Nhà báo Phạm Đoan Trang bị truy tố tội "tuyên truyền chống nhà nước" sau một năm bị giam giữ.Nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố “vì có hành vi tuyên truyền chống nhà nước” sau một năm bị công an giam giữ. Theo truyền thông trong nước, VKSND TP Hà Nội ban hành cáo trạng hôm 18/10 truy tố bà Trang, người từng làm việc cho báo nhà nước trước khi trở thành một nhà báo tự do, theo điều 88 Bộ luật Hình sự 1999. Đây là điều luật tương ứng với Điều 117 của BLHS 2015, với mức án có thể lên tới 20 năm tù giam.
<!>
Trước đó trong ngày 18/10, luật sư Đặng Đình Mạnh, người sẽ là một trong những luật sư tham gia bào chữa cho bà Trang, nói với VOA rằng phiên toà xét xử sơ thẩm đối với nhà báo độc lập 43 tuổi này sẽ diễn ra vào ngày 4/11.
Bà Trang, tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có “Chính trị Bình dân”, bị bắt vào ngày 7/10 năm ngoái, chỉ vài giờ sau khi các quan chức Mỹ và Việt Nam kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước. Cuộc điều tra đối với bà Trang kết thúc hồi cuối tháng 8 năm nay và hồ sơ vụ án được Công an TP Hà Nội chuyển qua VKSND thành phố truy tố và xét xử.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 10 năm ngoái ra tuyên bố bày tỏ quan ngại ngay sau khi bà Trang bị bắt và cho biết Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ vụ bắt giữ nhà báo độc lập mà Bộ Công an Việt Nam cho là “có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong” như Việt Tân và VOICE.
Theo cáo trạng được Tuổi Trẻ trích dẫn, trong thời gian từ 16/11/2017 đến 5/12/2018, bà Trang, còn là một blogger có tiếng trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, bị cáo buộc “có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Các tài liệu mà bà Trang bị quy kết tàng trữ gồm “Báo cáo tóm tắt về thảm hoạ môi trường biển Việt Nam”, “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”, “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng Việt Nam”, theo Công an Nhân dân.
Cáo trạng, do Người Lao Động trích dẫn, còn nói rằng các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền “luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách” của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
LS Mạnh cho rằng điều luật “tuyên truyền chống nhà nước” không nên có trong bộ luật hình sự vì nó “vô hình chung phủ nhận quyền tự do ngôn luận mà hiến pháp quy định”. Theo vị luật sư từng nhiều lần bào chữa cho các nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến, bất kỳ người dân nào cũng có quyền phê bình, chỉ trích hay phân tích về những chính sách của Đảng và chính phủ.
Viện kiểm sát còn cáo buộc bà Trang có hành vi trả lời phỏng vấn đài nước ngoài BBC News Tiếng Việt và Đài Á châu Tự do (RFA) với các phát ngôn “xuyên tạc đường lối chính sách của Nhà nước”.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ bà Trang của chính quyền Việt Nam và kêu gọi thả tự do cho nhà báo từng được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trao giải thưởng Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng vào năm 2019. Một luật sư nhân quyền quốc tế người Kurd đã nộp hồ sơ vụ án Phạm Đoan Trang lên Nhóm công tác Liên Hợp Quốc về Giam giữ tuỳ tiện. Hồi cuối tháng 8, các tổ chức nhân quyền và phi chính phủ đã kêu gọi sự trợ giúp của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong việc đòi tự do cho bà Trang khi gặp mặt với các lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội.
Bà Trang nằm trong số những nhà hoạt động nhân quyền được Tổng thống Barack Obama mời tới gặp mặt khi công du Hà Nội vào tháng 5/2016 nhưng giới hoạt động cáo buộc rằng công an đã “bắt cóc” bà ngay trước cuộc gặp với tổng thống Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét