ A đến Z - Tiền nào của đó: hoành tráng, thường thường bậc trung hay theo mẫu mã bình thường. Ông Phát chơi trội, chọn mẫu “hoành tráng”. Nhờ đồng đô la có giá và tiền nhân công ở Việt Nam rẻ, nên số tiền ông mang về để xây mộ phần chưa đến phân nửa. Sửa sang căn nhà cho thằng con cũng chỉ mất vài chục ngàn đô, còn lại số tiền kha khá. Theo dự trù ông Phát ở lại quê nhà sáu tháng để lo công việc… Công việc của ông Phát ở đây, không có gì bận rộn, vất vả. Xây dựng mồ mả đã có nhà thầu “bao trọn gói”, ông chỉ việc chi tiền, rồi thỉnh thoảng đến kiểm tra; còn sửa sang nhà cửa đã có thằng con trai.
Người xưa đã bảo: “nhàn cư vi bất thiện”, hơn nữa ông Phát lại còn có tiền bạc rủng rỉnh. Thế là ông dễ sa vào con đường mà cách nay vài năm ông cực lực lên án. Ông từng chửi nặng lời bọn người “xênh xang áo gấm về làng”, ăn chơi đàng đúm trên sự đau khổ của đồng bào trong nước. Ông gọi những “con trâu già thích gặm cỏ non” là những “thằng già dịch”. Bây giờ chính những “thằng già dịch” đã đưa ông vào con ngõ hẹp.
Họ đến rủ rê ông Phát đi chơi giải trí. Họ bảo: “Cuộc đời như ảo ảnh phù du, vô thường, ngắn ngủi… Thế hệ chúng ta chịu nhiều thiệt thòi và cơ cực. Bây giờ là cơ hội được đền bù, nên tận hưởng, kẻo một mai hối tiếc.” Ông Phát nghe ra “chí phải!” Thói đời: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Dần dà, họ đưa ông đến những tụ điểm ăn chơi, đàn đúm. Một thời gian, ông cảm thấy nơi đây bản năng động vật đã lấn lướt hành vi trí tuệ của con người. Ông cảm thấy ngượng ngùng, bại hoại. Ông muốn quay về với sự thuần khiết đạo lý làm người. Nhưng đã muộn! Ông đã ghiền!
Đứa con gái phục vụ ở quán “bia ôm” ngày trước đã đưa ông vào mộng – nó vuốt ve, ca tụng, chiều chuộng ông với những lời âu yếm như mật rót vào tai – khiến ông quên người vợ già khó tính và quên cả cái nghĩa tào khang…
Hôm nay nó đến tìm ông, ngã đầu vào vai ông, khóc nức nở, rồi tỉ tê: “Em không làm ở quán bia ôm nữa. Ô nhục lắm anh ơi! Nhưng em còn mẹ già ngoài Hà Nội cơ cực quá và một đứa em đang đi học, em phải nuôi dưỡng. Em thấy anh là người nhân hậu, có thể cứu giúp em qua cơn bỉ cực và em linh cảm như có mối nhân duyên - từng đêm em nhớ nhung, mong mỏi được gặp lại anh - vắng anh đời em như mất hết ý nghĩa. Em nói thật lòng: - Bây giờ vợ anh cũng già rồi, một mai sẽ ‘khuất núi’… ai sẽ là người hôm sớm bên anh khi anh còn phong độ như thế này? Người ta bảo: ‘Hiện nay, Việt Nam là một trong mười quốc gia đáng sống nhất trên thế giới.’ Sao anh không về đây an dưỡng? Em sẽ chăm sóc cho anh. Không phải trù ẻo, nhưng cuộc đời nào ai tránh khỏi cái Sinh, Lão , Bịnh, Tử…Đến khi vợ anh ‘khuất núi’, em sẽ đồng ý cho anh làm đám cưới để anh bảo lãnh em sang Mỹ tiếp tục hầu hạ anh cho đến hết cuộc đời…”
Cái giọng Hà Nội êm như ru của nó làm ông Phát vừa xúc động vừa thầm khen: Con bé này tuổi đời chỉ quá đôi mươi mà nó biết nhìn xa, tính chuyện tương lai nghe ra “chí phải”. Trong đầu ông Phát nảy ra ý tưởng: vừa cứu người vừa giúp mình -- Cứu con bé ra khỏi cảnh lầm than, ô nhục… và tuổi già của mình có người sớm hôm chăm sóc. Thế là ông ra tay nghĩa hiệp.
Từ đây, ông và con bé gặp gỡ thường xuyên hơn. Nó đưa ông về căn nhà, tuy nhỏ nhưng gọn gàng sạch sẽ trong xóm Vườn Chuối, Quận 3. Nơi đây có những đêm mặn nồng tình ái, coi như tổ ấm của đôi vợ chồng son.
Và cũng từ đây, ông đi sớm về khuya, vợ chồng thằng con cả thấy có sự bất thường, nên bắt đầu theo dõi… Cuối cùng khám phá ra: “Ông già có bồ nhí!”.
Thằng con trai thông cảm, bao che cho ông già và giữ đạo làm con, nó chỉ khuyên can xa gần chứ không dám nặng lời với cha. Nhưng vợ nó cực lực phản đối, và báo cáo mọi tình tiết cho bà già chồng. Nghe tin như sét đánh ngang tai, bà vợ nghẹn ngào không nói nên lời. Bà không ngờ một người cần kiệm như thế, bao năm đồng lao cộng khổ cùng bà nuôi dưỡng con cái, xây dựng gia đình và rồi sẽ hôm sớm bên nhau khi tuổi già sức yếu. Thế mà bây giờ chồng bà quên cái nghĩa tào khang, phản bội bà, đi theo người khác trẻ đẹp hơn. Lòng bà xót xa như xát muối!
Mấy tháng nay, bà cảm thấy cô đơn, mong ông sớm về để thực hiện chuyến du lịch nơi Thiên đàng hạ giới, Hawaii - như đã dự trù. Nhưng bây giờ thì không còn gì nữa. Tất cả tan như bọt sóng… Nỗi lòng cay đắng không biết tỏ cùng ai, mặc dù ở gần bà có hai đứa con cật ruột. Nhưng từ ngày chúng lập gia đình với người ngoại quốc: thằng rể người Mỹ, con dâu người Pháp, làm cho tình cảm không được đậm đà vì sự bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Ngay cả khi bà muốn âu yếm, chăm sóc mấy đứa cháu nội, cháu ngoại cũng không được tự nhiên. Bây giờ bà chấp nhận thân phận hẩm hiu trong thầm lặng cô đơn…
Rồi một ngày bà tìm ra con đường giải thoát – Đi tu! Giũ hết cát bụi trần ai, tìm sự thanh tịnh cho tâm hồn nơi cửa Phật.
Nơi đây bà ngộ được cái “nghiệp - duyên - nhân - quả” trong kiếp nhân sinh. Ngày ông Phát trở về, bà không có lời oán trách, ghen tuông. Bà để cho “nghiệp - duyên - nhân - quả” vận hành hóa giải… Bà tịnh khẩu!
Hình ảnh người vợ tiều tụy trong chiếc áo tràng màu lam, đêm đêm lặng lẽ thắp hương cúi đầu trước bàn thờ Phật, ông Phát cảm thấy chạnh lòng. Từng đêm, tiếng tụng kinh trầm bổng theo nhịp mõ đều đều ở dưới nhà vọng lên làm tâm hồn ông phiêu diêu thoát tục…
Nhưng sau đó cái cell phone rung lên những lời âu yếm, tỉ tê thương nhớ… Hình ảnh đôi môi trái tim, má núm đồng tiền, cặp mắt bồ câu, đôi chân dài lả lướt của con “bồ nhí” đã cùng ông sánh buớc trên đường phố Sài Gòn làm ông ray rứt nhớ nhung…
Qua hai tháng sống với tâm trạng lơ lửng, chơi vơi -- trần tục còn vấn vương, thanh cao chưa với tới… Căn nhà ngày nào là tổ ấm, hai vợ chồng ông đã từng mơ ước, chắt chiu mới có. Bây giờ trông thấy ảm đạm, đìu hiu … Ông chán nản và không còn tha thiết với nó.
Rồi đến một ngày: “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường… Cứ tìm những lối đoạn trường mà đi. (Truyện Kiều - Nguyễn Du)” - Ông Phát quyết định về sống luôn ở Sài Gòn.
Tính chuyện ly thân, ly dị lúc này thì bẽ mặt với mấy đứa con và bạn bè mà còn lắm điều rắc rối, nên ông muốn nói lời tạ tội và ý định của mình với vợ, nhưng bà vợ lánh mặt và tịnh khẩu. Qua nhiều đêm suy nghĩ, ông viết một lá thư dài - kể lể nỗi lòng và mong bà tha thứ. Điều quan trọng ông mong bà chấp nhận là bán căn nhà chia đôi tài sản. Bà ở lại Mỹ với hai đứa con, còn ông về Sài Gòn ở với thằng con cả.
Đọc xong lá thư, bà vợ lấy bút đỏ khoanh vòng những dòng ông đề nghị bán nhà, rồi viết hai chữ OK.
Chỉ trong vòng ba tháng, việc nhà cửa đã tính toán xong xuôi. Ông Phát ôm trọn phân nửa số tiền bán nhà về Sài Gòn. Trước tiên ông cho thằng con cả mấy chục ngàn đô làm vốn. Tiếp theo ông mua đất ở nghĩa trang xây cho mình ngôi mộ “hoành tráng” để nơi “an nghỉ ngàn thu” của mình không thua kém ai. Còn lại ông mở trương mục (tài khoản) tiết kiệm ở ngân hàng Vietcombank.
Ở nhà thằng con cả vài tháng, con dâu tỏ thái độ bực bội mỗi khi ông đi sớm về khuya. Nó không còn kính trọng và chăm lo cho ông những bữa ăn chu đáo như trước. Tình trạng mỗi ngày một căng thẳng, ông cảm thấy không thoải mái. Thế là ông dọn qua ở luôn với con “bồ nhí”.
Ở đây ông phải trả tiền thuê nhà, bao cho con “bồ nhí” mọi thứ, coi như mất toi gần hết số tiền hưu hằng tháng từ Mỹ rót vào trương mục của ông. Mỗi tháng ông phải rút tiền trong trương mục 500 USD, mới đủ cung phụng những trò đú đởn vui chơi. Nhưng ông nhẩm tính: số tiền hiện có trong ngân hàng, với phân lời 5,6% một năm, rồi lãi mẹ đẻ lãi con thì mỗi tháng rút ra 500 dollar chẳng là bao – dù cho sống lâu như ông Bành Tổ cũng tiêu chưa hết tiền. Thế là ông cứ ung dung…
Sau ba tháng sống chung, con bồ nhí xúi ông mua nhà. Nó phân tích: “Mỗi tháng anh trả 500 đô tiền thuê nhà, em thấy ‘xót’ quá! Như tiền cột canh chim. Chi bằng mua cái nhà để giữ vốn. Nhà cửa Sài Gòn mỗi ngày một tăng giá, mai sau anh chán ở đây trở về Mỹ, bán đi cũng có khối tiền. Bây giờ bà chủ kêu bán cái nhà này với giá rất hời. Vì già cả, bả không biết giá thị trường nên kêu giá chưa tới phân nửa."
Nghe ra “chí phải!” Đời người “sống có cái nhà, thác có cái mồ”. Ông đã có cái mồ, bây giờ mua cái nhà, thế là trọn vẹn.
Nhưng từ ngày chính thức có cái nhà, ông Phát nếm trải những điều bực mình: Con bồ nhí thường xuyên vắng nhà. Khi nó đi vắng, không biết ai xúi giục bọn trẻ nhỏ trong xóm cứ tụ tập trước nhà, hát: “Trâu già thích gặm cỏ non – Răng trên không có lấy gì để nhai” (Trời sinh trâu bò hàm trên không có răng). Tiếp theo là mấy thằng choai choai đến gõ cửa, bảo: “Ông già cho vài trăm đi uống cà phê coi.” Cái giọng xấc láo làm ông tức lắm, nhưng không dám cự nự vì có lần ông quát tháo, chúng rút dao hăm dọa, ông đành xuống nước, nhưng cũng ra oai: “lần này tao cho, nhưng đừng đến quấy rầy tao nữa.” Nói thế, nhưng lâu lâu chúng vẫn trở lại. Nhưng thằng công an khu vực mới là “cục bướu” trong cổ. Mỗi tháng ông phải đóng “hụi chết” cho nó trăm đô, nó mới để ông yên. Đó là chưa kể cuối tuần nó đến rủ ông ăn sáng, dĩ nhiên là ông phải trả tiền. Những bực bội đó cộng với đồ ăn, thức uống độc hại do con bồ nhí cung cấp làm ông sinh bịnh đau bao tử. Ngày nào ở với thằng con cả, con dâu chăm sóc cho ông những bữa ăn rất chu đáo - nó lựa rau sạch, thịt cá không phải loại nuôi công nghiệp, dù giá đắt gấp đôi. Bây giờ con bồ nhí lựa những thứ đồ ăn bán rẻ nhất làm bữa cho ông. Nó chỉ cần thêm một ít phụ gia của Trung quốc cho ông thấy ngon miệng.
Cứ thế, sức khỏe của ông mỗi ngày một sa sút. Cho đến một hôm ông phải vào nhà thương cấp cứu. Qua hội chẩn lâm sàng, các Bác sĩ cho biết cần phải có các cuộc thử nghiệm và điều trị đặc biệt và phải chuyển qua bệnh viện lớn mới có đầy đủ phương tiện chữa trị. Ở đây ông được chữa trị theo kiểu “tiền trao cháo múc”- nghĩa là ứng tiền trước chữa trị sau. Cứ thế, mỗi lần xét nghiệm phải trả năm, ba triệu; hai lần giải phẫu phải trả tiền tỷ. Đó là chưa kể tiền “lót tay” cho y tá, bác sĩ để được chăm sóc đặc biệt. Thằng con thương cha, tốn bao nhiêu nó cũng ráng gồng mình. Một tháng nằm bệnh viện, số tiền trong ngân hàng của ông Phát đã cạn. Ông nhắc thằng con lấy cái bảo hiểm sức khỏe ông đã mua hơn tám trăm ngàn đồng/một năm (tiền Việt Nam) ra mà xài. Thằng con cười như mếu nói với cha: “cái bảo hiểm đó chỉ xài cho đau bụng, nhức đầu thôi”. Bây giờ thì mấy chục ngàn ông cho nó trước đây cũng đem ra xài, nhưng vẫn không đủ, phải lấy thêm số tiền vợ chồng nó chắt chiu dành dụm bấy lâu nay để trả “viện phí”, cứu sống cha. Cuối cùng chẳng còn gì, chẳng biết xoay xở, vay mượn vào đâu, nó đành phải đưa cha rời khỏi bệnh viện. Bịnh tình ông Phát đã qua nguy kịch, nhưng nếu có tiền nằm lại tỉnh dưỡng ít lâu sẽ tốt hơn. Nhưng đành chịu… phải về!
Trên đường về nhà ông Phát than với con: “Ở Mỹ khi đau bịnh vào nhà thương, họ chữa trước rồi tính tiền sau, nếu không có tiền trả một lần thì trả góp. Còn ở cái nước đáng sống này thì ngược lại, không có tiền trả trước, coi như tiêu tùng…”
Xe đậu trước cửa, cảnh nhà trông khang khác, ông Phát tra chìa khóa nhưng mở cửa không được. Gần một tháng nằm bệnh viện, con bồ nhí chẳng vào thăm, bây giờ mở cửa không được làm ông Phát phát cáu. Ông vừa đập cửa vừa gào: “Em ơ!”
Chừng năm phút sau, một gã thanh niên ra mở cửa, mặt hằm hằm, hất hàm hỏi:
- Ông tìm ai?
- Cô Vân!
- Nó biến rồi!
Ông Phát thều thào:
- Tôi mua căn nhà này cho cô ấy ở. Bây giờ biến đi đâu?
Gã thanh niên nổi cơn thịnh nộ, gằn giọng:
- Thì ra là ông! Cút ngay! Trong khi tôi đi lao động nước ngoài, con vợ lăng loàn dám đem trai vào nhà tôi giở trò đồi bại. Cút xéo ngay! Đừng để tôi nổi giận… ra tay!
Ông Phát chưng hửng! Trước sự hung hãn của gã làm ông Phát hơi nhợn, ông lắp bắp:
- Tôi còn đồ đạc trong nhà…
- Đốt sạch rồi! Cút ngay cho khuất mắt! Đừng đứng đó mà lải nhải - ông cho ăn đòn bây giờ!
Ông Phát thất thểu quay ra xe với thằng con đang đứng đợi. Lòng ông đau như cắt!
Thằng con hỏi:
- Bây giờ về đâu hở ba?
- Đưa ba đến khách sạn xa nơi đây.
Trên đường đi đến khách sạn, ông Phát trông thấy gã thanh niên khi nãy chở “con bồ nhí” vượt qua mặt. Ông run lên như sắp ngã xuống xe. Thằng con hoảng hốt hỏi: “Ba làm sao thế?” Ông ôm chặt lưng thằng con. Im lặng!
Thằng con thương cha nhưng không thể đưa ông về nhà mình lúc này. Làm sao nó chịu được sự khinh rẻ của vợ nó đối với cha trong tình cảnh như vầy…
Ngày hôm sau, thằng con thuê một phòng trọ khá đầy đủ tiện nghi, có một bà già lo việc nấu ăn và giặt giũ cho ông. Với một ngàn dollar tiền hưu hằng tháng đủ để trang trải mọi chi phí. Nó cẩn thận ghi số phone, địa chỉ của nó vào cell phone của cha để ông liên lạc khi cần.
Nằm trong nhà trọ quạnh hiu, ông Phát gọi phone cho mấy ông “già dịch” trước đây đến rủ ông đi chơi giải trí để tán gẫu cho đỡ buồn, nhưng không gặp ai. Được biết, bây giờ chúng nó đã trở lại Hoa Kỳ để kịp chích Vaccine Covid -19, đợt đầu.
Ngán ngẩm sự đời, ông viết thư hỏi ông bạn làm cùng hãng trước đây, bây giờ đang ở trong nhà dưỡng lão về các thủ tục xin Medicaid và xin vào nhà dưỡng lão. Hơn hai tuần sau ông nhận được hồi âm. Trong thư ông bạn giải thích, hướng dẫn các thủ tục và cho biết cuộc sống của ông bây giờ thoải mái, thảnh thơi: Đau bịnh nặng thì vào nhà thương miễn phí, đi Bác sĩ khám bệnh có xe đưa đón, toa thuốc chỉ trả đôi ba đô la, ăn ở trong nhà dưỡng lão trả theo lợi tức income…v…v… Như trường hợp của ông chỉ trả khoảng 150 USD/một tháng. Ông bạn khuyến khích ông Phát: “Về đây sống cho khỏe cái thân già”.
Cuối thư ông bạn cảnh báo vài câu thơ “cà khịa”:
“Ở đây không có ‘chùm khế ngọt’ (*) nhưng có nhiều nhà thương”
“Ở đây không có ‘vòng tay ấm’ (*) nhưng tuổi già không lạnh chân”
“Ở đây không có ‘cầu tre nhỏ’ (*) nhưng có nhà dưỡng lão thênh thang”
“Ở đây không ‘chỉ một mẹ thôi’ (*) nhưng có tình thương của nhiều bà mẹ”
Ông Phát ngán ngẩm cái nước “đáng sống” nhất trong mười quốc gia đáng sống trên thế giới. Ông Thủ tướng ‘Ma dê’ bảo rằng: “Cái cột điện ở Mỹ mà biết đi, nó cũng tìm cách sang Việt Nam.” Mấy “thằng già dịch” nói rằng y tế Việt Nam bây giờ hiện đại, chẳng kém các nước văn minh, nhưng giá chữa trị rẻ như bèo… Ai nói gì thì nói, ông cũng quyết định quay về Mỹ.
Nhưng “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Ngày ông định về Mỹ là những ngày Sài Gòn có lịnh phong tỏa - chống dịch! Ai ở nhà đó. Bộ đội, công an canh phòng nghiêm ngặt, nhưng dịch Covid-19 cứ bùng phát mạnh. Rủi thay! Ông Phát bị nhiễm Covid-19 nặng.
Một buổi chiều mùa hè thê thảm, ngồi bó gối trong nhà, thằng con trai nhận được hung tin qua chiếc điện thoại di động: “Ông Nguyễn Phúc Phát nhiễm Covid-19 đã chết, được bộ đội đưa đi hỏa thiêu. Thân nhân chờ sẽ có thông báo đến nơi nhận tro cốt”.
Thằng con chết điếng chẳng biết làm sao? Và nó cũng chẳng làm gì được trong lúc chính quyền cấm dân ra khỏi nhà. Chỉ còn chiếc điện thoại di động giúp nó liên hệ một vài nơi để lo việc hậu sự cho cha.
Ban đầu nó gọi phone hỏi người chú họ, ông ta cho biết: “Mấy ngày nay, chết nhiều quá, nhà hoả thiêu cho năm xác thiêu cùng một lúc, rồi tán ra chia đều 5 hũ, giao cho thân nhân. Người ta đồn đãi như thế, không biết ba cháu có ở trong trường hợp này không?”
Thằng con lo lắng tự hỏi: Nếu một hũ chứa tro cốt 5 người mà đem chôn vào phần mộ cha nó thì không ổn. Năm người chen chúc nhau trong một ngôi mộ thì làm sao cha nó được bình yên nơi chốn “an nghỉ ngàn thu?”
Nó phone hỏi một nhà sư. Sư khuyên nên đem gởi vào chùa. Nhưng ở chùa mỗi chỗ để hũ tro giá tiền khác nhau. Để nơi sáng sủa diện tiền giá cao ngất ngưởng, ngoài khả năng của nó, mà để chỗ tối tăm khuất lấp thì tủi vong linh cha nó. Vì sinh tiền ông luôn luôn thích nơi “hoành tráng”. Đó là chưa kể hằng năm phải đóng thêm tiền chỗ.
Đem về thờ trong nhà thì vợ nó nhất mực phản đối. Vì vợ nó đã hỏi bà thầy bói, bà bảo: “Năm hài cốt biết ai là ma, ai là Phật . Đem về thờ chẳng khác nào rước quỷ vào nhà - sẽ tán gia bại sản."
Nó phone qua hỏi mẹ thì mẹ nó bảo: - “Tùy duyên mà định phận con ạ”. Mơ hồ quá! Nó chẳng biết làm sao?
Nó hỏi ông thầy địa lý người Tàu, ông bảo: “Cha nị chết vì cái ‘tiểu khẩu’, vậy phải tán nơi ‘đại khẩu’.” Đại khẩu là nơi nào, ông không nói rõ? Thằng con điên cái đầu!
Có người khuyên: "Đem tro cốt rải trên sông, trên biển." Như vậy thì ngôi mộ “hoành tráng” cha nó đã xây để trống hay sao? Phí quá!
Nó định lên báo hỏi mục “Gỡ rối tơ lòng”, nhưng báo đóng cửa.
Lòng nó rối bời … nó chưa tìm ra đáp số nơi để hũ hài cốt của cha. Nó định ngày mai lên Facebook thỉnh vấn các bậc cao nhân.
Nhân đây, mời quý bạn đọc có cao kiến gì xin góp ý cho thằng con hiếu thảo. Tội nghiệp nó!
Lê Đức Luận
(Đặc San Lâm Viên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét