Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Nam-Bắc Triều Tiên trong vòng xoáy chạy đua vũ trang tên lửa - RFI

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In ngồi bên trong một chiếc phi cơ FA-50 Fighting Eagle đến phi trường quân sự Seoul nhân Triễn Lãm Hàng Không Không Gian và Quốc Phòng Quốc Tế Seoul 2021 (ADEX), mở ra tại Seongnam (Hàn Quốc) ngày 20/10/2021. via REUTERS - YONHAP NEWS AGENCY Vụ phóng tên lửa hôm thứ Ba của Bắc Triều Tiên là thí dụ mới nhất về cuộc chạy đua vũ trang giữa hai miền Triều Tiên. Seoul quyết định phát triển nhanh chóng hệ thống vũ khí của mình. Một xu hướng khiến giới quan sát tình hình trong khu vực không khỏi lo ngại. Điều gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, thùng thuốc súng ở Đông Bắc Á ?
<!>

Tên lửa đạn đạo phóng hôm 19/10/2021 vừa qua là vụ thử tên lửa thứ tư của Bình Nhưỡng kể từ đầu tháng 9, sau một thời gian im ắng được 6 tháng. Việc trở lại các hoạt động quân sự như vậy diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực tiếp diễn, các kênh đối thoại bế tắc hoàn toàn.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un không chú tâm biểu dương sức mạnh quân sự chỉ để cố đánh tiếng với kẻ thù Bắc Mỹ, như vẫn làm thường lệ. Những vụ thử tên lửa gần đây đang được phần đông các nhà quan sát nhìn nhận dưới góc độ của một cuộc chạy đua vũ trang với mật độ ngày hối hả giữa hai người anh em thù địch Nam- Bắc Triều Tiên.

Sebastian Harnisch, chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc Đại học Heidelberg của Đức nhận định trên kênh truyền hình Pháp France 24: « Hiện nay leo thang chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra nhanh chóng và đạt đến cao độ ». Timothy Wright chuyên gia về các vấn đề quân sự thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Luân Đôn cũng khẳng định: « Trên phương diện kiểm soát phổ biến vũ khí, tình hình đã xấu đi rõ rệt những tháng qua ở trong vùng».

Tuy nhiên, Seoul trên thực tế không khoanh tay nhìn Bình Nhưỡng liên tiếp bắn tên lửa. Hàn Quốc hôm 19/10, đã khai mạc một cuộc triển lãm vũ khí lớn nhất trong lịch sử. Trước đó một tuần Bình Nhưỡng cũng có hoạt động hoàng tráng không kém, trưng bày đủ loại tên lửa hạng nặng hiện đại. 

Hàn Quốc đã chứng minh khả năng tấn công quân sự riêng của mình. Chính phủ nước này thông báo hồi giữa tháng 9, đã thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm thông thường. Vài ngày sau đó, Seoul khẳng định đã phát triển được loại tên lửa hành trình tầm xa mới. Nhưng thông báo của Seoul được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công tên lửa siêu thanh từ đoàn tàu lửa.

Từ tháng 4/2021, Hàn Quốc đã gia nhập câu lạc bộ gồm rất ít các nước (khoảng trên một chục quốc gia) có chiến đấu cơ siêu âm. Hàn Quốc cũng đã không bỏ lỡ các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với Hoa Kỳ hồi tháng 8, cho dù Bình Nhưỡng vẫn chính thức tố cáo các cuộc tập trận kiểu như vậy là sự chuẩn bị cho động thái đổ bộ xâm lược.

Seoul, Bình Nhưỡng từ lâu nay vẫn tìm cách hăm dọa nhau bằng quân sự. « Đó là sự lựa chọn an ninh thường trực và cũ xưa. Mọi phát triển quân sự ở bên này khu phi quân sự đều được nhìn nhận như là mối đe dọa của phía bên kia giới tuyến. Điều này khiến cho cả hai cùng lao vào phát triển hệ thống vũ khí để có thể năng răn đe đối thủ », Antoine Bondaz nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS) giải thích với France 24.

Tăng tốc chạy đua vũ trang

Theo chuyên gia Timothy Wright, cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 miền đã bắt đầu từ năm 1998 khi Bắc Triều Tiên bắn quả tên lửa đầu tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Từ đó trở đi, Hàn Quốc phát triển và cải thiện các tên lửa có khả năng phá hủy các hầm ngầm, bunker mà bộ chỉ huy Bắc Triều Tiên bao gồm cả Kim Jong Un có thể sẽ trú tại đó trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Bình Nhưỡng « ý thức được họ không thể đọ được sức mạnh trong lĩnh vực vũ khí quy ước nên tập trung mọi năng lực vào sức mạnh hạt nhân, tên lửa đạn đạo hoặc tấn công mạng », chuyên gia Antoine Bondaz giải thích.

Nhưng giai đoạn hiện nay đánh dấu sự tăng tốc trong chạy đua vũ trang, nhất về quy mô cải thiện công nghệ trong kho vũ khí của cả hai miền, Timothy Wright nhận định.

Mỹ bật đèn xanh cho Hàn Quốc ?

Về phía Hàn Quốc, nước này giờ đây không còn bị ràng buộc hạn chế phát triển tên lửa. Cuối thập niên 1970, Washington đã áp đặt một loạt giới hạn với Seoul nhằm tránh phổ biến vũ khí trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng từ 2017, khi Bắc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, Washington đã dần dần gỡ bỏ các hạn chế với Seoul. Hồi tháng 5/2021, chính tổng thống Joe Biden đã bỏ giới hạn cuối cùng về tầm bắn tối đa cho tên lửa Hàn Quốc. Hệ quả có ngay sau đó là « Hàn Quốc tăng ồ ạt ngân sách quốc phòng để phát triển khả năng hệ thống tên lửa », theo chuyên gia Antoine Bondaz.

Phát triển kho tên lửa, Hàn Quốc không chỉ nhằm đe dọa Bình Nhưỡng mà còn mang mục tiêu đối nội. Chuyên gia Sebastian Harnisch nhận định: « Phát triển khả năng quốc phòng còn là lập luận mang tính chính trị của tổng thống Moon Jae In để củng cố lòng tin của dân chúng ». Thêm vào đó phát ngôn của cựu tổng thống Donald Trump hồi 2018 về khả năng cắt giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc khiến cho Seoul cảm nhận thấy không nên quá tin cậy vào đồng minh Mỹ, cần phải tự mình phát triển kho tên lửa của mình.

Những yếu tố như vậy rõ ràng là căn nguyên của việc leo thang chạy đua vũ trang giữa hai miền Nam-Bắc và đang có nguy cơ biến bán đảo Triều Tiên thành thùng thuốc súng thực sự. Mục tiêu giải trừ quân bị cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên xa vời, và các cuộc thương lượng với Bắc Triều Tiên có được nối lại, cũng sẽ phức tạp hơn.

Không có nhận xét nào: